Luận văn Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay

Tài liệu Luận văn Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay: LUẬN VĂN: Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Tín ngưỡng, tôn giáo đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người. Nó tồn tại, phát triển và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Với hình thức manh nha là tín ngưỡng nguyên thủy như thờ thần, thờ cây, muông thú tới những hình thức tôn giáo có giáo lý, tổ chức chặt chẽ... Tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành một thành tố quan trọng của nền văn hóa, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận người, đang và sẽ tồn tại lâu dài cùng tiến trình phát triển của xã hội loài người. Trong một vài thập kỷ gần đây, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới có xu hướng phát triển và có những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề xung đột dân tộc, sắc tộc ở nhiều quốc gia dân tộc đã và đang thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, các nhà chính trị, các nhà hoạch định chính sách... Trong giai đoạn hiện nay, xu thế khu vực hó...

pdf82 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1353 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Tín ngưỡng, tôn giáo đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử loài người. Nó tồn tại, phát triển và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Với hình thức manh nha là tín ngưỡng nguyên thủy như thờ thần, thờ cây, muông thú tới những hình thức tôn giáo có giáo lý, tổ chức chặt chẽ... Tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành một thành tố quan trọng của nền văn hóa, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận người, đang và sẽ tồn tại lâu dài cùng tiến trình phát triển của xã hội loài người. Trong một vài thập kỷ gần đây, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới có xu hướng phát triển và có những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề xung đột dân tộc, sắc tộc ở nhiều quốc gia dân tộc đã và đang thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, các nhà chính trị, các nhà hoạch định chính sách... Trong giai đoạn hiện nay, xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, môi trường, giáo dục, y tế, quan hệ ngoại giao, vấn đề nghèo đói, vấn đề nhân quyền... của các nước trên thế giới. Đặc biệt, đối với văn hóa, quá trình toàn cầu hóa đã và đang gây ra nguy cơ suy thoái văn hóa, bị nô dịch về văn hóa ở một số quốc gia, mà trước hết là các nước chậm và đang phát triển. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa là một nhu cầu cấp thiết nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với sáu tôn giáo lớn hiện nay đã được công nhận tư cách pháp nhân. Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24, xác định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân...”. Tiếp theo, ngày 12 tháng 03 năm 2003, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX đã ra nghị quyết số 25-NQ/TW, xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Các hình thức tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng, trong đó có các hình thức tín ngưỡng phổ biến như: thờ cúng tổ tiên, thờ thần, thờ mẫu, thờ các vị anh hùng dân tộc, những người có công với nhân dân, có công lập ấp, truyền nghề... Những hình thức tín ngưỡng này có lịch sử lâu đời, tồn tại cùng với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Công cuộc đổi mới đất nước trong hai mươi năm qua đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trên lĩnh vực tôn giáo, sau Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ chính trị về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Ngày 21/03/1991 Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định 69/NĐ/HĐBT, quy định về các hoạt động tôn giáo, thể hiện chủ trương đổi mới chính sách đối với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Thờ cúng tổ tiên, tôn vinh các anh hùng có công với dân với nước vừa là tín ngưỡng vừa là đạo lý làm người, đồng thời cũng là nét đẹp của văn hóa dân tộc. Kế thừa tư tưởng của Hồ Chủ tịch và nguyện vọng của đa số nhân dân, Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX nêu quan điểm: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân”. Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam là một tín ngưỡng phổ biến trong cả nước. ở các làng, xã nông thôn Việt Nam, Thành hoàng là một niềm tin thiêng liêng, là một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Theo quan niệm của người dân, đối với cộng đồng làng xã, Thành hoàng có chức năng giám sát việc làm, hành vi của mỗi thành viên của cộng đồng, hướng họ tới cái thiện. Sự trách phạt của Thành hoàng, thực chất là sự trừng phạt của bản thân mình, ở đây Thành hoàng đại diện như một Đấng phán xét uy linh. Đối với bên ngoài, Thành hoàng khống chế tất cả những tác động gây thiệt hại cho cộng đồng như: thiên tai, bệnh dịch, cướp bóc ... Đối với cộng đồng, Thành hoàng góp phần giáo dục, lưu giữ truyền thống về làng; “Thành hoàng và ngôi đình là một biểu tượng, một thành tố tạo nên cái truyền thống làng, tâm lý làng không thể thiếu được trong đời sống con người Việt Nam” [50, tr.10]. Bắc Ninh là một trong những cái nôi văn hóa của đồng bằng Bắc bộ. Hầu hết các làng, xã ở Bắc Ninh đều có đình, đền, miếu làng cùng với các lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm. Trên mảnh đất Bắc Ninh – Kinh bắc vẫn còn lưu giữ được kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc trong đó có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và sinh hoạt lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa dân gian. Đó là tài sản vật chất và tinh thần vô giá cần phải được duy trì và phát huy. Trong những năm gần đây, các lễ hội liên quan đến Thành hoàng làng đã và đang có xu hướng phát triển và có những diễn biến mới ở các làng xã trên địa bàn tỉnh. Hoạt động lễ hội đã có những đóng góp tích cực đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh nói riêng và với công cuộc duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nói chung. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt hạn chế nhất định cần được nghiên cứu, xem xét để giúp các cấp chính quyền có những điều chỉnh nhất định nhằm định hướng cho các hoạt động của tín ngưỡng Thành hoàng trên địa bàn tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống làng xã đùm bọc lẫn nhau, uống nước nhớ nguồn từ hàng nghìn năm nay của dân tộc ta cũng như của nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Chính vì vậy, tác giả chọn đề tài nghiên cứu về “Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay” làm luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Tôn giáo học. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài Đã có một số công trình của các cá nhân và tập thể nghiên cứu về Thành hoàng Việt Nam và một số vùng miền. Tiêu biểu là các công trình nghiên cứu: “Thờ thần ở Việt Nam” của tác giả Lê Xuân Quang, Nxb. Hải Phòng, năm 1996; “Từ điển lễ tục Việt Nam”, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 1996; “Thành hoàng Việt Nam” của nhóm tác giả Phạm Minh Thảo, Trần Thị An và Bùi Xuân Mỹ, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 1997; “Di sản văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam” của tác giả Chu Quang Trứ (2000); “Tín ngưỡng dân gian Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Khánh, năm 2001, đã nêu rõ được lịch sử một số tín ngưỡng dân gian Việt Nam, lễ thức gia đình (bàn thờ gia tiên, ngày giỗ, văn khấn, thần tài, tiền chủ...) và một số thần linh được thờ cúng (Thành hoàng, tứ pháp...); “Văn hóa dân gian Việt Nam – Những phác thảo” của tác giả Nguyễn Chí Bền, Nxb. Văn hóa - Thông tin, năm 2003; “Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Việt Nam”, 2005, tác giả Mai Thanh Hải;... Tác giả Nguyễn Duy Hinh, trong “Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, năm 1996, đã nêu một cách khá hoàn chỉnh khái niệm, lịch sử hình thành và các hình thức thờ Thành hoàng, điện thờ cũng như các bản kê khai Thần phả, Sắc phong của các thời phong kiến đang được lưu giữ tại viện Hán Nôm; “Tín ngưỡng Thành hoàng và thờ vua Hùng ở Việt Nam”, của tác giả Nguyễn Đức Lữ, Tạp chí Sinh hoạt lý luận xuân Tân tị, 2001; nghiên cứu các thần tích và phong tục thờ Thành hoàng làng của Thăng Long - Hà Nội đồng thời tìm hiểu đặc trưng của tín ngưỡng dân gian của người Hà Nội có “Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân”, Nxb Hà Nội, 2004, của các tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc, Nguyễn Duy Hinh; trong "Thần tích Hà Nam", Nxb Khoa học xã hội, 2004, các tác giả Lại Văn Toàn và Trần Thị Băng Thanh (chủ biên) đã sưu tập và thống kê được khá đầy đủ các thần tích về các vị thần thành hoàng làng là các anh hùng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, là các vị có công che chở cho dân, dạy dân làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, dạy chữ; nghiên cứu về nguồn gốc, dạng thức tinh thần, thần điện và nghi lễ thờ cúng Thành hoàng ở Việt Nam và Shinto ở Nhật Bản đồng thời so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai tín ngưỡng này có “Thành hoàng ở Việt Nam và Shinto ở Nhật Bản” của Trịnh Cao Tưởng, Nxb Văn Hóa Thông tin, Viện Văn hóa, 2005; có công trình nghiên cứu riêng về Thành hoàng là các nhân vật lịch sử trong một họ ở Việt Nam, tiêu biểu là “Thành hoàng họ Đặng ở Việt Nam”, Nxb, Văn hóa dân tộc, 2005 của các tác giả Đặng Văn Lộc (chủ biên), Đặng Đức Thư và Đặng Ngọc Thanh... Nghiên cứu về địa lý hành chính và văn hóa Bắc Ninh có các công trình tiêu biểu: “Địa lý hành chính Kinh Bắc”, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang, 1997, của các tác giả Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Khắc Đạm dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Tableau de Geographie Administrative d”une Anciene Province Vietnamienne: Le Bắc Ninh (ou Kinh Bắc)”; giới thiệu về văn hóa truyền thống và các di tích lịch sử của vùng đất Bắc Ninh xưa và nay có “Bắc Ninh làng cũ - quê xưa - Chiếc nôi của văn hóa Việt Nam”, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2000, của tác giả Ngô Thế Thịnh, đã được dịch giả Việt Tân dịch sang tiếng Anh; “Chuyện kể ở đền Đô”, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2003 của các tác giả Nguyễn Đức Thìn, Phạm Thuận Thành đã tập hợp những câu chuyện kể dân gian có tính chất dã sử về đền Đô, về nhà Lý, về những phong tục tập quán của người Đình Bảng, quê hương đã hun đúc nên vương triều thịnh trị trong lịch sử. Giới thiệu về các danh nhân lịch sử xuất thân ở Kinh Bắc như: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Phù Đổng Thiên Vương, Trương Chi, Cao Lỗ... có “Danh nhân lịch sử Kinh Bắc”, Nxb. Lao động, 2004, của tác giả Trần Quốc Thịnh. Năm 1941, tác giả Nguyễn Văn Huyên có công trình nghiên cứu “Về một bản đồ phân bố các Thành hoàng trong tỉnh Bắc Ninh” (à propos d’une carte de répartitiondes génies tutélaires dans la province de Bắc Ninh, Hà Nội 1941). Trong công trình này, tác giả đã thống kê các Thành hoàng các Thành hoàng trong tỉnh Bắc Ninh bao gồm: - Các thần Thành hoàng thời đại Hùng Vương có 105 vị. - Các thần Thành hoàng thời Bắc thuộc (thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến thế kỷ thứ X Công nguyên) có 116 vị thần. - Các thần Thành hoàng thời nhà Đinh, nhà Lý (thế kỷ thứ X đến XIII) có 127 vị thần. - Các thần Thành hoàng thời kỳ nhà Trần, thời Minh thuộc, nhà Lê từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII gồm có 77 vị thần, trong đó thời nhà Trần có 40, nhà Lê có 30, thời Minh thuộc có 4. nhà Mạc có 3, nhà Nguyễn không có vị thần nào [20, tr.9-10]. Nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian và Thành hoàng ở Bắc Ninh đã còn có “Văn hiến Kinh Bắc T1,2”, năm 2002, Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh. Nghiên cứu về tục thờ thần tự nhiên liên quan tới đời sống nông nghiệp trồng lúa nước ở Việt Nam, đặc biệt là vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc, có “Chùa Dâu và Nghệ thuật tứ pháp”, Nxb. Mỹ thuật, 2002, của tác giả Phan Cẩm Thượng. Trong “Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh”, năm 2004, Bảo tàng Bắc Ninh đã giúp người đọc có những thông tin về đa số các cơ sở thờ tự: đình, miếu, nghè.., Tác giả Nguyễn Quang Khải, “Vấn đề quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở Bắc Ninh trong giai đoạn hiện nay”, Luận văn tốt nghiệp Cao cấp chính trị, năm 2004... Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống “Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay”. 3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài 3.1. Mục đích - Đưa ra khái niệm, nguồn gốc về Thành hoàng và sơ lược phân loại các Thành hoàng ở Việt Nam. - Nghiên cứu, giới thiệu về tín ngưỡng Thành hoàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và giữ gìn, phát huy những giá trị tích cực của tín ngưỡng Thành hoàng ở Bắc Ninh. 3.2. Nhiệm vụ - Làm rõ khái niệm, nguồn gốc, vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam. - Khảo sát, nghiên cứu, phân loại để làm rõ những vai trò cơ bản của tín ngưỡng Thành hoàng ở Bắc Ninh. - Nêu được các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và phát huy những giá trị tích cực của tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tín ngưỡng Thành hoàng và các vấn đề liên quan như: điện thờ, các hình thức thờ Thành hoàng, lễ hội và những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực của nó tới đời sống văn hóa truyền thống của nhân dân trong tỉnh Bắc Ninh. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Đề tài nghiên cứu tín ngưỡng Thành hoàng trong phạm vi tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là Thị xã Bắc Ninh và các huyện: Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Yên Phong, Quế Võ... Đề tài tập trung nghiên cứu những đặc điểm của tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn hiện nay. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Cơ sở lý luận Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, quán triệt những nguyên tắc của Chủ nghĩa duy vật biện chứng Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta để nghiên cứu các tài liệu và sự kiện thực tế. 5.2. Phương pháp nghiên cứu + Sử dụng phương pháp khảo sát, nghiên cứu các sự kiện, gặp gỡ các nhân chứng ở các địa bàn nghiên cứu nhằm thu thập tư liệu và giám định. + Phân tích tổng hợp và hệ thống hóa các tư liệu, dùng phương pháp so sánh, đối chiếu với các tài liệu điền dã thực địa, rút ra những kết luận chính xác. 6. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn Vận dụng cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo và các phương pháp khoa học đã nêu trên, tiếp thu có bổ sung sáng tạo các tài liệu tra cứu, tiếp cận một cách tổng thể tín ngưỡng Thành hoàng ở địa bàn Bắc Ninh, luân văn đã cung cấp nhiều thông tin chính xác, cụ thể và chi tiết cho các nhà khoa học, những người làm công tác văn hoá, giảng dạy quan tâm tới lĩnh vực này. 7. ý nghĩa của luận văn Thông qua nội dung của luận văn, người đọc sẽ tìm hiểu được hiện trạng của tín ngưỡng Thành hoàng và các nghi thức liên quan tới Thành hoàng cũng như nét sinh hoạt văn hoá truyền thống của cộng đồng dân cư các làng xã của tỉnh Bắc Ninh. Luận văn sẽ cung cấp các tư liệu giúp các nhà chuyên môn, nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, công tác văn hoá nói chung và tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn trong công tác chuyên môn, nhằm bảo lưu, phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức, truyền thống của tín ngưỡng Thành hoàng nói chung và tín ngưỡng Thành hoàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng. 8. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, kết cấu luận văn gồm 2 chương, 7 tiết: Chương 1: Tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam 1.1. Khái niệm, nguồn gốc của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam 1.2. Quan hệ giữa tín ngưỡng Thành hoàng với một số tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam 1.3. Các loại Thành hoàng và vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam Chương 2: Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh 2.1. Đặc điểm tỉnh Bắc Ninh 2.2. Thực trạng tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh 2.3. Đặc điểm và vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh 2.4. Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra đối với tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn hiện nay Chương 1 tín ngưỡng Thành hoàng ở việt nam 1.1. Khái niệm, nguồn gốc của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam 1.1.1. Khái niệm Thành hoàng, tín ngưỡng Thành hoàng Thuật ngữ Thành hoàng là một từ Hán Việt; “Thành hoàng có nghĩa là thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm "thành", đào hào làm "hoàng" [20, tr.23-24]. Thành hoàng xuất hiện ở Trung Quốc thời cổ đại và đã được thờ như là vị thần bảo hộ cho một thành trì, một phủ, châu hay một huyện. Xã hội cổ đại Trung Quốc được phân chia thành hai cấp: Vương và Hầu; vua nhà Chu là Vương cai quản chư Hầu, mỗi chư Hầu như là một vương quốc nhỏ có một toà thành và một số ấp nông thôn vây quanh. Do vậy, để bảo vệ thành có Thành hoàng, bảo vệ ấp có Thổ địa. Việc thờ Thành hoàng phổ biến khắp đất nước Trung Quốc thời cổ đại; ở đâu xây thành, đào hào là ở đó có Thành hoàng. Thành hoàng thường được vua ban biển miếu hoặc phong tước. Chính quyền phong kiến Trung Quốc đã lấy việc thờ phụng Thành hoàng làm việc giáo hoá dân chúng. Thông qua việc tế tự thần giữ thành giúp trừng phạt kẻ ác và biểu dương kẻ thiện. Do vậy, có thể hiểu một cách khái quát: “Thành hoàng là một phạm trù thần linh bảo hộ thành trì của phong kiến Trung Quốc, được du nhập vào nước ta từ thời Đường rồi tiếp tục phát triển trong các triều đại độc lập của nước ta” [20, tr.60]. “Thành hoàng là một phạm trù ngoại lai, nhưng lại mang một nội hàm bản địa Việt không hoàn toàn giống nguyên bản. Đó là một đặc điểm vay mượn ngôn từ và khái niệm ngoại quốc một cách sáng tạo của người Việt” [20, tr.22]. Thành hoàng là khái niệm chung để chỉ Thành hoàng làng. Tuy nhiên, trong các sắc phong thường dùng các từ như Đương Cảnh Thành hoàng, Bản Cảnh Thành hoàng... “Đương cảnh, Bản Cảnh Thành hoàng, Bản Thổ Thành hoàng là những khái niệm dùng để chỉ một vị thần vốn có của một địa phương, một vị thần sở tại chứ không phải vua phái đến. Thường “âm phù” vua đánh giặc khi vua hành quân đi qua địa phương cho nên vua công nhận là Thành hoàng...[ 20, tr.60-61] Nói chung, các cụm từ Đương cảnh Thành hoàng, Bản cảnh Thành hoàng, Bản thổ Thành hoàng, Bản đôn Thành hoàng, Bản viện Thành hoàng, Thành hoàng... “xét ra đều không phải là một loại hỉnh hay cấp bậc Thành hoàng mà vẫn là ngôn ngữ dân gian được các chức sắc khai lên triều đình” [20, tr.70-71]. Tóm lại, Thành hoàng làng là một vị thần làng được quan chức hoá, thường phong là đại vương. Thần làng là một hiện tượng tự phát, sau được nhà nước phong kiến tuyển chọn bao phong để trở thành quan lại thiêng của triều đình trấn giữ làng. Cho nên nói chung họ đều được phong đại vương và thỉnh thoảng được thăng cấp bằng cách tặng thêm mỹ tự hay đề bạt từ cấp Hạ lên Trung, hay từ Trung lên Thượng đẳng thần [20, tr.93]. Tín ngưỡng, hiểu một cách khái quát, là niềm tin của con người vào những điều thiêng liêng, huyền bí vượt khỏi thế giới tự nhiên. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên; tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hoá, đạo đức xã hội [13, tr.12]. Tín ngưỡng Thành hoàng thực chất là tín ngưỡng phúc thần đóng vai trò liên kết cộng đồng người trong một cộng đồng lãnh thổ nông nghiệp hữu hạn, làm nơi quy y tâm linh cho cư dân. Tín ngưỡng Thành hoàng mang màu sắc Việt trong bản chất dù đã tiếp thu bao nhiêu yếu tố tôn giáo và văn hoá khác [20, tr.410-411]. 1.1.2. Nguồn gốc tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam ở nước ta vào khoảng thế kỷ IX, ở Trung Quốc là thời kỳ nhà Đường, Lý Nguyên Gia đã cho xây La thành và dựng đền thờ Tô Lịch làm Thành hoàng. “Sau đó vào khoảng năm 866 Cao Biền cho mở rộng thành, lại phong Tô Lịch làm Đô Phủ Thành hoàng Thần Quân” [20, tr.31]. Từ đây ra đời thuật ngữ Thành hoàng, Thành hoàng ban đầu ở nước ta là Thành hoàng Đại La, đây là vị thần bảo vệ cho thành Đại La, tên của ngài là Tô Lịch. Có một số tư liệu cho rằng Tô Lịch là thuỷ thần sông Tô Lịch, luôn chống đối với Cao Biền trong việc mở rộng thành Đại La. Trong “Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam” tác giả Nguyễn Duy Hinh cho rằng, Tô Lịch là một nhân vật lịch sử có thật: Theo Giao Châu Ký và Báo Cực Truyện thì Tô Lịch làm quan lệnh ở Long Độ (Long Đỗ), đời Tấn đã được khen là người có hiếu, đặt tên làng là Tô Lịch. Lý Nguyên Gia cho xây dựng phủ lỵ trên nền nhà cũ của Tô Lịch, ngài ứng mộng khuyên Nguyên Gia dạy dân: "Tôi được sứ quân uỷ cho làm Thành hoàng ở đây. Nếu sứ quân biết giáo hoá cư dân trong thành hết lòng tận trung thì mới đáng là chức mục thú, xứng với trách nhiệm của người làm quan tốt" [20, tr.31]. Sau này năm 1010 Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long lại phong Tô Lịch làm Quốc Đô Thăng Long Thành hoàng Đại Vương. Đến thời Trần, Tô Lịch lại được phong thêm các mỹ tự: “Bảo Quốc vào năm Trùng Hưng thứ nhất, Hiển linh vào năm Trùng Hưng thứ tư, Định bang vào năm Hưng Long thứ 21” [50, tr.238-239]. Năm 1442, vua Lê Nhân Tông lại cho lập đàn thờ Đô đại Thành hoàng, Gió, Mây, Sấm, Mưa và thờ Quỷ vô tự (tức là quỷ không được nơi nào thờ cúng); thần Thành hoàng để bảo vệ Thăng Long, đàn Gió Mây Sấm Mưa để cầu mưa. Do vậy tín ngưỡng thờ Thành hoàng lưu truyền vào nước ta và được triều đình phong kiến phỏng theo; việc thờ Thành hoàng xuất hiện ở nước ta ban đầu là ở đô thị do nhu cầu cần có một vị thần bảo hộ cho một thành trì. Thật khó có thể xác định chính xác niên đại của các Thành hoàng. Theo các nguồn tư liệu khác nhau thì có lẽ Thành hoàng du nhập về nông thôn nước ta từ vào khoảng thế kỷ 13 đến thể kỷ 15. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của Thành hoàng nông thôn Việt Nam là những vị thần đã được nhân dân thờ từ trước, sau đó mới được vua phong tước vương với danh vị Thành hoàng. Tại đình Phi Xá, xã Canh Hoạch, huyện Tiên Lữ (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), có tấm bia ghi rõ Trần Thái Tông phong Đoàn Thượng Phúc làm phúc thần, nhưng bia lại dựng vào năm 1563; còn hai chữ Thành hoàng lần đầu tiên được ghi trong văn bản là tấm bia xã Thường Sơn (Thuỷ Nguyên Hải Phòng) thờ ông tù trưởng Lại Bốn, cũng người đời Trần, do tiến sỹ Nguyễn Đình Tuấn soạn, dựng năm 1487, kể rõ Thành hoàng ở đây do bốn xã thờ chung. Vị Thành hoàng này hiệu là Lã Nam Để Đế Lang. Đây là nguồn tài liệu quý chứng tỏ cuối thế kỷ 15 đã có việc thờ Thành hoàng ở nông thôn [50, tr.6]. Việc thờ Thành hoàng trở nên phổ biến khi triều đình biểu dương công trạng của các bậc trung thần, nghĩa sỹ và những người có công lao với nước bằng việc lập đền cho dân xã ở gần thờ khi họ hy sinh vì dân, vì nước hay khi họ chết đi. Tục này lan truyền từ làng nọ sang làng kia, làng nào cũng phải tìm một vị làm chủ tế của làng mình. Các làng đã thấy sự cần thiết có vị thần che chở cho làng mình; làng nào có người anh hùng hào kiệt, hay có công khai làng, lập ấp khi mất đi rồi thì thờ ngay người đó, làng nào không có thì đi cầu lấy một vị về thờ, có nơi thì vì một sự ngẫu nhiên nào đó cho là linh thiêng xin duệ hiệu để thờ; làng nào cũng có đền, có miếu. Thành hoàng làng đảm bảo cho sự thống nhất cộng đồng. Trải qua tiến trình lịch sử, Thành hoàng được thiêng hoá, lịch sử hoá. Xu thế lịch sử hoá Thành hoàng chứng tỏ người dân luôn mong muốn cho làng mình gắn bó với lịch sử dân tộc. Do vậy, Thành hoàng là một biểu tượng cổ xưa có gốc từ Trung Hoa để chỉ vị thần đại diện cho một toà thành lớn có hào bao quanh, vị thần này được thờ nhằm để bảo vệ cho toà thành đó. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Đường (vào khoảng thế kỷ IX) rồi phát triển qua các triều đại phong kiến độc lập của nước ta. Các Thành hoàng được phong các mỹ tự, các tước vị do có công âm phù giúp vua đánh giặc hay trong việc chống thiên tai. Tuy nhiên, việc thờ vị thần cai quản thành trì này không sâu đậm và không dài lâu ở các thành đô ở nước ta. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng bắt đầu lan truyền đến các vùng nông thôn nơi tín ngưỡng thờ thần in đậm dấu ấn trong nét văn hoá của người dân làm nông nghiệp lúa nước. Chẳng bao lâu, nhân dân đồng lòng suy tôn làm Thành hoàng làng, những vị thần bảo vệ cho cuộc sống của người dân trong làng, nhất là những nhân vật lịch sử từng có công tạo lập hay phát triển đời sống kinh tế – văn hoá - xã hội cho làng, nước. Trước hết, đó là những người anh hùng có công đức lớn với dân, với nước như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tảng..., hay những vị thần linh truyền thuyết đã giúp dân chống thiên tai như Thần núi Tản Viên, hay những người có công khai ấp, lập làng, dạy dân các nghề thủ công... Ngoại lệ, cũng có làng còn thờ cả các vị Thành hoàng vốn làm những nghề không mấy vinh quang như ăn xin, ăn trộm, gắp phân... Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam vừa mang một số nét của tín ngưỡng nguyên thuỷ vừa vượt ra ngoài nội hàm của tôn giáo nguyên thuỷ với các đặc điểm chính là: Một là, có những Thành hoàng là biểu hiện của hiện tượng thờ tự nhiên như Núi, Rắn, Đá, Cây.... Những hiện tượng tự nhiên đó đều được nhân hoá mang một lý lịch trần gian và lịch sử. “Trong tín ngưỡng Thành hoàng không có thế giới bên kia. Chỉ mới thấy tác động của sức mạnh tự nhiên đem lại đau khổ, chưa thấy những sức mạnh xã hội tác quái, mặc dù đã là xã hội giai cấp” [20, tr.407]. Hai là, tín ngưỡng Thành hoàng là sự biểu thị lòng Kính và Sợ của người nông dân đối với cái Thiêng. Tuy vậy, chưa có sự xuất hiện của một đấng Siêu Nhiên có quyền vạn năng như Thượng đế, Phật, Alla, Jésus... Việc thờ cúng Thành hoàng chỉ đơn giản nhằm mục đích cầu an, “có Thờ có Thiêng, có Kiêng có Lành”, chưa hình thành lý luận về cái Thiêng, chưa có hệ thống lý luận về thế giới quan, nhân sinh quan, và cũng chưa chỉ ra một mô hình xã hội lý tưởng như Thiên đường, Niết bàn của một số tôn giáo khác. Ba là, để tiến hành việc thờ cúng Thành hoàng đã có một hệ thống tổ chức tương đối phức tạp nhưng cũng rất linh hoạt không cứng nhắc bằng các giáo phẩm, giáo chức như ở các tôn giáo khác. Nghi thức tế lễ Thành hoàng được thực hiện trang trọng theo hình thức triều nghi phong kiến cùng các lễ hội bao hàm các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian như đánh đu, thi vật, chọi gà, hát thi, thi nấu cơm... có những nét riêng tuỳ theo từng địa phương. Để phụng sự Thành hoàng các làng đều có một số ruộng công giao cho dân cày cấy lấy lợi làm lễ. Dân làng được chia thành các giáp, thường thì có bốn giáp, luân phiên nhau cày cấy ruộng thần, nuôi lợn, gà hiến tế; không phải toàn dân trong giáp canh tác ruộng thần mà chỉ những người sắp lên lão thường được gọi là ông Lềnh, ông Cai, ông Đám... đăng cai công việc đó. Chế độ lên lão quy định đến tuổi 49 hay 60 tuỳ theo từng nơi. 1.2. Quan hệ giữa tín ngưỡng Thành hoàng với một số tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam Người dân Việt Nam đa phần vốn gắn bó với việc làm nông nghiệp trồng cấy lúa nước, hoạt động sản xuất luôn gắn liền với yếu tố thiên nhiên: đất, nước, thời tiết... từ đó phát sinh tín ngưỡng thờ thần cũng rất đa dạng mà trước hết là các thần thiên nhiên, linh khí núi sông được nhân hoá như: Mây, Mưa, Sấm, Chớp gắn với bốn pho tượng: Pháp Vân (Mây), Pháp vũ (Mưa), Pháp lôi (Sấm), Pháp điện (Chớp), tức Tứ pháp, thờ ở chùa Diên ứng, xã Khương Tự, Huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh. Sau đến là các thần sông, núi, thần đất cũng được nhân dân thờ phụng. 1.2.1. Quan hệ với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên Cũng như các cư dân Đông Nam á cổ xưa khác, người dân Việt Nam thời tiền sử luôn tin rằng có sự tồn tại của một thế giới hồn linh song song với thế giới hiện thực của con người. Họ lý giải các giấc mơ, sự đau, ốm bệnh tật... là do có sự tồn tại của một thế giới khác mà con người không nhìn thấy được, ở đó có sự tồn tại của linh hồn bất diệt. Theo quan niệm dân gian, ở con người, linh hồn tồn tại một cách độc lập với ý thức và ý chí của chủ thể mà nó cư trú; nó điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của chủ thể đó, khi linh hồn rời bỏ thể xác thì những suy nghĩ và hành động của chủ thể mà nó cư trú sẽ không thực hiện được, đó là lúc mà ta ngủ hoặc chết. Những quyền năng vô hạn của linh hồn mà người xưa gắn cho nó chủ yếu là do sự chiêm nghiệm của họ qua các giấc mơ trong giấc mơ đó người đó thấy người chết hiện về. Việc vỗ về, an ủi và tranh thủ các linh hồn che chở cho những người đang sống được bình yên, tránh mọi rủi ro bất hạnh trong đời đã hình thành nên tâm lý tôn vinh các linh hồn. Do đó, việc thờ cúng các linh hồn hay thờ cúng người đã chết là một phản ứng ứng xử tâm lý của người xưa nhằm thoả mãn những nhu cầu lợi ích của chính họ đã dần dần trở thành một hành vi không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của con người ở rất nhiều nơi trên thế giới. ở Việt Nam, việc thờ cúng các linh hồn người đã chết thường là các linh hồn có quan hệ gần gũi với người sống, thường diễn ra trong các gia đình. Trong số các tín ngưỡng cổ còn tồn tại đến bây giờ, hiếm thấy có hình thái tín ngưỡng nào lại in đậm trong tâm thức và đời sống của mỗi con người Việt Nam như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gia tộc. Thờ cúng tổ tiên theo nghĩa rộng là thờ cúng những người đã khuất trong cùng cộng đồng. Theo nghĩa hẹp, thờ cúng tổ tiên là thờ cúng những người cùng dòng máu như ông. bà, cha, mẹ,... Đây là một nét văn hoá đẹp của con người Việt Nam, tưởng nhớ tới những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay của mọi gia đình, làng xóm. Do vậy, có thể khái quát tục thờ cúng tổ tiên của con người Việt Nam theo bảng sau: Bảng 1.2.1. Hệ thống các cấp Tổ tiên, từ Nhà đến Nước Cấp Biểu hiện Nhà (Gia đình) Họ (Gia tộc) Làng Nước ý niệm được xác định: Tổ Tổ của nhà (gia tiên): -Ông, bà - Cha, mẹ Tổ của họ: Trưởng họ (Tộc) (ông Thuỷ tổ) Tổ của làng: Thành hoàng làng (Vua làng) Tổ của nước: Vua tổ (Vua Hùng) Cơ sở vật chất thể hiện ý niệm Bàn thờ gia tiên Nhà thờ họ Đình - Đền - Miếu Nghi thức (Sinh hoạt văn hoá - Tôn giáo) Cúng - Giỗ Hội làng Hội đền Chu kỳ phổ biến Hàng năm Tín ngưỡng Thành hoàng từ khi phát triển xuống tới các làng, các xã của nông thôn Việt Nam, nó đã có những biến đổi không còn giữ nguyên hình thức cũng như đối tượng thờ cúng như khi nó mới du nhập vào Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của các loại hình tín ngưỡng dân gian của Việt Nam, nó trở thành một bộ phận cấu thành trong ba cấp độ của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đó là gia đình - họ tộc, làng xã, quốc gia và nhanh chóng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sự thờ cúng Thành hoàng không nhằm vào toàn bộ tổ tiên, một cá nhân có quan hệ huyết thống, mà nhằm vào một nhân vật riêng biệt. Đó là những người có công với cộng đồng làng, xã, đất nước, như giúp vua đánh giặc, có công khai khẩn đất đai lập thôn, ấp, dạy dân các nghề thủ công, giúp dân khắc phục thiên tai.... Đối tượng được thờ cúng ở tín ngưỡng Thành hoàng thường không có quan hệ huyết thống với những người thực hành thờ cúng. Đối tượng được thờ cúng có thể là một nhân vật có thật trong lịch sử cũng có thể chỉ là một nhân vật huyền thoại được hư cấu theo chí tưởng tượng của dân làng, họ không phải là người bình thường như những đối tượng được thờ cúng trong gia đình, ngay khi họ là một nhân vật có thật xuất thân trong cộng đồng thì họ cũng được dân làng gán thêm cho những phẩm chất, năng lực, tính cách theo mong ước của cả cộng đồng. Vì vậy, đối tượng thờ cúng trong tín ngưỡng Thành hoàng thường là những người siêu phàm, hoàn mỹ, cho dù họ có nguồn gốc xuất thân từ một người bình thường. Ví dụ như Trần Hưng Đạo mà nhân dân thờ phụng ở nhiều nơi với nhiều huyền thoại, thần tích về ông. Hơn thế nữa, cho dù nhân vật được thờ cúng trong tín ngưỡng Thành hoàng làng là sản phẩm sáng tạo dựa trên mong ước của cộng đồng, họ không phải là “khuôn mẫu” chung mà lại mang những tính cách, đặc điểm của cộng đồng đã sinh ra họ hay mang nét riêng nào đó của cộng đồng thờ cúng họ. Ai cũng biết rằng Thánh Gióng là một nhân vật huyền thoại, một đứa trẻ lên ba vẫn chưa biết nói, biết cười nhưng khi nghe có giặc ngoại xâm bỗng chốc gọi mẹ cho mời xứ giả trở thành một người có sức mạnh vô biên cùng ngựa sắt, giáp sắt, gậy sắt tả xung hữu đột đánh tan quân giặc, giữ yên bờ cõi. Khi giặc đã tan ngài cưỡi ngựa bay về trời. ở đây, Gióng là một nhân vật huyền thoại nhưng lại mang một lý lịch cụ thể: Gióng quê ở làng Phù Đổng, là con của một bà mẹ nghèo cũng như bao bà mẹ thôn quê khác, ông được nuôi dưỡng với cơm, cà và muối... đây đều là những thức ăn bình thường trong cuộc sống thường nhật nơi thôn quê. Đối tượng thờ cúng ở cả tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo huyết thống trong gia đình và tín ngưỡng Thành hoàng đều là người, nhưng trong thờ cúng Thành hoàng, họ không phải là người bình thường, mà là những người phi thường từ sức mạnh, năng lực... cho đến hình hài. Cho dù có xuất thân từ một nhân vật có thật trong lịch sử hay được hư cấu thì đối tượng thờ cúng này luôn là sự kết hợp của cả hai yếu tố thật và hư ảo; mặt thật thể hiện sự xuất thân từ cộng đồng, mang những đặc điểm của cộng đồng đó, mặt ảo thể hiện những mong ước, khát vọng của cộng đồng về những điều cao cả, tốt đẹp cần vươn tới. Sự kết hợp giữa mặt thật và mặt ảo đã làm cho các đối tượng thờ cúng ở tín ngưỡng Thành hoàng trở nên “linh thiêng” hơn, uy lực hơn và “hiển minh” hơn cả các tổ tiên được thờ cúng trong các gia đình. Về nơi thờ tự, việc thờ cúng tổ tiên được tiến hành ở trong các gia đình. Mỗi gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên, được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong các gia đình. Thường thấy, ở các tộc họ lớn còn có cả nhà thờ tộc, hay nhà thờ tổ tiên. Ngày nay, ở nhiều vùng của đồng bằng Bắc bộ vẫn còn nhiều nhà thờ tộc như vậy và đang có xu hướng khôi phục nhà thờ họ. Việc tế lễ thường được tiến hành vào các ngày giỗ kị (ngày mất của một vị tổ tiên nào đó), những ngày lễ tết (năm mới, Tết Nguyên tiêu...) hoặc những ngày diễn ra một sự kiện bất thường như sinh, cưới xin, mừng thọ...; lễ vật thờ cúng tổ tiên thường tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia chủ, hoặc những sản vật sẵn có của địa phương nơi gia chủ cư trú, nhưng cho dù thế nào thì thường có hoa quả, chén rượu, chén nước, và không thể thiếu trầu cau; các đồ lễ dâng cúng bao giờ cũng là những sản vật thanh khiết, tươi ngon nhất. Việc tế lễ cầu khấn tổ tiên thường do con trưởng trong gia đình tiến hành, nếu là thờ họ tộc thì tộc trưởng đứng ra đảm nhiệm. Cũng như thờ cúng tổ tiên việc thờ cúng Thành hoàng cũng được tổ chức vào các ngày Tết trong năm, ngày rằm, ngày mùng một của tháng, ngày đầu mùa hay chu kỳ chuyển thời tiết, nhưng đặc biệt vẫn là vào ngày giỗ kị, hay ngày mất của vị Thành hoàng đó. Do quyền uy siêu việt của thần và do được tiến hành ở phạm vi rộng trong cộng đồng làng, xã nên các nghi thức thờ cúng Thành hoàng làng thường rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, và có hệ thống, quy mô hơn nhiều so với nghi thức thờ cúng tổ tiên trong các gia đình. Hệ thống nghi thức thờ cúng Thành hoàng được thể hiện một cách đầy đủ nhất ở những ngày giỗ kị vị thần - những ngày giỗ, hay ngày sinh của vị thần, thường được dân làng gọi là ngày lễ hội của làng. Tất cả các nghi thức thờ cúng Thành hoàng đều diễn ra ở đình làng; tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi làng mà đình có quy mô to hay nhỏ khác nhau. Nhưng nói chung thì đình làng được xây dựng theo hình chữ T, phần dọc là nội điện, nơi thâm nghiêm thờ thần, phần ngay là đình ngoài, thường được chia làm 3 gian: gian giữa gọi là trung đình là nơi thờ tế tự, hai bên tả và hữu gian, ở trong có bàn thờ thổ điạ hoặc thờ thuộc hạ của thần. ở hai bên có hành lang là chỗ dân làng sửa soạn lễ vật để cúng tế. Cũng như thờ cúng tổ tiên, dân làng cúng tế lễ vật cho thần Thành hoàng những phẩm vật đã nuôi sống dân làng như các loại trái cây, các loại thực phẩm đặc trưng của địa phương, thịt lợn, thịt gà, cá.... xuất phát từ quan niệm thần Thành hoàng cũng có cuộc sống như con người “Dương sao Âm vậy”. Sự thành kính đối với các vị thần không chỉ thể hiện qua việc tuyển chọn kỹ lưỡng các phẩm vật, mà nó còn thể hiện ở sự công phu ở khâu chế biến, sắp xếp lễ vật dâng cúng thần. Tóm lại, tín ngưỡng thờ Thành hoàng từ khi du nhập vào Việt Nam lan đến các làng xã, dưới ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian bản địa, đã trở thành một bộ phận cấu thành trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một hình thức tín ngưỡng dân gian thể hiện nét văn hoá uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam. 1.2.2. Quan hệ với tín ngưỡng thờ thổ địa Như đã nói ở trên, cư dân người Việt cổ trước đây luôn gắn bó với nghề trồng lúa nước. Đồng bằng Bắc bộ có đặc điểm là vùng đồng bằng xen lẫn đồi núi sót, diện tích đất đai dùng cho nông nghiệp rất hạn chế, người dân phải đắp đê trị thuỷ, còn ở đồng bằng Nam bộ, người dân phải dẫn thuỷ nhập điền làm nông nghiệp. ở cả hai vùng đồng bằng người dân không ra biển hay lên rừng, mà cuộc sống của của họ gắn liền với đất đai, với việc trồng cấy lúa nước. Do vậy, trong tín ngưỡng đa thần của mình, thì thần Đất là vị thần quan trọng nhất, quan niệm của người dân là “đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Ban đầu, thần Thổ địa thường được thờ ở các miếu hoặc các nghè, trong đó thường có một bình vôi; miếu thờ thần thường là ở đầu xóm, đầu thôn. Trong mỗi gia đình đều thờ Thổ công - vị thần đất cai quản khu đất của gia đình đang sinh sống trên đó, với mong ước được thần bảo hộ, che chở giúp xua đi những rủi ro trong cuộc sống, bảo vệ cho cả gia đình, nhờ có Thổ công, các hồn ma quỷ không thể xâm nhập để quấy nhiễu những người trong nhà, bàn thờ Thổ công thường đặt ngay ở gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên. Việc thờ cúng Thổ công thường được tiến hành vào các ngày giỗ, tết, sóc vọng, lễ cúng tuỳ theo gia chủ, có thể cúng chay hoặc cúng mặn, đồ lễ gồm giấy vàng, giấy bạc, trầu cau, nước, hoa quả. Tuy nhiên, cũng có gia đình cúng mặn, trước cúng sau ăn, cốt tỏ lòng thành, cúng mặn phải có rượu, xôi, gà hoặc chân giò. Trong những ngày giỗ tết, trong nhà có làm cỗ, cúng Thổ công cũng dùng cỗ mặn. Khi có văn hoá Hán du nhập vào Việt Nam, vị thần Thổ công đã trở thành thần Táo quân, cai quản và bảo hộ cho một gia đình. Đối với cộng đồng làng, xã xuất hiện nhu cầu cần có một vị thần đất cai quản vùng đất và bảo hộ cho cả cộng đồng. Theo Nho giáo thì triều đình phong kiến không những có quyền thế tục cai quản thần dân, xã hội mà còn có thể cai quản cả thần linh, triều đình cần một vị thần cai quản cái thiêng, còn dân làng cần có một vị thần đất do vậy triều đình đã ra sắc phong cho các thần; sắc phong của triều đình thường ghi Bản cảnh Thành hoàng, nghĩa là vị thần cai quản khu đất ấy. Về thực chất, mặc dù việc thờ Thành hoàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, ban đầu là thờ vị thần cai quản, bảo hộ cho một thành bang, khi du nhập về nông thôn Việt Nam, tín ngưỡng thờ Thành hoàng thực chất là tín ngưỡng thờ Thổ địa, Thành hoàng chỉ là do triều đình mượn từ văn hoá Hán trong các sắc phong. 1.2.3. Quan hệ với tín ngưỡng thờ Mẫu Cùng nằm trong tín ngưỡng thờ thần ở Việt Nam, nhưng giữa đạo Mẫu và thờ Thành hoàng ở các làng, xã ít có quan hệ gắn bó, mặc dù nhiều vị thánh của đạo Mẫu đồng thời cũng là thần Thành hoàng của khá nhiều làng xã, như ở Huế, Nha Trang và một số nơi thờ Thiên Y A Na thánh mẫu, được triều đình nhà Nguyễn phong là Hồng Nhân phổ tế linh ứng thượng đẳng thần; tại xã Xuân Linh, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung, theo thần tích thì, Chử Đồng Tử được triều đình sắc phong làm Chí Thánh thông linh thượng đẳng thần, phong cho Tiên Dung là Thiên tiên Uyển diệm thượng đẳng thần và phong cho Nội Trạch Tây cung tiên nữ là Huyền Diệu thượng đẳng thần, ngoài ra Chử Đồng Tử và Tiên Dung còn được thờ làm Thành hoàng làng Chữ Xá, Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội... Phải chăng cùng gốc thờ thần, nhưng tục thờ Thành hoàng đi theo con đường tiếp thu Nho giáo và chịu sự kiểm soát của triều đình phong kiến thông qua việc phong sắc cho các Thành hoàng, còn đạo Mẫu lại tiếp thu Đạo giáo và nằm ngoài vòng kiểm soát của triều đình. Theo truyền thuyết, Mẫu Thượng Ngàn là con gái thần núi Tản Viên, cai quản 81 cửa rừng cõi Nam Giao, đức mẫu đã hai lần hiển linh giúp quân nhà Trần đánh giặc Nguyên, có lần đã hoá luồng ánh sáng dẫn đường cho Lê Lợi và Nguyễn Trãi chạy trong đêm tối thoát khỏi nanh vuốt của giặc Minh: Nhà vua chợt tỉnh nhưng lòng vẫn bán tính bán nghi. Không ngờ vài hôm sau, quả nhiên tên tù trưởng phản ân dẫn quân Minh đi tắt đến đánh úp. Quân nhà vua tan rã, vợ con đều bị giặc bắt, vua chỉ còn vài chục kị binh phá vây trốn thoát. Trong đêm tối như mực, vua chạy được nửa dặm, bỗng thấy trước mặt có mớ đuốc dẫn đường, cứ hướng nào đó mà đi... Đến lúc ấy, vua mới vời Nguyễn Trãi nói cho nghe điều nữ thần báo mộng. Nguyễn Trãi nói: “Nữ thần ấy đúng là Thượng Ngàn công chúa, là người con gái yêu quí của thần Tản Viên, mà thần Tản Viên là một trong số năm mươi người con của Lạc Long Quân về ngự cảnh núi” [50, tr.89]. Mẫu Thượng Ngàn thương dân kiếm sống trong rừng núi, thường phù hộ cho chân cứng đá mềm, vì vậy được nhân dân thờ phụng tôn kính gọi là: Đức Mẫu Thượng Ngàn. Đối với công việc sản xuất nông nghiệp việc trị thuỷ là hết sức quan trọng, nhân dân không chỉ tôn thờ các thần Phong, Vũ, Lôi, Điện mà còn tôn thờ “mẹ nước”, Mẫu Thoải - đức mẫu cai quản sông, suối, biển, hồ. ở mỗi xóm, mỗi thôn, bản làng còn thờ vị thần cai quản vùng đất đai đó – thần Thổ Địa. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng, du nhập từ Trung Quốc vào nước ta từ thế kỷ thứ IX, đã nhanh chóng phổ biến ở các nông thôn Việt Nam, cùng với các loại hình tín ngưỡng dân gian khác đã và đang tồn tại lúc bấy giờ, nó đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong văn hoá làng và sự bảo tồn văn hoá truyền thống Việt Nam chống lại sự đồng hoá của phương Bắc. Cũng như tục thờ Thành hoàng, đạo Mẫu cũng tiếp thu những ảnh hưởng của tục thờ cúng tổ tiên; điện thờ của đạo Mẫu mang tính gia tộc có Vua Cha, Thánh Mẫu, phải chăng việc thờ Cô và thờ Cậu trong đạo Mẫu có mối liên quan mật thiết tới việc thờ cúng những người chết trẻ: Bà Cô, Ông Mãnh trong tục thờ cúng tổ tiên ở các gia tộc và dòng họ. Về nơi thờ tự, như đã nói ở trên, các Thành hoàng thường được thờ cúng ở các đình, miếu, thậm chí một số nơi,Thành hoàng còn được thờ ở trong chùa như chùa làng Phấn Động, xã Tam Đa, huyện Yên Phong thờ đức thánh Cả và cụ Trịnh Đỗ; đình, chùa làng ất, xã Hạp Lĩnh, huyện Tiên Du, thờ đức thánh Quý Minh Đại Vương... Các mẫu thường được thờ ở phủ, và đa phần các chùa ở Việt Nam ngày nay đều có gian thờ mẫu ở hậu điện. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu tuy có chịu ảnh hưởng của triết lý Đạo giáo nhưng vẫn mang đậm mầu sắc triết lý dân gian Việt nam: Sự tôn thờ, tôn vinh người mẹ- nguồn gốc của muôn loài lại được sinh động hóa bằng mô hình cấu trúc cơ bản của xã hội Việt – gia đình- với sự tồn tại của cha, mẹ, ông bà… như cha ông ta có câu: “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Có thể nói, người Việt đã dựng nên một thế giới tâm linh riêng, một hình thức tín ngưỡng đặc thù cho thế giới quan, nhân sinh quan của riêng mình. Cũng như lễ hội nhằm thực hành việc thờ cúng trong tín ngưỡng Thành hoàng, lên đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu ngoài tính tín ngưỡng tôn giáo, còn mang đậm nét văn hoá dân gian của dân tộc. Tuy nhiên, trong thờ gian gần đây, hoạt động hầu Đồng đang diễn ra có chiều hướng phức tạp do bị lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan cần được các cấp các ngành liên quan xem xét và điều chỉnh để có thể vừa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân vừa ngăn chặn được các tiêu cực của nó trong đời sống xã hội. 1.3. Các loại Thành hoàng và vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng ở Việt Nam 1.3.1. Các loại Thành hoàng Thường thì mỗi làng thờ một vị Thành hoàng làng, cũng có làng thờ hai, ba thậm chí năm, bảy vị thần Thành hoàng; tuy nhiên, trong đó có một vị làm chủ thần. Mỗi vị Thành hoàng đều có một thần tích và thần phả riêng gắn liền với những đặc điểm, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử của làng đó. Tuy nhiên, có trường hợp nhiều làng cùng thờ một vị Thành hoàng như thần Tản Viên đựơc rất nhiều làng thuộc tỉnh Hà Tây thờ, mặc dù vậy nhưng thần tích của vị Thần này ở mỗi địa phương mỗi khác: ở làng Dô, Tản Viên được thờ vì công ơn của ngài trong việc dạy dân làm ruộng, ca hát; ở Sơn Đông, ngài lại được thờ bởi công đức dạy dân làm liềm cắt cỏ, gặt lúa, người đã dạy dân đan sọt từ mây, tre để làm dụng cụ gánh cỏ, gánh lúa ... Thành hoàng thường được thờ ở đình, miếu hay nghè tuy nhiên đôi khi có nơi thờ Thành hoàng ở chùa theo mô típ “Tiền thần hậu phật”. Với quan điểm “Tam giáo đồng nguyên” (ba đạo giáo một nguồn), nên nhiều vị chân tu đắc đạo vẫn được phong thần như: Đại pháp thiền sư Từ Đạo Hạnh, chùa Thầy - Sơn Tây, được phong làm Thánh tổ, tục gọi là đức Thánh Từ; Không Lộ thiền sư, chùa Keo - Thái Bình, được phong làm Thánh tổ, tục gọi là đức Thánh Không Lộ; Huệ Tộ thiến sư, chùa Cổ Tung - Nam Hà, được phong làm Dực Bảo Trung Hưng - Linh phù tôn thần, tục gọi là đức Thánh Tu...[43, tr.6- 7]. Các đình, miếu thờ thần đều có thần phả, còn gọi là Ngọc phả - cuốn sách ghi chép sự tích vị thần được thờ (Thần tích). Thần tích phần lớn do Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính sưu tập và soạn thảo vào năm Hồng Phúc (1572), đời vua Lê Anh Tông, lúc đó đang đóng đô tại Yên Trường, Thanh Hoá vì ngoài Bắc đang nằm dưới sự quản lý của nhà Mạc. Sau này được Quản giám bách thần, Hùng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao lại vào đời Lê Vĩnh Hựu (1735-1739). Một số thần phả xuất hiện vào đời vua Tự Đức (1848-1882). Các loại thần phả còn lại đến ngày nay, có nhiều lớp thông tin khác nhau chồng chất, thêm bớt, hiện đại hoá thần tích qua các lần sao chép lại hoặc mới biên soạn [43, tr.7-8 ]. Xét theo nguồn gốc, thời gian, điện thờ, có thể phân chia thần Thành hoàng ra thành các nhóm chính như sau: * Các Thành hoàng là nhiên thần: Đó là các vị thần có nguồn gốc thiên nhiên, không phải là những nhân thần, cho dù đã được nhân cách hoá như sơn thần Tản Viên Sơn Thánh, thuỷ thần như Long Vương, thần cây, thần rắn như Linh Lang đại vương... Sơn thần lấy Tản Viên Sơn Thánh là xuất phát điểm lan toả với những danh hiệu khác nhau theo không gian và thời gian; lấy núi Ba Vì làm gốc thì sơn thần phát triển theo hướng tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng đó là Sơn Tây sang Phú Thọ xuống Vĩnh Yên rồi Phúc Yên đến Bắc Ninh-Bắc Giang - Hưng Yên - Lạng Sơn - Tuyên Quang- Cao Bằng; nhánh hữu ngạn phát triển thành hai hướng, hướng thứ nhất từ Sơn Tây xuống Hà Đông - Hà Nam - Nam Định - Thái Bình - Ninh Bình, hướng thứ hai từ Sơn Tây sang Thanh Hoá vào Nghệ An đến các tỉnh miền trung miền Nam tới đồng bằng sông Cửu Long [20, tr.168-169]. Ngoài ba vị Cao Sơn, Quý Minh, Tản Viên, còn nhiều núi, đồi, đá thiêng được sắc phong làm Thành hoàng và được thờ cúng như: Bạch Thạch Đại Vương ở xã Thái Bình huyện Phù Ninh (Phú Thọ), Thổ Lịnh Thạch Linh ở xã Như Quỳnh huyện Văn Lâm, Hưng Yên... Thuỷ thần bao gồm Thuỷ tinh, Long Vương và Câu Mang. Tuy nhiên Thuỷ Tinh không có mặt trong các sắc phong Thành hoàng, thuỷ thần được phong làm Thành hoàng có Ngọc Thuỷ Tinh công chúa. Long Vương được thờ với nhiều danh hiệu như Đông Hải Long Vương, Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương ở các tỉnh như Nam Định, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên... Thần Câu Mang - thần Rắn - được phong Đương cảnh Thành hoàng ở xã An Kiện huyện Thanh Trì. Ngoài ra thần Câu Mang còn được thở ở rất nhiều nơi ở các tỉnh, nhất là ở Nam Định. Thần Câu Mang là vị thuỷ thần của dân chài. * Các Thành hoàng là những nhân vật văn hoá và lịch sử: Đây là loại Thành hoàng có số lượng lớn nhất. Nhóm Thành hoàng này có thể chia thành bốn nhóm chính gồm nhóm: + Thành hoàng là những bậc đế vương, danh tướng, danh nhân lịch sử có thật các đời được sử sách chính thức lưu truyền cho dù thần tích có thêm phần dã sử hoặc huyền thoại; + Thành hoàng là những nhân vật không có tên trong sử sách nhưng là những anh hùng của địa phương đã được huyền thoại hoá; + Thành hoàng là những những nhân vật có công khai hoang lập ấp được dân làng tôn thờ làm Thành hoàng; + Thành hoàng là những nhân vật cứu khổ cứu nạn cho nhân dân một địa phương nào đó như hành nghề y cứu đời, có phép màu xua đuổi thú dữ... Thành hoàng là các nhân vật văn hoá lịch sử có thể được chia theo các triều đại theo lịch sử như: Thành hoàng thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Tiền lý, Ngô - Đinh - Tiền Lê, Lý - Trần, thời Lê và thời Nguyễn. Bảng 1.1: Thống kê Thành hoàng ở các thời [20, tr.306] Thời đại Tỉnh H ùn g V ươ ng H ai B à T rư ng T iề n L ý D in h T iề n L ê H ậu L ý T rầ n L ê Sơ L ê T ru ng H ưn g N gu yễ n B ắc th uộ c T ổn g số Bắc Giang 5 0 0 1 0 2 0 1 0 1 10 Bắc Ninh 16 4 4 1 0 16 0 5 0 0 1 47 Hải Dương 12 0 7 5 4 10 9 2 2 0 1 52 Hà Đông 40 2 11 12 4 7 0 8 4 1 9 98 Hà Nam 6 1 1 1 1 0 3 1 2 0 0 16 Hưng Yên 12 3 2 4 0 1 0 1 0 1 1 29 Kiến An 1 1 2 2 1 4 4 1 0 0 0 16 Nam Định 3 1 1 0 0 3 0 1 0 0 0 9 Ninh Bình 1 0 0 0 0 0 0 1 0 0 0 2 Nghệ An 3 0 0 0 0 1 0 2 2 0 0 8 Phú Thọ 8 3 0 0 0 0 0 0 1 0 0 12 Phúc Yên 2 2 4 0 0 0 0 0 0 0 0 8 Sơn Tây 3 3 1 0 0 0 2 0 0 0 0 9 Thái Bình 4 0 0 1 0 1 0 0 0 0 0 6 Thanh 18 0 0 1 0 14 6 20 0 1 0 60 Thời đại Tỉnh H ùn g V ươ ng H ai B à T rư ng T iề n L ý D in h T iề n L ê H ậu L ý T rầ n L ê Sơ L ê T ru ng H ưn g N gu yễ n B ắc th uộ c T ổn g số Hoá 138 20 33 28 10 59 24 43 11 4 12 382 * Các Thành hoàng liên quan đến các tôn giáo khác: Đó là các Thành hoàng vốn là các nhân vật thuộc Đạo giáo, Phật giáo... Các Thành hoàng là thần, tiên như Thần tiên Công chúa được thờ ở xã Vô Tranh, tỉnh Phú Thọ, Đương cảnh Thành hoàng Lôi Uy được thờ ở Thanh Hoá. Có rất nhiều Thành hoàng liên quan đến Phật giáo như Hộ tòng thần Phổ Hộ cư sỹ Thành hoàng đại vương, Thành hoàng Già Lam vốn là Phật đầu thai được thờ ở một số xã ở Thanh Hoá, Quan Âm giáng sinh làm Đức Vua Bà đại vương thờ ở Phú Thọ, Xá Lợi đại vương thờ ở Phúc Yên, Phật Thánh mẫu công chúa thờ ở Sơn Tây.... Làng Chữ Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung làm thành hoàng. Ngoài ra, Chử Đồng Tử và Tiên Dung còn được thờ ở nhiều nơi khác như đền làng Đa Hoà, huyện Châu Giang, Hải Hưng gọi là Dạ Trạch hoá từ [43, tr.390]. Xét theo công trạng mà các thần đã âm phù giúp nhà vua đánh giặc, giúp dân trừ thiên tai địch hoạ, bệnh dịch, tai ách và giúp dân lập ấp, mở nghề mà triều đình ra sắc phong cho các thần Thành hoàng thành theo các cấp độ như sau: - Thượng đẳng thần; - Trung đẳng thần; - Hạ đẳng thần. Thượng đẳng thần bao gồm các vị thần có công lớn với dân, với nước, được nhà vua sắc phong và lập đền thờ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, ... và các thiên thần được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian về các công trạng của họ giúp dân, giúp nước như Tản Viên Sơn Thần, Thánh Gióng, Liễu Hạnh công chúa, Chử Đồng Tử... Tất cả các vị thần này đều có công trạng hiển hách và được vua sắc phong làm Thượng đẳng thần. Trung đẳng thần là các vị thần hoặc các quan địa phương có công khai điền lập ấp có công với dân, có khi là các vị thần mà dân làng thờ đã lâu, có tên họ mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ tên họ, hoặc những vị thần có chút linh dị, cho tới khi vua cầu đảo, có ứng nghiệm thì triều đình phong làm trung đẳng thần [20, tr.38]. Hạ đẳng thần là những vị thần được dân làng thờ cúng tuy không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc bậc chính thần. Triều đình theo dân làng mà sắc phong làm hạ đẳng thần. Ngoài ba vị phúc thần trên, nhiều làng còn thờ cúng cả những vị thần kỳ dị như: thần ăn mày ở làng Thư Lan - Nam Hà; thần ăn trộm ở làng Lông Khê - Thái Bình; thần gắp phân ở làng Cổ Nhuế - Hà Nội; thần trẻ con, thần Tà Dâm.... Theo cách giải thích của dân gian thì những vị thần này ngoài những khả năng khác thường, họ còn được thờ cúng bởi chết vào các giờ thiêng. Lúc đầu do sợ hãi mà dân làng thờ cúng sau lâu dần họ được thờ cúng nhằm giúp dân làng xua đi rủi ro, bảo trợ cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng làng [20, tr.126]. 1.3.2. Vai trò của Thành hoàng Trong tín ngưỡng Thành hoàng, nói chung người Việt đều lấy Kính làm cơ sở cơ bản trong ứng xử với cái Thiêng vì ơn hay Kính vì sợ với mục đích chung là cầu An, cầu cho mọi việc đều bình yên vô sự, không bị các thế lực thiêng phá hại, Thành hoàng làng là vị thần bảo hộ, là người cứu dân làng khỏi các khổ nạn do những thế lực Thiêng khác gây ra. Tuy ngày nay, trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, con người đã lý giải được những khoảng trống trong nhận thức, những bất công về mặt xã hội, những bất trắc, may, rủi trong cuộc sống nhưng tín ngưỡng Thành hoàng vẫn có những vai trò nhất định không thể phủ nhận đó là: Một là, Thành hoàng có vai trò liên kết cộng đồng. Tín ngưỡng Thành hoàng, thực chất là tín ngưỡng phúc thần đóng vai trò liên kết cộng đồng người trong một cộng đồng lãnh thổ nông nghiệp hữu hạn, làm nơi quy tụ tâm linh cho cư dân. Thành hoàng chứng kiến đời sống của dân làng, ban phúc độ trì cho những người trung hiếu, hiền lành, giáng hoạ trừng phạt những kẻ độc ác vô luân. Có tai biến, người ta thường đến lễ bái cầu xin thần che trở. Có việc oan ức, người ta thường lễ bái cầu xin thần chứng giám chuyển giữ hoá lành, giải oan cho người đó. Mọi người trong cộng đồng luôn tuân thủ theo luật lệ, đạo đức vì họ luôn tâm niệm rằng thần luôn giám sát những hoạt động của từng thành viên trong cộng đồng. Thần còn là lực lượng tiếp sức cho nhân dân trong các cuộc chống ngoại xâm, dập tắt thiên tai, bệnh dịch bằng con đường âm phù. Thần được dân làng hàng năm cúng tế và được triều đình phong kiến sắc phong thêm các mỹ tự sau mỗi lần cầu đảo linh nghiệm. Nhà nước phong kiến Việt Nam chọn lọc và phong sắc cho Thành hoàng làng nhằm mục đích đoàn kết và động viên toàn bộ sức mạnh của cộng đồng làng, xã và dân tộc thành một khối đồng thời thực hiện việc quản lý xã hội đến cơ sở xã hội. Và ngôi đình xuất hiện lúc ban đầu với chức năng làm trụ sở hành chính - công sở của nhà nước phong kiến ở làng, xã dần dần trở thành nơi thờ cúng Thành hoàng và hội họp của chức dịch, dân làng. Cùng với việc phong kiến hoá đình làng và thần làng, triều đình phong kiến đã tiến hành việc quản lý thống nhất đất nước. Các thần làng trở thành Thành hoàng làng. Các thần làng có công âm phù giúp vua dẹp giặc, giúp dân trừ thiên tai bệnh dịch hay những công thần của triều đình đều được sắc phong làm Thành hoàng. Ngôi đình làng không chỉ là nơi thờ cúng các Thành hoàng làng mà đây còn là nơi tụ họp dân làng khi có việc chung, là chốn vui chơi của cả làng vào các dịp lễ hội. Ngôi đình xưa kia vừa là “trụ sở hành chính” của làng, vừa là “toà án” xử kiện của xã và những ngày nhộn nhịp vào đám, sân đình trở thành “sàn diễn”, “sân khấu” cho các sinh hoạt văn hoá nghệ thuật như hát chèo, hát đúm, hát trống quân, cũng như các hoạt động thể thao như đấu vật, múa lân, kéo co, đánh cờ, thi thổi cơm.... “Trong nhiều thế kỷ, mãi tới mấy thập niên đầu thế kỷ 20, chức năng chính của ngôi đình miền Bắc vẫn là “hội trường lớn của làng" [16, tr.21-22]. Nếu như sự thờ cúng gia tiên là nền tảng gắn kết mọi thành viên trong gia đình; thì sự thờ cúng thần Thành hoàng là nền tảng gắn kết mọi thành viên trong cộng đồng làng, xã. Trên cơ sở những nguyện vọng, mong ước của các thành viên trong làng hội tụ ở thần. Hai là, Thành hoàng vai trò duy trì và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống. Thành hoàng làng là một trong những thành tố văn hoá mà người nông dân Việt Nam đã sáng tạo ra qua bao nhiêu thế hệ. Gắn với Thành hoàng là hội làng - một hoạt động văn hoá truyền thống ăn sâu vào lòng người với tư cách giá trị văn hoá. Những năm gần đây, các làng xã theo nhau khôi phục sinh hoạt văn hoá - lễ hội. Vì các thần Thành hoàng là biểu hiện cho những giá trị nền tảng, giá trị gốc của làng nên mỗi cá nhân, khi giao cảm với tổ tiên xã hội của mình, đã dựa vào những giá trị ấy để xác định phương hướng hành động cho bản thân, xác định những cách ứng xử thích hợp cho mình. Do vậy, nếu việc thực hành tín ngưỡng gia tiên mang ý nghĩa của sự thực hành những khuôn mẫu văn hoá trong gia đình, thì việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng thần Thành hoàng lại mang ý nghĩa sự thực hành những khuôn mẫu văn hoá của cộng đồng, tức những chuẩn mực xã hội. Vào đầu xuân hàng năm, làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ sơn, tỉnh Bắc Ninh lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức Thượng đẳng Thành hoàng là danh tướng Thiên Cương thời vua Hùng. Tuy nay đã bỏ tục đốt pháo nhưng Đồng Kỵ vẫn tổ chức lễ rước pháo trọng thể, tưng bừng, và trong đình vẫn bảo tồn hình quả pháo khổng lồ bằng mã rực rỡ sắc màu, lễ rước pháo vẫn tấp nập đông vui thu hút hàng ngàn du khác trong và ngoài nước [16, tr.21-22]. Mỗi lần thắp hương trên bàn thờ gia tiên, đối thoại với vong hồn người đã khuất là mỗi lần người sống tìm lại được sự kiểm nghiệm chính mình: việc nào mình đã làm được, việc nào chưa làm được, những hành vi, việc làm nào là phù hợp với mong muốn của tổ tiên... thông qua đối thoại với tâm linh, từ đó tìm cách để hoàn thiện bản thân, với những gì sai trái mong được tổ tiên lượng thứ chỉ bảo cho đường đi, phù hộ cho con cháu gặp được nhiều may mắn, sức khoẻ dồi dào... Có thể nói việc thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam không chỉ là nhu cầu tâm linh, là đạo lý uống nước nhớ nguồn mà nó còn là một nét văn hoá giúp dân tộc ta trải qua những thăng trầm trong thời kỳ đô hộ của phong kiến phương Bắc, vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Khác với trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo huyết thống gia đình, đối tượng được thờ cúng trong tín ngưỡng Thành hoàng thường được thờ cúng ở các miếu hay đình của các làng. Cũng như sự thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, việc thờ cúng Thành hoàng là nhằm nhớ ơn những người đã sinh ra mình, tôn vinh họ để cầu mong họ với uy quyền to lớn, sẽ giúp đỡ cộng đồng cũng như mọi thành viên trong cộng đồng đó vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống đời thường. Sự bình yên của cả cộng đồng làng, xã đều trông cậy vào Thành hoàng làng. Mặc dù ngày nay, Thành hoàng không còn thích hợp với xã hội hiện đại nếu vẫn giữ nguyên dạng, nhưng lễ hội làng liên quan đến Thành hoàng đang tái diễn ở nhiều nơi đem lại sự phấn khởi, sinh hoạt văn hoá cho xóm làng. Việc thờ cúng thần Thành hoàng đặc biệt là các nhân thần thể hiện đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta phát huy các giá trị đạo đức nhân, lễ, nghĩa, thuỷ chung, tôn ti, trật tự từ bao đời nay. Ba là, Thành hoàng giúp bù đắp những bắt trắc, rủi ro trong cuộc sống. Tuy ngày nay khoa học đã phát triển, nhưng con người vẫn gặp phải rất nhiều trắc trở trong cuộc sống như vô sinh, bệnh tật hiểm nghèo mà ngay cả y học hiện đại hiện nay còn chưa tìm ra phương pháp chữa trị, các thiên tai bất ngờ như sóng thần, động đất, lụt lội... hàng năm đã cướp đi biết bao sinh mạng con người. Tất cả những thực tế đó đã và đang làm tái hiện tín ngưỡng Thành hoàng. Chương 2 Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh 2.1. Đặc điểm tỉnh Bắc Ninh 2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội Bắc Ninh, dưới các triều đại phong kiến trước đây, được gọi là Kinh Bắc. Lịch sử đã để lại cho Bắc Ninh những di sản văn hoá quý báu cả về mặt vật thể và phi vật thể với hệ thống thành quách ở thành phố Bắc Ninh, phòng tuyến sông Cầu (sông Như Nguyệt) nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước ta, hệ thống các đình, chùa, miếu ở các vùng Từ Sơn, Bắc Ninh - Thị Cầu, Dâu Keo... Từ năm 1822, xứ Kinh Bắc được nhà Nguyễn đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh, sau hai năm thành Bắc Ninh, thuộc thành phố Bắc Ninh ngày nay, được xây dựng bằng đá ong với cây cột cờ cao 17m. “Dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1831, trấn Bắc Ninh được đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh” [49, tr.35]. Sau hoà bình lập lại năm 1954, tỉnh Bắc Ninh nói chung, thị xã Bắc Ninh nói riêng tiếp tục duy trì sự phát triển kinh tế suốt quá trình xây dựng chính quyền nhân dân và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Năm 1963 tỉnh Bắc Ninh lại được sát nhập với tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Mặc dù vậy, thị xã Bắc Ninh vẫn là một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của Hà Bắc. Đến năm 1996, tỉnh Hà Bắc được chia lại thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang theo Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10 (ngày 15-11-1996). Từ đó thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh) lại trở lại thành thị xã của tỉnh Bắc Ninh. Bắc Ninh ngày nay là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, phía Bắc giáp với tỉnh Bắc giang, phía Nam giáp Hưng Yên và một phần Hà Nội, phía Đông giáp Hải Dương và phía Tây giáp và cách thủ đô Hà Nội 30km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 45km; cách cảng biển Hải Phòng 110km. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm - tam giác tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; gần các khu, cụm công nghiệp lớn của vùng trọng điểm Bắc bộ. Bắc Ninh có các trục đường giao thông quan trọng chạy qua như quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 18 (thành phố Hạ Long - sân bay quốc tế Nội Bài), quốc lộ 38, đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn sang Trung Quốc và các tuyến đường thuỷ như sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình rất thuận tiện cho vận chuyển hàng hoá và giao lưu với các trung tâm kinh tế, văn hoá và thương mại của phía bắc Việt Nam, và có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Bắc Ninh có diện tích tự nhiên là 80393 ha - chiếm 0,2% diện tích tự nhiên của cả nước và là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất trong 64 tỉnh, thành phố- trong đó đất nuôi trồng thuỷ sản là 2589 ha, đất lâm nghiệp 623 ha, đất ở 5240 ha và các loại đất khác. Dân số toàn tỉnh theo thống kê năm 2001 là 960.919 người, với mật độ dân số là 1191,3 người/km2, là địa phương có mật độ dân số cao thứ ba trong số 64 tỉnh, thành phố, chỉ thấp hơn mật độ dân số của Hà Nội và của thành phố Hồ Chí Minh. Bắc Ninh có địa hình tương đối bằng phẳng. Tuy dốc từ bắc xuống nam và từ tây sang đông, nhưng độ dốc không lớn. Vùng đồng bằng chiếm gần hết diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có độ cao phổ biến là từ 3 đến 7 m so với mặt biển. Do được bồi đắp bởi các con sông lớn như sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình nên vùng đồng bằng chủ yếu là đất phù sa màu mỡ. Vùng gò đồi trung du chỉ chiếm 0,5% diện tích tự nhiên và phần lớn là đồi núi thấp, cao nhất là núi Hàm Long cao 171 m. Về quản lý hành chính, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm thành phố Bắc Ninh và 7 huyện là: Yên Phong gồm 17 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Chờ; Quế Võ gồm 23 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Phố Mới; Tiên Du gồm 15 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Lim; Từ Sơn gồm 10 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Từ Sơn; Thuận thành gồm 17 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Hồ; Lương Tài gồm 13 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Thứa; Gia Bình gồm 13 xã, 1 thị trấn, trụ sở ở thị trấn Đông Bình. Trong những năm qua kinh tế - xã hội của Bắc Ninh đã có những bước phát triển với tổng sản phẩm GDP tăng bình quân 12,9% (năm 2001 GDP tăng14,1%). Trong đó nông nghiệp tăng bình quân là 6,4%, công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 24,1%, thương mại dịch vụ tăng 12,0%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 24,5%, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 18,6% [25]. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá từng bước nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Từ năm 1996 đến năm 2001 tỷ trọng nông nghiệp từ 46% giảm còn 34,2%, công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng từ 24,1% lên 37,1% [25]. Cùng với các địa phương khác trong cả nước giai đoạn từ nay đến năm 2010 là giai đoạn quan trọng để nền kinh tế tỉnh Bắc Ninh bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 của tỉnh được xác định: + Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2001-2010 đạt 13%, đưa GDP bình quân đầu người đạt mức trung bình của cả nước. + Chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá trên cơ sở công nghệ mới, tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. + Phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tỷ lệ: nông nghiệp chiếm khoảng 17,5%, công nghiệp và xây dựng 42%, trong đó công nghiệp chiếm 29,3%, dịch vụ 40,5% vào năm 2010 [25]. Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa kia là vùng đất phía bắc của kinh thành Thăng Long Đông Đô - Hà Nội ngày nay, là vùng đất trung tâm của châu thổ sông Hồng. Bắc Ninh còn là nơi gặp gỡ, giao hội của các mạch giao thông thuỷ, bộ tạo cho xứ Bắc sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá với một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc và văn hoá Việt Nam. Qua các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khảo cổ học ở Bắc Ninh cho thấy, đây là địa bàn cư trú của người Việt cổ, đồng thời là bộ phận cốt lõi của quốc gia Văn Lang Âu Lạc. Từ mấy nghìn năm trước, người Việt cổ đã cư trú và lập làng ở ven sông Cầu, sông Dâu, sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Vương... sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp kết hợp làm nghề thủ công. Hàng loạt di vật như trống đồng, dao găm, rìu, giáo, tấm khiên, mảnh giáp... bằng đồng với những hoa văn độc đáo được tìm thấy ở các di tích Lăng Ngâm, Đại Trạch, Quả Cảm, Đại Lai... mảnh khuôn đúc trống đồng trong thành cổ Luy Lâu đã chứng tỏ người xứ Bắc rất tinh xảo trong nghề đúc đồng, chế tác các đồ trang sức, làm gốm..., Bắc Ninh nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, làng tranh Đông Hồ ở huyện Thuận Thành, làng dệt Hồi Quan ở huyện Từ Sơn, làng đúc đồng Đại Bái ở huyện Gia Bình, làng nghề Tre trúc Xuân Lai ở Gia Bình, làm giấy gió Đống Cao, chạm khắc gỗ Phù Khê, Đồng Kỵ, rèn sắt Đa Hội, sơn mài Đình Bảng... Bắc Ninh là vùng đất tiêu biểu của văn hiến Việt Nam, nơi đây là địa bàn chủ yếu để thực hiện các chính sách xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển văn hoá Việt Nam của các triều đại còn âm vang lời tuyên ngôn bất hủ trên dòng sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Khắp trên mảnh đất Bắc Ninh đều có những di tích lịch sử, danh lam cổ tự và các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo các thời Lý - Trần - Lê, đây cũng là nơi đã sinh ra hơn 600 tiến sỹ chiếm 1/3 các vị đại khoa trong cả nước dưới các thời phong kiến. Bắc Ninh còn là vương quốc của lễ hội truyền thống, quê hương của các sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Hầu như làng nào cũng có lễ hội trong đó có những lễ hội tiêu biểu cho cả vùng, cả nước như hội xem hoa Mẫu đơn ở chùa Phật Tích, hội rước pháo Đồng Kỵ, hội đền Lý Bát Đế, hội đền Bà Chúa Kho, hội chùa Dâu, hội giỗ tổ Huyền Quang... Nổi tiếng và thu hút nhất đó là hội ca hát giao duyên của các làng Quan họ. 2.1.2. Một số tín ngưỡng dân gian ở Bắc Ninh Vốn là trung tâm kinh tế-văn hoá xưa kia của vùng Kinh Bắc nói riêng cũng như của cả nước nói chung, cùng với quá trình giao lưu, hội nhập và trao đổi kinh tế là quá trình tiếp xúc, hội nhập văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, Bắc Ninh, đặc biệt là Luy Lâu, đã trở thành trung tâm của quá trình hội nhập này với các hình thức tín ngưỡng dân gian phong phú và đặc sắc: 2.1.2.1. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên Trong quá trình đan xen và tiếp biến của nhiều luồng văn hoá, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn được duy trì và trở thành sợi chỉ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc nói chung, Bắc Ninh nói riêng, Đó là nét đẹp văn hoá đã ăn sâu, bám dễ, liền gốc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam nói chung, của người dân Bắc Ninh nói riêng từ ngàn đời nay. Tín ngưỡng thờ tổ tiên nói chung tồn tại ở ba cấp độ: gia đình - họ tộc, làng xã và quốc gia. Tuy có cấp độ, hình thức khác nhau nhưng cả ba trở thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ, nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau. Nó phản ánh mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, gia đình với tổ quốc. + Thờ cúng tổ tiên trong gia đình - họ tộc Cũng như ở khắp nơi trên đất nước ta, trong mỗi gia đình của người dân Bắc Ninh đều có một bàn thờ tổ tiên, thờ cúng tổ tiên không chỉ biểu hiện ở tình cảm nhớ ơn ông bà, tổ tiên là những người có công sinh thành, nuôi dưỡng mà ông bà, tổ tiên còn được quan niệm là những vị thần phù hộ cho con cháu được khoẻ mạnh, gặp nhiều điều may mắn và tránh được những tai hoạ, rủi ro trong cuộc sống. Chính vì vậy mà ban thờ tổ tiên luôn được đặt ở gian giữa của ngôi nhà, là khoảng không gian thiêng liêng, và trang trọng nhất. Việc bài trí các ban thờ tổ tiên ở các gia đình không hoàn toàn giống nhau, điều này phụ thuộc và quan niệm tâm linh và điều kiện kinh tế của các gia đình. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình, còn có việc thờ cúng thuỷ tổ của dòng họ. Việc cúng giỗ được thực hiện ở nhà thờ họ hay còn gọi là từ đường. Với những dòng họ không có từ đường riêng, thì việc cúng giỗ được tiến hành ngay tại nhà trưởng họ. Tất cả con cháu thường có mặt vào ngày giỗ tổ. Trong buổi lễ, trưởng họ thay mặt cho con cháu báo cáo công việc cũng như thành tích đạt được của cả họ, vừa ôn lại sự nghiệp, công trạng của của các vị thuỷ tổ để giáo dục con cháu tìm hiểu về tổ tiên mình để noi theo và biết ơn cội nguồn. Con người Bắc Ninh vốn nổi tiếng thông minh và hiếu học. Nơi đây là đất học với số lượng lớn các danh nhân khoa bảng, đứng đầu các địa phương trong nước thời phong kiến về số người đỗ tiến sĩ và trạng nguyên. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú (1782-1840) đã ghi chép tỉ mỉ về các kỳ thi dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, từ khoa thi đầu tiên (1075) đời Lý Nhân Tông, đến khoa thi Đinh Mùi (1787) đời Chiêu Thống, thì trong 47 người đỗ trạng nguyên trong cả nước, Bắc Ninh (theo phạm vi hành chính hiện nay) có 12 người đã đỗ trạng nguyên. Do đó trên mảnh đất Bắc Ninh có rất nhiều nhà thờ họ, đặc biệt là thờ các bậc tiến sĩ, trạng nguyên đã đỗ đạt ở các thời phong kiến, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá như: đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, ở huyện Gia Bình, hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, đặc biệt là rang đá cỡ lớn có kiểu dáng độc đáo nhất nước [23]; nhà thờ họ Ngô ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, dòng họ có 5 chi, 5 đời đỗ tiến sĩ; nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong; nhà thờ họ Đặng, ở xã Phú Hoà, huyện Lương Tài; đền thờ lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du; nhà thờ dòng họ Nguyễn Thạc - có 12 phong chức tước và ghi công 7 đời làm quan của dòng họ Nguyễn Thạc dưới thời Lê - Trịnh - có độ tuổi khoảng 304 năm ở Đình Bảng, huyện Tiên Du là một trong 6 ngôi nhà cổ ở Việt Nam được UNESCO trao giải thưởng công trạng bảo tồn di tích. Trong cuốn gia phả họ Nguyễn Thạc (do ông Nguyễn Thạc Sủng cháu 10 đời cụ Nguyễn Thạc Lượng lưu giữ) có 12 phong chức tước và ghi công bảy đời làm quan của dòng họ Nguyễn Thạc thời Lê - Trịnh. Nhắc đến dòng họ Nguyễn Thạc ở làng Đình Bảng xứ Kinh Bắc là nhắc đến một dòng họ nổi tiếng với công lao xây dựng nhà thờ họ Nguyễn Thạc trên 300 tuổi và Đình Bảng - ngôi đình nổi tiếng từ rất xưa [24]. Đền thờ 18 vị tiến sỹ họ Nguyễn làng Kim Đôi, xã Kim Chân, huyện Quế Võ. + Thờ cúng tổ tiên của cả nước Là mảnh đất của kinh đô cổ xưa kia với thành Luy Lâu trong thời kỳ dài từ cuối thể kỷ thứ II đến thế kỷ IX - X, Bắc Ninh - Kinh Bắc còn là nơi khởi nguồn của dân tộc ta với đền thờ Kinh Dương Vương; theo truyền thuyết thì thuỷ tổ của dân tộc ta là Kinh Dương Vương, mộ Kinh Dương Vương hiện nay ở làng An Lữ, huyện Thuận Thành. Nguyên Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần núi phương Nam đến núi Ngũ Linh (Hồ Nam, Trung Quốc) đóng lại đó rồi lấy con gái bà Vũ Tiên, sau bà sinh hạ một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương làm vua vào khoảng năm 2879 trước Công Nguyên và lấy con gái Thần Long là vua hồ Động Đình sinh được một con trai đặt tên là Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân, sau lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng. Trăm trứng nở thành trăm người con. Một ngày Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khác nhau, không ở cùng nhau được”. Sau đó năm mươi người con theo mẹ về núi, năm mươi người con theo cha xuống biển, chia nhau thống trị các xứ đó, đó là thuỷ tổ của các nhóm Bách Việt. Người con trưởng trong số các con theo mẹ lên Phong Sơn được tôn là vua gọi là Hùng Vương. Không chỉ là cái nôi của dân tộc Việt, là trung tâm của cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt của dân tộc ta chống xâm lược và đồng hoá trong suốt thiên niên kỷ đầu công nguyên. Kinh Bắc - Bắc Ninh còn là quê hương của nhà Lý - triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt, miền đất phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long. Đền Đô có tên là Cổ Pháp điện, là nơi thờ tám vị vua nhà Lý, nên cũng được gọi là đền Lý Bát Đế. Đền được xây dựng trên khu đất phát tích - nơi Lý Công Uẩn sau khi đăng quang, đã trở lại quê nhà gặp gỡ dân làng, ông phát tiền, lụa cho các cụ già và những người nghèo khó. Đền liên tục được tu bổ và mở rộng vào nhiều thời, song lần xây dựng lớn nhất vào triều Lê Trung Hưng thế kỷ XVII, với kiểu “nội Công, ngoại Quốc”, xung quanh có tường thành bao bọc. Lễ hội đền Đô thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang. Lễ hội thu hút hàng nghìn du khách khắp nơi về dự thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các vua Lý. 2.1.2.2. Tín ngưỡng phồn thực Việc thực hành các tín ngưỡng phồn thực và coi sinh thực khí như là biểu tượng của sự phồn thực rất phổ biến trong các lễ hội truyền thống trên thế giới. Tuy nhiên, ở người Việt, tín ngưỡng phồn thực được thực hiện một cách sinh động hơn. Và có lẽ, do được gắn với các lễ thức cầu nước - lễ thức phổ biến và khá đặc thù của những cư dân trồng lúa nước - mà tín ngưỡng phồn thực của họ tồn tại dai dẳng hơn và sống động hơn các tín ngưỡng phồn thực khác trên thế giới [17, tr.80]. Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ nên cũng như các vùng miền khác mang đậm nét văn hoá của nền văn minh nông nghiệp lúa nước đó là tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng thờ phồn thực ở Bắc Ninh được thể hiện rõ nét qua một số lễ hội truyền thống sau: Tín ngưỡng đền Cùng, thuộc xã Hoà Long, huyện Yên Phong, mang tính phồn thực nên người tứ phương tin rằng: trai chưa vợ, gái chưa chồng, hoặc vợ chồng muốn sinh con, thì cứ đến đền Cùng làm lễ là sẽ được như ý, ca dao có câu: Dù ai đi lễ bốn phương Không bằng linh hiển thắp hương đền Cùng Đền Cùng thờ hai bà Ngọc Dung và Thuỷ Tiên. Tương truyền hai bà là công chúa con vua Lý Thành Tông. Bấy giờ ở vùng núi Kim Liên có lũ yêu quái nổi lên quấy phá. Hai nàng Ngọc Dung, Thuỷ Tiên xin phép vua cha được đi diệt trừ lũ tinh ma này. Hai bà đã cùng dân làng diệt trừ được lũ yêu quái Mộc tinh, Ngư tinh, Hồ tinh. Sau, hai bà hoá ở đây và đều hoá rồng. Dân Viêm Trang lập đền thờ hai bà. Đền Cùng nằm ngay ở đầu làng Diềm, thấp thoáng ẩn hiện trong bóng cây đa già. Đền Cùng có giếng Ngọc, tương truyền rằng giếng này có mạch nước chảy từ núi Kim Lĩnh xuống nên không bao giờ cạn. Giếng có đôi cá chép vàng, cạnh giếng có cái cối đá to, có ban thờ riêng. Khuôn hình của khố đá cũng như hình khối của các cột đá ngôi cầu nghỉ cạnh đó là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, điều hoà âm dương, trời đất. Tín ngưỡng phồn thực cầu mong sinh sôi; xưa, các đôi trai gái sắp cưới nhau, gia đình đưa họ ra thắp nhang, lãm lễ ở cối đá [49, tr.14-15]. Làng Nga Hoàng, huyện Võ Giàng, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) thờ hai vị Thành hoàng một nam, một nữ là: Thành Đống Vành và Ninh Sơn Mỵ Nương. Hàng năm, vào dịp đầu xuân từ ngày mùng 6 đến 15 tháng Giêng là làng mở hội lệ với tục “chen”. Đây là một lễ hội mang tính phồn thực, chính trong những ngày hội vui này mà nhiều cặp trai gái nên duyên vợ chồng. Một lễ hội vừa dân dã, vừa văn minh, thoát khỏi các lệ tục phong kiến. Làng Nhồi, tức làng Hoà Đình, thuộc xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh (nay là thành phố Bắc Ninh). Hội chùa làng Nhồi được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng hàng năm. Tính phồn thực của lễ hội được thể hiện qua việc: các cô gái nết na, chưa chồng của làng Nhồi tụ tập “ngủ bọn” tại một nhà từ tối hôm trước (mùng 6), đến giời Tý nửa đêm, các cô khiêng kiệu rước “Bà Đống” về làng, trên đường về trai làng Đống Cao chạy ra cướp kiệu, các cô phải vừa giao tranh với trai làng Đống Cao, vừa bảo vệ cho những người khiêng kiệu. Hai bên giằng co dùng đòn ném nhau gọi là tục “lao đòn đám”. Đòn trúng vào ai, người đó tuy đau nhưng lại tin rằng năm đó sẽ được nhiều may mắn. Thạch Quang Phật được thờ ở chùa Dâu, huyện Thuận Thành, vốn là một hòn đá thiêng (Thạch Linh) - biểu tượng phồn thực trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Khi Phật giáo từ ấn độ truyền sang, nó đã nhanh chóng hoà nhập và dung hợp với tín ngưỡng bản địa. Từ Thạch Linh trở thành Thạch Quang Phật - tức hòn đá thiêng mang tính Phật, mang dấu Phật. Phật “Thạch Quang” là khối đá hình ống, đầu trong có nấc, đường kính đáy là 24 cm, một phía cao 26 cm, phía kia cao 23 cm, đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, hiện đặt trước tượng Pháp Vân trong thượng điện chùa Dâu [32, tr.121-122]. ở làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn thường diễn ra một tục rất náo nhiệt trong những dịp lễ hội của làng là tục “ôm cột Thái Bạch”. Mặc dù ngày nay, cột Thái Bạch được giải thích là chiếc ấn tiên phong của “Thiên Cương” - người anh hùng, ông tổ của làng Đồng Kỵ, song hành động ôm cột (ngày nay cột đá được thay bằng cột gỗ) lại mang ý nghĩa phồn thực: dân Đồng Kỵ quan niệm rằng, nếu ai ôm được cột đá đó thì không chỉ cá nhân người ấy, mà cả xóm nơi người ấy cư trú sẽ “người an vật thịnh”, thóc đầy bồ, ngô đầy đồng [17, tr.44]. Với ước muốn xóm làng được “phong đăng hoà cốc”, “nhân an vật thịnh” những người dân lao động trong các làng xã Bắc Ninh, chẳng biết tự bao giờ đã sáng tạo ra các trò chơi “bắt trạch trong chum”, “ôm cột”, rước sinh thực khí, “chen”, “múa bông”... Những trò chơi này mang đậm màu sắc của tín ngưỡng thờ phồn thực của cư dân nông nghiệp, bên trong cái vỏ tín ngưỡng này, có thể nói, đó chính là sự tổng kết kinh nghiệm sản xuất của năm trước và chuẩn bị tinh thần cho công việc sản xuất năm sau. Những công việc cần thiết này khi nó đã đựơc biến thể, cách điệu và được đưa vào “hội” thì nó đã được văn hoá hoá và làm phong phú thêm về trữ lượng và chủng loại các thành tố văn hoá của văn hoá làng vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. 2.1.2.3. Tín ngưỡng thờ Mẫu Xuất phát từ nét truyền thống văn hoá của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước là thờ nữ thần - tôn thờ người mẹ, thờ Mẫu bao gồm việc thờ các vị thần được tôn phong như: Quốc Mẫu, Thánh Mẫu, Vương Mẫu. Các Mẫu thường được thờ ở các đền, phủ riêng biệt hoặc được phối thờ cùng các vị thần khác trong đình, chùa... Trong những năm gần đây việc thờ Mẫu có những biểu hiện mới với những hình thức diễn xướng văn hoá dân gian đã và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Trong “Tứ bất tử”, tác giả Vũ Ngọc Khánh đã phân tích rằng theo sự phát triển muôn màu, muôn vẻ cảu tín ngưỡng dân gian, không có sự điều chỉnh, không có văn bản quy phạm rõ ràng, tín ngưỡng về đức mẫu ngày càng thêm chồng chất nhiều lớp bổ sung. Người ta tin rằng đã có Thánh Mẫu đứng đầu thì phải có nhiều thuộc hạ tuỳ tòng làm quân gia cho Mẫu. Cung thất đền đài của Mẫu cũng là một mái ấm gia đình. Thủ hạ của Mẫu đều cùng huyết thống. Và do đó dưới quyền Mẫu là những cô, những cậu, những ông quan, ông hoàng. Như vậy là cả hệ thống thần linh được hình thành để trở nên đội ngũ thủ túc của Thánh Mẫu. Những cái tên họ đặt ra thật là dân giã. Cô đệ Nhất, cô đệ Nhị, ông hoàng Cả, ông hoàng Mười... Sau nữa, người ta đưa vào đây cả những anh hùng dân tộc các thời đại vào châu tuần chung quanh đức Mẫu. Có cả vua, cả quan, thậm chí có cả một triều đại như hệ thống các vị thần thuộc triều đại nhà Trần cũng có trong điện thờ Tứ phủ. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, người Kinh Bắc - Bắc Ninh thường tôn thờ các Mẫu - những người mẹ đã sinh thành ra những vị thánh nhân có công cứu dân, cứu nước như chùa Điều Sơn, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh là nơi thờ mẹ đức Thánh Gióng; chùa Cổ pháp, xã Đình Bảng và đình, chùa làng Dương Lôi, huyện Từ Sơn là nơi thờ bà Phạm Thị - đức Lý Thánh Mẫu; đình làng Thanh Tương, xã Thanh Tương, huyện Thuận Thành là nơi phối thờ Nam giao học tổ Sĩ Nhiếp và Liễu Hạnh... Ngoài ra, hầu như chùa nào ở Bắc Ninh đều có một gian thờ Mẫu, đặc biệt là chùa Phúc Nghiêm, huyện Thuận Thành, nơi thờ Phật Mẫu Man Nương. Đền Cổ Mễ thuộc làng Cổ Mễ phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là nơi thờ nữ thần được gọi là bà Chúa Kho. Tuy không tìm thấy thần tích, thần phả, hay thơ ca lưu truyền như ở đền Giảng Võ nhưng ở địa phương Cổ Mễ, cũng như bà con gần xa, đều gọi bà Chúa Kho là Linh Từ Quốc Mẫu. Có đôi câu đối ở trong đền ghi: Câu đối ở ngoài cổng ghi: “Chủ khố linh từ lưu đà tính Anh linh thần miếu liệt sơn cao”. Câu đối ở trong đền ghi: “Lê triều chưởng khố chương hồng liệt Nữ giới di danh trọng phúc thần”. Theo truyền thuyết, bà có tên thật là Trần Thị Dung, vốn là vợ của Lý Huệ Tông. Khi nhà vua mất bà lấy Trần Thủ Độ, vẫn được vua Trần phong làm Quốc Mẫu. Bà là người đã có công vun đắp cho cuộc nhân duyên của con gái bà là Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông). Bà là người cũng đã hoà giải được hiềm khích giữa hai anh em Trần Cảnh và Trần Liễu để vương triều nhà Trần được ổn định. Năm 1258, giặc Nguyên sang xâm lược nước ta, chiếm cả kinh thành Thăng Long, vua quan phải đi lánh nạn, bà ở Hoàng Giang đã bảo vệ được hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng thoát khỏi tay giặc. Bà cũng bảo vệ được kho tàng lương thực cho quan quân [10, tr.20,21-23]... Có thể nói, bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch nước ta lãnh đạo thành công việc sơ tán và bảo vệ được kho tàng, lương thực cùng sinh mệnh của nhiều người khác. 2.2. Thực trạng tín ngưỡng Thành hoàng tỉnh Bắc Ninh 2.2.1. Các loại Thành hoàng Bắc Ninh xưa kia bao gồm 4 phủ là: Từ Sơn, Thiên Phúc, Thuận An, Lạng Giang; 20 huyện là: Tiên Du, Võ Giàng, Quế Dương, Yên Phong, Thiên Phúc, Hiệp Hoà, Việt Yên, Lang Tài, Gia Lâm, Văn Giang, Gia Bình, Siêu Loại, Yên Thế, Yên Dũng, Bảo Lộc, Hữu Lũng, Phượng Nhãn, Lục Nam và Đông Ngàn [49, tr.34-35]. Theo sách “Địa chí Hà Bắ”, trong khoảng năm 1925 đến 1945 các đơn vị hành chính của Bắc Ninh gôm 3 phủ là: Sơn Tây, Thuận Thành, Từ Sơn và 8 huyện là: Gia Bình, Gia Lâm, Lang Tài, Quế Dương, Tiên Du, Văn Giang, Võ Giàng, Yên Phong. Theo thống kê (Bảng 2), Bắc Ninh có 1939 vị thần Thành hoàng được thờ. Trong đó có 1411 vị là nhân thần- chiếm hơn 72%, 443 vị là thiên thần - chiếm gần 23%, 64 vị là thuỷ thần - chiếm khoảng 3%, còn lại là sơn thần, thổ thần và Bản cảnh Thành hoàng - chiếm 2% [6]. Sở dĩ các nhân thần được thờ làm Thành hoàng với số lượng lớn đến như vậy là do vị trí địa lý của Bắc Ninh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nước ta. Các Thành hoàng là nhân thần chủ yếu là các vị tướng, danh nhân văn hoá thời Hùng Vương, và thời Lý- Trần - Lê. Bảng 2.1. Thống kê Thành hoàng Bắc Ninh [6] Phủ/Huyện Thành hoàng G ia B ìn h G ia L âm L an g T ài Q uế D ư ơn g Sơ n T ây T hu ận T hà nh T iê n D u T ừ S ơn V ăn G ia ng V õ G ià ng Y ên P ho ng T ổn g Nhân thần 91 180 118 121 1 189 181 244 50 147 89 1411 Thiên thần 28 56 65 34 0 82 45 55 30 12 36 443 Thuỷ thần 22 5 13 2 0 9 4 3 0 3 3 64 Sơn thần 5 1 0 0 0 0 3 3 0 0 4 16 Thổ thần 0 0 0 0 0 0 0 2 0 0 0 2 Khác 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 3 3 Tổng 146 242 196 157 1 280 233 307 80 162 135 1939  Nhân thần Hầu như làng nào trên quê hương Bắc Ninh cũng thờ một vị nhân thần, chủ yếu là các vị tướng các thời và những người có công lập ấp khai nghê, dạy dân làm ruộng, bảo vệ xóm làng. Theo tiến trình thời gian có thể chia Thành hoàng Bắc Ninh theo các giai đoạn sau: - Thành hoàng thời Hùng Vương; - Thành hoàng thời Bắc thuộc, thời hai Bà Trưng, thời tiền Lý; - Thành hoàng thời Lý - Trần - Lê. Xét theo nguồn gốc, công trạng của các thần có thể chia nhân thần theo các nhóm sau: - Thành hoàng là những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, các vị tướng có công đánh giặc giữ nước; - Thành hoàng là các nhân vật huyền thoại; - Thành hoàng là các nhân vật nửa huyền thoại, nửa lịch sử; - Thành hoàng là nữ; - Thành hoàng là những người có công lập ấp, khai nghề, hành nghề y cứu đời; - Thành hoàng có gốc Trung Quốc; - Thành hoàng có liên quan tới các tôn giáo khác; Có rất nhiều làng ở Bắc Ninh thờ các Thành hoàng là các vị thần thời Hùng Vương, chủ yếu là các vị tướng lĩnh của các Vua Hùng trong thời kỳ dựng nước. Riêng ở huyện Yên Phong đã có 11 làng thờ Thành hoàng là các vị thần thời Hùng Vương, đặc biệt là các tướng lĩnh đã giúp các vua Hùng dựng nước và đánh giặc giữ nước. Truyền thuyết về Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương và các bộ tướng của người như Bạo ngược Đại Vương (Lương Công) cùng hai em là Minh Công và Trị Công đã huy động nhân dân hai làng Thọ Đức và Đại Lâm (Tam Đa, Yên Phong) luyện tập võ nghệ chống giặc Ân cứu nước kể lại như sau: Đạo quân của ông hợp với đạo quân của Thánh Gióng đánh giặc, giặc Ân bị thất bại nặng nề phải rút chạy khỏi nước ta. Từ đó dân hai làng Thọ Đức và Đại Lâm theo lệnh vua Hùng thờ ba anh em Lương Công làm thần [27, tr.344- 347]. Trong cuộc kháng chiến chống Triệu Đà, những vị tướng được thờ làm Thành hoàng ở nhiều làng vùng Lục Đầu - Bình Than xưa- ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh đó là Cao Lỗ Vương, một danh tướng của An Dương Vương, người có công thiết kế kiến trúc thành Cổ Loa, sáng chế ra nỏ thần Liên châu. Theo truyền thuyết và thần tích, Cao Lỗ sinh ngày10 tháng Ba âm lịch, là người vùng Bình Than. Trong cuộc đấu tranh chống giặc Triệu Đà để bảo vệ Nhà nước Âu Lạc, ông đã anh dũng hy sinh ở chân thành Cổ Loa, được hổ tha xác về quê. Dân làng thấy liền đuổi hổ và an táng ông, di tích này còn đến ngày nay thuộc làng Tiểu Than, xã Vạn Ninh huyện Gia Bình. Ông đựơc 7 làng thuộc vùng Lục Đầu Giang thờ và lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng Ba hàng năm. Lễ hội này bày tỏ lòng nhớ ơn vị danh tướng của quê hương [32, tr.102]. Nghìn năm Bắc thuộc không chỉ có đấu tranh chống xâm lược và chống đồng hoá, mà còn là quá trình diễn ra sự giao lưu, tiếp xúc, hội nhập kinh tế, bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc. Tại đây tư tưởng Nho giáo và văn hoá Hán - Đường đã được truyền bá liên tục vào nước ta, chủ yếu là thông qua hoạt động của bộ máy thống trị và tần lớp quan lại. Tại phủ Luy Lâu, thái thú Sĩ Nhiếp đã mở trường dạy học để đào tạo quan lại. Chính vì vậy, chính sử của các nhà nước phong kiến và nhân dân vùng Luy Lâu đã tôn vinh Sĩ Nhiếp là “Nam Giao Học Tổ”. Có thể nói rằng Bắc Ninh với trung tâm Luy Lâu là nơi đầu tiên có trường học dạy chữ Hán và truyền bá văn hoá Hán ở nước ta. Để nhớ ơn ông nhiều làng đã thờ ông làm Thành hoàng làng và được các triều vua ban sắc phong. Đặc biệt có đền thờ ông ở làng Tam á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành. Theo thống kê của huyện Yên Phong, toàn huyện có tới 228 làng thờ Thành hoàng là các vị thần thời Bắc thuộc, thời Hai Bà Trưng, thời tiền Lý thế kỷ thứ VI. Trong cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và cuộc kháng chiến do Triệu Quang Phục lãnh đạo, nhân dân Bắc Ninh đã tham gia rất đông đảo, và nhiều vị tướng lĩnh đã đựơc nhân dân hai bên bờ sông Cầu từ ngã ba “Xà” tớí “Lục Đầu Giang” thờ làm Thành hoàng. Trong số đó có tới hàng trăm làng thờ Trương Hống, Trương Hát làm Thành hoàng, cùng với những truyền thuyết về hai anh em họ Trương giúp vua đánh giặc. Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077 của quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy tài tình của Lý Thường Kiệt và các tướng lĩnh của ông, đánh tan 30 vạn quân Tống, đã mở ra một giai đoạn phát triển cường thịnh của nước nhà. Sau chiến thắng này, các làng trên các vùng đất dọc theo sông Như Nguyệt (sông Cầu) nơi diễn ra các cuộc chiến chống quân Tống đã xuất hiện tục thờ thánh Tam Giang: Trương Hống, Trương Hát - vị thuỷ thần có công âm phù Lý Thường Kiệt trong chiến thắng Như Nguyệt của quân dân ta. Theo thống kê, có tới 372 làng thờ thánh Tam Giang dọc theo sông Như Nguyệt.  Nhiên thần Ngoài các nhân vật lịch sử, thuỷ tổ dân tộc, hoặc các bậc tổ nghê được nhân dân thờ phụng, các vị thiên thần cũng đựơc nhân dân Bắc Ninh sùng bái, ngưỡng vọng, thờ phụng ở nhiều nơi. Tục thờ tứ phật “Tứ Pháp” - Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện - là kết quả giao lưu văn hoá giữa nước ta với văn hoá ấn Độ, sự tiếp biến của tín ngưỡng bản địa nước ta ở thời kỳ này. Phật “Pháp Vân” và Tứ Pháp được các đời vua sau nay ban phong là “Đại Thánh” và được tôn thờ như là các vị thần Thành hoàng làng. Dân của 9 làng cổ thuộc 3 xã là: Phương Liễu, Phượng Mao và Nam Sơn, huyện Quế Võ thờ “Ngũ Vị Lôi Công” (năm vị thần sét), thần được phong “Thượng đẳng tối linh”. Nền tảng vật chất của lễ hội thờ “Ngũ Vị Lôi Công” của 9 làng xã chính là tín ngưỡng thờ các lực lượng thiên nhiên (mây, mưa, sấm, chớp, gió) để cầu mưa thuận gió hoà của cư dân người Việt cổ sinh sống ở đây. Cao Sơn và Quý Minh là hai vị thần biểu tượng cho văn hoá tín ngưỡng của cư dân sống ở vùng đồi núi và miền sông nước. Qua nhiều nguồn tư liệu, “Sơn thần gồm ba vị thần phổ biến là Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn thống lĩnh tả bộ Sơn thần và Quý Minh thống lĩnh hữu bộ Sơn thần. Ba vị thần linh tương ứng với ba đỉnh núi - Ba Vì - sơn khối Tản Viên thuộc tỉnh Hà Tây ngày nay” [20, tr.110]. Nằm trong mạch phát triển của tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, việc thờ hai vị thần Cao Sơn và Quý Minh cũng rất phổ biến ở Bắc Ninh. Theo thống kê có tới 56 làng thờ thần Quý Minh, 43 làng thờ thần Cao Sơn và rất nhiều làng thờ cả hai vị thần Cao Sơn và Quý Minh. Tập trung chủ yếu là ở huyện Quế Võ, huyện Từ Sơn và huyện Tiên Du - có 22 làng thờ thần Quý Minh và 23 làng thờ thần Cao Sơn. Có lẽ điều này cũng dễ hiểu vì đây là những huyện có địa hình đồng bằng sông nước xen lẫn đồi núi thấp, cư dân chủ yếu sống bằng nghề nông trồng lúa nước. Về thờ thuỷ thần, Bắc Ninh là một tỉnh có hệ thống sông, ngòi khá dày đặc với các con sông lớn chảy qua tạo thành một vùng đồng bằng phì nhiều, nên việc thờ thuỷ thần ở đây rất phổ biến. Các thuỷ thần phổ biến được thờ như Nam Hải Đại Vương, đình Diềm, xã Hoà Long, huyện Yên Phong thờ Vua Bà, Thuỷ tổ quan họ, bà được xem như là một vị thần nước, bài vị đền Vua Bà có ghi: “Đương cảnh Thành hoàng, Quốc Vương thiên tử, Nhữ Nương nam nữ, Nam Hải Đại Vương” [49, tr.13], Đông Hải, Thuỷ Bá... Hiện nay, theo điều tra bước đầu thu được, có tới 21 vị thuỷ thần được thờ ở Thuận Thành, trong đó làng Liễu Ngạn có 3 vị, thôn Bùi Xá, làng Cửu Yên có 1 vị, thôn Cựu, làng Cựu Cáp có 1 vị, Mão Điền có 2 vị, Đông Miếu có 3 vị, Thuỵ Mão có 1 vị, Lạc Thổ có 1 vị, Đại Đồng Thành có 1 vị, Bình Ngô có 1 vị, Yên Ngô có 1 vị, Nghi Khúc có 1 vị và Thường Vũ có 1 vị. Các đền thờ thuỷ thần này chủ yếu nằm dọc theo các bờ sông, là nơi luôn phải chịu sự tàn phá ghê gớm của thuỷ tai, những khi lũ lụt nặng nề, cũng có khi hạn hán mất mùa, đời sống của con người luôn bị đe doạ. Bắt nguồn từ quan niệm cho rằng vạn vật có linh hồn và theo một tâm lý tự nhiên để trấn áp nỗi sợ hãi, có rất nhiều làng đã thờ thuỷ thần làm thành hoàng. Nhưng mỗi nơi, mỗi vùng văn hoá lại có những đặc trưng riêng [23]. Đặc biệt, ở Bắc Ninh rất phổ biến tục thờ Thánh Tam Giang. Đến thời Lê Sơ, để hội lực giữa vương quyền và thần quyền, nhà Lê đã cho lịch sử hoá hàng loạt các thần tự nhiên với quê quán, công trạng khá cụ thể... để “thần” được sống mãi trong dân gian. Thánh Tam Giang, các vị thuỷ thần đã được lịch sử hoá thành các vị tướng tài giỏi của Triệu Quang Phục: Trương Hống, Trương Hát có công đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Các ông đã được nhân dân các làng ven sông Cầu thờ làm thần Thành hoàng làng, đặc biệt là từ sau chiến thắng Như Nguyệt 1077, do hai ông đã có công âm phù giúp Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống. 2.2.2. Một số nơi thờ tự Thành hoàng điển hình Theo thống kê phân loại bước đầu của Bảo Tàng Bắc Ninh, hiện nay trong 1.259 di tích có 425 ngôi đình, 153 ngôi đền, 44 ngôi miếu, và 40 ngôi nghè. Trong các nghè, miếu, đình, đền thờ Thành hoàng có nhiều ngôi được xếp hạng di tích lịch sử. Bắc Ninh hiện có rất nhiều ngôi đình, đền cổ rất có giá trị về mặt lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật và văn hoá như: đình Đông Khang, đình Diềm, đình Đình Bảng, đền Xà, đền thờ Sỹ Nhiếp, đền Đô... Xưa kia đã có câu: Thứ nhất là đình Đông Khang, Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm. Tuy nhiên, các nghè, miếu, đình, đền cổ phần lớn đã bị hư hại trong những năm chiến tranh, không còn giữ được nguyên trạng như xưa. Trong ba ngôi đình lớn nổi tiếng của Bắc Ninh là đình Đông Khang, đình Đình Bảng và đình Diềm thì hiện nay chỉ còn đình Đình Bảng là còn giữ được khá nguyên vẹn: Đình Đình Bảng (thuộc làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn) được khởi dựng vào năm Bính Thìn triều Lê niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Đình được dựng trên một khu đất hình con nhện khổng lồ, ở trung tâm làng. Đây là một công trình kiến trúc giàu tính dân tộc với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Đình trông về hướng Nam, nguyên trước đây có cả tam quan, tả vu và hữu vu. Nhưng những công trình ấy đã bị hư hại trong thời gian kháng chiến chống Pháp, nay đình chỉ còn lại toà bái đường, ống muống và hậu cung nối liền với nhau thành một khối hình chữ công. Toà bái đường hay còn gọi là đại đình được dựng trên nền cao hai bậc cấp đá xanh bó xung quanh, dài 20m, rộng 14m, từ bề mặt nền đến bờ nóc cao 8m, trong khối nhà bề thế vững chãi. Bốn mái đình úp trên toàn nhà chiếm 2/3 chiều cao toàn thể và xoè rộng ra bốn phía. Bốn mặt của đại đình đều bưng cửa bức bàn bằng gỗ soi bó trơn tru. Nền đình chỉ có phần lòng giếng ở gian giữa lát gạch chéo là nem, các gian bên đều có sàn gỗ cao 0,7m vừa có tác dụng chống ẩm, vừa đảm bảo độ thoáng mát. Toà bái đường có 7 gian chính và hai gian trái với 6 hàng cột, tổng cộng là 60 chiếc cột đều có chân đế bằng đá xanh. Các vì kèo của toà bái đường cấu trúc theo lối vì chồng giường “thượng tam hạ tứ” riêng hai kẻ kéo dài suốt từ cột cái sang hai cột góc dẫn vào nhà chuôi vồ, vồng cong trông mềm mại mà chắc khoẻ lại rất độc đáo. Đình Diềm thuộc xã Hoà Long, huyên Yên Phong, được xây dựng vào năm 1692 (năm Nhâm Thân), đình xưa có 7 gian, nhưng sau khi thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nay chỉ còn lại 5 gian. Toà đại đình 4 mái, đao cong, lòng rộng, tạo cho bên trong một không gian thoáng rộng. 4 cột cái cao to chu vi tới 2,14m. Bốn đầu dư đỡ hai câu đầu ở gian giữa có chạm khắc hình rồng và mây. Các chi tiết khác của khung đình chỉ bào trơn đóng bén, soi gờ chạy thẳng. Nghệ thuật chạm khắc ở đình Diềm chủ yếu tập trung nơi cửa võng và trên chiếc nhang án thờ. Toàn bộ cửa võng thếp vàng rực rỡ. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo. Đền Xà, thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, là trung tâm tín ngưỡng văn hoá quan trọng trong số hơn 300 làng thờ đức Thánh Tam Giang, là đầu mối của vùng thờ Thánh Tam Giang dọc sông Cầu “thượng ngã ba Xà, hạ Lục đầu giang”. Đền Xà bị thực dân Pháp phá huỷ thời kỳ kháng chiến. Vốn trước đó đền có quy mô cấu trúc khá đồ sộ, gồm tiền tế, hậu đường, tả vu, hữu vu, kiểu con chồng kẻ truyền, hướng nhìn ra ngã ba sông. Việc thờ phụng, cùng đồ thờ tự ở đây chủ yếu phản ánh về đức Thánh Tam Giang. Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích lịch sử văn hoá. Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện chủ trương, chính sách đối với di tích, đặc biệt là Luật Di sản văn hoá được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 9 thông qua là có sở pháp lý để thực hiện bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá. Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác bảo tồn di tích ở tỉnh Bắc Ninh trong những năm qua đã thu được một số kết quả và thành tựu quan trọng. Tỉnh đã thực hiện việc xếp hạng các di tích qua đó đã bảo vệ được các di tích quan trọng, xác định giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật của di tích, lập bản đồ đất đai và khoanh vùng bảo vệ di tích ngăn chặn sự xâm hại di tích. Những năm gần đây, cùng với nguồn vốn của Nhà nước, các làng, các thôn đã huy động nhân dân tham gia đóng góp nhằm trùng tu, tôn tạo các đình, nghè, miếu thờ Thành hoàng làng mình. Một số ngôi đình đã bị tàn phá trong chiến tranh thì nay đã được khôi phục lại. 2.3. Đặc điểm và vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh 2.3.1. Đặc điểm tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh Là một bộ phận của tín ngưỡng thờ Thành hoàng Việt Nam, tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh cũng mang các đặc điểm cơ bản là lịch sử hoá, phàm tục hoá, dân gian hoá thần bảo hộ, thờ các hiện tượng tự nhiên như: thần cây, thần đá, mây, mưa, sấm, chớp..., thể hiện sự sùng kính của nhân dân trước cái thiêng... Ngoài việc thờ các thần Tản viên Sơn thánh, Cao Sơn, Quý Minh cũng như bao làng quê thuộc vùng sông nước, đồi núi khác ở Việt Nam, Thành hoàng Bắc Ninh cũng mang những đặc điểm riêng điển hình đó là: Một là, có sự đa dạng trong điện thờ Thành hoàng ở Bắc Ninh. Rất ít làng chỉ thờ một vị thần Thành hoàng, mà các làng thường thờ từ hai, ba, đến năm vị. Trong số các vị thần được thờ làm thần Thành hoàng có nhân thần, nhiên thần, các vị thần có liên quan tới các tôn giáo khác, có thần là nữ, có cả tà thần, thần có nguồn gốc Trung Quốc... Làng Lập ái, huyện Gia Bình thờ 5 vị thần Thành hoàng, bao gồm 2 vị là thiên thần “Lão Mẫu Tuyên Bà”, “Thương Quốc Tuy Ông” và 3 vị là nhân thần “Thái Bảo”, “Hoàng Bảo” và “Hắc Đế”; thôn Kim Sơn và thôn Long Khê, làng Cựu Lự, huyện Quế Võ thờ hai vị nhân thần là “Triệu Quang Phục” và “Triệu Đà”; làng An Trạch, huyện Quế Võ thờ hai nhân thần là “Thiên Dục”, “Đống Vinh” và thờ cả “Liễu Hạnh” làm Thành hoàng; thôn Bùng, xã Bình Dương, huyện Gia Bình thờ đức thánh “Côn Nương” là một nữ tướng có công đánh giặc Hán; làng Đông Xuyên, xã Nội Trà, huyện Yên Phong thờ “Tam Giang Đại Vương”, “Cao Phẩm Đại Vương”, và “Trần Thị Đại Vương”, theo truyền thuyết, đức “Trần Thị Đại Vương” là thuỷ tổ họ Trần, ngài đã có công dạy dân khai khẩn ruộng đất và lập thành xã hiệu Đông Xuyên, dân cảm công đức tôn ông làm “Trần Thị Đại Vương”... Hai là, tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh phản ánh vai trò của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc trong quá trình dựng nước và đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua các thời đại, phản ánh sự đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau trong quá trình lao động sản xuất và bảo vệ xóm làng. Tín ngưỡng Thành hoàng Bắc Ninh chủ yếu là tín ngưỡng thờ phúc thần. Đó là những người có công lập ấp, khai nghề, các vị tướng lĩnh ở các thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý, Trần, Lê... Phần lớn phúc thần ở Bắc Ninh là những người có công đánh giặc giữ nước. Các vị anh hùng dân tộc, tướng sĩ ở các thời có công đánh giặc giữ nước như đức Thiên Cương, được thờ ở đình Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn; Trần Hưng Đạo được thờ ở làng Đông Thái, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong; một số thôn của xã Cao Đức, huyện Gia Bình thờ đức thánh Cao Lỗ Vương thời Thục Phán An Dương Vương như làng Văn Than, làng Trại Than, làng Đình Than... Đây đều là các tướng sĩ anh dũng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ta, có nhiều người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng quyết không đầu hàng giặc; Thôn Đại Vy, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du thờ ba vị thần là Trường Ngọ, Trường Mai và Bạch Đa. Các thần là ba bộ tướng của Đinh Tiên Hoàng đã anh dũng hy sinh ở đây được nhân dân thờ làm thành hoàng làng [TLĐD]; “Đình làng Đại Trung, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du thờ một vị thần là Đại sĩ Linh Thông Bảo Hiệu hiển ứng Côn Sơn đại vương, thần nguyên là một vị tướng dưới thời Trần, có công diệt giặc được vua Trùng Quang đến tế lễ và ban sắc phong ông làm phúc thần” [50, tr.507-508]. - Những người có công lập ấp, khai nghề, hành ng

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN-Tín ngưỡng Thành hoàng ở tỉnh Bắc Ninh hiện nay.pdf
Tài liệu liên quan