Khảo sát vai trò của dầu mù u trong quá trình hồi phục vết thương trên mô hình chuột

Tài liệu Khảo sát vai trò của dầu mù u trong quá trình hồi phục vết thương trên mô hình chuột: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học Khoa học Cơ bản 67 KHẢO SÁT VAI TRÒ CỦA DẦU MÙ U TRONG QUÁ TRÌNH HỒI PHỤC VẾT THƯƠNG TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT Nguyễn Văn Linh*, Võ Thành Long**, Đào Trọng Thức***, Trương Công Trị***, Trịnh Thị Diệu Thường***, Bùi Chí Bảo*** TÓM TẮT Giới thiệu: Vết thương do tai nạn, bỏng, vết thương sau phẫu thuật, vết côn trùng cắn gây ra những tổn thương da như là viêm loét, nhiễm trùng, tạo sẹo gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của bệnh nhân. Những dược liệu có nguồn gốc tự nhiên có vai trò kháng khuẩn và đẩy mạnh quá trình hồi phục vết thương đang được quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây. Dầu mù u được chiết xuất từ trái mù u (Calophyllum inophyllum) có các hoạt chất sinh học có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, và kháng oxy hoá đã được sử dụng từ rất lâu để điều trị vết thương. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu vai trò của dầu mù u trong quá trình hồi phục vết thương trên da ...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 202 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khảo sát vai trò của dầu mù u trong quá trình hồi phục vết thương trên mô hình chuột, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học Khoa học Cơ bản 67 KHẢO SÁT VAI TRÒ CỦA DẦU MÙ U TRONG QUÁ TRÌNH HỒI PHỤC VẾT THƯƠNG TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT Nguyễn Văn Linh*, Võ Thành Long**, Đào Trọng Thức***, Trương Công Trị***, Trịnh Thị Diệu Thường***, Bùi Chí Bảo*** TÓM TẮT Giới thiệu: Vết thương do tai nạn, bỏng, vết thương sau phẫu thuật, vết côn trùng cắn gây ra những tổn thương da như là viêm loét, nhiễm trùng, tạo sẹo gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của bệnh nhân. Những dược liệu có nguồn gốc tự nhiên có vai trò kháng khuẩn và đẩy mạnh quá trình hồi phục vết thương đang được quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây. Dầu mù u được chiết xuất từ trái mù u (Calophyllum inophyllum) có các hoạt chất sinh học có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, và kháng oxy hoá đã được sử dụng từ rất lâu để điều trị vết thương. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu vai trò của dầu mù u trong quá trình hồi phục vết thương trên da chuột. Mục tiêu: Nghiên cứu tính kháng viêm và hiệu quả trong việc điều trị vết thương của tinh dầu mù u trên mô hình chuột. Phương pháp: Dầu mù u (Calophyllum inophyllum) được tinh chiết bằng dung môi ethanol, thành phần calophyllolide trong tinh dầu sẽ được định lượng bằng HPLC. Chuột nhắt trắng đực (Mus musculus var. Albino) từ 8-10 tuần tuổi, khoẻ mạnh, có trọng lượng trung bình khoảng 30±2g được chia ra thành 5 nhóm, trong đó nhóm I điều trị vết thương bằng dầu mù u, nhóm II được điều trị bằng thuốc sát trùng Betadine®, nhóm III được điều trị bằng tinh dầu gạo, nhóm IV không điều trị và nhóm V không tạo vết thương. Đánh giá tác dụng của tinh dầu mù u dựa trên biểu hiện lành sẹo vết thương, đánh giá tổn thương qua độ lớn của lá lách và cấu trúc mô học tại vị trí vết thương bằng phương pháp nhuộm HE. Kết quả: Hàm lượng calophyllolide trong dầu mù u tinh chế: 225,78 ± 4,39 mg. Quan sát đại thể vết thương điều trị bằng dầu mù u không bị viêm, sưng đỏ, vết thương lành sau 7 ngày điều trị. Chiều dài và trọng lượng lá lách của chuột điều trị bằng dầu mù ù không có khác biệt so với nhóm chuột bình thường không tạo vết thương (P=0,1124) và có sự khác biệt so các nhóm còn lại (P<0,0001). Quan sát vùng mô tại vị trí vết thương bằng phương pháp nhuộm HE cho thấy vết thương điều trị bằng dầu mù u có cấu trúc mô trở nên đồng nhất sau 7 ngày và có cấu trúc tương tự mô bình thường sau 14 ngày. Kết luận: Dầu mù u giúp vết thương hồi phục nhanh, không gây viêm, liền sẹo, mô da phục hồi nhanh và tốt. Từ khóa: Cây mù u, tinh dầu, lành vết thương, kháng viêm, mô da. ABSTRACT INVESTIGATION OF OIL EXTRACTED FROM CALOPHYLLUM INOPHYLLUM L. ON HEALING PROCESS OF SURGICAL WOUNDSIN MOUSE MODEL Nguyen Van Linh, Vo Thanh Long, Dao Trong Thuc, Truong Cong Tri, Trinh Thi Dieu Thuong, Bui Chi Bao * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 20 - Supplement of No 1 - 2016: 67 - 74 Background: Wounds from accidents, burns, post-surgery or insect bites cause skin lesions such as ulcers, infectiousness, scars that affect people’s healthy and beauty. Herbal medicine which plays a antimicrobial role * Đại học Cần Thơ Đại học Quốc Tế TP. Hồ Chí Minh  Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Địa chỉ liên hệ : TS. Bùi Chí Bảo ĐT: 0909.708.225 Email: bcbao@ump.edu.vn Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Chuyên Đề Khoa học Cơ bản – Y tế Công cộng 68 promote the process of wound healing that recent researches are interested oil extracted. Cutaneous wounds are common diseases in clinical treatments that require abundant efforts in finding new natural products for preventing bacterial infections and promoting wound regeneration. Oil extracted from Calophyllum inophyllum L. are widely knowned as a natural product that have anti-bacterials, anti-inflammatory and anti-oxidant bioactivities. In this study, we investigate role of oil extracted from Calophyllum inophyllum L. in wound healing process on mice model. Objectives: Investigate anti-inflammatory bioactivities of oil extracted from Calophyllum inophyllum L in wound healing process on mouse model. Method: Male mice (Mus musculus var albino) weighing about 30±2g, 8-10 weeks oldwere divided into 5 groups (n=3): that were treated with oil extracted from Calophyllum inophyllum L., Betadine®, rice brain oil, one group with no treatment and one normal group. Wound healing process was evaluated by macroscopic observation, histological observation and wound stress was evaluated by spleen index. Results: Calophyllolide concentration: 225.78±4.39 mg (n=3). Wound treated with oil extracted shown no sign of inflammation and bacterial infection. Evaluating the inflammation by spleen stress showed that no statistical significant difference between group treated with oil extracted from Calophyllum inophyllum L. in compared with normal group. Histological observations showed that epithelium tissue from group treated with oil extracted healed at day 7 and completed recovered at day 14. Conclusions: Oil extracted from Calophyllum inophyllum L. promoted wound healing process with anti- inflammatory effects. Keywords: Calophyllum inophyllum L., oil extracted, wound healing, anti-inflammatory activities, skin. ĐẶT VẤN ĐỀ Tổn thương da cấp tính và mạn tính là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều trong điều trị lâm sàng bởi tỉ lệ mắc phải hàng năm cao, nguyên nhân bệnh lý đa dạng, mức độ phức tạp trong điều trị(1), chi phí điều trị tốn kém và tiên lượng rất kém ở nhiều trường hợp bệnh lý mạn tính(10). Vết thương do phẫu thuật, chấn thương, vết loét, vết động vật cắn hay bỏng là những nguyên nhân thường gặp trong tổn thương da cấp tính trong khi đó vết loét tiểu đường, loét do bất động lâu ngày là những nguyên nhân thường gặp ở bệnh lý mạn tính. Quy trình điều trị thông thường sử dụng các chất kháng khuẩn hoặc băng gạc tại vị trí vết thương nhằm ngăn chặn nhiễm trùng, tổn thương mô lan rộng và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương. Một vài chất kháng khuẩn gây nên phản ứng dị ứng và kéo dài quá trình hồi phục vết thương(1,12). Để khắc phục những trở ngại trên, các thuốc chiết xuất tự nhiên đã được sử dụng(2,6), tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra và phát triển các hoạt chất thiên nhiên hiệu quả hơn trong điều trị tổn thương da. Cây mù u có tên khoa học là Calophyllum inophyllum thuộc họ Calophyllaceae, mọc hoang trong rừng nhiệt đới trên toàn thế giới, đặc biệt phân bố nhiều ở khu vực Đông Nam Á, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam(14). Từ xưa, dầu mù u chiết xuất từ hạt đã được sử dụng để làm lành các vết thương ngoài da, chữa các vết bỏng. Trong dầu mù u có chứa các thành phần hóa học thuộc nhóm coumarin, xanthan, flavonoid, các dẫn xuất chromanon, triterpene, steroid đã được chứng minh có nhiều tác dụng sinh học đáng kể như kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chống ung thư và chống oxy hóa(5). Một số hợp chất đã được ly trích và có nhiều nghiên cứu báo cáo về hoạt tính sinh học của chúng như độc đối với một số tế bào, chống thấm nước, kháng viêm, kháng khuẩn và kháng virus HIV(12). Hoạt chất calophyllolide là một chất thuộc nhóm courmarin, có các hoạt tính sinh học như: kháng viêm, chống oxy hoá, ngăn Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học Khoa học Cơ bản 69 ngừa ung thư và kháng khuẩn(10). Vì vậy, dịch chiết dầu mù u có tiềm năng ứng dụng cao nhằm phòng ngừa nhiễm khuẩn và kháng viêm trong điều trị các tổn thương da. Một vật liệu sinh học có hiệu quả phải đảm bảo được môi trường tại vị tri vết thương gần giống với môi trường lành vết thương tự nhiên. Quá trình lành vết thương là một quá trình phức tạp, đặc trưng bởi 3 giai đoạn nối tiếp đó là giai đoạn viêm, tăng sinh và tái cấu trúc(4). Trong thời gian lành vết thương, các hàng rào cản và các đặc tính cơ học của da sẽ được phục hồi nhờ vào hoạt động của nhiều loại tế bào, trải qua quá trình tăng sinh, biệt hoá, di chuyển và chu trình chết tế bào để tái cấu trúc da. Khi lành, mô da là một khối tổng hợp gồm 3 lớp: biểu bì, trung bì và hạ bì kết hợp chặt chẽ với nhau thành các lớp tổ chức bao phủ mang tính chất chun dãn (về các phía), có tính nhớt, tính tạo hình, có các lớp biểu mô, các mô liên kết, các tuyến, lông và gốc lông, thớ cơ, tận cùng các dây thần kinh, lưới mạch máu và bạch mạch. Các tế bào biểu bì luôn luôn thay thế mới hoàn toàn trong 4-6 tuần. Da là một trong các loại mô luôn sinh trưởng nhanh của cơ thể(7,11,13). Nếu quá trình này bị gián đoạn có thể gây ra vết thương lâu lành, tăng khả năng nhiễm trùng, giảm khả năng phục hồi hoặc tạo thành các vết sẹo(9). Nhiễm trùng vết thương kéo dài dẫn đến những biết chứng nặng như nhiễm khuẩn tụ cầu kháng thuốc, nhiễm trùng huyết, hay uốn ván; làm kéo dài thời gian điều trị, nhiều chi phí và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, nỗ lực nghiên cứu tìm hiểu và phát triển các vật liệu sinh học từ tự nhiên là cấp thiết và cần có hệ thống đánh giá mô hình động vật để giúp đưa ứng dụng làm lành vết thương trong điều trị. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành khảo sát vai trò của tinh dầu mù u trong quá trình hồi phục vết thương trên mô hình da chuột. ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Đối tượng nghiên cứu Chuột nhắt trắng (Mus musculus var. Albino) có nguồn gốc từ Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, được nuôi và thử nghiệm tại Trung tâm Y Sinh học phân tử, ĐH Y Dược TP. HCM. Chuột được sử dụng trong thí nghiệm là chuột đực, khoẻ mạnh, từ 8-10 tuần tuổi, có trọng lượng trung bình khoảng 30±2 g. Dầu mù u nguyên chất (Khoa Dược, ĐH Y Dược TP. HCM), chế phẩm tinh dầu gạo-rice brain oil (Philippines), Zoletil 50mg/ml (Virbac), kim khâu da và chỉ tiêu số 4 (Trustigut), Betadine® (Mundipharma), hoá chất nhuộm HE (Sigma), máy cắt lát mô tươi (Sakura), hệ thống máy sắc ký HPLC (Ant Teknik). Phương pháp nghiên cứu Hình 1: Sơ đồ thiết kế thí nghiệm. Tinh chiết dầu mù u Tinh dầu mù u được ly trích và định lượng bằng HPLC tại khoa Dược, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh. Điều kiện sắc ký: Hệ thống máy HPLC Shimadzu LC - 20A. Cột: Kyatech C8 (250 x 4,6 mm), cỡ hạt: 5 μm. Tiền cột: Phenomenex. Bơm: LC-8A. Pha động: ACN – H2O (55: 45). Detector: SPD-20A. Bước sóng phát hiện: 233nm. Tốc độ dòng: 0,9 ml/phút. Thể tích tiêm mẫu: 20 μl. Cách pha dung dịch chuẩn và dung dịch thử Dung dịch chuẩn: Cân chính xác 1,0 mg calophyllolid chuẩn cho vào bình định mức 25ml. Hòa tan trong methanol, điền dung môi đến vạch vừa đủ 25 ml, lắc đều, thu được dung Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Chuyên Đề Khoa học Cơ bản – Y tế Công cộng 70 dịch mẹ có nồng độ khoảng 40 μg/ml. Pha loãng dung dịch mẹ trong methanol đến các nồng độ cần thiết. Lọc qua màng lọc Millipore có kích thước lỗ lọc 0,22 μm trước khi bơm mẫu qua hệ thống HPLC. Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 200 mg mẫu thử cho vào bình định mức 10 ml. Thêm 6 ml hỗn hợp methanol – nước (9:1, v/v) vào bình định mức, lắc đều và làm ấm mẫu ở 60oC trong 10 phút. Tiếp tục siêu âm mẫu trong 15 phút, để nguội. Bổ sung hỗn hợp methanol – nước (9:1, v/v) đến vạch vừa đủ 10 ml. Lọc mẫu qua màng lọc Millipore có kích thước lỗ lọc 0,22 μm. Tạo vết thương và điều trị Chuột được chia ra thành 5 nhóm, trong mỗi nhóm chia ra 3 lô, mỗi lô 3 con (nhóm 0 chỉ có 1 lô). Lô thứ nhất, thu kết quả sau 1 ngày tạo vết thương, tương tự cho lô thứ 2 và thứ 3 lần lượt sau 7 và 14 ngày. - Nhóm I (đối chứng): Không điều trị - Nhóm II: Điều trị bằng thuốc sát trùng Betadine® - Nhóm III: Điều trị bằng trị bằng dầu gạo - Nhóm IV: Điều trị bằng dầu mù u - Nhóm V (bình thường): Chuột bình thường, không tạo vết thương Chuột sẽ được gây mê bằng thuốc Zoletil liều 0,36mg/kg thể trọng bằng cách dùng ống tiêm tiêm thuốc vào vùng khoang bụng. Sau khi gây mê, chuột được đặt vào vị trí cố định trong khu vực phẫu thuật. Dùng dao lam cạo sạch lông trên lưng. Dùng cồn y tế để sát trùng vùng da. Tiếp theo dùng dao phẫu thuật tạo vết thương dài 2 cm, sau đó dung kim khâu da và chỉ tiêu số 4 khâu vết thương. Chuột sau khi tạo vết thương được nuôi trong điều kiện sạch, nước uống và thức ăn được cung cấp tự do. Chuột trong mỗi nhóm được điều trị bằng các loại thuốc tương ứng cho từng nhóm, mỗi ngày 2 lần cho đến khi thu nhận mẫu da của từng nhóm chuột. Quan sát vết thương và ghi nhận số liệu hàng ngày, mẫu da được thu thập vào ngày 2, 7 và 14 sau khi tạo vết thương. Giết chuột bằng cách kéo giãn đốt sống cổ, sau đó cắt mẫu da bao gồm vùng đã tạo vết thương cho vào ống chứa formol 10% để phân tích mô học. Mô da chuột sẽ được cắt lát bằng máy cắt mô tươi, sau đó nhuộm HE và quan sát dưới kính hiển vi quang học. Sau đó, giải phẫu đại thể chuột để ghi nhận các số liệu của lá lách. Phân tích kết quả Xử lý và phân tích dữ liệu bằng phần mềm GraphPad Prism 6. Các số liệu được thống kê bằng phương pháp phân tích phương sai một nhân tố (One-way ANOVA) và Fisher’s LSD. KẾT QUẢ Kết quả tinh chiết dầu mù u bằng phương pháp HPLC Hình 2: Sắc ký đồ HPLC mẫu chuẩn calophyllolide. Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học Khoa học Cơ bản 71 Hình 3: Sắc ký đồ HPLC mẫu thử dầu Mù u tinh chế. Thẩm định phương pháp định lượng Quy trình có tính tương thích hệ thống đạt, tính đặc hiêu tốt, phương trình hồi quy tuyến tính giữa nồng độ calophyllolide chuẩn và diện tích đỉnh có dạng ŷ = 146921,67x với R2 = 0,9998 và khoảng tuyến tính từ 0,6 – 60 μg/ml, độ chính xác đạt với RSD = 1,70% (n=6), độ đúng có tỷ lệ phục hồi nằm trong khoảng 98 – 102% và RSD% < 2% (n=9).Hàm lượng calophyllolide trong dầu mù u tinh chế: 225,78 ± 4,39 mg (n=3) Đánh giá đại thể hồi phục vết thương Trong thí nghiệm này, chúng tôi tiến hành tạo 2 vết thương trên cùng 1 con chuột để dễ dàng so sánh. Hình 4: Tạo vết thương trên chuột. Sau 1 ngày điều trị bằng dầu gạo, vết thương có biểu hiện viêm đỏ; vết thương điều trị bằng dầu mù u, không viêm, không sưng đỏ, vết thương khép kín miệng; điều trị bằng thuốc sát trùng Betadine® và đối chứng sưng và viêm, vết thương còn hở miệng. Sau 4 ngày: điều trị bằng dầu gạo vẫn còn bị viêm đỏ, diện tích viêm tăng hơn so với sau 1 ngày; điều trị bằng dầu mù u bắt đầu lành da non, miệng vết thương khép kín; điều trị bằng Betadine® và đối chứng vết thương bắt đầu ra da non. Sau 7 ngày, vết thương điều trị bằng dầu mù u lành hẳn, lông bắt đầu mọc nhiều. điều trị bằng dầu gạo vẫn còn bị viêm đỏ, nhóm đối chứng và Betadine® vết thương lành, nhưng tạo sẹo xấu, nhưng vết thương khép chưa kín. Đánh giá mức độ viêm của chuột Kích thước lá lách trong từng nhóm điều trị như trong bảng 1. Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Chuyên Đề Khoa học Cơ bản – Y tế Công cộng 72 Bảng 1: Chỉ số Spleen Index (Mean±SD) Nhóm chuột Trọng lượng cơ thể (g) Chiều dài lá lách (cm) Trọng lượng lá lách (g) Bình thường 30,5±1,2 1,41±0,08 0,18±0,02 Đối chứng 31,1±1,3 2,85±0,06 0,51±0,04 Betadine® 29,8±1,7 2,27±0,11 0,31±0,01 Dầu Gạo 30,2±1,4 2,09±0,11 0,25±0,02 Dầu Mù u 30,3±0,9 1,57±0,05 0,16±0,01 Phân tích one-way ANOVA cho thấy: không có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê về trọng lượng cơ thể chuột trên các nhóm chuột (P = 0,8912), nhưng có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê về chiều dài lách và trọng lượng lách (P<0,0001). Tiếp tục tiến hành đa so sánh Fisher’s LSD nhằm tìm ra sự khác biệt về mặt thống kê của từng nhóm chuột so với nhóm bình thường. Bảng 2: Kết quả đa so sánh Fisher’s LSD trên từng nhóm chuột Nhóm chuột Chiều dài lách (P-value) Trọng lượng lách (P-value) Bình thường và đối chứng < 0,0001 < 0,0001 Bình thường và Betadine® < 0,0001 0,0006 Bình thường và dầu gạo < 0,0001 0,0578 Bình thường và dầu mù u 0,1124 0,4223 Kết quả so sánh mức độ viêm của lá lách qua chỉ số Speen Index cho thấy rằng vết thương được điều trị bằng dầu mù u ít bị viêm hơn so với điều trị bằng dầu gạo, và thuốc sát trùng Betadine®, vết thương đối chứng bị viêm rất nặng (chiều dài và trọng lượng lá lách trong khoảng 2,85±0,06; 0,51±0,04 tương ứng), chiều dài và trọng lượng lá lách của nhóm chuột điều trị bằng dầu mù u không có khác biệt so với nhóm chuột bình thường. Điều này chứng tỏ rằng dầu mù u có hiệu quả cao trong việc kháng viêm.Kết quả phân tích thống kê cho thấy ở nhóm chuột điều trị dầu mù u không có khác biệt đáng kể về mặt thống kê về chiều dài lách và trọng lượng lách so với nhóm chuột bình thường không tạo vết thương (P=0,1124 và P=0,4223 tương ứng). Trọng lượng và chiều dài lá lách của các nhóm chuột điều trị bằng dầu gạo, Betadine® và đối chứng có sự khác biệt rất lớn so với nhóm chuột bình thường. Từ kết quả này cho thấy, dầu mù u có khả năng kháng viêm rất tốt, các nhóm còn lại không kháng viêm. Hình 5: Mức độ viêm của lá lách sau khi tạo vết thương. Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học Khoa học Cơ bản 73 Kết luận: Chiều dài lá lách của nhóm chuột đối chứng sau 1, 7 và 14 ngày tạo vết thương đều dài hơn nhất, tiếp theo là nhóm điều trị Betadine®, dầu gạo và dầu mù u. Qua kết quả phân tích thống kê về chiều dài lá lách, nhóm dầu mù u không khác biệt so với nhóm bình thường. Điều này chứng minh được tác dụng kháng viêm rất tốt của dầu mù u. Kết quả đánh giá mô học Hình 6: Kết quả nhuộm mẫu da mô chuột theo dõi qua 1 đến 14 ngày. Vết thương chưa liền (hình sao) sau 7 ngày, vết thương còn sẹo (mũi tên) sau 14 ngày. Qua kết quả phân tích mô học cho thấy, vết thương được điều trị bằng dầu mù u, cấu trúc mô trở nên đồng nhất sau 7 ngày và có cấu trúc tương tự mô bình thường sau 14 ngày. Trong khi đó ở các nhóm Betadine®, gạo và đối chứng, bề mặt biểu bì vẫn chưa hoàn toàn lành hẳn sau 7 ngày. Sau 14 ngày cấu trúc biểu mô vẫn chưa hoàn toàn trở lại giống như nhóm bình thường. Kết quả cho thấy dầu mù u có khả năng hồi phục vết thương nhanh so với nhóm điều trị bằng Betadine®, gạo và nhóm không điều trị. BÀN LUẬN Thông qua phương pháp sắc ký HPLC, định lượng được calophyllolide trong tinh dầu mù u. Theo tài liệu nghiên cứu trước thì calophyllolide có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn và một số hoạt tính sinh học khác(10). Kết quả trong thí nghiệm này cho thấy, dầu mù u có tác dụng làm lành vết thương nhanh, không để lại sẹo xấu, có tác dụng kháng viêm rất tốt khi so sánh mức độ sưng của lá lách với các nghiệm thức khác. Lách là cơ quan có chức năng đa dạng, đóng vai trò tích cực trong miễn dịch. Trong phản ứng viêm hoặc bị nhiễm trùng, lá lách sẽ phì đại cấp tính đây là kết quả của sự tăng cường hoạt động miễn dịch. Nhu cầu tiêu diệt kháng nguyên lạ trong máu tăng lên dẫn đến sự tăng sinh của các tế bào lưới nội mô trong lách, tăng kích thích sản xuất kháng thể thông qua tăng số lượng tế bào lympho. Vì vậy, khi chuột bị thương lá lách sẽ tăng cường độ hoạt động để tổng hợp các tế bào miễn dịch để tiêu diệt kháng nguyên lạ, lúc này lá lách sẽ bị phì to hơn bình thường mức độ phì to tùy thuộc vào mức độ viêm. Khi vết thương lành, hoạt động lá lách trở lại mức độ bình thường. Sau khi tạo vết thương 1 ngày, kích thước và trọng lượng của lá lách tăng hơn so với nhóm chuột bình thường, sau 7 ngày ở nhóm chuột đối chứng không được điều trị thuốc lá lách phì rất to, điều này là do cơ thể chuột bị viêm nên lá lách phải tăng cường hoạt động dẫn đến lá lách sưng lên. Ở chuột điều trị bằng dầu Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 20 * Phụ bản của Số 1 * 2016 Chuyên Đề Khoa học Cơ bản – Y tế Công cộng 74 mù u, lá lách không thay đổi sau 1 hoặc 7 ngày, cho thấy hiệu quả kháng viêm, kháng khuẩn của dầu mù u. Sau 14 ngày, vết thương lành, lá lách ở nhóm chuột tạo vết thương có kích thước tương đương với chuột bình thường. Đánh giá cấu trúc mô cho thấy sau 7 ngày vết thương được điều trị bằng dầu mù u cấu trúc trở nên đồng nhất, đến 14 ngày thì tương tự như cấu trúc da bình thường. So sánh với nhóm điều trị bằng dầu gạo, Betadine® và nhóm không điều trị cho thấy dầu mù u có khả năng hồi phục vết thương nhanh, sẹo lành đẹp. Như vậy, dầu mù u có tác dụng làm lành vết thương tốt. Betadine® có thành phần chính là iod kết hợp với polyvinyl pyrrolidon dễ tan trong nước và cồn, do thành phần chính là iod mặc dù ít độc hơn so với iod nguyên tố nhưng khi sử dụng Betadine® cũng có nhiều tác dụng phụ như gây kích ứng viêm da tại chỗ do iod, ngoài ra iod còn làm chậm quá trình tái tạo mô da. Dầu gạo, được li trích từ cám gạo, tuy có chứa nhiều vitamin có ít cho sức khoẻ và làm đẹp, nhưng hiệu quả trong việc lành vết thương không cao. Nghiên cứu này tập trung đánh giá kết quả vào ngày 1, 7 và 14 tạo vết thương sau khi tham khảo các công trình nghiên cứu của các tác giả khác cho rằng chỉ cần khảo sát quá trình hồi phục vết thương trên da chuột trong 2 tuần đầu tiên(3). Nghiên cứu về hình thái mô học của vết thương da chuột khi điều trị bằng Coronopus didymuscủa Nitzvà bằng Euphorbia tirucalli của Euler, cũng chỉ quan sát đến ngày thứ 7 sau khi tạo vết thương(3,8). Tiến hành đánh giá mô học nhằm tăng tính thuyết phục của các kết quả trong nghiên cứu này. Phương pháp này cũng đã được Nitz sử dụng trong nghiên cứu hình thái vết thương trên da chuột. Do đó, phương pháp thực hiện trong nghiên cứu này tạo ra kết quả có mức tin cậy cao. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn về để xác định chính xác về mức độ kháng viêm ở mức độ phân tử. KẾT LUẬN Kết quả phân tích sắc ký đồ bằng HPLC đã định lượng được trong tinh dầu mù u sử dụng trong nghiên cứu này có chứa calophyllolid. Việc sử dụng dầu mù u trong điều trị vết thương giúp vết thương trên da chuột hồi phục nhanh, không gây viêm, liền sẹo tốt, trong đó cấu trúc mô của vết sẹo tương tự như mô bình thường sau 14 ngày điều trị. Hướng tiếp theo của nghiên cứu này là đánh giá cơ chế lành vết thương ở da bằng các chỉ thị phân tử đáp ứng tái tạo da như TGF-alpha và cơ chế kháng viêm IL6, IL8. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Adam J, et al (2008). Current Management of Acute Cutaneous Wounds. The New England Journal of Medicine, 359: 1037-46. 2. Balunas MJ, et al (2005). Drug discovery from medicinal plants. Life Sciences, 78: 431–41. 3. Euler NSF, et al (2013). Evaluation of the use of raw extract of Euphorbia tirucalli L. in the healing process of skin wounds in mice. Acta Cirurgica Brasileira, 28(10): 716-20. 4. Kirsten AB, et al (2013). Cutaneous wound healing: recruiting developmental pathways for regeneration. Cell. Mol. Life Sciences, 70: 2059–2081. 5. Li YZ, et al (2010). Triterpenoids from Calophyllum inophyllum and their growth inhibitory effects on human leukemia HL-60 cells. Fitoterapia, 81: 586-589. 6. Liu WH, et al (2015). Calophyllolide Content in Calophyllum inophyllum at Different Stages of Maturity and Its Osteogenic Activity. Molecules, 20: 12314-12327. 7. Martin P (1997). Wound healing-aiming for perfect skin regeneration. Science, 276(5309): 75–81. 8. Nitz A (2006). Estudo morfometrico na cicatrizacao de feridas cutaneas em ratos utilizando Coronopus didynus e Calendula officinali. ACM Arq Catarin Med, 35(4): 74-9. 9. Richard AFC, et al (2007). Tissue Engineering for Cutaneous Wounds. Journal of Investigative Dermatology, 127: 1018– 1029. 10. Silpa S, et al (2014). A review article of pharmacological activities and biological importance of calophyllum inophyllum. International Journal of Advanced Research, 2(12): 599-603. 11. Singer AJ, et al (1999). Cutaneous wound healing. N Engl J Med, 341(10): 738–746. 12. Tsai SC, et al (2012). Anti-inflammatory effects of Calophyllum inophyllum L. in RAW264.7 cells. Oncology Reports, 28: 1096-1102. 13. Watt FM, et al (2011). Cell-extracellular matrix interactions in normal and diseased skin. Cold Spring Harb Perspect Biol, 3(4): 1-14. 14. WHO (2004). Review of Traditional Medicine in the South- East Asia Region. World Health Organization, Regional Office for South-East Asia New Delhi. Seatrade Med, 83. Ngày nhận bài báo: 24/11/2015 Ngày phản biện nhận xét bài báo: 30/11/2015 Ngày bài báo được đăng: 15/02/2016

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf067_0245_2171879.pdf