Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (Vnen)

Tài liệu Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (Vnen): JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0071 Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6A, pp. 31-38 This paper is available online at MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC THEO MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌCMỚI VIỆT NAM (VNEN) Trương Thị Bích Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trên cơ sở khái quát một số vấn đề chung về bản chất của Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), từ những ưu điểm cũng như những hạn chế, khó khăn khi triển khai thực hiện mô hình này tại các trường Tiểu học Việt Nam, bài viết đề xuất một số biện pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học của mô hình, đặc biệt chú trọng biện pháp khai thác có hiệu quả tài liệu Hướng dẫn học cũng như cách thức tổ chức dạy học trên lớp của giáo viên. Việc nghiên cứu thực trạng những bất cập cũng như hiệu quả bước đầu của mô hình trường học này sẽ góp phần vào việc triển khai có chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015. Từ khóa:Mô hình trường học mới, VNEN, tài liệu...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 223 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (Vnen), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0071 Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6A, pp. 31-38 This paper is available online at MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ DẠY HỌC THEO MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌCMỚI VIỆT NAM (VNEN) Trương Thị Bích Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trên cơ sở khái quát một số vấn đề chung về bản chất của Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), từ những ưu điểm cũng như những hạn chế, khó khăn khi triển khai thực hiện mô hình này tại các trường Tiểu học Việt Nam, bài viết đề xuất một số biện pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học của mô hình, đặc biệt chú trọng biện pháp khai thác có hiệu quả tài liệu Hướng dẫn học cũng như cách thức tổ chức dạy học trên lớp của giáo viên. Việc nghiên cứu thực trạng những bất cập cũng như hiệu quả bước đầu của mô hình trường học này sẽ góp phần vào việc triển khai có chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015. Từ khóa:Mô hình trường học mới, VNEN, tài liệu, hướng dẫn học. 1. Mở đầu Dạy học hướng vào người học là luận điểm then chốt của lí luận dạy học hiện đại, là bản chất của đổi mới phương pháp dạy – học. Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) đã quán triệt quan điểm này với một loạt hoạt động đổi mới: đổi mới về tổ chức lớp học, về tài liệu dạy – học, về phương pháp dạy – học, về đánh giá HS, về quan hệ với cha mẹ HS và cộng đồng. Được bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2012, cho đến nay, mô hình trường học mới này đã nhận được những phản hồi cả tích cực và chưa tích cực. Ưu điểm nổi bật của mô hình dạy học này là rèn luyện cho học sinh (HS) sự tự tin, tích cực, bản lĩnh chủ động xử lí các tình huống trong cuộc sống. Sau một thời gian triển khai thử nghiệm, tổng kết, rút kinh nghiệm, rất nhiều tác giả, với những công trình khoa học của mình, đã công bố những kết luận, những bài học kinh nghiệm về bản chất cũng như thực trạng của quan điểm dạy học mới này. Đặng Tự Ân trong Mô hình trường học mới Việt Nam. Hỏi – Đáp [1] đã có những trình bày, kiến giải tường minh, khúc chiết các vấn đề xoay quanh mô hình dạy học VNEN, rất phù hợp với số đông giáo viên (GV) chưa có điều kiện tiếp cận với mô hình dạy học này. Bên cạnh đó, để bắt đầu cho quá trình chuẩn bị và song song thực hiện dạy học mô hình này trên một số địa bàn, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tập hợp lực lượng chuyên gia xây dựng một bộ tài liệu tập huấn đủ các chủ đề, các môn học bậc Tiểu học [3-8]. Bộ Tài liệu này bước đầu là những cẩm nang cho GV trong viêc dạy học theo mô hình tại địa phương. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị biên soạn chưa nhiều nên tài liệu không tránh khỏi những bất cập, hạn chế (về mức độ khó, dễ của bài tập, về sự dài, ngắn của dung lượng, về sự không phù hợp của phần ngữ liệu,. . . ). Trên cơ sở thực trạng này, bài viết bước đầu đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học của mô hình mới này tại các trường Tiểu học. Ngày nhận bài: 15/11/2014 Ngày nhận đăng: 01/4/2015 Liên hệ: Trương Thị Bích, email: bichnxbgd@gmail.com 31 Trương Thị Bích 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Sơ lược về Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) 2.1.1. Vài nét về Mô hình trường học kiểu mới (EN) Mô hình trường học kiểu mới (Escuela Nueva) được hình thành và phát triển ở khu vực Caldas – một trong 32 thực thể hành chính của Colombia (nơi mà mô hình này được Ngân hàng Thế giới giới thiệu điển hình). Vai trò phát triển giáo dục ở đây có sự tham gia của nhà nước gắn bó với Hiệp hội Cà phê và các tổ chức xã hội khác. Hiệp hội các nhà trồng cà phê Caldas (CGC) đã được thành lập vào năm 1927. Để giải quyết vấn đề nhân lực, vốn chủ sở hữu, tình trạng HS bỏ học và chất lượng giáo dục thấp trong các trường học nông thôn ở Caldas, các CGC bắt đầu đầu tư vào giáo dục Tiểu học từ năm 1981 thông qua phương pháp học mới tại các trường học nông thôn [1]. Mục tiêu của sáng kiến trường học mới ở Caldas của CGC năm 1981 là tăng cường giáo dục nông thôn (từ lớp 1 đến lớp 5) và cung cấp một nền giáo dục năng động hơn. Theo dữ liệu có sẵn từ CGC, chương trình đạt trực tiếp 1.113 trường học trong khu vực Caldas, phục vụ bình quân 50.000 HS hàng năm, đào tạo được khoảng 3.200 GV để cải thiện cách tiếp cận kiến tạo của họ. Các nguyên tắc dạy học kiến tạo của mô hình trường học mới: – HS là trung tâm của quá trình học tập./ – HS thiết lập nhịp điệu và tốc độ của riêng họ cho việc học, với một chương trình đào tạo đó là tự học và khuyến khích làm việc theo nhóm./ – Phương pháp giảng dạy thúc đẩy tự học, khuyến khích sáng kiến của HS và sự sáng tạo./ – Mỗi trường thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cộng đồng và trường học trong đó các thành viên trong gia đình tham gia vào quá trình giáo dục./ – Hội đồng tự quản HS sử dụng các chiến lược để đảm bảo sự tham gia tích cực của thành viên trong đời sống dân chủ của trường, trong đó tăng cường các giá trị như hợp tác, tôn trọng và làm việc nhóm. Mô hình trường học mới là xương sống của tất cả các chương trình hỗ trợ đổi mới giáo dục của Hiệp hội Cà phê. Các CGC đã mở rộng mô hình này và tạo ra các chương trình mới sau giáo dục Tiểu học cho THCS (lớp 6–9) và THPT (lớp 10, 11). Tất cả đều sử dụng phương pháp tiếp cận kiến tạo. 2.1.2. Vài nét về Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) Mô hình trường học mới Việt Nam là dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển Giáo dục toàn cầu (GPE – Global Partnership for Education) triển khai ở các trường Tiểu học trên toàn quốc từ 6/2012 đến 6/2015. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học. Mô hình VNEN là một trong những mô hình nhà trường phát triển theo xu hướng hiện đại, với định hướng tiếp cận là giáo dục năng lực của người học. Dựa trên cơ sở mô hình dạy học truyền thống, Dự án GPE–VNEN đã tiến hành nghiên cứu, chuyển đổi các thành tố trong Chương trình dạy học, đặc biệt các nội dung về mặt sư phạm theo định hướng tiếp cận giáo dục của mô hình. Mô hình VNEN là một quá trình chuyển đổi từ mô hình dạy học chủ yếu truyền thụ kiến thức sang mô hình dạy học, giáo dục hình thành nhân cách và phát triển năng lực của HS. Nhìn chung, theo tư tưởng đổi mới của mô hình VNEN, quá trình dạy học và giáo dục, được 32 Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) hiểu là: • Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động của HS. Tổ chức các hoạt động học tập của HS cần phải trở thành trung tâm của quá trình giáo dục. • Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, phương pháp tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề. Đây là những phẩm chất và điều kiện tốt nhất để có thể duy trì thói quen học tập thường xuyên và học tập suốt đời. • Tăng cường học tập của mỗi cá nhân, phối hợp với học hợp tác và học nhóm. HS là chủ thể của quá trình học, tự mình chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Tạo ra môi trường học tập tương tác, thày – trò, trò – trò vì thế nó có tác dụng rất tốt để phát huy năng lực của mỗi cá nhân HS. • Dạy và học chú trọng tới sự quan tâm và hứng thú của HS, nhu cầu và lợi ích của xã hội. Dạy HS trên những gì các em đã có, tạo hứng thú, óc tò mò, sáng tạo cho HS. HS phải biết cách làm việc độc lập, sáng tạo, biết tổ chức công việc để giải quyết các đòi hỏi của xã hội và nhu cầu đa dạng, phức tạp của công việc sau này. • Dạy và học coi trọng hướng dẫn tìm tòi, học qua trải nghiệm. Giáo viên hướng dẫn mang tính định hướng mà không có ý áp đặt trong quá trình học của HS. • Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò, của gia đình, cộng đồng. Ngoài đánh giá kết quả học (đánh giá kết thúc) rất coi trọng đánh giá bằng nhận xét qua quá trình học của HS (đánh giá theo tiến trình, đánh giá theo từng phần). 2.2. Những ưu điểm và hạn chế trong dạy học của Mô hình VNEN 2.2.1. Ưu điểm Mô hình VNEN là mô hình giáo dục được cải tiến nhằm khắc phục những hạn chế của giáo dục truyền thống; là quá trình tổ chức cho HS hoạt động để khám phá và chiếm lĩnh các kiến thức và kĩ thức mới. Bản chất quá trình học tập của VNEN được diễn ra thông qua đối thoại và tương tác lẫn nhau giữa HS với HS, giữa HS với giáo viên. Trong quá trình triển khai, mô hình này đã thể hiện rõ những ưu điểm sau: Thứ nhất, HS được học theo mô hình này chắc chắn sẽ phát triển toàn diện hơn, các em có năng lực ứng xử với thực tế cuộc sống tốt hơn. HS đã tỏ rõ sự mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, kĩ năng sống của các em theo đó được phát triển. Điều này, HS học theo mô hình hiện hành không có hoặc yếu. Thứ hai, cán bộ, giáo viên đã có thay đổi sâu sắc quan niệm về nhà trường. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi dạy, chăm sóc toàn diện cho HS. Đây thực sự là môi trường học tập, vui chơi thân thiện, nơi gắn kết các mối quan hệ: quan hệ giữa HS với HS, giữa nhà trường với HS, giữa nhà trường và cha mẹ HS, giữa giáo viên với HS. Trong môi trường này, các hoạt động giáo dục được thực hiện rất dân chủ, thân thiện, tạo cảm giác tin cậy, ấm áp đối với HS. Thứ ba, mô hình dạy học đã làm thay đổi quá trình sư phạm của giáo viên. Giáo viên đã từ chỗ một mình, tự mình quyết định cung cấp cho HS những kiến thức gì trong môn học với cách dạy hiện hành thì ở mô hình này, “quyền năng” đó đã được san sẻ cho HS với sự gợi ý của tài liệu Hướng dẫn học. HS đã thực sự làm chủ cách học, làm chủ kiến thức. Thứ tư, với mô hình này, HS được phát triển các năng lực (năng lực tự quản, năng lực hợp tác, năng lực quản lí, năng lực thuyết trình,...), đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà, đào tạo con người theo định hướng phát triển năng lực. Với cách thức tổ chức hoạt động nhóm, HS được phát huy tối đa sự hiểu biết, năng lực của 33 Trương Thị Bích bản thân; số lần HS được bày tỏ ý kiến nhiều hơn; những HS yếu được giáo viên quan tâm nhiều hơn và được các bạn trong nhóm giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ. Điểm khác biệt lớn nhất là trước kia để đánh giá được mức độ hiểu bài của HS sau mỗi tiết học, giáo viên cũng chỉ có thể kiểm tra một vài HS; nhưng ở mô hình này, tất cả HS đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra nên không xảy ra tình trạng “bị bỏ rơi”. Với chất lượng học tập tại các lớp học VNEN, HS phát huy được “5 tự”: tự học, tự sáng tạo, tự tin, tự giác, tự chủ. Đảm bảo mục tiêu: chuyển giáo dục sang tự giáo dục; việc dạy của giáo viên sang thành việc học của HS; dạy học theo lớp chuyển thành học theo nhóm và học theo thầy thành học theo sách. HS phát huy tốt kĩ năng: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hợp tác, kĩ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau [2]. Thứ năm, thực hiện chương trình VNEN mở ra cơ hội để sự phối hợp nhà trường với các đoàn thể, giữa giáo viên với phụ huynh và cộng đồng xã hội chặt chẽ hơn. Phụ huynh trực tiếp tham gia giáo dục con em mình, trực tiếp tham gia dạy con em mình thông qua việc thực hành kĩ năng của các em. Nhà trường thường xuyên liên lạc và phối hợp với phụ huynh và các tổ chức xã hội, vấn đề xã hội hóa giáo dục tiến hành rất tốt. Dư luận và phụ huynh đồng tình, ủng hộ và mong muốn tham gia vào công việc chung của nhà trường, của lớp để thể hiện trách nhiệm. Vì vậy, công tác xã hội hóa quá trình giáo dục không cần hô hào mà đã trở thành nhu cầu tự thân. Rất nhiều hiệu ứng tích cực từ các lớp học VNEN đã tạo ra không khí lao động sáng tạo ở mỗi nhà trường, điều mà trước đây ở mô hình dạy học hiện hành là không thể có được [3]. Điểm mới có tính chất tiên quyết trong mô hình VNEN là cách soạn tài liệu Hướng dẫn học. Hoạt động đổi mới về tài liệu Hướng dẫn học là khâu quan trọng, quyết định đến việc thực hiện hiệu quả dạy học “lấy người học làm trung tâm”. Tài liệu học tập “ba trong một” (Tài liệu hướng dẫn học dùng cho cả ba đối tượng: giáo viên, HS, phụ huynh) đã mang lại những ưu điểm nổi bật: HS tự học, hiểu và làm được như sách hướng dẫn, giáo viên hiểu để tổ chức tốt cho HS học, cha mẹ hiểu con học những gì và học như thế nào. Thực sự, đây là bước đột phá cho công cuộc đổi mới phương pháp dạy học. Có thể chốt lại điểm mạnh của mô hình VNEN: Mô hình VNEN làm thay đổi nhà trường: (1) Lấy hoạt động học của HS làm trung tâm. (2) Đưa ra một chương trình học phong phú và bổ ích. (3) Thúc đẩy việc học tập của HS. Giúp HS: – Tự tin, biết cách suy nghĩ; – Biết cộng tác, hợp tác với mọi người; – Có kĩ năng làm việc nhóm; – Biết quan tâm, có trách nhiệm trong các hoạt động; – Biết phấn đấu, làm chủ quá trình học tập của mình; – Có nhiều kĩ năng trong giao tiếp và kĩ năng sống. (4) Thay đổi quy trình sư phạm của giáo viên: – Nghiệp vụ sư phạm theo hướng đổi mới được nâng cao hơn; – Có kĩ năng điều hành các hoạt động dạy học; – Biết cộng tác theo xu hướng tích cực trong giáo dục; – Biết quan tâm và hỗ trợ đồng nghiệp. (5) Đối với cha mẹ HS, cộng đồng: 34 Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) – Có trách nhiệm và tham gia với nhà trường nhiều hơn; – Hỗ trợ các hoạt động cụ thể cho nhà trường; – Được tiếp nhận, bổ sung tri thức từ nhà trường thông qua HS. 2.2.2. Những hạn chế, bất cập HS Tiểu học còn nhỏ, một số HS còn hạn chế về kĩ năng sử dụng tiếng Việt nên còn khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu trong bài. HS nông thôn giao tiếp còn yếu. Sĩ số HS trong lớp còn quá đông, rất khó cho việc chia nhóm, kê lại bàn ghế đủ cho HS trong một lớp thực hiện dạy học theo mô hình mới. Theo quy chuẩn thì mô hình trường học mới cần phòng học tối thiểu 100 m2 trong khi thực tế phòng học của các lớp chỉ rộng 50 m2. Không phát huy được khả năng sáng tạo của giáo viên: những hoạt động ứng dụng cho HS rất rập khuôn; tài liệu dạy học được hướng dẫn quá tỉ mỉ. Không sử dụng tới các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Tài liệu Hướng dẫn học còn nhiều “hạt sạn”. Cụ thể: – Tài liệu được biên soạn quá dài. HS ngại đọc. Nhất là với đối tượng HS lớp 1, 2. Một số em còn chưa đọc thông viết thạo nên quá trình tự đọc và làm bài rất khó khăn. – Bài tập ứng dụng quá khó. Nếu giáo viên không hướng dẫn sẽ không làm được. – Nhiều ngữ liệu chưa phù hợp với các vùng, miền. – Các logo có khi không phù hợp. – Chưa khai thác được trí thông minh của HS. – HS rất ồn. Cách bố trí học nhóm tạo điều kiện cho một số em lười học nói chuyện riêng trong khi cô giáo bận đi hướng dẫn các nhóm khác. – Có một số tiết của một số môn, HS không thể ghi kịp đề bài vào vở để làm (SGK hiện hành có vở Bài tập ghi đề bài sẵn, HS chỉ việc điền vào). – Một số nội dung chưa phù hợp trong tài liệu Hướng dẫn học, ví dụ: Tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 3 [4]: Bài 28C: Vui chơi có những lợi ích gì? A. Hoạt động cơ bản HĐ1: Logo nhóm – cần chỉnh logo hoạt động chung cả lớp. Vì yêu cầu của hoạt động là cả lớp hát một bài về vui chơi hoặc thể thao. Tài liệu Hướng dẫn học Toán 3 [5]: Phần nhiều ở các hoạt động thực hành: Hầu như HS không đủ thời gian làm bài thực hành trong một tiết, ở lớp giỏi thì HS hoàn thành khoảng 2 tiết, ở lớp trung bình, yếu thì HS hoàn thành khoảng 3 tiết. Vì vậy, đề nghị các bài toán hoạt động thực hành cần phân bố ra 2–3 tiết để đảm bảo thời gian làm bài cho HS ở các vùng miền học chậm hơn. – Chưa chú trọng đến các bài tập dành cho từng đối tượng HS. Tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 2 [6]: – Tập 1A – Bài 5B: Một người bạn tốt – Câu B dòng cuối, trò chơi thi tìm từ nhanh có vần en/ eng. – Cùng nghĩa với xấu hổ (mắc cỡ) câu hỏi này khó, HS tìm không được tiếng thẹn. Phải nhờ 35 Trương Thị Bích sự hỗ trợ của giáo viên. – Bài 5C: Cùng tìm sách để học tốt – Tìm các tiếng có vần en/ eng. – Tranh đầu tiên là hình người cầm chiếc khèn nhưng HS không nhìn rõ nên không nêu được, phải nhờ sự hỗ trợ của giáo viên cung cấp. Chỉ phù hợp với một số vùng miền. – Tập 1B, bài 15A: Anh em yêu thương nhau – Bài 4 trang 71. Đọc theo mẫu a) Đọc từ ngữ, từ rất đỗi, lặp lại 2 lần. Tài liệu Hướng dẫn học Tự nhiên Xã hội 2 [7]: – Bài 7: Em cần làm gì khi ở nhà: Các hình chụp quá nhỏ HS không quan sát được. Những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học VNEN. Rất cần thiết phải có những điều chỉnh kịp thời (cả Tài liệu Hướng dẫn học và tập huấn cho giáo viên). 2.3. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo Mô hình VNEN 2.3.1. Tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho GV về bản chất của mô hình trường họcmới VNEN GV cần hiểu thấu đáo cơ sở khoa học và thực tiễn, ý đồ soạn thảo và vận dụng của tài liệu Hướng dẫn học. Bồi dưỡng cho GV ý thức sâu sắc về sự tự học, tự bồi dưỡng, tích cực học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp. Chỉ khi hiểu thấu đáo bản chất của mô hình trường học VNEN, GV mới đủ tự tin và bản lĩnh để linh hoạt triển khai dạy học hiệu quả theo mô hình này. 2.3.2. Điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học phù hợp với hoàn cảnh dạy học và đặc điểm HS a. Mục tiêu điều chỉnh: Chất lượng dạy học phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài liệu dạy học. Mặt khác, tài liệu chỉ có thể nêu ra một phương án cụ thể về kế hoạch bài học cho HS và GV. Vì thế, nó không thể thích ứng cho mọi vùng miền và mọi đối tượng HS. Tổ chức cho GV điều chỉnh tài liệu VNEN vừa làm cho chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục tốt lên, vừa nâng cao năng lực nghiên cứu sư phạm, ý thức chủ động, sáng tạo của mỗi GV – người trực tiếp sử dụng tài liệu. b. Nguyên tắc điều chỉnh: Bảo đảm yêu cầu về chuẩn kiến thức và kĩ năng; phù hợp với HS; phù hợp với năng lực của GV và các điều kiện của địa phương; phù hợp nguyên tắc, cấu trúc tài liệu theo mô hình VNEN. Cần xây dựng bảng tiêu chí cho việc điều chỉnh tài liệu VNEN. GV nên phân tích tài liệu theo những tiêu chí này và tạo ra các thay đổi cần thiết trước khi HS được đọc tài liệu Hướng dẫn học. Như vậy, các hướng dẫn của GV sẽ phù hợp với môi trường và nhu cầu của HS, quá trình giáo dục sẽ cuốn hút HS tham gia một cách tích cực hơn. c. Một số điều chỉnh và cách thức triển khai các điều chỉnh: * Điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học: – Tăng/giảm thời lượng cho mỗi hoạt động học tập. – Điều chỉnh yêu cầu (lệnh) của hoạt động. – Thay đổi, điều chỉnh ngữ liệu. 36 Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) – Thêm mẫu thực hiện, thêm gợi ý. – Thêm nội dung phân tích mẫu. – Thay đổi đồ dùng dạy học. – Điều chỉnh hình thức lưu giữ kết quả hoạt động. – Điều chỉnh hoạt động để thực hiện phân hóa cao hơn. – Sáng tạo các bài tập ứng dụng. Dưới đây là một vài cách thức để giảm độ khó của hoạt động (dành cho HS dưới chuẩn) và tăng độ thú vị (dành cho HS khá, giỏi). Giảm độ khó bằng cách: – Bổ sung phần lệnh để có điều kiện chỉ dẫn thêm cách làm bài. – Bổ sung vào phần dẫn để giúp HS dễ dàng tìm ý. – Thay phần ngữ liệu cho gần gũi với HS. – Thay thế ngữ liệu bằng ngữ liệu tường minh đơn giản hơn. Tăng độ thú vị bằng cách: – Tác động vào phần lệnh, thay đổi vai nói, vai tiếp nhận tạo điều kiện cho HS sáng tạo. – Xây dựng ngữ liệu tạo điều kiện cho HS phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo. Thêm yêu cầu của phần lệnh hoặc điều chỉnh yêu cẩu của phần lệnh thú vị hơn. * Điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học: – Điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm. Các thành viên trong nhóm không phải được tạo ra một lần và không thay đổi. Tùy thuộc vào trình độ HS, những thuận lợi và khó khăn của mỗi em trong học tập, GV sẽ điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm. – Thay đổi tương tác thầy – trò, trò – trò. Có hoạt động trong tài liệu học làm việc cá nhân nhưng GV tự thấy HS lớp mình còn yếu về kĩ năng này, làm việc cá nhân sẽ khó kiểm soát và chưa hiệu quả thì có thể thay đổi bằng cặp đôi hoặc nhóm lớn. GV có thể làm việc với từng nhóm, từng HS nếu thấy cần thiết. – Thay đổi vai của từng thành viên trong nhóm. Nhiệm vụ giao cho mỗi thành viên cần được luân phiên thay đổi để mỗi HS có cơ hội trải nghiệm. 2.3.3. Xây dựng kế hoạch dạy học trên lớp Tinh thần của dạy học theo mô hình VNEN là GV không phải soạn giáo án, bởi tài liệu Hướng dẫn học đó chỉ dẫn từng hoạt động rất cụ thể và tường minh. Tuy nhiên, trong điều kiện tài liệu Hướng dẫn học còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với hoàn cảnh, môi trường cũng như đặc điểm của HS từng vùng miền và sự cần thiết phải điều chỉnh lại nội dung, phương pháp dạy học, điều chỉnh các hình thức tổ chức dạy học như trên thì việc GV phải bỏ thời gian, công sức nghiên cứu bài học, đọc thêm tài liệu tham khảo để hiểu thấu đáo nội dung bài học, để hình dung trước các tình huống có thể xảy ra với HS của mình trong quá trình tiếp nhận kiến thức trên lớp là điều hết sức cần thiết. GV có thể không phải soạn giáo án một cách công phu, đảm bảo đúng trình tự quy định như giáo án của cách dạy hiện hành nhưng diễn tiến của tiết dạy, các kiến thức cần ghi bảng hay HS cần ghi vào vở,. . . GV phải chuẩn bị thật công phu để có thể xử lí linh hoạt trong quá trình tổ chức dạy học trên lớp. 37 Trương Thị Bích 3. Kết luận Nhìn chung, mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), mặc dù vẫn còn những hạn chế (quan điểm của xã hội, điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu Hướng dẫn học, nhận thức của phụ huynh, trình độ của GV,. . . ) nhưng cơ bản đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội so với mô hình dạy học truyền thống. Cách thức tổ chức tài liệu học “ba trong một” cùng với hình thức dạy học nhóm triệt để đó tạo nên điểm đổi mới thuyết phục của mô hình dạy học này. Theo đó, người học thực sự là trung tâm của quá trình giáo dục. GV thực sự trở thành người hướng dẫn, tổ chức cho HS trải nghiệm, tự rút ra kiến thức mới. Để giảm thiểu những hạn chế, để phát huy những ưu điểm, cần tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho GV bản chất của VNEN; cần điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học; cần xây dựng kế hoạch dạy – học trên lớp. Các biện pháp này nếu được thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn mô hình VNEN sẽ là mô hình dạy học của tương lai, góp phần đưa giáo dục Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đặng Tự Ân, 2014. Mô hình trường học mới Việt Nam. Hỏi – Đáp. Nxb Giáo dục Việt Nam. [2] Trần Trung Ninh, 2014. Những xu hướng đổi mới đào tạo GV – Bài học từ các nước Mĩ La tinh và ở Colombia. Tài liệu Hội thảo Đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1/2014, tr. 19. [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam, 2013. Hướng dẫn tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các trường thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt Nam. [4] Mô hình trường học mới – Bước đột phá về cách dạy và cách học. Báo Giáo dục và Thời đại, 8/11/2013. [5] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam, 2013. Tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 3. Nxb Giáo dục Việt Nam. [6] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam, 2013. Tài liệu Hướng dẫn Toán 3. Nxb Giáo dục Việt Nam. [7] Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam, 2013. Tài liệu Hướng dẫn học Tiếng Việt 2. Nxb Giáo dục Việt Nam. [8] Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo dục Tiểu học – Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam, 2013. Tài liệu Hướng dẫn Tự nhiên Xã hội 2. Nxb Giáo dục Việt Nam. ABSTRACT Some solutions to improve teaching effectiveness following the new school model in Vietnam (VNEN) Basing on general issues on the nature of Vietnam’s new school model (VNEN), from the advantages, difficulties and its limitations on the implementation of this model in Vietnam’s Primary School, this article will propose some suggestions in order to improve teaching quality of this model, especially effectively exploiting the Guidelines showing how to organize teaching activities in the class. The significance of this study will make very first contributions on the innovative textbook program after 2015. Keywords: Model, new school, document, tutorials. 38

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3535_ttbich_954_2193039.pdf
Tài liệu liên quan