Lực lượng Cao Đài yêu nước ở Nam Bộ trong giai đoạn 1945 – 1954

Tài liệu Lực lượng Cao Đài yêu nước ở Nam Bộ trong giai đoạn 1945 – 1954: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 32 (57) - Thaùng 9/2017 101 Lực lượng Cao Đài yêu nước ở Nam Bộ trong giai đoạn 1945 – 1954 The patriotic Caodaism in Southern Vietnam in the period of 1945 – 1954 ThS. Phạm Văn Phương, Trường Đại học Sài Gòn Pham Van Phuong, M.A., Saigon University Tóm tắt Năm 1945, khi trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện âm mưu “dùng người Việt, đánh người Việt”. Đạo Cao Đài trở thành đối tượng lôi kéo của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi đoàn kết kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại bộ phận chức sắc, tín đồ Cao Đài dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Hội Cao Đài cứu quốc, mà đứng đầu là cụ Cao Triều Phát, đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chống Pháp bảo vệ độc lập của tổ quốc. Từ khóa: đạo Cao Đài, Nam Bộ, kháng chiến chống Pháp, Hội Cao Đài cứu quốc, Cao Triều Phát. Abstract In 1945, when returning to invade Vietnam, French colonialists carried out the conspiracy “to use Vi...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 438 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lực lượng Cao Đài yêu nước ở Nam Bộ trong giai đoạn 1945 – 1954, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 32 (57) - Thaùng 9/2017 101 Lực lượng Cao Đài yêu nước ở Nam Bộ trong giai đoạn 1945 – 1954 The patriotic Caodaism in Southern Vietnam in the period of 1945 – 1954 ThS. Phạm Văn Phương, Trường Đại học Sài Gòn Pham Van Phuong, M.A., Saigon University Tóm tắt Năm 1945, khi trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện âm mưu “dùng người Việt, đánh người Việt”. Đạo Cao Đài trở thành đối tượng lôi kéo của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi đoàn kết kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại bộ phận chức sắc, tín đồ Cao Đài dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Hội Cao Đài cứu quốc, mà đứng đầu là cụ Cao Triều Phát, đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chống Pháp bảo vệ độc lập của tổ quốc. Từ khóa: đạo Cao Đài, Nam Bộ, kháng chiến chống Pháp, Hội Cao Đài cứu quốc, Cao Triều Phát. Abstract In 1945, when returning to invade Vietnam, French colonialists carried out the conspiracy “to use Vietnamese to fight against Vietnamese”. Caodaism became the object of the French colonialists. In that situation, responding to President Ho Chi Minh's call for the unity for the sake of the Resistance, the majority of dignitaries and Caodaism followers, under the leadership of the “Cao Dai Cuu Quoc” movement, whose leader was Cao Trieu Phat, made great contributions to the cause of fighting against the French colonialists in order to maintain independence in Vietnam. Keywords: Caodaism, Southern Vietnam, resistance war against France, Cao Dai cuu quoc, Cao Trieu Phat. 1. Đặt vấn đề Đạo Cao Đài ra đời ở Nam Bộ những năm 20 của thế kỷ XX, như một lối thoát về tinh thần cho quần chúng nhân dân đang chịu nhiều khó khăn do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Trong quá trình phát triển, do những khác biệt trong con đường tu tập, lãnh đạo giáo hội, một số chức sắc cao cấp của đạo đã tách ra khỏi tòa thánh Tây Ninh thành lập chi phái khác nhau với tổ chức giáo hội riêng. Dù bị chia rẽ, nhưng đạo Cao Đài có một số lượng tín đồ đông đảo, trở thành một lực lượng có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống chính trị - xã hội ở Nam Bộ trước và sau Cách mạng tháng Tám. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, lúc đầu các chi phái Cao Đài đoàn kết xung quanh Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ chống ngoại xâm, tuy nhiên sau một thời gian, hàng ngũ kháng chiến có sự phân hóa, một bộ phận Cao Đài Tây Ninh đã có chính sách hợp tác với thực dân Pháp nhằm đổi lại những điều kiện thuận LỰC LƯỢNG CAO ĐÀI YÊU NƯỚC Ở NAM B TRONG GIAI ĐOẠN 1945 – 1954 102 lợi cho việc hành đạo. Trong khi đó, đại bộ phận chức sắc và tín đồ các chi phái Cao Đài (có cả Cao Đài Tây Ninh trung thành) vẫn đồng hành với cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng các cấp. Tìm hiểu về những hoạt động của hàng ngũ chức sắc, tín đồ yêu nước dưới sự dẫn dắt của Hội Cao Đài cứu quốc, sẽ góp phần làm rõ được những đóng góp to lớn của tôn giáo này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 2. Nội dung 2.1. Đạo Cao Đài trước năm 1945 Những năm 20 của thế kỷ XX, chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp khiến đời sống nhân dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Các phong trào yêu nước của tầng lớp sĩ phu theo khuynh hướng phong kiến đều thất bại. Khao khát một sự giải thoát về tinh thần trước tình cảnh ngày càng khốn trở thành nhu cầu của đông đảo nhân dân. Đạo Cao Đài ở Nam Kỳ ra đời trong hoàn cảnh đó, coi như một cứu cánh, sự giải thoát cho con người trong hoàn cảnh khốn cùng, bức bách. Ngày 7-10-1926, các tín đồ gởi đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với chữ ký của 28 tín đồ có địa vị cao nhất trong xã hội, kèm theo tờ khai tịch đạo của 245 tín đồ. Sau đó, các tín đồ tổ chức 3 nhóm truyền đạo khắp Nam Kỳ. Ngày 19- 11-1926 (15-10 năm Bính Dần), các tín đồ Cao Đài đã tổ chức Đại lễ Khai Đạo tại chùa Gò Kén còn gọi là Thiền Lâm Tự, Tây Ninh và ra mắt Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với sự hiện diện của quan chức chính quyền của cả người Pháp, người Việt. Đạo Cao Đài có hơn 10 ngàn tín đồ lúc mới khai đạo, đến năm 1930 số tín đồ đã tăng lên gần nửa triệu. Dù trong quá trình phát triển có sự phân hóa, nhưng đạo Cao Đài có đầy đủ những yếu tố cấu thành một tôn giáo: hệ thống giáo lý, luật lệ, lễ nghi, đội ngũ chức sắc, chức việc, tổ chức giáo hội, cơ sở thờ tự ở các tỉnh Nam Kỳ và Trung Kỳ. Khi mới ra đời, đạo Cao Đài là một tổ chức thống nhất với cơ quan đầu não là Tòa thánh Tây Ninh. Trong quá trình phát triển, những khác biệt trong con đường tu tập, quyền điều hành giáo hội nên một số chức sắc cao cấp tách ra thành các chi phái khác nhau. Trước Cách mạng Tháng Tám, đạo Cao Đài chia thành 12 chi phái, mỗi chi phái đều có tổ chức giáo hội riêng, trong đó có 5 chi phái lớn và quan trọng hơn hết là: Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Minh Chơn Đạo và Cao Đài Minh Chơn Lý. Thời kháng chiến chống Pháp, tín đồ Cao Đài ở Nam Bộ có trên 1 triệu người, chiếm khoảng 20% dân số Nam Bộ, họ sinh sống xen lẫn ở các tỉnh có vị trí chiến lược về kinh tế, quân sự quan trọng như: Gia Định, Tây Ninh, Bà Rịa, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu [7:2]. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, chính quyền thực dân Pháp nghi ngờ các chi phái Cao Đài có liên quan, nên ra lệnh đóng cửa hầu hết các toàn thánh, thánh thất, cấm đoán việc tập hợp, cúng kiếng; chức sắc, chức việc nhiều người bị bắt giam, một số chức sắc bị đày ra Côn Đảo. Riêng với phái Cao Đài Tây Ninh, Toà Thánh bị quân đội Pháp chiếm đóng, nhà in, thư viện, viện bảo tàng đều bị quân Pháp chiếm giữ, Hộ Pháp Phạm Công Tắc và năm chức sắc lớn của phái Cao Đài Tây Ninh bị đưa đi đày ở Madagascar. Năm 1940, Phát xít Nhật sang Đông Dương, muốn gây dựng một lực lượng hậu PHẠM VĂN PHƯƠNG 103 thuẫn để tranh giành quyền lợi với Pháp. Nhật tìm cách móc nối với số Chức sắc Cao Đài Tây Ninh ở Sài Gòn như Trần Quang Vinh. Hàng ngàn thanh niên được đưa về Sài Gòn làm việc trong hãng tàu Nitinan của Nhật, ban đêm được các sĩ quan Nhật huấn luyện quân sự, lực lượng này có khi còn được gọi là Nội ứng nghĩa binh (tiền thân của lực lượng vũ trang Cao Đài Tây Ninh sau này) Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, lực lượng Cao Đài Tây Ninh nhanh chóng tham gia việc bảo vệ, canh gác các địa điểm quan trọng ở Sài Gòn. Sau cuộc đảo chính, tình hình chính trị ở cả Việt Nam và Nam Kỳ có nhiều chuyển biến, Nhật tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, nhưng kỳ thực là thực hiện chính sách Đại Đông Á. Trong hoàn cảnh đó, nhiều đảng phái chính trị ra đời, tranh thủ lôi kéo lực lượng. Lo ngại đạo Cao Đài bị các thế lực lợi dụng làm ảnh hưởng đến tôn chỉ hành đạo. Một số chức sắc các chi phái Cao Đài ở Sài Gòn đã đứng ra vận động thành lập một khối Cao Đài thuần chân đạo đức, không tham gia chính trị. Nỗ lực này được các nhân vật nổi bật như: Lê Kim Tỵ (phái Tiên Thiên), Cao Triều Phát (Minh Chơn Đạo), Nguyễn Ngọc Tương (Ban Chỉnh Đạo) tán thành. Tháng 6-1945, một đại hội toàn đạo của 11 Chi phái (không có Toà Thánh Tây Ninh) họp tại Tam Giáo điện Minh Tâm, Hội nghị do Cao Triều Phát chủ tọa và tuyên bố những nội dung chủ yếu: + Các phái Cao Đài giữ việc tu hành chơn chánh + Không thừa nhận những ai lạm dụng danh nghĩa Cao Đài lập ra tổ chức chánh trị, quân sự có hại cho Đạo, cho nước [4:60]. Đồng thời, Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức lấy tên là: “Cơ Quan Cao Đài Hiệp Nhứt”, bầu Cao Triều Phát làm Chủ tịch, Lê Kim Tỵ làm Phó Chủ tịch, Trần Văn Nho làm Tổng Thư Ký, Phan Thanh làm Trưởng ban Truyền giáo phụ trách miền Nam, Thanh Long làm Phó ban Truyền giáo phụ trách Trung Kỳ, Bắc Kỳ. 2.2. Cao Đài tham gia kháng chiến từ 1945 - 1946 Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, không phân biệt giáo lương, cùng nhau sát cánh cánh chung quanh Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, kiên quyết chống giặc ngoại xâm. Tín đồ và chức sắc của các phái Cao Đài đều hăng hái tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến. Ngay trong những ngày đầu chống Pháp, Cao Triều Phát vận động tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo tích cực tham gia Quỹ độc lập và Tuần lễ vàng, bản thân ông và gia đình hiến 5.000 ha ruộng đất và tất cả số vàng gia đình dành dụm được [5:23]. Cao Đài Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre, có hai người con trai của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đều trở thành cán bộ cách mạng tham gia kháng chiến: Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, Khu bộ phó Khu 9 và kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, ủy viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ. Với sự ủng hộ của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương nên đông đảo chức sắc, tín đồ của Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo đã tích cực tham gia kháng chiến cứu quốc. Đối với Cao Đài Tây Ninh, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, lực lượng vũ trang giáo phái này gồm Chi đội 7 do Nguyễn Thanh Bạch chỉ huy và Chi đội 8 do Nguyễn Hoài Thanh (Nguyễn Văn LỰC LƯỢNG CAO ĐÀI YÊU NƯỚC Ở NAM B TRONG GIAI ĐOẠN 1945 – 1954 104 Thành) chỉ huy, hợp tác với các lực lượng khác chống giặc trên mặt trận số 1 (phía Đông) và số 2 (phía Bắc). Đây là hai trong bốn mặt trận bao quanh Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, ngăn không cho thực dân Pháp đánh ra các vùng ngoại vi. Một số nhân vật quan trọng, chức sắc của chi phái này tham gia vào chính quyền cách mạng như: Đặng Trung Chữ là Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Tây Ninh; Trần Văn Xương được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh. Cuối tháng 10-1945, Pháp nhận thêm viện binh, mở cuộc tấn công từ Sài Gòn đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ. Trước sức tấn công của Pháp, ngày 19, 20 tháng 11- 1945, Cao Triều Phát triệu tập hội nghị chức sắc của toàn phái Cao Đài Minh Chơn Đạo, tại Hội nghị ông khái quát tình hình xâm lược của thực dân Pháp và kêu gọi chức sắc tín đồ toàn phái Cao Đài Minh Chơn Đạo hãy hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Với khẩu hiệu: “Bàn thờ tôn giáo thì có nhiều, bàn thờ tổ quốc chỉ có một”, tín đồ Cao Đài không thể viện lý do tu hành, mà cúi đầu chịu nhục đầu hàng kẻ xâm lược dày xéo quê hương, giết hại đồng bào. Sau hai ngày thảo luận, hội nghị đồng thanh quyết nghị thành lập Mặt trận kháng chiến chống Pháp của Cao Đài Minh Chơn Đạo. Căn cứ kháng chiến đặt ấp Giồng Bốm, nơi có Tòa thánh Ngọc Minh với hàng ngàn chức sắc, tín đồ sống xung quanh. Đại hội cử Cao Triều Phát làm Tổng chỉ huy Măt trận. Ban chỉ huy có các vị như: Giáo hữu Trần Hữu Nam, Giáo sư Nguyễn Hiền Ngô, Đạo hữu Huỳnh Văn Hai, Giáo sư Ngô Văn Phú, Giáo sư Dương Công Hương, Đạo hữu Phạm Văn Thiệt, Giáo hữu Dương Văn Luân, Giáo hữu Huỳnh Thị Quỳ, Đạo hữu Nguyễn Thị Quyên, Đạo hữu Phan Thị Lợi.v.v và nhiều chức sắc, tín đồ khác trong các Ban chuyên môn như: Ban tham mưu, Ban quân sự, Ban tiếp tế quân lương, quân trang, Ban cứu thương, Ban vận động ủng hộ mặt trận.v.v[6:15]. Ngày 29-1-1946, thực dân Pháp đánh chiếm thị xã Bạc Liêu, từ đây chúng tỏa ra càn quét các vùng đất còn lại: thị trấn Vĩnh Lợi, Giá Lai, Cà Mau.v.v Giồng Bốm trở thành mục tiêu cần phải đánh chiếm của Pháp. Để đối phó với hoạt động chiến tranh của Pháp, hàng ngàn tín đồ, chức sắc của Cao Đài Minh Chơn Đạo từ khắp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên qui tụ về Tòa thánh Ngọc Minh [8:76]. Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, Tòa Thánh Ngọc Minh củng cố và xây dựng trở thành một chiến lũy để chống giặc, xung quanh Tòa thánh có xưởng rèn đúc vũ khí, hầm nuôi giấu cán bộ, thao trường luyện quân, đường hào liên thông với công sự. Thanh niên có đạo khỏe mạnh đều được tuyển mộ vào lực lượng chiến đấu, lực lượng tại đây được tổ chức thành 18 trung đội, tương đương với 2 tiểu đoàn. Mỗi trung đội được phân công đảm nhận một địa bàn, vị trí quan trọng, lực lượng còn lại làm các nhiệm vụ tuần tra, canh gác, sản xuất lương thực, rèn đúc vũ khí. Phụ nữ đảm nhận các nhiệm vụ cứu thương, tiếp tế hậu cần, vận động ủng hộ kháng chiến [8:77]. Ngày 6-4-1946, thực dân Pháp cho một trung đội tiến vào Giồng Bốm để thám thính, lực lượng này bị phát hiện đánh trả nên nhanh chóng rút lui. Một tuần sau, ngày 12-4, Pháp cho 3 máy bay bắn phá Mặt trận Giồng Bốm, khiến nhiều nghĩa PHẠM VĂN PHƯƠNG 105 quân hy sinh và bị thương. Ngày hôm sau, hơn 100 lính Pháp tấn công Giồng Bốm, nhờ có hệ thống phòng ngự được chuẩn bị từ trước, Mặt trận đứng vững, tiêu diệt hàng chục quân giặc. Sau hai lần tấn công thất bại, ngày 15-4, Pháp cho máy bay, pháo binh oanh tạc mở đường cho hai tiểu đoàn quân viễn chinh chia làm ba mũi tiến vào Giồng Bốm. Nghĩa quân bám từng công sự, hầm hào chiến đấu anh dũng từ sáng đến trưa, súng đạn hết thì dùng gươm, giáo mác, tầm vông đánh giáp lá cà. Do tương quan lực lượng chênh lệch, đạn dược không còn, Cao Triều Phát ra lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng. Trong trận đánh này, có 106 chiến sĩ hy sinh, hơn 100 giặc Pháp bị tiêu diệt [6:14]. Trận đánh tại Mặt trận Giồng Bốm gây tiếng vang lớn, đây là một trong những trận quyết chiến lớn nhất Tây Nam Bộ trong những ngày đầu chống Pháp. Ý chí chống xâm lược của tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo có ý nghĩa cỗ vũ, khích lệ tinh thần yêu nước, bảo vệ đạo của đông đảo tín đồ các chi phái Cao Đài và quần chúng nhân dân nói chung. Sau một thời gian tiến hành chiến tranh xâm lược trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương, thực dân Pháp thấy rõ khả năng không thể thực hiện được chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” bằng các cuộc tiến công quân sự. Từ thực tế đó, Pháp đã chuyển hướng chiến lược sang thực hiện một cuộc chiến tranh lâu dài nhằm từng bước “bình định” vùng nông thôn đông dân nhiều của. Trong đó, Pháp vẫn coi “bình định Nam Bộ là một khâu then chốt, chúng hy vọng hoàn thành mục tiêu này vào mùa thu 1947”[3:312]. Song song với hoạt động quân sự để tìm diệt lực lượng kháng chiến, thực dân Pháp tìm cách chia rẽ dân tộc trong kế hoạch bình định Nam Bộ, nhằm tạo ra hai lực lượng đối địch nhau: khối cộng sản và khối quốc gia, cả trong kháng chiến và ngoài kháng chiến. Mục đích của Pháp nhằm: “gây ra một thứ nội chiến giữa người Việt Nam với nhau” [11:487]. Cơ quan Tình báo Pháp tại Sài Gòn lôi kéo những người đứng đầu trong các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Đồng thời, lợi dụng một số sai sót của chính quyền cách mạng trong thời kỳ đầu kháng chiến để khoét sâu khoảng cách giữa một bộ phận tôn giáo, đảng phái với cách mạng. Pháp muốn biến cuộc kháng chiến chống xâm lược thành cuộc xung đột đổ máu trong nội bộ nhân dân Việt Nam. Ngày 9-6-1946, Trần Quang Vinh - chức sắc cao cấp đại diện cho phái Cao Đài Tây Ninh ký kết với Pháp một thỏa ước hợp tác với nội dung: “Đối với Pháp quân đội Cao Đài Tây Ninh phải ngưng chiến và giải tán tất cả bộ đội cơ động lưu động kháng chiến. Đối với Đạo, quân đội Pháp cũng ngưng các cuộc tấn công khủng bố, không bắt buộc đá động đến một chức sắc hoặc đạo hữu nào tất cả. Trả lại các quyền tự do tín ngưỡng truyền bá của Đạo. Mở cửa Tòa Thánh và các Thánh thất được tự do thờ phượng cúng kiếng trong phạm vi tôn giáo. Đem Đức Hộ Pháp và chư vị Thiên Phong trở về cố quốc và giao trả lại các quyền tự do công dân” [9:83]. Để lôi kéo chi phái này, Pháp trao trả lại Tòa thánh Tây Ninh, các thánh thất được mở cửa cúng kiếng tự do, các tín đồ bị bắt đều được thả, Hộ Pháp Phạm Công Tắc và các chức sắc bị đi đày ở Madagascar cũng sẽ được đưa về nước. Hành động hợp tác với Pháp khiến một số chức sắc và tín đồ Cao Đài Tây Ninh có tinh thần chống Pháp bất bình, họ gửi đơn xin tham gia Hội nghị LỰC LƯỢNG CAO ĐÀI YÊU NƯỚC Ở NAM B TRONG GIAI ĐOẠN 1945 – 1954 106 hiệp nhất Cao Đài và ủng hộ kháng chiến. Nhóm này tự xưng là phái Tây Ninh trung thành, để phân biệt với bộ phận còn lại trong chi phái. 2.3. Tổ chức Cao Đài cứu quốc 1947 - 1954 Tháng 4-1947, Cao Triều Phát – Phó chưởng quản Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo Hậu Giang, đứng ra vận động các hội thánh thành lập “Cao Đài cứu quốc 11 phái hợp nhất”. Cao Triều Phát được bầu làm Hội trưởng, Nguyễn Ngọc Nhựt làm Hội phó và thành lập Ban Chấp hành Cao Đài Cứu quốc ở cấp tỉnh, huyện, xã khắp Nam Bộ [4:60]. Để góp phần vào kháng chiến đáng trong lúc khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cao Triều Phát đã lập “Quyển sổ vàng Cao Đài cứu quốc” vận động chức sắc, chức việc, tín đồ đóng góp tài chính ủng hộ kháng chiến. Ngoài ra, còn tổ chức bán đấu giá chiếc áo lụa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để gây quỹ ủng hộ ngày thương binh liệt sĩ. Số tiền thu được từ hai đợt vận động trên khoảng 136.478 đồng Đông Dương (1 đồng = 1 giạ lúa) [4:61]. Đại hội lần I Để tăng cường sự đoàn kết và nhất trí trong nhận thức và hành động kháng chiến, Đại hội đại biểu các phái Cao Đài trong tổ chức Cao Đài 11 phái hiệp nhất được tổ chức. Ngay sau đó, một số chức sắc và tín đồ của phái Tây Ninh trung thành cũng xin tham gia. Các đại biểu của 12 phái Cao Đài (gồm cả phái Tây Ninh trung thành) toàn Nam Bộ tề tựu về chiến khu Đồng Tháp Mười tham dự Đại hội từ 14 đến 17-10- 1947. Đại hội đã vạch trần thủ đoạn “chia để trị” của thực dân Pháp và lên án hành động của thiểu số những người đồng đạo lợi dụng tôn giáo để chống lại tổ quốc, quyết định thành lập Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất để hướng dẫn chức sắc và tín đồ các phái góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống ngoại xâm. Mười hai phái gồm: Cao Đài Minh Chơn Đạo (Cà Mau); Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre); Cao Đài Tiên Thiên (Bến Tre); Cao Đài Minh Chơn Lý (Mỹ Tho); Cao Đài Chiếu Minh Long Châu (Cần Thơ); Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý (Rạch Giá); Cao Đài Tây Ninh; Cao Đài Hội Giáo (Cần Thơ); Cao Đài Cao Thượng Bửu Tòa (Bạc Liêu); Cao Đài Tuyệt Cốc (Tây Ninh); Chơn Lý Tầm Nguyên (Long An); Liên Hòa Tổng Hội (Sài Gòn) [4:61]. Thành phần Ban chấp hành, Ban cố vấn và Ban kiểm soát của có đại diện của tất cả các phái: Cao Triều Phát được bầu làm chủ tịch, các ông: Phạm Hồng Tiên (Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), Nguyễn Ngọc Khảm (Cao Đài Tây Ninh trung thành), Nguyễn Ngọc Nhựt (Cao Đài Ban Chỉnh Đạo) làm Phó Chủ tịch. Các vị trong Ban Chấp hành Hội Cao Đài Cứu quốc đã tuyên thệ luôn trung thành với Tổ quốc, nguyện đem hết năng lực và công tâm phụng sự nước nhà; không phản đạo, phản quốc, triệt để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngoài việc thành lập Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất, đại hội còn thống nhất lập: “Hội thánh duy nhất” của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và suy tôn Cao Triều Phát làm Chưởng quản Cửu Trùng Đài, Phạm Hồng Tiên làm Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài. Đồng thời cho xuất bản tờ Đường Sáng, Cơ quan ngôn luận của Đạo để hướng dẫn tín đồ hành đạo, kêu gọi tinh thần yêu nước chống giặc, phổ biến tin tức, vạch trần những âm mưu lợi dụng, mua chuộc chia rẽ tôn giáo của thực dân Pháp [4:61]. PHẠM VĂN PHƯƠNG 107 Chủ nhiệm kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ, ông Hà Huy Giáp hoan nghênh việc thành lập Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất và tuyên bố công nhận Hội là một tổ chức thành viên của Kỳ bộ. Thay mặt Ủy ban Hành chính Nam Bộ, ủy viên nội vụ Ung Văn Khiêm gửi thư khen ngợi chức sắc và tín đồ 12 phái đã làm thất bại âm mưu của thực dân muốn gây nên cảnh cốt nhục tương tàn, kêu gọi mọi người đoàn kết để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc trường kỳ kháng chiến và hứa sẽ giúp đỡ mọi phương tiện để Hội hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ông ca ngợi cụ Cao Triều Phát là: “nhà ái quốc chân thành, nêu tấm gương vì Đạo vì Đời cho mọi người noi theo” [4:46]. Sau Đại hội, tổ chức Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất các cấp: tỉnh, quận, xã lần lượt được thành lập ở khắp các tỉnh của Nam Bộ, Hội đều có đại diện trong Mặt trận Liên Việt các cấp. Được sự dẫn dắt và động viên của các cấp Hội, chức sắc, tín đồ Cao Đài các chi phái nhiệt tình tham gia mọi công tác: đi Vệ Quốc đoàn, gia nhập dân quân du kích, tăng gia sản xuất lương thực để nuôi quân đánh giặc, đỡ đầu các đơn vị vũ trang, giúp đỡ thương binh, cứu tế nạn nhân chiến tranh.v.v Các lực lượng vũ trang của Cao Đài cứu quốc được tập hợp vào Trung đoàn 124, sát cánh chiến đấu với lực lượng vũ trang do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ngày 3-5- 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi “Mười hai phái Cao Đài do cụ Cao Triều Phát lãnh đạo luôn luôn cùng đồng bào toàn quốc hăng hái kháng chiến. Tổ quốc và Chính phủ sẽ nhớ công những người con trung thành” [3:335-336]. Đại hội lần II Ngày 14 đến 18-10-1948, Hội Cao Đài cứu quốc tổ chức Hội nghị Khoáng đại lần thứ II cũng tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Hội nghị quyết định đổi tên Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất thành Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái thống nhất, thành lập thêm các đoàn thể Thanh niên Cao Đài cứu quốc, Phụ nữ Cao Đài cứu quốc để tạo điều kiện thuận lợi về mặt tổ chức cho đông đảo chức sắc, tín đồ nam nữ tham gia kháng chiến. Cụ Cao Triều Phát tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. Ngày 24-10, Hội ra bản tuyên ngôn 5 điểm ủng hộ kháng chiến. Bản tuyên ngôn 5 điểm của Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái thống nhất, đã khẳng định lập trường của các giáo phái Cao Đài yêu nước, chọn con đường đồng hành cùng dân tộc. Đồng thời là định hướng quan trọng để các giáo phái vận động các chức sắc, chức việc và tín đồ Cao Đài tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp [2:145]. Sau đại hội lần thứ II, Hội Cao Đài cứu quốc tập trung nỗ lực tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp chia rẽ, “dùng người Việt đánh người Việt, dùng người Cao Đài đánh người Cao Đài”. Bằng biện pháp kiên trì thuyết phục, Hội đã vận động được một số đông anh em đi lính cho Pháp trở về với Tổ quốc và một số đông tín đồ từ vùng tạm chiếm trở về vùng tự do trong chiến khu. Trong thư gửi cụ Cao Triều Phát, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt viết: “Trước sức đoàn kết chặt chẽ của các tôn giáo chung quanh chính phủ kháng chiến, mưu mô dùng tôn giáo để chia rẽ dân tộc ta của thực dân Pháp bị hoàn toàn thất bại. Theo gương của đồng bào Cao Đài kháng chiến, một số (tín đồ) Cao Đài lầm lẫn đã tỉnh ngộ và đã quay về với Chính phủ, mang theo cả vũ khí (). Kết quả này đã gây sự phấn khởi và lòng tin tưởng cho LỰC LƯỢNG CAO ĐÀI YÊU NƯỚC Ở NAM B TRONG GIAI ĐOẠN 1945 – 1954 108 toàn thể đồng bào toàn quốc hiện đang chiến đấu” [1:46]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp của cụ Cao Triều Phát trong việc tổ chức, lãnh đạo Hội Cao Đài cứu quốc, trong thư gửi cho cụ Cao Triều Phát có viết: “Zù xa cách, Chính fủ và tôi lúc nào cũng nghĩ đến công nghiệp của Ông đối với Tổ quốc, đối với cuộc Kháng chiến và rất mong có ngày gặp Ông. Cuộc kháng chiến ngày càng gay go, sự đoàn kết nhân zân ngày càng fải siết chặt. Ông là một lãnh tụ của một tôn záo lớn, một vị Nghị sĩ, một bậc Lão thành, nhiệm vụ Ông đối với sự đoàn kết ở Nam Bộ rất nặng nề. Chính fủ, Quốc hội cũng như đồng bào Trung, Bắc rất hâm mộ và tín nhiệm ông. Với sự đồng tâm nhứt trí của toàn thể quốc zân, ngày vinh quang của đất nước sẽ gần đây. Ngày ấy cùng Ông uống một chung rượu đào, ngâm một bài thơ đắc thắng, là lòng mong mỏi của tôi.” [1:47]. Cho đến năm 1954, Hội Cao Đài Cứu quốc còn tổ chức thêm ba lần Đại hội: lần III (cuối năm 1950); lần IV (đầu năm 1952); lần V (tháng 3-1953) [10:327]. Dưới sự lãnh đạo của Hội Cao Đài cứu quốc và Hội Thánh Cao Đài duy nhất, chức sắc, tín đồ Cao Đài thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của cách mạng. Ở một số nơi, chức sắc, tín đồ Cao Đài đồng tình phá bỏ thánh thất và tản cư về các vùng tự do vừa tu hành, vừa đánh giặc. Đông đảo bổn đạo Cao Đài đều tích cực tham gia hoạt động cứu quốc, đoàn kết xung quanh Mặt trận Việt Minh, ủng hộ cách mạng chống Pháp. Đến năm 1949, ở Nam Bộ, Cao Đài Cứu Quốc đã thu hút gần một triệu tín đồ, chức sắc tham gia, đã có 19/20 tỉnh lập ban chấp hành với 57 ban chấp hành huyện và 581 ban chấp hành xã [10:327]. Để ghi nhận những đóng góp, Tháng 4-1949, cụ Cao Triều Phát được tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, Hội Cao Đài cứu quốc được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Đối với Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Ngày 8-12-1954, Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất cho gia đình Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương và một huân chương kháng chiến hạng hai cho Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo vì thành tích: Ban Chỉnh Đạo Bến Tre đã giữ vững thái độ trung thành với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vận động đông đảo tín đồ tham gia kháng chiến. 3. Kết luận Từ khi ra đời năm 1926, đạo Cao Đài có quá trình phát triển nhanh chóng, qui tụ được một số lượng tín đồ đông đảo. Dù có chia thành nhiều chi phái khác nhau, nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của tôn giáo này trong đời sống chính trị - xã hội ở Nam Bộ. Những năm kháng chiến, trước âm mưu và thủ đoạn chia rẽ của thực dân Pháp, một bộ phận Cao Đài hợp tác với Pháp chống lại cách mạng. Do đó, đưa đến những nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, đóng góp của các chi phái đạo Cao Đài trong kháng chiến chống Pháp. Qua sự phân tích ở trên, có thể thấy, một bộ phận khác gồm nhiều chi phái khác nhau đã được tập hợp trong Hội Cao Đài cứu quốc, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc Hội Cao Đài cứu quốc đã động viên hàng triệu chức sắc, tín đồ 12 phái Cao Đài hăng hái tham gia kháng PHẠM VĂN PHƯƠNG 109 chiến cứu nước, đóng góp sức người, của cải tham gia tích cực vào các phong trào: Tuần lễ vàng, Quỹ độc lập, Hũ gạo kháng chiến, Quyển sổ vàng Cao Đài cứu quốc góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thành công. Nhiều tấm gương hi sinh anh dũng của tín đồ Cao Đài gây sự xúc động mạnh mẽ trong nhân dân, tiêu biểu như kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt. Các chức sắc lớn của Đạo Cao Đài vừa tham gia hành đạo vừa tham gia các cơ quan chính quyền, mặt trận, đoàn thể, quân đội có những đóng góp xứng đáng cho dân tộc trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Văn Hoàng (2012), “Hội Cao Đài 12 phái hiệp nhất một nét son trong giáo sử Cao Đài Việt Nam”, Tạp chí Cao Đài, (Số 9). 2. Phan Văn Hoàng (2011), Cao Triều Phát - Nghĩa khí Nam Bộ, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 3. Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2011), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945 – 1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 4. Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo (2012), “Truyền thống đoàn kết trong cộng đồng Cao Đài qua các thời kỳ”, Tạp chí Cao Đài, (Số 10). 5. Cao Bạch Liên, Huệ Khải (2010), Hành trang Cao Triều Phát, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 6. Cao Bạch Liên (2010), “Giồng Bốm và tòa thánh Ngọc Minh”, Tạp chí Cao Đài, (Số 5). 7. Trung ương Cục miền Nam, Báo cáo tình hình công tác Cao Đài Vận từ năm 1950 – 1952, Tài liệu số 18096, lưu tại thư viện Phòng Khoa học Quân sự, Quân khu 7. 8. Đinh Quang Tiến (2014), “Thánh thất Cao Đài Ngọc Minh (Bach Liêu) truyền thống xưa và nay”, Tạp chí Cao Đài, (Số 16). 9. Trần Quang Vinh (1967), Lịch sử Cao Đài trong thời kỳ phục quốc 1941 – 1946 (Hồi ký), Nxb Tòa Thánh Tây Ninh. 10. Nguyễn Thanh Xuân (2007), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 11. Philippe Devillers (1993), Pari – Sài Gòn – Hà Nội, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nhận bài: 09/8/2017 Biên tập xong: 15/9/2017 Duyệt đăng: 20/9/2017

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf37_7341_2215089.pdf
Tài liệu liên quan