Một số quan niệm về đặc trưng văn học của Thiếu Sơn - Nguyễn Thị Hải Phương

Tài liệu Một số quan niệm về đặc trưng văn học của Thiếu Sơn - Nguyễn Thị Hải Phương: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0085 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 65-70 This paper is available online at MỘT SỐ QUAN NIỆM VỀ ĐẶC TRƯNG VĂN HỌC CỦA THIẾU SƠN Nguyễn Thị Hải Phương Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Có thể nói, việc xác định đặc trưng của văn học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là vấn đề then chốt của lí luận văn học. Thiếu Sơn, một nhà nghiên cứu phê bình văn học khá tiêu biểu của giai đoạn 1930-1945, cũng đã có những ý kiến sâu sắc bàn về vấn đề này. Ông luôn đề cao tính chất nghệ thuật, tính chất thẩm mĩ của văn chương, khẳng định văn chương phải gắn liền với cái đẹp. . . Ông xem đó chính là phẩm chất đặc thù của văn chương, là tiêu chí quan trọng mang tính quyết định để phân biệt văn chương với các hình thái ý thức khác như tôn giáo, chính trị, triết học. . . Từ khóa: Thiếu Sơn, đặc trưng của văn học, yếu tố thẩm mĩ. 1. Mở đầu Nói tới đặc trưng của văn học chính là ta đang nói tới những đặc ...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 319 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số quan niệm về đặc trưng văn học của Thiếu Sơn - Nguyễn Thị Hải Phương, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0085 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 65-70 This paper is available online at MỘT SỐ QUAN NIỆM VỀ ĐẶC TRƯNG VĂN HỌC CỦA THIẾU SƠN Nguyễn Thị Hải Phương Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Có thể nói, việc xác định đặc trưng của văn học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là vấn đề then chốt của lí luận văn học. Thiếu Sơn, một nhà nghiên cứu phê bình văn học khá tiêu biểu của giai đoạn 1930-1945, cũng đã có những ý kiến sâu sắc bàn về vấn đề này. Ông luôn đề cao tính chất nghệ thuật, tính chất thẩm mĩ của văn chương, khẳng định văn chương phải gắn liền với cái đẹp. . . Ông xem đó chính là phẩm chất đặc thù của văn chương, là tiêu chí quan trọng mang tính quyết định để phân biệt văn chương với các hình thái ý thức khác như tôn giáo, chính trị, triết học. . . Từ khóa: Thiếu Sơn, đặc trưng của văn học, yếu tố thẩm mĩ. 1. Mở đầu Nói tới đặc trưng của văn học chính là ta đang nói tới những đặc điểm riêng mang tính chất đặc thù, là tiêu chí để phân biệt văn học với các hình thái ý thức xã hội khác, là lí do quyết định sự tồn tại không gì thay thế được của văn học trong suốt chiều dài lịch sử. Có thể nói, việc xác định đặc trưng của văn học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là vấn đề then chốt của lí luận văn học. Mọi lí thuyết văn học đều phải làm rõ vấn đề “văn học là gì?”. Và hầu như không một nhà nghiên cứu nào khi cầm bút lại không suy nghĩ đến đặc trưng của văn học. Thiếu Sơn, một nhà nghiên cứu phê bình văn học khá tiêu biểu của giai đoạn 1930-1945, cũng đã có những ý kiến sâu sắc bàn về vấn đề này. Thiếu Sơn (1908 - 1978) bắt đầu bước vào làng phê bình văn học năm 1931 với khá nhiều bài viết in trên các tờ báo như Nam Phong tạp chí, Phụ nữ tân văn... Năm 1933, Thiếu Sơn cho ra đời cuốn sách Phê bình và cảo luận. “Với Phê bình và cảo luận, ông được coi là một trong những người mở đầu cho phê bình văn học bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam” [5;1681]. Đây là “một cuốn sách phê bình có tầm cỡ, đánh dấu sự phát triển với tốc độ mau lẹ của phê bình hiện đại Việt Nam những năm từ 1930 trở đi” [4]. Trong lời giới thiệu Phê bình và cảo luận, Phan Khôi đã bày tỏ sự trân trọng của mình, ông cho đó là "những bài văn hay" là "hột gạo no nê nguyên vẹn": "Mới ngó như khí sơ lược một chút, nhưng xem kĩ thì thấy tác giả cốt trọng về đại thể, chứ không cầu toàn (...) đúng với phương pháp phê bình" [1;15]. Sau Phê bình và cảo luận, Thiếu Sơn tiếp tục viết một số bài phê bình (được tập hợp trong Câu chuyện văn học) và những bài viết này cũng đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc. Trong các bài phê bình của mình, Thiếu Sơn đã đề cập đến nhiều vấn đề trong đó đáng chú ý là những quan niệm về đặc trưng văn học. Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/9/2016 Liên hệ: Nguyễn Thị Hải Phương, e-mail: haiphuongdhsp@yahoo.com 65 Nguyễn Thị Hải Phương 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Quan niệm văn chương phải gắn liền với cái đẹp Đặc trưng tiêu biểu nhất mà Thiếu Sơn nêu ra là văn chương phải gắn liền với cái đẹp. Ông khẳng định: “Văn chương chỉ cần có một chủ nghĩa là kiếm tìm và phô bày cái đẹp” [1;334]. Với Thiếu Sơn, cái đẹp chính là tiêu chí, là dấu hiệu cơ bản để phân biệt văn học với các hình thái ý thức xã hội khác. Chẳng hạn so sánh văn học với triết học, ông khẳng định: “ Một đằng là việc tư tưởng, một đằng là việc của mĩ thuật, không thể xô bồ làm một mà bình luận hơn kém được. Nhà triết học quý ở sự phát minh chân lí, nhà văn quý ở sự trau dồi cái đẹp” [1;330]. Và Thiếu Sơn chủ trương: “Người nào muốn sống với văn chương trước hết phải biết phải giải phóng cho linh hồn, phải thoát li được hết thảy những thành kiến về luân lí, về xã hội về chính trị, về tôn giáo mà chỉ biết có nghệ thuật mà thôi” [1;334]. Trong suy nghĩ của ông, nhà văn muốn sáng tác được những tác phẩm văn chương có giá trị thì phải quên đi tất cả những ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống, nhà văn chỉ biết đắm mình trong vương quốc của cái đẹp mà thôi: “Đời còn có những bất công, còn có những điều vô đạo, còn có những cảnh nghèo nàn khốn khổ thì còn có những kẻ không bằng lòng chứ sao? Song nhà nghệ sĩ đâu có biết đến những cái đó. Nhà nghệ sĩ cũng phải chịu nhiều nỗi thiệt thòi đau thương của người đời, nhưng vì quá bằng lòng trong thế giới văn chương mĩ thuật mà đã có một trạng thái linh hồn cao hơn cả đời thực tại” [1;336]. Ông quan niệm cuộc sống của nhà văn mỗi khi được đắm chìm trong thế giới văn chương mĩ thuật “tự nó đã mãn nguyện rồi”, “không cần tô điểm”. Cũng theo Thiếu Sơn, tác phẩm văn chương sẽ thực sự góp phần vào công cuộc cải tạo xã hội, thực sự có công với xã hội loài người “nếu trong thiên hạ còn có nhiều người còn biết yêu nghệ thuật, nhờ thưởng thức các công trình của chúng tôi mà quên được những nhỏ nhen, ti tiện ở cõi đời để sống chung vui với chúng tôi trong một thế giới đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn” [1;336]. Như vậy, quan niệm văn chương gắn liền với cái đẹp của Thiếu Sơn có những điểm đúng đắn, sâu sắc nhưng cũng có những điểm cực đoan cần phải xem xét lại. Việc Thiếu Sơn nhìn thấy đặc trưng của văn chương là “tìm kiếm và phô diễn cái đẹp” là đúng đắn. Đến với văn chương, người đọc không chỉ được đắm mình trong vẻ đẹp của mây, gió, trăng hoa; của những tâm hồn trong sáng, tha thiết với cuộc đời mà còn được đến với vẻ đẹp của sự sáng tạo, vẻ đẹp của ngôn ngữ, nhạc điệu. Có thể nói, cái đẹp là địa hạt hợp pháp của nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng. Nếu thiếu chất đẹp thì văn chương không thể nào tồn tại. Biêlinxki đã từng nói: “Cái đẹp là điều kiện không thể nào thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có và không thể có nghệ thuật. Đó là một định lí”. Cái “chân”, cái “thiện” của văn chương chỉ có thể được phát huy tác dụng khi nó hài hoà với cái “mĩ”, thấm đẫm chất “mĩ”. Quan niệm này của Thiếu Sơn có nét gần gũi với quan niệm của Hoài Thanh. Suốt cả cuộc đời cầm bút của mình Hoài Thanh luôn tâm niệm: “Tìm kiếm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật, tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình” [2;140]. Hoài Thanh cho rằng nhiệm vụ tối cao của nghệ thuật là “tìm những cái hay, cái đẹp, cái lạ trong cảnh trí thiên nhiên và trong tâm linh người ta rồi mượn câu văn, tiếng hát, tấm đá, bức tranh làm cho người ta cùng nghe, cùng thấy, cùng cảm” [2;140]. Và sau này, Nguyễn Huy Thiệp cũng khẳng định: “Vì là một bộ môn nghệ thuật, văn học không thể xem nhẹ giá trị thẩm mĩ” [2]. Ông đã dùng từ “tín ngưỡng” để nói về cái đẹp văn chương: “Ý thức tín ngưỡng hướng thượng khác với mê tín dị đoan. . . ý thức tín ngưỡng hướng thượng vươn lên sự cao cả. Chân lí cái đẹp, sự tuyệt đối phải là những hòn than đỏ từ trong tác phẩm của nhà văn” [3]. Một điểm đáng ghi nhận nữa trong quan niệm về cái đẹp văn chương của Thiếu Sơn là ông đã chỉ ra cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Tiếp xúc với cái đẹp của văn chương, tâm hồn ta trở nên trong sáng hơn, nhạy cảm hơn; ta yêu hơn, tin ở cuộc đời, ở con người. Nếu nói 66 Một số quan niệm về đặc trưng văn học của Thiếu Sơn bản chất của con người là nghệ sĩ thì bản chất này sẽ được phát triển tối đa khi tiếp xúc với văn chương. Thông qua việc “phô bày khéo” cái đẹp của cuộc sống, nhà văn làm dấy lên trong từng người đọc khát vọng tự hoàn hiện mình để vươn lên chân trời của chân - thiện - mĩ. Cái đẹp của văn chương không những có tác dụng đối với người tiếp nhận mà còn đối với bản thân người sáng tác. Thiếu Sơn đã chỉ ra trong quá trình “kiếm tìm và phô diễn cái đẹp”, nhà văn đã có “một cái trạng thái linh hồn cao hơn cảnh đời thực tại”. Đó là giây phút tâm hồn nhà văn được thăng hoa; nhà văn có thể tạm quên đi những bi kịch, những đau khổ trong cuộc đời thực của mình. Hàn Mạc Tử sáng tác thơ như là một sự giải thoát khỏi những cơn đau đớn, bấn loạn cả tâm hồn lẫn thể xác. Những nhà văn như Buzacop, Paxtenac. . . đã vượt qua được những bi kịch của đời sống chỉ vì họ còn thấy niềm vui trong sáng tạo. Nói như Chế Lan Viên khi sáng tác, nhà văn không còn là người bình thường nữa mà là người mơ, người say, là yêu, là ma. . . Còn Léptônxtôi lại khẳng định thân phận nhà thơ cao hơn thận phận của chính bản thân anh ta. Chính vì thế, chúng ta không nên đồng nhất giữa tư cách nghệ sĩ và tư cách công dân của một nhà văn. Thiếu Sơn cũng đã lấy một số ví dụ để chứng minh sáng tác văn chương là một hình thức nhà văn muốn thoả nỗi khát khao mà trong cuộc đời thực anh ta không có được. Chẳng hạn Rousseau gặp nhiều mĩ nhân đáng yêu mà ông không được yêu nên ông viết ra bộ Nouvelle Holoise. Hay như Balzac, hồi mới lên Paris, còn nghèo cực phong trần; thấy những cảnh rực rỡ của kinh thành, thấy những vẻ thanh lịch của bạn gái, ông đã nuốt bao nhiêu sự thèm muốn ước ao. Nhân đó, mà ông sáng tạo ra một nhân vật có “miếng da lừa” để tận hưởng hết thảy những cái mà đời thực không làm vừa lòng ông. Như vậy, có thể nói văn chương chính là thế giới thứ hai của con người, do con người sáng tạo ra để thoả mãn những khao khát của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đúng đắn, quan niệm về cái đẹp trong văn chương của Thiếu Sơn cũng còn có những chỗ cực đoan. Ông đã tuyệt đối hoá cái đẹp trong văn học, xem “văn chương chỉ cần có một chủ nghĩa là kiếm tìm và phô diễn cái đẹp” [1;334]. Dẫu biết rằng cái đẹp là yếu tố quan trọng nhưng nó không phải là tất cả, cuộc sống này còn có biết bao nhiêu điều khác nhà văn cần phải quan tâm. Từ chỗ tuyệt đối hoá cái đẹp trong văn học, Thiếu Sơn đã đi đến chỗ cắt đứt mối quan hệ giữa văn chương với mục đích cải tạo cuộc sống, với các lĩnh vực luân lí, xã hội, chính trị, tôn giáo. Ông đã cho rằng nhà văn khi sáng tác nên khép mình lại trong tháp ngà của nghệ thuật, nên “bằng lòng trong thế giới văn chương của mĩ thuật, nên quên đi những biến động của cuộc đời; quên đi những bất công, những điều vô đạo những nỗi nhỏ nhen ti tiện của cõi đời” [1;336]. Để tăng tính thuyết phục cho ý kiến của mình, Thiếu Sơn đã kể lại câu chuyện về danh hoạ Côrot. Hồi cách mạng năm 1848, nhà danh hoạ này ngồi vẽ trên bờ sông Seine. Ông mải miết tới nỗi không nghe tiếng súng bắn đùng đùng, dạn bay qua tai. Ít ngày sau ông hỏi bạn sao không thấy vua Louis Philippe nữa. Và khi được biết là vừa có cách mạng. Corot đã thốt lên một cách đầy ngạc nhiên: “Sao vậy ? Cũng còn có kẻ không bằng lòng ư?”. 2.2. Đề cao “tính nghệ thuật” của tác phẩm văn chương Thiếu Sơn đặc biệt đề cao “tính nghệ thuật” của tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, “tính nghệ thuật” trong quan niệm của Thiếu Sơn không phải là hình thức, là câu chữ đơn thuần mà là chất văn, chất nghệ thuật - cái làm cho tác phẩm văn chương trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Ông nói: “Theo như sự hiểu biết của chúng tôi thì hầu hết văn học nước nào cũng đều lấy nghệ thuật là gốc” [1;329]. Thiếu Sơn đã đặt “tính nghệ thuật” trong mối quan hệ với “tính học”. Ông không có ý định phủ nhận tính “học” của nhà văn - ông xem việc đó như là một lẽ đương nhiên, không cần phải bàn cãi: “Những nhà văn phần nhiều đều phải là những nhà tự học, vì chính cái học của họ đã giúp họ đủ tri thức, đủ thông minh, đủ kinh nghiệm mà sáng tác ra được những công trình bất hủ trong văn học” [1;330]. Tuy nhiên, Thiếu Sơn khẳng định nếu nhà văn chỉ có “học” mà không có phẩm chất nghệ sĩ, không có khả năng tạo ra tính “văn chương” cho tác phẩm thì nhà 67 Nguyễn Thị Hải Phương văn đó cũng sẽ không có vị trí xứng đáng trên văn đàn. “Những bậc đại khoa học sĩ như Lanson, Levsault, Vianey,. . . tuy có trước tác được nhiều sách khảo cứu và giáo khoa có giá trị nhưng cái địa vị của họ trong văn học cũng chỉ là tầm thường mà thôi” [1;330]. Chính vì lấy tính văn, tính nghệ thuật để làm tiêu chí đánh giá giá trị của tác phẩm văn chương nên Thiếu Sơn đã bác bỏ quan niệm của Phạm Quỳnh phân biệt văn chương thành hai loại “văn chương chơi” và “văn chương có ích. Trong bài Nhà viết tiểu thuyết, ông khẳng định: “Chủ ý của tôi là bác ba chữ “văn chương chơi” và không để người trong nước còn phân biệt văn chương chơi với văn chương có ích nữa. Vả lại làm sao lại gọi là văn chương chơi. Tại sao những thể thi ca và viết tiểu thuyết lại là những thể văn chơi. Tôi muốn đánh đổ cái quan niệm sai lầm để nâng cao giá trị của những nhà thơ và những nhà viết tiểu thuyết vì trong hết thảy văn học sử các nước hạng văn sĩ này vẫn có địa vị vẻ vang của họ” [1;346]. Thiếu Sơn đánh giá khá cao những tác phẩm thơ ca, tiểu thuyết bởi theo ông đó là những tác phẩm có sự kết hợp giữa tính có ích và tính văn chương; những tác phẩm đã phục vụ cuộc sống một cách có nghệ thuật. Thiếu Sơn đánh giá cao Kép Tư Bền chính vì bởi tài năng kết cấu tác phẩm của Nguyễn Công Hoan: “Cái đặc sắc của ông Hoan là ở chỗ ông biết quan sát những cái xung quanh mình, biết kiếm ra những chuyện tức cười, biết vẽ người bằng những cảnh ngộ nghĩnh thần tình, biết vấn đáp bằng những giọng hoạt kê lí thú và biết kết cấu nên thành những tấn bi hài kịch. . . Văn ông Hoan vừa vui, vừa hoạt, bao giờ cũng có giọng khôi hài dễ dãi với cách trào phúng sâu cay” [1;343]. Đồng thời, Thiếu Sơn cũng chỉ ra những tác phẩm văn chương của Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh nói riêng và của các nhà trứ thuật lớp trước nói chung thường là thiếu tính chất văn chương: “Cụ Nguyễn viết văn chỉ rặt nói chuyện luân lí đạo đức và ông Phạm chỉ chuyên khảo cứu những học thuyết Đông Tây” [1;328]. Thiếu Sơn đã nhận thấy vì quá coi trọng mục đích phục vụ xã hội nên các tác giả này chưa có điều kiện quan tâm đến tính nghệ thuật, tính văn chương của các sáng tác của mình: “Thấy sự thay đổi của thời thế, thấy sự hèn kém của quốc gia, mỗi nhà văn đều cảm thấy mình có cái thiên chức phải làm hướng đạo cho đồng bào, phải giữ việc giáo dục cho quần chúng. Vì cái thiên chức đó mà kẻ thì lo truyền bá trí thức, người thì lo cổ động dân tâm; nhà ngôn luận lo thức tỉnh đồng bào đã đành mà khách làng thơ cũng không quên gọi hồn cố quốc. Văn học hồi đó chỉ là thứ văn học thực hành, và những tác giả hồi đó chỉ dùng văn chương làm việc cho xã hội, chứ không phải là những văn sĩ như cái quan niệm của Tây Phương” [1;329]. Từ sự phân tích trên ta thấy, quan niệm đề cao tính nghệ thuật của tác phẩm văn chương của Thiếu Sơn là một quan niệm đúng đắn, sâu sắc. Quan niệm này không phải là biểu hiện của tư tưởng “hình thức chủ nghĩa” mà là thể hiện khát vọng của Thiếu Sơn muốn hướng người đọc tới phẩm chất đặc thù của văn chương. Phẩm chất đó là tiêu chí quan trọng để phân biệt văn chương nghệ thuật với các ngành khoa học khác. Cho dù tư tưởng của nhà văn có sâu sắc đến đâu, cảm xúc nhà văn có mãnh liệt, nồng nàn đến thế nào chăng nữa nhưng anh không tìm được một lối thể hiện hấp dẫn, mang tính nghệ thuật thì tác phẩm của anh cũng rất khó trong việc chinh phục người đọc. Quan điểm này rất gần với quan điểm của Hoài Thanh: “Người ta có thể đứng về phương diện xã hội để phê bình một văn phẩm, cũng như người ta có thể phê bình về phương diện triết lí, tôn giáo, đạo đức. . . Nhưng có một điều không nên quên là bao nhiêu phương diện ấy đều là phương diện phụ. Văn chương muốn gì thì gì, trước hết phải là văn chương đã” [1;142]. 2.3. Tính sáng tạo của văn chương trong việc “tả thực” Trước hết, ông lí giải thế nào là tả thực: “Tả thực là đem lại những sự mắt thấy tai nghe cho văn chương sách vở. Nhà cổ điển chỉ tả những cái hiện tượng đại đồng của tâm giới. Nhà lãng mạn chỉ tả những mối tình cảm mơ màng của thi nhân, còn nhà văn tả thực thì chẳng chịu bỏ sót một cái gì mà không nói đến tâm giới cũng tả mà ngoại giới cũng tả. Cả những cái mà xưa nay người ta vẫn chê là tầm thường thô tục không được nói vào văn học mà nay cũng thấy họ đem làm tài 68 Một số quan niệm về đặc trưng văn học của Thiếu Sơn liệu cho văn chương” [1;322]. Và Thiếu Sơn đã thực sự đánh giá cao những nhà văn chịu lặn thật sâu vào cuộc sống để tái hiện những mảnh đời chân thực, hướng tới cuộc sống của những người bình dân: “Trong phái tả thực đã có người trà trộn vào những hạng lao động thợ thuyền, luẩn quẩn ở những nơi đầu đường xó chợ, cốt để tìm tòi học hỏi cho biết cái sinh hoạt của khắp các hạng người trong xã hội. Hi sinh vì chân lí, khổ công cho văn học - những đức tính đó thật đáng quý, đáng phục vô cùng [1;322]. Và ông tin tưởng rằng “văn học của ta sẽ được hoàn toàn hơn, đầy đủ hơn nếu bình dân có địa vị trong văn học” [1;341]. “Một mai nếu có sẽ có nhiều tác giả An Nam viết được những sách có giá trị nói đến hạng lao động thợ thuyền, hạng nông phu điền dã thì văn học Việt Nam cũng sẽ bước dài trên đường tiến hoá” [1;341]. Quan niệm về hiện thực của Thiếu Sơn khá toàn diện: “Như ý tôi thì tả thực nên, nhưng phải tả hết cả sự thực chớ không nên nói cái này mà bỏ cái kia. Nhân loại không chỉ có những tụi trộm cắp, sát nhân, gian hùm xảo trá, mà còn có những người lương thiện, có bậc anh hào, có kẻ phong lưu, hảo hán, có đấng nghĩa trượng phu” [1;323]. Với một cái nhìn sắc sảo, ông đã không đồng tình với việc “những nhà văn tả thực thường có ý muốn phô trương những cái xấu hơn cái tốt, đem bề trái của xã hội mà vẽ ra hơn là đem bề mặt của nó mà diễn” [1;322]. Trong khi bàn về đặc trưng phản ánh hiện thực của văn học, Thiếu Sơn đã chỉ ra tính sáng tạo của nhà văn trong việc miêu tả hiện thực. Ông ý thức được sự không trùng khít, không đồng nhất giữa sự thực ngoài đời sống và sự thực văn chương. Ông khẳng định: “Từ cái sự thực ở thực tế đến cái sự thực văn chương vẫn còn nhiều điều khác nhau nữa” [1;351]. Sự thực cuộc sống chỉ có thể trở thành sự thực nghệ thuật khi nó thấm đẫm cảm xúc tư tưởng của nhà văn: “Tuy đã có núi non, đã có cây cối, có dòng nước bạc, có chiếc thuyền con, đủ cả những nét vẽ phong cảnh thiên nhiên nhưng nếu cái cảnh đó không có ảnh hưởng gì đến tâm hồn văn sĩ, hoặc văn sĩ đã quên không nói đến những cảm tưởng của mình thì cái bức tranh đó nào đã được hoàn toàn? Sự thực nào đã đầy đủ?” [1;351]. Nhà văn có một vai trò vô cùng quan trọng trong vệc phản ánh hiện thực: “Nhà văn sĩ tả chân chẳng phải chỉ là một anh thợ vẽ có tài mà còn phải biết tâm lí, biết lịch sử và có một tâm hồn thi sĩ nữa kia” [1;352]. Nhà văn không chỉ biết bám lấy hiện thực mà phải biết “mộng” nữa. “Lấy mộng làm thực thì không nên nhưng nếu cái mộng đã gây nên bởi sự thực chính là để bổ túc vào cho sự thực, như hình với bóng, nhà hoạ sĩ không thể nào vẽ hình mà không bỏ bóng được” [1;352]. Nhà văn phải có một năng lực tưởng tượng hư cấu diệu kì: “Tưởng tượng những cái hoang đường phi lí tuy không phù hợp với thời đại bây giờ nhưng nếu biết quan sát sự thực rồi tưởng tượng đến những cái không thể quan sát được thì ta mới thấu triệt và ý hội được nhiều sự thực thăng trầm cảm động biết bao nhiêu” [1;352]. Chính vì sự thực trong nghệ thuật là sự thực mang đậm tính quan niệm nên nó có màu sắc riêng, thời gian riêng, không gian riêng. Theo Thiếu Sơn “cái sự thực ở văn chương còn bao la rộng rãi hơn cái sự thực ở thực tế nhiều” [1;351]. Bởi vì “đã có sự thực hữu hình thì cũng phải có sự thực vô hình, có sự thực hiện tại thì có sự thực đã qua, có sự thực mở mắt mà nhìn thì cũng có sự thực nhắm mắt mà cảm” [1;352]. Điểm qua như vậy để ta thấy quan niệm về văn học phản ánh hiện thực của Thiếu Sơn là một quan niệm sâu sắc, đúng đắn. Nếu thừa nhận văn học là một hình thái ý thức thì việc phản ánh hiện thực của văn học là một quy luật, một thuộc tính. Dẫu biết rằng sáng tác văn học trước hết là một hành động tự giải toả, tự bộc lộ những “phún thạch tình yêu và những trận động đất tâm hồn” của người nghệ sĩ nhưng sẽ chẳng là gì nếu những tình cảm đó của anh không liên quan gì đến cuộc sống. Không ai phủ nhận yếu tố thăng hoa, xuất thần trong sáng tạo nghệ thuật nhưng những trạng thái tinh thần này cũng chỉ có thể có được khi ấn tượng về cuộc sống của anh đạt đến độ sâu sắc, chín muồi. Có thể khẳng định sự thật cuộc sống chính là nguồn cội để nhà văn xây dựng nên “sự thật nghệ thuật”. Mà sự thực cuộc sống đúng như quan niệm của Thiếu Sơn là muôn màu, muôn vẻ, nó đa dạng phong phú vô cùng - nó có trắng có đen; tốt - xấu; thiện - ác. . . Chính vì thế, nhà văn phải có cái nhìn bao quát toàn diện để có thể đưa vào tác phẩm của mình cái hiện 69 Nguyễn Thị Hải Phương thực ngổn ngang, bề bộn đó để giúp người đọc sau khi đọc tác phẩm “biết người, biết mình, biết cái phần cao thượng của nhân loại mà cảm phục, biết những chỗ yếu của nhân loại mà xót thương, biết những cái cảm giác đó mà phát sinh ra những tư tưởng thâm trầm về cái nhân sinh triết học” [1;324]. Tuy nhiên, phản ánh cuộc sống không có nghĩa là sao chép, chụp ảnh một cách nguyên xi. Chân lí cuộc sống và chân lí nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với nhau. Chẳng hạn Krapchenco đã từng khẳng định: “Sự thật cuộc sống và sự thật nghệ thuật không phải là một. Sự thực cuộc sống chỉ có thể trở thành sự thật nghệ thuật khi việc miêu tả con người và sự kiện, miêu tả các mối quan hệ con người trong các tác phẩm phải mang một nội dung khái quát hoá nghệ thuật”. Hiện thực trong tác phẩm là hiện thực thứ hai, hiện thực đã được nhào nặn, sắp xếp qua lăng kính chủ quan của nhà văn, nó thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. 3. Kết luận Từ sự phân tích trên ta có khẳng định quan niệm về đặc trưng văn chương mà Thiếu Sơn nêu ra tuy còn có những chỗ cực đoan, cần phải xem xét nhưng nhìn chung là khá sâu sắc. Và quan niệm đó vừa có những nét mâu thuẫn lại vừa thống nhất. Mâu thuẫn ở chỗ, một mặt thì Thiếu Sơn cho rằng nhà văn khi sáng tác nên tách khỏi cuộc sống đời thường để đắm chìm vào vương quốc cái đẹp nhưng mặt khác ông lại khuyến khích nhà văn đi sâu vào cuộc sống, hướng về những người bình dân. Nhưng tôi thiết nghĩ rằng, những mâu thuẫn này chỉ là cái vỏ bề ngoài, nó chủ yếu là do cách diễn đạt, cách nói có vẻ gai góc, cực đoan của ông mà thôi. Còn đọc kĩ các tác phẩm phê bình của Thiếu Sơn ta vẫn thấy có một sự thống nhất trong bề sâu, trong tư tưởng về văn chương của ông. Đó là việc Thiếu Sơn luôn đề cao tính chất nghệ thuật, tính chất thẩm mĩ của văn chương. Ông luôn khẳng định đó là phẩm chất đặc thù của văn chương, là tiêu chí quan trọng mang tính quyết định để phân biệt văn chương với các hình thái ý thức khác như tôn giáo, chính trị, triết học. . . TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Thiếu Sơn, 1997. Nghệ thuật với đời người - In trong Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập 2 (Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên). Nxb Văn học, Hà Nội. [2] Hoài Thanh, 1997. Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật, tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình, In trong Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập 3 (Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên). Nxb Văn học, Hà Nội. [3] Nguyễn Huy Thiệp, 1990. Khoảng trống ai lấp được trong tu tưởng của nhà văn. Tạp chí Sông Hương, số 3. [4] Trần Mạnh Tiến,2013. Lí luận phê bình Việt Nam đầu XX. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [5] Nhiều tác giả, 2004. Từ điển Văn học (bộ mới). Nxb Thế giới. ABSTRACT The analysis on literature characteristics of Thieu Son Nguyen Thi Hai Phuong Faculty of Philology, Hanoi National University of Education It can be said that detemining literature characteristics is very important. It is a main key of literature theory. Thieu Son, a quite prominent literary critic of 1930 – 1945 period, had a deep analysis on this issue. He always put aesthetic factor of the literature at the firt priority. He affirmed that literature must be attached with beauty. In his opinion, aesthetic factor was a typical quality of literature and an important criterion to distinguish literatute from other morphologies of conciousness like religion, philosophy, politics. . . Keywords: Thieu Son, literature characteristics, aesthetic factor. 70

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4527_nthphuong_0193_2131888.pdf
Tài liệu liên quan