Loại hình tác giả nhà Nho hành đạo trong văn học trung đại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Ngô Thì Nhậm

Tài liệu Loại hình tác giả nhà Nho hành đạo trong văn học trung đại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Ngô Thì Nhậm: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 26 (51) - Thaùng 03/2017 14 Loại hình tác giả nhà Nho hành đạo trong văn học trung đại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Ngô Thì Nhậm Confucian intellectual in Vietnamese middle-age literature: The case of Ngo Thi Nham PGS.TS. Lê Văn Tấn Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Le Van Tan, Assoc.Prof.,Ph.D. Graduate Academy of Social Sciences, Vietnam Academy of Social Sciences Tóm tắt Ngô Thì Nhậm (1746-1803), tự Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, người làng Tả Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông đỗ Giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ Tam giáp năm 1775, làm quan trải các triều Lê - Trịnh và Tây Sơn. Với quan niệm hành tàng linh hoạt, Ngô Thì Nhậm đã theo đuổi và kiên trì con đường hành đạo của kẻ sĩ trong thời loạn. Với gần 600 bài thơ còn để lại, ông xứng đáng là mẫu hình nhà nho hành đạo tiêu biểu, một tác giả văn học lớn giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nói riêng, của văn học trung đại...

pdf12 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 381 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Loại hình tác giả nhà Nho hành đạo trong văn học trung đại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Ngô Thì Nhậm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 26 (51) - Thaùng 03/2017 14 Loại hình tác giả nhà Nho hành đạo trong văn học trung đại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Ngô Thì Nhậm Confucian intellectual in Vietnamese middle-age literature: The case of Ngo Thi Nham PGS.TS. Lê Văn Tấn Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Le Van Tan, Assoc.Prof.,Ph.D. Graduate Academy of Social Sciences, Vietnam Academy of Social Sciences Tóm tắt Ngô Thì Nhậm (1746-1803), tự Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, người làng Tả Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông đỗ Giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ Tam giáp năm 1775, làm quan trải các triều Lê - Trịnh và Tây Sơn. Với quan niệm hành tàng linh hoạt, Ngô Thì Nhậm đã theo đuổi và kiên trì con đường hành đạo của kẻ sĩ trong thời loạn. Với gần 600 bài thơ còn để lại, ông xứng đáng là mẫu hình nhà nho hành đạo tiêu biểu, một tác giả văn học lớn giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nói riêng, của văn học trung đại Việt Nam nói chung. Từ khóa: Ngô Thì Nhậm, loại hình tác giả, tác giả nhà nho, nhà nho hành đạo, văn học trung đại. Abstract Ngo Thi Nham (1746-1803), also called Hy Doan and Dat Hien, was born in Ta Thanh Oai, Thanh Tri, Hanoi. He graduated with the highest score in1768, became a PhD in 1775, then worked as a government official under the Le -Trinh and Tay Son regime. With a flexible lifestyle, Ngo Thi Nham had patiently pursued Confucianism during the wartime. With more than 600 poems, he set an example of a great author of the later half of the 18 th century, as well as of Vietnamese middle-aged literature. Keywords: Ngo Thi Nham, author type, confucian scholar author, confucian scholar on duty Medieval literature. 1. Đặt vấn đề Nhắc đến Ngô Thì Nhậm là chúng ta nhắc tới một tác giả văn học lớn của văn học trung đại Việt Nam ở vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII. Với một quan niệm hành tàng linh hoạt, con đường hành đạo của ông nhìn chung khá hiển đạt với những đóng góp to lớn trên phương diện chính trị và quân sự cho triều Lê - Trịnh, đặc biệt là Tây Sơn. Suốt cuộc đời của mình, dù ở bất kỳ cương vị hay hoàn cảnh nào, ông đều luôn kiên trì lí tưởng phục vụ dân, phục vụ nước của một người trí thức chân chính. Ở lĩnh vực thơ văn, Ngô Thì Nhậm cũng để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ với nội dung phong phú, cô đọng, giàu giá trị, chân thực và gần gũi với người đọc. 2. Con đường hành đạo của kẻ sĩ trong thời loạn Với bất kỳ trí thức trung đại nào tiếp LÊ VĂN TẤN 15 thu sở học của Nho giáo thì điều mong ước lớn nhất là những lý thuyết họ tiếp thu được có thể mang thực hành. Bởi chính khi đó thì tài năng, tâm huyết của họ với triều chính, xã tắc mới có cơ hội bộc lộ. Nhưng có một thực tế là không phải bao giờ sự lựa chọn của nhà nho cũng tương thích với sự lựa chọn của lịch sử, dù chỉ là ở vào một tình huống nhất định nào đó. Có người thuận lợi, có người không thuận lợi và cũng có người mà dường như một nẻo đường đi của mình đã mãi mãi chỉ còn là mơ ước. Chúng tôi cho rằng khi nhìn nhận các nho sĩ và những đóng góp của họ đối với lịch sử cần phải được nhìn nhận trên nhiều chiều cạnh khác nhau mới có thể dựng lại được một cách trung thực nhất, khách quan nhất ở mỗi người. Với trường hợp Ngô Thì Nhậm, như chúng ta biết, tài năng, học vấn và tâm huyết của ông đối với các triều đại được hình thành, một mặt từ truyền thống gia đình; mặt khác là tư tưởng trung quân ái quốc của Nho giáo. Nhưng hẳn có lẽ điều tạo nên một gương mặt riêng mang tên Ngô Thì Nhậm chính là ý chí và những trải nghiệm của chính cá nhân ông qua các vua chúa đương thời. Vốn thông minh, học giỏi, ông đã thi đỗ giải nguyên vào năm 1768, rồi tiến sĩ năm 1775. Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Lê - Trịnh và nhanh chóng chiếm được cảm tình của chúa Trịnh. Chúa Trịnh Sâm từng ví ông như con tuấn mã với sức chạy ngàn dặm. Năm 1778, ông được cử làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên, rồi kinh qua các vị trí như Đông các Hiệu thư, Hàn lâm viện Hiệu thảo, Hữu thị lang Bộ Công. Tại thời điểm này, ông đã bắt đầu nổi tiếng về tài năng kinh sử và thơ văn trong đám sĩ phu Bắc Hà lúc bấy giờ. Trong thời kỳ làm quan dưới trướng của chúa Trịnh, Ngô Thì Nhậm đã tận tâm tận lực, lao tâm khổ tứ để có thể làm tốt bổn phận của mình, cũng là tinh thần tự nhiệm của nhà nho. Ông luôn quan tâm chăm lo đời sống của người dân, không ngần ngại bị chúa thất sủng trình báo thẳng thắn những điều tai nghe mắt thấy về tình cảnh của nhân dân hay những tệ nạn trong giới cầm quyền đương thời. Trong bài “Điều trần Hải Dương xứ tình tệ khải” (), ông từng viết: “Ruộng đất ở vùng Đông nam thuộc vào loại tốt nhất trong nước, sông ngòi vây như dải mũ, đai lưng, đồng lầy mầu mỡ, dù hạn hán, lụt lội, cũng không phải lo ngại... Nay đồng ruộng hoang vu, bỏ mặc không nhìn đến mà những nhân viên cai quản lại căn cứ vào sổ cũ để thu thuế, người làm ruộng phải mượn nghề mọn khác để lấy thóc nộp tô. Cái ẩn tình đau khổ của dân chính là ở chỗ đó. Tích lũy dần lâu đến chỗ không cung ứng nổi nữa. Do đó, dân chúng nghèo kiết, tan tác cư ngụ ở các vùng lân cận, những kẻ ngoan ngạnh xảo trá thì tìm đủ mọi cách để được miễn trừ. Hiện tình ngày nay ở bản hạt, số mới phiêu bạt có tới 53 xã, số người được miễn trừ không chính đáng tới 30 xã. Phụng xét trước năm Canh Thìn, hạng chính đinh phải chịu phu dịch có tới hơn 13.500 suất, mà nay đăng tên vào sổ đinh chỉ có hơn 9.800 suất. Tình trạng hao mòn đó qua năm này tháng khác, không biết duyên do tại đâu mà đến nỗi thế?”1. Trong thời gian làm Đốc đồng Thái Nguyên, Ngô Thì Nhậm còn cùng cha là Ngô Thì Sĩ, lúc đó đang làm Đốc trấn Lạng Sơn phối hợp với Trấn thủ Tuân Vãng hầu đánh dẹp loạn tại vùng Vũ Nhai và năm đó cũng là năm ông soạn xong tập “Công vụ thành thư”. Năm 1779, Ngô Thì Nhậm được thăng chức Đông các hiệu thư, phụng mệnh hiệp đồng với Trấn thủ Tuyên, Thái đánh dẹp LOẠI HÌNH TÁC GIẢ NHÀ NHO HÀNH ĐẠO TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VI T NAM: 16 cuộc nổi dậy của Hoàng Văn Đồng ở Tuyên Quang. Ít lâu sau ông lại được sai đi kinh lược ở mỏ bạc Tống Tinh. Năm 1780 trở về triều, dâng sớ về phương sách thu thuế ở xưởng bạc, được chúa Trịnh rất khen ngợi, ban thưởng hậu. Tiếc là vào cuối năm đó xảy ra vụ án tranh đoạt ngôi chúa, Ngô Thì Nhậm bị liên can và đến năm 1782 thì xảy ra binh biến. Những người ít nhiều có liên quan đến vụ án năm Canh tý hoặc bị giết, hoặc bị bắt giam, tịch thu gia sản. Ngô Thì Nhậm đã buộc phải lánh nạn về quê của người vợ cả ở am Lệ Trạch, xã Đội Trạch, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai đã xuống lệnh “cầu hiền” để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Ngô Thì Nhậm và một số thân sĩ Bắc Hà khác như Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch, Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Huy Lượng đã lần lượt ra làm quan và đắc lộ với Tây Sơn. Ra làm quan cho Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm đã vượt qua được quan niệm trung quân có phần cổ hủ của nhiều nhà nho trước đây cũng như đương thời. Thời gian làm quan cho triều Tây Sơn, có thể nói Ngô Thì Nhậm như được chắp thêm đôi cánh. Bao tâm huyết với triều chính, với nhân dân của ông đã lại được tiếp tục và ở một tầm cao mới. Trong thời gian làm quan cho Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung đặc biệt tin dùng. Ban đầu ông được giao giữ chức Hữu thị lang bộ Công, tước Tình Phái hầu, cùng với Võ Văn Ước coi tất cả các quan văn võ của nhà Lê. Sau đó, vào tháng 10 năm 1788, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) là Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân cùng hàng chục vạn phu dịch tiến qua biên giới vào nội địa nước ta với dã tâm xâm lược, Ngô Thì Nhậm đã cùng với tướng được cử của Tây Sơn là Ngô Văn Sở bàn tính kế lui giặc. Cống hiến quan trọng nhất tại thời điểm này của Ngô Thì Nhậm chính là “nước cờ Tam Điệp” giúp Quang Trung hành quân thần tốc ra Thăng Long và lập nên chiến thắng lẫy lừng mùa xuân năm 1789 khiến cho quân xâm lược khiếp sợ. Ba năm sau (1792), Ngô Thì Nhậm được kiêm chức Quốc sử thự Tổng tài và vào năm 1793 ông được cử làm Chánh sứ phái đoàn của triều Tây Sơn sang nhà Thanh báo tang vua Quang Trung (mất năm 1792) và cầu phong cho vua mới là Quang Toản. Sau khi đi sứ bình an trở về, Ngô Thì Nhậm đã mau chóng vô nam để giúp vua Quang Toản. Nhưng thời thế đã vần xoay, sứ mạng lịch sử hướng sang một biên độ khác, nội bộ triều đình chia rẽ sâu sắc, rồi khủng hoảng Triều Nguyễn lên thay, Ngô Thì Nhậm cùng với một số sĩ quan của Tây Sơn bị mang ra xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu. Sau trận đòn này, về nhà, Ngô Thì Nhậm, phần vì thể trạng thì ít mà phần vì uất thì nhiều mà chết. Ông đã vĩnh viễn dừng lại ở tuổi 57. Như thế, có thể thấy, đặt ra và kiên trì con đường hành đạo của một kẻ sĩ trong thời loạn, dù ở vào tình huống nào, Ngô Thì Nhậm đã cố gắng không mệt mỏi, luôn bền chí và nhiệt thành với sự lựa chọn của mình. Sự minh triết của một nho sĩ lúc nào cũng canh cánh nỗi lo cho triều chính, nhân dân khiến từng cử chỉ, hành động của ông luôn hướng về cuộc đời ở vào những tháng năm oanh liệt nhất của lịch sử dân tộc. Những đóng góp của ông trên nhiều phương diện với triều Lê - Trịnh và Tây Sơn là rất lớn và cần phải có những công trình chuyên biệt. 3. Những vần thơ ngôn chí Ngô Thì Nhậm có để lại khoảng gần LÊ VĂN TẤN 17 600 bài thơ. Trong số đó có một bộ phận không nhỏ là những vần thơ ngôn chí, thơ để nói chí. Đó là chí của một nho sĩ hành đạo mẫu mực mà tấm lòng luôn hướng tới xã tắc, nhân dân. Cái chí mà tác giả đã hấp thu được từ tư tưởng Nho gia, của người cha mình - danh sĩ Ngô Thì Sĩ cũng như từ thực tế trải nghiệm của bản thân. Khi được tin cha mình nhậm chức Trấn thủ Lạng Sơn, ông đã viết thơ mừng. Lời thơ thể hiện niềm hân hoan, vui sướng, chen lẫn tự hào: Ngũ sắc tường vân giáp đạo kỳ, Sủng quang thử nhật bách ban kỳ. Nhất gia binh tượng liên tam trấn, Vạn lý phong cương khống nhị thùy. Xuất cách thù ân chân ngộ chúa, Bồi hoan thắng hội toại vi nhi. Vũ ban nguyện hiến Nam Sơn thọ, Trú cẩm đường tiền khách thái mi. (Hạ tôn thiều phó hùng trấn) Năm sắc mây lành cờ xí rợp đường, Ngày quang vinh này trăm vẻ kỳ lạ. Một nhà chỉ huy binh tượng liền ba trấn, Muôn dặm trông coi bờ cõi hai biên thùy. Đặc biệt ban ơn, thật là gặp chúa, Hầu vui dịp hiếm, thỏa lòng làm con. Mùa ban y, xin dâng lời chúc thọ Nam Sơn, Trước “nhà Trú cẩm”, chúc mừng cha già. (Mừng cha đi Trấn thủ Lạng Sơn)2 Ông luôn xác định, tâm niệm về vai trò tự nhiệm của nhà nho trước cuộc đời. Bắt gặp trong thơ Ngô Thì Nhậm hình tượng một con người luôn luôn sẵn sang xả thân vì nghĩa cả, không quản ngại khó khăn gian khổ: Địch khái bất hiềm dương liễu vãng, Chiêu an chỉ tác thử miêu tuần. Tuyên bố giáo thanh thần tử chức, Nguyện tương cam vũ nhuận sơn dân. (Độ Nguyệt Đức giang) Đi đánh giặc không ngại li biệt lâu, Việc chiêu an chỉ cốt đi tuần tra. Tuyên bố giáo hóa, là chức phận tôi con, Xin đem đám mưa ngọt để tưới nhuần cho dân miền núi. (Qua đò sông Nguyệt Đức, tr.86) Trong thời gian làm quan cho triều Lê - Trịnh, Ngô Thì Nhậm đã gắng hết sức lực của mình để phò tá chúa. Ông sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào khi được giao phó. Tình cảm đối với chúa Trịnh được ông thể hiện chân thành, kể cả khi bị án oan năm Canh Tý (1780). Ttác giả đã ca ngợi đức chí hiếu của Trịnh Sâm sánh ngang tựa Ngu Thuấn. Và sau khi Trịnh Sâm mất, nơi góc bể chân trời, nhà thơ càng thấu hơn cái đức sáng của chúa. Tự ví mình như kẻ cô thần, ông cúi đầu vái vọng Tiên thánh vương bằng một tình cảm rất mực cảm động, tha thiết: Cương thường lễ nhạc thực trung thiên, Di úy khiêm cung thập lục niên. Văn trị võ công quang Nghị, Triết, Thần mô thánh đức lý Hy, Hiên. Vân thâm Ngũ Nhạc dư anh vũ, Trú vĩnh Tam Qui lão đỗ quyên. Hải giác cô thần khuê bái kiến, Kiều Sơn vạn lý vọng hương diên. (Cung vãn tiên thánh vương) Cương thường, lễ nhạc dựng giữa trời, “Kính sợ” “khiêm cung” mười sáu năm. Văn trị, võ công, làm rực sáng Nghị vương, Triết vương, Thần mô, thánh liệt, đáng sánh ngang Phục Hy, Hiên Viên. Cung Ngũ Nhạc mây vẩn, còn lại chim anh vũ, Đất Tam Qui ngày dài, kêu rạc con đỗ quyên. Góc bể chân trời, kẻ cô thần xa vời dâng lạy, Bái vọng về chiếu thơm nơi Kiều Sơn muôn dặm. (Kính viếng tiên thánh vương, tr.100) LOẠI HÌNH TÁC GIẢ NHÀ NHO HÀNH ĐẠO TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VI T NAM: 18 Trong thời gian lánh nạn ở quê vợ ở xã Đội Trạch, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), ông luôn bền gan mẫn chí, tình cảm, niềm tin luôn hướng tới ngày mai sẽ tươi sáng, cái ngày mà đấng quân vương sẽ xuất hiện và ông sẽ lại được đem tài năng của mình phục vụ triều chính, phục vụ nhân dân. Lời thơ viết ra như để ông tự động viên, khích lệ mình cần phải cố gắng: Học vấn vô tha tại miễn chiên, Nhất tu đương bách, thập đường thiên. Lăng vân Thái, Họa ưng gia quĩ, Truy nhật hoa, lưu khoái chước tiên (Thư đề “Miễn trai”) Học hỏi không gì khác hơn là cố gắng, Một “cần” bằng trăm, mười “cần” bằng nghìn. Núi Thái, núi Họa cao ngất trời, nên thêm sọt nữa, Ngựa hoa, ngựa lưu đuổi kịp mặt trời cũng phải gia roi (Viết đề “Miễn trai”, tr.123) Với tư tưởng đó nên khi được tham gia triều chính và được trọng dụng, Ngô Thì Nhậm như được lột xác. Ông đã viết nhiều bài thơ ngợi ca Quang Trung Nguyễn Huệ, ngợi ca triều đại Tây Sơn. Lời thơ được viết ra đầy phấn kích với niềm tin, sự lạc quan của ông về một thời đại mới sẽ được mở ra: Vạn đội du long ủng Ngọc Hoàng, Uy gia hải nội cộng phi dương. Tảo không tích vụ khai thu sắc, Y cựu trung thiên kiến Thái dương... (Đại phong) Muôn đội rồng lượn, ủng hộ Ngọc Hoàng, Cùng bay bổng ra oai trong thiên hạ. Quét quang mây mù, mở ra màu thu, Thấy vầng Thái dương giữa trời như cũ (Gió to, tr.107) Một loạt bài thơ được ông viết để gửi cho người em là Học Tốn, ông chú ruột hay ông họ Trần ở Vân Canh, tặng quan trung thư Trần Văn Kỷ và nhiều bài thơ khác được viết khi Ngô Thì Nhậm đi sứ trở về từ Yên Kinh đến Phú Xuân tiếp tục cho thấy tình cảm cũng như sự ngưỡng mộ tin tưởng vào vận hội mới của đất nước: Phong ư xuân lệnh, nhật ư đông, Hàm cảm thường tồn chí ái trung. Tuân lật uy nghi, Kỳ thượng trúc, Kiên cương khí vũ, tuế hàn tùng. Thùy thân, hợp đáng lai nguyên lão, Miễn trụ, chân như ức lệnh công. Giáng khuyết vân cao, thiều hộ nhĩ, Liễu doanh y ước thái thanh chung. (Tặng trung thư Kỷ Thiện Hầu) Như gió mùa xuân, như mặt trời mùa đông, Thông cảm nhau, còn mãi lòng thân ái. Uy nghi nghiêm chỉnh như cây trúc sông Kỳ, Lòng dạ vững vàng như cây tùng mùa lạnh. Rủ đai, cần phải có bậc nguyên lão, Cất mũ, luôn luôn nhớ đến tôn ông. Gần gũi nhạc Quân thiều dưới bóng mây cao trên cửa khuyết, Văng vẳng chuông Thái thanh đưa đến quân doanh. (Tặng quant rung thư là Kỷ Thiện Hầu, tr.179) Và thế là trên đường vào Nam để nhậm chức, lòng ông bỗng trở nên phơi phới. Cảnh quan một dải đất nước thu vào tầm mắt thi nhân, châu tuần về với người anh hùng áo vải: Sơ độ nam du đáo Nghệ An, Phong quan nhất mộng nhất kỳ quan. Sa đê vạn lý triều tông hải, Thạch bảo thiên trùng quải hán san. Địa hữu công hầu sa thủy tú, Thiên sinh hào kiệt đẩu tinh hoàn. LÊ VĂN TẤN 19 Mai trình ký thủ danh hương ấp, Lịch lịch sư mô tại giản biên. (Nghệ An đạo trung) Lần đầu đi miền Nam đến Nghệ An, Mỗi cảnh vật là một mộng, một kỳ quan. Đê cát muôn dặm chầu về biển cả, Lũy đá ngàn trùng, vút tận sông Ngân. Đất có công hầu, cảnh non sông thanh tú, Trời sinh hào kiệt, sao đẩu tinh vòng quanh. Đường mai ghi nhớ những thôn làng nổi tiếng, Rành rành các bậ anh hùng ghi trong sử sách. (Trên đường Nghệ An, tr.149) Niềm lạc quan vào một triều đại mới sẽ mang lại cảnh thái bình cho đất nước, no ấm cho nhân dân như vậy ở Ngô Thì Nhậm sẽ khiến cho chúng ta càng thêm hiểu vì sao sự ra đi đột ngột của Quang Trung khiến cho ông buồn đau khôn tả. Tác giả đã viết những vần thơ thể hiện nỗi trống vắng không gì bù đắp nổi trong lòng mình. Viễn cảnh huy hoàng của thời vua sáng tôi hiền hình như cứ mờ dần, nhòa dần trong ông khi hình ảnh của đức cao lúc tỏ lúc nhòa: Cửu tiêu tuyên chỉ thôi triều sứ, Mã sậu xa trì chỉ Đẩu tiêu. Thiên thự tinh thần khai huyến lạn, Địa din ham lĩnh thất thiều nghiêu. Hoàng hoàng minh chúc truyền mai dịch, Bái bái hành tinh phất liễu điều. Ngũ dạ loan thanh tần nhập mộng, Y hi Nam khuyết bạng Quân Thiều. (Dạ hành) Cửu trùng xuống chiếu giục giã sứ giả vào chầu, Ngựa ruổi xe bon nhắm hướng chuôi sao Đẩu. Trời sáng các vì sao chói lọi, Đất bằng phẳng, hết núi non nhấp nhô. Đuốc sáng huy hoàng truyền khắp trạm mai, Cờ bay phấp phới chạm vào cành liễu. Năm canh tiếng loan nghi luôn vào giấc mộng, Phảng phất như đang ở cửa khuyết phương Nam nghe nhạc Quân Thiều. (Đi đêm, tr.339) Trở lên có thể thấy, dù ở vào tình huống nào, phục vụ triều đại nào thì bản thân Ngô Thì Nhậm đều luôn nhiệt thành cống hiến, phục vụ, một lòng vì đất nước, vì nhân dân. Qua những vần thơ của ông, chúng ta có thể thấy được cái hùng tâm tráng chí hết sức lớn lao của một kẻ sĩ hành đạo tiêu biểu trong thời loạn. Thơ ngôn chí của ông xứng đáng là một kiểu mẫu cho các nhà nho đương thời và sau ông học tập, noi gương. 4. Vẻ đẹp thơ đi sứ Ngô Thì Nhậm nhận nhiệm vụ công cán sang nhà Thanh trong một bối cảnh đặc biệt. Với danh chánh sứ đi báo tang và cầu phong cho vua mới, ông đã lên dường vào ngày 20 tháng 2 năm Quý sửu 1793 từ Thăng Long và ngày 08 tháng 5 ông đến Yên Kinh. Ngày 20 tháng 5 ông trở về và tháng 9 cùng năm đó thì Ngô Thì Nhậm tới kinh đô. Trong chuyến đi sứ đầy vất vả này, tác giả đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chứng kiến được uy phong của vua Quang Trung và cũng qua đó thể hiện được tấm lòng tận trung của ông đối với tổ quốc. “Trên đường đi, phàm những chỗ hiểm dị của sông núi, nơi dừng lại, nơi ra đi ở các dịch quán, những di tích của người xưa, những cảnh trước mắt của người nay, nhất nhất đều vẽ lại”3. Thơ đi sứ của ông còn lại bao gồm những sáng tác giàu giá trị trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Trước hết, khi đặt chân lên tới vùng biên ải, tác giả đã phòng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh núi non của tổ quốc mình, lòng tự hào về một dải non sông gấm vóc, về LOẠI HÌNH TÁC GIẢ NHÀ NHO HÀNH ĐẠO TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VI T NAM: 20 sức mạnh oai hùng cũng như những chiến công của cha ông thuở trước: Thần kiếm thượng lưu Minh tướng thạch, Quỉ môn không tỏa Hán từ yên. Tự tòng Nam Bắc khai quan hậu, Chỉ điểm tinh biền chí tự Yên. (Lạng Sơn đạo trung, kỳ nhất) Gươm thần còn lưu vết trên hòn đá tướng Minh, Khói ải Quỷ khóa đền thờ tướng Hán. Sau khi phương Nam phương Bắc mở thông cửa ải, Người dẫn đường cho sứ từ Yên Kinh đến. (Dọc đường Lạng Sơn, bài 1, tr.285) Chỗ khác ông viết: Đạo lộ kiến tòng thanh thảo xuất, Điền trù văn tự lục vân khai. Kỳ quan tối thị trường thiên sắc, Trung cực kinh tinh huyến Đẩu Thai (Lạng Sơn đạo trung, kỳ nhị) Đường đi như xuất hiện từ đám cỏ xanh, Ruộng nương như khai khẩn từ trên mây biếc. Rất đỗi kỳ quan là màu trời một dải, Trong chòm kinh tinh ở ngôi trung cực, rực rỡ sao Đẩu sao Thai. (Dọc đường Lạng Sơn, bài 2, tr.285) Nhìn dòng sông Ninh Minh, dòng sông phát nguồn từ châu Thượng Tư thuộc dãy Thập vạn đại sơn Quảng Tây, chảy qua châu Ninh Minh, rồi đổ vào sông Tả Giang chỗ gần Bằng Tường, Ngô Thì Nhậm tức cảnh mà ghi lại bài thơ thể hiện ý thức về cương giới địa vực giữa hai quốc gia hết sức rõ rệt: Bất đãi Phân Mao nhận Lĩnh Mai, Sóc nam giới hạn tự an bài. Thiên sơn bính củng Vân, Kiềm giáng, Nhất thủy càn lưu Bác, Lãng lai. Địa đạo ẩn cơ phi ngẫu nhĩ, Thiên công thâm ý khởi đồ tai. Bảo thư “phận định” nhàn khan thục, Hựu bả đồ kinh nhất triển khai. (Ninh Minh giang ký kiến) Không đợi đến nũi Phân Mao mới nhìn ra cành mai Dữu Lĩnh, Giới hạn Nam Bắc đã tự xếp đặt. Nghìn ngọn núi chầu về đông nam, từ Kiềm Châu, Vân Nam kéo xuống, Một dòng nước chảy qua tây bắc, từ An Bác, Thoát Lãng đổ về. Mạch đất huyền vi chẳng phải ngẫu nhiên, Ý trời âu thẳm nào phải bâng quơ. Sách trời vạch rõ cương giới, ngày thường đã xem kỹ, Nay lại mở bản đồ xem một lần nữa. (Ghi lại những điều trông thấy ở sông Ninh Minh, tr.297) Ông làm khá nhiều bài vịnh các nhân vật lịch sử của Trung Hoa như Gia Cát Lượng, Giả Nghị, Văn Thiên Tường, Tô Đông Pha để bày tỏ sự tôn kính với những bậc tiên hiền xưa nổi danh về tài chí cùng những đóng góp cho triều chính mà họ phò tá. Ẩn sau lời thơ, lẽ chăng còn chính là nỗi lòng của thi nhân luôn hướng về quê nhà: Nhân long hóa khứ hiện thần long, Tiễu thạch lâm lưu miện Hán Trung. Bắc hướng, trầm cơ khu nhạn trận, Đông thôn, dương mộ dịch đồn phong. Đỉnh phân vô lực tranh thương hiệu, Miếu tự hàn tâm ý bích không. Tùng bách y hỉ khuynh cái nhật, Hành Dương thu thủy chiếu cô trung. (Gia Cát Vũ Hầu miếu) “Rồng người” hóa rồi thì “rồng thần” hiện ra, Núi đá cao ngất bên dòng sông, nhìn LÊ VĂN TẤN 21 vào Hán Trung. Hướng Bắc Ngụy, mưu sâu bày nhạn trận, Nuốt Đông Ngô, nổi giận thổi đồn phong. Thế chia chân vạc không đủ sức tranh với trời xanh, Lòng nào còn muốn đền cao vòi vọi nơi vòm biếc. Cây tùng cây bách như phảng phất những ngày nghiêng lọng, Dòng nước thu ở Hành Dương soi sáng lòng cô trung. (Miếu Gia Cát Vũ Hầu, tr.410) Với cái nhìn rạch ròi giữa quan điểm và hành xử của chính quyền trung ương với cách nhìn, cách nghĩ của quan phủ huyện và đặc biệt là thái độ của người dân Trung Hoa đối với quan hệ bang giao giữa hai đất nước, tác giả đã ghi lại chân thực và thể hiện tình cảm thực của mình khi chứng kiến cảnh thanh bình của xứ người. Quan nhàn rỗi, thư thái; người dân có cuộc sống no ấm: Nam Ninh tục hiệu “Tiểu Nam Kinh”, Nhân vật phồn hoa mãn thị thành. Giáp đạo ốc lư trù chướng nhật, Lâm lưu đài tạ chúc thùy tinh. Trị thế quan tào vô biệt sự, Kỷ phô khổng tước, hạm điều oanh. (Nam Ninh ký kiến) Nam Ninh tục gọi là “Tiểu Nam Kin”, Nhân vật phồn hoa đầy cả thị thành. Nhà cửa bên đường, màn che mặt trời, Đài tạ bên sông, đèn như sao sa. Đời thịnh trị nơi công đường không có việc, Chim công múa trên ghế, chim oanh hót ngoài hiên. (Ghi điều trông thấy ở Nam Ninh, tr.325) Đi qua huyện Lai Tân thuộc phủ Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, một huyện lỵ nằm ngay bờ bắc của sông Kiếm, thuận tiện giao thương, nhìn cảnh sinh hoạt tấp nập của người dân, tác giả đã ghi lại: Ngũ quận thông tân nhất thủy hoành, Sa nga bách trĩ bạng giang thành. Thổ đa tích thạch phù long tích, Dân bán Dao, Choang loạn điểu thanh... (Lai Tân ký kiến) Bến thông năm quận, một dòng sông chảy ngang, Thành trăm trĩ cao ngất bên bờ sông. Đất nhiều đá sỏi nổi lên như xương sống con rồng, Dân một nửa là người Dao, một nửa là người Choang, tiếng ríu rít như chim... (Ghi điều trông thấy ở Lai Tân) Mỗi miền đất, vùng quê, mỗi danh lam thắng cảnh của xứ người đều trên đường sứ lý đều được Ngô Thì Nhậm vẻ lên rất mực đẹp đẽ. Một số dòng sông hay ngọn núi nổi tiếng đã từng đi vào thơ ca cổ điển Trung Hoa đã được ông nhắc tới như sông Ly Giang đoạn chảy qua Quế Lâm, Quảng Tây; sông Tương chi lưu của Trường Giang chảy qua tỉnh Hồ Nam đoạn chảy qua huyện Tương Âm; sông Trường Giang đoạn qua huyện Nhạc Dương... Đây là vẻ đẹp của dòng Ly Giang vào mùa thu: Nhất sơn nhất thủy điệt phùng nghênh, Thủy sắc sơn quang nhất dạng thanh. Đạm đãng khinh yên thu bát nguyệt, Tiêu tao hàm lộ dạ tam canh... (Ly Giang thu phiếm) Một núi một sông lần lượt đón chào, Vẻ núi, sắc nước trong sáng như nhau. Mây khói nhẹ nhàng, trời thu tháng tám, Sương móc lạnh lẽo, nửa đêm canh ba... (Mùa thu thả thuyền trên sông Ly, tr.397) LOẠI HÌNH TÁC GIẢ NHÀ NHO HÀNH ĐẠO TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VI T NAM: 22 Còn đây là hình ảnh của Tương Giang: Nhất vọng di mang Thanh Thảo hồ, Phong đào bất tác tịch bình phô. Tiền sơn mạc mạc đê hoàn hữu, Viễn phố thiều thiều tế dục vô... (Tương Giang hiểu phát) Nhìn ra hồ Thanh Thảo mênh mông bát ngát, Sóng yên gió lặng, mặt nước phẳng như trải chiếu. Núi trước mặt mờ mờ, thấp nhưng còn thấy có núi, Bến đằng xa tít tắp, nhỏ dường như không thấy gì... (Buổi sáng từ sông Tương ra đi, tr.417) Ngô Thì Nhậm cũng bày tỏ sự bất bình, thái độ phê phán các triều đại xưa trong lịch sử Trung Hoa, vì tham vọng cát cứ, rồi xâm lược, thoán đoạt lẫn nhau mà dẫn tới đổ máu, người dân thì phải sống trong cảnh li loạn, đói khát: Trần giới tam thiên thử nhất thiên, Phong sa đáo xứ loạn vân yên. Thiều thiều đãng đạo nghi xa chiến, Mạc mạc bình nguyên khả tỉnh điền. Lưu, Thạch huân chưng thành khoáng hãn, Liêu, Kim xâm nhiễn quán tinh chiên. Kỷ đa danh lý đề kiên thạch, Cực mục thê lương khái cổ hiền. (Hà Bắc đạo trung) Ba nghìn thế giới, cõi trần đây là một nghìn, Đến đâu gió cát cũng mù mịt như mây khói. Đường phẳng, xa tít tắp thích hợp với chiến trận bằng xe, Đồng bằng, rộng mênh mông có thể làm tỉnh điền. Họ Lưu, họ Thạch nung đúc thành thói hung dữ, Nước Liêu, nước Kim tiêm nhiễm nên tục tanh hôi. Biết bao làng nổi tiếng còn đề trên bia đá, Đầy mắt cảnh thê lương, khiến cảm nghĩ đến người hiền xưa. (Trên đường Hà Bắc, tr.527) Trong thời gian rong ruổi đi cũng như trở về và lưu trú lại trên đất nước Trung Hoa, có nhiều lúc Ngô Thì Nhậm cảm thấy thân tâm mỏi mệt nhưng ngay khi có lệnh triệu vào kinh ông đã cố gắng, tự khích lệ, động viên mình vượt lên hoàn cảnh để phụng sự đất nước. Sự thay đổi của thời tiết, khí hậu, thủy thổ và vạn trường xa ngái cũng đã khiến ông nhiều lần bị ốm. Đó là lúc dễ khiến cho thi nhân sờn lòng nản chí song với ý chí và nghị lực phi thường, Ngô Thì Nhậm đã lấy tổ quốc, lấy sự tin tưởng của vua để phấn phát tinh thần, để làm điểm tựa cho cho cuộc hành trình, để tinh thần cũng qua đó mà thêm sáng láng: ... Giang sơn đáo xứ hộ trì hảo, Vũ lộ như kim ốc mộc tân. Trung tin tự đa vô vọng hỉ, Bất phương đẩu tẩu sạch tinh thần. (Lực tật thư hoài) ... Đến đâu cũng có non sông phù hộ, Nay lại mới được nhuần thấm ơn mưa móc. Giữ trung tín, tự tin là bệnh khỏi, Không lo gì mà không phấn phát tinh thần. (Gượng bệnh tả nỗi lòng, tr.517) Nô độn niên lại hứa quốc thân, Trì khu dạ dạ khởi hiềm tần. ... Tòng lai cứu tật hằng sinh tuệ, Tỗn tiết thanh tu thị bảo chân. (Bệnh thuật) Thân hèn này đã hiến dâng cho nước từ bấy nay, Giong ruổi ngày đêm há quản tần phiền. LÊ VĂN TẤN 23 ... Xưa nay trong đau khổ thường sinh sáng suốt, Kiêng khem, thanh đạm đó là bài thuốc giữ gìn sức khỏe. (Thuật lại khi ốm, tr.545) Có thể nói, những vần thơ đi sứ của Ngô Thì Nhậm đã được viết ra bằng một cái nhìn thế sự sâu sắc. Vượt lên trên thiên kiến, định kiến về ngoại bang hay nội quốc, thi nhân đã trải lòng mình với đất và người, xưa và đương thời trên dọc đường đi sứ của mình. Ông đã viết lên những vần thơ giản dị, chân thực về phong cảnh, về người dân của đất nước Trung Hoa. Cũng qua đó mà người đọc thêm cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của một kẻ sĩ mà tấm lòng luôn hướng về đất nước, về nhân dân mình. 5. Cảm hứng nhàn tản Chúng tôi từng cho rằng, cảm hứng về cái nhàn hay cảm hứng nhàn tản chính là điểm gặp gỡ thú vị nhất về ba loại hình tác giả nhà nho, kể cả tác giả thiền sư trong văn học trung đại Việt Nam.4 Với Ngô Thì Nhậm thì cảm hứng về cái nhàn xuất hiện trong hầu hết các tập thơ của ông, kể cả thơ đi sứ và bất kể là vào thời gian nào của cuộc hành vì triều chính, xã tắc. Đó là lúc mà ông hướng lòng mình tới thiên nhiên, phiêu du cùng mây gió, lòng được thanh thản sau bao tất bật quan trường, công văn giấy tờ...: Hoàng hoa thu sắc nhất thiên tình, Giang tự chiêu yêu tản bộ hành. Cận thủy lâu cao chung ảnh tế, Nghênh hy đạo khiết lý trần khinh... (Giang tự tình du) Sắc thu, hoa vàng, một ngày tạnh ráo, Dắt dìu dạo bước trước chùa bên sông. Tầng lầu cao bên mé nước, nho nhỏ bóng chuông, Trên đường sạch đón nắng mai, nhẹ nhàng bụi dép... (Đi dạo nắng ở ngôi chùa bên sông, tr.133) Trong thời gian ẩn náu ở quê vợ Thái Bình để tránh sự truy sát của chính quyền trung ương lúc bấy giờ, cảm hứng nhàn đã giúp cho thi nhân gìn giữ được sự thanh cao của khí tiết của một kẻ sĩ, không bị bụi trần vấy đục. Nó giúp ông nuôi dưỡng được chí khí đợi ngày có cơ hội tiếp tục nhập cuộc. Một lần ghé thăm thư đường Vân Động, Ngô Thì Nhậm đã khắc họa được một khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của con người thật êm ả, thanh bình: Khinh chu kích tiếp phù Vân Động, Vạn hộc thanh phong hòa ngã cộng. Châu chử hàn âu điệt khứ lưu, Giang thôn tình thụ tần nghênh tống. Bản kiều lục thất túy lai qui, Mục địch ngũ tam sọa lý lộng. Trung hữu thư trai lục liễu âm, Ngân giang tĩnh đối đàm Hàn, Đổng... (Phỏng Vân Động thư đường) Thuyền nhẹ, gõ mái chèo bơi đến Vân Động, Muôn hộc gió mát cùng ta làm bạn. Bãi bến, chim âu thay đổi tới lui, Giang thôn, cây tạnh luôn đưa đón. Sáu bảy ông say rượu đi về trên cầu ván, Năm ban trẻ chăn trâu thổi sáo chơi trò chơi. Trong này có thư đường dưới bóng liễu xanh, Bên cây đèn ngồi đối diện bàn về Hàn, Đổng... (Thăm thư đường Vân Động, tr.122) Nhân lúc rảnh rỗi Ngô Thì Nhậm đã thuật lại mong muốn của mình là được đi ở ẩn, tránh xa cõi tục để lòng được thư thái. Trên thực tế thì với ông, điều đó chỉ là niềm mong ước và niềm mong ước ấy cũng chỉ xuất hiện trong một cảnh huống nhất LOẠI HÌNH TÁC GIẢ NHÀ NHO HÀNH ĐẠO TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VI T NAM: 24 định nhưng qua lời thơ, ta thấy sự chân thành của ông: Lữ để nhàn dư trú yểm phi, Thôi xao tiêu khiển sổ chương thi. Gia hương cát khánh bằng lai giản, Thân thế ưu ngu vấn điệp thi. Tự hải hầu môn hi túc đáo, Như băng hoạn huống chỉ tâm tri. Kỷ hành tuyết mấn tranh mai bạch, Hà nhật Hoa Sơn túng mã qui? (Nhàn thuật) Nơi quán trọ, lúc nhàn hạ ban ngày đóng cửa, Thôi xao tiêu khiển mấy bài thơ. Chuyện tốt lành ở quê nhà dựa vào thư đưa lại, Nỗi âu lo của thân thế, chỉ biết bói cỏ thi. Cửa nhà hầu sâu tựa biển, ít chân ai tới, Cảnh nhà quan lạnh như băng, chỉ lòng mình hay. Mấy sợi tóc điểm tuyết đua trắng với hoa mai, Biết ngày nào được buông ngựa trở về Hoa Sơn. (Nói ý mình lúc rảnh, tr.243) Ngay cả khi đi sứ nhà Thanh vào năm 1793, cảm hứng nhàn cũng đã đến với ông: Càn khôn diệu ý bất thăng cùng, Vạn tượng thiên nghi vãn chiếu trung. Cao xứ sơn hoàng đê xứ thúy, Tả biên thủy bích hữu biên hồng. Ẩn ngư lân tập than đầu hỏa, Quy điểu hàn sinh mộc mạt phong. Cánh hữu nhất ban thanh ý vị, Tùng lâm y ước sổ thanh chung. (Lệ giang vãn điếu) Cái diệu ý của trời đất nói sao cho xiết, Muôn vạn hình tượng riêng đẹp trong ánh chiều. Chỗ cao của núi màu vàng, chỗ thấp màu biếc, Phía bên trái nước biếc, phía bên phải màu đỏ. Cá lặn châu vây như ánh lửa đầu ghềnh, Chim về tổ vẫy cánh sinh gió trên ngọn cây. Lại còn có một ý vị trong trẻo hơn nữa, Tiếng chuông chùa văng vẳng trong rừng thông. (Ngắm cảnh chiều trên sông Lệ giang, tr.309) Phong cảnh thiền môn chay tịnh không phải không khiến nhiều lúc thi nhân quyến luyến. Chùa bên sông với cảnh sắc trong sáng, thanh nhàn trở đi trở lại nhiều lần trong thơ của ông. Điều đó chứng tỏ hứng thiền không phải không hấp dẫn, thậm chí cả một chút men say, một niềm đam mê với kẻ sĩ: Khuất chỉ phiêu bồng ký ngũ niên, Kim thu thôn tự, nhất tham Thiền. Cúc hoa sơ quải hoàng kim giáp, Bối diệp trùng niên bạch ngọc thuyên. Vãng sự kỷ hồi Hòe quốc mộng, Cố ngô y cựu Trúc lâu duyên. Linh am tự tại linh quang tĩnh, Sảng nhập Ngân câu tú thủy liên. (Vãn thu tham thiền) Tính đốt ngón tay, cánh bồng trôi dạt gã năm năm, Mùa thu này đến tham Thiền ở ngôi chùa làng. Hoa cúc vừa nở tung chiếc áo giáp vẩy vàng, Lá bối, cầm xem lại, đã bén mùi Thiền. Việc đã qua coi như một giấc Nam Kha, Cái tôi thuor trước vẫn còn duyên nợ Trúc lâu. Linh am thanh thản, linh tứ sáng, Khi mát thoảng vào ao Ngân, một làn nước trong. (Cuối thu vào chùa tham thiền, tr.127) Với niềm cảm hứng hướng về cái nhàn mang màu sắc thiền ở nhiều khúc đoạn của LÊ VĂN TẤN 25 con đường hành đạo nhiều gập ghềnh, nhiều buồn vui lẫn lộn như thế, hẳn sẽ thật dễ hiểu về những việc làm, hành động của Ngô Thì Nhậm lúc cuối đời: lập Thiền viện Trúc lâm tại gia, viết “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”, khởi xướng việc làm chùa để cho dân làng có nơi vãng cảnh, nhập nhóm nghiên cứu đàm đạo về Thiền học (Ngô Thì Hoàng, Vũ Trinh, Nguyễn Đăng Sở) Những việc làm này chứng tỏ ở thi nhân một tấm lòng chân thành với Phật giáo. Và điều tạo nên nét riêng ở Ngô Thì Nhậm chính là việc ông luôn đứng ở điểm nhìn của một nho sĩ hành đạo đầy nhiệt thành khi nhìn nhận Phật giáo. Phải chăng đó chính là lí do mà theo chúng tôi, Ngô Thì Nhậm mới chỉ “chạm vào Thiền” mà chưa đắc ngộ, càng chưa đạt tới cái cảnh giới Phật môn, nơi mà mọi dục vọng, ham muốn, kể cả khát vọng với xã tắc, với nhân dân hay đúng hơn là với con người chỉ như sương khói? Và phải chăng cũng bởi thế mà Ngô Thì Nhậm đã và vĩnh viễn là chính ông: một nho sĩ hành đạo trong thời loạn điển hình của lịch sử văn học dân tộc mười thế kỷ. 6. Thay lời kết Hẳn là vào những hoàn cảnh nhất định của thời thế, nghị về sự đúng sai của một hướng lựa chọn ở con người không phải ngay tức thì đã có câu trả lời thích đáng. Điều ấy càng trở nên đúng hơn trong lịch sử gần 10 thế kỷ của dân tộc với không biết bao nhiêu thăng trầm, vinh quang cũng có mà ô nhục cũng có. Và nghịch lí thay khi ở một độ lùi của thời gian đủ để nghiệm suy về tiền nhân thì mọi việc đã an bài. Đó sẽ là lúc mà mỗi chúng ta sẽ cố gắng để “thừa kế” một di sản tinh thần mà họ để lại cho hậu thế. Nhìn vào cuộc đời và sự nghiệp của những người như Ngô Thì Nhậm và bè bạn của ông như Ninh Tốn, Phan Huy Ích hay Đoàn Nguyễn Tuấn chợt chúng tôi thấy chạnh lòng, không phải vì họ, càng không phải vì chúng tôi. Tại sao nhỉ? Chú thích: 1 Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 2, Cao Xuân Huy và Thạch Can chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2 Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Cao Xuân Huy và Thạch Can chủ biên, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.61. Trích thơ Ngô Thì Nhậm trong bài viết chúng tôi đều lấy từ quyển này. Từ đây chỉ chú số trang cho tiện theo dõi. 3 Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, đã dẫn, tr.283. 4 Xin xem bài viết của chúng tôi: “Nhận diện loại hình tác giả nhàn tản trong văn học trung đại Việt Nam”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 11/2014, tr.11-18. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trịnh Khắc Mạnh, Danh nhân Ngô Thì Nhậm (1746-1803), nguồn: 2. Cao Xuân Huy, Thạch Can chủ biên (1978), Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 3. Trần Đình Hượu (1998), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 4. Trần Ngọc Vương (1995), Loại hình học tác giả văn học - nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 5. Lê Văn Tấn (2013), Tác giả nhà nho ẩn dật và văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 6. Lê Văn Tấn (2013), “Loại hình tác giả nhà nho ẩn dật trong văn học trung đại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, (10), tr.43-58. 7. Lê Văn Tấn (2014), “Nhận diện loại hình tác giả nhàn tản trong văn học trung đại Việt Nam”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 11, tr.11-18. 8. Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Nhậm, một tấm lòng thiền chưa viên thành, nguồn: Ngày nhận bài: 09/01/2017 Biên tập xong: 15/3/2017 Duyệt đăng: 20/3/2017

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf103_3844_2215155.pdf
Tài liệu liên quan