Sự thay đổi của nghề lưới rê và những hệ quả của nó tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa

Tài liệu Sự thay đổi của nghề lưới rê và những hệ quả của nó tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0092 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 110-118 This paper is available online at SỰ THAY ĐỔI CỦA NGHỀ LƯỚI RÊ VÀ NHỮNG HỆ QUẢ CỦA NÓ TẠI ĐẦM NHA PHU, TỈNH KHÁNH HÒA Nguyễn Tường Huy Khoa Địa lí, Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt.Nghề cá nhỏ ven đầm Nha Phu đã trải qua quá trình chuyển đổi trong hơn ba thập kỉ qua. Bài báo phân tích những thay đổi của nghề lưới rê và các hệ quả kinh tế, xã hội và tài nguyên của những thay đổi này. Ngư dân có xu hướng sử dụng lưới rê có kích thước mắt lưới nhỏ hơn và có mức độ chọn lọc thấp hơn để tối đa hóa sản lượng đánh bắt. Những thay đổi này có ảnh hưởng quan trọng đối với khai thác và quản lí nguồn lợi. Ngư dân cũng có xu hướng sử dụng kết hợp các loại lưới và gia tăng chiều dài vàng lưới để đảm bảo sản lượng và thu nhập từ đánh bắt. Tuy nhiên, chiến lược này lại phụ thuộc vào khả năng đầu tư của các hộ ngư dân. Trong bối cảnh đó, thu nhập thấp và bất bình đẳng về thu nhập, c...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 306 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự thay đổi của nghề lưới rê và những hệ quả của nó tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0092 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 110-118 This paper is available online at SỰ THAY ĐỔI CỦA NGHỀ LƯỚI RÊ VÀ NHỮNG HỆ QUẢ CỦA NÓ TẠI ĐẦM NHA PHU, TỈNH KHÁNH HÒA Nguyễn Tường Huy Khoa Địa lí, Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt.Nghề cá nhỏ ven đầm Nha Phu đã trải qua quá trình chuyển đổi trong hơn ba thập kỉ qua. Bài báo phân tích những thay đổi của nghề lưới rê và các hệ quả kinh tế, xã hội và tài nguyên của những thay đổi này. Ngư dân có xu hướng sử dụng lưới rê có kích thước mắt lưới nhỏ hơn và có mức độ chọn lọc thấp hơn để tối đa hóa sản lượng đánh bắt. Những thay đổi này có ảnh hưởng quan trọng đối với khai thác và quản lí nguồn lợi. Ngư dân cũng có xu hướng sử dụng kết hợp các loại lưới và gia tăng chiều dài vàng lưới để đảm bảo sản lượng và thu nhập từ đánh bắt. Tuy nhiên, chiến lược này lại phụ thuộc vào khả năng đầu tư của các hộ ngư dân. Trong bối cảnh đó, thu nhập thấp và bất bình đẳng về thu nhập, các chiến lược ứng phó không bền vững và sự suy giảm nguồn lợi là những hệ lụy đáng lưu ý của sự thay đổi. Từ khóa: Sinh kế, bất bình đẳng, bền vững, nghề cá, nghèo. 1. Mở đầu Đầm Nha Phu, thuộc tỉnh Khánh Hoà, có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề cá nhỏ ven bờ với cơ cấu nghề nghiệp đa dạng (xem Hình 1). Nghề cá đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế cho phần lớn cư dân sống ven đầm. Trong suốt hơn ba thập kỉ vừa qua, nghề cá ở đây đã trải qua quá trình chuyển đổi nhanh chóng. Các phương thức đánh bắt cá ở đây đã có nhiều thay đổi, từ các ngư cụ/kĩ thuật truyền thống và giản đơn thành các ngư cụ/ kĩ thuật hiện đại và phức tạp hơn. Những thay đổi này đã dẫn đến những chuyển biến quan trọng về kinh tế, xã hội và tài nguyên của địa phương. Trong bối cảnh thiếu vắng cơ chế quản lí hợp lí tài nguyên dùng chung, sự suy giảm nguồn lợi cũng là một thách thức lớn của sự phát triển bền vững nghề cá ở đây. Bài báo này có mục đích phân tích những thay đổi của nghề lưới rê và nhận diện một số hệ quả kinh tế, xã hội và tài nguyên của những thay đổi này tại đầm Nha Phu. Bài báo mở đầu bằng việc giới thiệu bối cảnh và vấn đề nghiên cứu. Sau phần khái quát về nghề lưới rê tại đầm Nha Phu, bài báo tập trung phân tích những thay đổi cơ bản của nghề lưới rê, nhận diện và thảo luận một số hệ quả kinh tế, xã hội và tài nguyên của những thay đổi này tại đầm Nha Phu. Trong phần kết luận, bài báo sẽ tóm lược những kết quả nghiên cứu chính và đưa ra một số khuyến nghị. Bài báo sử dụng các dữ liệu thu thập được từ các nghiên cứu thực địa của tác giả trong khoảng thời gian từ năm 2008 - 2012 và tháng 7 năm 2015 (xem thêm [9, 10]). Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/8/2016 Liên hệ: Nguyễn Tường Huy, e-mail: tuonghuy@hnue.edu.vn 110 Sự thay đổi của nghề lưới rê và những hệ quả của nó tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái quát về nghề lưới rê tại đầm Nha Phu Lưới rê (ngư dân địa phương gọi là lưới cước) là một ngư cụ truyền thống lâu đời và hiện vẫn là một sinh kế chính của ngư dân trong khu vực. Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng dân số, sự suy giảm nguồn lợi và sự thất bại của nghề nuôi tôm, áp lực đối với sinh kế này ngày càng tăng. Theo ước tính từ các cuộc phỏng vấn và các cuộc thảo luận nhóm, hiện có khoảng 70% số hộ ở Ngọc Diêm đang làm nghề lưới rê. Con số này là khoảng 60-65% ở Hà Liên, Tân Tế, Hang Dơi và Lệ Cam, 50-60% ở Tam Ích, Tân Đảo, và khoảng 30% ở thôn Tân Thủy. Hình 1 mô phỏng không gian hoạt động của nghề lưới rê tại đầm Nha Phu. Hình 1. Lưới rê và các hoạt động khai thác nguồn lợi tại đầm Nha Phu (Nguồn: Tái sử dụng từ [2] dựa trên kết quả nghiên cứu thực địa của tác giả từ 2008 – 2012 và 2015) Lưới rê là một ngư cụ thích hợp với nghề cá thủ công tại đầm Nha Phu. Trước hết, lưới rê vốn là ngư cụ có chi phí thấp so với các ngư cụ khác. Ngư dân không phải đầu tư quá nhiều cho việc mua sắm và bảo trì lưới. Hơn nữa, do đặc điểm tự nhiên của đầm, họ cũng chỉ cần thuyền 111 Nguyễn Tường Huy chèo tay hoặc thuyền máy có công suất nhỏ cho 1 ngư dân (đối với thuyền chèo tay) hoặc 2 ngư dân (đối với thuyền máy nhỏ). Do đó, phương pháp đánh bắt cá này được sử dụng rộng rãi và được coi là một nghề cá quy mô nhỏ điển hình, khá hiệu quả tại đầm Nha Phu. Lưới rê là loại ngư cụ hoạt động theo phương pháp bị động, lưới được thả trôi theo dòng chảy hoặc được thả chắn ngang đường đi của cá và một số loài thủy sản khác. Khi gặp lưới rê, tôm cá bị mắc vào mắt lưới hoặc bị quấn vào lưới. Theo kết cấu của lưới, có 2 loại lưới được sử dụng trong đầm Nha Phu, lưới rê 1 lớp và lưới rê 3 lớp [3]. Theo đối tượng đánh bắt, ngư dân địa phương có thể phân lưới rê thành các loại lưới như lưới rê 1 lớp, lưới rê cá 3 lớp (cá, tôm, ghẹ, cua), lưới rê tôm 3 lớp (tôm, cá, ghẹ, cua) và lưới rê ghẹ 3 lớp (ghẹ, cá, tôm) (xem thêm [3]). Lưới rê 1 lớp có cấu tạo đơn giản gồm các tấm lưới/ áo lưới hình chữ nhật được lắp ráp giềng phao, giềng chì, phao, chì tạo thành các cheo lưới, các cheo lưới ghép lại với nhau tạo thành vàng lưới rê. Tùy thuộc vào đối tượng đánh bắt, nhu cầu và khả năng nguồn vốn mà các vàng lưới rê có cấu tạo và kích thước khác nhau. Áo lưới là những tấm lưới hình chữ nhật do đan hoặc dệt tạo thành, kích thước mắt lưới của lưới rê phải phù hợp với đối tượng đánh bắt. Dây giềng phao được lắp phao và giềng chì được lắp chì để định hình tấm lưới trong nước. Phao lưới rê được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau như nhựa, xốp tổng hợp. Số lượng và kích thước phao tùy thuộc vào yêu cầu kĩ thuật và vật liệu chế tạo phao. Chì lưới rê được làm bằng chì hoặc đá hoặc vật liệu khác có hình trụ với số lượng tùy theo loại vật liệu và yêu cầu khai thác [3, 6]. Lưới rê 3 lớp được sử dụng rộng rãi tại đầm Nha Phu từ cuối thập niên 80 của thế kỉ XX. Lưới rê 3 lớp thường có năng suất đánh bắt cao hơn và đánh bắt được nhiều loài hơn so với lưới rê 1 lớp, trong đó có tôm và ghẹ là những đối tượng đánh có giá trị. Lưới rê 3 lớp gồm 3 tấm lưới, trong đó tấm có kích thước mắt lưới nhỏ nằm ở giữa hai tấm có kích thước mắt lưới lớn. Các tấm được liên kết lại với nhau thông qua hệ thống dây giềng phao và dây chì tương tự như lưới rê 1 lớp [3]. Với cấu tạo như vậy, tôm cá với kích thước khác nhau có thể bị mắc vào mắt lưới hoặc bị quấn vào lưới. Do vậy, lưới rê 3 lớp là một ngư cụ đánh bắt hiệu quả tại khu vực đầm với nguồn lợi hải sản đa loài với kích cỡ khác nhau [7]. 2.2. Những thay đổi của nghề lưới rê tại đầm Nha Phu 2.2.1. Thay đổi về kích thước mắt lưới Theo ngư dân, hiệu quả đánh bắt của lưới rê phụ thuộc vào một số thuộc tính của lưới. Những thuộc tính này đã được ngư dân sửa đổi/cải biến theo thời gian để tối đa hóa năng suất và hiệu quả đánh bắt của họ. Trong số các thuộc tính này, kích thước mắt lưới là thuộc tính quan trọng nhất. Kích thước mắt lưới của lưới rê thường được đo bằng khoảng cách giữa các nút thắt (a) hoặc đường kéo dài của một mắt lưới (2a). Trong hai loại lưới rê, lưới rê 1 lớp có tính chọn lọc cao vì sử dụng 1 lớp lưới có kích thước đồng nhất. Cũng vì vậy, lưới rê 1 lớp được coi là loại lưới duy nhất đánh bắt được cá có kích thường đồng đều [7]. Ngược lại, lưới rê 3 lớp lại có tính chọn lọc thấp vì chúng được làm bằng 3 lớp lưới có kích thước mắt lưới khác nhau. Như đã đề cập ở trên, ngư cụ này được thiết kế để bắt các loài khác nhau với các kích cỡ khác nhau ở các vùng biển nhiệt đới – với đặc thù đa loài và đa kích cỡ. Kích thước mắt lưới và mức độ chọn lọc của lưới rê có ý nghĩa quan trọng đối với việc khai thác và quản lí nguồn lợi trong đầm. Mặc dù đã có những quy định về kích cỡ mắt lưới, nhưng ngư dân có xu hướng giảm kích thước mắt lưới để tối đa hóa sản lượng đánh bắt của họ. 112 Sự thay đổi của nghề lưới rê và những hệ quả của nó tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa 2.2.2. Thay đổi về độ trong suốt, mềm và mảnh của sợi lưới Các thuộc tính của vật liệu được sử dụng để chế tạo sợi lưới cũng có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả đánh bắt. Trong số các thuộc tính này, mức độ trong suốt, mềm mại và mảnh của sợi lưới là những thuộc tính quan trọng nhất. Theo ngư dân, sản lượng đánh bắt giảm khi mức độ trong suốt của sợi lưới giảm. Điều này đã dẫn đến những thay đổi trong việc sử dụng các vật liệu chế tạo sợi lưới cho lưới rê. Sợi tự nhiên (cotton) có mức độ trong suốt thấp đã dần được thay thế bằng sợi tổng hợp (synthetic fiber) có độ trong suốt cao. Sự xuất hiện của sợi tổng hợp với ưu việt về độ trong suốt đã làm thay đổi căn bản nghề lưới rê tại đầm Nha Phu trong suốt hơn 3 thập kỉ qua. Với độ trong suốt cao, ngư dân có thể sử dụng lưới rê sợi tổng hợp để đánh bắt tại bất kì môi trường nước nào (trong, đục, màu sắc), tại bất kì thời điểm nào (ngày, đêm). Đây là sự khác biệt lớn nhất so với lưới rê làm bằng sợi tự nhiên trước đây – ngư cụ đánh bắt không hiệu quả vì chỉ sử dụng được tại môi trường nước đục hoặc vào buổi chiều tối và ban đêm không có ánh trăng. Chính vì vậy, lưới rê bằng sợi tổng hợp hiện đã thay thế hoàn toàn lưới rê làm bằng sợi tự nhiên. Thuộc tính quan trọng thứ hai của vật liệu chế tạo sợi lưới là độ mềm và độ mảnh của sợi lưới. Theo ngư dân, độ trong suốt của sợi lưới quan trọng hơn độ mềm và độ mảnh của sợi lưới – lưới cứng có độ trong suốt cao sẽ đánh bắt được nhiều hơn lưới mềm có độ trong suốt thấp. Tuy nhiên, nếu so sánh hai loại lưới có độ trong suốt như nhau thì lưới có độ mềm và mảnh cao hơn sẽ đánh bắt được nhiều hơn lưới cứng và thô hơn. Vì vậy, sợi lưới mảnh và mềm ngày càng được ưa chuộng để tăng thêm mức độ trong suốt và sự mềm mại của lưới rê. Cùng chính vì thế mà lưới rê tại đầm Nha Phu còn có tên địa phương khác là lưới bén – loại lưới được dệt bằng sợi rất mảnh. 2.2.3. Xu hướng sử dụng kết hợp và gia tăng chiều dài các loại lưới Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy sự khác biệt đáng kể về mức đầu tư và lợi nhuận kinh tế của các loại lưới. Bảng 1 cho thấy vốn đầu tư ban đầu cho một vàng lưới nhỏ (dùng cho 1 lao động) gia tăng từ lưới cá 1 lớp (khoảng 1,2 triệu đồng) đến lưới cá 3 lớp (1,9 triệu đồng), lưới tôm 3 lớp (2,5 triệu đồng) và lưới ghẹ 3 lớp (3,4 triệu đồng). Theo đó, lợi nhuận kinh tế cũng tùy thuộc vào loại lưới được ngư dân sử dụng. Thông thường, loại lưới có vốn đầu tư cao hơn sẽ cho thu nhập ròng cao hơn. Lưới ghẹ 3 lớp là một ngoại lệ, đòi hỏi đầu tư cao nhất, nhưng thu nhập ròng thấp nhất. Tuy nhiên, ngư dân vẫn sử dụng loại lưới này để tạo nguồn thu nhập bổ sung cho lưới cá và lưới tôm. Bảng 1. Ước tính đầu tư, chi phí và lợi nhuận kinh tế của một vàng lưới rê TT Loại lưới Tổng đầutư (đồng) Chi phí/ngày* (đồng) Tổng thu/ngày (đồng) Thu nhập/ngày (đồng) Chu kì sử dụng (ngày) Bán lưới rách (đồng) 1 Lưới cá 1 lớp (6 tấm) 1.215.500 40.500 100.000 59.500 30 250.000 2 Lưới cá 3 lớp (8 tấm) 1.889.000 21.000 120.000 99.000 90 375.000 3 Lưới tôm 3 lớp (8tấm) 2.544.500 56.500 120.000 63.500 45 800.000 4 Lưới ghẹ 3 lớp (8tấm) 3.396.500 75.500 120.000 44.500 45 750.000 Chi phí/ngày*: Không bao gồm đá, đồ ăn thức uống cho chuyến đánh bắt Nguồn: Nghiên cứu thực địa của tác giả từ 2008 – 2012 và 2015 Theo các ngư dân được phỏng vấn, ngoại trừ lưới cá 3 lớp, thu nhập ròng từ các loại lưới chỉ có thể trang trải được các chi phí cơ bản hàng ngày cho gia đình. Cần lưu ý rằng, các loại lưới sẽ bị rách và bị thay thế sau một khoảng thời gian sử dụng nhất định (trung bình là 30 ngày đối 113 Nguyễn Tường Huy với lưới rê 1 lớp, 45 ngày đối với lưới tôm và ghẹ 3 lớp, 90 ngày đối với lưới cá 3 lớp). Ngư dân có thể bán lưới rách cho người nuôi vẹm xanh hoặc người bẫy tôm hùm giống để được một khoản tiền bằng khoảng 20 – 25% đầu tư ban đầu (xem Bảng 1). Thu nhập từ đánh bắt cá bằng lưới rê không chỉ phụ thuộc vào loại lưới mà còn phụ thuộc vào chiều dài của lưới. Vì vậy, để duy trì và gia tăng sản lượng đánh bắt, ngư dân có xu hướng tăng số lượng tấm lưới – lưới càng dài thì càng đánh bắt được nhiều cá. Tuy nhiên, chiến lược này lại phụ thuộc vào khả năng đầu tư của hộ gia đình. Đối với các hộ ngư dân khá giả, họ có khả năng đầu tư cho vàng lưới dài nhất để tối đa hóa sản lượng đánh bắt. Họ cũng là những người tiên phong trong việc tìm kiếm khu vực đánh bắt tốt hơn, mặc dù ngư trường là một dạng tài nguyên dùng chung. Do đánh bắt được nhiều hơn và có thu nhập cao hơn, các hộ ngư dân khá giả tiết kiệm được nhiều hơn để mua sắm các loại lưới khác cũng như đầu tư vào các sinh kế khác (chẳng hạn như nuôi vẹm xanh, bẫy tôm hùm giống, cho vay) để đa dạng hóa sinh kế và gia tăng thu nhập của họ. Trái lại, những hộ ngư dân nghèo thường gặp khó khăn trong mua sắm nhiều lưới vì họ không có đủ khả năng đầu tư vốn ban đầu. Điều này có nghĩa là họ không thể gia tăng sản lượng đánh bắt và thu nhập để tiết kiệm tiền cho tái đầu tư. Họ cũng không thể đa dạng hóa được sinh kế của gia đình, mà phải chấp nhận nghề lưới rê quy mô nhỏ như một sinh kế chính với thu nhập thấp. Nhiều hộ gia đình đã cố gắng vay mượn từ những người cho vay tư nhân để thoát khỏi tình trạng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm nguồn lợi, thu nhập của họ thường không đủ để trang trải nợ nần với lãi suất rất cao. Cũng cần lưu ý rằng, thu nhập từ đánh bắt cá không chỉ phụ thuộc vào loại lưới và chiều dài vàng lưới (số lượng tấm lưới) mà còn phụ thuộc vào việc sử dụng kết hợp các loại lưới cho một chuyến đi biển trong từng mùa đánh bắt (xem Bảng 2). Do vậy, ngư dân có xu hướng sử dụng kết hợp các loại lưới khác nhau cho một chuyến đi biển. Có hai cách kết hợp các loại lưới: (i) kết hợp lưới ghẹ 3 lớp với lưới tôm 3 lớp, hoặc (ii) kết hợp lưới ghẹ 3 lớp với lưới rê 1 lớp hoặc lưới cá 3 lớp. Sự kết hợp này là do lưới ghẹ 3 lớp được thả và kéo một lần trong khi lưới ghẹ 3 lớp và lưới cá 3 lớp được thả và kéo nhiều lần trong một chuyến đi biển. Sự kết hợp này cũng là do tính mùa vụ của các loài thủy sản trong đầm. Như vậy, để đa dạng hóa và gia tăng thu nhập, ngư dân cần phải đầu tư vào tất cả các loại lưới để có thể đánh bắt được quanh năm. Đây rõ ràng là một trở ngại khó có thể vượt qua đối với các hộ ngư dân nghèo và trung bình vì họ không có vốn đầu tư hoặc không thể cố gắng để đầu tư mua sắm các loại lưới. Ngoài ra, sự hạn chế về ngư trường đánh bắt, đặc biệt là các ngư trường thuận lợi (do sự mở rộng vùng nuôi vẹm xanh và đăng nò về phía nam và phía đông nam của đầm), sự suy giảm nguồn lợi là những thách thức lớn đối với sự phát triển và mở rộng của nghề lưới rê. Bảng 2. Mùa vụ đánh bắt của các loại lưới rê (Nguồn: Nghiên cứu thực địa của tác giả từ 2008 - 2012 và 2015) 114 Sự thay đổi của nghề lưới rê và những hệ quả của nó tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa 2.3. Một số hệ quả kinh tế, xã hội và tài nguyên 2.3.1. Thu nhập thấp và bất bình đẳng về thu nhập Tiếp cận mở (open-access) là một đặc trưng của nguồn lợi thủy sản trong đầm. Vì vậy, tài nguyên này thường được coi là một nơi an toàn, một nguồn tài nguyên cuối cùng cho lao động tại các các cộng đồng dân cư thiếu đất nông nghiệp và thất nghiệp. Đây chính nguyên nhân chủ yếu của việc đánh bắt quá mức và là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng nghèo khó trong các cộng đồng nghề cá quy mô nhỏ [4, 5]. Tại đầm Nha Phu, trong bối cảnh hạn chế về sinh kế, những nỗ lực chuyển đổi nghề lưới rê nhằm duy trì và gia tăng sản lượng đánh bắt đã dẫn việc khai thác quá mức. Hệ quả trực tiếp là thu nhập thấp do sản lượng thấp và chi phí sản xuất cao. Quan sát Bảng 1 cho thấy, ngoại trừ lưới cá 3 lớp, tỉ lệ chi phí trên tổng thu của một chuyến đi biển chiếm từ 40% (lưới rê 1 lớp) đến 63% (lưới ghẹ 3 lớp). Như đã đề cập ở trên, thu nhập từ đánh bắt cá bằng lưới rê không chỉ phụ thuộc vào loại lưới, chiều dài của lưới và sự kết hợp của các loại lưới. Vì vậy, để tăng thu nhập, ngư dân có xu hướng (i) tăng số lượng tấm lưới và (ii) kết hợp các loại lưới khác nhau trên cùng một chuyến đi biển. Tuy nhiên, chiến lược này lại phụ thuộc vào khả năng đầu tư của hộ gia đình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng trong phân bố thu nhập giữa các hộ ngư dân. Đối với các hộ gia đình ngư dân khá giả, họ có thể đầu tư mua sắm đủ các loại lưới với số lượng tấm lưới nhiều nhất để tối đa hóa sản lượng đánh bắt. Do đánh bắt được nhiều hơn và có thu nhập cao hơn, họ tiết kiệm được nhiều hơn để mua sắm các loại lưới khác cũng như đầu tư vào các sinh kế khác để đa dạng hóa sinh kế và gia tăng thu nhập. 2.3.2. Nợ nần vì đầu tư quá mức và chi phí sản xuất cao Quá trình chuyển đổi nghề lưới rê cũng dẫn đến tình trạng nợ nần của các hộ ngư dân nghèo do đầu tư quá mức và chi phí sản xuất cao. Đầu tư cho nghề lưới rê tại đầm Nha Phu hiện không mang lại hiệu quả kinh tế cao so với việc đầu tư vào các sinh kế khác. Thực tế này cũng cho thấy nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép. Bảng 1 cung cấp ví dụ về mức độ đầu tư quá mức của lưới rê tại đầm Nha Phu. Nhiều ngư dân đã phản ánh rằng, lợi ích kinh tế trong một chu kì sử dụng lưới rê trên thực tế chỉ là số tiền thu được từ việc bán lưới rách trong khi khoản đầu tư ban đầu của họ đã biến mất. Điều này có nghĩa rằng, họ không thể tiết kiệm tiền từ việc đánh bắt cá bằng lưới rê mà phải tìm các nguồn vốn khác để mua sắm lưới rê mới. Trong nhiều trường hợp, họ phải đi vay từ người cho vay tư nhân với lãi suất rất cao. Tình trạng nợ nần khá phổ biến tại các cộng đồng ngư dân làm nghề lưới rê trên đầm Nha Phu. Thu nhập thường không đủ trang trải nhu cầu tồn tại của gia đình hoặc có dư thì cũng không đáng kể. Đối với các gia đình có thặng dư thì cũng sử dụng sử dụng nó một cách nhanh chóng trong thời gian không thể đi biển hoặc chi tiêu cho việc cải thiện ngư cụ, sửa chữa nhà ở hoặc cho hiếu hỉ. Khi số tiền thặng dư đã bị chi tiêu, hoặc không đánh bắt được cá tôm, ngư dân thường phải trông cậy vào nguồn tín dụng với lãi suất cao với hi vọng là họ có thể trang trải được bằng các chuyến đi biển tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho rằng, họ đang phải đối mặt sự gia tăng số ngày đi biển không có sản phẩm hoặc có rất ít sản phẩm. Do đó, các hộ gia đình này đã phải vay từ người cho vay tư nhân với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình. Bằng cách này, họ bị mắc kẹt trong một chu kì vô tận và vô vọng của nợ nần vì số tiền vay dần dần vượt quá khả năng trả nợ của họ. Theo ước tính của những người cung cấp thông tin chính, có tới 60% số hộ gia đình làm nghề lưới rê ở các làng chài mắc nợ. 115 Nguyễn Tường Huy 2.3.3. Suy giảm nguồn lợi và một số tác động xã hội khác Những thay đổi về kích thước mắt lưới và vật liệu (với những thuộc tính như độ trong suốt, mềm và mảnh của sợi lưới) chế tạo lưới rê có ý nghĩa quan trọng đối với nghề cá tại đầm Nha Phu. Trong khi lưới rê 1 lớp có mức độ chọn lọc cao do có một lớp lưới với kích thước mắt lưới đồng nhất, lưới rê 3 lớp lại có mức độ chọn lọc rất thấp vì sử dụng ba lớp lưới với kích thước mắt lưới khác nhau. Về phương diện quản lí nguồn lợi, mức độ chọn lọc cao là một ưu việt nổi trội của lưới rê 1 lớp đối với nguồn lợi so với lưới rê 3 lớp và các ngư cụ khác. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã có quy định về kích thước mắt lưới, cấm các loại lưới có kích thước mắt lưới quá nhỏ để bảo vệ nguồn tôm cá chưa trưởng thành. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng dân số, sức ép về sinh kế và sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, ngư dân có xu hướng giảm kích thước mắt lưới để đảm bảo sản lượng đánh bắt của họ. Đây chính là những tác nhân làm cho nguồn lợi trong đầm suy giảm và mất cân bằng nghiêm trọng. Tiếp cận mở đối với các nguồn tài nguyên thủy sản trong bối cảnh quản lí tài nguyên thiếu hiệu quả cũng được coi là những tác nhân quan trọng [1]. Bên cạnh việc giảm kích thước mắt lưới, ngư dân đã thay thế các loại sợi tự nhiên có độ trong suốt thấp, cứng và thô bằng lưới rê làm bằng sợi tổng hợp trong suốt, mềm mại và mảnh hơn để gia tăng sản lượng đánh bắt. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đã gia tăng áp lực lên nguồn lợi thủy sản trong đầm. Thêm vào đó, ngư dân cũng phải phụ thuộc vào lưới nhập khẩu vì họ không có khả năng để sản xuất lưới với các thuộc tính tương tự (Hình 2). Trong bối cảnh thu nhập thấp, nhiều ngư dân không có đủ tiền để mua lưới rê, và họ phải phụ thuộc vào các nguồn vốn vay tư nhân. Lưới rê dệt bằng sợi rất mảnh và mềm, rất dễ bị rách và rất khó vá thủ công. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận kinh tế từ đánh bắt mà còn làm suy giảm lợi thế nguồn vốn con người của gia đình. Những người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em hiện ít có cơ hội đan mới hoặc sửa chữa lưới rê cho gia đình hoặc làm thuê cho người khác. Trong bối cảnh hạn chế sinh kế phụ và sinh kế thay thế tại các cộng đồng nghề cá, sự suy giảm lợi thế về nguồn nhân lực là điều đáng lưu tâm, mặc dù lợi nhuận kinh tế hữu hình do nguồn lực này đem lại là không đáng kể. Như vậy, những lợi thế ban đầu của lưới rê đã giảm đi khi chúng được sử dụng phổ biến trong đánh bắt tại đầm Nha Phu. Otto Gabriel và cộng sự [7] đã khẳng định rằng, nghề cá sử dụng số lượng lớn lưới rê hiện nay đã trở nên không có hiệu quả kinh tế. Hình 2. Các loại lưới rê nhập khẩu từ Khon Kean, Thái Lan (Nguồn: Nghiên cứu thực địa của tác giả từ 2008 - 2012) 116 Sự thay đổi của nghề lưới rê và những hệ quả của nó tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa 2.3.4. Chiến lược đối phó không vền vững và hệ lụy Để đối phó với sự cạn kiệt tài nguyên và tình trạng thu nhập thấp, ngư dân đã áp dụng một số chiến lược để nâng cao sinh kế của họ. Trong số này, sử dụng lưới rê có kích thước mắt lưới nhỏ hơn để đánh bắt tất cả các loài thủy sản với kích cỡ khác nhau là một phương kế phổ biến. Phương kế này có thể đáp ứng nhu cầu của ngư dân trong ngắn hạn nhưng lại làm phương hại đến những lợi ích lâu dài trong duy trì sự bền vững của nguồn lợi. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân cũng sử dụng những ngư cụ bất hợp pháp như te điện, lưới điện nhằm duy trì sự tồn tại của gia đình trong những thời điểm khó khăn. Những ngư cụ này cũng là các tác nhân trực tiếp của sự suy kiệt tài nguyên dùng chung trong đầm Nha Phu. Ngoài ra, đánh bài, đánh bạc, vay nóng, chơi hụi họ. . . là một số biện pháp khá phổ biến đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trung niên (đối tượng thất nghiệp và thiếu việc làm chủ yếu tại các cộng đồng nghề cá), để đối phó với tình trạng suy giảm nguồn lợi và thu nhập thấp. Trong số này, vay nóng với lãi suất rất cao để trang trải cho nhu cầu sinh sống tối thiểu hàng ngày của gia đình là đáng báo động. Tình trạng người vay nợ không thể trả được nợ khá phổ biến đã làm cho nhiều hộ ngư dân, đặc biệt là các hộ ngư dân nghèo lún sâu vào nợ nần chống chất và hệ lụy là sự bất ổn trong quan hệ gia đình và cộng đồng. 3. Kết luận Lưới rê là nghề cá truyền thống và hiện vẫn là một sinh kế quan trọng của cộng đồng ngư dân ven đầm Nha Phu. Nghề lưới rê ở đây đã trải qua những thay đổi đáng kể trong hơn ba thập kỉ qua. Bài báo đã phác họa những thay đổi cơ bản của nghề lưới rê, nhận diện và thảo luận một số hệ quả kinh tế, xã hội và tài nguyên của những thay đổi này. Để gia tăng sản lượng đánh bắt trong bối cảnh suy giảm nguồn lợi, ngư dân có xu hướng sử dụng lưới rê có kích thước mắt lưới nhỏ hơn và độ chọn lọc thấp hơn. Bên cạnh đó, các loại sợi tự nhiên có độ trong suốt thấp, cứng và thô hơn đã bị thay thế bằng sợi tổng hợp có độ trong suốt cao, mềm và mảnh hơn. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng dân số và sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, xu hướng này đã gia tăng áp lực đối với các nguồn tài nguyên trong đầm. Thu nhập từ đánh bắt cá không chỉ phụ thuộc vào loại lưới mà còn phụ thuộc vào việc sử dụng kết hợp các loại lưới và chiều dài vàng lưới. Vì vậy, ngư dân phải đầu tư vào tất cả các loại lưới với chiều dài vàng lưới lớn nhất để đa dạng hóa và gia tăng và thu nhập của họ. Tuy nhiên, những chiến lược này lại phụ thuộc vào khả năng đầu tư của các hộ ngư dân. Chính điều này đã gây ra các hệ lụy về bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lợi, sản lượng đánh bắt và cuối cùng là thu nhập giữa các nhóm ngư dân. Thêm vào đó, đầu tư quá mức và chi phí sản xuất cao đã làm cho thu nhập từ nghề lưới rê có xu hướng giảm. Ngư dân đang bị cuốn vào cái bẫy thu nhập thấp – gia tăng cường lực khai thác – suy giảm nguồn lợi – thu nhập thấp – nợ nần và suy giảm nguồn vốn con người. Nghề cá nói chung, nghề lưới rê nói riêng đang đứng trước nguy cơ ‘bi kịch của cái chung’ mà Harrett Gardin đã cảnh báo [8]. Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng một chiến lược để giảm bớt áp lực lên nghề cá. Trong đó, đa dạng hóa sinh kế bên trong và bên ngoài nghề cá, phát triển các sinh kế thay thế và sinh kế phụ cho ngư dân, đặc biệt là ngư dân nghèo và lao động nữ là những giải pháp ưu tiên. Một cơ chế sử dụng và quản lí tài nguyên dùng chung hợp lí, khả thi cần phải được xác lập để tái tạo và phát triển các nguồn lợi trong đầm. Lời cảm ơn: Tác giả bài báo xin chân thành cảm ơn Dự án Thách thức của sự chuyển đổi nông nghiệp – nông thôn tại Đông Nam Á (ChATSEA) và Trung tâm Địa lí Ứng dụng - Trường Đại 117 Nguyễn Tường Huy học Sư phạm Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí cho việc thực hiện các nghiên cứu thực địa trong khoảng thời gian từ 2008 - 2012. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Văn Quỳnh Bôi, Trần Văn Phước và Vũ Thị Thuỳ Minh, 2010. Quyền tài sản đối với nguồn lợi thuỷ sản tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hoà. In trong Trương Văn Tuyển và Lê Thị Hoa Sen (Chủ biên), Phát triển đồng quản lí tài nguyên dùng chung ven biển miền Trung Việt Nam, tr. 204-225. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội. [2] Nguyễn Tường Huy, 2015. Sự phát triển của nghề nuôi vẹm xanh và một số vấn đề liên quan tại đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa. Tạp chí Khoa học – ĐHSP Hà Nội, tập 60, số 5, tr. 138-146. [3] Nguyễn Phi Toàn, Lại Huy Toàn, 2007. Kĩ thuật khai thác thủy sản bằng lưới rê. In trong Hội Nghề cá Việt Nam: Bách khoa Thủy sản. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, tr. 251-53. [4] Conner Bailey, 1994. Employment, labour productivity and income in small-scale fisheries of South and Southeast Asia. In Indo-Pacific fishery commission, Proceedings of the symposium on socio-economic issues in Coastal Fisheries Management. RAPA Publication 1994/8, 23–26 Nov 1993, Bangkok, Thailand, pp. 24–45. [5] Christophe Béne, 2003. When fishery rhymes with poverty: a first step beyond the old paradigm on poverty in small-scale fisheries. World Development, 31(6), pp. 949–975. [6] FAO, 2001-2016. Fishing Gear types. Gillnets and entangling nets. Technology Fact Sheets. In: FAO Fisheries and Aquaculture Department [online]. Rome. Updated 13 September 2001. [Cited 15 September 2016] [7] Otto Gabriel, Klaus Lange, Erdmann Dahm, Thomas Wendt, 2005. Fish catching methods of the world. Von Brat’s: Wiley-Blackwell. [8] Harrett Gardin, 1968. The Tragedy of the Commons. Science, 162 (3859), pp. 1243-1248. [9] Nguyen Tuong Huy, 2014. Transformation of Fish Corrals in Nha Phu Lagoon, Vietnam: Livelihood Changes and Implications. Australian Geographer, 45(3), Special Issue: Flexible Livelihoods in a Complex World: Asian lives and economies in transition, pp. 393-406. [10] Nguyen Tuong Huy, 2013. Transformation of Coastal Fisheries in Nha Phu Lagoon of Vietnam; Livelihood changes and Implications. PhD Thesis, University of Sydney, Australia. ABSTRACT The changes of gill-net fisheries and associated consequences in Nha Phu lagoon, Khanh Hoa province Nguyen Tuong Huy Faculty of Geography, Hanoi National University of Education Small-scale fisheries in Nha Phu lagoon have undergone rapid transformation over the last three decades. This article analyses the changes in gill-net fisheries and the economic, social and resource consequences of these changes. Fishermen tend to use gill-nets that have smaller mesh sizes and lower degrees of selectivity to maximize their catch. These changes have important implications for the exploitation and the management of resources in the lagoon. Fishermen also tend to use a combination of different gill-nets and to increase the length of gill-nets in order to maintain their catch and income. These strategies, however, depend largely on the households’ investment ability. In this context, low income and income disparity, unsustainable coping strategies, and resource depletion are notable consequences of the changes. Keywords: Livelihood, inequality, sustainability, fishery, poverty. 118

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4534_nthuy_544_2131895.pdf
Tài liệu liên quan