Luận văn Ý thức pháp luật với quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay

Tài liệu Luận văn Ý thức pháp luật với quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay: LUẬN VĂN: Ý thức pháp luật với quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, là mục tiêu và động lực phát triển xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân" [45, tr.279] và "thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn" [46, tr.249]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng ta khẳng định: "Toàn bộ tổ chức và động lực của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân" [23, tr.131]. Trong sự nghiệp cách mạng XHCN, Đảng ta không ngừng mở rộng dân chủ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những thành quả của cách mạng đem lại đã thực sự làm thay da đổi thịt đời sống xã hội ở hầu khắp các địa phương, địa bàn cả nước....

pdf94 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1160 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Ý thức pháp luật với quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Ý thức pháp luật với quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, là mục tiêu và động lực phát triển xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân" [45, tr.279] và "thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn" [46, tr.249]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đảng ta khẳng định: "Toàn bộ tổ chức và động lực của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân" [23, tr.131]. Trong sự nghiệp cách mạng XHCN, Đảng ta không ngừng mở rộng dân chủ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những thành quả của cách mạng đem lại đã thực sự làm thay da đổi thịt đời sống xã hội ở hầu khắp các địa phương, địa bàn cả nước. Đặc biệt 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân đã có những thay đổi rõ rệt, quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân lao động ngày một được quan tâm, việc phát huy dân chủ đã được thể chế hóa bằng pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội rất đáng trân trọng, cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, kém hiệu quả, phương châm "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" vẫn chưa đi vào cuộc sống, đời sống pháp luật thấp, ý thức pháp luật và dân chủ của nhân dân, đặc biệt của người nông dân còn hết sức thấp kém so với yêu cầu, mục tiêu đề ra; như Đảng ta chỉ rõ: "Quyền làm chủ của nhân dân chưa được tôn trọng và phát huy đầy đủ trong đời sống xã hội. Không ít hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức, có nơi rất nghiêm trọng. Bệnh quan liêu, tư tưởng phong kiến, gia trưởng còn nặng. Đồng thời, cũng xuất hiện khuynh hướng dân chủ cực đoan, dân chủ không đi liền với thực hiện kỷ luật và pháp luật, cơ chế và pháp luật bảo đảm thực hiện dân chủ chưa được cụ thể hóa đầy đủ" [15, tr.41-42]. Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân sâu xa từ đời sống kinh tế xã hội, từ thói quen lối sống, tập tục sản xuất nông nghiệp lạc hậu, mặt bằng dân trí còn thấp, đặc biệt sự thiếu hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành luật pháp rất thấp, cơ chế chế tài luật pháp chồng chéo, thiếu đồng bộ chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa trở thành nhu cầu thiết yếu trong điều chỉnh quan hệ xã hội. Trong khi đó, đối tượng nông dân, ở địa bàn nông thôn, nông nghiệp với vị trí chiến lược, không chỉ ở số lượng trên 72% dân số mà có vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vẫn chưa thực sự quan tâm chú trọng đúng mức. Trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, trước đòi hỏi xu thế hội nhập mở cửa hợp tác về kinh tế, văn hóa - khoa học kỹ thuật, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ và vận hội mới thì những khó khăn, thách thức của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường, của sự phân hóa giàu nghèo trong đời sống nhân dân, những tiêu cực tệ nạn xã hội cùng tình trạng suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân gây cản trở đến quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn, tạo nên những "điểm nóng" gây mất ổn định chính trị dễ bị kẻ địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành một mặt nỗ lực thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, Nhà nước phải tạo ra một hành lang pháp lý rộng mở, thích hợp, sát thực đảm bảo cho người dân dễ hiểu, dễ biết, thực hiện. Đồng thời, điều quan trọng là tổ chức, phổ biến, tuyên truyền, xã hội hóa công tác giáo dục pháp luật gắn với nhân diện các mô hình hoạt động tự quản ở địa bàn dân cư, nông thôn, phát huy quyền dân chủ của quần chúng nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội ở địa phương. Vì vậy, việc làm rõ vấn đề này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất cấp thiết. Từ những trăn trở và qua thực tế nhiều năm công tác ở cơ sở với những kiến thức, kinh nghiệm ban đầu đã thôi thúc người viết chọn đề tài: " Ý thức phỏp luật với quỏ trỡnh thực hiện dõn chủ ở nụng thụn nước ta hiện nay ". 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Những nội dung liên quan đến vấn đề ý thức pháp luật, vấn đề dân chủ, đã được một số người nghiên cứu dưới những góc độ khác nhau. Các công trình nghiên cứu của các tác giả đã được công bố dưới dạng đề tài khoa học, chuyên đề, khảo sát, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và các bài đăng tải trên các tạp chí, sách báo... Chẳng hạn, như những công trình sau đây: Đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước - Cơ sở khoa học cho việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật, Chương trình Khoa học công nghệ cấp nhà nước KX.07, đề tài KX.07.17 (1995), Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật - Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia. - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới, Đề tài Khoa học cấp bộ (1995) của Bộ Tư pháp. - Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện nay (một số vấn đề lý luận và thực tiễn), Đề tài khoa học cấp bộ, PGS.TS Nguyễn Cúc (chủ biên), Phân viện Hà Nội - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2002. - Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng hiện nay, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2003, TS. Nguyễn Thị Ngân (chủ biên). Luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ - Nâng cao ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, tác giả Lê Đình Khiên năm 1996. - Thực chất của quá trình dân chủ hóa XHCN ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Luận án tiến sĩ Triết học, tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, năm 1993. - Những đặc điểm của quá trình hình thành ý thức pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, tác giả Đào Duy Tấn, năm 2000. - Sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện đổi mới ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, tác giả Hồ Việt Hiệp, năm 2000. - Lôgíc khách quan của quá trình hình thành và phát triển ý thức pháp luật ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Triết học, tác giả Nguyễn Thị Thúy Vân, năm 2001. - Nhà nước XHCN với việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học, tác giả Đỗ Trung Hiếu, năm 2002. - Pháp luật với quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội ở địa phương miền núi, Luận văn thạc sĩ Triết học, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, năm 1993. - ý thức pháp luật với việc xây dựng nền dân chủ XHCN ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ Triết học, tác giả Mai Thị Minh Ngọc, năm 2003. Sách, báo, tạp chí - Văn hóa pháp luật quá trình dân chủ hóa, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 4/1991, tác giả Trần Ngọc Đường. - Chính sách pháp luật và ý thức pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/1993, tác giả Nguyễn Như Phát. - Vấn đề dân chủ và các đặc trưng của mô hình tổng thể nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 2/2003, tác giả PGS.TS Hoàng Văn Hảo. - Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và vấn đề thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tác giả Lê Xuân Đình, Tạp chí Cộng sản, số 20 (10-2004). - Phát huy dân chủ ở xã, phường, tác giả PGS.TS Vũ Văn Hiền (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2004. - Quy chế dân chủ ở cơ sở - vấn đề lý luận và thực tiễn, tác giả PGS.TS VũVăn Hiền, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004. - Thể chế dân chủ và phát triển nông thôn Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Văn Sáu, GS. Hồ Văn Thông (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Nhìn chung, do yêu cầu mục đích của mỗi đề tài khoa học, các tác giả đi sâu nghiên cứu làm rõ từng vấn đề cụ thể như dân chủ, dân chủ hóa, dân chủ XHCN, nền dân chủ, ý thức pháp luật như khái niệm, cấu trúc, đặc điểm XHCN phát huy dân chủ cơ sở ở nông thôn... Việc hình thành ý thức pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ quản lý hành chính, mối quan hệ ý thức pháp luật với xây dựng nền dân chủ XHCN... Có thể nói, mỗi công trình có những giá trị nghiên cứu khác nhau, tuy nhiên ý thức pháp luật được nghiên cứu trên bình diện triết học, là một hình thái ý thức xã hội, nó liên quan trực tiếp đến con người với tư cách là một công dân. Công dân có thực hiện quyền dân chủ của mình hay không? điều đó phải ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật. Vì vậy, để pháp luật đi vào cuộc sống, đặc biệt ở địa bàn nông thôn và đối tượng nông dân thì việc nâng cao ý thức pháp luật cho họ có một ý nghĩa hết sức to lớn. Đây là một vấn đề mới mẻ, cơ sở lý luận và thực tiễn chưa nhiều và cũng khá phức tạp khi tìm hiểu dưới góc độ triết học. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn Mục đích: Trên cơ sở làm rõ vai trò của ý thức pháp luật, thực trạng ý thức pháp luật của người nông dân, tác giả khuyến nghị một số giải pháp. Nhiệm vụ: Để đạt được mục đích trên, luận văn sẽ tập trung làm rõ: - ý thức pháp luật của người nông dân và vai trò của nó trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay. - Thông qua tìm hiểu, khảo sát thực trạng ý thức pháp luật của người nông dân, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nâng cao ý thức pháp luật cho người nông dân, nhằm thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay. Phạm vi nghiên cứu của luận văn - Vấn đề ý thức pháp luật và dân chủ được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như Luật học, Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xã hội học, Chính trị học... phạm vi trong luận văn này xin nghiên cứu dưới góc độ triết học. - Khái niệm ý thức pháp luật được hiểu rất rộng kết cấu gồm: Hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Nội dung đề tài tập trung đi sâu một số khía cạnh tâm lý pháp luật: trình độ nhận thức am hiểu pháp luật, tình cảm thái độ chấp hành pháp luật của người nông dân. - Khái niệm về dân chủ cũng rất rộng, do yêu cầu của luận văn, xin được đi sâu khía cạnh dân chủ là một hình thức nhà nước, nó có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu - Luận văn dựa trên cơ sở quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các phần liên quan đến đề tài. - Trên cơ sở phương pháp luận triết học mác xít, luận văn sử dụng các phương pháp phân tích - tổng hợp, lôgíc - lịch sử, hệ thống - cấu trúc, điều tra khảo sát, thống kê - so sánh... trong nghiên cứu và trình bày. 5. Những đóng góp mới của luận văn - Tìm hiểu làm rõ thêm một số quan niệm về ý thức pháp luật của người nông dân, về người nông dân Việt Nam, về dân chủ và quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam dưới góc độ triết học. - Làm rõ vai trò của ý thức pháp luật đối với quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay. - Chỉ rõ thực trạng và giải pháp cần thiết nâng cao ý thức pháp luật cho người nông dân (qua thực tế một số tỉnh phía Bắc) nhằm phát huy dân chủ cơ sở ở nông thôn nước ta hiện nay. 6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần làm tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập triết học và các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Thông qua phân tích thực trạng và kiến nghị một số giải pháp nâng cao ý thức pháp luật của người nông dân trong điều kiện mới, có thể giúp người làm công tác quản lý xã hội, quản lý pháp luật tham khảo, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm ở địa phương mình. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn gồm 2 chương, 4 tiết. Chương 1 ý thức pháp luật của người nông dân và vai trò của nó trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay 1.1. những biểu hiện ý thức pháp luật của người nông dân nước ta hiện nay 1.1.1. ý thức pháp luật: quan niệm và kết cấu 1.1.1.1. Một số quan niệm về ý thức pháp luật ý thức pháp luật (YTPL) là một hình thái ý thức xã hội (YTXH) trong xã hội có giai cấp; trong đó, nó thể hiện tri thức và sự đánh giá về tính công bằng của những quy tắc được chấp nhận trong một xã hội nhất định với tính cách là luật pháp, về quyền hạn và nghĩa vụ các thành viên trong xã hội, về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người, nó là một trong những vấn đề cơ bản, đa dạng, phức tạp của đời sống pháp luật. Đời sống pháp luật đó là nhu cầu cần phải điều chỉnh những hành vi có tính lặp đi, lặp lại thường xuyên, phổ biến của con người trong đời sống xã hội nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp nắm quyền lực và duy trì sự ổn định của cộng đồng xã hội. Nhu cầu cần điều chỉnh đó được con người phản ảnh một cách tích cực và sáng tạo hình thành ý thức pháp luật. Pháp luật ra đời cùng với Nhà nước nhằm thực hiện quyền lực công cộng, nó là công cụ của bộ máy nhà nước để quản lý và điều chỉnh xã hội. Thực chất của pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được thể chế hóa và được thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Do vậy, bên cạnh sự phản ánh sự công bằng xã hội theo những chuẩn mực nhất định, YTPL phản ánh sâu sắc ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội. YTPL hiểu theo nghĩa thông thường, theo nghĩa hẹp thì đó là ý thức chấp hành những quy định pháp luật của con người. Quan niệm này thường được xem như sự đánh giá chủ quan của một tập thể, cá nhân nào đó về mức độ hành vi chấp hành của một đối tượng nhất định trong việc thực hiện pháp luật theo những quy định trong văn bản pháp lý, đó là sự đánh giá mức độ YTPL cao hay thấp, tốt hay kém của họ. Cách quan niệm này vô hình chung đã đồng nhất YTPL với một hình thức biểu hiện cụ thể của nó. Như vậy, sẽ là quá hẹp, phiến diện vì nó chưa thể hiện rõ được vai trò, chức năng, bản chất và kết cấu của YTPL. Trong lý luận khoa học, YTPL được hiểu theo nghĩa rộng, có tính khách quan toàn diện và khái quát cao. Tuy nhiên, do mục đích yêu cầu và phương diện nghiên cứu khác nhau nên cho đến nay đã xuất hiện nhiều quan niệm khác nhau về YTPL. Quan niệm thứ nhất cho rằng: "ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội, biểu thị mối quan hệ của con người đối với pháp luật" [8, tr.130]. Đây là quan niệm mang tính khái quát cao, nhưng lại quá chung, chưa thể đầy đủ kết cấu, nội dung và nguồn gốc của YTPL. Quan niệm thứ hai: lại nhấn mạnh mặt này hay mặt khác của YTPL. Chẳng hạn, có quan niệm tập trung nhấn mạnh cơ cấu YTPL như: "ý thức pháp luật là tổng hợp những tư tưởng quan điểm pháp luật và tâm lý pháp luật. Hay nói cụ thể hơn, là tổng hợp những nhận thức, những hiểu biết quan điểm pháp lý, những tình cảm pháp luật cùng với sự tôn trọng và thói quen chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật" [71, tr.233]. Nhấn mạnh yếu tố pháp lý của YTPL, có quan niệm cho rằng: ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những học thuyết, quan điểm, tư tưởng, tình cảm của con người, thể hiện thái độ, sự đánh giá về tính công bằng hay không công bằng, đúng đắn hay không đúng đắn của pháp luật, về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi xử sự của con người, trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và của các chủ thể khác [35, tr.326]. Có thể nói, quan niệm này khá toàn diện nếu xét theo góc độ của người làm công tác quản lý pháp luật. Tuy nhiên, "tính hợp pháp hay không hợp pháp" cần phải xem xét dưới giác độ giai cấp, gắn với một thể chế nhà nước nhất định và sự phục vụ cho giai cấp cầm quyền nào trong xã hội. Mặt khác, quan niệm trên chỉ hàm ý áp dụng cho thể chế chính trị XHCN, nhà nước XHCN nó chưa phản ánh toàn diện kết cấu nội dung YTPL. Quan niệm thứ ba cho rằng: "ý thức pháp luật XHCN là tổng hòa những quan điểm, quan niệm, tình cảm về pháp luật thể hiện thái độ của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động do giai cấp công nhân lãnh đạo đối với pháp luật, đối với các yêu cầu khác của pháp luật đối với quyền và nghĩa vụ của công dân" [74, tr.196]. Theo quan niệm này, chỉ phản ảnh nội dung cơ bản YTPL XHCN theo thể chế chính trị Xô Viết với sự thuần chất giai cấp, nó đề cao và nhấn mạnh yếu tố giai cấp, thực tế nó được áp dụng theo điều kiện mô hình XHCN Xô Viết trước khi Liên Xô và Đông Âu tan dã. Còn trong điều kiện chế độ dân chủ nhân dân, trong thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH với sự tồn tại của nhiều thành phần giai cấp và tầng lớp xã hội thì nó khó tránh khỏi một sự chủ quan và phiến diện. Một số ý kiến khác lại thu hẹp cơ cấu YTPL chỉ nhấn mạnh mặt tri thức pháp luật, yếu tố hợp pháp của pháp luật như: ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm và quan niệm thịnh hành trong xã hội, thể hiện thông qua sự hiểu biết của con người đối với pháp luật hiện hành, pháp luật đã và pháp luật phải có, thể hiện sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi xử sự của con người cũng như trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội [10, tr.229]. Một quan niệm khác lại tập trung ý thức pháp luật thể hiện ý thức của chủ thể pháp luật, chẳng hạn: "ý thức pháp luật là trình độ hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về pháp luật... ý thức pháp luật còn là thái độ đối với pháp luật, ý thức tôn trọng hay coi thường pháp luật, đó là thái độ đối với hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm" [56, tr.19]. Đành rằng, ý thức phải gắn với chủ thể với một đối tượng nhất định, song với quan niệm trên sẽ là chưa hoàn chỉnh, bởi lẽ nó chưa đề cập đến yếu tố giáo dục, văn hóa pháp luật cũng như chức năng quản lý xã hội của Nhà nước thông qua pháp luật. Quá nhấn mạnh khía cạnh ngăn ngừa, răn đe trong việc thực hiện pháp luật sẽ gây tâm trạng bắt buộc và thụ động bởi sự áp đặt của văn bản pháp luật, nó không thể hiện tính nhân đạo ưu việt của pháp luật XHCN. Như vậy, có thể nói do mục đích nghiên cứu của các chủ thể, ý thức pháp luật được xem xét theo những góc độ khác nhau nên nó cũng được hiểu một cách khác nhau. Trên bình diện khoa học triết học, qua tham khảo các ý kiến nêu trên, theo mục đích yêu cầu và nhiệm vụ đề tài luận văn, chúng tôi tán thành với quan niệm, rằng: ý thức pháp luật là một hình thái ý thức xã hội, là tổng thể những quan điểm, khái niệm, học thuyết pháp lý, tình cảm của con người (cá nhân, giai cấp, tầng lớp) thể hiện thái độ của họ đối với pháp luật hiện hành, trật tự pháp luật, sự đánh giá về tính công bằng hay không công bằng, đúng đắn hay không đúng đắn của pháp luật hiện hành, pháp luật đã qua và pháp luật trong tương lai, và hành vi hợp pháp, hành vi không hợp pháp của cá nhân, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội [7, tr.290]. Quan niệm này thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện về ý thức pháp luật, đã khái quát cơ bản tính chất cơ cấu, nội dung của ý thức pháp luật, mặt khác nó còn đề cập đến nguồn gốc, mối liên hệ phổ biến, tất yếu của ý thức pháp luật đối với đời sống xã hội. Là một hình thái ý thức xã hội, ý thức pháp luật phản ánh sâu sắc đời sống pháp luật, trước hết là sự phản ánh quá trình nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và việc điều chỉnh hành vi của họ nhằm duy trì trật tự kỷ cương xã hội theo pháp luật của Nhà nước. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" ở nước ta, đòi hỏi một mặt phải nâng cao hiệu lực pháp luật XHCN, mặt khác phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân. Với quan niệm trên sẽ giúp chúng ta có cơ sở khoa học để nghiên cứu vấn đề ý thức pháp luật của người nông dân và vai trò quan trọng của nó trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn hiện nay. 1.1.1.2. Kết cấu của ý thức pháp luật Tùy từng góc độ nghiên cứu khác nhau có thể xem xét kết cấu YTPL gồm những thành tố nhất định. Căn cứ vào tính chất, nội dung của YTPL, theo yêu cầu nhiệm vụ của luận văn này, chúng tôi dùng cách tiếp cận, phân chia kết cấu YTPL gồm hai bộ phận: Hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Một là: Hệ tư tưởng pháp luật: Nói đến hệ tư tưởng pháp luật là nói đến bản chất của pháp luật, nó thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội có phân chia giai cấp. Hệ tư tưởng pháp luật đó là hệ thống các quan điểm, tư tưởng của con người, phản ánh một cách sâu sắc đời sống pháp luật theo ý chí của một giai cấp nhất định, nó được thể hiện thông qua hệ thống các phạm trù, khái niệm, nguyên tắc... Hệ tư tưởng pháp luật là hệ thống các vấn đề mang tính bản chất của pháp luật và quan hệ pháp luật, nó được khái quát ở tầm lý luận. Hệ tư tưởng pháp luật bao gồm tổng thể các tư tưởng, quan điểm, học thuyết về pháp luật. Chúng đề cập đến vai trò, bản chất giai cấp, các thuộc tính của pháp luật cũng như mối quan hệ giữa pháp luật với dân chủ, tự do công bằng, quyền con người, mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ pháp chế trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về nhận thức pháp luật và thực hiện pháp luật. Trong một chế độ chính trị - xã hội ở mỗi quốc gia nhất định, hệ tư tưởng pháp luật chính thống bao giờ cũng là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị (trong xã hội chiếm hữu nô lệ thì giai cấp thống trị là chủ nô, xã hội phong kiến do giai cấp địa chủ thống trị, xã hội TBCN giai cấp tư sản giữ địa vị thống trị, trong xã hội XHCN giai cấp thống trị là giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản). Khi giai cấp cầm quyền là lực lượng tiến bộ của xã hội, có lợi ích kinh tế - chính trị phù hợp với lợi ích căn bản của số đông các lực lượng khác trong xã hội thì hệ tư tưởng pháp luật sẽ mang tính khoa học, tính cách mạng, tính dân chủ và tính xã hội cao. Ngược lại, nó có thể trở nên lạc hậu, thậm chí phản động khi nó đối lập với xã hội, nó sẽ là rào cản của phát triển xã hội. Tuy nhiên, hai khuynh hướng trên nó luôn luôn chuyển hóa để trở thành YTPL của toàn xã hội, suy cho cùng nó phản ánh sâu sắc bản chất tồn tại xã hội do tồn tại xã hội quy định, mà đỉnh cao của nó là lợi ích kinh tế - chính trị của giai cấp thống trị ở mỗi xã hội nhất định. ở nước ta hiện nay, Tư tưởng pháp luật của chủ nghĩa Mác - Lênin và Hồ Chí Minh được cụ thể hóa trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của sự hình thành ý thức pháp luật ở Việt Nam là quá trình tự giác dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là nhân tố quyết định của bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân của ý thức pháp luật [49, tr.11]. Hệ tư tưởng pháp luật ở nước ta mang đặc trưng bản chất pháp luật XHCN, nó thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Vì vậy, để hệ tư tưởng pháp luật này tiếp tục phát triển và giữ vai trò chi phối đời sống pháp luật toàn xã hội Việt Nam một mặt phải quán triệt sâu sắc quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam về pháp luật, mặt khác Nhà nước phải thể chế hóa đường lối chính trị của Đảng thành pháp luật và đưa đường lối chính sách của Đảng vào đời sống xã hội của nhân dân ta. Đồng thời, Đảng và Nhà nước phải không ngừng mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ cho nhân dân lao động và các tầng lớp trong xã hội tích cực tham gia quá trình xây dựng pháp luật, giám sát các cơ quan Nhà nước thi hành pháp luật. Bởi đây là những nhân tố, quan trọng bảo đảm cho sự thành công của quá trình xây dựng nền pháp quyền XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Hai là, tâm lý pháp luật là sự phản ánh tâm trạng, cảm xúc, thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý. Tâm lý pháp luật được hình thành một cách tự phát, dưới dạng tình cảm, tâm trạng, thái độ, cảm xúc của con người đối với pháp luật. Sự tồn tại của tâm lý pháp luật thường gắn với trạng thái tâm lý của con người, là sự phản ánh trực tiếp, những "cung bậc" tình cảm của con người đối với các hiện tượng pháp lý cụ thể. Tâm lý pháp luật là một bộ phận của YTPL, so với hệ tư tưởng thì nó phong phú hơn, có tính bền vững hơn và ít biến đổi và gắn bó chặt chẽ với thói quen, truyền thống, tập quán của con người, của cộng đồng xã hội. Nói tâm lý pháp luật là nói đến sự biểu đạt những cảm xúc, tâm trạng, thái độ của con người đối với pháp luật, liên quan mật thiết với nhu cầu và lợi ích của con người và mức độ biểu hiện của nó với pháp luật, mặt khác nó còn chịu sự ràng buộc của những thói quen, truyền thống, tập quán sản xuất lao động, quan hệ kinh tế - xã hội của con người. Bởi vậy, cũng như các hình thái ý thức xã hội khác, tâm lý pháp luật thường ít biến đổi, chậm thay đổi, nó mang tính bảo thủ, có tính bền vững cao so với tư tưởng pháp luật. Do vậy, để xóa bỏ ý thức pháp luật lạc hậu, xây dựng ý thức pháp luật XHCN thì không thể chủ quan tùy tiện áp đặt khiên cưỡng, ngược lại phải kiên trì, linh hoạt, sáng tạo và cần có thời gian nhất định. Tâm lý pháp luật đó là việc thể hiện thái độ và hành vi đối với pháp luật hiện hành và việc chấp hành các quy định của pháp luật, đó là thái độ đồng tình hay phản đối, thờ ơ hay trân trọng, xem thường hay tôn trọng pháp luật... Thông qua thái độ ấy mà con người thể hiện thái độ, niềm tin, thực hiện hành vi ứng xử trước pháp luật hiện hành. Nói đến trạng thái của tâm lý pháp luật thì tình cảm pháp luật là nấc thang đầu tiên, mang nặng tính cảm tính. Tuy nhiên, những giá trị và mức độ của những "cung bậc" tình cảm pháp luật còn tùy thuộc vào nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của con người trước pháp luật, điều này được tình cảm pháp luật qua thái độ tiêu cực hay tích cực, ủng hộ hay không ủng hộ của con người đối với pháp luật. Tính kế thừa của truyền thống, hành vi ứng xử theo thói quen, tập quán, việc bồi đắp và xây dựng niềm tin pháp luật là những nhân tố khá ổn định tính bền vững trong nội dung của tâm lý pháp luật. Những yếu tố ấy được hình thành một cách lâu dài, phức tạp và kiểm chứng qua thực tiễn, làm cơ sở cho hoạt động của con người tự tin, kiên định và hiệu quả hơn. Vì vậy nó là những yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành ý thức pháp luật. Mặt khác, trong quá trình tiếp thu, kế thừa những giá trị truyền thống, thói quen tập quán, chúng ta phải chú trọng sự tác động từ hai phía tích cực và tiêu cực của những yếu tố này trong việc xây dựng những chính sách thiết thực, hữu hiệu để nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Do điều kiện lịch sử để lại, nhân dân ta chưa có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, vì vậy đòi hỏi phải kiên trì khắc phục hạn chế đó, đặc biệt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng chế độ dân chủ XHCN. Cũng phải nói rằng, giữa tâm lý pháp luật và hệ tư tưởng pháp luật có mối quan hệ qua lại khăng khít với nhau. Tâm lý pháp luật ra đời và phản ánh thái độ của con người trước pháp luật một cách tự phát, chưa hoàn chỉnh và chịu sự chi phối của hệ tư tưởng pháp luật. Ngược lại, sự phát triển của hệ tư tưởng pháp luật cũng chịu ảnh hưởng của tâm lý pháp luật. Tâm lý pháp luật và hệ tư tưởng pháp luật là hai trình độ phản ánh đời sống pháp luật nhưng có mối quan hệ tác động lẫn nhau trong sự hình thành YTPT; sự đan xen và mức độ tác động qua lại giữa hệ tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật lại còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy, để nâng cao ý thức pháp luật XHCN cho nhân dân, bên cạnh việc đổi mới hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, việc kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật cần phải tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật hơn nữa cho nhân dân nhất là với đối tượng như nông dân, đồng bào ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người. 1.1.2. Những biểu hiện ý thức pháp luật của người nông dân Việt Nam hiện nay 1.1.2.1. Quan niệm về nông dân Việt Nam Trong suốt chiều dài lịch sử, nông dân có một tầm quan trọng đặc biệt trong mỗi quốc gia dân tộc cũng như ở Việt Nam. Điểm đặc biệt ở chỗ, nông dân không chỉ gắn liền với một phương thức sản xuất cổ truyền đặc thù mà nó còn gắn liền với truyền thống văn hóa tín ngưỡng lâu đời từ trước tới nay. Nông dân còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như lịch sử, chính trị, tâm lý, giáo dục, xã hội học... Dưới góc độ triết học, nông dân được nghiên cứu xem xét với tư cách là một giai cấp, một bộ phận to lớn trong xã hội, một lực lượng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc làm ra của cải vật chất cho xã hội. Trong thực tiễn, nông dân còn là lực lượng hùng hậu, là đối tượng cách mạng đi theo giai cấp công nhân làm nên thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN. Đối tượng nông dân lại được nghiên cứu theo từng khía cạnh nhất định như: tư tưởng nông dân, tâm lý, đạo đức, lối sống, trình độ văn hóa của người nông dân... Tìm hiểu làm rõ biểu hiện ý thức pháp luật của người nông dân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra những nội dung, hình thức, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao ý thức pháp luật của họ trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay. Song trước hết, chúng ta xem quan niệm nông dân là gì? quan niệm về người nông dân Việt Nam hiện nay như thế nào? Theo Từ điển tiếng Việt, nông dân được hiểu là "người lao động sống bằng nghề làm ruộng" [76, tr.397]. Trong tiếng Anh, nông dân (Famer) được hiểu là người làm việc nghề nông, người cày cấy, trồng trọt, làm việc ở các nông trại, là chủ các trang trại. Theo Wiliam Rosbery, nhà nghiên cứu xã hội Mỹ "Nông dân được coi là những trang chủ gia đình, những người sản xuất lương thực cho bản thân và cho các nhóm xã hội khác có địa vị cao hơn" [28, tr.55] hoặc nông dân - một giai cấp chuyên sản xuất những sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở tư hữu tư nhân hoặc sở hữu hợp tác xã về tư liệu sản xuất và tham gia bằng lao động của chính mình [77, tr.171]. Như vậy, nói đến nông dân là nói đến một bộ phận dân cư lao động, gắn liền với sản xuất nông nghiệp, có cuộc sống và thu nhập từ lao động nông nghiệp. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, việc xác định một giai cấp, một tầng lớp xã hội phải căn cứ vào địa vị kinh tế - xã hội, điều kiện lao động sản xuất, tính chất sở hữu về tư liệu sản xuất, đặc trưng phương thức sản xuất chủ yếu của họ cùng môi trường sống và các quan hệ khác. Trong các tác phẩm kinh điển, C.Mác, Ph.Ăngghen quan niệm người nông dân là những người gắn với nền "sản xuất nhỏ", "kinh tế tự nhiên", "kinh tế gia đình", "sản xuất hàng hóa giản đơn", kinh tế tiểu nông", "sản xuất hàng hóa nhỏ", phương thức sản xuất châu á"... Chẳng hạn, Mác cho rằng: cơ sở sản xuất và tồn tại đặc trưng của người nông dân, đó "là ruộng đất thì chia manh mún, các tư liệu khác thì phân tán" [41, tr.177-178]. Trong tác phẩm "Chống Duy rinh" khi nói về cách thức sản xuất, sở hữu về tư liệu sản xuất đặc trưng của người nông dân trước CNTB, Ph.Ăngghen viết: Trước khi nền sản xuất TBCN xuất hiện, tức là trong thời trung cổ, ở đâu người ta cũng chỉ thấy toàn là nền sản xuất nhỏ, dựa trên cơ sở quyền tư hữu của người lao động về tư liệu sản xuất của mình như nông nghiệp của những người tiểu nông tự do hay nông nô, thủ công nghiệp ở thành thị. Các tư liệu lao động - như ruộng đất, nông cụ, xưởng thợ, dụng cụ của người thợ thủ công - đều là những tư liệu lao động của cá nhân, chỉ tính toán cho vừa với việc sử dụng cá nhân cho nên những tư liệu ấy tất nhiên là vụn vặt, rất nhỏ bé và có hạn [42, tr.15]. Theo V.I.Lênin, nông dân "là giai cấp của những người sở hữu nhỏ" mà đặc trưng của nó là: "quyền sở hữu của người nông dân đối với ruộng đất mà anh ta cày cấy là cơ sở của nền sản xuất nhỏ, là điều kiện cho nền sản xuất nhỏ ấy được phồn thịnh và đạt tới một hình thái điển hình" [30, tr.51]. ở nước ta, trong các văn bản đầu tiên của Đảng cũng đã dùng từ "dân cày" để chỉ giai cấp nông dân. Từ năm 1923 tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc (lúc bấy giờ) đã phát biểu: "người nông dân không chỉ bần nông mà cả trung nông đều bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương của mình hoặc làm đầy tớ cho ông chủ nước ngoài" và "nông dân An Nam" [48, tr.72-73]. Thời gian gần đây, do yêu cầu nhiệm vụ của mỗi công trình khoa học nên đã có những công trình nghiên cứu đưa ra khái niệm "nông dân" như "nông dân được coi là những người nuôi mình với tư cách là những người lao động, trồng trọt trên đất đai và sống trong những làng mạc nhỏ bé" [1, tr.7]. Nếu theo khái niệm này nông dân được xác định là những người lao động sống trong những làng mạc nhỏ bé và nghề nghiệp của họ là trồng trọt trên đất đai trong phạm vi các làng mạc đó. Xét về nội hàm của khái niệm này là chưa thực đầy đủ, bởi lẽ, ngày nay trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nói sản xuất đến sản xuất nông nghiệp không chỉ hiểu đơn giản là sản xuất lương thực, trồng trọt, chăn nuôi mà còn nhiều ngành nghề như nuôi trồng thủy sản, ngư nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ... trong đó trồng trọt chỉ là một trong những hoạt động cơ bản của sản xuất nông nghiệp chứ chưa phải tất cả. Mặt khác, khái niệm trên chưa làm rõ được nguồn gốc sống chủ yếu của người nông dân là gì. Điều đó, dễ làm cho người ta liên tưởng đến những người lao động là cán bộ, công nhân viên chức... hiện đang nghỉ hưu (cùng gia đình) đang sống ở các làng quê Việt Nam mà có tham gia trồng trọt và sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp cũng là người nông dân. Gần đây Chính phủ mới có quy định về chế độ công chức cơ sở (xã, phường), họ là những người trực tiếp quản lý lãnh đạo, tham gia trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng là cấp cơ sở, do vậy không thể đánh đồng họ là nông dân nếu đơn thuần phân loại theo góc độ nghề nghiệp hay địa bàn sinh sống. Thực tế ở nông thôn nước ta hiện nay, có nhiều người không trực tiếp tham gia lao động sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp mà cũng sống ở nông thôn như cán bộ công chức nghỉ hưu, giáo viên, bác sĩ, sĩ quan quân đội, công nhân... thậm chí có cả doanh nhân, Việt kiều hồi hương... Vì vậy, không thể gọi những người này là nông dân được bởi nguồn sống chính của họ không phải từ sản xuất nông nghiệp mà từ chế độ lương, phụ cấp hưu trí hoặc sự tài trợ đãi ngộ nhất định chưa nói đến quyền và nghĩa vụ dân sự của họ về mặt pháp lý khi họ không thể quy họ là đối tượng nông dân được. Một quan niệm khác cũng khá thuyết phục, khi cho rằng người nông dân Việt Nam từ trước tới nay luôn gắn bó với đồng ruộng, có cuộc sống lam lũ, vất vả nơi thôn quê, suốt đời chống chọi với thiên tai, địch họa để làm ra "hạt lúa, củ khoai" nuôi sống mình và nuôi sống xã hội. Vì vậy "nông dân nước ta là những người lao động, sống ở nông thôn, nghề nghiệp chính là nông nghiệp và nguồn sống chủ yếu của người nông dân là dựa vào các sản phẩm lao động từ nông nghiệp" [53, tr.24]. Hay một quan niệm khác lại cho rằng: "nông dân ở nước ta hiện nay là những người sống lâu đời ở thôn (làng, bản, ấp) lấy sản xuất nông nghiệp theo nghĩa rộng làm nguồn sống chính dưới hình thức hộ gia đình" [3, tr.8]. Dựa trên quan điểm duy vật lịch sử và theo yêu cầu nhiệm vụ của luận văn này, chúng tôi quan niệm: nông dân là những người lao động, lấy sản xuất nông nghiệp là chủ yếu để sinh sống và gắn bó chặt chẽ với cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời ở nông thôn (thôn, làng, bản, ấp). Khái niệm như vậy, hàm xúc đầy đủ về người nông dân Việt Nam quá khứ, hiện đại, tương lai; nó phân biệt công việc chính của họ khác với công nhân, trí thức, doanh nhân và nét đặc trưng nữa là tính cấu kết cộng đồng làng xã cư dân nông thôn Việt Nam từ xưa tới nay. 1.1.2.2. Một số biểu hiện ý thức pháp luật của người nông dân Việt Nam hiện nay Xuất phát từ quan điểm duy vật lịch sử cho rằng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, ý thức xã hội là sự phản ánh của tồn tại xã hội, phụ thuộc vào tồn tại xã hội. Mỗi khi tồn tại xã hội thay đổi, nhất là phương thức sản xuất biến đổi thì ý thức xã hội, những quan điểm về chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, văn học, nghệ thuật... Sớm muộn cũng sẽ thay đổi. Vì vậy, ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, do những điều kiện sống khác nhau, tất yếu có những tư tưởng, quan điểm, lý luận khác nhau. YTPL là một hình thái ý thức xã hội phản ánh đời sống pháp luật xã hội nên cũng tuân theo quy luật ấy. Như vậy, nói đến biểu hiện YTPL của người nông dân Việt Nam hiện nay, chúng ta phải dựa vào quan điểm duy vật lịch sử, phải xuất phát từ đặc điểm cơ bản dẫn đến quyết định YTPL của người nông dân khác với YTPL của người công nhân, trí thức như thế nào? sự hiểu biết và thái độ của họ với pháp luật như thế nào? và dưới chế độ XHCN, nó khác YTPL của người nông dân ở chế độ cũ, xu hướng phát triển của YTPL của người nông dân trong tương lai như thế nào? Từ quan điểm lấy tồn tại xã hội giải thích YTPL, lấy đời sống vật chất giải thích cho đời sống tinh thần. YTPL của người nông dân cũng là một dạng của YTPL, phản ánh đời sống xã hội của người nông dân, vì vậy chúng ta thấy YTPL của người nông dân có những biểu hiện sau: Thứ nhất: Thói quen lệ làng, phong tục truyền thống vẫn được người nông dân đề cao và coi trọng hơn pháp luật nhà nước. Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hình ảnh người nông dân đã đi vào truyền thuyết dân gian, trong phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của nhân dân ta từ xưa tới nay. Cùng với sự hình thành nền văn hóa làng xã, tâm lý cộng đồng cư dân nông nghiệp, tuân thủ những tục lệ truyền thống của người nông dân thể hiện như là tâm điểm duy trì các mối quan hệ xã hội của họ. Một mặt, phương thức sản xuất nhỏ, kinh tế tiểu nông gắn liền với chế độ phong kiến gia trưởng tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước ta đã sản sinh ra tâm lý tiểu nông, sản xuất nhỏ ở người nông dân, trong một môi trường sản xuất kinh tế tự cung tự cấp là chủ yếu, làng xã thôn bản trở thành một quần thể khép kín, biệt lập với môi trường xã hội. Đó là cơ sở duy trì phong tục tập quán truyền thống chế ngự quan hệ xã hội của người nông dân Việt Nam. Cho nên biểu hiện đầu tiên và "cũng là đặc điểm nổi bật nhất tồn tại trong suốt lịch sử phát triển của ý thức pháp luật Việt Nam cho đến tận ngày nay là ý thức "phép vua thua lệ làng" được hiểu là những tục lệ, tập quán, những quy định của làng xã luôn được coi trọng và đặt cao hơn phép nước" [72, tr.47-48]. Vậy thói quen lệ làng, tục lệ truyền thống... đã chế ngự ý thức pháp luật của người nông dân Việt Nam, được thể hiện ở điểm nào? - Đó là, nông dân có thói quen giải quyết công việc, các mối quan hệ xã hội theo tình cảm thuần túy, theo kinh nghiệm thế hệ đi trước truyền lại, quan niệm "sống lâu lên lão làng", "chín bỏ làm mười", "dĩ hòa vi quý", "trăm cái lý không bằng tý cái tình"... cách ứng xử, lối xử sự, phân định hay hòa giải giữa cá nhân, gia đình, họ tộc đều trong khuôn khổ "lệ làng", những quy định "hương ước" làng. Bởi "việc quản lý làng xã bằng hương ước trước đây là một trong những cơ sở hình thành lối sống theo "lệ làng" không sống theo pháp luật của người nông dân" [34, tr.10]. Mặt khác, do điều kiện đặc thù của xã hội Việt Nam, cư dân nông nghiệp chiếm đa số là sản xuất nông nghiệp chủ yếu định cư ở làng xã, trong đó mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế nên các quan hệ xã hội phần lớn cũng chỉ bó gọn trong phạm vi làng xã, người dân ít có điều kiện và nhu cầu giao tiếp với xã hội bên ngoài. Với đặc thù như vậy nên việc điều chỉnh quan hệ xã hội, hành vi của nông dân hoàn toàn có thể theo tục lệ, tập quán truyền thống mà không cần đến sự can thiệp của luật pháp nhà nước. Điều đó đã làm hạn chế, cản trở rất nhiều sự tác động của luật nước vào các đơn vị "tự trị" làng, (chúng ta đề cập vấn đề này ở phần sau: ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ, tâm lý làng xã). Cũng vì vậy, người nông dân vẫn có thói quen coi trọng lệ làng hơn phép nước, tục lệ truyền thống, các quy định làng xã hơn là các đạo luật của Nhà nước ban hành. Do vậy, khắc phục hạn chế của lệ làng cùng thói quen tuân theo tục lệ truyền thống, coi nhẹ pháp luật nhà nước ở người nông dân là cả một quá trình cải tạo xã hội, đòi hỏi phải hết sức thận trọng, tỷ mỷ, kiên trì, có những giải pháp tích cực mới đem lại hiệu quả thiết thực. Thứ hai, quan niệm pháp luật là những hình phạt dẫn đến thái độ né tránh pháp luật, tâm lý đối phó với pháp luật. Về mặt khách quan, do xuất phát từ điều kiện lịch sử của đất nước: sau khi ra đời trong một thời gian ngắn, đất nước Việt Nam đã bị phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ trong suốt mười thế kỷ. Cùng với sự thống trị của Nhà nước là sự áp đặt của luật pháp phong kiến lên dân tộc Việt Nam, chế độ phong kiến đã tước đoạt mọi quyền dân chủ của người dân, thực chất là đối lập với dân chủ. Vì vậy, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh chống lại ách áp bức nô dịch của ngoại xâm, đồng thời đấu tranh chống lại các đạo luật hà khắc của Nhà nước phong kiến trở thành nhu cầu tự nhiên của người dân Việt Nam nói chung và người nông dân nói riêng. Hệ quả của việc phản ứng, bất tuân thủ pháp luật của chính quyền đô hộ phong kiến, tâm lý sợ hãi dẫn đến né tránh, đối phó với luật pháp nhà nước phong kiến đã trở thành tiềm thức truyền từ đời này qua đời khác trong người nông dân. Dưới chế độ dân chủ, người nông dân được hưởng các quyền dân chủ, được Hiến pháp và pháp luật XHCN bảo đảm. Ngày nay, các hình phạt hà khắc của chế độ phong kiến đã được xóa bỏ, song tâm lý coi pháp luật là sự trừng trị của Nhà nước quan niệm pháp luật là những hình phạt, tâm lý đối phó với pháp luật vẫn còn tiềm ẩn trong người nông dân. Về mặt chủ quan, do ảnh hưởng của nền kinh tế tiểu nông, với điều kiện sản xuất nhỏ, do tính biệt lập khép kín của cộng đồng làng xã còn đọng lại từ thời công xã nông thôn đã bị chế độ phong kiến, thực dân lợi dụng để thông qua tổ chức làng xã nắm nông dân nhằm bóc lột ức hiếp họ bằng các loại thuế khác, phu phen tạp dịch nặng nề... nên đã tạo ra một tầng lớp cường hào ác bá trong chế độ đối lập với nông dân, gây ám ảnh trong tâm thức, tâm lý của nông dân; chính những hình ảnh xấu của bộ máy chính quyền làng xã ở chế độ cũ buộc người nông dân đứng lên theo cách mạng đấu tranh chống lại chúng, xóa bỏ bộ máy chính quyền quân chủ phong kiến. Ngày nay, trong chế độ dân chủ, chính quyền các cấp đều do dân cử ra, quyền và nghĩa vụ của người nông dân được bảo đảm bằng pháp luật. Chính quyền xã, thôn đại diện cho nông dân hoạt động theo quy định của pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân; đại đa số cán bộ xã, thôn, bản có tinh thần tận tụy, trách nhiệm trước dân; tuy nhiên, vẫn còn một số ít vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, thái độ cửa quyền, bè cánh, hách dịch, nhũng nhiễu nhân dân, thậm chí một số còn vi phạm pháp luật đã trực tiếp tác động đến tâm lý, ý thức của nông dân. Cho nên, khi có những công việc liên quan đến văn bản pháp lý, kể cả việc thuộc quyền lợi của mình nhưng trong tâm lý nông dân vẫn ngại tiếp xúc làm việc với chính quyền, vì vậy, khi chính quyền yêu cầu họ phải thực hiện một chế độ, trách nhiệm hoặc thủ tục cần thiết thì họ quan niệm đó là sự "bắt buộc" chứ chưa coi đó là nghĩa vụ. Thái độ né tránh trách nhiệm, tâm lý đối phó với pháp luật trong thực tế cho đến nay vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn trong ý thức ở người nông dân. Điều này, đặt ra cho người làm công tác giáo dục pháp luật phải có những cách thức thích hợp với đối tượng nông dân ở nông thôn nước ta hiện nay. Thứ ba, thiếu hiểu biết pháp luật, ít quan tâm tới pháp luật, chậm đổi mới về nhận thức pháp luật so với các tầng lớp dân cư khác. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nước ta chưa giành được độc lập, dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, người dân Việt Nam mà đặc biệt là người nông dân Việt Nam chịu hai tầng áp bức bóc lột của thực dân phong kiến, sưu cao thuế nặng cực khổ trăm đường. Trong đó, trên 90% dân số mù chữ dân trí hết sức thấp kém, đại đa số nông dân không hiểu biết gì pháp luật. Chế độ thực dân phong kiến đã duy trì chính sách ngu dân để dễ bề cai trị nông dân, còn luật pháp chế độ cũ về thực chất nó càng trở nên đối lập với người nông dân. Chủ nghĩa thực dân đã đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân trong biển máu. Vì vậy, phản kháng chế độ thực dân phong kiến đồng nghĩa với việc phản kháng pháp luật, Nhà nước của nó đã trở thành tiềm thức của người nông dân. Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm đổi đời nông dân Việt Nam, chỉ sau một thời gian ngắn, cho đến ngày 6-1-1946 cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với hơn 80% cử tri đi bỏ phiếu, trong đó phần đông trước đó còn mù chữ, sau đã biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Bản Hiến pháp Việt Nam (1946) cũng đã khẳng định nguyên tắc mọi công dân đều bỉnh đẳng trước Hiến pháp và pháp luật, người nông dân có quyền bính như công nhân, viên chức, trí thức... Cho đến nay, 60 năm dưới chế độ dân chủ, đời sống vật chất tinh thần, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nông dân đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên về thực chất mặt bằng dân trí, trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật, văn hóa pháp luật của người nông dân vẫn còn thấp kém, thái độ ít quan tâm tới pháp luật, nhận thức các vấn đề pháp luật còn chậm đổi mới so với công nhân, trí thức. Một mặt, do môi trường, điều kiện lao động sản xuất, đời sống văn hóa tụ cư trong mô hình làng xã nông thôn, người nông dân ít có điều kiện giao tiếp, giao lưu với môi trường bên ngoài xã hội. Mặt khác, do ảnh hưởng của cơ chế bao cấp, chính quyền cơ sở làng xã quản lý bằng chỉ thị, nghị quyết, thói quen quản lý điều hành theo lối hành chính mệnh lệnh, thậm chí áp đặt một chiều từ trên xuống nên người nông dân ít quan tâm đến pháp luật. Chẳng hạn, có những văn bản pháp luật cần thiết chuyển tải đến người nông dân thường phải qua những khâu trung gian quản lý (chính quyền làng xã, thậm chí chỉ qua một người là già làng, trưởng bản) nên rất chậm chạp và kém hiệu lực. Về chủ quan, do bản thân nghề nghiệp nó quy định tâm lý người nông dân khác với công nhân trí thức, những vấn đề liên quan đến người công nhân, trí thức có khi nó lan tỏa phạm vi toàn quốc, ảnh hưởng tác động cả dư luận xã hội, trên hệ thống thông tin, trên báo chí... [29, tr.17]. Còn đối với nông dân phạm vi quan hệ xã hội hẹp, ít khi ra khỏi làng xã (nhất là ở cơ chế bao cấp), bên cạnh đó người nông dân do kiến thức văn hóa thấp, thường mang tính nôn nóng tiểu tư sản, ý thức tiểu nông, tư tưởng tư hữu chỉ khư khư giữ những lợi ích vụn vặt của bản thân, gia đình, họ tộc của mình nên việc mở mang hiểu biết văn hóa, kiến thức pháp luật ở họ là rất hạn chế. Biểu hiện ít quan tâm đến pháp luật, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức pháp luật chậm đổi mới. Cho đến nay vẫn còn tồn tại ở người nông dân, điều đó thể hiện qua phong cách, lối sống, cung cách sinh hoạt, ngôn ngữ, tác phong hết sức chậm chạp, đơn giản, ngại va chạm, thiếu chủ kiến trong buổi họp, trong giải quyết công việc, bàn bạc tập thể... không chỉ thấy ở những người già cả mà cả những người trẻ tuổi sinh ra những năm sau thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đây là một trong biểu hiện rất dễ thấy ở người nông dân, cần phải được khắc phục. Tóm lại, đời sống pháp luật của người nông dân trong điều kiện lao động của nền sản xuất nông nghiệp, tập quán sản xuất nhỏ, tâm lý cộng đồng làng xã, tục lệ truyền thống... chi phối, thói quen ý thức "phép vua thua lệ làng", ít quan tâm, thiếu hiểu biết về pháp luật, chậm đổi mới về tư duy, ý thức chấp hành pháp luật của người nông dân Việt Nam (nhất là nông dân ở các tỉnh khu vực phía Bắc) cho đến nay là còn rất hạn chế, thấp kém, điều đó đồng nghĩa với việc làm rõ quyền và nghĩa vụ của người nông dân vẫn còn chưa được thực hiện đầy đủ, kém hiệu quả, phương châm: "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" vẫn còn hình thức ở nông dân. Vì vậy, tăng cường giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật cho người nông dân đặt ra cho các cấp các ngành là một vấn đề bức thiết hiện nay. 1.2. Vai trò của ý thức pháp luật trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn hiện nay 1.1.2.1. Vấn đề dân chủ: quan niệm, đặc trưng và nội dung của nó 1.2.1.1. Một số quan niệm về dân chủ trong lịch sử Dân chủ là giá trị chung của nhân loại. Sự phát triển của dân chủ đánh dấu những nấc thang tiến bộ của xã hội loài người. Từ trước tới nay, vấn đề dân chủ luôn là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, nó luôn là trọng tâm của cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận. Đã có nhiều cách quan niệm khác nhau về dân chủ, song chỉ đến chủ nghĩa duy vật lịch sử do C.Mác - Ph.Ăngghen sáng lập mới có quan niệm một cách đúng đắn và khoa học. Vậy dân chủ là gì? nó ra đời như thế nào? những quan niệm trước Mác về dân chủ ra sao? Trước hết, dân chủ là một phạm trù chính trị - xã hội xuất hiện khá sớm trong nền văn minh nhân loại, khái niệm dân chủ xuất hiện cùng với sự ra đời chế độ dân chủ cộng hòa đầu tiên trong xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp cổ đại (khoảng thế kỷ VII - VI trước Công nguyên). Khát vọng dân chủ là sự phản ánh nhu cầu khách quan của con người trong xã hội có phân chia giai cấp, có áp bức, bất cập. Arixtốt (khoảng năm 384-322 trCN) đã chỉ rằng Solon (khoảng năm 638 - 599 trCN) là người đầu tiên đặt nền móng cho nguyên lý dân chủ. Theo Solon, muốn xây dựng một nhà nước trên cơ sở một nền dân chủ thì phải thông qua tuyển cử và hòa nhập sức mạnh với pháp luật. Các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại cho rằng, để có một xã hội tốt đẹp thì dân phải là người chủ, từ đó xuất hiện khái niệm "dân chủ" (Demokratia). Xét về mặt ngữ nghĩa trong tiếng Hy Lạp cổ đại (Demokratia) là từ ghép, nó được kết cấu từ hai từ gốc: Demos nghĩa là nhân dân và Kratos nghĩa là quyền lực. Hàm ý của người Hy Lạp cổ đại nói: Demokratia - dân chủ có nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân. Như vậy, ngay từ thời cổ đại, theo từ nguyên: dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân (Demokratia) đã phản ảnh nội hàm đầy đủ của nó gồm 3 yếu tố được kết nối chặt chẽ với nhau trong hiện thực nhân dân (danh từ), quyền lực công cộng và mối quan hệ giữa hai yếu tố đó. Sau này các nhà chính trị học đã diễn đạt mệnh đề đó là "tất cả quyền lực thuộc về nhân dân". Trong mỗi một chế độ chính trị, mỗi thời đại lịch sử khác nhau thì quan niệm về dân chủ cũng khác nhau, nó chịu sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng giai cấp thống trị, giai cấp cầm quyền. Dân chủ là một phạm trù chính trị - xã hội, có tính lịch sử. Do vậy, khi nghiên cứu cần phải đặt trong điều kiện lịch sử cụ thể, một thể chế chính trị nhất định. Chẳng hạn: ở nhà nước Aten cổ đại, thuật ngữ dân chủ xuất hiện, trong điều kiện xã hội có giai cấp và Nhà nước như vậy thì dân chủ mang hàm xúc chính trị và trong hiện thực nó trở thành một chế độ chính trị - chế độ dân chủ. Người Hy Lạp cổ đại quan niệm, nhân dân (các công dân) là một nhóm hay thiểu số người có thứ bậc (mà được phân thành nhiều đẳng cấp cao quý trong xã hội) đó là những người có quyền năng áp đặt ý chí lên Nhà nước, duy trì trật tự xã hội. Trong Nhà nước Aten, được coi là công dân - người có quyền nhất định là những người bản địa tự do, thường là quý tộc, những nhà thông thái, hiệp sỹ, thị dân còn phụ nữ, kiều dân và nô lệ không phải là công dân. Như vậy, thực chất dân chủ thời kỳ cổ đại là dân chủ cho một số ít người không phải dân chủ cho mọi người, cho số đông. Bởi vì, trong xã hội ấy, chỉ có giai cấp chủ nô mới được coi là nhân dân, quyền lực thuộc về nhân dân trong thực chất và thuộc về giai cấp chủ nô, đây là chế độ chủ nô dân chủ. Một thực tế nữa trong lịch sử Nhà nước Aten cổ đại đã hình thành nên những tư tưởng tiến bộ, dân chủ (phái dân chủ) đối lập với tư tưởng bảo thủ, phản động (phái chủ nô chuyên chế); vì vậy, có một số thành bang do phái chủ nô dân chủ nắm chính quyền. Nhưng theo V.I.Lênin thì chế độ dân chủ hay chuyên chế, quý tộc hay bình dân chăng nữa thì đó vẫn là chế độ của giai cấp chủ nô, quyền lực chính trị thuộc về giai cấp chủ nô. Trong thời đại phong kiến, ở các nước châu Âu, người nô lệ được trở thành "người tự do" nhưng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước nằm trong tay chúa đất và nhà thờ. Ph.Ăngghen đã mô tả chế độ phong kiến châu Âu như "đêm trường trung cổ" kéo dài thế kỷ thứ VI đến thế kỷ XIX. Những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái đã bị các giáo lý kinh thánh bóp ghẹt, pháp luật là pháp luật của nhà thờ, xét xử là do tòa án của giáo hội phán quyết... ở phương Tây, đây là thời kỳ bưng bít, ngăn chặn tư tưởng dân chủ thậm chí phản dân chủ, do vậy, lịch sử con người đã xem thời đại phong kiến khắc nghiệt, có rất ít dân chủ, và gọi là "chế độ chuyên chế phong kiến". Trong thời kỳ phong kiến, ở Trung Quốc, tư tưởng trọng dân, thân dân, lấy dân làm gốc được đạo giáo do Khổng tử sáng lập (thế kỷ 5 trCN) sáng lập, "dân vi quý, xã tắc vi thứ, quân vi kinh". Tuy vậy, giáo lý Nho giáo lại dạy: "quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử", "thần bất tử bất trung", bảo chết không chết là bất trung. Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ và những người làm nghề ca hát, sãi mõ bị gạt sang lề xã hội, khinh rẻ. Việc mở thi cử cho con em nông dân, phong hầu tước cho quan lại phong kiến tuy có ít nhiều tiến bộ song cũng đều coi là "bề tôi" của vua mà thôi. ở Việt Nam, tư tưởng, quan niệm về dân chủ được các bậc vua sáng, tôi hiền ở nhiều triều đại phong kiến quan tâm đề cao, chẳng hạn như Trần Hưng Đạo "kế giữ nước bền lâu lấy dân làm gốc" (Binh thư yếu lược). Hay Nguyễn Trãi trong Cáo Bình Ngô "việc nhân nghĩa cốt để yên dân", "trở thuyền là dân, lật thuyền là dân"... Có thể nói, do điều kiện hoàn cảnh lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chống thiên tai địch họa thiên nhiên và đặc trưng của cư dân sản xuất nông nghiệp, nên tính cố kết cộng đồng, quần cư của người Việt Nam mang tính truyền thống đã tác động đến tư tưởng, tình cảm của giai cấp cầm quyền các thời đại do vậy quan niệm về dân chủ, việc coi trọng dân, gần dân "thân dân" khá đậm nét. Đây cũng là một trong những điểm đặc sắc, khác biệt với những quốc gia khác trên thế giới. Trong thời đại tư sản, Nhà nước tư sản biến chế độ chuyên chế tập quyền phong kiến thành chế độ pháp quyền tư sản, biến xã hội thần dân thành xã hội công dân. Dân chủ được coi là một hình thức nhà nước, quyền lực công cộng được thông qua bộ máy nhà nước tư sản, với việc xây dựng các thiết chế cưỡng bức: quân đội, cảnh sát, nhà tù... và những quy tắc pháp luật tư sản tương ứng. Trong thực tế, dân chủ tư sản thực chất là "hành lang' rộng mở cho giai cấp thống trị (giai cấp hữu sản), đảm bảo cho quyền thống trị của người giàu đối với người không có của, của một số ít người (giai cấp tư sản) với đa số quần chúng nhân dân lao động (đa số). Cơ sở nền dân chủ tư sản dựa trên cơ sở chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, dân chủ được nới lỏng ở trật tự chính trị còn không thừa nhận về mặt kinh tế, một nền dân chủ "nửa vời". Mặt khác, trong điều kiện lịch sử - xã hội nhất định, dân chủ được xem xét như một nhu cầu thiết thực của người dân, bởi lẽ, con người ta như Mác nói không chỉ có nhu cầu ăn, ở, đi lại, lao động sản xuất mà còn sinh con đẻ cái, giao tiếp, hoạt động văn hóa nghệ thuật vui chơi giải trí, những nhu cầu chính đáng, khách quan ấy không thể bó hẹp trong phạm vi pháp luật cho phép, do vậy dân chủ không chỉ mang bản chất giai cấp mà còn mang bản chất xã hội, có tính nhân loại. Do vậy, dân chủ tư sản với tính cách là một chế độ chính trị, một hình thức nhà nước (tư sản) nên tự bản thân nó vô hình chung nó đã tước bỏ yếu tố xã hội, nó "khuôn" quyền hạn người ta trong phạm vi pháp luật cho phép, thực chất chính nó đã "cắt xén" dân chủ. Mác là người đầu tiên chỉ rõ điều đó, dân chủ với nghĩa quyền lực thuộc về nhân dân, trong xã hội tư sản đã bị giai cấp tư sản cầm quyền bóp méo đi, thực chất đó là những quyền dân chủ bị cắt xén, "một thứ dân chủ bị hạn chế trong những điều mà cảnh sát cho phép" [41, tr.49]. Trong hiện thực của nó, ở xã hội tư bản, quyền dân chủ chủ yếu giành cho giai cấp thống trị, giai cấp tư sản, khẩu hiệu "tự do, bình đẳng, bác ái" của cuộc cách mạng Pháp 1789 do giai cấp tư sản trưng lên thực chất để lừa bịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vì những "tự do bình đẳng bác ái" chỉ để giành cho giai cấp tư sản và bọn quý tộc. Chỉ rõ thực chất dân chủ tư sản, V.I.Lênin đã viết: Xã hội tư bản chủ nghĩa, xét trong những điều kiện phát triển thuận lợi nhất của nó, đem lại cho ta một chế độ dân chủ ít nhiều đầy đủ trong chế độ cộng hòa dân chủ, nhưng chế độ dân chủ ấy bao giờ cũng bị bó hẹp khuôn khổ chật hẹp của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa và do đó, thực ra nó luôn luôn là một chế độ dân chủ với thiểu số, vẫn là một chế độ dân chủ đối với riêng những giai cấp có của, đối với riêng bọn giàu có mà thôi [31, tr.107]. Trước C.Mác có nhiều nhà tư tưởng quan niệm về dân chủ, song do điều kiện hoàn cảnh lịch sử và do hạn chế về quan điểm giai cấp quy định nên vẫn chưa cắt nghĩa một cách khoa học và chân thực về dân chủ, chẳng hạn như J.J.Rút xô (1712-1778) trong tác phẩm Nguồn gốc bất bình đẳng giữa người với người là gì? Ông cho rằng "bất bình đẳng là sản phẩm của xã hội loài người, nó tồn tại và phát triển từ khi xuất hiện chế độ tư hữu tài sản". Theo ông "vấn đề là làm sao cho có điều kỳ diệu khiến kẻ mạnh phục vụ kẻ yếu và nhân dân (bị áp bức) có được cuộc sống thực tại một nước". Đó là những tư tưởng rất mới mẻ, tiến bộ trong xã hội TBCN, song hạn chế và những bế tắc ở chính ông khi quan niệm về dân chủ như sau: "Nếu hiểu thuật ngữ "dân chủ" một cách thật chuẩn mực thì sẽ thấy từ trước chưa bao giờ có dân chủ, và sau này cũng sẽ không có dân chủ thực sự. Số đông đứng ra cai trị và số ít bị cai trị thì thật là trái ngược với trật tự thiên nhiên" [51, tr.135-136]). Triết học mác xít đã cho ta một quan niệm mới mẻ, đầy đủ và khoa học về dân chủ: Theo C.Mác, dân chủ là giá trị chung của nhân loại, sự phát triển của dân chủ đánh dấu những nấc thang tiến bộ của xã hội loài người. Dân chủ tư sản tuy có những điểm tiến bộ song quyết không thể là đỉnh cao cuối cùng trong lịch sử xã hội loài người. Kế thừa chọn lọc những tư tưởng về dân chủ của những nhà CNXH Pháp thế kỷ XVII - XVIII, C.Mác quan niệm: dân chủ được coi là hình thức nhà nước, nền dân chủ gắn với quốc gia dân tộc nhất định (theo nghĩa hẹp) và dân chủ với nghĩa là một tổ chức thiết chế chính trị, dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, quyền lực cao nhất trong xã hội thuộc về nhân dân, thừa nhận nguyên tắc tự do bình đẳng (theo nghĩa rộng). Trong những tác phẩm, C.Mác đã trình bày dân chủ trên quan điểm duy vật lịch sử, chẳng hạn trong tác phẩm Phê phán triết học pháp quyền của Hêghel (1843), chỉ ra quan điểm duy tâm của Hêghel coi nhân dân là "vật liệu" là "phương tiện" biểu đạt nội dung ý niệm nhà nước. C.Mác cho rằng, nhân dân là chủ thể đích thực của Nhà nước, bởi vậy - xét về bản chất, Nhà nước không có chủ quyền, mà chủ quyền ấy thuộc về nhân dân... rằng "chế độ dân chủ... là bản chất của bất kỳ chế độ nhà nước nào... Chế độ dân chủ quan hệ với mọi hình thức khác của chế độ nhà nước như loài quan hệ với giống của mình" [36, tr.350], rằng, dân chủ hóa nhà nước là một tính quy luật trong lịch sử, và cái quá trình ấy chỉ kết thúc khi dân chủ đạt đến trạng thái hoàn bị, tức là trở thành sự tự quy định của nhân dân một cách trực tiếp mà không cần bất cứ hình thức nhà nước nào, do đó dân chủ theo nghĩa "quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" cũng sẽ không còn nữa [36, tr.349]. Hay trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta (1875), vạch những quan điểm cơ hội, hữu khuynh của phái Lát xan: Họ coi Nhà nước Phổ lúc bấy giờ là Nhà nước đứng trên xã hội, "Nhà nước tự do", nền dân chủ tư sản là cao nhất, sự bất bình đẳng do "lao động", do máy móc tư liệu lao động gây lên. Ngược lại, C.Mác quan niệm, so với chế độ phong kiến, dân chủ tư sản là một bước tiến quan trọng trong lịch sử, tuy nhiên, đó vẫn là dân chủ xã hội trên sự tước đoạt tự do chính đáng của giai cấp khác nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của giai cấp tư sản. Do đó, dân chủ tư sản không phải là mục đích mà loài người vươn tới. Theo C.Mác từ "dân chủ" nếu chuyển sang tiếng Đức thì có nghĩa là nhân dân nắm chính quyền. Vì vậy, dân chủ chỉ được thực hiện đầy đủ trong điều kiện CNXH, mà thực chất đó là quyền tham gia ngày một rộng rãi và bình đẳng, thiết thực, tính tự giác cao của nhân dân lao động vào các công việc quản lý xã hội của Nhà nước. Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác về khái niệm dân chủ, trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng (1917), V.I.Lênin cho rằng: "Chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước, chế độ dân chủ là việc thi hành có tổ chức, có hệ thống, sự cưỡng bức đối với người ta. Nhưng mặt khác, chế độ dân chủ có nghĩa là chính thức thừa nhận quyền bình đẳng giữa các công dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý [31, tr.123]. Phê phán quan điểm thỏa hiệp, cải lương, xét lại của chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế II (với những đại biểu như Bestanh, Cauxki và những người khác) coi dân chủ chỉ đơn thuần là việc mở rộng, nới lỏng phạm vi pháp luật tư sản đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong xã hội tư sản, V.I.Lênin khẳng định: dân chủ vô sản với tính cách là một chế độ chính trị xã hội trong thời kỳ quá độ lên CNXH, chắc chắn sẽ thay thế chế độ dân chủ tư sản trong hiện thực. Chỉ rõ sự khác nhau giữa dân chủ tư sản và dân chủ vô sản (XHCN), Lênin viết: "Trong xã hội TBCN chúng ta chỉ có một thứ dân chủ cắt xén, khốn khổ và giả dối, một thứ dân chủ chỉ giành riêng cho bọn giàu có, cho số ít. Lần đầu tiên chuyên chính vô sản tức thời kỳ quá độ tiến tới CNCS, sẽ đem lại một chế độ dân chủ cho nhân dân, cho số đông đi đôi với sự trấn áp tất yếu với số ít, đối với bọn bóc lột. Chỉ có CNCS mới có thể đưa lại một chế độ dân chủ thực sự hoàn bị [31, tr.110]. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu những giá trị tư tưởng phổ biến của nhân loại, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, dân chủ là mục tiêu, cũng đồng thời là động lực phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân" [45, tr.279]. "Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn" [46, tr.249]. Thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi hoạt động đời sống xã hội là một nhiệm vụ quan trọng nhằm động viên sức mạnh đoàn kết, sáng tạo của dân tộc, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng Việt Nam. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta khẳng định "Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân". Phát huy tư tưởng đó, Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) của Đảng nhấn mạnh: "Tiếp tục phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước, nhất là việc giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với các hoạt động của các cơ quan và cán bộ công chức nhà nước". Nghị quyết Đại hội IX của Đảng xác định một lần nữa: "Độc lập dân tộc gắn liền với xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" là mục tiêu của toàn Đảng và toàn dân ta trong suốt thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Ngày nay có nhiều quan niệm về dân chủ khác nhau, như dân chủ với tư cách là hình thức nhà nước, dân chủ với tư cách là hình thức phi nhà nước, dân chủ là một giá trị xã hội. Phản ánh khát vọng của con người, dân chủ mang tính nhân văn, là nấc thang mà nhân dân đã, đang và sẽ đi tới một xã hội thực sự văn minh tiến bộ. Tuy nhiên, điều cốt yếu cần hiểu cái chung được xem như là thành quả chung, là sự trả giá của nhiều thế hệ, nhiều thời đại, nhiều dân tộc bởi "mỗi bước tiến hóa của dân chủ phải đổi bằng rất nhiều hy sinh, phấn đấu của con người" [32, tr.10]. Như vậy, cái chung, cái tính nhân loại ấy lại được thâu thái trong cái riêng, đó chính là giá trị đích thực của dân chủ. Hơn nữa, là một phạm trù lịch sử xã hội, khi nói dân chủ với nghĩa quyền lực thuộc về nhân dân, cần phải xem xét nó dưới chế ước trong điều kiện hoàn cảnh nào, ở thời đại nào, có như vậy mới tránh quan niệm về dân chủ một cách chung chung, trừu tượng thiếu toàn diện. Mặt khác, tùy theo những góc độ nghiên cứu khác nhau để xem xét vấn đề dân chủ cho thích hợp chẳng hạn, khoa học chính trị nghiên cứu dân chủ là một hiện tượng vẹn toàn (nền dân chủ), khoa học kinh tế chính trị nghiên cứu dân chủ là một hiện thực kinh tế (thị trường tự do), luật học và các tổ chức xã hội xem xét dân chủ như là một hiện thực xã hội... Chẳng hạn nhấn mạnh yếu tố lịch sử xã hội và tính hợp pháp của dân chủ, một quan niệm cho rằng: "Dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với công bằng xã hội, chống áp bức bất công, được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm" [64, tr.653]. Do yêu cầu nhiệm vụ của đề tài luận văn, chúng tôi khai thác chủ yếu dưới góc độ dân chủ là một hình thức nhà nước, nó có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật. Bởi lẽ, nói đến pháp luật là nói đến một công cụ quan trọng của Nhà nước để quản lý xã hội, nó là phương tiện bảo vệ cho lợi ích của giai cấp thống trị xã hội nhất định. Nhấn mạnh, tính tất yếu dân chủ XHCN, có quan niệm "dân chủ là một trong những hình thức chính quyền mà điều đặc trưng là việc tuyên bố chính thức nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số và thừa nhận quyền tự do và bình đẳng của công dân" [65, tr.118]. Vì vậy, với tư cách là một thiết chế chính trị - xã hội, một hình thức nhà nước, dân chủ cũng có mối quan hệ hữu cơ với pháp luật, bởi "pháp luật là một yếu tố cấu thành của nội dung dân chủ, nó thuộc về cấu trúc nội tại của dân chủ chứ không phải bên ngoài dân chủ. Pháp luật là nhân tố đảm bảo cho dân chủ không bị biến dạng, lệch lạc khỏi các chuẩn mực xã hội" [52, tr.51]. Tóm lại, dân chủ là một phạm trù chính trị - xã hội, một hình thức nhà nước tồn tại và phát triển trên cơ sở khách quan của việc thừa nhận quyền lực xã hội cao nhất thuộc về nhân dân. Dân chủ XHCN là giá trị chung của nhân loại, thể hiện trên thực tế quyền lực thuộc về nhân dân lao động, Nhà nước là "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân". Do đó, thực hiện tốt phương châm: " Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" với phát huy mạnh mẽ dân chủ cơ sở với quyền tham gia ngày một rộng rãi, bình đẳng và thiết thực của nhân dân lao động vào việc quản lý xã hội của Nhà nước chính là động lực thúc đẩy tiến trình đổi mới, là con đường dẫn tới dân chủ XHCN ở nước ta. 1.2.1.2. Một số đặc trưng cơ bản quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay Trước hết phải khẳng định quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay là một nội dung của dân chủ XHCN, thực chất là việc xây dựng phát huy dân chủ cơ sở (xã, phường, thị trấn). Quá trình ấy có những đặc trưng cơ bản như sau: Thứ nhất: Chế độ dân chủ XHCN ở nước ta hình thành không phải từ cách mạng lật đổ chế độ TBCN mà từ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nói một cách khác, quyền dân chủ của nhân dân Việt Nam nói chung và của nông dân nói riêng được hình thành từ sau thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân, bỏ qua xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, chuyển thẳng lên chế độ XHCN. Đây là một trong những đặc điểm to lớn mà Hồ Chủ tịch đã khái quát khi nói về xuất phát điểm của nước ta khi bước vào xây dựng chế độ dân chủ XHCN. Hồ Chí Minh nói: "đặc điểm to lớn nhất của ta trong thời kỳ quá độ từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội không kinh qua phát triển tư bản chủ nghĩa" [46, tr.13]. Điểm đặc biệt ở chỗ, nền dân chủ XHCN Việt Nam mang đặc tính và chịu sự chi phối bởi sự "bỏ qua", bởi tính chất quá độ, nó không phải xuất phát từ một nền dân chủ phát triển ở trình độ cao, thậm chí chưa đạt trình độ phát triển trung bình như ở nước Nga năm 1917 mà từ một chế độ thực dân và nửa phong kiến chuyên chế đi lên CNXH. Điều đó đồng thời cắt nghĩa với việc quyền dân chủ của nhân dân, đặc biệt là nông dân từ chỗ không có dân chủ (chế độ quân chủ phong kiến) chuyển lên vị trí "người chủ" người có quyền lực cao nhất trong xã hội, như người từ bóng tối bước ra giữa ban ngày". Sự bâng khuâng về tâm trạng, tính hụt hẫng về tâm lý, trình độ dân trí thấp (trước 1945 trên 90% dân số mù chữ thất học), dân trí về pháp luật có thể nói từ con số không. Đặc điểm từ không đến có lại ở mức đòi hỏi cao, nó không những là thử thách nghiệt ngã của người dân dưới chế độ mới mà còn là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai con đường XHCN và TBCN trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH. Hơn nữa, sau khi cách mạng thắng lợi, chúng ta phải mất một thời gian dài thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ vừa "kháng chiến" vừa kiến quốc", trong đó nhiệm vụ "kháng chiến" giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Từ đó dẫn đến hệ quả như: - Nền tảng sản xuất vật chất, cơ sở kinh tế - xã hội cho việc thiết lập và xây dựng nền dân chủ mới XHCN chưa đầy đủ, thiếu tính chắc chắn. bởi toàn bộ tiềm lực kinh tế - kỹ thuật có những giai đoạn chiến tranh ác liệt ta phải huy động tổng động viên "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng ", cùng với sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh đã gây hậu quả nghiêm trọng về đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ta. Vì vậy, bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta vừa phải xây dựng nền dân chủ XHCN cho tương lai (mục tiêu), từng bước xác định những giá trị dân chủ tốt đẹp của chế độ dân chủ XHCN trong hiện thực, vừa phải cải tạo những tàn dư của chế độ cũ thực dân phong kiến ảnh hưởng nặng nề trong đời sống tinh thần, đời sống pháp luật của nhân dân ta. - Quyền dân chủ của người nông dân được xác định từ thành quả của cách mạng dân tộc dân chủ: điều đó thể hiện rất rõ trong các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ. Chẳng hạn: như thực hiện chính sách chia ruộng đất cho dân cày "người cày có ruộng" như Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), quyền tự do thân thể, đi lại, nam nữ bình đẳng (Luật Hôn nhân gia đình - 1959) quyền lao động sản xuất (Luật Hợp tác xã)... Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã đặc điểm nổi bật quyền dân chủ của nông dân (miền Bắc) được thực hiện trong điều kiện "thời chiến", vừa có hòa bình vừa có chiến tranh, để chiến thắng, phải phát huy cao độ sức người, sức của, dân chủ được phát huy mạnh mẽ và tập trung cao độ. Chính bởi vậy, trong thời kỳ đổi mới, việc xác định những giá trị dân chủ trong điều kiện mới đòi hỏi phải xuất phát từ thực tế, có những điểm ở tầm thấp, chẳng hạn những vấn đề đơn giản như quyền dân sự, hội họp, đơn thư khiếu nại, tôn giáo... cũng phải được Nhà nước, pháp luật quy định lại cụ thể sao cho phù hợp. Yếu tố tâm lý này chúng ta xem xét như là một trong những ảnh hưởng lớn đến việc phát huy quyền làm chủ của nông dân ở nông thôn nước ta hiện nay (phần sau). - Một điểm nữa mà chúng ta dễ thấy đó là quyền dân chủ của người nông dân trong chiến tranh được phát huy cao độ chủ yếu ở khía cạnh nghĩa vụ, còn quyền lợi của cá nhân, lợi ích cá nhân bị bao trùm bởi quyền lợi của tập thể, quyền lợi chung đó là lợi ích dân tộc, "nước mất thì nhà tan", độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, lợi ích cao nhất và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam yêu nước trước vận mệnh dân tộc. Tinh thần "không có gì quý hơn độc lập tự do" trở thành chân lý, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình là một bước ngoặt, một đặc điểm đặt ra cho chúng ta yêu cầu nhiệm vụ mới hết sức khó khăn phức tạp đó là "khắc phục thói quen đã hình thành, ăn sâu bám rễ trong tổ chức bộ máy và từng con người từ thời kỳ chiến tranh theo cơ chế hành chính mệnh lệnh" [6, tr.21]. Đặc biệt với tâm lý sản xuất nhỏ ở người nông dân thời chiến, thói quen tạm bợ, đơn giản hóa, thiếu kế hoạch hoặc kế hoạch chỉ đạo do một người chỉ huy duy nhất tuân thủ theo mệnh lệnh. Chuyển sang thời bình, toàn bộ những cung cách cũ, tập quán sản xuất, sở hữu cũ đòi hỏi phải chuyển đổi theo cơ chế mới kinh tế thị trường, đó là cơ chế đảm bảo phát huy vai trò tự chủ, sáng tạo của mỗi người dân và tổ chức trong khuôn khổ pháp luật thống nhất. Do đòi hỏi của quy luật kinh tế thị trường, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, người nông dân không chỉ có kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật nâng lên mà còn phải hiểu biết về pháp luật để bảo vệ lợi ích của mình. Song nhu cầu thiết thực đó của người nông dân lại vấp phải sức ép thực tế, đó là: cũng con người ấy, địa phương ấy, cơ sở ấy nhưng lại tồn tại khá lâu trong cơ chế cũ, quan liêu mệnh lệnh với những thói quen, lối sống, tập quán sản xuất tiểu nông, chủ nghĩa bình quân... đã trực tiếp kìm hãm nhu cầu dân chủ của chính họ. Do vậy, bước sang thời kỳ đổi mới để khắc phục những rào cản từ những yếu tố ấy trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn là hết sức quan trọng và bức thiết (chúng ta sẽ đề cập sâu nhân tố ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dân chủ ở phần sau). Thứ hai: Thực hiện dân chủ ở nông thôn là cụ thể hóa việc phát huy quyền làm chủ của người nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Có thể nói sau thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ, người nông dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của chính mình. Quyền làm chủ của họ được tôn trọng và bảo đảm bằng pháp luật XHCN, điều đó thể hiện: + Cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ sở xã, phường, thôn bản đều do nhân dân bầu ra một chính quyền của dân, do dân, vì dân. Như Hồ Chủ tịch nói: "Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên" [45, tr.698]. Điều này thể hiện mối quan hệ giữa nhân dân lao động nói chung và người nông dân Việt Nam nói riêng trong chế độ dân chủ XHCN đã được tôn trọng và phát huy thực sự quyền công dân trước pháp luật. Người nông dân vốn dĩ có kiến thức văn hóa thấp, hiểu biết văn hóa kém nhưng trong chế độ mới, dù được làm cán bộ cơ sở, dù vốn học vấn cao hay thấp, thậm chí người mù chữ vẫn được tôn trọng bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật. Dù ở thành phần kinh tế như thế nào, miễn là công dân cũng đều có quyền ngang nhau. Đây là đặc điểm không phân biệt sang hèn, cao thấp, tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc của người nông dân Việt Nam, một điểm khác biệt với các nước khác khi bước vào xây dựng chế độ dân chủ XHCN. + Mặt khác, thực hiện mục tiêu quyền lực thuộc về nhân dân lao động, ở nông thôn tuyệt đại đa số là nông dân sinh sống, cư trú, lao động sản xuất sinh hoạt: các quyền tự do, bình đẳng, dân chủ được tôn trọng, không phân biệt nam nữ, già trẻ, thứ bậc... ai có khả năng, sáng kiến, được tín nhiệm thì được bình xét, được phát huy hết khả năng của mình và được tập thể bình nhận giao những trọng trách ở địa phương, nếu không tín nhiệm thì bị bãi miễn chức vụ. Từ đó cho thấy sự khác biệt với chế độ phong kiến quân chủ cha truyền con nối "con vua lại làm vua"... hàm phẩm quan lại có thể đem mua bán, còn các nước phong kiến trước đây ở châu Âu thì dòng dõi quý tộc được bảo đảm thông qua một số tài sản và những đặc ân không mấy thay đổi. Vì vậy, bước vào chế độ dân chủ tư sản thì tâm lý thói quen truyền thống vẫn đè nặng lên người nông dân, quan hệ "tôi", "chủ", không chỉ ở nông dân, công nhân với giai cấp tư sản mà đối với giai cấp phong kiến quý tộc đã bị lật đổ vẫn mang nặng tâm lý ấy. So với chế độ phong kiến, dân chủ tư sản là một bước tiến trong lịch sử, song như Lênin đã chỉ rõ: "dân chủ cho thiểu số rất nhỏ, dân chủ cho người giàu, đó là nền dân chủ tư bản chủ nghĩa" [38, tr.108]. Còn đối với Việt Nam, sau cách mạng dân tộc dân chủ, người nông dân từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân xã hội, giai cấp nông dân liên minh với giai cấp công nhân và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã xây dựng cuộc sống mới, chế độ dân chủ mới. Trong chế độ dân chủ XHCN, những thành phần giai cấp đối kháng trước đây như địa chủ phong kiến, tư sản mại bản... sau cải tạo đã hòa nhập vào cộng đồng. Trong chế độ XHCN không có sự kỳ thị phân biệt đối xử thành phần giai cấp, dân tộc, mọi người nông dân đều bình đẳng như công nhân, trí thức, quyền làm chủ của họ về kinh tế - xã hội được đảm bảo bằng pháp luật. Điều này nói lên tính ưu việt của chế độ XHCN. Nó cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay. Thứ ba: Quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta được thông qua hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn) Chúng ta biết rằng, trong xã hội quân chủ phong kiến trước đây, người nông dân không có một chút quyền hành gì, chế độ phong kiến rất ít dân chủ cho người dân. Trong chế độ TBCN, chế độ dân chủ tư sản có nhiều tiến bộ so với chế độ phong kiến, trước hết đó việc Nhà nước tư sản quản lý điều hành xã hội bằng pháp luật tư sản theo nguyên tắc "tam quyền phân lập" (lập pháp, hành pháp và tư pháp). xã hội ấy được gọi là xã hội công dân, nó ra đời cùng với thị trường TBCN và không ngừng hoàn thiện trong điều kiện tự do hóa thương mại. Nhờ có khế ước xã hội (Hiến pháp) mà Nhà nước pháp quyền tư sản được thiết lập. Và nhờ có Nhà nước pháp quyền tư sản, các cá thể được liên kết với nhau bằng các chuẩn mực pháp lý chung. Thông qua quyền lực công cộng mà người dân kiểm soát và điều chỉnh được hành vi của mình theo khế ước xã hội. "Còn xã hội công dân nước ta chủ yếu bao gồm các yếu tố: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam" [55, tr.21]. Đồng thời, "trong hệ thống chính trị cơ sở, nhất thiết phải duy trì kỷ luật, trật tự, kỷ cương, nếu không có kỷ luật, kỷ cương sẽ dẫn đến rối ren kết quả không thể hoàn thành nhiệm vụ" [11, tr.11]. ở nước ta, trong thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH, việc tiến hành xây dựng nền dân chủ XHCN cùng với việc xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN thì việc xây dựng hệ thống pháp luật tương ứng với nó được đặt ra như một tất yếu và được hiện thực hóa. Không xác lập kiến trúc thượng tầng TBCN, mà kế thừa "chọn lọc" dân chủ tư sản, pháp quyền tư sản, do vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định mục tiêu xây dựng chế độ dân chủ, Nhà nước pháp quyền XHCN "của dân, do dân, vì dân". Bởi vậy, quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta từng bước nâng cao các mặt đời sống kinh tế - xã hội của nông dân, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của người nông dân. Quá trình đó được thông qua hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn). Cơ sở là nơi sản xuất, kinh doanh, lao động, học tập, nơi diễn ra các hoạt động đời sống kinh tế, xã hội, nơi trực tiếp thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cơ sở nông thôn thường được quan niệm đơn vị hành chính là xã, phường, thị trấn (nếu có hộ nông dân). Hệ thống chính trị cơ sở gồm có: Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Ngoài quyền dân chủ trực tiếp (bầu cử, ứng cử), người nông dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đề phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của mình và được chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội bảo vệ những quyền lợi hợp pháp và chinh đáng của mình theo pháp luật và điều lệ của tổ chức nhất định. Thực tế ở Việt Nam, quá trình thực hiện, dân chủ ở nông thôn, quyền và nghĩa vụ của người nông dân không chỉ bằng Hiến pháp, pháp luật quy định mà điều khác nữa là quyền lợi và nghĩa vụ của họ còn gắn liền với quyền lợi nghĩa vụ của cộng đồng và được thể chế hóa bằng những quy định như Hương ước, lệ làng, phong tục, tập quán... Chính đặc điểm này ngoài những yếu tố tích cực, nét độc đáo, thì quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam có những điểm hết sức phức tạp. Cần phải có những phương pháp tích cực và thời gian nhất định mới phát huy được quyền làm chủ của người nông dân Việt Nam trong hoàn cảnh điều kiện mới. Hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta theo Hiến pháp và pháp luật XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là nhân tố quyết định bản chất XHCN của chế độ dân chủ ở Việt Nam. Bởi lẽ, "mọi chế độ dân chủ bao giờ cũng chịu sự chi phối bởi hệ tư tưởng và quyền lãnh đạo của giai cấp đang cầm quyền. Dân chủ XHCN là quyền lực thuộc về đa số nhân dân lao động. Nhân dân lao động chỉ có thể thực hiện được quyền lực của mình thông qua vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản" [6, tr.16-17]. Trong hiện thực cách mạng Việt Nam, Đảng ta vừa đề ra đường lối chiến lược cách mạng, vừa tổ chức hướng dẫn, lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng, cử cán bộ, đảng viên tham gia các lĩnh vực sản xuất kinh tế, quản lý xã hội... làm nòng cốt bộ máy chính trị - xã hội từ cơ sở nhằm phục vụ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, để đường lối, chủ trương của Đảng đến được với nông dân, thực sự đi vào đời sống người nông dân đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc, sâu sát của các cấp ủy đảng, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở (làng xã, thôn, bản) tâm huyết mới thực sự khơi dậy và phát huy được quyền dân chủ của người nông dân Việt Nam. 1.2.1.3. Nội dung cơ bản của quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay Nội dung thứ nhất: Thực hiện mục tiêu quyền lực thuộc về nhân dân, quyền lợi và nghĩa vụ của người nông dân với tư cách là công dân được thể chế hóa bằng pháp luật: Trong chế độ dân chủ XHCN, con người và nhu cầu đa dạng của họ luôn là trung tâm chú ý của toàn bộ hệ thống chính trị. Chủ thể tạo dựng, nuôi dưỡng, phát huy quyền làm chủ chính là toàn bộ nhân dân, trước hết là quần chúng lao động. Quyền và nghĩa vụ của công dân được bảo đảm trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, tổ chức, pháp luật trong đó nhân tố quyết định là kinh tế. Đồng thời dân chủ gắn với công bằng, bình đẳng xã hội, kỷ cương, xóa bỏ áp bức bóc lột. Nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH, việc xây dựng và hoàn thiện thiết chế dân chủ là một yêu cầu thiết yếu. Tuy cơ sở vật chất kỹ thuật, mặt bằng dân trí chưa cao nhưng đòi hỏi thực hiện về nội dung dân chủ rất toàn diện, nó bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa tư tưởng; từ các mối quan hệ giữa con người với con người; đến quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng; giữa công dân với Nhà nước, giữa các thành viên với tổ chức... "Trong đó dân chủ kinh tế và dân chủ chính trị là quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến dân chủ trong lĩnh vực xã hội, ý thức tư tưởng. Nó biểu hiện trực tiếp trên vấn đề quyền con người (nhân quyền) và quyền công dân (dân quyền), cốt lõi của dân chủ kinh tế là lợi ích. Cốt lõi của dân chủ chính trị là quyền lực thuộc về nhân dân" [6, tr.15]. Khẳng định mục tiêu quyền lực thuộc về nhân dân "dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc", điều đó thể hiện hết sức rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước ta từ khi thành lập đến nay. Chẳng hạn như Hiến pháp 1946 "Điều thứ 1:... Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo" [26, tr.8]. Hiến pháp 1959, 1980, Hiến pháp (sửa đổi) 1992 và như Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiều quyền hạn đều của dân" [44, tr.698]. ở nước ta, quyền và nghĩa vụ người nông dân với tư cách công dân được thể chế hóa bằng pháp luật. Chẳng hạn ngay trong Điều 6 Hiến pháp năm 1946 viết: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang nhau về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa" [26, tr.9]. Lợi ích kinh tế hay quyền lợi về kinh tế luôn là động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; sản xuất nông nghiệp, tiểu nông của người nông dân vốn dĩ là một thành phần kinh tế khá phổ biến ở nước ta, mặc dù giá trị hàng hóa sản xuất trong tỷ trọng trong ngành kinh tế quốc dân ở nước ta thấp nhưng yếu tố chính trị - xã hội của nông dân lại vô cùng to lớn. Thực tế, có những giai đoạn, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trở thành bài toán khó giải nhất của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, luôn đánh giá đúng vai trò quan trọng của nông dân, Đảng ta và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách sáng tạo, kịp thời tạo ra động lực mới kích thích người nông dân phát huy quyền làm chủ của họ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Điều đó thể hiện rất rõ như ngay từ sau hòa bình lập lại, chính sách cải cách ruộng đất, thực hiện "người cày có ruộng", "ruộng đất về tay dân cày", đến luật hợp tác xã ra đời với các phong trào hợp tác xã đã thực sự thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong kháng chiến, miền Bắc XHCN trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn đánh thắng. Đến khi đất nước thống nhất, sau những năm khó khăn thử thách giao thời của cơ chế cũ với cơ chế mới, đường lối đổi mới của Đảng, với chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp như Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX... đã phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, quyền tự sản xuất kinh doanh của người nông dân, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay. Đó là "dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được thể hiện bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm" [64, tr.653]. Nội dung thứ hai là: tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) với phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi hoạt động của đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhằm động viên sức mạnh đoàn kết sáng tạo của dân tộc, vượt lên khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội. Do vậy, bước vào thời kỳ đổi mới, trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ xây dựng đất nước quá độ lên CNXH, Đảng ta khẳng định: "toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân" [12, tr.64]. Chủ trương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mà Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đã nêu lên mở đầu thời kỳ đổi mới đất nước ở địa bàn quan trọng nhất (cơ sở); trong đó, cơ sở xã, phường, thị trấn và địa bàn nông thôn là những nơi đột phá khẩn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sau này. Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nêu rõ: "khâu quan trọng và cấp bách trước mắt và phát huy quyền làm chủ của nhân dân cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, trực tiếp và rộng rãi nhất". Để hoàn thiện những nội dung cơ bản của nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 1998 Bộ Chính trị (khóa VIII) có Chỉ thị 30/CT-TW và sau đó ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết và ngày 10/5/1998 Chính phủ ra Quy chế thực hiện dân chủ ở xã ban hành kèm theo nghị quyết số 29/1998/NĐ-CP. Đây là một quy chế hợp lòng dân, việc thực hiện dân chủ ở xã là dân chủ trực tiếp phát huy tinh thần, trí tuệ, sức lực, tiền của tuyệt đại đa số nông dân trong cả nước để tạo nội lực mạnh mẽ để mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn hiện nay [73, tr.1]. Bởi lẽ, xã là cấp chính quyền ở cơ sở, là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện tất cả mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với dân, giải quyết những vấn đề rất cụ thể liên quan đến cơm áo, gạo tiền, nhà cửa, đất đai và nhiều vấn đề bức thiết khác của nông dân và nhân dân ở cơ sở. Nói về tầm quan trọng của cấp xã, Hồ Chủ tịch đã từng khẳng định "cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi" [44, tr.371]. Nội dung cơ bản của quy chế dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn, đó là cụ thể hóa, công khai hóa 14 công việc chính quyền địa phương đảm bảo cho "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" (xem phụ lục 1). Thực tế, để thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động đã được Đại hội VI của Đảng (12-1986) khẳng định, rằng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hàng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý nhà nước của mình" [13, tr.112]. Đây là nội dung có tính khái quát cao trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (xã, phường, thị trấn). "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là bốn khâu của quá trình công khai hóa, dân chủ hóa ở cơ sở. Chúng có quan hệ chặt chẽ, tạo ra sự tùy thuộc lẫn nhau, đảm bảo cho nhau thực hiện tốt hơn. Bởi vậy, nó trở thành phương châm hiện thực hóa quy chế dân chủ ở cơ sở, nó thực sự đáp ứng yêu cầu bức xúc của nhân dân, đặc biệt đối tượng là người nông dân, nó dễ hiểu, dễ nhớ, để bàn để thực hiện ở địa bàn nông thôn. Nội dung thứ ba: Nâng cao hiệu quả quản lý xã hội ở nông thôn của chính quyền địa phương với sự tham gia đông đảo của nhân dân theo 3 phương thức của cơ chế dân chủ: dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ tự quản: Đối với các nước, việc đảm bảo quyền dân chủ của công dân được thực hiện theo phương thức dân chủ đại diện là chủ yếu, chẳng hạn như ở Mỹ, một đại cử tri có thể thay cho một số lượng lớn cử tri. Tuy nhiên, phương thức dân chủ trực tiếp vẫn được sử dụng ở phần nhiều các nước dân chủ, ở Việt Nam bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, quyền đề cử ứng cử, hiệp thương theo Luật định. Các đại biểu là người đại diện cho cử tri ở địa phương, đơn vị hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý xã hội ở nông thôn, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cho thấy phương thức dân chủ trực tiếp đã phát huy hiệu quả, điều này đồng nghĩa với sự xóa bỏ gianh giới nông thôn với đô thị, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, khẳng định tính đúng đắn của quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Cụ thể dân chủ trực tiếp nó bao gồm 3 yếu tố: - Đảm bảo thông tin đầy đủ các vấn đề quyết định. - Tổ chức bàn bạc thấu đáo, bình đẳng giữa các thành viên trước khi đi đến quyết định. - Đảm bảo trình tự, thủ tục đơn giản, dễ hiểu, phù hợp điều kiện thực tế ở cơ sở, địa phương đem lại hiệu quả thiết thực. Một phương thức thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay khá phổ biến và rất hiệu quả đó là phương thức tự quản ở các cộng đồng làng xã, thôn bản... Như "Làng an toàn", "khu dân cư tự quản". Đây là hình thức dân chủ hỗn hợp, hoạt động đa dạng thiết thực, hiệu quả với sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân ở nông thôn. ở đó, người đại diện (hoặc ban đại diện) được quần chúng bầu ra (dân chủ đại diện) để điều hành và trực tiếp tham gia các công việc của địa phương (dân chủ trực tiếp), thời gian hoạt động của hình thức tự quản này cũng tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, đơn vị và hưởng ứng của các thành viên. Hiện nay, hình thức "dân cư tự quản" ở địa bàn thôn xã đã phát huy tác dụng tích cực trong việc quản lý xã hội ở địa phương, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, tăng cường đoàn kết nội bộ nhân dân. Đảm bảo hài hòa vận hành cơ chế dân chủ trực tiếp - đại diện và tự quản với sự tham gia rộng rãi, đa phương diện của người dân ở nông thôn chính là phương thức hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Qua tham khảo cho thấy, hình thức dân chủ tự quản ở nông thôn Việt Nam khác với ở nước khác, chẳng hạn ở Trung Quốc ở thôn, làng là một cấp chính quyền, họ có "ủy ban làng" và thực hiện công khai "chính vụ" (những vụ việc liên quan đến chính trị và chính quyền) với dân chủ ở cơ sở thực hiện theo luật. Báo cáo Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: Các cơ quan chính quyền cơ sở ở thành phố và nông thôn cũng như các tổ chức quần chúng tự quản cơ sở đều phải thực hiện bầu cử dân chủ, thực hiện công khai "chính vụ" và công khai tài vụ, để cho quần chúng tham gia thảo luận và quyết định những công việc công cộng và công ích ở cơ sở và thực hiện việc giám sát một cách dân chủ [24, tr.159-160]. Như vậy, phương thức tự quản ở Trung Quốc cũng được đề cao, tuy nhiên yêu cầu đòi hỏi gắn chặt với dân chủ trực tiếp. ở Việt Nam, phương thức dân chủ tự quản chịu sự quản lý của chính quyền, song nội dung, hình thức của nó thường lại gắn với đoàn thể quần chúng: Ví dụ "đoạn đường thanh niên tự quản" của chi đoàn thanh niên, Câu lạc bộ văn hóa người cao tuổi tự quản... tính chất, nội dung "mềm" hơn. Lẽ tất nhiên, ở Việt Nam không có "ủy ban làng" vì thôn làng ở "Trung Quốc có đến chục nghìn người". Tóm lại, nội dung cơ bản thực hiện dân chủ ở nông thôn đó là mục tiêu hiện thực hóa quyền lực thuộc về nhân dân, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân lao động, quyền và nghĩa vụ của người nông dân được tôn trọng và được thể chế hóa bằng pháp luật. Đó là việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và ba phương thức của cơ chế: dân chủ trực tiếp, đại diện và tự quản. 1.2.2. Vai trò ý thức pháp luật với thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay 1.2.2.1. Mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật Trước hết chúng ta cần làm rõ một số khái niệm liên quan và xem xét mối quan hệ dân chủ và pháp luật trong quy luật tự do và tất yếu ra sao? Có thể nói, lịch sử từ trước tới nay, bất cứ Nhà nước dân chủ nào cũng đều phải dùng pháp luật để quản lý, điều hành xã hội, đồng thời tăng cường hoàn thiện các thiết chế tương ứng để duy trì trật tự xã hội ấy. "Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc", đó là mục tiêu lớn nhất của mỗi chế độ dân chủ nhất định. Tuy nhiên, một thực tế trở thành quy luật đó là không phải đối với người dân thứ gì Nhà nước cũng "luật hóa" nếu như quyền tự do (nhân quyền), quyền dân chủ (dân quyền) được Nhà nước bảo hộ thông qua quy phạm pháp luật là hoàn toàn đúng về nguyên tắc, song, con người không chỉ ăn ở mặc đi lại mà còn các nhu cầu vật chất, tinh thần khác nữa, chưa nói đến tâm lý, tình cảm, đạo đức, học vấn, sở thích... những việc như: trai làng nhất thiết phải tham gia Lễ hội của làng, những "quy ước" có tính chất "Luật bất thành văn" ở nông thôn Việt Nam không hẳn cần pháp luật can thiệp vào mà với tư cách là công dân, người dân trong chế độ dân chủ có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm. Mặt khác, để đảm bảo quyền tự do, quyền dân chủ của người dân, Nhà nước phải thể chế hóa bằng pháp luật chứ không thì xã hội trở nên rối loạn, vô chính phủ, bởi lẽ pháp luật sẽ là công cụ sắc bén, có uy quyền, có hiệu lực để đảm bảo cho mỗi người, mọi người trong xã hội không xâm phạm tự do của nhau, mọi người sống và hoạt động trong một khuôn khổ chung, theo một thước đo hành vi chung đó là pháp luật. Vậy pháp luật là gì? "Pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận) và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra trật tự ổn định trong xã hội" [34, tr.160]. Chúng ta biết rằng pháp luật với tư cách là công cụ, là phương tiện những quy tắc có tính chung nhất của một Nhà nước, của giai cấp cầm quyền nhằm mục đích củng cố và bảo vệ trật tự mà xã hội mong muốn. Bởi vậy, nói đến một chế độ dân chủ, được xem như một chế độ chính trị - xã hội, một hình thức nhà nước, lẽ dĩ nhiên nó phải gắn liền với pháp luật, không thể có Nhà nước mà không có pháp luật, vì vậy, nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, văn kiện Hội nghị giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng ta đã chỉ rõ: "tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa" [14, tr.56]. Dân chủ và pháp luật là những phạm trù chính trị - xã hội. Đây cũng được xem là hai nhân tố cần thiết tương tác hữu cơ cấu thành lên một chỉnh thể đó là nhà nước pháp quyền. Bởi lẽ, để cho Nhà nước pháp quyền xuất hiện thứ nhất, phải có nhu cầu dân chủ, với việc xác định chủ thể quyền lực nhà nước là nhân dân. Do nhu cầu phát triển dân chủ đòi hỏi phải có phương pháp quản lý có hiệu quả nhằm đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân. Thứ hai, phương pháp quản lý đó chỉ có thể bằng pháp luật, bởi vì, pháp luật là đại lượng mang tính phổ biến. Có thể đo mức độ công bằng, là tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi con người và là phương tiện xác định quyền và trách nhiệm của nhà nước cũng như của công dân. Còn pháp chế là những chế định pháp luật bắt buộc của bộ máy quản lý pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội, để duy trì trật tự pháp luật thể hiện tính quyền uy, tính nghiêm minh của pháp luật hiện hành, là sự tuân thủ và thực hiện đầy đủ pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị tổ chức và đối với công dân. Vậy mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong quy luật tự do và tất yếu như thế nào? - Phải khẳng định rằng, giữa dân chủ và pháp luật luôn có mối quan hệ khăng khít và tác động qua lại lẫn nhau. Nếu nói dân chủ cho mọi người, hay quyền làm chủ của mỗi công dân, quyền tự do của nhân dân cần được hiểu theo nghĩa rộng đó là quyền thực sự của mỗi công dân được làm bất cứ những gì mà pháp luật không cấm, nói một cách khác những gì ngoài "hành lang" pháp lý quy định. Còn hiểu theo nghĩa hẹp, trong mối quan hệ xã hội nhất định thì tự do của mỗi công dân phải tuân thủ theo những gì pháp luật cho phép. Biết rằng, trong một xã hội nhất định, với tư cách công dân, sẽ không có tự do nếu không tuân thủ những nguyên tác, chế định chung bắt buộc tự do của mỗi người phải đặt trong quan hệ tự do của người khác, của cộng đồng và xã hội. Nói một cách khác, một người muốn có tự do cho mình, thì tất yếu phải tuân thủ những yêu cầu pháp lý cần thiết, lợi ích của họ phải gắn liền với nghĩa vụ trách nhiệm nhất định. Cũng bởi vậy, sẽ không có dân chủ thực chất nếu như các quy định pháp luật về dân chủ không được thực thi hoặc bị cắt xén, thực thi sai lệch. Tự do được đảm bảo bằng pháp luật nhưng nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan cá nhân. Cũng như dân chủ với tư cách là một hình thức nhà nước, dân chủ là cụ thể. Nên khi đề cập mối quan hệ dân chủ và pháp luật trong quy luật tự do và tất yếu, Mác quan niệm: Tự do được thừa nhận về pháp lý tồn tại trong Nhà nước dưới dạng pháp luật. Pháp luật - đó là những tiêu chuẩn tích cực, rõ ràng phổ biến, trong đó t

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Ý thức pháp luật với quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay.pdf
Tài liệu liên quan