Sử dụng tác phẩm văn học trong hoạt động hướng dẫn trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi khám phá khoa học - Trương Thị Thùy Anh

Tài liệu Sử dụng tác phẩm văn học trong hoạt động hướng dẫn trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi khám phá khoa học - Trương Thị Thùy Anh: VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 132-137 132 Email: thuyanh.lit@gmail.com SỬ DỤNG TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG HOẠT ĐỘNG HƯỚNG DẪN TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI KHÁM PHÁ KHOA HỌC Trương Thị Thùy Anh - Ngô Mạnh Dũng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên Ngày nhận bài: 06/3/2019; ngày chỉnh sửa: 10/4/2019; ngày duyệt đăng: 21/4/2019. Abstract: In recent years, growing understanding and recognition of the value of science has shown that science is a particularly important field in early childhood education. In Vietnam, science inquiry in preschool is an important activity that contributes to creating worth opportunities which preschoolers are experienced and form important skills, especially cognitive skill. However, science inquiry activities can be achieved high efficiency when it has been combined with different factors. In this article, we not only provide an overview of the characteristics of preschool children at the age 5-6 and scientific...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 452 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sử dụng tác phẩm văn học trong hoạt động hướng dẫn trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi khám phá khoa học - Trương Thị Thùy Anh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 132-137 132 Email: thuyanh.lit@gmail.com SỬ DỤNG TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG HOẠT ĐỘNG HƯỚNG DẪN TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI KHÁM PHÁ KHOA HỌC Trương Thị Thùy Anh - Ngô Mạnh Dũng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên Ngày nhận bài: 06/3/2019; ngày chỉnh sửa: 10/4/2019; ngày duyệt đăng: 21/4/2019. Abstract: In recent years, growing understanding and recognition of the value of science has shown that science is a particularly important field in early childhood education. In Vietnam, science inquiry in preschool is an important activity that contributes to creating worth opportunities which preschoolers are experienced and form important skills, especially cognitive skill. However, science inquiry activities can be achieved high efficiency when it has been combined with different factors. In this article, we not only provide an overview of the characteristics of preschool children at the age 5-6 and scientific exploration activities in preschool, but also focus on proposing some methods that preschool teachers can use literary works to create a freshness and an attractiveness for this activity. Keywords: Science inquiry, preschool children, cognitive skill, literary work. 1. Mở đầu Có thể thấy, nhu cầu nhận thức là một trong những nhu cầu vốn có của con người nói chung, trẻ em nói riêng. Vì vậy, ngay từ những năm tháng đầu đời, ở trẻ đã xuất hiện xu hướng thích tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng xung quanh bằng những nỗ lực và cách thức khác nhau. Trong quá trình phát triển, phạm vi tiếp xúc của trẻ dần được mở rộng và chính nhờ quá trình đó, nhu cầu nhận thức của trẻ ngày càng được thỏa mãn và phát triển. Trên cơ sở lĩnh hội và tích lũy được các đặc điểm, tính chất, mối quan hệ giữa các sự vật, ở trẻ, những biểu tượng đầu tiên về cuộc sống bắt đầu được hình thành. Tuy nhiên, mức độ nhận thức và tích lũy tri thức ở trẻ cao hay thấp không chỉ phụ thuộc vào đặc điểm riêng của từng trẻ mà còn chịu sự chi phối của môi trường xung quanh. Vì vậy, việc tạo ra một môi trường giáo dục mà ở đó, trẻ được cung cấp cơ hội để tiếp nhận những tri thức mới thực sự là một việc làm cần thiết. Bằng việc vận dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau như: phương pháp phân tích và tổng hợp lí thuyết, phương pháp phân tích nội dung, bài viết đề xuất cách sử dụng tác phẩm văn học (TPVH) trong hướng dẫn trẻ khám phá khoa học (KPKH). Kết quả của nghiên cứu cho thấy, việc vận dụng TPVH trong hoạt động KPKH là một trong những yếu tố góp phần tạo ra môi trường giáo dục mới mẻ, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu nhận thức ngày càng cao của trẻ. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi và hoạt động khám phá khoa học 2.1.1. Đặc điểm trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi Ở trường mầm non, trẻ mẫu giáo (TMG) 5-6 tuổi là một đối tượng đặc biệt khi so sánh với trẻ ở các giai đoạn trước đó. Đối với TMG 5-6 tuổi, sự phát triển vượt trội của những đặc điểm tâm lí đã tạo ra những tiền đề quan trọng trong việc giúp trẻ tham gia các hoạt động nói chung, hoạt động KPKH nói riêng. Về cơ bản, dựa trên những thành tựu tâm lí đã tổng kết được, trong mối tương quan với hoạt động KPKH, TMG 5-6 tuổi có những đặc điểm tiêu biểu sau: - Về nhận thức: Ở độ tuổi này, tư duy trực quan hình tượng phát triển mạnh và chiếm ưu thế. Vào cuối độ tuổi, ở trẻ bắt đầu xuất hiện kiểu tư duy trực quan sơ đồ và những mầm mống đầu tiên của kiểu tư duy logic. Biểu hiện của kiểu tư duy này là ở chỗ trẻ có khả năng suy luận tương đối tốt dựa vào vốn kinh nghiệm và biểu tượng trong đầu. Vì thế, ở một mức độ đơn giản, trẻ có thể hiểu được bản chất, mối quan hệ của các sự vật, hiện tượng. Bên cạnh đó, nhu cầu nhận thức của trẻ ở giai đoạn này là rất lớn. Cùng với sự phát triển của các quá trình tâm lí, TMG 5-6 tuổi dễ bị hấp dẫn bởi những gì mới lạ và vì thế, ở chúng sẽ xuất hiện rất nhiều những câu hỏi có xu hướng truy tìm nguồn gốc, nguyên nhân và mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Những kiểu câu hỏi có dạng như: “cái gì...?”, “tại sao...?”, “như thế nào...?”... được xem là khá phổ biến ở TMG 5-6 tuổi. Do vậy, giúp trẻ học cách thỏa mãn trí tò mò thông qua KPKH về môi trường xung quanh sẽ đóng một vai trò rất lớn trong việc phát triển nhận thức và thúc đẩy quá trình học tập tích cực sau này ở trẻ. - Về chú ý: So với các giai đoạn trước đó, chú ý của TMG 5-6 tuổi đã có những thay đổi rõ rệt. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua các phương diện như: khối VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 132-137 133 lượng chú ý tăng lên; tính bền vững của chú ý ngày càng cao; sự xuất hiện của kiểu chú ý có chủ định. Sự gia tăng khối lượng của chú ý được biểu hiện trước hết ở chỗ, trẻ có thể quan sát rõ ràng vài đối tượng trong cùng một thời điểm. Thêm vào đó, kết quả quan sát cũng có thể tăng lên nếu người lớn dạy cho trẻ việc so sánh sự khác và giống nhau giữa các đối tượng [1; tr 249]. Ở TMG 5-6 tuổi, mặc dù chú ý có chủ định xuất hiện và có những tiến bộ hơn hẳn so với các lứa tuổi trước đó nhưng về cơ bản, chú ý không chủ định vẫn chiếm ưu thế. Ở độ tuổi này, trẻ thường có xu hướng ít tập trung vào những hoạt động kém hấp dẫn, đơn điệu; ngược lại, trẻ sẽ bị hấp dẫn, kích thích và chú ý bởi những hoạt động sôi nổi, nhiều màu sắc. Bởi vậy, không khó để nhận ra: “... hoạt động vui chơi, hoạt động khám phá hay những hoạt động đượm màu sắc xúc cảm thường lôi cuốn sự chú ý của trẻ khá lâu” [1; tr 251]. Những đặc điểm về chú ý của TMG 5-6 tuổi vừa nêu là một trong những cơ sở quan trọng để giáo viên (GV) mầm non có thể tổ chức hoạt động KPKH đạt hiệu quả cao. - Về ngôn ngữ: Sự phát triển ngôn ngữ của TMG 5-6 tuổi ngoài việc tuân theo những quy luật phát triển chung đối với TMG, còn mang những nét riêng nhờ gắn với đặc điểm phát triển tâm lí riêng của trẻ ở giai đoạn này. Về cơ bản, ngôn ngữ của TMG 5-6 tuổi đã phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện. Về mặt từ vựng, do sự mở rộng của phạm vi giao tiếp và sự phát triển của nhận thức, số lượng từ vựng mà TMG 5-6 tuổi tích lũy được khá phong phú (đến 5 tuổi, từ vựng của trẻ có khoảng 5.000 từ). Không chỉ vậy, nhờ có những hiểu biết đúng về nghĩa của các từ, TMG lớn cũng có khả năng sử dụng tương đối chính xác các từ loại khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau. Về mặt ngữ âm, trẻ ở độ tuổi này đã phát âm đúng gần như tất cả các âm vị, thanh vị trong tiếng Việt; đồng thời trẻ cũng đạt được những thành tựu về mặt ngữ điệu thông qua việc biết dùng ngữ điệu phù hợp, biết dùng cử chỉ, điệu bộ để bổ sung cho ngôn ngữ nói. Về mặt ngữ pháp, trong lời nói của TMG lớn, ngoài sự xuất hiện của số lượng lớn kiểu câu đơn mở rộng còn có sự xuất hiện của hầu hết các kiểu câu ghép trong tiếng Việt. Như vậy, có thể thấy, sự phát triển vượt trội về ngôn ngữ được xem là một trong những điều kiện tiên quyết để TMG lớn có thể tham gia hoạt động KPKH một cách hiệu quả vì điều này chứng tỏ “tư duy của trẻ đạt đến một sự thay đổi về chất” [2; tr 122]. Tóm lại, sự vượt trội của các quá trình tâm lí đã tạo điều kiện thuận lợi cho TMG 5-6 tuổi dễ dàng tham gia có hiệu quả các hoạt động ở trường mầm non nói chung, hoạt động KPKH nói riêng. 2.1.2. Hoạt động khám phá khoa học ở trường mầm non Trong chương trình Giáo dục mầm non, hoạt động KPKH là một trong những hoạt động đóng vai trò quan trọng nhằm giúp trẻ mở rộng nhận thức, tăng cường hiểu biết về thế giới xung quanh. Với những đặc thù riêng, KPKH được xem là một hoạt động hấp dẫn, có ý nghĩa to lớn trong việc khơi gợi và kích thích trí tò mò, ham học hỏi ở trẻ; đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Hoạt động KPKH, xét về bản chất không hoàn toàn là một lĩnh vực quá mới, mà ngược lại, nó đã được nghiên cứu ở nhiều phương diện khác nhau. Đối với trẻ mầm non, KPKH “... là quá trình trẻ tích cực tham gia hoạt động thăm dò, tìm hiểu thế giới tự nhiên. Đó là quá trình quan sát, so sánh, phân loại, thử nghiệm, dự đoán, suy luận, thảo luận, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định...” [3; tr 12]. Như vậy, thực chất, đây là một hoạt động có tính quá trình mà ở đó, GV sẽ là người định hướng, giúp đỡ để khuyến khích trẻ bộc lộ các khả năng của bản thân thông qua một loạt các hoạt động nhằm tìm tòi, phát hiện những cái mới; đồng thời giúp trẻ hiểu hơn về thế giới xung quanh. Trên cơ sở đó, hoạt động KPKH đóng vai trò là một yếu tố để nuôi dưỡng, phát triển những kĩ năng thiết yếu ở trẻ mầm non. Tuy là một trong những hoạt động quan trọng ở bậc học mầm non nhưng hoạt động KPKH không nhằm mục đích để trẻ có thể tìm hiểu những kiến thức khoa học hàn lâm, khó hiểu. Về cơ bản, đây chỉ là hoạt động nhằm giúp trẻ có cơ hội được trải nghiệm, khám phá những sự vật, hiện tượng gần gũi với cuộc sống xung quanh. Vì thế, yêu cầu đặt ra hàng đầu đối với hoạt động khoa học ở bậc học mầm non là cần cung cấp cho trẻ hệ thống kiến thức cần thiết, đơn giản nhưng chính xác về thế giới xung quanh. Thông qua đó, hiểu biết của trẻ về thế giới tự nhiên không chỉ ngày càng được nâng cao, mở rộng mà tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ cũng được nuôi dưỡng. Và như một hệ quả tất yếu, các kĩ năng thuộc các lĩnh vực khác như ngôn ngữ, thẩm mĩ, thể chất, kĩ năng - tình cảm xã hội nhờ đó cũng được cải thiện một cách rõ rệt. Trong hoạt động KPKH ở trường mầm non, GV được xem là một nhân tố thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức và đảm bảo kết quả của hoạt động. Một mặt, GV là người cung cấp cơ hội KPKH cho trẻ thông qua việc tìm kiếm chủ đề, nội dung và tạo ra môi trường hoạt động phong phú, hấp dẫn. Mặt khác, GV đóng vai trò là người định hướng, hỗ trợ nhằm tạo cơ hội để trẻ được thực hành các kĩ năng, tăng cường suy nghĩ và chia sẻ nhiều hơn về những gì trẻ thấy. Vì thế, khi tổ chức hoạt động, GV nên chú ý lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ, đồng thời tìm cơ hội thích hợp để điều chỉnh (nếu trẻ làm chưa đúng) hoặc khen ngợi trẻ (trẻ làm VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 132-137 134 đúng) nhằm giúp trẻ tự tin vươn tới “sự khám phá và tìm tòi thực sự” [3; tr 18]. Tựu chung lại, trong sự đối sánh với những thành tựu về tâm lí mà TMG 5-6 tuổi đã đạt được, hoạt động KPKH thực sự là một hoạt động phù hợp nhằm hướng tới việc giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Dựa trên quan điểm giáo dục tích hợp hiện nay, GV mầm non có thể chủ động lựa chọn các phương tiện khác nhau nhằm tổ chức, hướng dẫn trẻ tìm hiểu, KPKH đạt hiệu cao quả nhất. Một cách tiếp cận mới và hứa hẹn mang lại nhiều ưu thế cho hoạt động này là việc sử dụng các phương tiện nghệ thuật - đặc biệt là sử dụng TPVH. 2.2. Định hướng lựa chọn tác phẩm văn học trong hoạt động hướng dẫn trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi khám phá khoa học TPVH, hiểu một cách chung nhất là công trình nghệ thuật ngôn từ do một tập thể hoặc một cá nhân sáng tạo nhằm thể hiện những khái quát về cuộc sống, về con người. Khi nói tới TPVH, có thể ngầm hiểu thuật ngữ này bao gồm những tác phẩm thuộc bộ phận văn học dân gian và cả những tác phẩm thuộc bộ phận văn học viết. Xét ở góc độ phản ánh sự vật, hiện tượng, tác phẩm nghệ thuật nói chung, TPVH nói riêng là một đối tượng đặc biệt. Tính chất đặc biệt của nó được thể hiện ở chỗ, bằng việc sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, các nhà văn, nhà thơ đã phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua những hình tượng nghệ thuật. Nhưng vì các sự vật, hiện tượng xuất hiện trong cuộc sống của con người vô cùng đa dạng, thêm vào đó, góc độ tiếp cận của mỗi nhà văn, nhà thơ lại hoàn toàn khác nhau nên các hình tượng nghệ thuật xuất hiện trong TPVH cũng vô cùng phong phú. Để sử dụng TPVH trong hoạt động hướng dẫn trẻ KPKH đạt hiệu quả cao, trong quá trình lựa chọn và xác định nội dung tác phẩm, GV mầm non cần chú ý những yêu cầu sau: Thứ nhất, cần chú ý đến mức độ ảnh hưởng cao của văn học đến lĩnh vực xúc cảm của trẻ [4; tr 150]. Đây được xem là một trong những yêu cầu hàng đầu mà GV mầm non cần chú ý khi lựa chọn TPVH cho trẻ mầm non nói chung. Bởi, một mặt, tính xúc cảm trong mỗi TPVH hoàn toàn không giống nhau; mặt khác, xúc cảm không chỉ là cơ sở nền tảng cho sự hình thành tình cảm mà nó còn chi phối, ảnh hưởng tới các lĩnh vực tâm lí khác ở trẻ. Vì thế, trong hoạt động KPKH, GV cần lựa chọn những tác phẩm giàu xúc cảm nhằm tạo ra sự tác động mạnh mẽ vào nhận thức của trẻ, giúp trẻ khám phá và tiếp thu các tri thức mới một cách tích cực và chủ động. Thứ hai, cần chú ý đến tính thông tin cao của TPVH [4; tr 150]. Mỗi thể loại văn học với những đặc trưng riêng sẽ có những ưu thế khác nhau trong việc tác động tới tư tưởng, tình cảm và nhận thức của trẻ. Chẳng hạn, nếu truyện và thơ có ưu thế trong việc phát triển nhận thức, giáo dục tình cảm, đạo đức thì truyện cười lại có tác động mạnh tới lĩnh vực tinh thần của trẻ. Đối với hoạt động KPKH, ngoài việc căn cứ vào khả năng tiếp nhận của trẻ, GV cần căn cứ vào nội dung của hoạt động để có thể lựa chọn được những thể loại phù hợp, hàm chứa lượng thông tin cao, cần thiết nhằm giúp cho hoạt động này thêm hấp dẫn. Thứ ba, chú ý đến khả năng lĩnh hội TPVH của mỗi lứa tuổi [4; tr 150]. Trẻ ở các lứa tuổi khác nhau thì sự phát triển sinh lí và tâm lí cũng rất khác nhau. Do đó, nếu xét về mặt tiếp nhận các tri thức thì những trẻ lớn hơn bao giờ cũng có cơ hội tiếp thu và lĩnh hội những tri thức đa dạng, phong phú và phức tạp hơn những trẻ nhỏ tuổi. Vì vậy, khi lựa chọn tác phẩm dùng trong hoạt động khám phá môi trường xung quanh nói chung, hoạt động KPKH nói riêng, GV cũng nên chú ý tới đặc điểm này của trẻ. Đối với những trẻ nhỏ tuổi, nên chọn những tác phẩm ngắn, đơn giản nhưng với trẻ lớn hơn, GV có thể tìm những tác phẩm phức tạp và đặt ra những yêu cầu cao hơn nhằm phát huy tính tích cực của trẻ. Thứ tư, những tri thức trong TPVH phải phù hợp với lứa tuổi, mang tính khoa học. Những tri thức không rõ ràng hoặc không phù hợp với lứa tuổi của trẻ sẽ khiến cho trẻ không hứng thú, khó nhớ và ít tập trung. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của việc vận dụng TPVH trong hoạt động KPKH, GV cần lựa chọn và kiểm tra sự chính xác của nội dung thông tin được trình bày trong tác phẩm trước khi đưa vào sử dụng. Trong thực tế, việc lựa chọn TPVH còn phải đảm bảo phù hợp với nội dung hoạt động KPKH. Muốn thực hiện được tiêu chí này, GV mầm non bắt buộc phải hiểu sâu sắc nội dung của hoạt động KPKH theo các chủ đề. Dưới đây là gợi ý về một số TPVH mà GV có thể sử dụng trong hoạt động hướng dẫn trẻ KPKH, căn cứ theo nội dung của 3 chủ đề: động vật, thực vật, nước và các hiện tượng tự nhiên. Chủ đề thực vật: Đối với trẻ 5-6 tuổi, yêu cầu về nội dung của hoạt động KPKH đã phức tạp hơn các lứa tuổi trước đó. Thông qua quá trình quan sát, trẻ cần so sánh, thảo luận sự giống và khác nhau của một số loại cây; phân loại thực vật theo dấu hiệu cơ bản; thực hiện các thí nghiệm đơn giản để quan sát sự phát triển của cây và giải thích mối liên hệ giữa cây với các yếu tố khác trong môi trường. Dựa trên những nội dung cơ bản vừa nêu, có thể đưa ra một số TPVH sử dụng trong chủ đề này như: Loại Tác phẩm Thơ Hoa kết trái (Thu Hà); Hồ sen (Nhược Thủy); Khế (Phạm Hổ); Dứa (Phạm Hổ); Củ cà rốt (Phạm Hổ); Bắp cải xanh (Phạm Hổ); Cây dây VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 132-137 135 leo (Xuân Tửu); Bắp ngô (Cao Xuân Thái); Hoa đào, hoa mai (Lệ Bình); Cây (Thy Ngọc);... Truyện Sự tích bông hoa cúc trắng; Sự tích hoa hồng; Hạt đỗ sót (Nguyễn Thị Thư); Chuyện của cây hoa hồng (Thanh Huyền); Chú đỗ con (Viết Linh); Sự tích cây vú sữa (Ngọc Châu); Hạt giống nhỏ (Đỗ Mai kể);... Câu đố Hoa gì tươi thắm sắc vàng/ Cánh dài mà nở muộn màng vào thu (Hoa cúc) Hoa gì nho nhỏ/ Cánh màu hồng tươi/ Hễ thấy hoa cười/ Đúng là Tết đến (Hoa đào) Hoa gì nở hướng mặt trời/ Sắc vàng rực rỡ thắm tươi vườn nhà (Hoa hướng dương) Khi chim tu hú gọi bầy/ Là mùa quả chín đỏ đầy quê ta (Quả vải) Quả gì ruột đỏ/ Lay láy hạt đen/ Bé nếm thử xem/ Ngọt ơi là ngọt (Dưa hấu) Da cóc mà bọc trứng gà/ Bổ ra thơm phức cả nhà muốn ăn (Quả mít)... Chủ đề động vật: Tương tự như đối với chủ đề thực vật, nếu như KPKH với TMG bé, mẫu giáo nhỡ mới chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản thì đối với TMG 5-6 tuổi, hoạt động KPKH đã phức tạp hơn. Trong quá trình thực hiện, trẻ cần quan sát, gọi tên, so sánh, nhận xét và thảo luận sự giống và khác nhau giữa các nhóm vật nuôi; dự đoán mối liên hệ; tiến hành các thí nghiệm đơn giản về động vật, sau đó quan sát và thảo luận. Dựa trên những nội dung cơ bản vừa nêu, có thể đưa ra một số TPVH sử dụng trong chủ đề này như: Loại Tác phẩm Thơ Chuồn chuồn (Phạm Hổ); Thỏ trắng (Vũ Quang Vinh); Tìm ổ (Võ Quảng); Đồng dao con voi; Rong và cá (Phạm Hổ); Chim chìa vôi (Trúc Chi); Con cua (Trần Mạnh Hảo); Con cá chép (Cao Xuân Thái); Chim én (Nhược Thủy);... Truyện Cá rô ron không vâng lời mẹ (Văn Hồng); Trong một hồ nước (Võ Quảng); Bài học tốt (Võ Quảng); Ếch xanh và cá con (Nguyễn Minh Hồng); Vì sao hươu có sừng (Nguyễn Minh Hồng); Tôm càng và cá con (Hoàng Lan dịch);... Câu đố Con gì mào đỏ/ Gáy ò ó o/ Sáng sớm tinh mơ/ Gọi người dậy sớm (Con gà trống); Con gì ăn no/ Bụng to mắt híp/ Mồm kêu ụt ịt/ Nằm thở phì phò (Con lợn); Con gì tai thính mắt tinh/ Nấp trong bóng tối/ Ngồi nhìn chuột qua (Con mèo); Con gì đuôi ngắn tai dài/ Mắt hồng lông mượt/ Có tài nhảy nhanh? (Con thỏ); Con gì ăn cỏ/ Đầu có hai sừng/ Lỗ mũi buộc thừng/ Kéo cày rất giỏi (Con trâu); Con gì sống ở trong hang/ Hai càng tám cẳng bò ngang suốt đời (Con cua);... Chủ đề nước và các hiện tượng tự nhiên: Đối với TMG 5-6 tuổi, trong hoạt động KPKH, trẻ cần quan sát, nhận xét, thảo luận các hiện tượng thời tiết hàng ngày, theo mùa; thảo luận sự khác nhau giữa các mùa; quan sát, dự đoán ảnh hưởng của thời tiết và các mùa đến đời sống của con người; quan sát, thảo luận về mặt trời, mặt trăng, ngày và đêm; thử nghiệm để quan sát và giải thích sự thay đổi của một số vật chất tự nhiên quen thuộc. Dựa trên những nội dung cơ bản vừa nêu, có thể đưa ra một số TPVH sử dụng trong chủ đề này như: Loại Tác phẩm Thơ Mùa xuân (Tú Mỡ); Mùa thu sang (Nhược Thủy); Trăng sáng (Nhược Thủy); Đồng dao hạt mưa; Cầu vồng (Nhược Thủy); Bão (Vũ Thế Hùng); Nước (Vương Trọng); Nắng (Lê Hồng Thiện); Mặt trời (Tố Quyên); Mưa (Lê Lâm);... Truyện Cô Mây (Nhược Thủy); Giọt nước tí xíu (Nguyễn Linh); Sự tích ngày và đêm (Thu Thủy kể); Những tia nắng buổi sáng (Thu Hương kể); Nữ thần mặt trăng và mặt trời (Thần thoại); Sơn Tinh Thủy Tinh (Thần thoại); Lời ru của trăng (Xuân Quỳnh); Đám mây đen xấu xí (Nguyễn Văn Thắng);... Câu đố Nhấp nha nhấp nháy/ Trên bầu trời đêm/ Buổi sáng em tìm/ Đi đâu hết cả? (Sao); Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng/ Bắc cầu lắt lẻo nằm ngang giữa trời? (Cầu vồng); Trắng, mềm, xốp nhẹ như bông/ Rủ rê cơn gió ruổi rong khắp trời? (Mây); Không có chân, không có tay/ Mà hay mở cửa? (Gió); Mùa gì bé đón trăng rằm/ Rước đèn phá cỗ, chị Hằng cùng vui? (Mùa thu); Đố bạn tính toán/ Phải gọi buổi nào/ Cây, lá lao xao/ Mặt trời đi ngủ? (Buổi tối); Gà gáy ó o/ Mặt trời ló rạng/ Đố anh, đố bạn/ Phải gọi buổi nào? (Buổi sáng)... Như vậy, TPVH dành cho trẻ em là nguồn cội của tri thức và là yếu tố quan trọng để bồi dưỡng tình cảm, xây dựng biểu tượng của trẻ về môi trường xung quanh. Việc vận dụng TPVH vào hoạt động KPKH tuy không quá phức tạp nhưng trước hết, muốn đạt hiệu quả cao cần tuân thủ theo những yêu cầu nhất định. Những yêu cầu này sẽ là kim chỉ nam trong quá trình GV mầm non thiết kế các hoạt động, giúp trẻ có cơ hội được tham gia vào các hoạt động hấp dẫn và hiệu quả. 2.3. Sử dụng tác phẩm văn học trong hoạt động khám phá khoa học cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi 2.3.1. Sử dụng tác phẩm văn học như là “chất xúc tác” trong hoạt động ổn định tổ chức, gây hứng thú VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 132-137 136 Ổn định tổ chức, gây hứng thú là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong các hoạt động học có chủ đích ở trường mầm non. KPKH không phải là một ngoại lệ. Để có thể làm tốt hoạt động này, ban đầu GV sẽ nghĩ ra các tình huống để tập trung trẻ xung quanh mình; sau đó sử dụng các thủ thuật, biện pháp tạo hứng thú cho trẻ, dẫn dắt trẻ vào hoạt động KPKH theo kế hoạch đã đề ra. Trong phần này, GV mầm non có thể sử dụng TPVH. Việc sử dụng các TPVH trong hoạt động này không chỉ có tác dụng gây hứng thú cho trẻ mà còn đóng vai trò như một đường dẫn để dẫn dắt tâm thế, sự chú ý của trẻ tới nội dung chính của hoạt động học. Đối với những bài thơ ngắn, những bài đồng dao mà trẻ đã thuộc, GV có thể tổ chức cho trẻ đọc; đối với những bài trẻ chưa thuộc thì GV có thể đọc, sau đó thảo luận nhanh với trẻ về những đối tượng (động vật, thực vật, hiện tượng thiên nhiên,...) xuất hiện trong tác phẩm. Đối với câu đố, GV cũng có thể linh hoạt lựa chọn những câu đố có đáp án liên quan đến đối tượng cần khám phá, tìm hiểu để đố trẻ. Bằng những cách như vậy, GV có thể khơi gợi hứng thú, sự tò mò ở trẻ và dẫn dắt trẻ vào hoạt động học chính. Chẳng hạn, trong hoạt động KPKH về chủ đề Động vật (Đề tài: Khám phá một số vật nuôi trong gia đình), sau khi đọc câu đố: “Tôi nằm suốt đêm/ Giữ cho nhà chủ/ Nhưng tôi chỉ sủa/ Những người lạ thôi” (Đáp án: con chó), GV có thể hỏi trẻ: “Đố các con, đó là con vật nào?”, “Ngoài con chó, các con còn biết những con vật nào được nuôi trong gia đình?”...; sau đó, GV sẽ giới thiệu để dẫn trẻ vào hoạt động học: “Để hiểu rõ hơn về những con vật này, hôm nay cô và các con sẽ cùng khám phá và tìm hiểu nhé!”. Hoặc, để dẫn dắt trẻ tìm hiểu quá trình nảy mầm của hạt, GV có thể lựa chọn truyện ngắn có tên “Chú đỗ con” để kể cho trẻ nghe, sau đó hỏi trẻ: “Các con vừa nghe cô kể câu chuyện về ai?”, “Quá trình lớn lên của chú đỗ con diễn ra thế nào?”; sau đó GV dẫn trẻ vào thí nghiệm: “Để xem các con có trả lời đúng không, hôm nay cô cùng các con khám phá về quá trình nảy mầm của hạt nhé!”. Sau khi kết thúc phần ổn định tổ chức, gây hứng thú, cô hướng dẫn trẻ tham gia vào nội dung chính của hoạt động. Lưu ý khi sử dụng TPVH trong hoạt động ổn định tổ chức, gây hứng thú: vì lượng thời gian dành cho hoạt động này tương đối ít nên GV cần lựa chọn những tác phẩm ngắn, đơn giản. Nếu lựa chọn tác phẩm quá dài hoặc quá khó sẽ mất nhiều thời gian và làm suy giảm hứng thú ở trẻ trước khi bước vào hoạt động chính. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng TPVH trong hoạt động này, GV nên linh hoạt lựa chọn các tác phẩm vừa đảm bảo về nội dung, vừa đảm bảo về hình thức, dung lượng. 2.3.2. Sử dụng tác phẩm văn học là phương tiện chính trong hoạt động khám phá khoa học Căn cứ vào cấu trúc đặc thù của hoạt động, câu đố được xem là phương tiện phù hợp hàng đầu bởi những ưu thế của thể loại này. Về hình thức, câu đố dành cho trẻ em thường ngắn gọn; nội dung thường rất đa dạng, dễ hiểu; số lượng cũng vô cùng phong phú. Vì thế, GV có thể dễ dàng lựa chọn một hay nhiều câu đố phù hợp để kích thích hứng thú và hướng dẫn trẻ chủ động tham gia hoạt động. Chẳng hạn, khi tiến hành hoạt động KPKH về chủ đề Nước và các hiện tượng tự nhiên (Đề tài: Khám phá một số hiện tượng tự nhiên), trong phần nội dung chính của hoạt động (khám phá hiện tượng nắng, mưa, gió), GV có thể lựa chọn các câu đố về nắng: “Cái gì trong trắng nhẹ nhàng/ Chọc qua giàn lá chẳng làm lá rung?”, về mưa: “Cũng gọi là hạt/ Chẳng cầm được đâu/ Làm nên ao sâu/ Làm nên hồ rộng?”, về gió: “Cát đâu ai bốc tung trời/ Sóng đâu ai vỗ, cây đồi ai rung?”, sau đó lần lượt đọc câu đố để đố trẻ. Khi cả cô và trẻ cùng nhau tìm ra đáp án của từng câu đố, cô sẽ hướng dẫn trẻ tìm hiểu đặc điểm cấu tạo của các hiện tượng tự nhiên này. Tương tự, trong hoạt động KPKH về chủ đề Thực vật (Đề tài: Khám phá một số loại hoa), trước khi cô và trẻ cùng nhau tìm hiểu, khám phá một số loại hoa gần gũi (hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền,...), cô có thể lần lượt đọc các câu đố để gợi ý trẻ suy nghĩ, tìm ra câu trả lời. Ngoài câu đố, truyện và thơ cũng được xem là một trong những phương tiện hữu hiệu, có nhiều ưu thế khi vận dụng trong hoạt động KPKH ở trường mầm non. Trong một số tác phẩm truyện, thơ dành cho trẻ nhỏ, hình tượng nghệ thuật được khắc họa bao giờ cũng được thể hiện một cách chi tiết, đầy đủ, rõ nét và phù hợp với tâm lí của trẻ nhỏ. Do đó, GV có thể vận dụng linh hoạt những bài thơ (hoặc đoạn thơ), đoạn văn để giúp trẻ có những hình dung ban đầu trước khi khám phá, tìm hiểu về con vật. Chẳng hạn, đối với chủ đề Động vật (Đề tài: Tìm hiểu một số vật nuôi trong gia đình), GV có thể lựa chọn bài thơ “Mười quả trứng tròn” (Phạm Hổ) làm tư liệu. Trong quá trình tổ chức hoạt động, GV có thể hướng dẫn trẻ khám phá, tìm hiểu con gà thông qua những câu thơ: “... Lòng trắng, lòng đỏ/ Thành mỏ thành chân/ Cái mỏ tí hon/ Cái chân tí xíu/ Lông vàng mát dịu/ Mắt đen sáng ngời...”. Khi đọc xong đoạn thơ, GV đàm thoại nhanh với trẻ thông qua câu hỏi: “Đoạn thơ trên có nhắc tới những bộ phận nào của con gà?”. Sau khi trẻ đưa ra câu trả lời, GV tổ chức đối chiếu với hình ảnh con gà để tìm hiểu những đặc điểm cấu tạo bên ngoài. Hoặc, khi cho trẻ tìm hiểu về con cá, GV có thể đọc hai câu đồng dao: “Con cá mà có cái đuôi/ Hai vây ve vẩy nó bơi rất tài”, VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2019, tr 132-137 137 sau đó GV có thể hỏi trẻ: “Con cá bơi được là nhờ có bộ phận nào?” (Đuôi, vây). Khi trẻ tìm ra câu trả lời đúng, GV sẽ hướng dẫn trẻ khám phá các bộ phận của con cá. Tương tự như thơ, đối với truyện, GV cũng có thể linh hoạt lựa chọn những tác phẩm phù hợp để tích hợp trong hoạt động KPKH theo từng chủ đề khác nhau. Mục đích sử dụng truyện là nhằm cung cấp thêm cho trẻ những thông tin về đối tượng đã được quan sát, kể lại những ghi chép về tự nhiên, xã hội hoặc những nội dung đã có trong tài liệu khoa học. Khi kể chuyện, GV nên kết hợp với việc sử dụng các tài liệu trực quan để tăng hứng thú cho trẻ, giúp trẻ lĩnh hội các tri thức tốt hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý, do đặc thù của truyện nên khi vận dụng vào hoạt động KPKH, thời gian kể chuyện không quá 15 phút. Hoặc, nếu có thể, GV nên tóm tắt, trích dẫn những câu hoặc đoạn có liên quan trực tiếp với đối tượng được đề cập tới trong hoạt động học, giúp cho hoạt động học thú vị nhưng vẫn tập trung và theo đúng mục tiêu đã đề ra. 2.3.3. Sử dụng tác phẩm văn học trong hoạt động mở rộng, củng cố kiến thức khoa học Trong hoạt động học có chủ đích, nội dung mở rộng được coi là một nội dung không kém phần quan trọng. Nội dung này không chỉ có vai trò giúp trẻ mở rộng nhận thức mà còn góp phần củng cố những biểu tượng của trẻ về thế giới xung quanh. Căn cứ vào đặc thù của hoạt động học, GV có thể lựa chọn những câu đố cùng chủ đề để đố trẻ. Ví dụ, ngoài hoạt động chính của bài học là tìm hiểu một số loại quả (quả cam, quả chuối, quả xoài), trong nội dung mở rộng, GV có thể dẫn: “Ngoài các loại quả mà cô và các con vừa khám phá, cô còn biết, có rất nhiều loại quả khác nữa. Bây giờ cô sẽ đưa ra câu đố, các con thử suy nghĩ xem, đó là những loại quả nào nhé!”; sau đó cô lựa chọn và đọc các câu đố để đố trẻ: “Quả gì nhiều mắt/ Khi chín nứt ra/ Ruột trắng nõn nà/ Hạt đen nhanh nhánh?” (Quả na), “Quả gì thơm nức mũi/ Da vàng óng như tơ/ Cô Tấm từ thuở xưa/ Bước ra từ quả đó?” (Quả thị), “Quả gì thường ở trên giàn/ Từng giàn chín mọng mang toàn chữ o?” (Quả nho). Ở hoạt động củng cố bài học, GV có thể cho trẻ chơi bắt chước động tác của các loài vật có trong bài thơ, câu chuyện hoặc bài đồng dao. Chú ý, nếu dùng TPVH vào mục đích này thì cần lựa chọn những câu miêu tả hành động, hoạt động của các loài, tránh những câu miêu tả, kể lể dài dòng. Sự miêu tả các hành động qua lời văn nghệ thuật sẽ giúp cho trẻ tưởng tượng và thực hiện một cách sáng tạo các động tác. Bên cạnh đó, GV cũng có thể chọn một bài thơ, hoặc đồng dao (đã học) có liên quan tới đối tượng vừa tìm hiểu và cho trẻ vừa vận động vừa đọc đồng thanh. 3. Kết luận Tóm lại, hoạt động KPKH là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong Chương trình giáo dục mầm non. Việc hướng dẫn trẻ KPKH ở trường mầm non không chỉ được thực hiện bằng một con đường duy nhất, ngược lại, nó được thực hiện bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trong đó, TPVH được xem là chất xúc tác quan trọng nhằm góp phần làm cho hoạt động này trở nên hấp dẫn, mới mẻ. Sự xuất hiện của TPVH trong hoạt động KPKH không chỉ giúp cho khả năng tiếp cận với môi trường xung quanh ở trẻ trở nên mềm mại, hiệu quả mà còn giúp trẻ có cơ hội được củng cố vốn ngôn ngữ sẵn có; đồng thời, góp phần hình thành ở trẻ những biểu tượng đầu tiên về cuộc sống. Cùng với vai trò định hướng của GV, việc lựa chọn và sử dụng TPVH trong hoạt động hướng dẫn trẻ KPKH ở trường mầm non thực sự là một hướng đi hứa hẹn mang lại nhiều ưu thế. Tài liệu tham khảo [1] Nguyễn Ánh Tuyết - Nguyễn Thị Như Mai (2014). Giáo trình Sự phát triển tâm lí trẻ em lứa tuổi mầm non. NXB Giáo dục Việt Nam. [2] Đinh Hồng Thái (2015). Giáo trình Phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non. NXB Đại học Sư phạm. [3] Trần Thị Ngọc Trâm - Nguyễn Thị Nga (2013). Các hoạt động khám phá khoa học của trẻ mầm non (Theo chương trình Giáo dục mầm non mới). NXB Giáo dục Việt Nam. [4] Hoàng Thị Phương (2015). Giáo trình Lí luận và phương pháp hướng dẫn trẻ làm quen với môi trường xung quanh. NXB Đại học Sư phạm. [5] Thanh Hải (2016). Câu đố Việt Nam tinh tuyển. NXB Văn học. [6] Thúy Quỳnh - Phương Thảo (2009). Tuyển chọn thơ ca, truyện kể, câu đố cho trẻ mầm non (chủ đề Thế giới thực vật). NXB Giáo dục Việt Nam. [7] Thúy Quỳnh - Phương Thảo (2009). Tuyển chọn thơ ca, truyện kể, câu đố cho trẻ mầm non (chủ đề Nước và các hiện tượng tự nhiên). NXB Giáo dục Việt Nam. [8] Thúy Quỳnh - Phương Thảo (2015). Tuyển chọn thơ ca, truyện kể, câu đố cho trẻ mầm non (chủ đề Thế giới động vật). NXB Giáo dục Việt Nam. [9] Lê Thị Ánh Tuyết (chủ biên) - Trịnh Thanh Huyền - Đặng Thu Quỳnh (2007). Tuyển tập truyện, thơ, câu đố mầm non. NXB Giáo dục. [10] Bộ GD-ĐT (2017). Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT ngày 24/01/2017 ban hành Chương trình Giáo dục mầm non. [11] U.S. Department of Education (2005). Helping your child learn science (With activities for children in preschool through grade 5). Education Publications Center.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf28truong_thi_thuy_anh_ngo_manh_dung_108_2148369.pdf
Tài liệu liên quan