Sự thay đối thái độ về việc làm và cuộc sống vật chất của thanh niên Việt Nam

Tài liệu Sự thay đối thái độ về việc làm và cuộc sống vật chất của thanh niên Việt Nam

pdf14 trang | Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 811 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự thay đối thái độ về việc làm và cuộc sống vật chất của thanh niên Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xã hội học, số 2(114), 2011 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 21 X· héi häc thùc nghiÖm SỰ THAY ĐỐI THÁI ĐỘ VỀ VIỆC LÀM VÀ CUỘC SỐNG VẬT CHẤT CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM NGUYỄN HỮU MINH* TRẦN THỊ HỒNG** Giới thiệu Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc thanh niên “là tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và coi việc “đào tạo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội” (khoản 1 điều 4, Luật Thanh niên). Chính vì vậy, nhiều chính sách đã được ban hành, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện. Trong những năm đầu thế kỷ 21, cùng với việc ban hành “Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến 2010” (năm 2003), Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên năm 2005. Năm 2008, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa được ban hành. Những văn bản pháp luật và chính sách này đã thể chế hoá đầy đủ các chủ trương của Đảng về công tác thanh niên, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ thanh niên, bảo đảm cho thanh niên có thêm điều kiện để học tập, rèn luyện, phát huy đầy đủ năng lực của mình. Vấn đề việc làm và thu nhập luôn là mối quan tâm sâu sắc của thanh niên. Việc tìm hiểu thái độ của thanh niên Việt Nam đối với vấn đề việc làm và đời sống vật chất trong bối cảnh biến đổi xã hội hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng hành động của thanh niên trong tương lai, nhằm chuẩn bị cho họ những kiến thức, và kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hội nhập quốc tế sâu sắc. Bài viết này sử dụng số liệu Điều tra thanh niên và vị thành niên Việt Nam lần thứ nhất (SAVY 2003, gọi tắt là SAVY1) và lần thứ hai (SAVY 2009, gọi tắt là SAVY2) để phân tích sự thay đổi thái độ của thanh niên về việc làm và đời sống vật chất sau thời gian 5 năm, giữa hai cuộc khảo sát1. Bên cạnh những phân tích mô tả và tương quan hai biến, bài viết đã sử dụng mô hình phân tích đa biến để kiểm nghiệm ảnh hưởng thực sự của mỗi đặc trưng nhân khẩu-xã hội trong mối quan hệ với các yếu tố khác đến thái độ của thanh niên đối với vấn đề việc làm và đời sống vật chất. * PGS.TS, Viện Gia đình và Giới. ** ThS, Viện Gia đình và Giới. 1 Xin xem thêm chi tiết về 2 cuộc khảo sát này ở “Báo cáo chung Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ II (SAVY2)” (Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và các cơ quan khác, 2010). Trong bài viết này các tác giả dùng thuật ngữ “thanh niên” để chỉ chung cho các đối tượng khảo sát trong 2 cuộc khảo sát nêu trên (độ tuổi 14-25). Sự thay đổi thái độ về việc làm và cuộc sống ... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 22 1. Thanh niên thấy khó khăn trong tìm kiếm việc làm song vẫn lạc quan về khả năng có được công việc mình yêu thích trong tương lai Tìm hiểu ý kiến của thanh niên về khả năng tìm việc làm hiện nay, kết quả SAVY2 cho thấy có 27% cho rằng ngày nay tìm việc làm "rất khó", khoảng một phần ba (32%) cho rằng tìm việc làm "hơi khó", 28% có ý kiến tìm việc làm khó hay dễ còn tùy vào công việc, và chỉ có 11% cho rằng tìm việc làm "dễ" (2% không có ý kiến về vấn đề này). Như vậy, có gần 2/3 số người được hỏi cho rằng ngày nay tìm việc làm là khó và rất khó. So sánh với kết quả SAVY1, có thể thấy rằng tỷ lệ thanh niên cho rằng tìm việc làm “rất khó” ở SAVY2 là thấp hơn đối với tất cả các nhóm thanh niên. Có thể suy đoán rằng quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, việc triển khai các giải pháp của Chính phủ đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng trong 2 năm vừa qua đã giúp cải thiện tình hình kinh tế-xã hội và giảm bớt khó khăn trong vấn đề tìm việc làm đối với thanh niên. Sự thay đổi trong đánh giá là tương đối đồng đều ở tất cả các nhóm (Biểu đồ 1). Thực tế cho thấy, mặc dù chỉ chiếm 34,5% tổng dân số độ tuổi lao động nhưng lực lượng thanh niên chiếm tới gần ½ tổng số người thất nghiệp trên cả nước (45,2%), trong đó nhóm tuổi 20-24 chiếm tỷ trọng lớn nhất (30%), cao gấp đôi tỷ lệ này ở nhóm tuổi 15-19 (15,2%) (Tổng cục Thống kê, 2009: 76). Mỗi năm nước ta có thêm 1,4 triệu lao động mới bổ sung vào lực lượng lao động, chưa tính đến số lao động thất nghiệp tồn đọng từ trước. Trong khi số việc làm mới chỉ tăng lên 2,5%/năm thì mức tăng 3,3%/năm tỷ lệ thanh niên bước vào độ tuổi lao động thực sự gây ra sức ép lớn cho thanh niên trong quá trình tìm việc làm (Đặng Nguyên Anh, 2007: 112). Những con số này lý giải vì sao một tỷ lệ lớn thanh niên cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Nguyễn Hữu Minh & Trần Thị Hồng 23 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn Cơ hội việc làm hiện nay khá mở và đa dạng cho người lao động nói chung và cho thanh niên nói riêng. Nhiều dự án, chương trình nhằm hoạt động hướng nghiệp và hỗ trợ thanh niên tìm việc làm đã được triển khai. Từ năm 2000, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã khởi xướng chương trình hội chợ việc làm (nay đã được mở rộng tới 49 tỉnh/thành phố), tổ chức hàng năm từ tháng 6 đến tháng 8 - thời điểm khóa học của các trường phổ thông trung học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề vừa bế giảng. Tuy nhiên, khó khăn là trình độ chuyên môn được đào tạo của thanh niên không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Sự định hướng đào tạo nghề phù hợp với xu thế và trình độ phát triển chung của xã hội, vùng miền sẽ giúp thanh niên, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp, dân tộc thiểu số có cơ hội tìm được việc làm phù hợp. Cơ hội tiếp cận với các nguồn thông tin về việc làm đối với thanh niên, đặc biệt là thanh niên khu vực nông thôn, những người có mức sống nghèo là hết sức quan trọng. Như báo cáo chung về Điều tra SAVY2 đã nêu, đánh giá về khả năng tìm việc làm của thanh niên quan hệ chặt chẽ với trình độ học vấn, dân tộc và giới tính của họ. Những người có học vấn thấp, phụ nữ, và người dân tộc thiểu số (DTTS) dường như có ít cơ hội việc làm hơn những nhóm xã hội khác. Không có sự khác nhau nhiều lắm về nhận định này theo các nhóm tuổi hay giữa những người ở nông thôn và ở đô thị (Tổng cục Dân số-KHHGĐ và cơ quan khác, 2010). Tìm hiểu mối quan hệ giữa việc được đào tạo nghề và từng làm việc kiếm tiền với đánh giá về khả năng kiếm việc làm cho thấy hầu như không có khác biệt về nhận định “hiện nay rất khó tìm việc làm” giữa nhóm thanh niên từng làm việc kiếm tiền với nhóm chưa từng làm việc, giữa nhóm đã qua đào tạo nghề với nhóm chưa qua đào tạo nghề. Điều này gợi ra rằng việc đào tạo nghề ở nước ta hiện nay chưa có tác động lớn đến khả năng tìm kiếm việc làm của thanh niên. Đồng thời, những nỗ lực đào tạo nghề và sử dụng lao động đúng với nghề được đào tạo dường như không đem lại những kết quả mong muốn; đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Vấn đề cần quan tâm là tình trạng thiếu chỗ làm việc cho những ngành nghề được đào tạo và thiếu chương trình đào tạo nghề cho những nghề có nhu cầu trên thị trường. Tìm hiểu về số lượng thanh niên làm việc bằng nghề đã được học, kết quả thu được cho thấy, trong số những người đã từng đi học nghề, chỉ có 37,5% làm việc bằng nghề đã được học (Bảng 1) Thanh niên có mức sống thấp gặp khó khăn hơn trong tìm kiếm việc làm so với thanh niên có mức sống khá, trung bình. Có 33,3% thanh niên mức sống thấp cho rằng tìm việc làm hiện nay là rất khó. Tỷ lệ này ở nhóm có mức sống trung bình là 25,8%, ở nhóm có mức sống khá là 23,9%. Sự thay đổi thái độ về việc làm và cuộc sống ... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 24 Bảng 1. Tỷ lệ (%) thanh niên nhận định về tìm việc làm hiện nay theo các nhóm (SAVY2) Đặc điểm nhóm thanh niên Rất khó Tương đối khó Tùy thuộc công việc Dễ Rất dễ Chung 27,4 (2707) 32,3 (3185) 28,9 (2852) 8,9 (880) 2,5 (242) Giới tính Nam 23,5 35,5 28,7 9,7 2,6 Nữ 31,5 29,0 29,1 8,1 2,3 Nhóm tuổi 14-17 27,1 34,9 29,3 7,4 1,4 18-21 26,2 30,8 29,6 10,4 3,1 22-25 29,9 28,8 27,2 10,3 3,8 Dân tộc Kinh+Hoa 25,9 32,4 30,1 9,1 2,5 DTTS 36,4 31,5 22,2 8,0 1,9 Khu vực Thành thị 26 36,4 29,1 6,8 1,7 Nông thôn 27,9 30,9 28,8 9,6 2,7 Học vấn Tiểu học trở xuống 32,5 32,7 14,4 14,5 5,9 Trung học cơ sở 28,1 32,2 25,2 11,2 3,3 Trung học phổ thông+trung cấp 26,5 33,5 31,5 6,9 1,6 Cao đẳng, Đại học+ 23,1 26,4 42,5 7,3 0,6 Đã từng được đào tạo nghề? Có 25,6 29,1 31,4 10,7 3,2 Chưa 27,9 33,0 28,3 8,5 2,3 Đã từng làm việc kiếm tiền? Có 27,1 30,9 26,8 11,5 3,6 Chưa 27,8 33,9 31,3 5,9 1,1 Ghi chú: Trong bảng, số liệu trong ngoặc ở hàng “chung” biểu thị số lượng tuyệt đối thanh niên đưa ra đánh giá ở mỗi nhóm. Mức độ tiếp cận với internet cũng có ảnh hưởng nhất định đến nhận định của thanh niên về khả năng tìm kiếm việc làm. Số thanh niên cho rằng rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm có xu hướng tỷ lệ nghịch với mức độ sử dụng internet. Có 31,7% những người không sử dụng internet cho rằng tìm việc làm hiện nay là rất khó khăn, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm sử dụng internet từ 1-6 giờ/tuần là 25,3%, ở nhóm sử dụng trên 7 giờ/tuần là 23,9%. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, internet là một trong những nguồn cung cấp thông tin đa dạng, nhanh chóng nhất. Rất có thể những người thường xuyên sử dụng internet tiếp cận được với nhiều thông tin về việc làm trên mạng nên họ cảm thấy dễ tìm kiếm việc làm hơn. Nguyễn Hữu Minh & Trần Thị Hồng 25 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn Phù hợp với đánh giá chung về khó khăn trong tìm kiếm việc làm, khi nhận xét về 2 việc mà Chính phủ cần làm để cuộc sống của thanh niên tốt đẹp hơn, có 34,2% thanh niên coi lựa chọn “tăng các cơ hội về việc làm” là ưu tiên thứ nhất và 23,5% lựa chọn là việc ưu tiên ở vị trí thứ hai. Sự lựa chọn tăng cơ hội việc làm chỉ xếp sau vị trí “tăng các cơ hội về giáo dục” (35,6%). Mong muốn “tăng cơ hội về việc làm” thể hiện rõ nét hơn ở nhóm thanh niên coi tìm việc làm hiện nay là khó và rất khó. Mặc dù đa số thanh niên cho rằng khả năng tìm việc hiện nay là khó và rất khó song nhìn chung họ vẫn có cái nhìn lạc quan về công việc trong tương lai. Cuộc điều tra đưa ra nhận định về tương lai liên quan đến công việc “Bạn sẽ có một công việc mà bạn thích” với các phương án trả lời đồng ý, đồng ý một phần, không đồng ý và không biết. Loại bỏ những trường hợp lựa chọn phương án trả lời “không biết”, có 81,1% thanh niên hoàn toàn đồng ý với nhận định này. So với kết quả của SAVY1, tỷ lệ thanh niên hoàn toàn đồng ý với nhận định này tăng lên khoảng hơn 3 điểm phần trăm. Xu hướng gia tăng sự lạc quan này diễn ra ở tất cả các nhóm. Đây có thể là kết quả của sự quan tâm giải quyết việc làm của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua đã góp phần làm tăng tâm trạng lạc quan của thanh niên về việc làm trong tương lai. Đảng ta xác định “giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân...” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001: 32). Với sự phát triển kinh tế thị trường, cơ hội việc làm mở rộng cho mọi đối tượng và người lao động có lợi thế cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội nhận được việc làm. Bên cạnh đó, Chính phủ đã đầu tư nguồn lực nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới thông qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội như “Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc”, “Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo”. Chương trình quốc gia về việc làm đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt ngày 06 tháng 7 năm2007, đề ra mục tiêu tạo việc làm mới cho 8 triệu lao động trong 5 năm 2006-2010 và giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 5% vào năm 2010 nhằm giải quyết việc làm cho người dân nói chung, trong đó có thanh niên. Ngoài ra, còn có nhiều văn bản như Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã hỗ trợ người lao động tìm việc làm trong đó có thanh niên. Bên cạnh việc thụ hưởng các chính sách chung, thanh niên còn được hưởng nhiều chính sách và đề án, chương trình tạo việc làm riêng. Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 đã xác định việc giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên, nâng cao thu nhập cho thanh niên là một trong sáu mục tiêu trọng điểm. Luật Thanh niên cũng coi lao động là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã xác định một trong bốn mục tiêu cụ thể từ năm 2008-2010 là: Có chính sách mang tính đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với giải quyết việc làm, tăng Sự thay đổi thái độ về việc làm và cuộc sống ... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 26 thu nhập, hưởng thụ văn hoá, vui chơi, giải trí của thanh niên. Với những mục tiêu đó, Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho thanh niên học tập, học nghề; chính sách khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, cá nhân tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên bằng nhiều hình thức; chính sách hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất thông qua các hoạt động cho vay vốn. Cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển thanh niên và Luật Thanh niên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008- 2015” (gọi tắt là đề án 103) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21 tháng 7 năm 2008. Để triển khai đề án, hàng loạt các dự án đã được xây dựng và triển khai như dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp”, dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”, dự án “Đầu tư xây dựng 10 trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên” và chương trình “Giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên”. Năm 2009 được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác định là năm “Thanh niên với nghề nghiệp và việc làm” nhằm đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp và hỗ trợ thanh niên tìm việc làm. Những chính sách này bước đầu đã phát huy tác dụng, tạo cho thanh niên có cơ hội tiếp cận thông tin tuyển dụng và tạo thêm nhiều việc làm mới cho thanh niên (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 2009). Tuy nhiên, mức độ gia tăng tâm trạng lạc quan ở các nhóm thanh niên là khác nhau. Chẳng hạn, tỷ lệ hoàn toàn đồng ý “sẽ có công việc mình thích” ở nhóm nam thanh niên gia tăng không đáng kể (80,3% so với 80%). Nhưng khoảng cách ở nhóm nữ lại cao hơn (81,9% so với 74,8%) (Biểu đồ 2). So với các nhóm tuổi cao hơn, thanh niên có ưu thế khi tìm việc trong các khu vực đòi hỏi sự cạnh tranh cao như tư nhân và đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Lực lượng thanh niên lao động trong hai khu vực này thường chiếm hơn ½ tổng số lao động trong các khu vực đó (Tổng cục Thống kê 2009: 62). Sự phát triển kinh tế những năm vừa qua đã tạo ra một thị trường lao động đa dạng có tính cạnh tranh cao. Điều đó vừa mở ra cơ hội cho thanh niên vừa là thách thức khiến họ phải năng động hơn, chủ động trau dồi kiến thức để kiếm việc làm. Tỷ lệ thanh niên sinh sống ở nông thôn hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng mình sẽ có việc làm ưa thích trong tương lai thấp hơn so với những người sống ở thành thị (80,1% so với 84,1%). Điều này có thể là do thanh niên ở thành thị có cuộc sống vật chất tốt hơn so với thanh niên ở nông thôn nên họ lạc quan hơn về khả năng tìm việc làm trong tương lai của họ. Đồng thời, sự đa dạng về cơ hội nghề nghiệp ở khu vực thành thị cũng có thể khiến thanh niên thành thị vững tin hơn vào khả năng sẽ có được công việc phù hợp với sở thích của bản thân. Những khác biệt đáng kể về đánh giá khả năng việc làm trong tương lai cũng thể hiện giữa thanh niên dân tộc Kinh+Hoa và dân tộc thiểu số (7,7%), giữa các lứa Nguyễn Hữu Minh & Trần Thị Hồng 27 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn tuổi (tăng dần từ tuổi 14-17 đến 22-25). Thanh niên có trình độ học vấn cao tự tin hơn với việc sẽ có được việc làm mà mình thích so với những người có trình độ học vấn thấp hơn: tỷ lệ đồng ý với nhận định này ở các nhóm có học vấn từ cao đẳng trở lên, trung học phổ thông và học nghề, trung học cơ sở và tiểu học trở xuống lần lượt là 83,7%; 80,8%; 82,1% và 77,6%. Thanh thiếu niên trong gia đình với mức sống trung bình trở lên có tỷ lệ tự tin sẽ có được công việc mình yêu thích trong tương lai cao hơn nhóm thanh niên có mức sống thấp hơn. Có 83% thanh niên có mức sống trung bình và 83,3% có mức sống khá hoàn toàn đồng ý với nhận định “Tôi sẽ có công việc mà mình yêu thích”. Tỷ lệ này ở nhóm thanh niên có mức sống thấp là 76,6%. Như vậy, nhóm thanh niên sinh sống ở thành thị, dân tộc Kinh+Hoa, nhóm tuổi 22- 25, nhóm có trình độ học vấn cao, mức sống trung bình trở lên có cái nhìn lạc quan hơn về khả năng có được công việc mình yêu thích trong tương lai. Điều này gợi ra rằng, nền tảng về mức sống gia đình, cơ hội nghề nghiệp và học vấn góp phần tạo nên sự lạc quan cho thanh thiếu niên trong lĩnh vực việc làm. 2. Gia tăng sự tin tưởng về cuộc sống vật chất trong tương lai Nhìn chung, ở thời điểm năm 2009, thanh niên Việt Nam có cách nhìn lạc quan về cuộc sống vật chất trong tương lai. Có 75,5% thanh niên (trong số 9293 người trả lời) tin rằng “cuộc sống vật chất trong 3 năm tới sẽ tốt hơn”. Mức độ lạc quan không khác biệt đáng kể giữa các nhóm, sự sai khác chỉ khoảng từ 1 đến 3 điểm phần trăm (Biểu đồ 3a). Biểu 2: Tỷ lệ hoàn toàn đồng ý "sẽ có công việc mình thích Sự thay đổi thái độ về việc làm và cuộc sống ... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 28 Ở SAVY2 mức độ tin tưởng ở “cuộc sống vật chất trong 3 năm tới sẽ tốt hơn” có sự gia tăng chút ít so với SAVY1 (71,6%). Điều đó gợi ra rằng, sau 5 năm, thanh niên Việt Nam có cái nhìn lạc quan hơn về tương lai kinh tế của bản thân. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm cuộc sống cho người dân nói chung và thanh niên nói riêng là cơ sở quan trọng hình thành nên tâm trạng lạc quan trong thanh niên về cuộc sống vật chất những năm tới. Với mục tiêu: Đảng, Nhà nước và toàn xã hội chăm lo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; được học tập, có việc làm, nâng cao thu nhập, có đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, Đảng đã chủ trương tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho thanh niên, cải thiện đời sống (Nghị quyết số 25-NQ/TW). Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất của thanh niên ngày càng được nâng cao. Theo kết quả đánh giá của UNFPA năm 2006 tại 7 tỉnh thành phố có thực hiện chương trình hỗ trợ các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản (RHIYA), thanh niên hiện đang sống trong các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn so với hai năm trước (năm 2004 - khi tiến hành điều tra lần 1) (UNFPA, 2006: 33-34). Ở cả hai cuộc điều tra, nam giới tỏ ra lạc quan hơn so với nữ giới về cuộc sống vật chất trong 3 năm tới song khoảng cách giữa 2 nhóm này có xu hướng thu hẹp lại. Ở SAVY1, có 75,4% nam có ý kiến này so với 67,7% nữ có cùng ý kiến. Ở SAVY2 có 77,1% nam và 73,9% nữ có ý kiến này. Đây là dấu hiệu tích cực đối với sự phát triển của nữ thanh niên. Xu hướng này diễn ra tương tự đối với nhóm dân tộc thiểu số. Ở trình độ học vấn càng cao, thanh niên càng tin tưởng vào khả năng tốt lên của cuộc sống vật chất trong 3 năm tới (từ 64,4% lên 85,7%). Tỷ lệ tin tưởng điều kiện kinh tế 3 năm tới tốt lên giảm dần theo tình trạng sức khỏe của thanh thiếu niên. Nhóm đánh giá sức Nguyễn Hữu Minh & Trần Thị Hồng 29 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn khỏe cá nhân rất tốt và tốt có khoảng 80% tin tưởng vào sự tốt lên của điều kiện kinh tế 3 năm tới. Tỷ lệ này giảm xuống còn 70,6% ở nhóm đánh giá sức khỏe bình thường và 52,3% ở nhóm đánh giá sức khỏe yếu (Biểu đồ 3b) Cùng với tinh thần lạc quan về sự thay đổi cuộc sống vật chất trong những năm trước mắt, thanh niên cũng khá tự tin đối với việc có thu nhập tốt để sống thoải mái trong tương lai. Trong khoảng thời gian 5 năm, tỷ lệ hoàn toàn đồng ý “Bạn sẽ có thu nhập cao để bạn sống thoải mái” có xu hướng tăng (67,3% so với 59%). Sự gia tăng diễn ra ở tất cả các nhóm thanh thiếu niên. Cần đánh giá được sự lạc quan của thanh thiếu niên trước thực tế còn khó khăn hiện nay. Mức thu nhập của thanh niên hiện nay nhìn chung còn thấp. Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2007, thu nhập của lao động trẻ khoảng 979 nghìn VNĐ/người/tháng, thấp hơn so với nhóm lao động trung niên (bình quân khoảng 1140 nghìn VNĐ/người/tháng). Lao động nữ có mức thu nhập bình quân thấp hơn nam giới với giá trị là 865,5 nghìn VNĐ/người/tháng và 1088 nghìn VNĐ/người/tháng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, 2008: 36). Mức thu nhập này khiến cho thanh niên gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cuộc sống và tích lũy, đặc biệt là những thanh niên sống ở các thành phố có giá cả đắt đỏ như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, thanh niên vẫn rất lạc quan trong việc tin tưởng vào cuộc sống tương lai. Đây là một đặc điểm thuận lợi trong việc phát huy sự đóng góp của thanh niên vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Ở độ tuổi càng cao, thanh niên càng lạc quan về thu nhập tốt trong tương lai. Xu hướng này diễn ra ở cả hai cuộc điều tra. Cụ thể, ở SAVY2, tỷ lệ hoàn toàn đồng ý với nhận định này ở nhóm thanh niên 22-25 tuổi là 67,8%, cao hơn 4,3 điểm phần Sự thay đổi thái độ về việc làm và cuộc sống ... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 30 trăm so với nhóm thanh niên 18-21 tuổi và cao hơn nhóm thanh thiếu niên 14-17 là 13,2 điểm phần trăm. Không có sự khác biệt đáng kể trong tỷ lệ hoàn toàn đồng ý với các nhận định mang tính lạc quan giữa nữ giới và nam giới ở SAVY2. Kết quả này là tích cực hơn so với kết quả SAVY1. Theo SAVY1, tỷ lệ hoàn toàn đồng ý với nhận định “Bạn sẽ có thu nhập cao để bạn sống thoải mái” của nam thanh niên là 64,1%, cao hơn 10,5 điểm phần trăm so với nữ thanh niên. Ở SAVY2, tỷ lệ của nam giới và nữ giới gần như ngang nhau (67,1% và 67,6%). Xu hướng thu hẹp khoảng cách tỷ lệ hoàn toàn đồng ý về nhận định này cũng diễn ra đối với nhóm dân tộc Kinh, Hoa và nhóm dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa thanh niên sinh sống ở thành thị và thanh niên ở nông thôn tăng lên chút ít ở SAVY2. Ở SAVY1, tỷ lệ hoàn toàn đồng ý với những nhận định về thu nhập của thanh niên thành thị và thanh niên nông thôn là gần như ngang nhau (59,9% và 58,7%). Tỷ lệ này ở SAVY2 là 70,6% và 66,3%. Trình độ học vấn và tình trạng sức khỏe của thanh niên không có ảnh hưởng đáng kể đến quan điểm của họ về nhận định liên quan đến thu nhập này. Để đánh giá tác động của các yếu tố khác nhau đối với quan niệm của thanh niên năm 2009 về cuộc sống vật chất mai sau, phân tích đa biến logistic đã được thực hiện với Biến phụ thuộc là: Bạn sẽ có thu nhập cao để bạn sống thoải mái, với 2 giá trị: 1 là khẳng định và 0 là không khẳng định. Các biến độc lập được đưa vào mô hình phân tích bao gồm: giới tính, thành thị-nông thôn, dân tộc, lứa tuổi, mức sống gia đình. Kết quả phân tích được trình bày ở Bảng 2 dưới đây.2 2 Trong bảng 2, cột tỷ số chênh lệch (odd ratios) thể hiện tỷ số giữa xác suất đồng ý với nhận định do tác động của loại đặc điểm (cá nhân, hộ gia đình, v.v.) đang xem xét so với loại đặc điểm đối chứng phân loại theo một yếu tố nào đó. Chẳng hạn, đối với yếu tố “Khu vực sinh sống” có 2 nhóm thanh niên trả lời tương ứng với 2 loại đặc điểm là: thành thị và nông thôn.Tỷ số chênh lệch cho loại đặc điểm đối chứng luôn luôn nhận giá trị bằng 1. Nếu tỷ số chênh lệch của một loại đặc điểm nào đó lớn hơn 1, điều đó có nghĩa là nhóm người mang đặc điểm đó có nhiều khả năng đồng ý với nhận định trên hơn so với nhóm người mang đặc điểm đối chứng. Ngược lại, nếu tỷ số chênh lệch cho loại đặc điểm nào đó nhỏ hơn 1 thì nhóm người mang đặc điểm đó có ít khả năng đồng ý với nhận định hơn nhóm người mang đặc điểm đối chứng. Tỷ số chênh lệch của một loại đặc điểm nào đó càng lớn hơn 1 thì khả năng đồng ý với nhận định ở nhóm mang đặc điểm đó càng lớn hơn so với nhóm có đặc điểm đối chứng. Các dấu sao (*, **, ***) ghi bên cạnh tỷ số chênh lệch cho thấy tác động của loại đặc điểm đó có ý nghĩa về mặt thống kê hay không. Tỷ số càng kèm theo nhiều dấu sao thì tác động của loại đặc điểm đó càng quan trọng. Tỷ số không kèm theo dấu sao có nghĩa là không có bằng chứng để khẳng định rằng tác động của loại đặc điểm đang xét là đáng kể về mặt thống kê. Chẳng hạn, giá trị 1,1 với dấu sao của đặc điểm “thành thị” có nghĩa là so với nhóm thanh niên nông thôn thì khả năng thanh niên thành thị đồng ý với nhận định sẽ tăng lên 1,1 lần. Nguyễn Hữu Minh & Trần Thị Hồng 31 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn Bảng 2: Các yếu tố tác động đến việc đồng ý với nhận định “Bạn sẽ có thu nhập cao để bạn sống thoải mái” (SAVY2) Biến số độc lập Tỷ số chênh lệch Số lượng Giới tính Nam 0,97 4540 Nữ 1,0 4388 Dân tộc Kinh/Hoa 1,0 7225 Dân tộc TS 1,0 1703 Khu vực sinh sống Thành thị 1,1** 1987 Nông thôn 1,0 6941 Nhóm tuổi** 14-17 0,6** 4224 18-21 0,8* 2608 22-25 1,0 2096 Mức sống gia đình* Thấp 0,8* 3056 Trung bình 1,0 2485 Cao 1,0 3387 Tổng 8928 Mức ý nghĩa thống kê: *p<0,05 **p<0,01 ***p<0,001 Qua bảng 2 có thể thấy rằng có sự khác biệt đáng kể giữa những thanh niên sống ở thành thị và nông thôn, giữa các nhóm tuổi và nhóm có mức sống gia đình khác nhau liên quan đến nhận định “Tôi sẽ có thu nhập cao để sống thoải mái”. Những thanh niên sống ở thành thị có cái nhìn lạc quan hơn hẳn thanh niên ở nông thôn, thanh niên ở lứa tuổi càng cao thì mức độ lạc quan về thu nhập càng lớn. Các thanh niên ở gia đình có mức sống trung bình và cao thì lạc quan về thu nhập trong tương lai cũng cao hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng nhìn cuộc sống khá lạc quan nói chung trong thanh niên Việt Nam. Sự thu hẹp khoảng cách trong nhận định ở các nhóm thanh niên chia theo giới tính, dân tộc là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển chung của thanh niên. Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải chú ý đến nhóm thanh niên độ tuổi 14-17, nhóm dân tộc thiểu số, nhóm sinh sống ở nông thôn, nhóm trình độ học vấn thấp, nhóm sức khỏe yếu, tạo cơ hội để họ có việc làm, thu nhập phù hợp để có thể hình thành nên những suy nghĩ lạc quan ở họ. Sự thay đổi thái độ về việc làm và cuộc sống ... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 32 3. Kết luận và một số vấn đề đặt ra về chính sách Thanh niên Việt Nam mặc dù ý thức được những khó khăn phía trước trong việc tìm kiếm việc làm nhưng vẫn lạc quan về khả năng có được công việc mình yêu thích trong tương lai. Chính những nỗ lực của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua đã tạo cho thanh niên có nhiều cơ hội về việc làm và thu nhập, dẫn đến một cách nhìn lạc quan như vậy. Việc làm là một trong những vấn đề chiến lược được Chính phủ quan tâm hàng đầu trong các chính sách đối với thanh niên. Trong hơn một thập kỷ qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới đường lối phát triển đất nước trong đó có lĩnh vực việc làm. Nhìn chung, hệ thống chính sách đã có về việc làm nói chung và việc làm cho thanh niên nói riêng là cơ sở quan trọng tạo nên thái độ lạc quan cho thanh niên trong lĩnh vực việc làm. Tuy nhiên, để giải quyết tốt vấn đề việc làm cho thanh niên cần có những chính sách sát thực và có hiệu quả hơn. Hầu hết các chương trình tạo việc làm mới mang tính chất thí điểm bước đầu và chưa có tác động đáng kể trong việc giải quyết việc làm cho thanh niên. Các chương trình được thực hiện trên quy mô nhỏ, chủ yếu để thí điểm và thiếu tính bền vững. Việc thực hiện các chính sách và chương trình quốc gia về việc làm cho thanh niên đòi hỏi sự phối kết hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ban, ngành có liên quan (Đặng Nguyên Anh và cộng sự, 2005: 27). Còn một bộ phận thanh niên thừa nhận là có khó khăn trong tìm kiếm việc làm hiện nay. Khó khăn chính là sự chuẩn bị của thanh niên trong việc trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp còn chưa đầy đủ. Trong khi đó, với bối cảnh phát triển nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu nguồn lao động có chất lượng, có kỹ năng, và trình độ kỹ thuật cao là tất yếu. Chính vì vậy, định hướng đào tạo nghề phù hợp với xu thế, trình độ phát triển của khu vực và thế giới là hết sức cần thiết. Đảng ta đã chủ trương: Tiếp tục đối mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và phương thức đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao. Gắn việc hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao với hệ thống các trường đào tạo nghề. Phát triển nhanh và phân bố hợp lý hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn cả nước; mở rộng các hình thức đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, năng động (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001: 293). Điều này đòi hỏi phải “tăng cường tính phù hợp của giáo dục trung học phổ thông và đại học” (Ngân hàng Thế giới, 2006:17) nhằm đào tạo cho thanh niên hiện nay không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng thực hành đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo thực hành trong đó kết hợp giữa kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng ứng xử có thể giúp thanh niên cơ động hơn trong xã hội hiện đại. Mặt khác, cần chú ý đến chính sách liên kết giữa các đơn vị đào tạo với những đơn vị sử dụng lao động nhằm tránh tình trạng lãng phí nguồn lao động được đào tạo song không sử dụng đến kiến thức của họ do không tìm được việc làm đúng với ngành nghề họ được đào tạo. Nguyễn Hữu Minh & Trần Thị Hồng 33 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn Thái độ của thanh niên về việc làm có sự khác biệt giữa các nhóm có đặc trưng nhân khẩu, xã hội khác nhau. Thanh niên thành thị, ở lứa tuổi cao hơn, dân tộc Kinh, Hoa cũng như thanh niên có học vấn cao có xu hướng tự tin hơn trong khả năng tìm được việc làm và tìm kiếm công việc mà họ yêu thích. Thực tế này gợi ra rằng, những chính sách việc làm cho thanh niên cần quan tâm đến những nhóm đối tượng khác nhau để có những định hướng phù hợp, giúp họ nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm, như nhóm có học vấn thấp, nhóm thanh niên dân tộc thiểu số. Mức sống, học vấn và môi trường cơ hội nghề nghiệp đa dạng là những nền tảng quan trọng tạo nên sự lạc quan của thanh niên về việc làm. Đảng ta đã chủ trương tạo điều kiện cho thanh niên được thụ hưởng chính sách giáo dục, chú trọng tới nữ thanh niên, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn, thanh niên khuyết tật. Sớm có biện pháp khắc phục tình trạng bỏ học trong thanh niên. Phấn đấu hoàn thành phổ cập bậc trung học cơ sở cho thanh niên. Mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho thanh niên vay để học tập trong các cơ sở đào tạo sau giáo dục phổ thông (Nghị quyết số 25-NQ/TW). Trong thời gian qua, Nhà nước đã triển khai chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn để học tập. Chương trình này đã giúp nhiều thanh niên có cơ hội nâng cao trình độ học vấn, tăng khả năng có được công việc mà mình mong muốn. Cần tiếp tục mở rộng các chương trình trợ giúp thanh niên học tập tương tự như vậy để góp phần hình thành thái độ của thanh niên về việc làm ngày càng tích cực hơn. Cùng với vấn đề việc làm, tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống cho thanh niên cũng là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Điều đó đã góp phần làm cho mức độ lạc quan về cuộc sống vật chất trong thời gian tới của thanh niên cũng được nâng lên so với 5 năm trước đây. Học vấn càng cao, tuổi càng cao, cư trú ở thành thị và sống trong các gia đình có mức sống khá hơn, thanh niên càng tin tưởng hơn vào điều kiện kinh tế chung của đất nước và khả năng có thu nhập tốt trong tương lai. Đã có xu hướng thu hẹp khoảng cách thái độ đánh giá ở một số nhóm sau 5 năm, chẳng hạn giữa nam và nữ, giữa thanh niên dân tộc thiểu số và Kinh, Hoa. Đây là một dấu hiệu tích cực cho sự biến đổi giá trị xã hội chung của thanh niên. Tuy nhiên, về mặt chính sách cần quan tâm hơn đến các nhóm thanh niên độ tuổi 14-17, nhóm dân tộc thiểu số, nhóm thanh niên nông thôn, nhóm trình độ học vấn thấp, nhóm sức khỏe yếu, giúp họ có nhiều cơ hội tăng thu nhập, tạo nên thái độ lạc quan của họ. Tài liệu trích dẫn Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tổng cục Thống kê. 2008. Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam 2007, 2008. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2001. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001. Sự thay đổi thái độ về việc làm và cuộc sống ... Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 34 Đặng Nguyên Anh. 2007. “Lao động và việc làm của thanh niên Việt Nam”. Trong sách “Các vấn đề xã hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập kinh tế ở Việt Nam”, Chủ biên: Giang Thanh Long và Dương Kim Hồng, Hà Nội, 2007. Dang Nguyen Anh, Le Bach Duong, Nguyen Hai Van. 2005. Youth employment in Viet Nam: Characteristics, determinants and policy responses, Employment strategy papers. Đoàn TNCS HCM, Ban Thanh niên công nhân và đô thị. 2009. Tham luận “Tình hình triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạnh 2008-2015”, tham luận tại Hội thảo về chính sách việc làm cho thanh niên do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 4/12/2009. Luật Thanh niên năm 2005. Ngân hàng thế giới. 2006. Báo cáo phát triển thế giới 2007: Phát triển và thế hệ kế cận, NXB Văn hóa thông tin. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng cục Thống kê. 2009. Điều tra biến động dân số, nguồn lao động và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2008: Những kết quả chủ yếu. Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Phát triển châu Á 2010. Điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2. Hà Nội. UNFPA. 2006. Báo cáo đánh giá cuối kỳ chương trình RHIYA.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfso_2_2011_nguyenhuuminh_6183.pdf
Tài liệu liên quan