Vốn từ của trẻ rối loạn phổ tự kỉ 3-4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập

Tài liệu Vốn từ của trẻ rối loạn phổ tự kỉ 3-4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập: DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0016JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1, pp. 146-153 This paper is available online at VỐN TỪ CỦA TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ 3-4 TUỔI Ở TRƯỜNG MẦM NON HÒA NHẬP Đỗ Thị Thảo, Bùi Thị Lâm, Nguyễn Thị Dung Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu vốn từ của trẻ ASD 3-4 tuổi trong trường mầm non hòa nhập. Kết quả nghiên cứu lí luận và tìm hiểu vốn từ của 5 trẻ ASD chỉ ra rằng: (1) Ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với trẻ ASD và vốn từ chính là hạt nhân để trẻ phát triển ngôn ngữ, đồng thời là phương tiện để trẻ thể hiện nhu cầu giao tiếp với mọi người xung quanh; (2) Sự phát triển vốn từ của trẻ ASD thường chậm, thời gian để đạt được sự cân bằng giữa tỉ lệ các từ loại lâu hơn, vốn từ nghèo nàn hơn so với mốc phát triển thông thường và (3) Tỉ lệ từ loại trong vốn từ của trẻ có sự khác nhau, trong đó danh từ chiếm tỉ lệ cao nhất, động từ là từ loại thứ 2 nhưng trẻ AS...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 303 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vốn từ của trẻ rối loạn phổ tự kỉ 3-4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0016JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1, pp. 146-153 This paper is available online at VỐN TỪ CỦA TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ 3-4 TUỔI Ở TRƯỜNG MẦM NON HÒA NHẬP Đỗ Thị Thảo, Bùi Thị Lâm, Nguyễn Thị Dung Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu vốn từ của trẻ ASD 3-4 tuổi trong trường mầm non hòa nhập. Kết quả nghiên cứu lí luận và tìm hiểu vốn từ của 5 trẻ ASD chỉ ra rằng: (1) Ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với trẻ ASD và vốn từ chính là hạt nhân để trẻ phát triển ngôn ngữ, đồng thời là phương tiện để trẻ thể hiện nhu cầu giao tiếp với mọi người xung quanh; (2) Sự phát triển vốn từ của trẻ ASD thường chậm, thời gian để đạt được sự cân bằng giữa tỉ lệ các từ loại lâu hơn, vốn từ nghèo nàn hơn so với mốc phát triển thông thường và (3) Tỉ lệ từ loại trong vốn từ của trẻ có sự khác nhau, trong đó danh từ chiếm tỉ lệ cao nhất, động từ là từ loại thứ 2 nhưng trẻ ASD 3-4 tuổi khá hạn chế về tính từ, đại từ và số từ. Từ khóa:Mầm non hòa nhập, ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỉ, vốn từ. 1. Mở đầu Phát triển vốn từ cho trẻ nhằm giúp trẻ nắm được nhiều từ, hiểu ý nghĩa của từ và biết sử dụng từ trong các tình huống để giao tiếp [3], là một trong những hoạt động cơ bản trong trường mầm non. Phát triển vốn từ giúp trẻ hiểu nội dung và mở rộng vốn từ cho trẻ bằng cách thức cụ thể các từ phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ, đó là từ chỉ tên gọi các sự vật, hiện tượng môi trường xung quanh trẻ [2]. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ em, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỉ (Autism Spectrum Disorder - ASD) đều có những nét đặc trưng riêng. Giai đoạn từ 3-4 tuổi là giai đoạn “phát cảm ngôn ngữ ở trẻ”, giai đoạn trẻ tiếp thu và thể hiện ngôn ngữ của bản thân qua lời nói mạnh mẽ nhất. Ở giai đoạn này, trẻ tò mò, ham hiểu biết và bắt đầu thích đặt nhiều câu hỏi về môi trường xung quanh, về cơ bản vốn từ của trẻ đã có đủ các từ loại nhưng phần nhiều là các danh từ và động từ, trẻ sử dụng từ mang đậm tính cá nhân [10]. Đối với trẻ ASD, đây lại là mốc quan trọng để xác định xem trẻ đó có phải là trẻ có ASD hay không, mức độ phát triển và đặc biệt vốn từ của trẻ như thế nào? Đây cũng là thời điểm quan trọng để nhà giáo dục tiến hành phát triển kĩ năng giao tiếp sớm cho trẻ, vì trẻ càng lớn việc tiếp thu từ vựng, học tập, giao tiếp càng khó khăn. Một số nghiên cứu từ những năm 2001 của NRC đã cho rằng, trẻ ASD cần được can thiệp nhằm vào các hành vi cụ thể [18]. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh những tác động tích cực của can thiệp sớm sẽ giúp phát triển ngôn ngữ cho phần lớn trẻ ASD [13, 16, 17, 20]. Ngôn ngữ của trẻ sẽ được phát triển tích cực bởi việc can thiệp, trị liệu sớm và đúng phương pháp, vì sự xuất hiện Ngày nhận bài: 17/11/2016. Ngày nhận đăng: 15/2/2017. Liên hệ: Đỗ Thị Thảo, e-mail: Thao2006trang@yahoo.com 146 Vốn từ của trẻ rối loạn phổ tự kỉ 3-4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập của ngôn ngữ nói là một trong những biến số quan trọng nhất cho dự đoán kết quả ngôn ngữ của một trẻ trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành [14, 15, 22]. Đánh giá vốn từ, hiểu vốn từ của trẻ có ý nghĩa lâu dài và quan trọng để xác định các chiến lược can thiệp, tạo điều kiện để trẻ ASD tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn, một khía cạnh mà trẻ ASD thường gặp khó khăn đó là ngữ dụng [21]. Tại Việt nam, vấn đề ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ ASD được một số tác giả nghiên cứu, điển hình Đỗ Thị Thảo (2011) [8], Đào Thu Thủy (2014) [9]. Tuy nhiên, còn vắng bóng các nghiên cứu về vốn từ, khó khăn về vốn từ ở trẻ ASD hay phát triển vốn từ cho trẻ ASD. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu vốn từ của 5 trẻ ASD 3-4 tuổi trong trường mầm non hòa nhập (MNHN) nhằm xem xét vốn từ ở trẻ ASD đạt được như thế nào so với mốc phát triển thông thường. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Vốn từ của trẻ ASD 3 - 4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập Vốn từ: Cấu trúc của ngôn ngữ bao gồm những thành phần: Ngữ âm (là âm thanh của ngôn ngữ); từ vựng (là toàn bộ hệ thống vốn từ của ngôn ngữ); ngữ pháp (là cách thức và phương tiện cấu tạo câu) [4]. Trong phạm vi bài báo, chúng tôi chỉ đi sâu nghiên cứu về một số vấn đề từ vựng của ngôn ngữ. Từ vựng chính là vốn từ của một ngôn ngữ, từ vựng là tập hợp tất cả các từ cố định. Cụm từ cố định là đơn vị có sẵn như từ, có thành phần cấu tạo và ổn định như từ [4]. Vốn từ của một ngôn ngữ là tổng số và hệ thống hóa toàn bộ từ và cụm từ cố định của ngôn ngữ đó [4]. Mỗi một ngôn ngữ phát triển có khối lượng từ phong phú có thể lên tới hàng chục vạn từ. Vốn từ vựng của ngôn ngữ bao gồm nhiều lớp từ, nhiều nhóm từ không đồng nhất và có chất lượng khác nhau. Trong vốn từ vựng của bất kì ngôn ngữ nào cũng tồn tại những từ mới và những từ cũ, những từ phổ biến chung và từ địa phương, những từ chuẩn mực và những từ vay mượn, từ chuyên môn [4, 11]. Trong hệ thống từ vựng có từ chủ động và từ thụ động: (1) Vốn từ chủ động là những từ được sử dụng hàng ngày, những từ này có tần số sử dụng cao, được con người nắm vững và sử dụng trong lời nói một cách thành thạo; (2) Vốn từ thụ động bao gồm những từ được sử dụng hay không còn được sử dụng nữa, bao gồm các từ đã lỗi thời và các từ còn mang sắc thái mới chưa được sử dụng rộng rãi. Trong quá trình phát triển và hoàn thiện ngôn ngữ, thường xuyên nảy sinh những từ mới và nghĩa mới, đồng thời cũng có nhiều từ cũ, nghĩa cũng bị đào thải [4]. Đối với trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi, vốn từ của trẻ là tổng số từ và cụm từ cố định mà trẻ có được thông qua học tập và trải nghiệm [6]. Trong vốn từ của trẻ những từ trẻ hiểu nhưng không nói được, nói mà không hiểu được, dùng từ chưa chính xác hay sai nghĩa trong ngữ cảnh giao tiếp là từ thụ động. Vốn từ chủ động của trẻ mẫu giáo ít hơn vốn từ thụ động. Do đó, việc chuyển từ vốn từ thụ động sang vốn từ chủ động trong quá trình giáo dục ngôn ngữ cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Như vậy, muốn thỏa mãn nhu cầu, học tập, tìm hiểu môi trường xung quanh, vui chơi với bạn bè thì nhất thiết trẻ phải có một vốn từ nhất định. Số lượng từ của trẻ càng phong phú, khả năng sử dụng từ càng cao thì khả năng giao tiếp của trẻ càng cao, tư duy của trẻ càng phát triển. Các thành tố liên quan đến vốn từ Thành tố 1: Thành tố đầu tiên là phát âm, hệ thống âm thanh của các từ. Hướng dẫn trẻ phát âm các âm của tiếng Việt, phát âm các từ đơn, từ ghép, danh từ, động từ, tính từ, phát âm các từ trong câu, cách phát âm cả câu, biểu đạt sự phát âm bằng cách hạ giọng, nhấn mạnh từ, kéo dài 147 Đỗ Thị Thảo, Bùi Thị Lâm, Nguyễn Thị Dung từ. . . .thể hiện sự biểu cảm cũng như thái độ của người nói [6]. Thành tố 2: Ngữ nghĩa hay là cách thức một khái niệm nào đó được diễn tả trong từ hay một tập hợp từ. Khi trẻ mới sử dụng từ, từ đó thường không có nghĩa giống như người lớn. Để xây dựng vốn từ của hàng ngàn từ và liên kết từ bằng mạng lưới các khái niệm có liên quan tới nhau lớn dần lên, trẻ không những sử dụng từ một cách chính xác mà còn luôn luôn có ý thức với ngữ nghĩa của từ và thực hiện theo cách thức sáng tạo [6]. Thành tố thứ 3: Ngữ pháp: Khi trẻ lĩnh hội vốn từ trẻ bắt đầu liên kết từ theo một quy luật nhất định để thực hiện một ý nghĩa nào đó. Kiến thức về mặt ngữ pháp có hai thành phần: cú pháp (các đơn vị ngữ pháp tương ứng được sử dụng để truyền tải nghĩa) và hình thái học (Nghiên cứu cách các từ có thể thay đổi hình dạng hoặc được biến thể trong một ngôn ngữ) [6]. Thành tố 4: Tình hình sử dụng vốn từ gắn với thực tiễn, gắn với tình huống giao tiếp: Để giao tiếp có hiệu quả, trẻ em cần học được cách tham gia vào các hoạt động giao tiếp, tiếp tục phát triển chủ đề giao tiếp thể hiện ý kiến, ý nghĩ của mình một cách rõ ràng. Thêm vào đó, trẻ cần biết diễn đạt bằng cử chỉ, điệu bộ bằng giọng nói và vận dụng ngữ cảnh để giao tiếp. Tính thực tiễn còn bị quy định bởi cách thức giao lưu và để giao tiếp thành thạo trẻ em còn biết cách thức giao lưu trong một xã hội nhất định theo cấp bậc tuổi tác, các quan hệ xã hội, cách chào hỏi, cách làm quen [6]. Vốn từ của trẻ ASD 3 - 4 tuổi Theo Lưu Thị Lan [5], trẻ em có tỉ lệ các từ loại như: Tính từ, trạng từ, quan hệ từ được tăng lên, động từ giảm đi so với tuổi nhà trẻ. Đến 3 tuổi, về cơ bản vốn từ đã có đủ các từ loại. Tuy nhiên, tỉ lệ danh từ và động từ cao hơn nhiều so với các từ loại khác: Nếu trẻ 3 tuổi: Danh từ giảm từ 37,91% - 35,36%; động từ giảm từ 33.36%- 31,04%; Đại từ tăng từ 2,82%- 3,61%, thì trẻ em 5 tuổi danh từ giảm 35.06% - 33.28%, động từ giảm 30.29% - 29.10%, tính từ tăng 8.7%- 9.84%; trẻ 6 tuổi: Danh từ giảm từ 32.47% xuống 30.97%, tính từ tăng từ 9.94% tăng lên 11.64%. Điều này là vì trẻ càng nhỏ thì sự nhận biết của trẻ chủ yếu là các hành động, đồ vật gần gũi thân thiết với trẻ. Do đó, vốn từ của trẻ phần lớn là các danh từ và động từ. . . dần dần càng lớn thì trẻ nhận biết thêm được các đặc điểm tính chất, hình dạng, kích thước, màu sắc của các sự vật, theo đó tính từ xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, trong quá trình phát triển vốn từ cho trẻ cần chú ý phát triển các từ loại cho trẻ theo một tỉ lệ phù hợp với sự phát triển của trẻ. Theo Lê Thị Xoa (1999), ở tuổi mẫu giáo, trẻ phải nắm được một vốn từ cần thiết để trẻ có thể giao tiếp với bạn bè người lớn xung quanh) [12]. Vì thế, giáo dục học mầm non coi việc hình thành và phát triển vốn từ cho trẻ là một nhiệm vụ quan trọng trong nội dung giáo dục ngôn ngữ [1]. Trẻ ASD cũng giống như các trẻ em khác, đều trải qua các giai đoạn giống nhau trong quá trình phát triển vốn từ. Tuy nhiên, do những hạn chế của ASD gây ra nên thời gian để đạt được các mốc ở các giai đoạn phát triển sẽ chậm hơn. Trong vốn từ của trẻ ASD, số lượng danh từ chiếm ưu thế, sau đó là động từ, tính từ và các loại từ khác. Mặc dù vậy, số lượng danh từ mà trẻ ASD có được vẫn ít hơn so với mốc phát triển thông thường khá nhiều. Ở trẻ em 3 - 4 tuổi vốn từ của trẻ đã có đủ hết các từ loại nhưng với trẻ ASD có thể sẽ chậm hơn và trong vốn từ, thiếu các từ loại khác nhau như động từ, tính từ. . . mà vẫn chủ yếu là danh từ, trừ những trẻ ASD chức năng cao, những trẻ này có thể đạt được những điểm tốt về mặt từ vựng. 148 Vốn từ của trẻ rối loạn phổ tự kỉ 3-4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập 2.2. Kết quả khảo sát về vốn từ của trẻ ASD 3 - 4 tuổi 2.2.1. Khái quát về quá trình khảo sát Mục đích khảo sát: Tìm hiểu thực trạng vốn từ của trẻ ASD 3 - 4 tuổi nhằm xem xét thực tế vốn từ ở trẻ ASD đạt được ở trường mầm non hòa nhập. Nội dung khảo sát: Khảo sát vốn từ của trẻ RLPTK 3 - 4 tuổi ở lớp học hòa nhập về: Số lượng từ vựng và tỉ lệ từ loại trong vốn từ như danh từ, động từ, tính từ và các loại từ khác. Phương pháp khảo sát: Để khảo sát vốn từ của trẻ chúng tôi sử dụng bảng danh sách từ vựng của tác giả Pham, G. T. (2011) [19], trong đó có các từ về các chủ đề khác nhau. Thông qua phương pháp quan sát trực tiếp lời nói của trẻ trong quá trình trẻ hoạt động, sinh hoạt hàng ngày để đánh dấu vào bảng từ vựng. Sử dụng phương pháp trò chuyện, trao đổi, tạo tình huống đối thoại để tìm hiểu vốn từ của trẻ đối với những từ chưa quan sát được hoặc chưa chắc chắn. Chúng tôi cho trẻ tiếp xúc với các vật thật, đồ vật, đồ chơi, tranh ảnh mà chúng tôi đã chuẩn bị theo danh sách từ vựng của Phạm Thùy Giang sau đó đặt ra các câu hỏi: Cái gì đây? Con gì đây? Như thế nào? Để làm gì? Quá trình khảo sát được chúng tôi tiến hành theo trình tự: Bước 1: Chuẩn bị bảng từ cho trẻ và đồ dùng để khảo sát; Bước 2: Hướng dẫn giáo viên trực tiếp dạy trẻ, cha mẹ quan sát và đánh dấu vào bảng từ; Bước 3: Kiểm tra lại các từ mà giáo viên, cha mẹ chưa chắc chắn. Địa bàn và khách thể khảo sát: Chúng tôi tiến hành khảo sát tại 2 trường mầm non hòa nhập tại quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội. Tìm hiểu về vốn từ của 5 trẻ ASD mức độ nhẹ 3 - 4 tuổi, trong đó có 1 trẻ 3 tuổi và 4 trẻ 4 tuổi. 2.2.2. Phân tích kết quả khảo sát a. Về số lượng từ vựng của trẻ ASD Quan sát bảng 1 có thể nhận thấy, tổng số từ trung bình của 5 trẻ là 85,4 từ, trong đó, từ mà trẻ hiểu là 31,2 và từ mà trẻ nói được là 54,2. Số lượng từ trẻ ASD nói được nhiều hơn số lượng từ trẻ hiểu. Đồng thời, vốn từ vựng của mỗi trẻ ASD là khác nhau: P là trẻ có số lượng vốn từ nhiều nhất với 119 từ (từ mà P hiểu là 47 từ và từ mà P nói được là 72 từ). N là trẻ có số lượng từ vựng ít nhất trong 5 trẻ với 64 từ (từ mà N hiểu là 21 từ mà từ mà N nói được là 43 từ). Bảng 1: Số lượng từ vựng của 5 trẻ ASD 3- 4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập TT Trẻ Vốn từ Tổng số từ Hiểu Nói 1 Vũ P 119 47 72 2 Đỗ Vũ B 98 35 63 3 Nguyễn Diệu L 72 24 48 4 Đỗ Minh Đ 74 29 45 5 Phạm Nhật N 64 21 43 Trung bình 85,4 31,2 54,2 Cô giáo T.H.L cho rằng “mặc dù các trẻ ASD mức độ nhẹ không gặp nhiều khó khăn trong môi trường hòa nhập nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về vốn từ nhưng có những em lại có vốn từ rất tốt nhưng ít khi giao tiếp”. Thực tế khảo sát cũng cho thấy số lượng từ vựng nếu tính riêng từng trẻ, vốn từ của các em vẫn ít hơn nhiều so với mốc phát triển thông thường. 149 Đỗ Thị Thảo, Bùi Thị Lâm, Nguyễn Thị Dung b. Về cơ cấu tỉ lệ từ loại + Cơ cấu từ loại: Cơ cấu từ loại trong vốn từ là một tiêu chí để đánh giá chất lượng vốn từ của trẻ. Số lượng từ loại càng nhiều thì việc diễn đạt của trẻ sẽ thuận lợi hơn. Trong quá trình khảo sát mức độ phong phú về mặt từ loại trong vốn từ của trẻ, thể hiện: Bảng 2: Số lượng, tỉ lệ từ loại trong vốn từ của trẻ ASD 3 – 4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập TT Trẻ Từ Loại Danh từ Động từ Tính từ Từ loại khác Số từ Tỉ lệ (%) Số từ Tỉ lệ (%) Số từ Tỉ lệ (%) Số từ Tỉ lệ (%) 1 Vũ. P 72 60,5 27 22,7 10 8,4 10 8,4 2 Đỗ vũ B 55 56,1 24 24,5 12 12,2 7 7,2 3 Nguyễn Diệu L 41 56,9 18 25,0 6 8,4 7 9,7 4 Đỗ Minh Đ 38 51,4 22 29,7 8 10,8 6 8,1 5 Phạm Nhật N 34 53,1 19 29,7 6 9,4 5 7,8 Trung bình 48 55,7 22 26,3 8,4 9,8 7 8,2 - Trong vốn từ của nhóm trẻ được khảo sát đã có sự xuất hiện của các từ loại cơ bản như: Danh từ, động từ, tính từ, các từ loại khác không nhiều bao gồm: đại từ, số từ, tình thái từ... Kết quả bảng 2 cho thấy, tỉ lệ từ loại trong vốn từ của trẻ có sự khác nhau, trong đó danh từ chiếm tỉ lệ cao nhất (chiếm 55,7%). Điều này cho thấy, trẻ em nói chung, trẻ ASD nói riêng không có sự khác nhau về sự phát triển số lượng các từ loại, danh từ bao giờ cũng là từ loại được các em biết đến nhiều hơn cả. Bởi vì, danh từ thường dễ dàng mô tả bằng tranh, ảnh nên trẻ sẽ dễ hiểu và dễ học hơn các từ loại khác. Tuy nhiên, ở mỗi trẻ ASD là khác nhau. Số lượng danh từ về những chủ đề quen thuộc như: con vật, đồ chơi, bộ phận cơ thể, đồ dùng trong gia đình, đồ ăn uống chiếm tỉ lệ cao hơn các chủ đề khó như: đồ ngoài trời và địa điểm; nội thất/ phòng nhà. . . - Động từ là từ loại thứ 2 chiếm tỉ lệ cao trong vốn từ của trẻ ASD (chiếm 26,3%). Bởi vì, động từ là những từ chỉ hành động diễn ra trong cuộc sống hàng ngày vì vậy, khi được hỏi và mô tả bằng hành động trẻ sẽ hiểu và nói ngay đó là từ gì, ví dụ, khi cô giáo cùng P chơi với bóng, cô đá quả bóng và hỏi “P nhìn xem cô làm gì đây?” P nói “đá” hay khi cô giơ một bức tranh miêu tả hành động “ném” và N và hỏi “cô bé đang làm gì?” L liền trả lời “em bé” khi giáo viên gợi ý và thực hiện hành động giống bức tranh thì L mới trả lời “ném”. Như vậy, có thể thấy động từ khi mô tả bằng tranh ảnh nhưng vẫn khó hình dung hơn danh từ vì vậy trẻ ASD vẫn thấy khó hiểu, do đó, muốn trẻ hiểu và diễn đạt được từ đó cần kết hợp hành động thực tế. - Nếu như danh từ và động từ là những từ loại dễ đối với trẻ ASD thì tính từ lại là một từ loại khó đối với trẻ ASD. Số lượng tính từ (chiếm 9,8%) của trẻ ASD ít hơn nhiều so với danh từ và động từ. Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, trẻ ASD 3- 4 tuổi mới chỉ hiểu và nói được các tính từ chỉ 3 màu cơ bản như: màu vàng, màu đỏ, xanh. Tính từ chỉ kích thước: to, nhỏ, cao, thấp... Tuy nhiên, không phải tất cả các trẻ được khảo sát đều hiểu được những từ này, một số em có thể nói được nhưng lại không hiểu. Ví dụ, giáo viên V.T.T cho biết, “bé Đ có thể hiểu và nói được đâu là màu đỏ và đâu là màu xanh” nhưng khi chúng tôi tiến hành khảo sát thì thấy rằng, thực tế em không phân biệt được màu xanh và màu đỏ, khi chúng tôi giơ quả táo màu đỏ lên và hỏi: “Đ ơi quả táo màu gì đây?” Đ trả lời “màu đỏ” nhưng khi chúng tôi giơ bức tranh quả táo màu xanh và 150 Vốn từ của trẻ rối loạn phổ tự kỉ 3-4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập hỏi “Đ ơi thế quả táo này màu gì?”, Đ lại nói “màu đỏ”, chứng tỏ em có thể nói được từ đó nhưng lại không hiểu được bản chất của từ đó, vì vậy, hay nhầm lẫn. Đối với những tính từ chỉ trạng thái, cảm xúc các em chỉ có thể hiểu và nói được các từ chỉ trạng thái cơ bản như: buồn, vui, khóc, cười. Đối với các tính từ như: xấu, đẹp, dễ thương. . . , trong 5 trẻ được khảo sát chưa trẻ nào hiểu và nói được khi được xem tranh minh họa. Trên thực tế, các tính từ là một trong những từ loại khó ngay cả đối với trẻ bình thường bởi tính trìu tượng của nó và tính từ rất khó để mô tả bằng tranh, ảnh nhất là các tính từ chỉ trạng thái, cảm xúc, tình cảm. . . Vì vậy, tỉ lệ tính từ trong vốn từ của trẻ thường ít hơn nhiều so với danh từ và động từ. - Các từ loại khác ở đây chủ yếu là: Đại từ, số từ, tình thái từ (chiếm 8,2%). Đại từ mà các trẻ dùng chủ yếu là các đại từ xưng hô được thay thế bởi danh từ như: Bố, mẹ, ông, bà, cô. Về mặt số từ chủ yếu là các từ trẻ nói được nhưng lại không hiểu. Trẻ thường không hiểu về số từ: Một số, những, vài... Kể cả số từ “một”, “hai” cũng là một thách thức đối với trẻ, một số có thể nói đúng số lượng nhưng khi được yêu cầu lấy một vật bất kì đúng số lượng thì lại không thể lấy số lượng đúng. Ví dụ: Khi đưa ra hai chiếc kẹo và hỏi trẻ: “L ơi cô có mấy chiếc kẹo đây?”, L trả lời “hai cái” nhưng khi giáo viên yêu cầu: “L đến hộp lấy cho cô hai cái kẹo nào” thì L lại bốc cả nắm kẹo đem đến cho cô, khi giáo viên yêu cầu lại “L lấy hai cái đưa cho cô”, L nói “kẹo” và vẫn đặt nắm kẹo vào tay cô. Về mặt tình thái từ, các trẻ hay dùng các từ như: ạ, vâng, dạ, nhé. Chúng tôi tìm hiểu thêm mức độ khái quát ý nghĩa của từ và sử dụng từ phù hợp với tình huống cho thấy: + Mức độ khái quát nghĩa của từ: Nhìn chung, mức độ khái quát nghĩa của từ của trẻ ASD ở mức thấp. Dựa trên 5 mức độ khái quát nghĩa của từ của tác giả Đinh Hồng Thái [7], qua khảo sát cho thấy mức độ khái quát nghĩa của từ của trẻ ASD đang ở mức độ zero (nghĩa biểu danh) và chủ yếu là các từ chỉ tên gọi cụ thể của các con vật, đồ dùng gia đình, đồ ăn, đồ chơi và thường xoay quanh những vấn đề thuộc về sở thích của trẻ. Ví dụ, khi giáo viên chỉ vào con mèo và hỏi: “P ơi con gì đây?”, P trả lời “Con mèo” hay khi giơ bức tranh cái lược, P lập tức nói “cái lược”, “B ơi nhìn cô thổi này?”, “cô vừa thổi gì đấy?”, B trả lời: “bong bóng”. Ở mức độ nghĩa biểu niệm (mức độ 1), trẻ ASD chỉ có thể hiểu và nói được các từ có ý nghĩa biểu niệm ở mức thấp, tên gọi chung của các sự vật cùng loại như: bóng, búp bê, cốc, nhà.. + Sử dụng từ phù hợp với tình huống: Mặc dù các trẻ đều ở mức độ nhẹ, đã được can thiệp và có ngôn ngữ nhưng còn ảnh hưởng khá nhiều do đặc điểm điển hình của ASD mang lại. Trẻ thường không sử dụng từ phù hợp với tình huống, hoàn cảnh nhất là hay sử dụng 1 từ quen thuộc cho nhiều hoàn cảnh khác nhau và thường xuyên sử dụng các từ không đúng hoàn cảnh. Ví dụ, điển hình nhất là trường hợp bé N em rất hay sử dụng từ “đúng rồi”, “chính xác” trong mọi hoàn cảnh như khi cô giáo hỏi “sáng nay N ăn gì?”, N trả lời “chính xác”, “N đã tô màu xong chưa?”, N trả lời “đúng rồi”. Với trường hợp của Đ, khi cô giơ mô hình con gà lên và hỏi “con gì đây?”, Đ nói “gà” sau đó lại nói “cô bắt con rắn”. Trong 5 trường hợp được khảo sát, đều không có nhiều tật về phát âm, chỉ có trường hợp của N em thường ngọng “l” với “n”, ví dụ khi hát câu “e lệ trong nắng mai” em sẽ hát thành “e nệ trong nắng mai” và nói “mẹ” thành “mịa, mịa”. Như vậy, sự phát triển vốn từ của trẻ ASD thường chậm, thời gian để đạt được sự cân bằng giữa tỉ lệ các từ loại lâu hơn, vốn từ nghèo nàn hơn so với trẻ bình thường. Tỉ lệ từ loại trong vốn từ của trẻ có sự khác nhau, trong đó danh từ chiếm tỉ lệ cao nhất, động từ là từ loại thứ 2 nhưng trẻ ASD 3-4 tuổi khá hạn chế về tính từ, đại từ, số từ. Một số trẻ nói được nhưng không hiểu ý nghĩa của lời nói. 151 Đỗ Thị Thảo, Bùi Thị Lâm, Nguyễn Thị Dung 3. Kết luận Ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với trẻ ASD và vốn từ chính là hạt nhân để trẻ phát triển ngôn ngữ đồng thời là phương tiện để trẻ thể hiện nhu cầu giao tiếp với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, với những khó khăn do ASD gây ra đã khiến cho quá trình tích lũy vốn từ của trẻ gặp nhiều hạn chế. Sự phát triển vốn từ của trẻ ASD thường chậm, thời gian để đạt được sự cân bằng giữa tỉ lệ các từ loại lâu hơn, vốn từ nghèo nàn hơn so với trẻ bình thường. Vì vậy, hiểu về vốn từ của trẻ ASD để có các biện pháp hỗ trợ việc phát triển vốn từ cho trẻ ASD là vô cùng cần thiết. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phạm Thị Châu, Nguyễn Thị Oanh, Trương Thị Sinh, 2002. Giáo dục mầm non, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [2] Chikhiêva E.I., 1976. Phát triển lời nói trẻ em dưới tuổi đến trường phổ thông, Người dịch: Trương Thiên Thanh, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [3] Nguyễn Văn Đồng, 2009. Tâm lí học phát triển, Nxb Chính trị, Hành chính. [4] Nguyễn Thiện Giáp, 1998. Từ vựng Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội [5] Lưu Thị Lan, 1997. Những bước phát triển ngôn ngữ trẻ em (0 – 6 tuổi). Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học. [6] Hoàng Thị Oanh, Phạm Thị Việt, Nguyễn Kim Đức, 2001. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ dưới 6 tuổi, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [7] Đinh Hồng Thái, 2013. Phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non, Nxb Đại học Sư phạm. [8] Đỗ Thị Thảo, 2011. Xây dựng và sử dụng tranh ảnh hỗ trợ giao tiếp cho trẻ rối loạn tự kỉ. Tạp chí khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Số 56(4), trang 107-116 [9] Đào Thị Thu Thủy, 2014. Điều chỉnh hành vi ngôn ngữ cho trẻ Tự kỉ 3-6 tuổi dựa vào bài tập chức năng”, Luận án tiến sĩ khoa học giáo dục, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam [10] Nguyễn Ánh Tuyết, chủ biên, 2013. Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non (từ lọt lòng đến 6 tuổi), Nxb Đại học Sư phạm. [11] Lê Thị Xoa, 1999. Một số biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo bé 3- 4 tuổi thông qua hoạt động làm quen với môi trường xung quanh, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Giáo dục. [12] Viện Khoa học Xã hội và Nhân Văn, 2004. Từ điển Tiếng Việt, Nxb Sự thật. [13] Dawson G, Osterling J, 1997 Early Intervention in Autism: Effectiveness and common elements of current approaches. In: Guralnick MJ, editor. The effectiveness of early intervention: Second generation research. Baltimore: Brookes; 1997. pp. 307–326 [14] Gillberg C, Steffenburg S, 1987. Out come and prognostic factors in infantileautism and similar conditions: a population - based study of 46 cases followed through puberty. J Autism Dev Disord. 17(2):273-87. [15] Howlin P, Goode S, Hutton J, Rutter M, 2004. Adult out come for children with autism. J Child Psychol Psychiatry. 45(2):212-29. 152 Vốn từ của trẻ rối loạn phổ tự kỉ 3-4 tuổi ở trường mầm non hòa nhập [16] Koegel R, Koegel LK, 1988. Generalized responsivity and pivotal behavior. In: Horner RH, Dunlap G, Koegel RL, editors. Generalization and maintenance: Lifestyle changes in applied settings. Baltimore: Brookes; 1988. pp. 41–66. [17] Lovaas OI, 1987. Behavioral treatment and normal educational and intellectual functioning in young autistic children. J Consult Clin Psychol. Feb; 55(1):3-9 [18] National Research Council. Educating children with autism. Washington, DC: National Academy Press; 2001. [19] Pham, G. T., 2011. Dual language development among Vietnamese-English bilingual children: Modeling trajectories and cross-linguistic associations within a dynamic systems framework. (PhD thesis), University of Minnesota, Ann Arbor. [20] Rogers SJ, Vismara LA, 2008. Review Evidence-based comprehensive treatments for early autism. J Clin Child Adolesc Psychol.; 37(1):8-38. [21] Tager-Flusberg H, Paul R, Lord CE. Language and communication in autism. In: Volkmar F, Paul R, Klin A, Cohen DJ, editors. Handbook of autism and pervasive developmental disorder. 3rd ed. Vol. 1. New York: Wiley; 2005. pp. 335–364 [22] Venter A, Lord C, Schopler E, 1992. A follow-up study of high-functioning autistic children. J Child Psychol Psychiatry. 1992 Mar; 33(3):489-507. ABSTRACT Vocabulary in children with autism spectrum disorders from 3 to 4 years old at inclusive kindergarten Do Thị Thao, Bui Thi Lam, Nguyen Thi Dung Faculty of Special Education, Hanoi National University of Education This study aims to recognize vocabulary of children with Autism Spectrum Disorders (ASD) 3-4 years old at inclusive kindergarten. The theoretical and practical research about 5 children with ASD indicated that (1) language plays a very important role for children with ASD and vocabulary is a key to develop their language and a means to communicate with others; (2) the vocabulary development of children with ASD has usually more delays and takes more time to reach an equal rate between word types, and their vocabulary is poorer than typical children (3) The rate of word typesis different, in which nouns account for the highest rate, then following by verbs, other word types such as adjectives, pronouns and numerals are limited in children with ASD 3-4 years old. Keywords: Autism Spectrum Disorders, inclusive kindergarten, language, vocabulary. 153

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4664_dtthao_346_2130314.pdf
Tài liệu liên quan