Tài liệu Cập nhật các yếu tố liên quan đến việc điều trị HIV chậm trễ: Nghiên cứu tại Trung tâm Y tế quận 1 TP. Hồ Chí Minh: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 219
CẬP NHẬT CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC ĐIỀU TRỊ HIV CHẬM TRỄ:
NGHIÊN CỨU TẠI TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN 1 TP. HỒ CHÍ MINH
Trần Thị Ngọc Vân*, Nguyễn Thị Phương Thảo**, Đỗ Thị Thu Hà**, Lê Văn Thể***, Hoàng Thy Nhạc Vũ**
TÓM TẮT
Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố liên quan đến việc điều trị chậm trễ HIV/AIDS ở người
bệnh lần đầu điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ARV) tại Trung tâm Y tế Quận 1–Thành phố Hồ Chí Minh
(YTQ1HCM) giai đoạn 2006–2018.
Đối tượng–Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện thông qua việc hồi cứu dữ liệu của
những người bệnh HIV/AIDS ≥18 tuổi, lần đầu điều trị với thuốc ARV tại YTQ1HCM giai đoạn 2006–2018.
Mô hình hồi quy logistic được sử dụng để xác định yếu tố liên quan đến việc điều trị chậm trễ (CD4<200 tế
bào/mm3).
Kết quả: Mẫu nghiên cứu có 723 người, tuổi trung bình là 31,4 (±8,2) tu...
7 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 13/07/2023 | Lượt xem: 100 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cập nhật các yếu tố liên quan đến việc điều trị HIV chậm trễ: Nghiên cứu tại Trung tâm Y tế quận 1 TP. Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 219
CẬP NHẬT CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC ĐIỀU TRỊ HIV CHẬM TRỄ:
NGHIÊN CỨU TẠI TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN 1 TP. HỒ CHÍ MINH
Trần Thị Ngọc Vân*, Nguyễn Thị Phương Thảo**, Đỗ Thị Thu Hà**, Lê Văn Thể***, Hoàng Thy Nhạc Vũ**
TÓM TẮT
Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố liên quan đến việc điều trị chậm trễ HIV/AIDS ở người
bệnh lần đầu điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ARV) tại Trung tâm Y tế Quận 1–Thành phố Hồ Chí Minh
(YTQ1HCM) giai đoạn 2006–2018.
Đối tượng–Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện thông qua việc hồi cứu dữ liệu của
những người bệnh HIV/AIDS ≥18 tuổi, lần đầu điều trị với thuốc ARV tại YTQ1HCM giai đoạn 2006–2018.
Mô hình hồi quy logistic được sử dụng để xác định yếu tố liên quan đến việc điều trị chậm trễ (CD4<200 tế
bào/mm3).
Kết quả: Mẫu nghiên cứu có 723 người, tuổi trung bình là 31,4 (±8,2) tuổi, với 69% là nam, 47% người
bệnh được xác định là điều trị chậm trễ. Ba yếu tố phơi nhiễm HIV chính được ghi nhận trong mẫu nghiên cứu là
quan hệ tình dục khác giới, đồng tính nam, tiêm chích ma túy, với tỉ lệ lần lượt là 53%, 16%, và 32%. Có sáu
yếu tố được đưa vào mô hình quy logistic là giới tính, độ tuổi, việc điều trị lao, yếu tố phơi nhiễm với HIV, năm
bắt đầu điều trị, nơi sinh sống. Các yếu tố liên quan đến điều trị chậm trễ là giới tính (nam vs nữ, aOR=2,19
[1,51-3,18]), nhóm tuổi (≥30-40 vs 18-30 tuổi, aOR=2,11 [1,48-3,01]; >40 vs 18-30 tuổi, aOR=1,94 [1,22-3,10]),
yếu tố phơi nhiễm (đồng tính nam vs quan hệ tình dục khác giới, aOR=0,34 [0,19-0,57]; tiêm chích ma túy vs
quan hệ tình dục khác giới, aOR=1,86 [1,28-2,71]), đang điều trị lao (có vs không, aOR=1,90 [1,17-3,11]).
Kết luận: Nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ điều trị chậm trễ của người bệnh trong mẫu nghiên cứu cao và có
nhiều yếu tố đã được xác định có liên quan đến việc điều trị chậm trễ tại nhóm người bênh điều trị HIV/AIDS tại
Trung tâm YTQ1HCM. Các chính sách làm giảm tỉ lệ điều trị chậm trễ tại Trung tâm nên tập trung vào những
yếu tố này.
Từ khóa: HIV/AIDS, điều trị chậm trễ, các yếu tố liên quan
ABSTRACT
UPDATING FACTORS ASSOCIATED WITH LATE PRESENTATION FOR HIV CARE: A STUDY AT
THE MEDICAL CENTER OF DISTRICT 1 IN HO CHI MINH CITY
TranThi Ngoc Van, Nguyen Thi Phuong Thao, Do Thi Ha, Le Van The, Hoang Thy Nhac Vu
* Ho Chi Minh City Journal of Medicine * Supplement of Vol. 23 - No 3- 2019: 219-225
Objectives: This study was conducted to determine factors associated with the late presentation for HIV care
among HIV/AIDS patients who had received antiretroviral (ARV) therapy initiation at the Medical Center of
District 1 (YTQ1HCM) in Ho Chi Minh City for the period of 2006–2018.
Methods: This observational study utilized a retrospective medical reports database of all HIV/AIDS
patients aged 18 and older and received ARV initiation at the YTQ1 HCM in Ho Chi Minh City throughout the
period of 2006–2018. Late presentation was defined as persons presenting for ARV therapy initiation with a CD4
count below 200 cells/mm3. Multivariable logistic regression model was used to identify the factors associated
with late presentation.
*Đại học Toulouse III-Paul Sabatier, Pháp **Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
***Trung tâm Y tế Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Tác giả liên lạc: PGS.TS.DS. Hoàng Thy Nhạc Vũ ĐT: 0913110200 Email: hoangthynhacvu@ump.edu.vn
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019
Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 220
Results: A total of 723 patients were included with a mean age of 31.4 (±8.2) years, men accounted for 69%,
and late presenters for ARV therapy initiation accounted for 47%. Three HIV exposure categories were male
heterosexual contact, homosexual contact, and injecting drug use, at the frequency of 53%, 16%, and 32%,
respectively. Six variables were included in the multivariable logistic model were sex, age group, receiving
tuberculosis care, HIV exposure category, year of ARV therapy initiation, and residence. Factors associated with
late presentation were sex (male vs. female, aOR=2.19 [1.51-3.18]), age group (≥30-40 vs. 18-30 years, aOR=2.11
[1.48-3.01] and >40 vs. 18-30 years, aOR=1.94 [1.22-3.10]), HIV exposure category (male homosexual vs.
heterosexual, aOR=0.34 [0.19-0.57] and injecting drug use vs. heterosexual, aOR=1.86 [1.28-2.71]), and
receiving tuberculosis care (yes vs. no, aOR=1.90 [1.71-3.11]).
Conclusions: This study showed the high frequency of late presentation and determined factors associated
with late presentation for HIV care among HIV/AIDS patients at the YTQ1HCM. Strategies to decrease late
presentation for HIV care at YTQ1HCM should target these factors.
Key words: HIV/AIDS, the late presentation, the factors associated
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, HIV/AIDS vẫn đang là mối đe dọa
đến sức khỏe của cộng đồng Việt Nam, với ước
tính đến năm 2018 đã có khoảng 250.000 người
đang sống chung với HIV, 11.000 ca nhiễm HIV
mới và 8.600 người chết do AIDS, trong khi đó
chỉ có khoảng 124.800 người đang được điều trị
bằng thuốc kháng retrovirus (ARV)(3). Mặc dù số
người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV
ở Việt Nam đã tăng, thực tế vẫn còn nhiều người
cần được điều trị nhưng chưa tiếp cận kịp thời
với thuốc. Điều trị HIV chậm trễ khi số lượng tế
bào CD4/mm3 đã giảm mạnh sẽ làm giảm hiệu
quả của các thuốc ARV, làm tăng tỉ lệ tử vong và
tăng gánh nặng chi phí, đồng thời góp phần làm
tăng tỉ lệ lây truyền HIV trong cộng đồng. Do
đó, việc xác định các yếu tố liên quan đến chậm
trễ điều trị HIV và giám sát các nhóm đối tượng
có nguy cơ cao điều trị chậm trễ đã là mối quan
tâm nghiên cứu ở cả các nước phát triển và đang
phát triển trong những năm qua để quản lý bệnh
hiệu quả(2,5,7). Để góp phần kiểm soát dịch bệnh
này, Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc
về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động các mục
tiêu 90/90/90, đó là đến năm 2020, 90% người
nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của
mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng
thuốc ARV; và 90% số người đang được điều trị
có tải lượng HIV ở mức thấp.
Trung tâm Y tế Quận 1 Thành phố Hồ Chí
Minh (YTQ1HCM) là một trong những cơ sở
chăm sóc và quản lí người bệnh HIV/AIDS nhận
được sự hỗ trợ từ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của
Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS
(PEPFAR). Trong quá trình tham gia PEPFAR từ
năm 2006 đến nay, cơ sở dữ liệu về người bệnh
điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm đã được xây
dựng và thu thập để theo dõi, chăm sóc và đánh
giá hiệu quả điều trị HIV/AIDS. Tính đến thời
điểm hiện nay, chưa có những nghiên cứu khai
thác cơ sở dữ liệu này để thực hiện các phân tích
đánh giá liên quan đến việc điều trị chậm trễ ở
người bệnh HIV/AIDS và xác định các yếu tố
liên quan. Đây lại là một vấn đề rất được các
chuyên gia quan tâm trong hoạt động kiểm soát
HIV/AIDS nhằm hiểu rõ vấn đề, điều chỉnh
chính sách quản lý người bệnh và tối ưu hóa
hiệu quả của chương trình.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỉ
lệ điều trị chậm trễ HIV/AIDS và các yếu tố có
liên quan đến điều trị chậm trễ của người bệnh
điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm YTQ1HCM
trong giai đoạn 2006-2018.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện
thông qua việc hồi cứu dữ liệu từ hồ sơ bệnh án
của tất cả người bệnh HIV/AIDS từ 18 tuổi trở
lên và lần đầu được điều trị bằng thuốc ARV tại
Trung tâm YTQ1HCM từ năm 2006 đến năm
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 221
2018. Các trường hợp đã từng được điều trị
HIV/AIDS bằng thuốc ARV tại các cơ sở khám
chữa bệnh khác hoặc thiếu thông tin về chỉ số
CD4 tế bào/mm3 ở thời điểm bắt đầu điều trị
không được chọn vào nghiên cứu.
Thống kê và xử lí dữ liệu
Từ phần mềm quản lý người bệnh và hồ sơ
bệnh án của người bệnh lưu tại Trung tâm
YTQ1HCM trong giai đoạn 2006-2018, dữ liệu đã
được trích xuất và tổng hợp cho nghiên cứu. Đặc
điểm của mẫu nghiên cứu được mô tả thông qua
tần số và tỉ lệ phần trăm của các biến số giới tính,
độ tuổi bắt đầu điều trị HIV/AIDS (18-30, 30-40,
>40 tuổi), năm bắt đầu điều trị HIV/AIDS, nơi
sinh sống, yếu tố phơi nhiễm với HIV (quan hệ
tình dục khác giới, quan hệ đồng tính nam, tiêm
chích ma túy), giai đoạn lâm sàng HIV/AIDS
theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (bậc
1/2/3/4)(10), việc đang được điều trị lao
(có/không), phác đồ thuốc ARV được sử dụng
lúc đầu (TDF/ZDV+3TC+EFV/NVP;
d4T+3TC+EFV/NVP; phác đồ khác) và việc bắt
đầu điều trị chậm trễ (có/không). Người bệnh
được ghi nhận là điều trị chậm trễ HIV khi có
lượng tế bào CD4<200 tế bào/mm3 tại thời điểm
bắt đầu điều trị bằng thuốc ARV. Việc so sánh
đặc điểm dân số người bệnh theo hai nhóm có
và không có điều trị chậm trễ được thực hiện
qua các phép kiểm Chi bình phương. Giá trị
p<0,05 tương ứng với sự khác biệt có ý nghĩa
thống kê.
Mô hình hồi quy logistic đa biến được sử
dụng để xác định các yếu tố có liên quan đến
việc điều trị chậm trễ HIV, với biến phụ thuộc là
việc bắt đầu điều trị chậm trễ (có vs không); 6
biến độc lập gồm giới tính, độ tuổi, năm bắt đầu
điều trị HIV/AIDS, nơi sinh sống, yếu tố phơi
nhiễm HIV, và việc đang điều trị lao. Phương
pháp Bayesian Model Averaging đã được áp
dụng tìm ra mô hình khả dĩ tối ưu nhất (là mô
hình có xác suất xuất hiện cao nhất và chỉ số
Bayesian thấp nhất). Tỉ số Odds hiệu chỉnh
(aOR), khoảng tin cậy 95% (95%CI) được dùng
để biểu diễn mối liên hệ giữa các yếu tố có liên
quan đến việc điều trị chậm trễ trong mô hình
được lựa chọn. Phần mềm R (phiên bản 3.0.2)
được sử dụng cho các phân tích thống kê.
KẾT QUẢ
Đặc điểm của người bệnh trong mẫu nghiên cứu
Mẫu nghiên cứu có 723 người, với độ tuổi
trung bình là 31,4 (±8,2) tuổi, 68,6% là nam giới;
13,0% người đang điều trị lao, và 79,5% người
đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ba
yếu tố phơi nhiễm HIV chính được ghi nhận
trong mẫu nghiên cứu là quan hệ tình dục khác
giới, đồng tính nam, tiêm chích ma túy, với tỉ lệ
lần lượt là 52,6%, 15,6%, và 31,8%. Tại thời điểm
bắt đầu điều trị, trung bình số tế bào CD4 của
người bệnh là 261,2 (±237,8) tế bào/mm3, trong
đó 47,3% người bệnh đã có chỉ số CD4<200 tế
bào/mm3 và 27,2% người bệnh được chẩn đoán
đã ở giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 của bệnh. Hai
nhóm phác đồ thuốc ARV chính được sử dụng
khi bắt đầu điều trị HIV/AIDS cho người bệnh
trong mẫu nghiên cứu là nhóm phác đồ
TDF/ZDV+3TC+EFV/NVP được dùng cho 69,6%
người bệnh, và nhóm phác đồ
d4T+3TC+EFV/NVP được dùng cho 16,2% người
bệnh. Nghiên cứu ghi nhận có sự khác biệt có ý
nghĩa thống kê về đặc điểm người bệnh theo hai
nhóm có và không có việc bắt đầu điều trị chậm
trễ (p<0,001) (Bảng 1).
Bảng 1. Đặc điểm chung của người bệnh trong mẫu nghiên cứu (n=723)
Điều trị chậm trễ Không điều trị chậm trễ Tổng p*
n=342 (%) n=381 (%) n=723 (%)
Giới tính
<0,001
Nam 260 (76,0) 236 (61,9) 496 (68,6)
Nữ 82 (24,0) 145 (38,1) 227 (31,4)
Nhóm tuổi
<0,001
18-30 147 (43,0) 233 (61,2) 380 (52,6)
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019
Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 222
Điều trị chậm trễ Không điều trị chậm trễ Tổng p*
n=342 (%) n=381 (%) n=723 (%)
31-40 134 (39,2) 101 (26,5) 235 (32,5)
>40 61 (17,8) 47 (12,3) 108 (14,9)
Năm bắt đầu điều trị HIV/AIDS
<0,001
2006-2007 116 (33,9) 112 (29,4) 228 (31,5)
2008-2009 75 (21,9) 45 (11,8) 120 (16,6)
2010-2011 33 (9,6) 28 (7,3) 61 (8,4)
2012-2013 43 (12,6) 33 (8,7) 76 (10,5)
2014-2015 47 (13,7) 77 (20,2) 124 (17,2)
2016-2018 28 (8,2) 86 (22,6) 114 (15,8)
Nơi sinh sống
<0,001
Thành phố Hồ Chí Minh 292 (85,4) 283 (74,3) 575 (79,5)
Nơi khác 50 (14,6) 98 (25,7) 148 (20,5)
Yếu tố phơi nhiễm với HIV
<0,001
Quan hệ tình dục khác giới 168 (49,1) 212 (55,6) 380 (52,6)
Quan hệ đồng tính nam 26 (7,6) 87 (22,8) 113 (15,6)
Tiêm chích ma túy 148 (43,3) 82 (21,5) 230 (31,8)
Giai đoạn lâm sàng
<0,001
1 80 (23,4) 262 (68,8) 342 (47,3)
2 98 (28,7) 87 (22,8) 185 (25,6)
3 109 (31,9) 23 (6) 132 (18,3)
4 55 (16,1) 9 (2,4) 64 (8,9)
Đang điều trị lao
<0,001
Không 279 (81,6) 350 (91,9) 629 (87,0)
Có 63 (18,4) 31 (8,1) 94 (13,0)
Phác đồ điều trị được sử dụng
<0,001
TDF/ZDV+3TC+EFV/NVP 212 (62) 291 (76,4) 503 (69,6)
d4T+3TC+EFV/NVP 81 (23,7) 36 (9,4) 117 (16,2)
Phác đồ khác* 49 (14,3) 54 (14,2) 103 (14,2)
* Phép kiểm Chi bình phương ** 3TC+ATV+EFV+FDC, 3TC+ATV+TDF+ZDV, 3TC+LPV/r + TDF,
Các yếu tố liên quan đến việc điều trị chậm trễ
Bảng 2. Các yếu tố liên quan đến việc điều trị chậm
trễ HIV của người bệnh trong mẫu nghiên cứu
aOR 95%CI p
Giới tính (nam vs nữ) 2,19 1,51-3,18 <0,001
Nhóm tuổi
(31-40 vs 18-30) 2,11 1,48-3,01 <0,001
(>40 vs 18-30) 1,94 1,22-3,10 0,005
Yếu tố phơi nhiễm với HIV
(quan hệ đồng tính nam vs
quan hệ tình dục khác giới)
0,34 0,19-0,57 <0,001
(tiêm chích ma túy vs quan hệ
tình dục khác giới)
1,86 1,28-2,71 0,001
Đang điều trị lao (có vs không) 1,90 1,17-3,11 0,010
Kết quả từ phương pháp phân tích
Bayesian Model Averaging đã cho thấy có 4
mô hình hồi quy tối ưu nhất để tìm các yếu tố
liên quan đến việc điều trị chậm trễ, trong đó,
mô hình 1 với xác suất xuất hiện cao nhất
(39%) và chỉ số Bayesian thấp nhất (-3817,5) đã
được lựa chọn làm mô hình tối ưu cuối cùng
(Hình 1). Các yếu tố được xác định có liên quan
đến việc điều trị chậm trễ bao gồm nam giới
(aOR=2,19 [1,51-3,18]), từ 30 tuổi trở lên (≥30-
40 vs 18-30 tuổi, aOR=2,11 [1,48-3,01]; >40 vs
18-30 tuổi, aOR=1,94 [1,22-3,10]), và đang điều
trị lao (có vs không, aOR=1,90 [1,17-3,11]). Yếu
tố phơi nhiễm với HIV có liên quan đến việc
điều trị chậm trễ ở các mức độ khác nhau
(quan hệ đồng tính nam vs quan hệ tình dục
khác giới, aOR=0,34 [0,19-0,57]; tiêm chích ma
túy vs quan hệ tình dục khác giới, aOR=1,86
[1,28-2,71]. Năm bắt đầu điều trị và nơi sinh
sống của người bệnh không có sự liên quan
đến việc điều trị chậm trễ đối với nhóm người
bệnh trong nghiên cứu này (Bảng 2).
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 223
Hình 1. Mô tả đặc điểm của 4 mô hình hồi qui tối ưu nhất có thể xây dựng được từ 6 biến độc lập để xác định các
yếu tố liên quan đến việc điều trị chậm trễ HIV theo phương pháp Bayesian Model Averaging
BÀN LUẬN
Nghiên cứu đã mô tả được những đặc điểm
chính của những người bệnh điều trị HIV/AIDS
lần đầu trong giai đoạn 2006-2018 tại Trung tâm
YTQ1HCM và xác định được các yếu tố có liên
quan đến việc điều trị chậm trễ. Đã có 723 người
bệnh lần đầu tiên được điều trị HIV/AIDS thỏa
tiêu chí nghiên cứu, trong đó một nửa người
bệnh là nam giới, đa phần đang ở độ tuổi độ tuổi
sinh sản, và tập trung ở những quần thể có nguy
cơ cao nhất như người tiêm chích ma túy, nam
quan hệ tình dục đồng giới và người có quan hệ
tình dục không an toàn với người mang mầm
bệnh. Những đặc điểm này cũng tương đồng
với đặc điểm dịch tễ của người bệnh HIV tại Việt
Nam cũng như các nước khác trong khu vực(3).
Trong giai đoạn 2006-2018, đã có gần một
nửa số người bệnh điều trị HIV/AIDS tại Trung
tâm YTQ1HCM được xác định là đã điều trị
chậm trễ, tỉ lệ này là khá cao tuy nhiên vẫn thấp
hơn khi so sánh với các nghiên cứu khác thực
hiện tại các cơ sở chăm sóc y tế ở châu Âu, châu
Á và châu Phi trong cùng giai đoạn (47% so với
53-86%)(2,5,7,6,4). Nghiên cứu cũng ghi nhận tỉ lệ
điều trị chậm trễ tại Trung tâm YTQ1HCM giảm
theo thời gian, từ 32% trong giai đoạn 2006-2007
xuống còn 16% trong giai đoạn 2016-2018.
Kể từ năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã có
những giải pháp ứng phó tích cực với bệnh dịch
HIV/AIDS, thông qua việc ban hành Luật Phòng
chống HIV/AIDS năm 2006 đi kèm với Nghị
định 108/2007/ND-CP ban hành vào năm 2007
và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ban
hành năm 2012 nhằm kêu gọi thực hiện các can
thiệp giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS. Năm
2004, Việt Nam đã nhận được nhiều dự án tài trợ
lớn trong dự phòng HIV/AIDS, tiêu biểu là Kế
hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ
về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) áp dụng
cho một số trung tâm điều trị, trong đó có Trung
tâm YTQ1HCM. Cuối năm 2016, Chính phủ Việt
Nam đã cho phép sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để
mua thuốc ARV, cung cấp nguồn tài chính ổn
định cho liệu pháp điều trị bằng thuốc ARV đối
với người sống chung với HIV/AIDS. Thông qua
chương trình các chính sách và các chương trình
này, người bệnh HIV/AIDS có nhiều cơ hội tiếp
cận với việc chăm sóc, điều trị, cũng như được
sử dụng thuốc ARV, nhờ đó cải thiện tình trạng
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019
Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 224
chậm trễ điều trị đồng thời nâng cao chất lượng
chăm sóc và điều trị cho người bệnh HIV/AIDS
và giúp hạn chế lây lan HIV cho cộng đồng.
Thông qua kết quả từ mô hình hồi quy
logistic với phương pháp Bayesian Model
Averaging, nghiên cứu đã cho thấy các yếu tố có
mức độ liên quan chặt chẽ đến việc điều trị chậm
trễ ở nhóm người bệnh HIV/AIDS điều trị tại
Trung tâm YTQ1HCM giai đoạn 2006-2018 là
giới tính, độ tuổi bắt đầu điều trị và các yếu tố
phơi nhiễm với HIV. Những yếu tố này cũng là
các yếu tố nguy cơ cho việc chậm trễ điều trị
HIV/AIDS đã được ghi nhận trong các nghiên
cứu trong cùng giai đoạn với các mức độ liên
quan khác nhau(2,5,7,6,4). Trong nghiên cứu này,
việc người bệnh đang điều trị lao đã được xác
định là một trong những yếu tố có liên quan đến
việc chậm trễ điều trị HIV/AIDS, mặc dù yếu tố
này chỉ xuất hiện trên 2 trong tổng số 4 mô hình
tối ưu nhất. Thực tế mối liên hệ giữa bệnh lao và
HIV đã từng được phát hiện trong một số
nghiên cứu trước đây trong cùng giai đoạn(5,1).
Lao thường đồng nhiễm với HIV và sự kết hợp
hiệp đồng này thúc đẩy tình trạng bệnh nhanh
đạt đến giai đoạn HIV tiến triển hoặc AIDS, do
đó làm giảm đi cơ hội người bệnh kịp thời đến
các cơ sở y tế để điều trị sớm HIV(8). Thêm vào
đó, lao là một trong những nguyên nhân hàng
đầu gây tử vong ở nhóm người bệnh HIV(9). Do
đó, những giải pháp y tế tăng cường sàng lọc và
điều trị HIV nên được chú trọng cho những đối
tượng nhiễm lao để giảm thiểu tỉ lệ người bệnh
lao phát hiện đồng nhiễm HIV khi ở giai đoạn
trễ của bệnh.
Nghiên cứu đã có thể tổng hợp được dữ liệu
của toàn bộ người bệnh điều trị HIV/AIDS lần
đầu tại Trung tâm YTQ1HCM trong một khoảng
thời gian dài 12 năm nhờ vào hệ thống lưu trữ
dữ liệu người bệnh của Trung tâm, giúp kết quả
nghiên cứu được chính xác, có độ tin cậy cao và
mang tính đại diện cho dân số người bệnh điều
trị HIV/AIDS tại Trung tâm YTQ1HCM. Tuy
nhiên, do sự không đồng nhất về quá trình ghi
nhận và lưu trữ dữ liệu giữa các năm dẫn đến
việc một số lượng người bệnh đã không được
đưa vào nghiên cứu vì thiếu thông tin về chỉ số
CD4 để phân tích. Hiện nay vẫn chưa có sự
thống nhất tiêu chí xác định điều trị HIV chậm
trễ trên phạm vi toàn cầu, dẫn đến việc so sánh
và bàn luận kết quả với các nghiên cứu khác vẫn
còn hạn chế. Các nghiên cứu tiếp theo có thể
phát triển nghiên cứu sâu hơn về tình hình điều
trị HIV/AIDS trên những nhóm dân số có tỉ lệ
cao đã được xác định trong nghiên cứu này,
hoặc so sánh và bàn luận những sự thay đổi về
yếu tố liên quan đến điều trị chậm trễ HIV/AIDS
trong giai đoạn tiếp theo, nhằm đảm bảo tính
cập nhật về tình hình chăm sóc và điều trị cho
người bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ điều trị chậm
trễ của người bệnh trong mẫu nghiên cứu cao
và có nhiều yếu tố đã được xác định có liên
quan đến việc điều trị chậm trễ tại nhóm
người bênh điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm
YTQ1HCM. Các chính sách làm giảm tỉ lệ điều
trị chậm trễ tại Trung tâm nên tập trung vào
những yếu tố này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Abrha GH, Paul W, Kifle W and Lillian M (2018). “Late
presentation for HIV care in Southwest Ethiopia in 2003-2015:
prevalence, trend, outcomes and risk factors”. BMC infectious
diseases, 18: 59-59.
2. Agaba PA, Meloni ST, Sule HM, Agbaji OO, Ekeh PN, Job GC,
Nyango N, Ugoagwu PO, Imade GE, Idoko JA and Kanki PJ
(2014). “Patients who present late to HIV care and associated
risk factors in Nigeria”. HIV Med, 15: 396-405.
3. Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS
(UNAIDS) (2018). “Country Snapshot 2018: Viet Nam”.
UNAIDS Regional Support Team for Asia and the Pacific and AIDS
Data Hub.
4. de Coul EL, van Sighem A, Brinkman K, van Benthem BH, van
der Ende ME, Geerlings S and Reiss P (2016). “Factors
associated with presenting late or with advanced HIV disease in
the Netherlands, 1996-2014: results from a national
observational cohort”. BMJ Open, 6: e009688.
5. Gesesew H, Tsehaineh B, Massa D, Tesfay A, Kahsay H and
Mwanri L (2016). “The prevalence and associated factors for
delayed presentation for HIV care among tuberculosis/HIV co-
infected patients in Southwest Ethiopia: a retrospective
observational cohort”. Infect Dis Poverty, 5: 96.
6. Hoàng Thy Nhạc Vũ., Giard M et al (2010). “Risk factors for
delayed HIV diagnosis at the Hospital of Tropical Diseases in
Ho Chi Minh City, Vietnam”. Int J STD AIDS, 21: 802-5.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 3 * 2019 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Công Nghệ Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 225
7. Jeong SJ, Italiano C, Chaiwarith R, Ng OT, Vanar S, Jiamsakul
A, Saphonn V, Nguyen KV, Kiertiburanakul S, Lee MP, Merati
TP, Pham TT, Yunihastuti E, Ditangco R, Kumarasamy N,
Zhang F, Wong W, Sim BL, Pujari S, Kantipog P, Phanuphak P,
Ratanasuwan W, Oka S, Mustafa M, Durier N and Choi JY
(2016). “Late Presentation into Care of HIV Disease and Its
Associated Factors in Asia: Results of TAHOD”. AIDS Res Hum
Retroviruses, 32: 255-61.
8. Toossi Z (2003). “Virological and immunological impact of
tuberculosis on human immunodeficiency virus type 1 disease”.
J Infect Dis, 188: 1146-55.
9. World Health Organization (WHO) (2015). “Global tuberculosis
report 2015”. Geneva: WHO.
10. World Health Organization (WHO) (2016). “Consolidated
Guidelines on the Use of Antiretroviral Drugs for Treating and
Preventing HIV Infection: Recommendations for a Public
Health Approach. 2nd edition. Geneva: WHO; 2016”. ANNEX
10, WHO clinical staging of HIV disease in adults, adolescents
and children. Available from:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK374293/.
Ngày nhận bài báo: 16/01/2019
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 26/02/2019
Ngày bài báo được đăng: 20/04/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- cap_nhat_cac_yeu_to_lien_quan_den_viec_dieu_tri_hiv_cham_tre.pdf