Số phận của “ngôn quan” thời Lê Sơ: Góc nhìn từ mối quan hệ giữa vua và chức quan ngự sử

Tài liệu Số phận của “ngôn quan” thời Lê Sơ: Góc nhìn từ mối quan hệ giữa vua và chức quan ngự sử: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0067 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 105-111 This paper is available online at SỐ PHẬN CỦA “NGÔN QUAN” THỜI LÊ SƠ: GÓC NHÌN TỪ MỐI QUAN HỆ GIỮA VUA VÀ CHỨC QUAN NGỰ SỬ Phan Ngọc Huyền Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Thời kì Lê Sơ, cơ quan Ngự sử đài được tổ chức hoàn thiện hơn và quy củ hơn so với thời Trần. Chức năng “ngôn quan” (giữ lời nói) của các quan Ngự sử cũng được đề cao, đặc biệt trong việc can gián, góp ý vua. Song cũng vì chức nhiệm cao cả này mà sinh mệnh chính trị của quan Ngự sử nhiều khi rất mong manh. Họ có thể bị thuyên chuyển công tác, cắt chức, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng để làm tròn chức trách của mình. Bài viết này nhằm xem xét số phận của các viên quan thuộc Ngự sử đài đặt trong mối quan hệ với vua. Những kiến giải của bài viết sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn chức năng, vai trò và số phận của “ngôn quan” dưới thời Lê Sơ. Từ khóa: Lê Sơ, Ngự sử đài, Ngôn quan, Đ...

pdf7 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 302 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Số phận của “ngôn quan” thời Lê Sơ: Góc nhìn từ mối quan hệ giữa vua và chức quan ngự sử, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0067 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 105-111 This paper is available online at SỐ PHẬN CỦA “NGÔN QUAN” THỜI LÊ SƠ: GÓC NHÌN TỪ MỐI QUAN HỆ GIỮA VUA VÀ CHỨC QUAN NGỰ SỬ Phan Ngọc Huyền Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Thời kì Lê Sơ, cơ quan Ngự sử đài được tổ chức hoàn thiện hơn và quy củ hơn so với thời Trần. Chức năng “ngôn quan” (giữ lời nói) của các quan Ngự sử cũng được đề cao, đặc biệt trong việc can gián, góp ý vua. Song cũng vì chức nhiệm cao cả này mà sinh mệnh chính trị của quan Ngự sử nhiều khi rất mong manh. Họ có thể bị thuyên chuyển công tác, cắt chức, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng để làm tròn chức trách của mình. Bài viết này nhằm xem xét số phận của các viên quan thuộc Ngự sử đài đặt trong mối quan hệ với vua. Những kiến giải của bài viết sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn chức năng, vai trò và số phận của “ngôn quan” dưới thời Lê Sơ. Từ khóa: Lê Sơ, Ngự sử đài, Ngôn quan, Đài quan, can gián. 1. Mở đầu “Ngôn quan” là thuật ngữ dùng để chỉ đội ngũ quan viên có chức năng chính bao gồm tấu (nêu/bày tỏ ý kiến với vua) và hặc (hạch tội/vạch ra những hành vi trái phép của quan lại). Đội ngũ “ngôn quan” thời Lê Sơ bao gồm các viên quan ở Ngự sử đài và Lục khoa trong triều đình cùng với Hiến sát sứ ti ở các đạo. Đây là những quan lại có chức nhiệm đặc biệt – chức quan “giữ lời nói” nên sự nghiệp quan trường và sinh mệnh chính trị của họ cũng rất đặc biệt. Trong phạm vi bài viết này, số phận của “ngôn quan” được giới hạn từ góc nhìn về mối quan hệ giữa vua và các chức quan thuộc Ngự sử đài (còn được gọi tắt là Ngự sử hoặc Đài quan). Đây là một hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu về quan chế Đại Việt dưới thời Lê Sơ. Trên thực tế, cho đến nay những công bố liên quan đến chủ đề này rất ít và mới chỉ có một số bài viết trên tạp chí như Đài quan thời Lê Sơ của Đào Tố Uyên và Phan Ngọc Huyền (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 11 năm 2010, tr.34-44), Tư hiến phủ (vương triều Triều Tiên) trong sự đối sánh với Ngự sử đài (Vương triều Hậu Lê) của Phan Ngọc Huyền [4;69-79]. Các bài viết này đã bước đầu khảo cứu về cơ chế tuyển chọn, quyền hạn, vai trò và hạn chế của chức quan Ngự sử dưới vương triều Lê Sơ. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu về số phận của chức quan Ngự sử đặt trong mối quan hệ với vua dưới triều đại này vẫn là một đề tài rất mới. Nghiên cứu này vì vậy sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn địa vị và số phận của “ngôn quan” dưới thời Lê Sơ. Đó cũng là cơ sở giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ tương tác quyền lực trong thiết chế chính trị Đại Việt từ đầu thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XVI. Ngày nhận bài: 5/2/2016. Ngày nhận đăng: 20/5/2016 Liên hệ: Phan Ngọc Huyền, e-mail: huyenpn@hnue.edu.vn/ ngocdenvt2004@gmail.com 105 Phan Ngọc Huyền 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Từ chức nhiệm góp ý và can gián vua việc tu thân, trị quốc Ngự sử đài là cơ quan thanh tra, giám sát quan lại tối cao được thành lập từ thời Trần và phát triển khá hoàn thiện dưới thời Lê Sơ (1428 - 1527). Chức nhiệm của các quan viên thuộc Ngự sử đài được Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (phần Quan chức chí) khái quát là “Đàn hặc các quan, nói bàn về chính sự hiện thời” [1;585]. Khảo cứu cụ thể hơn thì thấy bên cạnh nhiệm vụ đàn hặc sai phạm của quan lại các cấp và làm một số công việc kiêm nhiệm khác (như công đồng xét án, bình duyệt thăng bổ quan lại, trông coi và đọc quyển thi hội, đi sứ và cống sứ...) còn có trọng trách góp ý, can gián vua trong việc tu thân sửa đức, quản lí triều đình và cai trị thiên hạ [4;36-40]. Các quan Ngự sử thời Lê Sơ thường dâng tấu sớ khuyên nhủ, can gián vua trong hai trường hợp: Một là, góp ý với vua khi bản thân nhà vua có những khiếm khuyết (trong thói quen, phong thái và cách hành xử); Hai là, góp ý với vua nếu các quyết sách trị quốc và thi hành chính lệnh của triều đình chưa được chuẩn mực (trong cách dùng người, cách thưởng phạt triều thần. . . ). Với chức trách như vậy, các quan Ngự sử thời Lê Sơ ngoài trình độ học vấn cao (thường phải đỗ Tiến sĩ), có đạo đức trong sáng còn phải có bản lĩnh cương trực, dũng cảm, dám nói dám làm. Về mặt hình thức, chức trách can gián và góp ý vua của các quan Ngự sử đều được những người đứng đầu triều đình thời Lê Sơ cho phép, thậm chí còn khuyến khích dâng lời nói thẳng. Từ thời Lê Thái Tổ, nhà vua đã cho các quan viên thuộc Ngự sử đài được phép tâu bày, góp ý nếu “thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, hại cho lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo phép xưa. . . ” [2;100]. Vua Lê Thái Tông cũng hạ chiếu dụ cho các quan lại trong triều đình nếu thấy việc làm của mình có gì lỗi lầm thì được phép “can gián rõ ràng, giúp chỗ thiếu sót” [2;180]. Tháng 5 năm 1456, vua Lê Nhân Tông tiếp tục ban chiếu răn dạy trăm quan phải cẩn thận làm tròn chức vụ của mình, trong đó yêu cầu: “Các quan ở Ngự sử đài thì nên giúp vua sửa điều lỗi, chữa điều lầm, trừ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện. . . ” [3;461] Trong giai đoạn Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497), nhà vua rất coi trọng ý kiến bàn luận chính sự của “ngôn quan”, trong đó có các quan lại thuộc Ngự sử đài. Trong lời dụ vào năm 1487, Lê Thánh Tông xếp các quan ở Ngự sử đài cùng với Lục khoa ở vị trí đầu theo thứ tự những thành phần được bàn việc triều chính. Tuy nhiên, nhà vua cũng yêu cầu: “Lời bàn luận được rõ ràng, không ai được phụ họa theo đuôi ý nghĩa câu nói của người khác, hoặc ngậm miệng không bàn luận gì. . . ” [3;560]. Lời dụ này cho thấy Lê Thánh Tông cũng rất muốn được lắng nghe những lời can gián ngay thẳng từ các quan Ngự sử. Tổng hợp ghi chép trong sử cũ thì có thể thấy những lời dụ của các vua thời Lê Sơ nhìn chung đều thể hiện rõ sự trọng thị đối với “ngôn quan”. Sự trọng thị này bắt nguồn từ vai trò của các quan Ngự sử không chỉ là “tai mắt” của vua trong việc thanh tra, giám sát hàng ngũ quan lại mà còn là “chỗ dựa” cho vua trong công việc quản lí triều đình. Ngược lại, đối với các Đài quan, sự cương trực, dũng cảm sao cho “danh xứng kì chức” phải thể hiện trong việc kịp thời nhìn ra vấn đề, thẳng thắn góp ý và khuyên can vua nếu thấy bản thân nhà vua nói riêng và công việc điều hành triều chính nói chung có sự bất cập. Trên thực tế, hầu hết các viên quan Ngự sử thời Lê Sơ đã làm tròn chức trách của mình khi ở địa vị là “ngôn quan”. Tháng Giêng năm 1435, nhận thấy vua Thái Tông chưa chăm chỉ học hành, phong thái thiết triều lại chưa nghiêm chỉnh và có phần lơ là việc nước, các quan viên thuộc Ngự sử đài là Phan Thiên Tích, Lương Thiêm Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ đã phân tích và chỉ ra một cách cụ thể sáu điều không nên của nhà vua: 106 Số phận của “ngôn quan” thời Lê sơ: góc nhìn từ mối quan hệ giữa vua và chức quan ngự sử “Đức tiên đế gội gió, chính mình mặc áo giáp, đội mũ trụ, nhọc tinh thần, mệt thể chất hàng hơn 10 năm, mới dẹp yên được thiên hạ. Bệ hạ được nối cơ nghiệp sẵn sàng, đáng nên lưu tâm vào học thuật, chăm cầu người hiền để lo toan cho nước được thêm thịnh trị. Thế mà nay đại thần xin lựa văn thần vào hầu học tập ở Kinh Diên, bệ hạ lại bỏ qua, không xét! Đó là một điều không nên. Tiên đế chọn người làm mẫu sư để khuyên dạy ở trong cung, thế mà bệ hạ lại khinh nhường quở mắng, không nghe! Đó là hai điều không nên. Thần phi và Huệ phi [vợ lẽ của Lê Thái Tổ - T.G chú] vào cung để khuyên răn dạy bảo thì bệ hạ vội trước sai đóng cửa, không cho vào. Đó là ba điều không nên. Trong đám bệ vệ quản lãnh thấy bệ hạ không đọc sách, lại cầm cung đi bắn chim, có người đứng ra can ngăn, nhưng bệ hạ không nghe, lại giơ cung để bắn người ta! Đó là bốn điều không nên. Tiên đế lựa lấy con em các công thần để hầu bệ hạ học tập, nhưng bệ hạ đều nhạt nhẽo, xa lánh; chỉ chơi đùa với những kẻ hầu cận sã suồng. Đó là năm điều không nên. Phàm người làm vua tất phải tìm kiếm bậc hiền tài, thưởng cho những người biết nói thẳng, cố can ngăn và có công lao; thế mà nay bệ hạ lại chơi đùa và ban thưởng cho hoạn quan. Đó là sáu điều không nên” [3;422-423]. Các quan Ngự sử cũng không ngần ngại khuyên vua Lê Thái Tông: “Những khi ra coi triều, hoặc tiếp các đại thần, hoặc nghe bầy tôi tâu bày chính sự, phải nên giữ vẻ tôn nghiêm, bình tĩnh, ngay thẳng. Bằng dung nghi hòa nhã của thiên tử, bệ hạ kính trọng bậc đại thần, an ủi người có công, dung nạp những người can ngăn thẳng thắn để mở rộng đường ngôn luận, thấu suốt tình hình kẻ dưới” [3;423]. Tuy nhiên, vua Thái Tông bấy giờ còn ở tuổi ham chơi nên vẫn có phần vẫn lơ là việc học, hàng ngày thường cùng với bọn hầu cận chơi đùa ở trong cung. Vua lại yêu dùng bọn hoạn quan. Đại tư đồ Lê Sát thấy vậy xin giết bọn ấy đi, vua không nghe nên Lê Sát lo nghĩ, cáo ốm không vào chầu. Quan Ngự sử Phan Thiên Tước tâu rằng: “Các đế vương xưa sở dĩ thánh đức ngày một thêm lên, chưa có bậc nào là không do học vấn. Huống chi bệ hạ đương lúc trẻ, trị đạo của đời xưa nay chưa biết đủ hết, bọn Đại tư đồ Lê Sát chọn lấy nho thần vào hầu bên cạnh vì có ý muốn bệ hạ được như vua Nghiêu, vua Thuấn mà thôi, sao bệ hạ lại không nghĩ đến tông miếu xã tắc mà trái lòng trung thành của họ, để cho họ lo nghĩ mà không vào chầu” [2;147-148]. Tờ sớ có nội dung can gián của đài quan khiến vua Lê Thái Tông rất giận và lập tức cho người tra hỏi xem ai đã mách bảo những chuyện trên. Đài quan Phan Thiên Tước không ngần ngại trả lời và thể hiện bản lĩnh dám nói dám làm của mình: “Chúng tôi chỉ cốt hết lòng yêu vua, làm tròn chức vụ, dù chết cũng chẳng lo gì!" [3;423]. Dưới triều vua Lê Thái Tông, khi thấy triều đình đưa ra chủ trương chưa thỏa đáng về việc không miễn thuế trên đất trồng dâu, cấy lúa cho những người góa vợ, góa chồng khi bàn định ngạch thuế, quan Ngự sử Phan Thiên Tước lại dâng sớ khuyên vua: “Người người không vợ và góa chồng, chính sách của người vương giả vẫn chiếu cố, nay ban ơn cho quân dân mà hạng kia không được dự, thế thì họ không phải là dân của vua ư?” [2;150]. Phan Thiên Tước cũng không ngần ngại trả lời Đại tư đồ Lê Sát chức trách vì sao phải cứ phải “nói mãi không thôi” của mình: “Còn thời tiên đế tôi chưa được có trách nhiệm nói. Nay trách nhiệm tôi phải nói là muốn thành việc tốt cho nhà nước, có phải lợi riêng mình đâu?” [2;150-151]. Đối với việc dùng người không đúng mực, các quan viên thuộc Ngự sử đài đã không ngần ngại khuyên vua phải thận trọng, xem xét kĩ lưỡng. Ngự sử Đinh Cảnh An đã mạnh dạn chỉ ra cho vua Thái Tông rằng “Nhữ Soạn là người tham ô, ba lần phạm pháp, nay lại được làm quan tứ phẩm thì lấy gì mà khuyên răn người khác” [2;164]. Cũng liên quan đến việc dùng người không hợp lí của vua Lê Thái Tông, quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ từng thẳng thắn can ngăn vua: “Bệ hạ từ khi lên 107 Phan Ngọc Huyền ngôi đến giờ, thay đổi nhiều việc của tiên đế đã làm. Kìa như Lễ Bộ ti đồng giám là Lương Đăng, tiên đế thấy hắn biết chút chữ nghĩa, cho làm nội nhân phó chưởng, nhưng rồi thấy hắn chỉ khúm núm bề ngoài, không thẳng thắn, không thể gần gũi được, nên mới cho hắn ra làm văn đội. Thế mà nay lại cho lên làm chức quan to. Vậy xin bệ hạ nghĩ lại” [3;433]. Đến giai đoạn trị vì của Lê Thánh Tông, các viên quan trong Ngự sử đài vẫn giữ vai trò trọng yếu trong đội ngũ quan lại của triều đình. Với chức nhiệm được giao phó, “ngôn quan” thuộc Ngự sử đài đã nhiều lần dâng sớ phân tích và khuyên nhủ nhà vua trong việc thi hành các chính lệnh của triều đình. Quyền Ngự sử đại phu Trần Bàn từng khuyên vua Lê Thánh Tông nên xem xét việc cử người chuyên phụ trách công văn, giấy tờ để khắc phục tình trạng tồn đọng: “Định lệ từ nay trở đi các phủ huyện đều đặt một người duyên lại thường xuyên, am hiểu sổ sách giấy tờ và biết viết biết tính để giữ công văn giấy tờ. Như thế thì sổ sách giấy tờ không đến chậm đọng nữa, mà dân khỏi khổ vì ở lại hầu kiện lâu ngày” [2;267]. Cũng trong thời kì Lê Thánh Tông trị vì, Phó Đô ngự sử Quách Đình Bảo cũng mạnh dạn khuyên nhà vua nên cân nhắc việc ân xá cho phạm nhân: “Những kẻ phạm tội như đại ác, đại nghịch, bội bạn, trộm cướp, hối lộ, xui kiện, cường hào hống hách, gian dâm, tham ô, hoạn quan hãm hại, cố ý giết người là những tội gặp xá thường không được tha. Còn các tội vặt, tuy việc phát ra về sau khi có xá mà đã phạm từ trước khi có xá thì đều xá cả rộng ơn thánh” [2;386]. Liên quan đến việc thưởng phạt người có công sao cho công bằng, năm 1499, Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm khuyên vua Lê Hiến Tông rằng: “Việc thưởng và phạt là quyền lớn của đế vương dùng để khuyên đời: thưởng xứng đáng với công lao từng người, phạt xứng đáng với tội lỗi từng người, thì người ta ai cũng biết khuyên răn” [3;580]. Đến thời kì cuối của vương triều Lê Sơ, trong bối cảnh “vận nước đã suy, lòng người đã lìa” [2;592], vua Lê Cung Hoàng chỉ nắm hư danh, quyền hành nằm hết trong tay đại thần Mạc Đăng Dung, các quan thuộc Ngự sử đài vẫn cố gắng thực hiện chức trách “ngôn quan” của mình. Tháng 7 năm 1526, Đô ngự sử Nguyễn Mậu tâu rằng: “Coi quân thì có các chức vệ, ti, sở; coi dân thì có các chức phủ, huyện, châu, về cách bổ dụng không thể không công bằng. Cúi xin từ nay trở đi, các chức nói trên có chức nào khuyết, viên trưởng quan có trách nhiệm làm bản tâu lên, giao cho bộ Lại chiếu theo chỗ khuyết mà nhắc bổ theo như lệ. Nếu viên nào còn đệ bản xin ứng cử hay xin thăng thì Lại khoa bác bỏ đi, để tỏ bổ dụng công bằng” [2;598]. Cho đến trước khi nhà Lê Sơ bị mất vào tay họ Mạc vài tháng, Đô ngự sử Nguyễn Mậu vẫn trăn trở với việc nước, dâng sớ khuyên Lê Cung Hoàng: “Các chức Tán lý, Ký lục, Tướng thần lại, người nào có quân công đã làm bản tâu mà nên dẫn tuyển thì định từng hạng, theo thứ tự mà tăng bổ các chức mục dân thủ lĩnh, nếu người nào không hợp lệ tư cách thì bổ các chức Trung uý, Bách hộ, để khỏi tệ nhũng lạm” [2;599]. Những lời tâu bày, can gián thẳng thắn với vua trong công việc trị nước như trên đã cho thấy bản lĩnh và trách nhiệm của các quan viên ở Ngự sử đài trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không quên chức phận “ngôn quan” của mình. Những cũng vì bản lĩnh và sự cương trực như vậy, con đường hoạn lộ cũng như sinh mệnh chính trị của Đài quan đôi khi thay đổi theo chiều hướng xấu chỉ sau một lời can gián. 2.2. Đến số phận chính trị mong manh của kẻ bề tôi “giữ lời nói thẳng” Là những chức quan “giữ lời nói” các quan viên thuộc Ngự sử đài có điều kiện giao tiếp với vua nhiều hơn, được bày tỏ chính kiến và quan điểm của mình trước vua nhiều hơn các đối tượng khác. Nhưng cũng chính vì vậy mà chức phận và số mệnh chính trị của họ nhiều khi đi liền với nhau: vinh quang ít mà cay đắng nhiều. 108 Số phận của “ngôn quan” thời Lê sơ: góc nhìn từ mối quan hệ giữa vua và chức quan ngự sử Trên thực tế, nhờ bản lĩnh cương trực, dám bày tỏ chính kiến ngay thẳng và đa phần đều chỉ ra đúng bản chất vấn đề với lập luận và dẫn chứng có tính thuyết phục, không phải mọi ý kiến của Ngự sử đài quan đều không được vua coi trọng. Theo chính sử thời Lê, đã có không ít ý kiến của các quan Ngự sử được vua nghe theo và đồng ý, thậm chí còn khen ngợi. Khi khuyên can vua Lê Thái Tông, các viên Ngự sử là Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ đã đại diện cho tiếng nói chung của “ngôn quan”: “Chúng tôi lạm giữ chức can ngăn, sợ nhà vua mắc lỗi, nên mới trổ sức, giãi lòng ngu dại điên rồ. Nếu bệ hạ tiếp nhận những lời can ngăn này thì hạng người cắt cỏ, kiếm củi hoặc làm thợ thuyền sẽ đều cởi mở mà trình bày được hết điều ấp ủ và đức thánh minh của bệ hạ sẽ càng thêm sáng tỏ lớn lao” [3;423]. Những lời nói tâm huyết trên xác định đã nói ra là sẽ bị tội quở trách nhưng rất may là vua Thái Tông lại có ý nghe ra. Cũng từ lời khuyên của Đài quan Phan Thiên Tước sau đó về việc nên cân nhắc miễn thuế cho người góa vợ, góa chồng trên đất trồng dâu, cấy lúa khi bàn định ngạch thuế, vua Lê Thái Tông thấy hợp lí nên đã nghe theo. Trong thời kì Lê Thánh Tông trị vì, nhà vua đã công khai biểu dương những viên quan Ngự sử đã tốt chức trách của mình. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông có lời dụ Thiêm đô ngự sử Nguyễn Thiện rằng “Nhà ngươi làm bầy tôi, hết lòng thành lo việc nước, thường dâng lời nói phải, có lúc trẫm dùng uy quyền để trấn áp cũng chưa thấy nhà ngươi nao núng. Thật là đáng khen. Vậy đặc cách sai viên Ti lễ giám đem sắc dụ đến ban khen và thưởng cho lạng bạc” [3;488]. Cũng có những trường hợp vua thấy mình đã trách sai Đài quan vì đã dám thẳng thắn hặc tâu, sau lại vỗ về, an ủi. Năm 1467, Hình bộ thượng thư Trần Phong xét hỏi tổng binh Bắc Bình là Lê Hối. Án xong định xét theo quân lệnh nhưng vì thấy Hối có công, xin cho theo luật bát nghị. Theo lời tâu của Đô ngự sử Trần Xác, vua cho rằng lời nói của Trần Xác là du thuyết. Không bao lâu sau, vua lại dụ Trần Xác rằng: “Ta vu oan nhà ngươi là kẻ du thuyết, đó là ta lỡ lời. Ngươi có mưu kế gì hay, cứ vào nói với ta, để như cơn mưa ngọt khi đại hạn, như con thuyền lúc cần qua sông. Hãy kính nhớ lấy” [3;457]... Tất nhiên, những trường hợp quan Ngử sử được vua nghe theo, được biểu dương và vỗ về, an ủi như trên không nhiều. Đa phần, khi tâu hặc hay can gián trái ý vua, các viên quan Ngự sử không chỉ khiến vua mất lòng mà còn phải trả giá bằng việc bị biếm chức, cắt chức, thuyên chuyển công tác, bắt đi đày, thậm chí còn bị giết chết. Những ghi chép trong chính sử thời Lê cho thấy, cách phản ứng nhẹ nhất của vua khi không thuận với lời can gián của Đài quan là thái độ phớt lờ những ý kiến đó. Dưới thời vua Lê Thái Tông, Thị ngự sử Đinh Cảnh An từng khuyên vua không nên tin dùng Nguyễn Nhữ Soạn vì người này “Tham ô, ba lần phạm pháp” nhưng không được vua nghe theo. Trường hợp khác, Gián quan Đồng Hanh Phát cũng khuyên vua Thái Tông không nên giao trọng chức cho Nguyễn Thúc Huệ - một người xuất thân là tiểu lại nhưng khi làm quan lại chuyên dùng chính lệnh hà khắc hay Bùi Thì Hanh – một kẻ đã nhiều lần dùng tà thuật lừa dối vua, xui vua tin theo những điều mê tín không có cơ sở [3;418]. Những lời khuyên ngăn này của Đồng Hanh Phát đều không được vua nghe theo. Năm 1449, Thị ngự sử Lưu Thúc Khiêm và Giám sát ngự sử Nguyễn Cư Đạo đã bị giáng chức vì dám đàn hặc trái ý vua trong việc cố giữ các bậc lão thần đã quá tuổi hưu trí. Sự việc này được sử chép như sau: “Trước kia, bọn Thúc Khiêm và Cư Đạo đàn hặc bọn Chính sự viện đồng tham nghị là Cao Doãn Cung, Trình Hoằng Nghi, Nguyễn Bá Thanh và Mai Tử Kiệt rằng họ làm đại thần ở Chính sự viện mà chỉ ngồi không, ăn hại, chẳng hề làm được việc gì, tuổi đã bảy mươi hãy còn tham lam bổng lộc và ngôi vị. Vậy nên bắt họ phải về hưu để kích lệ lòng liêm sỉ...[Nay] Bọn Đào Công Soạn và Nguyễn Tử Tấn, theo lệ, cũng đến tuổi cáo lão, thế mà vẫn cứ luyến tiếc địa vị, không có 109 Phan Ngọc Huyền ý về hưu, e rằng không được dư luận dung thứ. Họ, vì thế, đều xin hưu trí. Nhà vua cố giữ lại. Họ bèn đem nhau đến lạy tạ, rồi lại giữ chức như cũ. Nhưng vì bọn Thúc Khiêm hay bới việc mà đàn hặc, nên trong lòng bọn Đào Công Soạn vẫn căm. Đến đây, bọn Thúc Khiêm đều bị biếm truất” [3;455]. Kết quả của sự can ngăn này là Thị ngự sử Lưu Thúc Khiêm bị giáng xuống làm Yên Lãng Chuyển vận Phó sứ và Giám sát ngự sử Nguyễn Cư Đạo bị giáng chức làm Quốc tử giám Trực giảng. Trường hợp bị giáng chức khác là Giám sát ngự sử Lê Bá Tu. Vì dám dâng sớ cực lực nói về việc sai lầm về chính sự lúc bấy giờ, trái ngược với ý nhà vua nên Lê Bá Tu đã bị giáng chức, đuổi ra làm tri châu Lộng Nguyên, phủ Bắc Bình [3;508]. Ở giai đoạn cuối của nhà Lê Sơ, khi chính sự đổ nát, kỉ cương phép nước bị lung lay, những lời can gián của Ngự sử không những không được nghe theo mà còn bị xử phạt rất nặng khi dám trái ý vua. Tháng 10 năm 1508, Đô ngự sử Đỗ Nhân bị bắt giam, giao xuống ngục hình chỉ vì “nói việc gì đó trái với ý vua” và phải một thời gian sau mới được tha [3;590-591]. Không chỉ phải chấm dứt con đường hoạn lộ vì trái ý vua, không ít quan viên thuộc Ngự sử đài thời Lê Sơ đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình bằng sự cương trực, tiết tháo của kẻ bề tôi. Năm 1505, vua Lê Uy Mục đã bãi chức của Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật (cùng với Thượng thư bộ Lễ Đàm Văn Lễ) rồi sai người giết đi chỉ vì không ủng hộ việc lên ngôi của Lê Uy Mục. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Trước kia, lúc Hiến Tông nằm giường bệnh, Kính phi có ý muốn lập nhà vua, nhưng sợ quan đại thần không theo, bèn đem vàng đút lót Đàm Văn Lễ, Văn Lễ không nhận. Kịp khi Hiến Tông bệnh kịch. Văn Lễ cùng Quang Bật nhận tờ di chiếu giúp hoàng thái tử nối ngôi vua. Lúc ấy các vương tranh nhau để được lập làm vua, Văn Lễ sợ việc biến xảy ra trong chốc lát, bèn vào nhà tẩm điện lấy quả ấn truyền quốc đem về nhà mình, rồi cùng các đại thần cùng lập Túc tông. Nhà vua rất lấy làm oán giận. Đến nay, nhà vua dùng mưu mô của Khương Trùng và Nguyễn Nhữ Vi, truất Văn Lễ và Quang Bật đi giữ chức thừa chính sứ đạo Quảng Nam; khi hai người đi đến sông Chân Phúc, nhà vua sai người đuổi kịp, bắt phải tự tử. Bầy tôi trong triều lấy cớ rằng hai người ấy không có tội mà bị chết” [3;588]. Dẫn chứng trên là một trong số những trường hợp tiêu biểu về số phận chính trị mong manh của các quan Ngự sử khi dám sống cương trực và thẳng thắn trước cường quyền. Có thể nói, cái chết chính là bi kịch cao nhất của những “ngôn quan” trong triều đình nhà Lê Sơ. Bi kịch đó có thể bắt nguồn từ sự kém anh minh của cá nhân vị vua cầm quyền, cũng có thể bắt nguồn từ chính những cuộc chiến quyền lực ở cung đình Đại Việt trong thời kì này. 3. Kết luận Khảo cứu mối quan hệ giữa vua và chức quan Ngự sử dưới thời Lê Sơ là một cách tiếp cận góp phần thấy rõ số phận của những “ngôn quan” trong triều đình phong kiến. Từ những phản ứng của các vua thời Lê Sơ trước sự can gián, khuyên ngăn của quan viên thuộc Ngự sử đài cho phép nghĩ rằng: Trong quan hệ giữa vua và các viên quan thuộc Ngự sử đài, chiều hướng cần dựa vào nhau và phối hợp, thống nhất với nhau có thể là chiều hướng chủ đạo (ít nhất về mặt hình thức). Song bên cạnh đó, việc mâu thuẫn về quan điểm, lợi ích và nhất là sự cách biệt về thân phận khiến cho cách nhìn của người đứng đầu triều đình và các quan Ngự sử thường xuyên bị vênh nhau. Việc họ phải trả giá bằng sự chấm dứt con đường hoạn lộ, thậm chí cả sinh mệnh của mình chỉ vì dám “giữ lời nói thẳng” là điều không thể tránh khỏi. Câu nói “Làm bạn với vua như chơi với hổ” đúng với tất cả các đối tượng triều thần, song với chức phận đặc biệt của quan Ngự sử, điều đó dường như không có gì phải nghi ngờ và bàn cãi. 110 Số phận của “ngôn quan” thời Lê sơ: góc nhìn từ mối quan hệ giữa vua và chức quan ngự sử TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Huy Chú, 2008. Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch), tập 1. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [2] Ngô Sỹ Liên và các sử thần hậu Lê, 2004. Đại Việt sử kí toàn thư (bản dịch), tập 2. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [3] Quốc sử quán triều Nguyễn, 1998. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (bản dịch). Nxb Giáo dục, Hà Nội (bản điện tử). [4] Đào Tố Uyên, Phan Ngọc Huyền, 2010. “Đài quan thời Lê Sơ”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 11, tr. 34-44. ABSTRACT The fate of “Dissuasive mandarins” in the Early Le Dynasty: From the viewpoint of the relationship between emperor and censorate’s mandarins The Censorate in the Early Le Dynasty has been organized more completely and strictly than that in the Tran Dynasty. Roles of “Dissuasive mandarins” (speech control) of Censorate’s mandarins has been highly appreciated in dissuading and advising the Emperor. In charge of their extremely high responsibilities, the political life of Censorate’s mandarins is very fragile. They can be forced to transfer their works, remove their position or even lose their life to accomplish their missions. This paper discusses on the fate of Censorate’s mandarins in the relationship with the Emperor. Findings and interpretations in this paper surely support to clarify functions, roles and fate of “Dissuasive Mandarins” in the Early Le Dynasty. Keywords: Early Le Dynasty, The Censorate, dissuasive mandarins, Censorate’s mandarins, dissuade. 111

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4180_pnhuyen_1654_2132832.pdf