Luận văn Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay

Tài liệu Luận văn Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay: LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Gia đình là tế bào của xã hội. Trong tiến trình phát triển của lịch sử, gia đình có một vị trí và vai trò đặc biệt. Từ gia đình, con người được sinh ra và trưởng thành cả về thể chất và nhân cách. Với hai chức năng cơ bản: tái sinh con người để duy trì nòi giống và xã hội hoá cá nhân để hình thành nhân cách, gia đình sẽ tồn tại mãi trong đời sống của nhân loại. Sức mạnh trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc, xã hội - phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại, phát triển của gia đình và văn hoá gia đình. Từ lâu, vấn đề này được thế giới rất quan tâm. Liên Hợp Quốc đã lấy năm 1994 là "Năm quốc tế gia đình". Các quốc gia trên thế giới cũng nhận thức rõ rằng, củng cố sự vững chắc của gia đình là nhân tố quan trọng để ổn định và phát triển đất nước. ở Việt Nam, vấn đề gia đình đang được đặt ra với vị trí mang tầm chiến lược quốc gia. Từ Cương lĩnh xây dựn...

pdf104 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1511 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Gia đình là tế bào của xã hội. Trong tiến trình phát triển của lịch sử, gia đình có một vị trí và vai trò đặc biệt. Từ gia đình, con người được sinh ra và trưởng thành cả về thể chất và nhân cách. Với hai chức năng cơ bản: tái sinh con người để duy trì nòi giống và xã hội hoá cá nhân để hình thành nhân cách, gia đình sẽ tồn tại mãi trong đời sống của nhân loại. Sức mạnh trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc, xã hội - phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại, phát triển của gia đình và văn hoá gia đình. Từ lâu, vấn đề này được thế giới rất quan tâm. Liên Hợp Quốc đã lấy năm 1994 là "Năm quốc tế gia đình". Các quốc gia trên thế giới cũng nhận thức rõ rằng, củng cố sự vững chắc của gia đình là nhân tố quan trọng để ổn định và phát triển đất nước. ở Việt Nam, vấn đề gia đình đang được đặt ra với vị trí mang tầm chiến lược quốc gia. Từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã bàn đến trách nhiệm của gia đình trong việc giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ, coi trọng xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, giá trị gia đình một lần nữa được Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hoá, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Sở dĩ gia đình có vai trò quan trọng đối với mỗi cuộc đời con người cũng như đối với sự trường tồn và phát triển của xã hội như vậy, chính là do những giá trị của văn hóa gia đình. Trong vấn đề gia đình, văn hoá gia đình có vị trí quan trọng, là nền tảng cho gia đình tồn tại và cơ sở bền vững của gia đình. Văn hoá gia đình vừa là mục tiêu, giá trị phải hướng tới, vừa là cơ sở thúc đẩy sự phát triển bản thân gia đình, nhằm phát triển con người và xã hội. Với tư cách là một thiết chế xã hội văn hoá, gia đình Việt Nam trong truyền thống và hiện đại, vẫn là nơi hội tụ, gắn kết mỗi thành viên trong gia đình với nhau. Khi vui người ta luôn san sẻ cùng gia đình và khi buồn cũng tìm sự an ủi, chở che từ gia đình. Bởi thế, đối với mỗi con người Việt Nam mang tâm hồn Việt, gia đình là nơi thiêng liêng nhất, thực sự là nơi ẩn náu của sự yên ổn, sự kính trọng và tình thương yêu. Nét đẹp trong văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam đã góp phần làm phong phú hơn lên bản sắc văn hoá của dân tộc, ngày nay những giá trị đó cần được kế thừa và phát huy. Tất yếu, cùng với quá trình vận động, phát triển về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của đất nước, những giá trị trong văn hoá gia đình Việt Nam truyền thống cũng đã có sự biến đổi rất lớn. Đặc biệt, nước ta đang trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường, những mặt trái của nó đã ảnh hưởng trực tiếp và có nguy cơ làm băng hoại các giá trị văn hoá dân tộc nói chung, giá trị gia đình truyền thống nói riêng. Nhà nước ta đã lấy ngày 28 tháng 6 làm Ngày Gia đình Việt Nam. Điều đó không những nói lên sự nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về tầm quan trọng của gia đình và văn hoá gia đình đối với vấn đề phát triển con người và xã hội trong quá trình phát triển đất nước, mà còn là định hướng quan trọng cho việc xây dựng gia đình văn hoá. Trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế và văn hoá xã hội, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề xây dựng gia đình văn hoá và văn hoá gia đình. Muốn có Gia đình văn hoá phải có văn hoá gia đình. Hay nói cách khác, gia đình văn hoá chính là sự thể hiện mới của văn hoá gia đình, nhưng ở trình độ cao hơn và được cụ thể hoá bằng các tiêu chí nhất định. Chủ trương xây dựng gia đình văn hoá được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước, trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn đối với cách mạng nước ta thời kỳ đổi mới. Quá trình đổi mới đất nước, đặc biệt phát triển kinh tế thị trường có định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đã tác động sâu sắc đến văn hoá gia đình, đến vai trò, vị trí, nhân cách của các thành viên trong gia đình. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có sự nghiên cứu tổng kết thực tiễn vận dụng chủ trương của Đảng về xây dựng gia đình văn hoá, nhằm phổ biến cách làm mới với những quy trình hiệu quả tối ưu, tìm ra những điểm chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, từ đó đề xuất giải pháp hữu hiệu và những kiến nghị kịp thời. Đây là việc làm cần thiết đối với các cấp, các ngành, các địa phương. Hà Tĩnh là một tỉnh vừa mới tái lập (1991) trên cơ sở tách ra từ tỉnh Nghệ Tĩnh. Là một tỉnh miền Trung được mệnh danh là vùng đất "chảo lửa, túi mưa", thiên nhiên rất khắc nghiệt, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tàn dư của chiến tranh... Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây. Đặc biệt trong quá trình mở cửa và hội nhập của nền kinh tế thị trường, việc xây dựng văn hoá gia đình Hà Tĩnh cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, chịu ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội, trẻ em hư hỏng, làm ăn bất chính. Những biểu hiện về sự sa sút đạo đức, lối sống, sự đảo lộn về trật tự kỷ cương trong gia đình, bất bình đẳng giới..., đó là những vấn đề cần được quan tâm và đánh giá một cách nghiêm túc. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, một cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh đã tiến hành trong suốt một thời gian dài. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng còn nhiều hạn chế, rất cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để có những định hướng kịp thời, góp phần tổ chức, triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá trên địa bàn Hà Tĩnh thực sự có hiệu quả trong thời gian tới. Xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề đã nêu trên, nghiên cứu văn hoá gia đình trong công tác xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh hiện nay rất có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, nhất là bản thân tôi đang công tác ở Hội Phụ nữ của TP. Hà Tĩnh. Vì vậy, tôi chọn đề tài: " Văn hoá gia đỡnh và xõy dựng gia đỡnh văn hoá ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay " làm luận văn tốt nghiệp Cao học, chuyên ngành Văn hoá học. Hy vọng những kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao nhận thức và năng lực hoạt động thực tiễn của bản thân. 2. Tình hình nghiên cứu Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề gia đình và xây dựng gia đình mới- gia đình văn hoá. Từ đó đến nay, cùng với nhiều chủ trương, chính sách về phát triển đất nước, xây dựng gia đình văn hoá được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng văn hoá gia đình và gia đình văn hoá trở thành nhiệm vụ quan trọng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Trong quá trình đổi mới đất nước, vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học. Thứ nhất, Những kết quả nghiên cứu về gia đình, văn hoá gia đình, xây dựng gia đình văn hoá của các tổ chức: Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Viện nghiên cứu gia đình và giới, Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trung tâm nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ. Ví dụ: - Một vài nét nghiên cứu về gia đình Việt Nam (1990), của tập thể tác giả Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Gia đình và Phụ nữ, thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Trong công trình này, các tác giả đã nghiên cứu về vai trò, vị trí của gia đình trong xã hội, nhưng mới chỉ đặt vấn đề và gợi ý là chủ yếu. - Những nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam (1991), của tập thể tác giả của Viện Xã hội học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia phối hợp với Khoa Xã hội học Trường Đại học Gothenburg (Thuỵ Điển), Nxb Khoa học xã hội xuất bản. Trong công trình này, các tác giả Việt Nam và Thuỵ Điển đã tiến hành khảo sát thực tiễn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước về đặc điểm gia đình Việt Nam trước những năm 1990. - Văn minh phương Đông và gia đình Việt Nam truyền thống (1994), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia do Quỹ Toyota Foundation tài trợ, đã có những khảo sát và nghiên cứu, đánh giá bước đầu về gia đình truyền thống ở Việt Nam qua một số thời mốc lịch sử của Việt Nam. Thứ hai, những nghiên cứu về vai trò của văn hoá gia đình và sự biến đổi của gia đình, giá trị văn hoá gia đình trong bối cảnh đổi mới của đất nước. - Gia đình Việt Nam với chức năng xã hội hoá (1998) của tác giả Lê Ngọc Văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. - Văn hoá gia đình và sự phát triển xã hội (1994) của nhiều tác giả, do nhà văn Lê Minh chủ biên, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội. - Người phụ nữ trong văn hoá gia đình đô thị (2003) của TS. Lê Quý Đức và Ths. Vũ Thị Huệ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. - Văn hoá gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em (2001) của PGS.TS Lê Như Hoa, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. - Văn hoá gia đình Việt Nam (2007) của GS. Vũ Ngọc Khánh, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. - Gia đình Việt Nam trong bối cảnh đất nước đổi mới (2003) của GS. Lê Thi (kết quả Cuộc điều tra về gia đình Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước tới nay), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Các công trình nghiên cứu trên đã đề cập tới những vấn đề lý luận và thực tiễn về gia đình, văn hoá gia đình, xây dựng gia đình văn hoá, sự biến đổi của gia đình và văn hoá gia đình trong bối cảnh mới, những vấn đề của gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại, cũng như ảnh hưởng của văn hoá gia đình đối với sự phát triển của cá nhân nói riêng và xã hội nói chung. Thứ ba, các công trình, các đề tài, luận văn, luận án nghiên cứu gia đình, xây dựng gia đình văn hoá dưới các góc độ triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, tiêu biểu là: - Vai trò của gia đình trong việc giáo dục thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay, (2001), Luận án tiến sĩ Triết học, chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học của Nghiêm Sĩ Liêm (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) - Gia đình Việt Nam và vai trò của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam hiện nay, (2003), Luận án tiến sĩ Triết học, Chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học, của Dương Thị Minh (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). - Gia đình trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em của nước ta hiện nay, (2004), Luận văn thạc sĩ Triết học, chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học của Phạm Thị Xuân (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). - Phát huy vai trò của người phụ nữ trong xây dựng gia đình văn hoá ở tỉnh Bạc Liêu hiện nay(2006), Luận văn thạc sĩ Triết học, chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học của Lê Cẩm Lệ... - Gia đình văn hoá và sự hình thành nhân cách trẻ em (trước tuổi đi học) ở nước ta của Nguyễn Thị Phượng - Văn hoá gia đình với sự hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam, của Võ Thị Hồng Loan... Dưới những góc độ khác nhau, các đề tài nghiên cứu nói trên đã đề cập đến vấn đề cả về lý luận và thực tiễn: đặc điểm, chức năng của gia đình Việt Nam; vai trò của phụ nữ trong gia đình; vai trò của giáo dục gia đình, đặc biệt giáo dục nhân cách; các đặc điểm, tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá ở nước ta hiện nay. Đồng thời, các đề tài cũng đưa ra được những phương hướng, giải pháp thiết thực góp phần xây dựng gia đình Việt Nam, phát huy vai trò to lớn của gia đình đối với sự phát triển con người, chủ thể của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ngoài ra, còn có hàng trăm bài viết mỗi năm, đã được đăng tải trên các sách báo, tạp chí nghiên cứu về văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá trong cơ chế thị trường. Nhìn chung, các công trình khoa học trên có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề nghiên cứu của đề tài cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Điều đáng lưu ý, tất yếu các giá trị văn hoá văn hoá gia đình và những yêu cầu về xây dựng gia đình văn hoá ở nước ta, có sự biến đổi cùng với sự biến đổi về kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Mặt khác, mỗi địa bàn khác nhau, tuỳ vào những điều kiện, hoàn cảnh và văn hoá truyền thống khác nhau, mà văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá có những yêu cầu khác nhau. Vì vậy nghiên cứu về phương diện này đang có nhiều khoảng trống. Những công trình đó trên đây mới chủ yếu đề cập đến gia đình, văn hoá gia đình, gia đình văn hoá nói chung, song chưa đề cập đến vấn đề văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh. Có thể khẳng định, cho đến nay ở Hà Tĩnh chưa có một công trình nào nghiên cứu về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu với mong muốn bước đầu nhìn nhận toàn diện và hệ thống hơn về vấn đề văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh hiện nay. 3. Mục đích và nhiệm vụ 3.1. Mục đích Luận văn góp phần làm rõ những vấn đề lý luận chung về gia đình, văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá và khảo sát, đánh giá thực trạng xây dựng gia đình văn hoá ở tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua, từ đó đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh trong thời kỳ đổi mới. 3.2. Nhiệm vụ Để thực hiện được mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ: - Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về gia đình, văn hoá gia đình và gia đình văn hoá. - Phân tích thực trạng văn hoá gia đình và khảo sát về cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá ở tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua - Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá của tỉnh. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu phương diện lý luận vấn đề văn hoá gia đình và thực tiễn cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu về tình hình văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về gia đình và xây dựng gia đình văn hoá. Ngoài ra, luận văn sử dụng các phương pháp đa/liên ngành, phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích-tổng hợp…để tiếp cận, giải quyết những yêu cầu đặt ra của đề tài. 6. Đóng góp mới của luận văn - Góp phần làm rõ về mặt lý luận và thực tiễn về vấn đề văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh. - Đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá của Hà Tĩnh trong thời gian tới. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 9 tiết. Chương 1 Khái quát chung về văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá 1.1. Quan niệm về gia đình và văn hoá gia đình 1.1.1. Quan niệm về gia đình Gia đình là cái gốc của con người, nơi con người sinh ra, bắt đầu một cuộc sống. Trong suốt cuộc đời, gia đình luôn là điểm tựa, là cội nguồn của tình cảm là cái nôi của sự yên bình, là yếu tố vô cùng cần thiết cho cuộc sống của con người và cho xã hội. Gia đình là một nhóm xã hội được cấu trúc theo những chuẩn mực văn hoá nhất định, như một tập hợp những mối quan hệ giữa các cá nhân (vợ chồng, bố mẹ, con cái và anh chị em, ...), gia đình là một thành quả văn hoá đặc thù của con người. Khái niệm gia đình thường được dùng để chỉ một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân. Ngày nay, quan niệm của một số người về gia đình không chỉ đóng khung trong những mối liên quan về huyết thống, về dòng họ, anh em, bố mẹ, cha mẹ nuôi,... mà gia đình là một phạm vi rộng lớn hơn trên cơ sở những người có tình yêu thương tương trợ lẫn nhau. Từ lâu chủ đề gia đình được nhiều ngành khoa học nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau và do vậy cũng có nhiều định nghĩa về gia đình, trong đó có những định nghĩa đáng chú ý C.Mác và Ph.Ăngghen khi luận chứng về những điều kiện tiền đề cho sự tồn tại của con người đã đưa ra nhận xét: “Hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người còn tạo ra những người khác sinh sôi, nảy nở. Đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ con cái, đó là gia đình” [38, tr.41]. Như vậy, bàn về gia đình, C.Mác đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nó trong duy trì nòi giống và nhấn mạnh mối quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, vấn đề gia đình không chỉ được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác nghiên cứu. Vì tầm quan trọng của nó trong quá trình phát triển của con người, xã hội, vấn đề này còn được đề cập đến trong những văn bản khác nhau, như bàn về các quyền của con người và gia đình, Tổ chức Liên hiệp quốc đã xác định “Gia đình là yếu tố tự nhiên và cơ bản của xã hội và có quyền hưởng sự bảo vệ của xã hội và của Nhà nước”. Hiến chương cộng đồng Châu Âu khẳng định: “Gia đình với tư cách là tế bào của xã hội, pháp lý và kinh tế thích hợp để đảm bảo sự phát triển của nó”. Hai quan điểm này thể hiện rõ sự gắn kết mật thiết giữa gia đình và xã hội, vài trò của gia đình đối với xã hội. ở Việt Nam, vấn đề gia đình đang là đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học khác nhau, thuộc nhiều chuyên ngành và vì thế định nghĩa gia đình cũng rất phong phú. Khái niệm “gia đình” Theo phương pháp chiết tự từ, nhà khoa học Hoàng Tiến khi nghiên cứu về gia đình đã chỉ ra: Chiết tự chữ Gia theo nghĩa Hán gồm bộ Miên, mang ý nghĩa mái lợp trùm nhà ngoài nối nhà trong. Dưới có chữ Thỉ, nghĩa là lợn. Chữ Gia mang ngữ nghĩa nhà ở, chắc chắn phải xuất hiện từ thời loài người đã biết chăn nuôi. Chiết tự chữ Đình, gồm bộ Nghiễm tức mái nhà (cũng đọc là Yêm), dưới là Đình với ý nghĩa là nơi phát chính lệnh cho cả nước theo (như triều đình). Như vậy, nghĩa xa xưa của gia đình hẳn là một đơn vị kinh tế nhỏ, chung sống dưới mái nhà trong cộng đồng xã hội. Định nghĩa này đã khái quát được một số dấu hiệu đặc trưng của gia đình (chung sống cùng mái nhà, là đơn vị kinh tế). Nhưng chưa khái quát được cơ sở hình thành gia đình cùng với một số chức năng quan trọng khác của gia đình. Theo Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên đã định nghĩa: “Gia đình là đơn vị xã hội, thành lập trên cơ sở dòng máu, bắt đầu có từ thời đại Thị tộc mẫu hệ, trong thời đại phong kiến thường có cha mẹ, con cháu, có khi chắt nữa, trong thời đại Tư bản chủ nghĩa thường chỉ có vợ chồng và con cái” [7, tr.113-114]. Định nghĩa này khái quát được một số nét bản chất của gia đình về cơ sở hình thành, duy trì, biến đổi của gia đình trong lịch sử và khẳng định gia đình là đơn vị xã hội nhưng chưa nêu được vai trò của gia đình với xã hội qua các chức năng của nó. Có thể nói, dưới góc độ ngôn ngữ, định nghĩa gia đình chưa thật đầy đủ, cần phải có định nghĩa mới về gia đình nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi. Gia đình nhìn từ góc độ xã hội học PGS.TS Lê Như Hoa, trong công trình khoa học của mình cho biết: “Một số nhà xã hội học quan niệm gia đình là một nhóm người” [25, tr.24]. Tác giả đã trích dẫn các quan điểm tiêu biểu của các nhà xã hội Phương Tây E.W.Burgess và H.J.Cocker coi: Gia đình là một nhóm người được thống nhất với nhau bởi những mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nhận con nuôi; tạo thành một hộ duy nhất, tác động qua lại và giao tiếp với nhau theo vai trò xã hội riêng từng người trong số họ: là chồng vợ, là mẹ cha, anh trai và em gái; tạo thành một nền văn hoá chung. Kingley Davis định nghĩa gia đình: “Là một nhóm người mà quan hệ của họ với nhau dựa trên cơ sở dòng dõi và do đó họ là họ hàng thân thích của nhau” [25, tr.24]. Các định nghĩa nói trên đã đề cập tới nhiều khía cạnh bản chất của gia đình nhưng sự khái quát khá chung chung, không rõ bản chất, chức năng và sự tác động của gia đình với xã hội và ngược lại. Nhà nghiên cứu Lê Thi quan niệm: Khái niệm gia đình được sử dụng để chỉ một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống, nảy sinh quan hệ hôn nhân đó và cùng chung sống (cha mẹ, con cái, ông bà, họ hàng, nội ngoại). Đồng thời gia đình cũng có thể bao gồm một số người được gia đình nuôi dưỡng, tuy không có quan hệ huyết thống các thành viên gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi (kinh tế, văn hoá, tình cảm), giữa họ thường có những điều ràng buộc có tính pháp lý, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ (được ghi rõ trong luật hôn nhân và gia đình của nước ta). Đồng thời trong gia đình có những quy định rõ ràng về quyền được phép và cấm đoán quan hệ tình dục giữa các thành viên [54, tr.42]. Đây là khái niệm đề cập tới nhiều nét đặc trưng, bản chất cơ bản của gia đình nhưng nặng nề về trình bày phân tích chưa khái quát cô đọng. Tóm lại dưới góc độ xã hội học, định nghĩa gia đình còn nhiều nét bản chất cơ bản cần được bổ sung và khái quát cô đọng phù hợp hơn. Dưới góc độ tâm lý học, tác giả Ngô Công Hoàn cho rằng “Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội có quan hệ gắn bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm sinh lý, có chung các giá trị vật chất, tinh thần ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất đình” [71, tr.36]. Tác giả Nguyễn Đình Xuân lại quan niệm: “Gia đình là nhóm nhỏ được liên kết vợ chồng (hôn nhân) theo quy luật xã hội trước tiên, sau đó mới là quy luật tính dục tự nhiên” [71, tr.36]. Các định nghĩa đó đã đề cấp tới nhiều nét bản chất của gia đình nhưng vài trò và quan hệ tác động của gia đình - xã hội chưa được khái quát. Nó cũng đòi hỏi các nhà nghiên cứu về gia đình phải có sự bổ sung phát triển. Liên Hợp Quốc, trong cuốn từ điển “Nhân khẩu học” cho rằng: “Gia đình là một đơn vị được quy định thông qua mối liên hệ của các cá nhân, nói lên sự tái thế hệ sau, đặc biệt ở mức độ mà những mối quan hệ này được những quy phạm và thủ tục pháp lý phê chuẩn” [35, tr.96]. Gần đây, UNESCO cũng đưa ra quan niệm, gia đình là một nhóm người có quan hệ họ hàng cùng chung sống và có ngân sách chung. Các định nghĩa này cũng có những đóng góp và những hạn chế tương tự như quan niệm gia đình của Tâm lý học, Xã hội học,... Luật hôn nhân và gia đình của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2000, khẳng định: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau theo luật định" [36, tr.12]. Đây là quan niệm chính thống của nhà nước ta, là cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề liên quan đến gia đình. Quan niệm này chưa khái quát rõ nét bản chất quan trọng: gia đình có vai trò to lớn đối với xã hội. Dưới góc độ của chủ nghĩa xã hội khoa học, giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học định nghĩa: “Gia đình là hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành duy trì và củng cố trên cơ sở hôn nhân và huyết thống” [28, tr.178]. Đây là định nghĩa đã phản ánh được những nét bản chất nhất của gia đình. Nhưng nó cũng chưa thể phản ánh rõ một số nét bản chất cơ bản khác của gia đình. Vì vậy, trong giáo trình đã có sự bổ sung: Nhưng xét rộng hơn và đầy đủ hơn, gia đình không chỉ là một đơn vị tình cảm - tâm lý mà còn là một tổ chức kinh tế, tiêu dùng (sở hữu, sản xuất, thu nhập, chi tiêu); một môi trường giáo dục - văn hoá (văn hoá gia đình và cộng đồng); một cơ cầu - thiết chế xã hội (có cơ chế và cách thức vận động riêng ...) [28, tr.178]. Qua phân tích chúng tôi cho rằng cần phải nghiên cứu kế thừa các quan điểm tiêu biểu trên, khái quát lại và bổ sung để có định nghĩa gia đình vừa đảm bảo tính khái quát, tính hệ thống tính lôgíc và toàn diện về những nét bản chất đặc trưng của gia đình. Thực tế cuộc sống gia đình hiện nay cho thấy cần có một định nghĩa gia đình mang tính khái quát cao, phản ánh được khá đầy đủ nét bản chất đặc trưng về gia đình phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển cùng những biến đổi của gia đình dưới sự tác động mạnh mẽ của điều kiện kinh tế - xã hội mới, của thời đại văn minh tin học đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Nhưng đây là vấn đề không đơn giản đặc biệt trong xã hội hiện đại, cùng với sự vận động, biến đổi của xã hội thì các hình thức, kiểu loại gia đình cũng biến đổi hết sức phức tạp, đa dạng. Trong thực tế có những gia đình không có con cái, có gia đình nhiều “chủng loại” con cái, kiểu con anh, con tôi, con chúng ta, có những gia đình chỉ sống với nhau theo “hợp đồng”. Lại có những gia đình chị em chăm nuôi lẫn nhau, tuy chúng không có bố mẹ nhưng không thể nói là họ không có gia đình. Còn có những kiểu gia đình không hoàn thiện, như: “gia tình thương” (do các nhân, hoặc nhóm tìm những trẻ mồ côi đưa về chăm nuôi dạy dỗ), “gia đình nghĩa hiệp” (do các cháu mồ côi tụ tập nhau lại cùng làm ăn sinh sống), gia đình “gà trống nuôi con”, “gà mái nuôi con”,... Tóm lại, có nhiều định nghĩa khác nhau về gia đình, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, vấn đề gia đình và khái niệm gia đình cần được nghiên cứu thêm. Căn cứ vào tình hình chung của hôn nhân và gia đình, chúng ta cần có một cách hiểu hoàn chỉnh hơn về gia đình đảm bảo hạt nhân hợp lý của nó. Như vậy, có thể từ nhiều góc độ khác nhau để quan niệm về gia đình. Gia đình nằm trong phạm trù cộng đồng với tư cách là một nhóm nhỏ xã hội đặc thù, đồng thời như một thiết chế xã hội, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xã hội hoá con người. Trên thực tế đang tồn tại nhiều kiểu gia đình, nhưng trong đó gia đình hạt nhân chiếm đa phần (ở Việt Nam, theo điều tra có từ 60-hơn 70%). Chính vì vậy mà chỉ có thể lấy gia đình hạt nhân làm đối tượng để đưa ra một định nghĩa về gia đình. Từ góc độ văn hoá học, có thể hiểu: Khái niệm gia đình được dùng để chỉ một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân đó (cha mẹ, con cái, ông bà, họ hàng nội ngoại…) cùng chung sống. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng cho cả một đời người, là môi trường văn hoá đầu tiên giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, là nơi hội tụ, chọn lọc và sáng tạo văn hoá của con người và xã hội loài người. Cũng như các thiết chế xã hội-văn hoá khác, gia đình luôn vận động phát triển. 1.1.2. Quan niệm về văn hoá gia đình Để tìm hiểu về văn hoá gia đình, trước tiên phải đề cập đến khái niệm văn hoá, bởi văn hoá chính là cơ sở của văn hoá gia đình. * Quan niệm văn hoá Thuật ngữ văn hoá xuất hiện trong ngôn ngữ nhân loại từ rất sớm. Ngay từ thời La Mã cổ đại, trong tiếng La tinh đã xuất hiện từ “văn hoá” (cultura). Từ “văn hoá” lúc đầu có nghĩa vỡ đất, cày cấy, vun trồng trong nông nghiệp, sau chuyển nghĩa sang vun trồng trí tuệ, vun trồng tinh thần, giáo dục con người. Theo định nghĩa của từ Hán - Việt “văn hoá” có nghĩa là “văn trị giáo hoá”, “hoá nhân tịch dục” tức là phải giáo dục cảm hoá con người để có thể quản lý, điều hành xã hội bằng “văn”. Thông qua nhân nghĩa, nhân văn coi trọng giáo dục để bình ổn xã hội, tạo lập kỷ cương. Văn hoá trong từ nguyên của cả phương Đông và phương Tây đều có chung một nghĩa căn bản là sự giáo hoá, vun trồng nhân cách con người, làm cho con người và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Văn hoá có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống nhưng không thể gọi tất cả cuộc sống là văn hoá. Từ trước đến nay đã có sự phân chia ra văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Tuy nhiên, sự phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối bởi vì trong văn hoá vật chất vẫn có văn hoá tinh thần và ngược lại, văn hoá tinh thần thể hiện trong những dạng văn hoá vật chất. Nhưng sản phẩm vật chất và tinh thần ấy đều do sự lao động sáng tạo của con người tạo ra để lại những dấu ấn tốt đẹp qua từng thời kỳ lịch sử. Khi quan niệm văn hoá bao gồm tất cả những gì tốt đẹp do con người sáng tạo ra tức là thừa nhận tính đa dạng, phong phú và phức tạp của nó. Nó gắn liền với quá trình hình thành và phát triển lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi địa phương, mỗi gia đình... phù hợp với nền kinh tế của xã hội đương thời. Có rất nhiều ý kiến và định nghĩa về văn hoá, trong đó đáng chú ý là ý kiến của tổ chức UNESCO: “Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân các cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy hình thành hệ thống giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những đặc tính riêng của mỗi dân tộc” [68, tr.23]. Đứng trước sự tiến công mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hoá, vấn đề giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc, các quốc gia đang gặp phải những thách thức to lớn đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, UNESCO đưa ra định nghĩa về văn hoá trên cơ sở nhấn mạnh đến nội dung đó nhằm thức tỉnh tinh thần trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc chống xu thế nhất thể hoá văn hoá, hướng tới tôn trọng và bảo vệ những giá trị văn hoá độc đáo của các quốc gia, dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một quan niệm về văn hoá: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn [39, tr.431]. Trong định nghĩa này, Hồ Chí Minh đã xác định văn hoá bao gồm những thành quả của sự sáng tạo cả về vật chất và tinh thần nhằm đáp ứng cho sự tồn tại và phát triển của loài người. Và điều đặc biệt ở đây là Người cho rằng văn hoá không chỉ là sự sáng tạo mà còn là phương thức sử dụng sự sáng tạo đó. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay. Chúng ta không chỉ chăm lo tạo ra nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp mà cần phải chú ý tới cả “phương thức sử dụng” cho hợp tình, hợp lý, mang tính nhân văn cao cả. Như vậy, văn hoá là hoạt động sáng tạo của con người trong quá trình lịch sử, chỉ trình độ Người. Văn hoá biểu hiện ở những hệ giá trị xã hội. Nói cách khác, văn hoá là toàn bộ sự hiểu biết , kinh nghiệm của con người được tích luỹ trong quá trình hoạt động thực tiễn lịch sử - xã hội. Văn hoá còn là mô hình các thiết chế xã hội để nhằm đảm bảo cho sự trao truyền, vận thông các giá trị, chuẩn mực văn hoá. Hệ thống thiết chế xã hội - văn hoá bao gồm: gia đình, nhà trường, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, tôn giáo. Các tổ chức ấy hình thành trên cơ sở các mối quan hệ giữa các thành viên của nhóm, của cộng đồng với các quy định, thể chế, giá trị, truyền thống của nhóm, của cộng đồng ấy. Các mô hình thiết chế xã hội đó có sức mạnh vật chất, tinh thần để thực hiện các chức năng văn hoá mà xã hội đặt ra. Trong các mô hình thiết chế - xã hội đó, tổ chức gia đình có một vị trí đặc biệt quan trọng, gắn bó cả cuộc đời con người. Gia đình là thiết chế xã hội - văn hoá quan trọng trong các mô hình thiết chế xã hội. Văn hoá cũng chính là phương thức ứng xử của con người. Nếu như loài vật chỉ tồn tại với tự nhiên và ứng xử trong môi trường tự nhiên thì con người để tồn tại và phát triển, con người không chỉ ứng xử với môi trường tự nhiên mà còn ứng xử với môi trường xã hội (quan hệ xã hội, các thiết chế xã hội và cả văn hoá của con người). Các phương thức, quy tắc ứng xử tạo nên hệ thống giá trị chuẩn mực, khuôn mẫu được tích luỹ trong đời sống cộng đồng tạo thành hệ giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng. Gia đình là môi trường đặc biệt, thể hiện phương thức ứng xử đầu tiên của con người, để ứng xử xã hội. Văn hoá đặc biệt gắn với giáo dục, đào tạo con người. Hay nói cách khác, giáo dục là một hiện tượng văn hoá của con người và cũng là một phương thức trao truyền văn hoá. Con người sinh ra chỉ mới là cá thể, để được là cá nhân, đặc biệt có nhân cách, con người phải chịu sự tác động của môi trường xã hội. Nếu không có giáo dục, con người sẽ về trạng thái dã man, mông muội như động vật. Như vậy, văn hoá chỉ có ở loài người, đó là năng lực học hỏi, thích ứng, sáng tạo ra những quan niệm, phương thức ứng xử, hệ thống biểu tượng, thiết chế, thể chế xã hội nhờ đó loài người có thể vận thông với nhau để tồn tại và phát triển. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người từ tuổi ấu thơ, có sự gắn bó cả cuộc đời con người từ thuở lọt lòng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Từ nội dung của văn hoá, ta có thể thấy rằng gia đình là một hiện tượng văn hoá của con người, xuất hiện và tồn tại vì sự tồn tại và phát triển của con người. Nó biến đổi cùng sự biến đổi của các cộng đồng người trong quá trình lịch sử văn hoá của các dân tộc, các thời đại có vai trò quan trọng đối với gia đình. Văn hoá là tiền đề quan trọng trong sự hình thành gia đình và là yếu tố cơ bản của gia đình. Nghiên cứu văn hoá chính là cơ sở để chúng ta đi sâu vào tìm hiểu về vấn đề văn hoá gia đình. * Quan niệm văn hoá gia đình Có thể hiểu quan niệm văn hoá gia đình từ những góc độ khác nhau. Từ các cấp độ của văn hoá cộng đồng (chủ thể): văn hoá nhân loại, văn hoá dân tộc, văn hoá giai cấp, văn hoá gia đình, văn hoá cá nhân - thì văn hoá gia đình là một trong những cấp độ của văn hoá. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, văn hoá gia đình chính là gia phong (nếp nhà). Gia phong chính là văn hoá gia đình truyền thống của gia đình, dòng họ. Biểu hiện đặc trưng của văn hoá gia đình: - Thể hiện qua thuần phong, mỹ tục, nếp sống, tác phong của các thành viên trong gia đình. - Biểu hiện ở sự ứng dụng những tri thức khoa học, y học, giáo dục học, tâm lý học, thẩm mỹ… để tổ chức gia đình, giáo dục con người, nhất là về mặt tinh thần. - Biểu hiện ở sự hiếu thuận đối với cha mẹ, sự tôn kính tổ tiên ông bà - Biểu hiện ở tấm gương sáng về nhân cách văn hoá trong gia đình… - Biểu hiện ở truyền thống gia phong của gia đình, dòng họ Từ góc độ xã hội học: người ta chia văn hoá thành hai dạng cơ bản: văn hoá cá nhân và văn hoá cộng đồng. Văn hoá cá nhân là văn hoá của mỗi cá nhân, nó là toàn bộ tri thức, kinh nghiệm, phương thức ứng xử mà mỗi cá nhân đã học tập, đã tích luỹ được trong quá trình tham gia vào hoạt động thực tiễn lịch sử - xã hội của đời sống cộng đồng. Văn hoá cộng đồng là văn hoá của một cộng đồng hay nhóm xã hội. Nó là toàn bộ hệ giá trị, chuẩn mực, thị hiếu, những đặc tính riêng của mỗi cộng đồng. Và cộng đồng tập hợp theo dòng máu thân thuộc (hôn nhân và huyết thống) gọi là gia đình. - Hiểu văn hoá gia đình theo quan điểm của Đảng ta trong xây dựng và phát triển nền văn hoá mới, làm cho văn hoá thấm sâu vào đời sống xã hội, thì văn hoá gia đình là một trong những mục đích: Văn hoá cộng đồng, văn hoá nhà trường, văn hoá gia đình, văn hoá giáo dục, văn hoá khoa học, văn hoá giải trí…Trong những năm gần đây Đảng và nhà nước ta có chủ trương xây dựng “gia đình văn hoá”, “làng xã văn hoá”, “công sở văn minh”,... cũng trên cơ sở việc nghiên cứu “văn hoá gia đình”, “văn hoá làng”,... Chúng ta đã biết, gia đình là một hiện tượng văn hoá của con người, gia đình chỉ xuất hiện trong xã hội loài người, không có trong thế giới động vật. Gia đình của con người là tâm điểm để tạo ra những quan hệ rộng lớn theo chiều dọc và chiều ngang. Từ một đôi vợ chồng sẽ tạo nên các thế hệ sau và quan hệ của nó với các thế hệ đó: con - cháu - chắt - chiu - chíu - chít, ngược lên là: bố mẹ - ông bà - cụ - kỵ... Cùng với các quan hệ dọc là quan hệ ngang họ hàng nội ngoại, bên chồng, bên vợ,... ý thức được và ứng xử với các quan hệ đó là một đặc trưng văn hoá của con người, không hoàn toàn có trong đời sống bầy đàn của động vật. Từ đó có thể khẳng định: gia đình của con người là một hiện tượng văn hoá hoàn toàn khác về chất so với hình thức kết đôi của động vật. Nó không chỉ bị quy định bởi nhu cầu sinh học mà nó được biến đổi về chất do nhu cầu xã hội (nhu cầu người) trở thành hiện tượng văn hoá. Gia đình là một giá trị văn hoá khi nó đáp ứng nhu cầu tồn tại và các nhu cầu đặc biệt thiêng liêng không vụ lợi của con người. Đó là tình thương, tình yêu, hạnh phúc, trách nhiệm, nghĩa vụ tinh thần mang tính người của con người. Chúng ta biết rằng gia đình là tổ ấm, khi mới cất tiếng khóc chào đời, gia đình là vành nôi yêu thương, che chở để con người lớn lên, trưởng thành. Tình yêu trai gái xét đến cùng là khát khao hướng tới một gia đình, hướng tới hạnh phúc ấm êm, đó cũng là một giá trị văn hoá. Hạnh phúc của việc sinh nở sự sống cũng là một giá trị văn hoá. Cha ông ta đã từng đúc kết nên những câu ca: “Có vàng vàng chẳng hay phô - Có con con nói trầm trồ dễ nghe”. Quả thật, gia đình là nơi người ta yêu thương, tin cậy, tự hào, là mục tiêu phấn đấu của con người - gia đình còn là yếu tố cần phải có để hoàn thiện nhân cách đối với tất cả những con người bình thường trong xã hội. Do vậy gia đình là một giá trị văn hoá thiêng liêng có thế so sánh với các giá trị cao cả khác. Gia đình không chỉ là một hiện tượng văn hoá của con người mà còn là một giá trị văn hoá thấm sâu vào tư tưởng,tình cảm, lý tưởng sống của con người. “Gia đình được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý báu của nhân loại, cần được giữ gìn và phát huy” [53, tr.14]. Gia đình là một hiện tượng văn hoá và là một giá trị văn hoá cho nên tất cả các quan hệ và hoạt động sống của gia đình đều biểu hiện đặc trưng văn hoá của con người. Hệ thống giá trị văn hoá của gia đình khi đã hình thành có vai trò chi phối, điều tiết các quan hệ của gia đình, chi phối các phương thức ứng xử của các thành viên gia đình. Đồng thời nó được thể chế hoá bằng: gia đạo, gia huấn, gia lễ và bằng pháp luật của nhà nước, bằng dư luận xã hội. Hệ thống giá trị đó là cơ sở tồn tại của gia đình và giữ cho đời sống gia đình bền vững và an sinh hạnh phúc. Như vậy, gia đình không chỉ là một nhóm xã hội đặc thù mà còn là một thực thể sinh học - văn hoá, một thiết chế xã hội văn hoá: “Gia đình ngay từ đầu là một tồn tại văn hoá, một thực thể văn hoá tất nhiên trong mối liên hệ khăng khít với những yếu tố sinh học và giới tính. ở những trình độ phát triển thấp của con người, đã là như thế, ở trình độ phát triển cao hơn, lại càng như thế” [44, tr.23]. Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể nhất trí với quan niệm về văn hoá gia đình như sau: Văn hoá gia đình là dạng đặc thù của văn hoá cộng đồng, văn hoá của thiết chế gia đình bao gồm tổng thể sống động các hoạt động sống của gia đình mang đặc trưng văn hoá bị chi phối bởi các giá trị, chuẩn mực, truyền thống, thị hiếu của một cộng đồng mà các thành viên gia đình đã chọn lựa để ứng xử với nhau trong gia đình và ngoài xã hội [22, tr.33]. Nghiên cứu về cấu trúc văn hoá gia đình có thể có nhiều hình thức khác nhau nhưng cơ bản nhất theo các nhà nghiên cứu có 2 dạng: - Văn hoá gia đình được thể hiện ở các dạng hoạt động cơ bản của gia đình: văn hoá sản sinh nuôi dạy con cái, văn hoá vật chất và tiêu dùng các sản phẩm vật chất, văn hoá tinh thần và hưởng thụ các sản phẩm tinh thần - Văn hoá gia đình thể hiện ở hệ giá trị của gia đình: các giá trị cấu trúc (các giá trị gắn với quan hệ bên trong của gia đình); các giá trị chức năng (giá trị thể hiện vai trò của gia đình đối với sự phát triển xã hội); các giá trị tâm linh (những giá trị không vụ lợi, mang tính thiêng liêng, bí ẩn)… Sự chia tách trên đây cũng chỉ là tương đối. Có thể thấy, văn hoá gia đình ngoài yếu tố cốt lõi là hệ giá trị, gia đình còn được xem xét như là một tập hợp của những biểu hiện văn hoá gắn với các mặt quan hệ và đời sống gia đình. Văn hoá gia đình vừa là sự biểu hiện giá trị trong quá trình phát triển, vừa có vai trò định hướng và mục tiêu cho sự phát triển gia đình qua mỗi thời đại lịch sử. Đối với chúng ta, văn hoá gia đình là cơ sở để xây dựng gia đình văn hoá trong sự nghiệp đổi mới đất nước. 1.2. Gia đình văn hoá và chủ trương xây dựng gia đình văn hoá ở nước ta 1.2.1. Gia đình văn hoá, mối quan hệ giữa văn hoá gia đình và gia đình văn hoá Quan niệm gia đình văn hoá Trong thực tế, nhiều người vẫn có sự lẫn lộn giữa văn hoá gia đình và gia đình văn hoá, thực chất hai khái niệm này không đồng nhất với nhau. Văn hoá gia đình là một dạng văn hoá cộng đồng, trong đó các giá trị chuẩn mực xã hội được vận hành, thể hiện các quan hệ ứng xử của gia đình như: hoà thuận, thuỷ chung “phu nghĩa, phu kính” (quan hệ vợ chồng); yêu thương, hiếu thuận “thờ mẹ, kính cha” (quan hệ cha mẹ - con cái); kính trên, nhường dưới, hiếu đễ, chị ngã em nâng (quan hệ ông bà - con cháu; anh - chị - em,...). Với những giá trị và chuẩn mực nhất định, văn hoá gia đình chi phối đời sống, quan hệ trong nội bộ gia đình, quan hệ gia đình với xã hội...với tư cách là một tế bào xã hội. Vì vậy, văn hoá gia đình là một dạng đặc thù của văn hoá xã hội bao gồm tổng thể các giá trị chuẩn mực, cách hành xử của xã hội mà các thành viên của gia đình cùng tiếp nhận để ứng xử với nhau trong gia đình và ngoài xã hội. Gia đình văn hoá là khái niệm do Ban chỉ đạo nếp sống mới Trung ương đặt ra, để chỉ một kiểu văn hoá gia đình mới, một trình độ văn hoá gia đình mới ở nước ta hiện nay. Gia đình văn hoá là một danh hiệu để phong tặng cho những gia đình đạt được hoặc thực hiện tốt các tiêu chuẩn đó. Danh hiệu này chỉ phẩm chất của gia đình, nói lên nếp sống có văn hoá của gia đình. Gia đình văn hoá là một khái niệm động, từ khi xuất hiện đến nay đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, chúng ta chính thức dùng tên gọi “Gia đình văn hoá” nhưng trước đây nó được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau: gia đình mới, gia đình có nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá xã hội chủ nghĩa, gia đình văn hoá mới. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá thực chất là xây dựng văn hoá gia đình mới, xuất phát từ việc kế thừa văn hoá gia đình truyền thống, nâng văn hoá gia đình lên một trình độ cao hơn cho phù hợp với điều kiện của xã hội mới. Văn hoá gia đình và gia đình văn hoá Trước hết, có thể khẳng định: gia đình văn hoá là giá trị tích hợp của văn hoá gia đình [31, tr.61]. Khái niệm “gia đình văn hoá” được hình thành từ khái niệm “văn hoá gia đình”. “Gia đình văn hoá” để chỉ một kiểu văn hoá gia đình mới, một trình độ văn hoá gia đình mới ở nước ta hiện nay. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá thực chất là xây dựng văn hoá gia đình kiểu mới, trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hoá gia đình truyền thống, nâng văn hoá gia đình lên một trình độ cao hơn cho phù hợp với điều kiện của xã hội hiện đại. Gia đình không những là giá trị văn hoá, mà còn là một thực thể văn hoá, cho nên tất cả các quan hệ và hoạt động sống của gia đình đều biểu hiện đặc trưng văn hoá của con người. Xây dựng gia đình văn hoá phải trên cơ sở định hướng của những giá trị văn hoá gia đình. Mục tiêu chính của công tác xây dựng gia đình văn hoá là: xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập, nâng cao ý thức cho các thành viên trong gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Giáo dục cho mọi thành viên tình cảm cộng đồng, gìn giữ gia phong, nền nếp gia đình…Các tiếu chí của xây dựng gia đình văn hoá được xây đựng trên cơ sở những giá trị văn hoá gia đình tương ứng. Để có gia đình văn hoá đúng với yêu cầu, đòi hỏi phải thực hiện một cách nghiêm túc cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá phải thực sự tôn trọng các giá trị văn hoá của gia đình, phải khai thác cho được những giá trị văn hoá, đặc biệt là các giá trị đạo đức của gia đình Việt Nam truyền thống đồng thời bổ sung những giá trị văn hoá mới (giá trị văn hoá gia đình dân chủ - bình đẳng) nâng lên thành giá trị văn hoá gia đình hiện đại: vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể khẳng định rằng: gia đình văn hoá với tư cách là một hình thức gia đình trong điều kiện mới ở nước ta, là sự kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống nói chung cũng như các giá trị đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam nói riêng được bổ sung các giá trị văn hoá hiện đại, phù hợp với điều kiện của gia đình trong xã hội mới - gia đình hiện đại mang bản sắc Việt Nam. 1.2.2. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của Đảng, khắp nơi trong cả nước dấy lên phong trào thi đua sôi nổi xây dựng đời sống văn hoá như: xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng làng văn hoá, giữ gìn cảnh quan môi trường, xây dựng các thiết chế văn hoá, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá... Nhiều gia đình, làng, bản, xã, xóm, khu dân cư ở các địa phương đã được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình, làng bản, khu dân cư... văn hoá, xây dựng được quy ước nếp sống văn hoá cho mình, xoá bỏ dần các hủ tục và cùng nhau xây dựng đời sống mới. Nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó trong thời gian qua đã và đang gây nên những chấn động, những sóng gió và thử thách đối với gia đình hôm nay. Đồng thời do quan điểm thực dụng, văn hoá tiêu dùng đang gia tăng trong xã hội ta, có chỗ, có nơi đồng tiền trở thành thước đo giá trị của con người. Bên cạnh đó, nhiều luồng văn hoá ngoại lai cũng du nhập vào Việt Nam làm cho nhiều giá trị tinh thần bị đảo lộn, không ít nếp sống, luân lý đẹp đẽ của xã hội bị suy giảm và rơi rụng nhiều. Vì vậy, vấn đề hiện nay không phải chỉ là nâng cao đời sống vật chất mà phải kết hợp với việc xây dựng đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, nếp sống có văn hoá, đạo đức trong mỗi gia đình. Xây dựng gia đình văn hoá mới là một yêu cầu cấp thiết, cần được tiến hành thường xuyên và liên tục. Có gia đình văn hoá hoà thuận, lành mạnh, hạnh phúc, tiến bộ là cơ sở cho một xã hội Việt Nam đoàn kết, tốt đẹp, văn minh. Gia đình văn hoá có thể hiểu khái quát là loại hình gia đình trong đó các mối quan hệ cơ bản của nó được hình thành tồn tại, phát triển và hoàn thiện dựa trên các chuẩn mực về văn hoá. Tuy nhiên, mỗi gia đình lại có những thuận lợi và khó khăn khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng gia đình mới - gia đình văn hoá là chủ trương được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đề ra từ rất sớm. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Bác Hồ đã phát động toàn dân tham gia xây dựng “đời sống mới trong một Quốc gia độc lập mới”. Người coi xây dựng gia đình là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng đời sống mới. Phong trào xây dựng gia đình mới bắt đầu từ những năm 1960, từ 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã tình nguyện đi đầu xây dựng gia đình văn hoá với ba nội dung: - Gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, trọng tâm là tham gia xây dựng hợp tác xã. - Xây dựng tinh thần đoàn kết thôn xóm, giúp nhau trong lao động sản xuất. - Gia đình vệ sinh ngăn nắp, gọn gàng và chi tiêu tiết kiệm. Ba nội dung trên trở thành 3 tiêu chuẩn của phong trào xây dựng gia đình mới ở thôn, xã, huyện, toàn tỉnh rồi sau đó lan sang các vùng lân cận. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu ấy chưa thể giải đáp trọn vẹn được những vấn đề tồn tại trong quá trình chỉ đạo cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá (do Ban vận động nếp sống mới Trung ương đề ra từ 1960). Dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc “Cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu toàn diện vấn đề gia đình Việt Nam, tiến đến những chuẩn mực đầy đủ của gia đình văn hoá hiện nay” như thông báo số 178 TB/TW ngày 29/03/1966 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã yêu cầu. Trên cơ sở đó, khi đất nước thống nhất, Bộ văn hoá phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra Thông tư số 35/TT (12/05/1975) về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình mới, và đưa ra tiêu chuẩn về xây dựng gia đình văn hoá như sau: - Gia đình hoà thuận, bình đẳng, dân chủ, hạnh phúc, tiến bộ. - Thực hiện sản xuất tốt, sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện tiết kiệm. - Thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ. Năm 1986, phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá” được gọi là phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá mới”. Từ năm 1991 tên đó được thay bằng “Xây dựng gia đình văn hoá”. Sau khi Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 4 (khoá VII) họp và ra nghị quyết về “Một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt”, Ban chỉ đạo nếp sống văn hoá Trung ương đã sửa đổi nội dung và tiêu chuẩn gia đình văn hoá cụ thể như sau: - Xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ. - Thực hiện kế hoạch hoá gia đình. - Đoàn kết xóm giềng. - Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Trên tinh thần đó, các Đại hội VIII (năm 1996); Đại hội IX (năm 2001); và Đại hội X (năm 2006) đều nhấn mạnh tới sự cần thiết phải xây dựng gia đình văn hoá, góp phần thực hiện tốt công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để cụ thể hoá các mục tiêu, Bộ văn hoá Thông tin- nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, căn cứ vào Luật thi đua khen thưởng đã ban hành và triển khai thực hiện Quy chế công nhận “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá, “Tổ dân phố văn hoá”. Trong đó, tiêu chí công nhận “Gia đình văn hoá” gồm: - Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương - Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người - Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả - Đời sống văn hoá tinh thần phong phú, lành mạnh Ba tiêu chí đó chính là “chuẩn mực”, là “giá trị” mà các các gia đình cần vươn tới để đạt được danh hiệu “Gia đình văn hoá” như một giá trị văn hoá gia đình hiện đại. Những chuẩn mực đó không những được quy chuẩn về mặt văn bản, mà còn được thực tiễn kiểm chứng và được xã hội thừa nhận. Đó chính là những giá trị tích hợp của văn hoá gia đình văn hoá Việt Nam hiện đại. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế đang tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho gia đình phát triển cũng như những tồn tại, hạn chế của nó. Vì vậy, ngày 21/2/2008 Ban bí thư đã có Chỉ thị số 49 CT/TW về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” với mục tiêu chủ yếu của công tác xây dựng gia đình là: ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con) no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Các ban ngành liên quan cũng đã có những công văn, chỉ thị, nghị quyết về vấn đề xây dựng gia đình văn hoá. Như Thông báo số 18/TB-BVHTT-MTTƯ ngày 04-4-2003 của Bộ văn hoá thông tin- Ban thường trực Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam về kết quả hội nghị liên tịch giữa Bộ văn hoá thông tin- Ban thường trực Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Chương trình phối hợp hoạt động số 285CTPH/HND-VHTT ngày 14/6/2001 của Hội Nông dân Việt Nam - Bộ văn hoá thông tin về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và “Xây dựng gia đình nông dân văn hoá”; Chương trình phối hợp hoạt động số 684YT-DP ngày 23/1/2003 của Bộ Y Tế- Bộ văn hoá thông tin - Ban thường trực Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc phối hợp hoạt động đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Trong thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hoá được kết hợp với phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá và đã trở thành trung tâm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên phạm vi toàn quốc. Cho đến nay, những tiêu chí về gia đình văn hoá trở thành căn cứ để các địa phương vận dụng một cách sáng tạo vào địa bàn mình, bổ sung thêm một số tiêu chuẩn hoặc chi tiết hoá các tiêu chuẩn bằng nội dung cụ thể để các gia đình dễ hiểu, dễ thực hiện. Xây dựng gia đình văn hoá sẽ khơi dậy đạo đức truyền thống, nề nếp gia phong, tình làng nghĩa xóm, đạo lý nhân bản của người Việt Nam, phát huy được truyền thống văn hoá của dân tộc ở mỗi địa phương, mỗi gia đình, rất hợp lòng người và được nhân dân hưởng ứng. Tiểu kết chương 1 Nghiên cứu lý luận về gia đình, văn hoá gia đình, gia đình văn hoá là cơ sở để khảo sát thực trạng xây dựng gia đình văn hoá. Gia đình là hiện tượng văn hoá của con người, là một giá trị văn hoá. Trong quá trình vận động và phát triển, gia đình văn hoá chính là sự tích hợp các giá trị văn hoá gia đình. Vấn đề xây dựng gia đình văn hoá ở nước ta gắn với chủ trương đường lối đổi mới, phát triển đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trong nhiều năm qua, xây dựng gia đình văn hoá đã trở thành phong trào, ngày càng có tác động tích cực đến đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của xã hội. Hà Tĩnh là nơi hội tụ của các gia đình người Kinh, người Chứt,... với những phong tục tập quán, truyền thống văn hoá riêng biệt nhưng vẫn mang những nét đặc trưng của người dân miền nắng và gió. Cũng như phong trào chung của cả nước, Hà Tĩnh hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng gia đình văn hoá và đã thu được những thành quả bước đầu. Có thể quan niệm rằng: gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh là gia đình phát triển cả vật chất lẫn tinh thần, là nơi lưu truyền các giá trị văn hoá từ ngàn đời và phát triển trong giai đoạn mới vững bền, có quan hệ tốt với xóm làng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, làm tốt chức năng gia đình, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Chương 2 Thực trạng xây dựng gia đình văn hoá ở Hà Tĩnh trong thời gian qua 2.1. Vài nét về văn hoá gia đình Hà Tĩnh 2.1.1. Điều kiện địa lý tự nhiên và kinh tế - xã hội * Về địa lý tự nhiên Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ với diện tích tự nhiên 6055 km2, nằm trong toạ độ từ vĩ tuyến 17o54’ đến 18o50’ độ vĩ Bắc và (105 - 108) độ kinh Đông, phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp với hai tỉnh Khăm Muộn và Bô Li Khăm Xay của nước Lào. Về mặt hành chính, Hà Tĩnh có một Thành phố và một Thị xã (Thị xã Hồng Lĩnh) cùng mười huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà. Hà Tĩnh có một vị trí giao thông thuận lợi. Nơi đây có tuyến quốc lộ 1A chạy qua bảy huyện, Thành phố, Thị xã, bốn huyện có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua và ba huyện nằm trên xa lộ Hồ Chí Minh. Vì vậy, rất thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu, phát triển đời sống xã hội của vùng. Ngoài ra, theo trục Đông - Tây còn có quốc lộ 8A qua Lào và Thái Lan qua Cửa khẩu Cầu Treo, giúp cho tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế văn hoá cửa khẩu. Về đường thuỷ, ngoài cảng cá Xuân Hải (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), hiện nay Hà Tĩnh đã đưa vào khai thác cảng biển nước sâu Vũng áng có điều kiện đón tàu trên 3,5 vạn tấn cập bến. Với cảng biển này Hà Tĩnh không chỉ đón các loại tàu kinh tế, vận chuyển hàng hoá mà còn có điều kiện mở rộng du lịch trên biển từ Vũng áng đến Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh. Về địa hình, nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, địa hình Hà Tĩnh hẹp và dốc, nghiêng từ Tây sang Đông, độ dốc trung bình cứ 1km giảm 12m. Với vị trí đó, Hà Tĩnh được chia làm ba vùng rõ rệt phía Tây là núi cao, độ cao trung bình 1500m, độ dốc lớn, đất đai bị bào mòn và rửa trôi mạnh. Kế tiếp là đồi bát úp độ cao trung bình là 5m và giải đồng bằng nhỏ hẹp chạy theo quốc lộ 1A thường bị núi cắt ngang. Cuối cùng là bãi cát ven biển chạy dọc suốt 100km, nối liền nhiều cửa sông và cửa lạch tạo thành những điểm du lịch và nhiều ngư trường. Nhìn chung, Hà Tĩnh với địa hình đồi núi chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, phân bố phức tạp và bị chia cắt mạnh, hình thành các vùng sinh thái khác nhau, trong mỗi vùng có liên hệ bền chặt về kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái từ thượng nguồn tới ven biển. Tuy vậy, do độ dốc lớn, đồi núi trọc nhiều, đất đai canh tác thường bị xói mòn và rửa trôi, cùng với khí hậu khắc nghiệt như hạn hán, bão lũ thường xuyên, gió tây nóng, cát bay,... gây ra nhiều thiệt hại và bất lợi cho việc phát triển cây trồng vật nuôi. Vì vậy, nó có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của mỗi gia đình. Về khí hậu, Hà Tĩnh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam. Với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới điển hình ở miền Nam và một mùa đông giá lạnh ở miền Bắc hàng năm Hà Tĩnh có hai mùa rõ rệt: Mùa nắng kéo dài từ tháng 1 đến tháng 7. Đây là mùa nắng gắt, có gió Tây thổi từ Lào sang nên rất nóng, làm cho lượng nước bốc hơi mạnh nên thường gây hạn hán nghiêm trọng. Mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12, với lượng mưa trung bình 200mm. Đây là mùa có nhiều bão lụt, lũ quét. Sự đa dạng và phức tạp của điều kiện tự nhiên đó đã tạo ra một số khó khăn nhất định cho cuộc sống con người. Nhưng bù lại núi sông, biển cả nơi đây đã quấn quyện vào nhau tạo nên bao cảnh đẹp kỳ thú, sơn thuỷ hữu tình. Tiêu biểu là những thắng cảnh như: Núi Hồng - Sông Lam, từ ngàn đời nay Núi Hồng - Sông Lam đã trở thành biểu tượng tượng trưng cho khí phách và tâm hồn xứ Nghệ; Sông La - Núi Tùng (Bến Tam Soa) một thắng cảnh đẹp của Hà Tĩnh, đến đây ta không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một miền quê non nước hữu tình mà còn cảm nhận được sự hiện hữu của một vùng văn hoá đặc sắc qua những câu hò điệu ví, những hội đua thuyền, hội thả đèn tấp nập trên sông; Tiếp đến là Thắng cảnh Đèo Ngang. Đèo Ngang vốn là thắng cảnh nổi tiếng thuộc dãy Hoành Sơn ở phía Nam Hà Tĩnh. Xưa kia, đây là biên ải phía Nam của quốc gia Đại Việt, là biên giới của vương quốc Chăm Pa đã chứng kiến bao cuộc binh biến mà ngày nay vẫn còn mang đậm dấu ấn lịch sử. Từ Đèo Ngang du khách sẽ được ngắm nhìn một vùng non nước hữu tình với non cao vời vợi, bãi biển cát trắng mịn màng, lớp lớp ngọn sóng dội vào vách đá, những đám mây vờn núi mênh mông huyền ảo và với Hoành Sơn Quan cổ kính trầm mặc cùng thời gian. Chính vẻ đẹp của thiên nhiên đó đã dệt nên vẻ đẹp tâm hồn con người nơi đây, làm phong phú hơn lên đời sống tinh thần của văn hoá gia đình Hà Tĩnh. * Phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh là một tỉnh vừa tái lập từ năm 1991, tách ra từ tỉnh Nghệ Tĩnh, kinh tế xã hội có điểm xuất phát thấp, chủ yếu là nông nghiệp lại nằm trong vùng địa lý có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, được mệnh danh là vùng đất "chảo lửa túi mưa", vì vậy nhiều năm liền Hà Tĩnh luôn đứng trong tốp tỉnh nghèo của toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001-2005 chỉ đạt 5,8%. Trong thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng và Hà Tĩnh đang thực sự trên đà phát triển. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10% trong đó: lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 16,9%; thương mại dịch vụ tăng 10%; nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,6%. Môi trường đầu tư được cải thiện, hoạt động xúc tiến, thu hút vốn đầu tư đã có bước chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Trong năm 2008, Hà Tĩnh đã cấp phép đầu tư cho 22 dự án với tổng số vốn đăng ký 130.550 tỷ đồng trong đó có 12 dự án có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng. Đặc biệt tập đoàn FORMOSA (Đài Loan) đã tổ chức khởi công xây dựng khu liên hợp luyện cán thép và cảng nước sâu Sơn Dương (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 7,9 tỷ USD. Đặc biệt, các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo, tiến độ cơ bản đạt kế hoạch. Điển hình là Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã được Bộ tài nguyên và môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cấp phép khai thác mỏ và dự kiến khởi công vào quý 3 năm 2009. Dự án khu liên hợp Gang Thép và cảng Sơn Dương đang được Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA Hà Tĩnh tích cực tiến hành các bước chuẩn bị để triển khai thực hiện. Khu kinh tế Vũng áng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch chi tiết các khu chức năng như: Khu đô thị trung tâm; Khu đô thị du lịch Kỳ Ninh; Khu đô thị Kỳ Long - Kỳ Liên - Kỳ Phương và các công trình hạ tầng trong khu kinh tế. Về lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tốt. Hoạt động văn hoá, thể thao, thông tin truyền thông sôi động, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở xây dựng làng, xã, khối phố, gia đình văn hoá và công sở văn minh. Tổ chức thành công các ngày lễ lớn của dân tộc và của tỉnh. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Hà Tĩnh luôn giữ tốp đầu của cả nước. Tiếp tục ổn định quy mô, từng bước nâng cao chất lượng và đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học. Triển khai tích cực cuộc vận động "hai không" do Bộ giáo dục Đào tạo phát động. Công tác phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục được quan tâm, công tác xã hội hoá các hoạt động Giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Về lĩnh vực y tế có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được tăng cường. Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai đạt kết quả khá. Chất lượng công tác dân số, chăm sóc trẻ em và phòng chống các loại dịch bệnh có chuyển biến rõ rệt. Thực hiện chính sách xã hội, giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo từng bước đạt được kết quả nhất định. Một trăm phần trăm xã, phường, thị trấn được công nhận là đơn vị thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Huy động các nguồn vốn giải quyết việc làm cho 32.016 người, trong đó xuất khẩu lao động 6.125 người. Công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế triển khai đảm bảo chế độ, mở rộng đối tượng tham gia nhất là các đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện, đến nay đã có 64% dân số được bảo hiểm y tế. Chính thực trạng kinh tế - xã hội đang trên đà khởi sắc của địa phương là nhân tố quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển vấn đề văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá của Hà Tĩnh hiện nay. 2.1.2. Văn hoá gia đình truyền thống của Hà Tĩnh Theo cổ sử, Hà Tĩnh là một vùng đất cổ - từ xa xưa cách đây hàng vạn năm, vùng đất này đã có người đến ở. Những di chỉ khảo cổ học đã khai quật được trong lòng đất ở Thạch Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ,... đã cho thấy cuộc sống của con người thời tiền sử trên mảnh đất này. Theo “Đại Việt sử lược” Hà Tĩnh là một lãnh địa của bộ Việt Thường - một trong 15 bộ của nước Văn Lang vào thời Hùng Vương. Khi Triệu Đà đánh bại An Dương Vương, biến nước Âu Lạc thành một bộ phận của nước Nam Việt, chia thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân thì Hà Tĩnh nằm ở vị trí là miền đất cực Nam của quận Cửu Chân. Trong quá trình hình thành và phát triển, Hà Tĩnh đã trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm, là “Việt Thường thời cổ; Cửu Chân đời Tần, Hàm Hoan đời Hán; Cửu Đức đời Ngô đời Tấn; Đức Châu và Hoan Diễn đời Đường. Năm 939, Ngô Quyền dựng nền độc lập nhưng mãi đến năm Thành Thiên thứ III đời Lý Thánh Tông (1030) mới đặt tên là Nghệ An gồm vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ. Đến năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện một cuộc cải cách hành chính rộng lớn trên quy mô toàn quốc, chia nước ta thành ba mươi tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh ra đời trên cơ sở hai tỉnh Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An. Lần đầu tiên trong lịch sử, tên Hà Tĩnh xuất hiện như một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc triều đình phong kiến Trung ương. Đây là mốc lịch sử quan trọng về đất đai, dân số, kinh tế của vùng đất này. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 Hà Tĩnh được sát nhập với Nghệ An trở thành tỉnh Nghệ Tĩnh và lại được tách ra thành tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1991 đến nay. Bàn về văn hoá gia đình Hà Tĩnh chủ yếu nghiên cứu văn hoá gia đình của người Kinh bởi ở Hà Tĩnh người Kinh chiếm đại đa số. Dân tộc ít người ở đây rất ít. ở Hương Sơn xưa kia có một tộc người gọi là Kiei, sau đó họ chuyển về phía biên giới lập thành làng xóm ở Khe Chè, Đá Gân mà người địa phương quen gọi là Lào Khe Chè, Lào Đá Gân. Một số khác ở lại đã Kinh hoá. ở Hương Khê trước đây có người Lào, ngày nay có người Chứt nhưng cũng chỉ có 269 nhân khẩu. Đất Hà Tĩnh tiếp cận với hai vùng Bắc và Nam, trong các cuộc kháng chiến chống phong kiến phương Bắc một số người Tàu đã ở lại. Trong chiến tranh thế giới II và các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ phần lớn người Hoa Kiều từ Thành phố Vinh, Núi Thành, Chợ Tràng, Phù Thạch đã di cư về thôn quê Hà Tĩnh, trong đó có một bộ phận lâu đời đã “Việt hoá” khó phân biệt với người Hà Tĩnh gốc. Quân Chiêm Thành sau khi Lê Đại Hành đánh dẹp, một số đã ở lại sinh sống ở Hà Tĩnh. Số tù binh quân Chiêm bị bắt giữ sau đó đã lập gia đình và Việt hoá. Ngoài ra một số vùng ở Hà Tĩnh còn là nơi bị lưu đày của các vị quan triều đình bị phạm trọng tội như vùng Vọng Liệu (Kỳ Anh), Trừng Thanh (Hương Khê). Hà Tĩnh còn có nhiều người ở các tỉnh khác như Hà Tây, Hải Dương đến làm ăn sinh sống và gắn bó lâu đời. Dù có nguồn gốc khác nhau từ xa xưa, nhưng tất cả đoàn kết, gắn bó, thương yêu, đùm bọc nhau trong cuộc sống và đã góp phần mình trong công cuộc xây dựng quê hương Hà Tĩnh giàu đẹp. Vì vậy văn hoá gia đình Hà Tĩnh nó có những nét đặc sắc riêng, nét đặc sắc của vùng bản địa cộng với sự hỗn dung văn hoá các vùng miền tạo nên sự đa dạng phong phú hiếm thấy ở bất cứ một vùng quê nào. Nhắc đến Hà Tĩnh chắc không ai quên câu ca: Đường vô xứ nghệ quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ Một miền quê đẹp đẽ, yên ả như bao vùng quê trên đất nước Việt Nam nhưng lại rất khác biệt. Nó là mảnh đất của địa linh nhân kiệt, của ví dặm, ca trù. Trên mỗi bước đường đi, mỗi địa danh đều in đậm dấu ấn anh hùng và những người nghệ sĩ. Nghi Xuân mời bạn đến thăm Tiên Điền- quê hương Nguyễn Du, qua cổ Đạm - cái nôi ca trù; lên Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn là quê của Lê Hữu Thiếp, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Xuân Diệu đi đâu ta cũng gặp “tứ hổ”, “tứ lân”. Nằm sâu trong chế độ chính trị phong kiến quân chủ kéo dài (từ thế kỷ X đến thế kỷ XX) và chế độ thực dân với hơn 30 năm chiến tranh. Những khó khăn, khắc nghiệt cũng như những mất mát, đau thương, những phân ly, hợp tan của hậu quả chiến tranh để lại ảnh hưởng không nhỏ đến mỗi gia đình cũng như người dân nơi đây. Nhưng phải khẳng định rằng người dân Hà Tĩnh có một sức sống mãnh liệt, có truyền thống chống áp bức bóc lột, chống ngoại xâm bảo vệ quan hệ làng xóm đồng thời cũng kiên cường chống thiên tai để giành giật sự sống. Điều đó làm nên tính cách của người Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh là vùng đất thiếu màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt nhưng bù lại, người Hà Tĩnh cần cù, chịu thương, chịu khó, họ biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Đặc biệt dù gian khổ đến đâu người Hà Tĩnh vẫn luôn lạc quan, yêu đời và son sắt, thuỷ chung, chính vì thế văn hoá Hà Tĩnh truyền thống, trong đó có văn hoá gia đình vẫn được duy trì và phát huy được những giá trị tốt đẹp trước bao biến thiên của lịch sử. Văn hoá gia đình Hà Tĩnh truyền thống vẫn là văn hoá gia đình của xã hội cổ truyền: nông dân - nông thôn - nông nghiệp. Hà Tĩnh cũng như cả nước ta trong suốt thời kỳ trung, cận đại về cơ bản vẫn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Chính điều kiện kinh tế này đã quy định cơ cấu, tính chất của gia đình và văn hoá gia đình Hà Tĩnh. Cơ cấu của gia đình Hà Tĩnh trong xã hội cổ truyền ít biến đổi, loại hình chủ yếu là gia đình hạt nhân bên cạnh gia đình mở rộng. Quy mô gia đình hai thế hệ chiếm tỷ lệ lớn, mỗi gia đình có từ bốn đến năm thành viên, gia đình có ba, bốn thế hệ không phổ biến vì trong xã hội cổ truyền tuổi thọ của con người chưa cao và các gia đình luôn luôn tách nhỏ, khi con cái lập gia đình là cho ở riêng để phù hợp với nền sản xuất tiểu nông. Gia đình Hà Tĩnh chịu sự tác động của tư tưởng và văn hoá Nho giáo. Sự tác động này có hai mặt, một mặt Nho giáo đề cao gia đình, củng cố gia đình và văn hoá gia đình vì lợi ích của giai cấp phong kiến thống trị. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế như: đưa gia đình và các quan hệ của gia đình vào những khuôn khổ cứng nhắc và bảo thủ, bắt người phụ nữ lệ thuộc vào đàn ông, con cái lệ thuộc vào bố mẹ, thế hệ sau lệ thuộc vào thế hệ trước. Tóm lại, tư tưởng Nho giáo in đậm trong đời sống văn hoá gia đình truyền thống. Nét đặc sắc của văn hoá gia đình Hà Tĩnh chính là truyền thống hiếu học. Người ta bảo Hà Tĩnh nghèo vì đất đai cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt nên con người Hà Tĩnh cũng lầm lũi, khắc khổ đến cục cằn. Người ta quyết chí rời quê hương đi “học gạo” để đổi đời. Nhưng thực chất tinh thần hiếu học, ý chí sắt đá, thái độ tôn sư trọng đạo là những nếp nhà cỗ vũ người dân nơi đây “học gạo” để lập nghiệp lớn với khát vọng đổi đời. Người Hà Tĩnh nhìn chung là ham hiểu biết, khát khao vươn lên để làm chủ bản thân mình, giúp ích cho đời cho quê hương, đất nước bằng con đường học hành. Hầu như ai cũng lo đến chuyện học, không trực tiếp đi học thì dồn sức cho con em, cho người thân. Điều ấy biểu hiện trước hết ở vai trò của các bậc cha mẹ. Dù phải dở bán từng gian nhà, sống tần tảo mò cua bắt ốc, buôn thúng bán mẹt vẫn quyết chí nuôi con ăn học bằng người, cho con bụng chữ hơn cân vàng đầy. Hoàn cảnh gia đình như vậy nên con cái cũng dốc lòng học tập, dùi mài kinh sử. Ham học, học quyết liệt nên người Hà Tĩnh học giỏi có tiếng xưa nay, gạt sang một bên dụng ý trêu đùa, khích bác thì hình ảnh “con cá gỗ” là một biểu tượng của chuyện học hành, đến mức khổ học. Việc học hành thi cử của người xứ Nghệ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã trở thành đạo học. Nói đạo học có nghĩa là đã có sự giác ngộ đến mức sâu sắc. Không có giáo lý nhưng trong thực tế đã hình thành một lý tưởng về học tập và được thấm nhuần rộng rãi và sâu sắc trong cộng đồng. Đối với người Hà Tĩnh việc học như là một tiêu chuẩn về đạo đức, một đặc điểm tâm lý và trở thành truyền thống. Việc xã hội hoá học tập đã có từ rất lâu đời ở vùng đất này, ít nhất cũng đã 7 - 8 trăm năm, từ thời nhà Trần. Tìm hiểu các bản hương ước bất kỳ ở làng nào cũng đều có điều khoản về khuyến học. Chính lòng quyết tâm ấy mà Hà Tĩnh đã có nhiều thời thịnh đạt trong khoa cử,... Nếu tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh có 148 vị đại khoa. Nguyễn Tử Trọng người An ấp (Hương Sơn) đỗ Tiến sỹ lúc 18 tuổi. Người có độ tuổi cao nhất là Nguyễn Văn Suyền (Thạch Hà) đỗ Tiến sỹ lúc 52 tuổi. Đỗ Tiến sỹ ở độ tuổi 30 là phổ biến. Việc học hành còn nổi trội từng vùng. Tiêu biểu là: Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân. ở từng địa phương lại có những gia đình có truyền thống như gia đình Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai (Can Lộc) có 13 con trai đều đỗ từ Hương Cống trở lên. Gia đình Thám hoa Đặng Bá Tĩnh đỗ Tiến sỹ đệ nhất dưới thời Trần. Dòng dõi của ông là Đặng Tất, Đặng Dung, Đặng Đôn Phục, Đặng Tiếp, Đặng Tông Sử... rồi đến ông cháu, cha con, anh em đều đỗ đạt. Người được khắc tên vào bia Tiến sỹ số 82 - bia cuối cùng dựng tại Văn Miếu là Phan Huy Ôn, khoa Kỷ Hợi, Cảnh Hưng 40 (1779). Vì thế người Hà Tĩnh luôn tự hào về truyền thống khoa cử của mình. Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa Cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà. Sở dĩ người Hà Tĩnh có ý chí hiếu học như vậy ngoài việc mong muốn đền đáp công ơn cha mẹ thì họ đã ý thức được một cách sâu sắc rằng, cần phải học để làm người, để dựng nước. Họ thấm nhuần lời dạy trong sách thánh hiền “Nhân bất học, bất tri lý”. Hiếu học không phải chỉ có ở tầng lớp khoa bảng mà còn được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Do đó, dưới chế độ phong kiến các “thầy đồ” có vị trí nhất định trong làng xã. Không phải chỉ có văn mà còn cả học võ. Dòng họ nổi lên về tài năng quân sự rất nhiều, ngày xưa gọi đó là dòng thế tướng. Có lẽ trong cả nước chỉ có họ Đinh, họ Đặng ở Hà Tây mới sánh được với họ Võ ở Thạch Hà. Bên cạnh làng văn, làng võ còn có những làng nghề tinh luyện (nghề đây là cả kỹ nghệ và nghệ thuật) theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Tĩnh hiện nay có khoảng 60 làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nổi tiếng từ lâu đời như: dệt chiếu Nam Sơn (Can Lộc), dệt vải ở Yên Hồ (Đức Thọ), Thợ bạc ở Thạch Hà... Có lẽ truyền thống cách mạng thì nổi hơn hết ở Hà Tĩnh, thật hiếm thấy ở đâu lại có một gia đình mà: Ông xưa khởi nghĩa Cần Vương Bỏ mình trong trận đánh gần ốc Giang Bác nối chí hiên ngang xốc tới Giặc chém đầu bên dưới Tùng Sơn Cha nơi gió dập sóng dồn Chú nơi tù ngục hao mòn xác ve (Phan Trọng Bình - Đức Thọ - Hà Tĩnh) Đó chính là truyền thống chống áp bức bóc lột, chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, làng xóm của mỗi người dân Hà Tĩnh, nó đã thấm sâu vào mỗi gia đình làm nên nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình Hà Tĩnh. Đó cũng là niềm tự hào của Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Văn hoá ứng xử và cách xưng hô đặc sắc. Cách xưng hô trong gia đình Hà Tĩnh cũng có những nét đặc sắc riêng, ít gặp ở những vùng quê khác. Ta biết rằng tình cảm con người Hà Tĩnh sâu đằm, trung thực, rõ ràng và lưỡng phân đến cùng cực. Vì thế, trong các kiểu ứng xử khác nhau, người Hà Tĩnh đã diễn đạt bằng cái võ ngữ âm, vốn từ vựng của quê mình cả trong ngôn ngữ nói và viết. Thật khó có một nơi nào mà trong giao tiếp cộng đồng với các vai khác nhau lại xuất hiện những từ như: anh học, anh xạ (xã), anh hoe, anh hoét, anh chắt... ả cu, ả đị, ả hoe, ả hoét... Cách cấu tạo từ anh/ả, ông/bà... tiếp đến là chắt, cu, đị và đến tên riêng là mô hình cấu tạo như nhau. Ví dụ: ông đị Lan, bà đị Hằng... Trong giao tiếp hàng ngày, người Hà Tĩnh dùng những từ chỉ ngôi thứ nhất, thứ hai ở cả số ít lẫn số nhiều như: tui, tau, mi, hấn, choa, bay... ở đây không thuần tuý chỉ là sự đối ứng ngữ âm mà còn có sự chuyển di về ý nghĩa tuỳ thuộc vào cảnh huống giao tiếp nhất định. Hai từ ông, cha có cách sử dụng đặc biệt ở Hà Tĩnh. Ngoài ông, cha thì bọ vẫn được sử dụng ở một số địa phương. Từ ông ở Hà Tĩnh được phát âm là oong hoặc ung. Ngoài nét nghĩa trong gia tộc ra từ này được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày đã biến đổi nghĩa: chỉ mức độ thân mật của những người tham gia cuộc thoại. Có một điều thú vị là từ mệ, từ này đối ứng ngữ âm với từ mẹ nhưng lại có thêm nét nghĩa là vợ. Do vậy trong giao tiếp gia đình người chồng xứ này có thể gọi vợ là: mệ chắt, mệ cu, mệ đị, mệ hoa, mệ hoét... Từ ả ở đây vừa có nghĩa như chị Tiếng Việt lại vừa được sử dụng với hàm nghĩa coi khinh. Hoặc là danh hiệu Cố. Cố vừa để chỉ vào một thứ bậc trong lớp người già cả, Cố cũng là một thứ bậc trong gia đình gia tộc, bậc tứ đại đồng đường của một nhà một họ. Có lẽ chỉ ở Hà Tĩnh và Nghệ An mới có Cố. Có những cố trong huyền thoại như Cố Ghép, Cố Bu, những Cố trong đời sống thông thường như cố Sơn. Ngay những ông quan to những vị đại thần cũng được dân chúng đẩy vào khối đại gia đình thông thường gần gũi như Nguyễn Công Trứ được gọi là Cố Lới. Hay cách gọi anh cu, mẹ đĩ. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh từng nhận xét về vấn đề này: “Những người ở Thành phố, hay ở những môi trường nào có tiếp xúc với văn hoá Phương Tây thường có ý chế diễu người nhà quê xứ Nghệ hay dùng lối gọi nhau bằng anh cu, mẹ đĩ. Tôi lại thấy rằng, cách gọi này ở Hà Tĩnh có một ý nghĩa văn hoá rất lớn” [47, tr35]. Trai gái bắt đầu thành vợ thành chồng được gọi ngay là anh nhiêu, ả nhiêu. Đó là xã hội muốn nhắc nhở anh chị rằng, giờ đây anh chị đã có tư cách mới, trách nhiệm mới. Mọi người và ngay cả bản thân vợ chồng mới luôn phải nhắc đến nó để tự đề cao, tự ý thức về trách nhiệm ấy. Khi vợ chồng đã có con thì tên gọi cũng thay đổi thành anh cu, ả đĩ... có nghĩa là sang một tư cách khác, đã thành cha thành mẹ, không còn son rỗi như ngày nào nữa. Nhưng lại không được phép quên cha ông, tổ tiên của mình. Vì vậy, anh sinh con mà còn bố thì được gọi là anh cháu. Nếu anh còn ông nội thì được gọi là anh chắt. Cả bố anh cũng được gọi là ông cháu hay cố chắt. Cách xưng hô có vẻ dân dã, quê mùa nhưng kỳ thực không thể có một hình thức nào nhắc nhở cha con, ông cháu về trách nhiệm, tư cách, địa vị, về ý thức tồn tại một cách thân thương mà thường trực như vậy. Và đó cũng là nét đặc sắc riêng của văn hoá gia đình Hà Tĩnh truyền thống. Trong quan hệ gia đình cũng như làng xóm, người Hà Tĩnh có một kiểu văn hoá ứng xử “thẳng ruột ngựa” nhưng lại đầy tình nghĩa. - Anh về em cũng xin theo Mẹ anh đóng ngõ, em leo xà nhà; - Một trăm mụ o thì xâu một nách Một trăm ông chú thì xách một tay; - Tiền mô mua đỗ mua khoai Tiền mô mà dạm dì hai cha mồ Mới nghe qua những lời ca dao trên ta cảm giác có cái gì đó vội vã suồng sã đến hơi tàn nhẫn nhưng ngẫm kỹ lại cái lý ứng xử là rõ ràng thẳng đến không thương cảm rào đón. Trong cách ứng xử của người Hà Tĩnh chúng ta cũng thấy rõ nếp gia phong rất riêng. Đó là lấy tình nghĩa làm chất keo gắn bó mọi thành viên trong một gia đình. Tình nghĩa cũng là chất keo tạo nên sự đồng lòng để vượt qua mọi thử thách. Trên thế giới, người Đức có nếp sống “duy lý”. Người ấn độ có lối sống “duy ngã” người Hoa Kỳ có nếp sống “thực dụng” thì người Việt Nam đặc biệt người Hà Tĩnh có nếp sống “tình nghĩa”. Tình nghĩa làm bền chặt thêm các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội. Tình nghĩa gắn kết với đức tính khoan dung tạo nên bản chất cởi mở trung thực trong quan hệ và tạo nên sự đoàn kết trong cộng đồng người. Trong cái tình nghĩa của cả dân tộc Việt, người Hà Tĩnh thể hiện nó theo cách ứng xử của một vùng miền "vừa gần gũi thân thương, bình dị đến cục cằn, vừa thông minh, sắc sảo rõ ràng mạch lạc đến quá quắt” [59, tr.54] nó làm nên bản sắc riêng của người Hà Tĩnh. Trong quan hệ gia đình với gia tộc (dòng họ) cũng có nhiều ứng xử linh hoạt. Dòng họ thường được hiểu như một gia đình mở rộng, cộng đồng. Dòng họ được cố kết chặt chẽ với nhau bởi hai yếu tố cơ bản: huyết thống và tâm linh. Từ các gia đình cùng chung huyết thống tạo nên dòng họ. Hàng năm họ nào cũng tề tựu trước nhà thờ để tưởng niệm tổ tiên. Các thành viên trong gia đình đều hướng về họ và luôn được giáo dục ý thức tôn ti trật tự truyền thống. Dẫu mỗi thành viên có thành danh với quyền cao chức trọng hay giàu sang phú quý thì khi về với họ cũng phải theo tộc ước, làm theo lời của ban tộc biểu, xưng hô ứng xử vẫn theo phép “họ cứ hàng”, “Thừa của bỏ vào họ, khốn khó nhờ vào họ”. Các nhà nghiên cứu cho rằng trong gia đình và văn hoá gia đình Việt Nam, người ta coi trọng mối quan hệ gia đình theo chiều dọc, lại có người khẳng định ở Việt Nam coi trọng gia tộc, mối quan hệ theo chiều ngang. Riêng đối với Hà Tĩnh, văn hoá gia đình coi trọng cả hai quan hệ gia đình và gia tộc và tuỳ lúc, tuỳ nơi có sự đậm nhạt khác nhau mà thôi. Trong quan hệ gia đình với cộng đồng cũng rất được coi trọng. Người Hà Tĩnh quan niệm rằng: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Các gia đình coi nhau như anh em, có củ khoai mới, bắp ngô non, bát cơm nếp, hông xôi gấc, xôi đỗ... đều đem cho nhau. Khi có bát nước chè xanh thì cả lối xóm cùng uống. Khi có người ốm đau thì cả xóm thăm hỏi. Vì thế gia đình nào cũng rất trân trọng mối quan hệ với xóm làng. Đình làng, ao làng, ruộng làng, lệ làng trở thành những hình ảnh khó phai mờ trong lòng mỗi người dân Hà Tĩnh. Làng đối với người dân là một vinh dự. Miếng thịt làng bằng sàng thịt chợ, xó bếp không phải là chuyện xôi thịt ăn uống mà muốn nói về vinh dự đối với làng. Và gia đình nào cũng muốn làm đẹp cho làng bằng cách: ngay tự bản thân các nhà, các cụ luôn luôn có ý thức làm đẹp cho làng bằng công việc đầu tiên là tạo cho nhà mình, vườn mình một cảnh quan kỳ thú và ở nhiều người thì muốn tạo nên một trung tâm văn hoá hẳn hoi. Ví dụ ở Trường Lưu có tám cảnh, đều là cảnh thiên nhiên được con người điểm xuyết như cảnh rừng cây Phương Lĩnh, cảnh chợ làng, Quan thị tiêu hà. Có những cảnh hoàn toàn do con người tạo lập như Phúc Giang thư viện. Rõ ràng phải có những con người văn hoá, những gia đình văn hoá thì mới tạo cho làng xóm có văn hoá được. Tạo được những điểm văn hoá cho làng quê của mình chính là sự đóng góp không nhỏ của mỗi gia đình. Trong văn hoá tâm linh của gia đình Hà Tĩnh cũng có nhiều nét đáng chú ý. Khác với nhiều địa phương khác trong toàn quốc, tín ngưỡng về Phật, Đạo và cả những thứ như đạo Thánh, đạo Mẫu, lý thuyết Tam Phủ, Tứ Phủ... ở Hà Tĩnh không thật sâu sắc lắm. Cái tín ngưỡng cơ bản ở gia đình Hà Tĩnh là tín ngưỡng về sự thờ phụng tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ Tổ nghề, thờ các tiên linh trong gia tộc. ở xã Xuân Hội - Nghi Xuân có ngôi đền thờ Ông nội Ông ngoại. Người dân nơi đây rất tin vào tổ tiên cha mẹ đôi bên (cả bên mẹ bên cha). Và đặc biệt những thần linh thuộc vào hệ gia tộc không khác gì người trần gian. Thần cá là những các cô, các cậu, các ông. Thần người là những Đại Vương Cả, Đại Vương Hai. Đó chính là nét văn hoá đặc sắc về đời sống tâm linh của gia đình Hà Tĩnh. Việc cưới hỏi ở nơi đây cũng có những nét độc đáo. Một lễ cưới phải đầy đủ các lễ như: lễ bỏ trầu, lễ xin cưới, lễ nạp tài, lễ rước dâu tuỳ theo điều kiện của từng gia đình để có thể chuẩn bị một lễ cưới thịnh soạn hay không. ở nhiều nơi lễ nạp tài ngoài cau, trầu, rượu, nếp, thịt, quần áo cho cô dâu, tiền hoặc vàng bạc nhất thiết phải có một vài trăm bánh gai để đưa kính họ hàng làng xóm. Dân gian có câu: “Cưới chồng ăn hỏi chi đây Một be rượu lạt, một quả bánh gây (gai) đi rồi Khi rước dâu, một số nơi có tục dăng dây đón đường của một số thanh niên. Đám rước dâu phải dừng lại. Đám đón đường chúc mừng, có khi ra câu đối buộc nhà gái phải cử người đối đáp lại. Nhà gái tặng đám đón đường một ít tiền rồi tiếp tục đi. ở Hội Thống thì không dăng dây mà đặt chiếc đẳng bên đường gọi là đón đẳng. Đối với làng thì cưới vợ phải nộp cheo, cũng có thể là lát một quãng đường làng hoặc đắp một khúc đường mới của làng... Nhưng với những nhà nghèo thì được làng giúp đỡ. Nhiều làng xã có tục giúp tiền, giúp gạo, cho vay hoặc biếu tặng, thông thường là dưới hình thức đi mừng. Riêng ở Tá Thượng nhà nào có đám cưới thì cả xóm đến làm giúp và ăn uống. Thức ăn thì do chủ nhà lo liệu còn mỗi nhà tuỳ số người mà nấu cơm đưa đến, già trẻ lớn bé cùng quây quần ăn uống vui vẻ. Khi ăn cỗ cưới một số nơi để sẵn một thúng lá chuối, lá dong, khách chỉ ăn thức ăn nước còn thức ăn khô thì chia phần, dùng lá ấy gói về tặng người già, trẻ con. Trong những nét đẹp của văn hoá Hà Tĩnh, những giá trị văn hoá gia đình truyền thống là một niềm tự hào của quê hương cách mạng và đất học. 2.1.3. Văn hoá gia đình trong thời kỳ đổi mới Văn hoá sản sinh và nuôi dạy con người Đây là một vấn đề quan trọng của bất kỳ gia đình nào trên trái đất này. Song ở mỗi gia đình, mỗi vùng quê lại có những đặc điểm riêng tạo nên nét đặc thù của nó. Hà Tĩnh với truyền thống văn hoá lâu đời nên trong việc sản sinh và nuôi dạy con người cũng trở thành vẻ đẹp văn hoá. Nhận thức về số con cũng như giới tính của con cái trong gia đình có sự khác nhau tuỳ theo trình độ văn hoá cũng như mức sống của gia đình. ở Hà Tĩnh, những gia đình nằm trong vùng có trình độ dân trí thấp thường có số con đông (4 - 5 con) chủ yếu là nông thôn. Nguyên nhân một phần vẫn là tâm lý muốn có “con đàn cháu đống của xã hội cổ truyền. Mặt khác, họ không biết sử dụng các biện pháp tránh thai để thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Đối với các gia đình có trình độ học vấn cao thì quyền quyết định số con thuộc vào hai vợ chồng, chủ yếu là các gia đình ở thành thị. Họ ý thức được về giới tính của con cái và số con mà họ sinh ra. Đặc biệt với người phụ nữ hiểu biết, họ có ý thức hơn về số lần sinh con (hai con là phổ biến, đang có xu hướng sinh một con) và khoảng cách giữa hai lần sinh, người mẹ có đủ thời gian phục hồi sức khoẻ, ổn định cuộc sống gia đình, tập trung nuôi dạy con và có thời gian để học tập, công tác, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Vì vậy, trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ giảm sinh thô ở Hà Tĩnh là 0,4%. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,7%. Mô hình gia đình ít con (từ 1 đến 2 con) khoẻ mạnh, ngoan ngoãn đang là mục tiêu hướng tới của mỗi gia đình Hà Tĩnh nói riêng và các địa phương khác nói chung. Nó phản ánh nét đẹp văn hoá trong mỗi gia đình. Để mục tiêu đó trở thành hiện thực, Hội Liên phụ nữ Hà Tĩnh đã rất quan tâm tới việc thành lập các câu lạc bộ. Tính riêng năm 2008, toàn tỉnh có 177 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; 62 câu lạc bộ bình đẳng giới; 87 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình; 1 câu lạc bộ người cha mẫu mực. Ngoài ra còn có 215 các mô hình câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng, làm mẹ an toàn; câu lạc bộ đồng cảm,... Nguyện vọng sinh con trai hay con gái cũng thể hiện trình độ văn hoá trong các gia đình Hà Tĩnh hiện nay. Trình độ học vấn càng thấp thì quan niệm phải có con trai trong gia đình, dòng tộc càng cao. Đây là tâm lý khá phổ biến của gia đình Hà Tĩnh dù ở thành thị hay nông thôn. Việc chưa có con trai vẫn là một gánh nặng tâm lý đối với các cặp vợ chồng và vai trò của người con trai trong việc thờ phụng tổ tiên, nối dõi tông đường, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già. Còn số ít gia đình ở thành thị quan niệm sinh con trai hay con gái đều như nhau, thậm chí có xu hướng chỉ sinh một con dù trai hay gái bởi mục đích của họ là tập trung thời gian, sức lực cho sự nghiệp, cho công việc nhằm thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần. Đặc biệt ở Hà Tĩnh không có hiện tượng phụ nữ ngại sinh con, ngại trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con cái hoặc không muốn có chồng mà chỉ muốn có con, hay hiện tượng suy đồi đạo đức như: “bán con”; “đẻ thuê”... như một số thành phố lớn. Đó cũng là nét đẹp văn hoá của gia đình Hà Tĩnh. Trong xã hội phát triển, những thành tựu khoa học hiện đại ngày nay vẫn khẳng định vai trò to lớn không thay thế được của giáo dục gia đình. Ngay giai đoạn đầu của cuộc đời, đứa trẻ tiếp thu ngôn ngữ, văn hoá, kinh nghiệm xã hội không phải bằng lý trí và tư duy khái niệm mà đơn giản chỉ là bản năng bắt chước thông qua âm thanh, cử chỉ, tình cảm của những người gần gũi xung quanh. Giáo dục thông qua tình cảm là đặc trưng riêng của gia đình. Tình yêu thương của cha mẹ đối với con là yếu tố có hiệu quả nhất trong quá trình dẫn dắt trẻ thơ thích nghi dần với đời sống xã hội. Hơn ai hết cha mẹ là người không tiếc công sức, thời gian, vật chất hướng dẫn con trẻ từng bước hoà nhập vào nền văn hoá chung của xã hội như ông cha ta vẫn thường nói: “Học ăn học nói, học gói học mở”. Gia đình nào có truyền thống văn hoá gia đình đó sẽ tạo ra một thế hệ con trẻ có văn hoá, là cơ sở để hình thành nhân cách cho đứa trẻ, từ thái độ đối với người xung quanh cũng như với xã hội. Vì vậy, văn hoá gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, gia đình không chỉ thực hiện chức năng xã hội hoá ban đầu, hình thành nhân cách trẻ em mà gia đình còn thực hiện chức năng xã hội hoá đối với người lớn như chuẩn bị cho thanh niên bước vào nghề nghiệp, xã hội hoá vai trò làm cha - mẹ, ông - bà,... Trong văn hoá dân gian Việt Nam, có một triết lý rất sâu sắc: “Sinh con rồi mới sinh cha - Sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông” (ca dao) có nghĩa là nhân cách “cha”, “con”, “ông”, “cháu”, cùng hình thành trong mối quan hệ giữa các thành viên của nó. Cho nên mỗi thành viên trong gia đình phải tự rèn luyện, tự giáo dục và giáo dục lẫn nhau để ông ra ông, cha ra cha, mẹ ra mẹ, con ra con cùng hoàn thiện nhân cách. Thực hiện chức năng giáo dục gia đình ngoài người chồng thì phải nói đến vai trò của người phụ nữ, với tư cách là người mẹ có vai trò quan trọng đặc biệt với thiên chức trời cho. Nghị quyết 04/BCT (khoá VIII) đã khẳng định một quan điểm rất mới: Phụ nữ vừa là người lao động vừa là người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Trong gia đình Hà Tĩnh hiện nay thì vai trò của người mẹ càng có ý nghĩa. Người mẹ gắn bó với con ngay khi còn là một sinh linh bé nhỏ, hàng ngày, hàng giờ chăm sóc con ngay từ trong bào thai cho đến khi trưởng thành. Khi con trong vành nôi, bằng lời ru tiếng hát, người mẹ đã truyền cho con giá trị văn hoá dân tộc, trao cho con tình cảm gia đình, truyền thống văn hoá gia đình, dạy cho con đức tính vị tha, nhân từ, hướng cho con biết ứng xử hợp lẻ đời, biết kính trên nhường dưới, trau dồi đạo đức, biết cảm thụ cái đẹp và dần dần hoà nhập cái đẹp vào cuộc sống. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì vấn đề giáo dục để có sự hiểu biết, có trí tuệ, tri thức và phương thức ứng xử hiện đại từ trong gia đình là hết sức cần thiết cho sự hình thành một nhân cách con người hiện đại và rộng lớn là một nhân cách văn hoá hiện đại. Phát huy truyền thống đạo học cộng với sự dày công trong giáo dục gia đình nên hiện nay ở Hà Tĩnh phong trào học tập được coi trọng. Giáo dục Hà Tĩnh được đứng vào tốp đầu trong toàn quốc, hình thành nên các gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học. Từ gia đình hiếu học đã hình thành nên các dòng họ khuyến học. Có thể nói đây là nét mới của văn hoá gia đình Hà Tĩnh. Cái hay, cái quý của dòng họ khuyến học là biết gắn hoạt động của dòng họ từ chỗ chỉ hướng về quá khứ, bái vọng tổ tiên trước đây với cái mới hiện nay là hướng về thế hệ tương lai, động viên con cháu học hành, lập thân, lập nghiệp tuân thủ pháp luật, sống hoà hợp nhân ái hơn, giúp nhau vươn tới những đỉnh cao của tri thức. Đất Hà Tĩnh từ xưa đã có nhiều dòng họ nổi tiếng học hành, đỗ đạt được mệnh danh là danh gia vọng tộc như dòng họ Phan Huy ở Lộc Hà một thời cả ba cha con Phan Huy Cẩn, Phan Huy ích, Phan Huy Ôn là tiến sĩ làm quan đồng triều; dòng họ Nguyễn Khắc ở Hương Sơn có thần đồng Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm; dòng họ Nguyễn Tiên Điền nổi tiếng quan gia khoa bảng và các dòng họ Hoàng, Bùi, Phan, Mai.... đã đưa làng Đông Thái (Tùng ảnh - Đức Thọ) được vinh danh là một trong những làng khoa bảng nổi tiếng của đất nước.... Những gia đình trong các dòng họ học hành thành đạt các thời kỳ đều giữ được nếp nhà “con nối chí bố, cháu nối gương ông” vươn lên làm rạng rỡ gia phong, đem tài năng ra giúp nước. Tiếp nối truyền thống đó ngày nay các dòng họ ở Hà Tĩnh thi đua nhau vươn lên làm rạng danh cho quê hương. Tiêu biểu dòng họ Lê Văn ở Thạch Linh (Thành phố Hà Tĩnh) qua 5 năm thực hiện dòng họ khuyến học nay toàn họ đã có 5 tiến sĩ, thạc sĩ; 6 gia đình đã Đại học hoá (gia đình cử nhân), tất cả các con cháu trong độ tuổi đều đến trường học, không có cháu nào bỏ học, lưu ban học yếu hay vướng vào các tệ nạn xã hội. Quỹ khuyến học của dòng họ lên tới 103 triệu đồng, bản tộc ước của họ đã được xây dựng lại, bổ sung thêm một chương lớn: “khuyến học, khuyến tài xây dựng dòng họ khuyến học”. Họ Lê Bá (Hồng Lĩnh) có 54 hộ thì có đến 49 gia đình hiếu học. Dòng họ Phan Nhân (Can Lộc) 145 thành viên có học hàm học vị với 25 Tiến sĩ, Giáo sư... Với quan niệm truyền thống “Dâu là kế thế” nhiều dòng họ trong tỉnh đã khen thưởng cả những nàng dâu vượt khó, phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, tổ chức gặp gỡ, động viên các nàng dâu trong họ nhân các ngày lễ như họ Đinh, họ Lê ở Can Lộc... Có họ còn tập hợp các nàng dâu thành tiểu ban khuyến học của dòng họ lo toan, động viên theo dõi việc học hành của con cháu để phát thưởng hàng năm như họ Bùi - Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống đã chiếm hầu hết thời gian của gia đình, một số gia đình còn phó mặc việc học hành của con cái cho nhà trường, ít quan tâm đến tương lai của chúng (phần lớn ở nông thôn Hà Tĩnh). Thậm chí những gia đình kinh tế khó khăn, trẻ em bị lạm dụng sức lao động không còn thời gian để trau dồi kiến thức, giao tiếp xã hội. Cá biệt những gia đình nghèo đói phải cho con nghỉ học. Mặt khác, sự thiếu hụt những kiến thức cơ bản, thiết yếu về tâm, sinh lý; về văn hoá ứng xử, về xã hội nói chung... đang là một trở ngại cho việc nuôi dạy con cái ở các bậc cha mẹ, nhất là những gia đình trẻ. Các bậc cha mẹ trong những gia đình này không có kiến thức cần thiết cả về nội dung cũng như phương pháp, nghệ thuật giáo dục con cái. Có những gia đình nội dung giáo dục còn nghèo nàn, chủ yếu là giáo dục các hành vi ứng xử trong gia đình và phương pháp giáo dục cũng chỉ dừng lại ở mức cha mẹ nêu gương, dạy bảo mang tính kinh nghiệm trong khi sách báo hướng dẫn nuôi dạy con cái trong gia đình còn ít ỏi và khó đến tay người cần. Chính những nguyên nhân này dẫn tới các tệ nạn xã hội đặc biệt là ma tuý và mại dâm ở lứa tuổi vị thành niên. Gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, nên giáo dục gia đình có ý nghĩa quan trọng quyết định đối với giáo dục xã hội, cơ sở tiền đề cho sự kết hợp giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội, giáo dục của gia đình nào chính là văn hoá gia đình của gia đình đó. Tóm lại, điều quan trọng của văn hoá gia đình đó chính là giáo dục con cái. Điều đáng chú ý là phải biết kết hợp hài hoà giữa nghiêm ngặt và khoan dung nhưng nghiêm không đồng nghĩa với khắt khe, khoan dung không đồng nghĩa với sự nuông chiều. Bên cạnh gia giáo còn có vấn đề gia pháp, tức là sự ràng buộc, khống chế và giới hạn ở một mức độ nào đó. Nhưng phải được chấp nhận bằng tự giác trên cơ sở Hiếu - Nghĩa - Tình, trên ý nghĩa tôn trọng nề nếp gia phong. Đó là những nguyên tắc cần thiết trong việc giáo dục gia đình của Hà Tĩnh để tạo nên nét đẹp văn hoá của vùng đất này. Văn hoá vật chất và tiêu dùng các sản phẩm vật chất Trong công cuộc đổi mới, mục tiêu của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Để đạt được mục tiêu ấy, tỉnh nhà đã có sự quan tâm thích đáng cho sự phát triển gia đình đảm bảo ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm của các thành viên nhằm tạo sự ổn định và củng cố hạnh phúc gia đình. Một thực tế cho thấy rằng gia đình nghèo, đói, thu nhập thấp do thiếu việc làm thì việc thoả mãn các nhu cầu thiết yếu còn rất nhiều khó khăn, việc học hành của trẻ em ở các gia đình đông con không thực hiện được. Đó là điều kiện nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng, tình trạng con em hư hỏng, phạm pháp. Để đáp ứng nhu cầu đó, gia đình và các thành viên của nó phải tiến hành sản xuất ra các sản phẩm vật chất cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng nói lên trình độ chiếm lĩnh, khai thác các vật thể trong tự nhiên, trình độ phát triển lực lượng con người trong lĩnh vực sản xuất và đời sống vật chất. Từ những khái niệm, hiểu biết, kỹ năng, bí quyết trong sản xuất sản phẩm tiêu dùng đến cách thức kỹ thuật công nghệ chế tác công cụ sản xuất, các phương tiện sử dụng, vũ khí chiến đấu... từ cách thức tiêu dùng, phân phối, hưởng thụ, trao đổi, dâng hiến các sản phẩm vật chất đến thể chế phân chia tài sản, thừa kế gia sản đã tạo nên văn hoá vật chất của gia đình. Tuy nhiên phát triển kinh tế không có nghĩa là sự bươn chải, đâm lao như con thiêu thân vào cơn xoáy của thị trường để kiếm tìm lợi nhuận tức thời mà phải biết kết hợp giữa nhân cách và trí tuệ, giữa năng động, sáng tạo và cần kiệm liêm chính, giữa kế hoạch lâu dài và từng bước đi trước mắt sao cho phù hợp với sự phát triển chung. Trong đó ý thức tiết kiệm được quan tâm chú ý và thể hiện như một nét đẹp văn hoá của gia đình. ý thức tiết kiệm bao giờ cũng điều chỉnh các mối quan hệ, hành vi sinh hoạt, chi tiêu, mua sắm, và tích luỹ để từng bước phát triển đời sống vật chất và tinh thần của một gia đình. Trong gia đình Hà Tĩnh truyền thống, vấn đề sản xuất vật chất người đàn ông đóng vai trò quyết định, vì thế những kinh nghiệm, hiểu biết, kỹ năng, bí quyết trong sản xuất sản phẩm đến cách thức, kỹ thuật công nghệ chế tác công cụ sản xuất, các phương tiện sử dụng chủ yếu người đàn ông nắm giữ, nó tạo thành những bí quyết gia truyền của gia đình, dòng họ. Khi người cha mất đi sẽ trao truyền cho con, cháu (thường là nam giới). Nhưng ở trong thời điểm hiện nay, sự đóng góp của nam giới và nữ giới trong việc sản xuất vật chất đều có vai trò to lớn. Phụ nữ không chỉ là người chủ đạo trong việc tổ chức đời sống vật chất của gia đình (tiêu dùng, mua sắm, hưởng thụ) một cách có văn hoá mà còn là người góp phần quan trọng vào việc tạo ra của cải vật chất cho gia đình. Cùng với sự chuyển biến của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tạo điều kiện cho phụ nữ cùng gia đình tham gia trực tiếp vào lao động sản xuất, vào các ngành dịch vụ xã hội và một số công việc có thể kiếm ra tiền chứ không còn quanh quẩn ở “bốn góc nhà, ba góc bếp”. Đã có nhiều phụ nữ tham gia làm kinh tế tư nhân hoặc quản lý doanh nghiệp với tư cách một doanh nhân thành đạt. Đến Hà Tĩnh hôm nay, chúng ta không chỉ biết đến những doanh nghiệp có tên tuổi do nam giới đứng chủ như doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp Lý Thanh Sắc, doanh nghiệp điện tử điện lạnh ông Nhân, doanh nghiệp xe máy Bình Thuỷ... mà ta còn thấy những doanh nghiệp nữ như: Công ty TNHH Trường An do chị Trần Thị Bảo làm giám đốc, công ty giấy 1/8 do chị Nguyễn Thị Đường làm giám đốc. Đặc biệt công ty TNHH Châu Tuấn do chị Bạch Thị Hường làm giám đốc thường xuyên có 700 đến 1000 lao động tham gia làm việc, lương bình quân tháng của mỗi lao động từ 2 triệu đồng trở lên. Mỗi năm nộp ngân sách cho Tỉnh nhà hơn 4 tỷ đồng. Và rất nhiều những doanh nghiệp khác. Góp phần cùng gia đình tạo ra một cuộc sống vật chất ổn định. Tuy nhiên, để làm được điều đó, con người Hà Tĩnh cần phải có một tiềm lực văn hoá lớn (tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm...) mới có thể thích ứng được xu thế phát triển của quê hương. Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay có nhiều nghề lao động thủ công gia đình rất có uy tín. Đó là nghề Rèn ở Trung Lương nằm dưới chân núi Hồng lĩnh, đến nay chưa ai xác định được nghề rèn có tự bao giờ chỉ biết rằng nó đã tồn tại trên mảnh đất này từ rất lâu đời. Nghệ nhân rèn Trung Lương đã đi truyền nghề khắp trong nam ngoài bắc. Sản phẩm rèn Trung Lương được người dân trong nước và thế giới ưa chuộng. Trong cơ chế thị trường hôm nay, trước sự cạnh tranh gay gắt nghề rèn nơi đây vẫn không ngừng phát triển để chuẩn bị bước vào hội nhập. Bởi mỗi người thợ Trung Lương luôn lấy chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất để giữ lấy thương hiệu cho gia đình mình. Hiện nay toàn xã có 350 lò rèn, 3 lò đúc, giải quyết công ăn việc làm cho 1.500 lao động. Hiện tại có 60% gia đình ở Trung Lương làm nghề rèn. Nhờ có nghề này mà các gia đình nơi đây không phải chịu cảnh thiếu đói.Hầu hết các gia đình đều có ti vi, gần 50%hộ gia đình có xe máy. Số hộ có mức sống khá và giàu chiếm 85%. Ngoài ra ta còn phải kể đến nghề Mộc Thái Yên (Đức Thọ). Từ bao đời nay nhân dân Hà Tĩnh có câu: Tiếng lành đồn xa Tiếng tốt đồn xa Cái nghề thợ mộc nhất là Thái Yên Những sản phẩm đồ mộc như: bàn, ghế, giường, tủ... được thiết kế rất tinh xảo bởi bàn tay của những người thợ tài hoa, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân nơi đây. Ngoài cơ sở sản xuất tại chỗ, dân thợ còn hùn vốn mở cửa hàng mộc Thái Yên ở thành phố Vinh. Hàng mộc Thái Yên không chỉ nổi tiếng trong nước, được ưa chuộng ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn.... mà còn đắt khách ở Hồng Kông, Thượng Hải... Ngoài những hàng gia dụng, đồ tự khí, các phó thợ tài hoa đã để lại nhiều tác phẩm chạm khắc tuyệt mỹ, những kiến trúc gỗ (nhà cửa, đền chùa, miếu mạo) trong đó có những công trình nổi tiếng khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Ngoài ra Hà Tĩnh còn nhiều nghề khác, như nghề làm nón lá ở Ba Giang - Thạch Hà, nghề mây tre đan xuất khẩu ở Kỳ Anh... Nhìn vào những sản phẩm vật chất ấy chúng ta không chỉ thấy nó đơn thuần là vật chất đảm bảo nhu cầu cu

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Hà tĩnh hiện nay.pdf
Tài liệu liên quan