Luận văn Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Hà Nội

Tài liệu Luận văn Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Hà Nội: LUẬN VĂN: Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Hà Nội Mở Đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong xã hội hiện đại, du lịch trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa - xã hội. Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế quan trọng hàng đầu vì những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội mà nó đem lại. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã coi phát triển du lịch là một chiến lược quan trọng để phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Là một ngành kinh tế quan trọng của Hà Nội, du lịch đã có bước phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều mặt: hệ thống khách sạn nhà hàng có quy mô dẫn đầu cả nước, vận chuyển khách du lịch tăng nhanh về số lượng, đổi mới về chất lượng, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch đã phát triển mạnh, đặc biệt là giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, điện nước. Nhờ đó, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế trên địa bàn Thủ đô tăng lên rõ rệt cả về số ...

pdf101 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1160 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Hà Nội, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Hà Nội Mở Đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong xã hội hiện đại, du lịch trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa - xã hội. Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế quan trọng hàng đầu vì những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội mà nó đem lại. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã coi phát triển du lịch là một chiến lược quan trọng để phát triển đất nước và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Là một ngành kinh tế quan trọng của Hà Nội, du lịch đã có bước phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều mặt: hệ thống khách sạn nhà hàng có quy mô dẫn đầu cả nước, vận chuyển khách du lịch tăng nhanh về số lượng, đổi mới về chất lượng, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch đã phát triển mạnh, đặc biệt là giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, điện nước. Nhờ đó, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế trên địa bàn Thủ đô tăng lên rõ rệt cả về số lượng và tỷ trọng. Hàng năm, ngành du lịch Thủ đô đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm nâng cao đời sống của nhân dân. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sự phát triển của du lịch Hà Nội trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của Thủ đô, của đất nước. Đến nay, nhiều tiềm năng chưa được khai thác tốt để phát triển ngành kinh tế quan trọng này. Vì vậy, tỷ trọng doanh thu của du lịch so với các ngành kinh tế khác của Hà Nội còn thấp. Du lịch chưa trở thành một ngành mũi nhọn như Đại hội Đảng bộ thành phố đã nhiều lần đặt ra. Để du lịch Hà Nội đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp kinh tế - xã hội, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đại hội Đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chỉ rõ: "Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, đa dạng hóa các loại hình, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phấn đấu doanh thu của ngành du lịch hàng năm tăng từ 16 - 18%; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Thủ đô". Trong điều kiện hiện nay, với xu thế hội nhập kinh tề quốc tế, giao lưu kinh tế - văn hóa tăng mạnh, nhu cầu về du lịch tăng nhanh. Do vậy, vấn đề bức xúc đặt ra yêu cầu phát triển mạnh ngành du lịch. Để du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tìm những biện pháp phù hợp nhằm huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng du lịch hiện đại. Vì vậy, việc tìm các giải pháp phát triển du lịch là vấn đề bức xúc, đồng thời là vấn đề có ý nghĩa cơ bản lâu dài đối với kinh tế Thủ đô. Đó là cũng là lý do chủ yếu của việc lựa chọn đề tài nghiên cứu: "Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Hà Nội". 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Do du lịch có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên đã có rất nhiều ngành, địa phương và cá nhân quan tâm nghiên cứu. Hiện đã có một số công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này, trong đó có một số công trình tiêu biểu liên quan đến đề tài luận văn như sau: Những giải pháp chủ yếu phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũ nhọn, của TS. Trần Hữu Nam - nguyên Giám đốc Công ty Khách sạn Du lịch Thắng Lợi. Một số giải pháp chủ yếu đưa du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tình hình mới, của TS. Nguyễn Quang Lân - nguyên Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Mở rộng thị phần lữ hành của Công ty Thương mại Dịch vụ Du lịch Tân Định - thực trạng và giải pháp, của tác giả Nguyễn Việt Hưng, luận văn thạc sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2005. Tuy đến nay đã có một số công trình nghiên cứu về du lịch Hà Nội, song nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và dưới góc độ quản lý kinh tế sau khi nước ta chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì gần như chưa có công trình nào. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường nghiên cứu đề tài này. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn để đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Để thực hiện mục đích trên, nhiệm vụ của luận văn đặt ra là: - Làm rõ cơ sở lý luận về du lịch và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. - Đánh giá thực trạng ngành du lịch Hà Nội. - Đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn Đối tượng nghiên cứu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó bao gồm cả phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và dịch vụ du lịch. Phạm vi nghiên cứu: Đề tài chủ yếu tập trung làm rõ ngành du lịch như một bộ phận kinh tế trên địa bàn Thủ đô. Việc phân tích thực trạng ngành du lịch chủ yếu từ năm 1995 đến nay, các giải pháp định hướng, đổi mới cho giai đoạn 2007 - 2012. 5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn Đề tài vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin; trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, việc nghiên cứu đề tài dựa trên các phương pháp chuyên ngành như: phương pháp tiếp cận hệ thống, phương pháp toán học, phương pháp thống kê, phương pháp xã hội học. Trong đó, một số phương pháp cụ thể được chú trọng vận dụng trong quá trình nghiên cứu luận văn gồm: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, mô hình hóa... 6. Đóng góp về mặt khoa học của luận văn Luận văn đã có một số đóng góp về mặt khoa học như sau: - Hệ thống hóa và làm rõ thêm những vấn đề lý luận về du lịch và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. - Đánh giá đúng thực trạng du lịch trên địa bàn Hà Nội và chỉ rõ những hạn chế, trở ngại và nguyên nhân. - Đề xuất các giải pháp phù hợp và khả thi để thúc đẩy du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn. 7. Kết cấu của luận văn Luận văn gồm 105 trang. Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 7 tiết. Chương 1 Cơ sở lý luận về du lịch và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong điều kiện hiện nay 1.1. Tổng quan về du lịch và phát triển du lịch 1.1.1. Du lịch và các yếu tố cấu thành của hoạt động du lịch Du lịch có từ xa xưa, gắn với ước mơ của con người, vì đặc tính cơ bản của con người là vừa thích quen, vừa thích lạ, vừa muốn đi tìm hiểu cái quen, cái lạ để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, con người của các nền văn hóa khác nhau mà quê hương mình chưa có hoặc không có, qua đó mà tăng thêm tri thức, tình cảm, sức khỏe. Đồng thời với sự phát triển của văn minh nhân loại, du lịch ngày càng trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Thoạt đầu, con người quan niệm rất đơn giản về du lịch. Họ cho rằng du lịch là đi chơi, đi dã ngoại. Du lịch trong tiếng Anh là tour, có nghĩa là chuyến tham quan ngắn vòng quanh thành phố. Trong tiếng Pháp, "tour" là danh từ có nghĩa là vòng (chuyển động). Trong tiếng Việt, "du lịch" là từ ghép: "du" là đi chơi, đi dạo và "lịch" là lịch lãm, từng trải, hiểu biết. Du lịch là biểu thị việc đi chơi của khách, nhằm tăng thêm hiểu biết, tích lũy kiến thức. Trên thế giới, trước thế kỷ XIX, du lịch chỉ là hiện tượng đơn lẻ của một số ít người thuộc tầng lớp giàu có và người ta coi du lịch như một hiện tượng nhân văn, làm phong phú thêm nhận thức của con người. Sau đại chiến thế giới lần thứ II, khi dòng người đi du lịch ngày càng tăng thì việc giải quyết những nhu cầu về nơi ăn, chốn ở, phương tiện vận chuyển, vui chơi giải trí v.v..., cho du khách đã trở thành cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Lúc này, du lịch không chỉ là hiện tượng nhân văn mà còn là một hoạt động kinh tế. Vì vậy, người ta cho rằng: du lịch là toàn bộ những hoạt động và công việc phối hợp, kết hợp nhằm thỏa mãn những yêu cầu của khách du lịch. Giáo sư Edmod Picasa (người Bỉ) cho rằng: "Du lịch là tập hợp các tổ chức và các chức năng của nó, không chỉ về phương diện khách vãng lai mà cái chính là phương diện về giá trị mà khách du lịch mang lại". Khi du lịch càng phát triển, các hoạt động kinh doanh du lịch càng gắn bó và phối hợp với nhau tạo thành một hệ thống rộng lớn và chặt chẽ. Lúc này, du lịch được coi là một ngành chuyển các nguồn nhân lực, vốn, nguyên liệu, vật liệu thành những sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Hai nhà kinh tế Thụy Sĩ là Claude Kaspa và S.A.Gallen (1971) đã viết: "Du lịch là tổng hợp những mối quan hệ và những hoạt động tạo ra do sự di chuyển và dừng lại của những người mà vị trí của nơi dừng không phải là nơi cư trú và cũng không phải là nơi hành nghề của chính họ" [44]. Như vậy, các tác giả trên đã đưa ra định nghĩa du lịch theo nghĩa rộng. Theo đó, du lịch không chỉ liên quan đến khách du lịch, mà còn đề cập đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở và cá nhân phục vụ cho các nhu cầu của khách du lịch tại nơi mà khách đi qua và ở lại. Các hoạt động này bao gồm: ăn, ở, vận chuyển, vui chơi giải trí, hướng dẫn tham quan v.v... Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua (ngày 14 tháng 6 năm 2005) đưa ra định nghĩa về du lịch như sau: "Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định" [29]. Như vậy, du lịch có hai nghĩa: Thứ nhất, du lịch là cuộc hành trình và lưu trú tạm thời của con người ở một nơi khác (cách xa nơi ở thường xuyên của họ), để nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thỏa mãn các nhu câu về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, trao đổi công việc. Thứ hai, du lịch được hiểu là tập hợp các hoạt động kinh doanh nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, thực hiện tốt mọi nhu cầu của khách du lịch. Nói cách khác, du lịch là tập hợp các hoạt động giữa cung du lịch và cầu du lịch tạo nên ngành du lịch. Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch. Trong đó, chủ thể quan trọng của hoạt động du lịch là khách du lịch. Đó là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến. Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch. Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch gồm: nhu cầu lưu trú, ăn uống; nhu cầu vận chuyển đi lại; nhu cầu giải trí, cảm thụ cái đẹp; nhu cầu mua sắm và các nhu cầu khác. Để thỏa mãn được các nhu cầu đó, ngành du lịch tổ chức cung cấp các dịch vụ du lịch cơ bản và thường được gọi tắt là cung du lịch. Các dịch vụ cơ bản về du lịch như Hình 1.1 dưới đây. Hình 1.1. Các loại hình dịch vụ du lịch Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch thế giới, các nhà khoa học nghiên cứu về du lịch không ngừng đi sâu và đã đưa ra rất nhiều các quan điểm có tính chất gợi mở. Các học giả người Mỹ như Mathieson và Wall cho rằng: Các loại hình dịch vụ mua sắm ------------------ - Hàng lưu niệm - Quà tặng - Đồ thể thao - Hàng hoá khác lưu trú, ăn uống ------------------ - Lưu trú: hotel, motel, bungalow, làng du lịch, camping… giảI trí ----------------- - Tham quan, vãn cảnh - Thăm bảo tàng - Thể thao - Lễ hội vận chuyển ------------------ - Đường bộ - Đường sắt - Đường thủy - Đường không Du lịch là ngành có hàng loạt mối liên quan lẫn nhau để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Du lịch liên quan đến du khách, hình thức lữ hành, cung cấp ăn, ở, thiết bị và các vật dụng khác, nó cấu thành một khái niệm tổng hợp không ngừng biến đổi theo thời gian và hoàn cảnh, một khái niệm đang hình thành và đang thống nhất [7]. Một học giả Mêhicô trong cuốn "Ngành du lịch là một giao lưu của loài người" cho rằng: "Ngành du lịch có thể được xem là tổng hợp các mối quan hệ được hình thành nên nhằm cung cấp dịch vụ và các tiện lợi khác cho khách du lịch". Các khái niệm và định nghĩa về ngành du lịch trên đây tuy không thật giống nhau nhưng đều có hai điểm tương đồng. Thứ nhất, ngành du lịch là một ngành kinh tế có tính tổng hợp do hàng loạt ngành liên quan hợp thành; Thứ hai, nhiệm vụ của ngành du lịch là cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho khách du lịch. Điều 1 Pháp lệnh Du lịch đã chỉ rõ: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và du khách quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế xã hội đất nước [40]. Dựa vào cách xác định trên có thể hiểu du lịch là ngành kinh tế có tính tổng hợp, lấy khách du lịch làm đối tượng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch cần thiết cho khách du lịch. Cách hiểu này đã một phần lý giải tại sao đối với nhiều quốc gia, trong bảng phân ngành của nền kinh tế quốc dân đã xếp du lịch là ngành dịch vụ. Hoạt động kinh doanh du lịch chủ yếu là các dịch vụ, nhằm trợ giúp cho con người trong quá trình đi thăm quan, du lịch như dịch vụ vận chuyển, dịch vụ hướng dẫn, dịch vụ làm các thủ tục hải quan liên quan đến quá trình du lịch, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí... Có thể minh họa qua Bảng 1.1 dưới đây: Bảng 1.1: Sản phẩm của một số tổ chức kinh doanh du lịch Cơ sở cung cấp Sản phẩm Hãng hàng không Dịch vụ vận chuyển hàng không Tàu biển Dịch vụ vận chuyển đường biển Tàu thủy Dịch vụ vận chuyển đường thủy Đường sắt Dịch vụ vận chuyển đường sắt Đường bộ Dịch vụ vận chuyển bằng ô tô, mô tô Lữ hành Dịch vụ thiết kế chương trình du lịch, dịch vụ điều hành du lịch, hướng dẫn du lịch Khách sạn Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống và giải trí Nhà hàng Chế biến và phục vụ các món ăn, đồ uống. Cơ sở giải trí Dịch vụ phục vụ giải trí Cơ sở thăm quan Dịch vụ phục vụ thăm quan Các cơ sở bán hàng hóa Dịch vụ bán hàng Các cơ sở bưu điện Dịch vụ bưu chính viễn thông Các ngân hàng Dịch vụ chuyển hoặc đổi tiền Các công ty bảo hiểm Dịch vụ bảo hiểm Các cơ sở y tế Dịch vụ y tế Các cơ sở Dịch vụ Các hôi trợ Dịch vụ Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam. Cách hiểu này cũng có ý nghĩa quan trọng trong quản lý vĩ mô về du lịch của mỗi quốc gia khi định hướng phát triển dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân. Cấu trúc ngành du lịch hiện nay bao gồm: - Kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế. - Kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch. - Kinh doanh dịch vụ ăn uống. - Kinh doanh các dịch vụ bổ sung. - Kinh doanh vận chuyển khách du lịch. 1.1.2. Vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội 1.1.2.1. Vai trò về mặt kinh tế Ngành du lịch được các nước trên thế giới coi là ngành công nghiệp không khói, là "con gà đẻ trứng vàng", tức là ngành thu hồi vốn nhanh, tạo nhiều công ăn việc làm, bán hàng tiếp thị xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ, ngoại giao và các quan hệ khác. Ngành công nghiệp du lịch được các nước trên thế giới thừa nhận là một ngành kinh doanh có lợi nhuận và phát triển với nhịp tăng trưởng cao, là nguồn đóng góp chủ yếu cho kinh tế - xã hội. Theo tính toán của Hội đồng Du lịch lữ hành thế giới (WTTC), thu nhập của du lịch bao gồm cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa năm 2005 là 6,2 nghìn tỷ USD, tăng 5,4% so với năm trước, chiếm 3,8% GDP của thế giới. Nếu tính cả những đóng góp trực tiếp và gián tiếp thì ngành du lịch chiếm 10,6% GDP toàn thế giới. Hàng năm, ngành này tạo ra 74,2 triệu việc làm, chiếm 2,8% lao động trên toàn cầu [41]. Giá trị của du lịch còn biểu hiện ở chỗ nó là ngành thu ngoại tệ, là ngành xuất khẩu tại chỗ. ở rất nhiều quốc gia, du lịch là dịch vụ xuất khẩu chủ yếu và trở thành động lực chủ yếu để phát triển kinh tế. Theo Hiệp hội Du lịch châu á - Thái Bình Dương (PATA), hàng năm khách du lịch đem lại thu nhập cho khu vực châu á - Thái Bình Dương khoảng 35 tỷ USD. Trong 3 năm tới, toàn bộ khu vực này sẽ thu được khoảng 110 tỷ USD từ hoạt động du lịch, trong đó Trung Quốc dự kiến đạt 36 tỷ USD, Thái Lan 13 tỷ USD, Malaysia 11 tỷ USD và Hàn Quốc khoảng 7 tỷ USD. ở Mỹ, hoạt động du lịch được coi là động lực kinh tế xuất khẩu. Hàng năm, có trên 46 triệu lượt khách đến nước này, chiếm 6% thị phần khách du lịch thế giới và mang lại hơn 75 tỷ USD hàng năm [41]. Thực tiễn cho thấy, khách du lịch tiêu thụ một khối lượng lớn nông sản thực phẩm dưới dạng các món ăn, đồ uống, mua sắm hàng hóa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Nhờ vậy, các địa phương hoặc quốc gia thông qua hoạt động du lịch thu được ngoại tệ tại chỗ với hiệu quả cao. Xuất khẩu hàng hóa theo đường du lịch có lợi hơn nhiều so với con đường ngoại thương. Trước hết, một phần lớn đối tượng mua bán hàng hóa và dịch vụ là lưu trú, ăn uống, vận chuyển, dịch vụ bổ sung, do vậy xuất khẩu qua con đường du lịch là xuất đa dạng dịch vụ, đó là điều mà ngoại thương không làm được. Ngoài ra, đối tượng xuất khẩu của du lịch quốc tế còn là hàng ăn, uống, rau quả, hàng lưu niệm v.v.... là những mặt hàng rất khó xuất khẩu theo con đường ngoại thương, đồng thời tiết kiệm được các chi phí về lưu kho, bảo quản, bao bì, đóng gói, vận chuyển, hao hụt do xuất khẩu. Hiệu quả kinh tế cao của du lịch còn thể hiện ở thu nhập. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, mỗi USD doanh thu từ du lịch sẽ tạo ra từ 2-3 USD thu nhập gia tăng tùy thuộc vào khối lượng hàng hóa và dịch vụ được các nhà kinh doanh trong nước cung cấp. Với sự gia tăng thu nhập ngoại tệ, du lịch đã góp phần đáng kể làm cân bằng cán cân thanh toán của mỗi quốc gia. Hoạt động du lịch tác động mạnh đến cơ cấu cán cân thu, chi của vùng du lịch, của một đất nước. Đối với du lịch quốc tế, việc mang ngoại tệ đến đổi và chi tiêu ở khu vực du lịch làm tăng tổng số tiền trong cán cân thu chi của vùng và của đất nước. Có thể thấy, nguồn thu nhập ngoại tệ từ khách du lịch quốc tế của nhiều nước ngày càng tăng. Chẳng hạn, Mỹ luôn là nước đứng đầu thế giới về thu nhập từ du lịch quốc tế. Năm 1990, ngành du lịch nước này mang lại nguồn thu là 43 tỷ USD, thì đến năm 1996 đã lên tới 64,4 tỷ USD, đến năm 2002 là 80,7 tỷ USD. Tiếp đến là Tây Ban Nha, năm 1996 thu được 28,4 tỷ USD, thì năm 2002 con số này lên đến 38,7 tỷ USD. Pháp năm 1996 thu được 28,2 tỷ USD, năm 2002 thu được 33,5 tỷ USD [43]. Đối với du lịch nội địa, việc tiêu tiền của dân cư ở vùng du lịch mặc dù chỉ gây biến động trong cơ cấu cán cân thu chi của nhân dân theo vùng, không làm thay đổi tổng số như tác động của du lịch quốc tế. Song sự phát triển của du lịch nội địa lại sử dụng được triệt để công suất của các cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo cho đời sống của nhân dân địa phương được sử dụng các dịch vụ của cơ sở kinh doanh du lịch, huy động được tiền nhàn rỗi của nhân dân, đồng thời cũng là một trong những hình thức tái sản xuất sức lao động của con người, lại vừa là biện pháp để nâng cao kiến thức, giáo dục chính trị tư tưởng cho nhân dân lao động, càng làm tăng thêm tình yêu quê hương đất nước. 1.1.2.2. Về mặt xã hội Trong thời đại hiện nay, việc làm cho người lao động là vấn đề bức xúc nhất của các quốc gia. Du lịch phát triển tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ thất nghiệp, thu hút một số lượng lao động rất lớn, nâng cao mức sống của người dân. Đối với nhiều người, du lịch được nhìn nhận như một nghề kinh doanh béo bở, dễ làm. Vì vậy, xu hướng chuyển đổi hay chuyển hướng sang kinh doanh du lịch là một động cơ tốt để mọi người trau dồi, bổ sung các kiến thức cần thiết như ngoại ngữ, giao tiếp, văn hóa, lịch sử v.v... Theo tính toán của các chuyên gia du lịch, cứ một việc làm trực tiếp trong ngành du lịch sẽ tạo ra từ 1,3 - 3,3 việc làm của ngành khác. Theo cách tính toán này, lao động trực tiếp, lao động gián tiếp phục vụ cho ngành du lịch chiếm khoảng 10,7% tổng số lao động của toàn thế giới. ở Việt Nam năm 2006 có khoảng 70 vạn lao động du lịch (lao động làm việc trực tiếp và lao động gián tiếp) và hàng năm du lịch cần có thêm 25.000 lao động mới và cần phải bồi dưỡng, đào tạo lại số lượng lao động tương đương [27, tr. 19]. Phát triển du lịch góp phần ngăn cản luồng di dân tự do từ nông thôn lên thành phố vì du lịch đã tạo điều kiện để người nông dân kiếm được việc làm ngay trên quê hương của mình bằng các nghề chăn nuôi, trồng trọt, làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống phục vụ khách du lịch. Phát triển du lịch góp phần nâng cao dân trí, làm phong phú thêm nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời góp phần mở rộng và củng cố mối quan hệ hợp tác, ngoại giao, giao lưu kinh tế, văn hóa khoa học, kỹ thuật, tạo mối quan hệ thân thiện, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Phát triển du lịch sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, sẽ làm thay đổi diện mạo của một vùng, của một quốc gia ngày càng văn minh hơn, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, hậu quả đầu tiên về mặt xã hội khi phát triển du lịch có thể làm phát sinh và gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, ma túy. Thậm chí ở một số nước còn tổ chức nhiều nhà chứa phục vụ khách, nguy hiểm hơn, giờ đây còn xuất hiện ngày càng gia tăng tình dục trẻ em. Nhiều khách sạn núp dưới chiêu bài dancing, karaoke, cắt tóc thư giãn, để tổ chức mại dâm. 1.1.2.3. Về mặt văn hóa Mỗi dân tộc trên thế giới có một nền văn hóa truyền thống riêng, được hun đúc từ bao đời. Du lịch là một trong những điều kiện quan trọng để các dân tộc giao lưu văn hóa với nhau. Những yếu tố văn minh trong nền văn hóa nhân loại càng phát triển càng kích thích phát triển những nét độc đáo của văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc phát triển góp phần làm phong phú, đa dạng thêm nền văn hóa nhân loại, nâng cao trí thức của con người. Khi đi du lịch, khách du lịch luôn muốn được thâm nhập vào các hoạt động văn hóa của địa phương và con người địa phương. Đối với các quốc gia, du lịch có vai trò làm tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa các dân tộc, là sứ giả của hòa bình và hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc. Đối với một quốc gia, du lịch là điều kiện để mọi người hiểu nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng, điều này rất dễ nhận thấy ở lứa tuổi thanh niên, ở những cơ quan xí nghiệp có chế độ làm việc ít tập trung hay làm việc căng thẳng theo dây chuyền v.v... Những chuyến tham quan du lịch tại các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Khi tiếp xúc trực tiếp với các di tích lịch sử, các công trình văn hóa của dân tộc, được sự giải thích cặn kẽ của hướng dẫn viên, du khách sẽ thực sự cảm nhận được giá trị to lớn của của các di tích, các công trình văn hóa (có thể không có quy mô đồ sộ trước mắt) mà thường ngày không để ý tới. Cũng chính nhờ có du lịch mà cuộc sống cộng đồng trở nên sôi động hơn, các nền văn hóa có điều kiện hòa nhập với nhau, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của con người trở nên phong phú hơn. Du lịch sẽ là động lực trực tiếp và gián tiếp nhằm chấn hưng, bảo tồn, bảo tàng, phát triển những tài sản văn hóa quốc gia, sẽ khôi phục và phát triển các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các loại hình nghệ thuật truyền thống, các nghề thủ công mỹ nghệ... Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, nhờ du lịch phát triển mà một số công trình kiến trúc như đền đài, miếu, chùa, cung điện được cứu khỏi sự sụp đổ. Những loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, ca Huế, múa cung đình có nguy cơ bị mai một, lãng quên nhờ có du lịch nay đã được khôi phục và phát triển. Nhưng sự phát triển du lịch cũng đã kéo theo cả những nền văn hóa của các nước khác thông qua khách du lịch trong đó có cả những văn hóa, lối sống trái với thuần phong mỹ tục, làm xói mòn hoặc mất đi bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc. 1.1.2.4. Về môi trường Phát triển du lịch có tác dụng thúc đẩy cải tạo môi trường, làm cho cảnh quan, môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp hơn. Mặt khác, phát triển du lịch là động lực thúc đẩy xây dựng các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng quốc gia, các sân chim... Là điều kiện tốt để bảo vệ các loài động, thực vật quí hiếm, bảo vệ môi trường. Bên cạnh những mặt tích cực, phát triển du lịch có nguy cơ làm hủy hoại, phá vỡ hệ sinh thái môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước, tàn phá các danh lam thắng cảnh, làm cạn kiệt dần nguồn tài nguyên thiên nhiên. Du lịch là ngành hoạt động đòi hỏi môi trường và khoảng không rất lớn, là yếu tố nội tại của ngành du lịch. Văn hóa và môi trường là nguyên liệu thô của ngành công nghiệp du lịch. Vấn đề đặt ra cho người lãnh đạo, người quản lý, người kinh doanh là phải có chiến lược phát triển du lịch đúng đắn để phát huy mạnh mẽ những thế mạnh và hạn chế đến mức tối đa những mặt tiêu cực do phát triển du lịch đem lại. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm mỗi người dân, là trách nhiệm chung của toàn xã hội. 1.1.3. Các nhân tố tác động đến phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn 1.1.3.1. Các nguồn lực về du lịch Các nguồn lực du lịch là những tác nhân rất quan trọng tác động mạnh đến phát triển du lịch. Có nhiều nguồn lực du lịch, dưới đây là một số nguồn lực du lịch chủ yếu. Một là, nguồn lực thiên nhiên. Nguồn lực này bao gồm vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, rừng, núi, bờ biển, vịnh, hang động, sông, thác nước, suối, môi trường sinh thái... Cụ thể đó là sự thuận lợi do vị trí địa lý mang lại như thông thương với các nước dễ dàng, có đường biển, đường bộ, đường hàng không là trung tâm của những vùng kinh tế phát triển năng động trên thế giới. Đây là một nhân tố cơ bản để phát triển du lịch. Quốc gia nào có nhiều tài nguyên tự nhiên thì quốc gia đó có tiềm năng lớn để thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan. Hai là, nguồn lực nhân văn bao gồm bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, thể hiện bằng hệ thống các di tích lịch sử, di tích văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, các món ăn uống dân tộc, các loại hình nghệ thuật, các lối sống, nếp sống của các tộc người mang bản sắc độc đáo còn lưu giữ được đến ngày nay. Những nguồn lực ấy được phân loại theo chiều thời gian lịch sử từ cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại. Chẳng hạn, nền văn minh Ai Cập cổ đại với Kim tự tháp nổi tiếng; nền văn hóa Hy Lạp cổ đại với nhiều thành tựu đặc sắc về văn hóa nghệ thuật, toán học, vật lý, hóa học v.v..., có vai trò rất quan trọng đối với phát triển du lịch. Ba là, dân cư và lao động là một nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm hai yếu tố chính là người làm ra sản phẩm du lịch và người tiêu thụ sản phẩm du lịch. Thời gian nhàn rỗi và mức sống, thu nhập của người dân là điều kiện quan trọng nhất tạo nên khối lượng khách du lịch. Điều kiện này phụ thuộc vào chế độ làm việc, vào sức sản xuất, phát triển sản xuất cũng như thu nhập của người dân mỗi quốc gia. Các chuyên gia du lịch cho rằng, ở các nước kinh tế phát triển, khi thu nhập của người dân tăng 1%, thì chi phí cho du lịch tăng 1,5%. Dân cư và lao động là nguồn cung cấp lao động cho các hoạt động dịch vụ du lịch. Thực tế cho thấy việc phục vụ một khách du lịch có thể tạo ra việc làm cho 3-5 lao động. Với một tỷ lệ đó, rõ ràng một nước muốn phát triển du lịch, phải có thị trường sức lao động tương ứng. Trình độ văn hóa của người dân cũng góp phần vào phát triển du lịch. Con người thân thiện, hiền hòa, mến khách, ứng xử văn minh lịch sự, tạo nhiều thiện cảm cho du khách, khiến họ truyền bá những điều tốt đẹp về đất nước, con người của điểm đến cho những người thân quen, có thể tạo thành làn sóng du lịch mới. Phần lớn những người khách tham gia vào hành trình du lịch, đều là người có trình độ văn hóa, nhất là những người đi du lịch nước ngoài. Người có trình độ văn hóa càng cao, thì nhu cầu đòi hỏi đi du lịch càng lớn, đòi hỏi chất lượng dịch vụ càng phải hoàn thiện và đa dạng. Bốn là, cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết bị hạ tầng. Đây là một nguồn lực, một điều kiện không thể thiếu để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng tốt, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, ngược lại sẽ gây khó khăn cho phát triển du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng bao gồm: - Cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết bị hạ tầng phục vụ ăn uống, lưu trú: là cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho khách du lịch. Đây là hai dịch vụ đặc trưng nhất của hoạt động kinh doanh du lịch, chúng đáp ứng nhu cầu bản năng của con người (ăn và ngủ), khi họ sống ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ. Dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành của các sản phẩm du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật của dịch vụ ăn uống: bao gồm toàn bộ các phương tiện vật chất, tham gia vào việc sản xuất và cung ứng các dịch vụ hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống và giải trí của du khách. Chúng bao gồm tất cả các phòng ăn, phòng trà, nhà kho, nhà bếp, các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc chế biến và các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho khách ăn. Cơ sở vật chất kỹ thuật của dịch vụ lưu trú: bao gồm tất cả các phòng ngủ, các tài sản, trang thiết bị tiện nghi phục vụ khách ngủ qua đêm. Các loại hình cơ sở lưu trú gồm: hotel, motel, làng du lịch, camping (lều trại), bungalow, biệt thự, nhà trọ. - Mạng lưới bán hàng: là một thành phần trong cơ cấu cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về mua sắm, bằng việc bán các hàng hóa đặc trưng của địa phương mình, của đất nước mình, hàng thực phẩm và các loại hàng hóa khác. Cơ sở vật chất kỹ thuật này gồm hai phần: một phần thuộc các trung tâm dịch vụ du lịch, phục vụ khách du lịch là chủ yếu. Phần khác thuộc mạng lưới thương nghiệp địa phương, với nhiệm vụ phục vụ nhân dân địa phương, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng đối với phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nơi đó. - Cơ sở thể thao: là một bộ phận của cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho kỳ nghỉ của du khách, làm cho nó trở nên tích cực hơn. Các cơ sở thể thao bao gồm cả các công trình thể thao, các phòng thể thao hay các trung tâm thể thao với nhiều loại khác nhau, các thiết bị chuyên dùng cho mỗi loại thể thao như: bể bơi, xe đạp nước, sân quần vợt sân bóng đá, sân golf, trường đua ngựa… Ngày nay, công trình thể thao là một bộ phận không thể tách rời cơ sở vật chất kỹ thuật của các trung tâm du lịch. Chúng làm phong phú và đa dạng các loại hình hoạt động du lịch, làm tăng sự hấp dẫn, kéo dài thời thời gian lưu trú của khách, làm tăng hiệu quả sử dụng khách sạn, camping. - Cơ sở y tế: nhằm mục đích phục vụ du lịch chữa bệnh và cung cấp dịch vụ bổ sung tại các điểm du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật ở đây bao gồm: các trung tâm chữa bệnh (bằng nước khoáng, ánh nắng mặt trời, tắm bùn, các món ăn kiêng), các phòng y tế với các trang thiết bị như: sauna - massage, thẩm mỹ. - Các công trình phục vụ văn hóa thông tin: bao gồm các trung tâm văn hóa thông tin, phòng chiếu phim, câu lạc bộ, phòng triển lãm. Hoạt động văn hóa thông tin có thể được tổ chức thông qua các buổi dạ hội hữu nghị, dạ hội hóa trang, đêm ca nhạc, tuần lễ biển, tổ chức các buổi gặp gỡ trao đổi giữa những người khách du lịch có cùng nghề, buổi chiếu phim, xem kịch, tham quan viện bảo tàng… - Cơ sở phục vụ các dịch vụ bổ sung khác: bao gồm trạm xăng dầu, thiết bị cấp cứu (ở biển hoặc núi), xưởng sửa chữa dụng cụ thể thao, phòng rửa tráng phim ảnh, hiệu cắt tóc, hiệu sửa đồng hồ, hiệu giặt là, bưu điện, dịch vụ Internet, phòng sao chụp. - Mạng lưới và phương tiện giao thông vận tải: bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường sắt. Mạng lưới giao thông phát triển tạo điều kiện cho việc đi lại của khách một cách dễ dàng. Đồng thời tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng du lịch của một vùng, một địa phương, một đất nước. - Mạng lưới thông tin liên lạc: đảm nhận việc vận chuyển các tin tức một cách nhanh chóng và kịp thời, góp phần đắc lực vào thực hiện giao lưu giữa các vùng, các khu vực, các nước. 1.1.3.2. Các nhân tố về kinh tế, chính trị, pháp luật Một là, tiềm lực kinh tế. Đó là sự phát triển kinh tế của một nước, từ công nghiệp, nông nghiệp, xuất - nhập khẩu, giao thông vận tải, tài chính-ngân hàng… Kéo theo nó là sự gia tăng các doanh nhân, những nhà đầu tư, những nhà tiếp thị đến với nước mình. Chính nguồn khách này sẽ tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ của ngành du lịch như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ tham quan v.v... Một đất nước trong một năm tổ chức được nhiều Hội chợ quốc tế về thương mại, công nghiệp, thì đồng thời cũng là nguồn cung ứng khách du lịch. Một bến cảng mà mật độ, khối lượng giao, nhận hàng hóa với khách hàng quốc tế lớn, thì ở đó số lượng khách lên bờ sẽ nhiều, và như vậy sẽ tạo điều kiện cho kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Hai là, sự ổn định chính trị. Các nước có nền kinh tế phát triển, chính trị trong nước ổn định, có đường lối hòa nhập cộng đồng, làm bạn với tất cả mọi người thì nhu cầu đi du lịch của người dân đến các nước khác cũng như thu hút người dân của các nước khác đến du lịch ngày càng tăng. Nền kinh tế có nhiều biến động, chính trị bất ổn, đồng tiền lạm phát người dân đi du lịch giảm, người dân của các nước khác đến du lịch cũng giảm. Ba là, có đường lối, chính sách phát triển du lịch đúng đắn. Đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi lẽ đường lối, chính sách phát triển du lịch xác định rõ vị trí của ngành du lịch trong tổng thể các ngành kinh tế xã hội và có định hướng, biện pháp đúng đắn để phát triển ngành này. Tổ chức Du lịch thế giới (WTO), trong một báo cáo của mình năm 1987 đã nhận xét: Kinh tế du lịch ở một số nước phát triển mạnh, đây không phải là một sự ngẫu nhiên, đột xuất mà do một số nước, chính phủ các nước đã quan tâm, đặt du lịch theo hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, ngành du lịch phát triển rất năng động trong việc kế hoạch hóa đầu tư thành ngành du lịch quốc gia liên kết chặt chẽ với nền thương mại du lịch của các nước trên thế giới. 1.1.3.3. Tiềm năng và nhu cầu của khách du lịch Khả năng về thu nhập: Du lịch là nhu cầu thứ yếu. Khi các nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh đã đầy đủ thì con người mới nghĩ đến nhu cầu đi tham quan, giải trí tức là du lịch chỉ phát triển khi nhu cầu thiết yếu được thỏa mãn. Thường ở những nước có thu nhập bình quân đầu người cao thì nhu cầu về du lịch sẽ cao hơn ở các nước có thu nhập thấp. Về thời gian nhàn rỗi: Các nền kinh tế khác nhau, thời gian nhàn rỗi của mỗi người dân cũng khác nhau và họ dành quỹ thời gian đi du lịch cũng khác nhau nhưng quỹ thời gian dành cho đi du lịch của mỗi người phụ thuộc rất lớn vào quỹ thời gian nhàn rỗi. 1.2. Tiêu chí và vai trò của việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Hà Nội Có thể hiểu ngành kinh tế mũi nhọn là một trong những ngành kinh tế quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân, của một đất nước, trong một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử. Đó là những ngành kinh tế có tiềm năng tăng trưởng cao, có thị trường rộng, tạo được nguồn tích lũy lớn và thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo với việc phát triển yếu tố con người. 1.2.1. Tiêu chí lựa chọn ngành kinh tế mũi nhọn Xác định ngành mũi nhọn là quá trình phân tích, đánh giá những thuận lợi của những ngành trong điều kiện hiện tại và triển vọng trong trung hạn cũng như dài hạn, xem xét vai trò hiện nay và tương lai của ngành đó trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế, trên cơ sở đó chọn ra những ngành có cơ hội tốt nhất để phát triển trong tương lai và đề ra các chính sách đảm bảo những nguồn lực khan hiếm và nguồn lực lao động của đất nước. Về nguyên tắc, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hiệu quả luôn luôn là tiêu chuẩn cơ bản nhất để lựa chọn ngành mũi nhọn. Việc xa rời nguyên tắc này, đồng nghĩa với việc phủ nhận trên thực tế vai trò điều tiết của cơ chế thị trường, đặc biệt là vai trò phân bổ các nguồn lực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần hiểu khái niệm hiệu quả thế nào cho phù hợp. Tương quan giữa hiệu quả kinh tế thuần túy và hiệu quả kinh tế - xã hội trong đó là như thế nào? Có ba điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, hiệu quả phải được xét trên quan điểm dài hạn và được coi là tiêu chuẩn chủ đạo, điều đó cũng không có nghĩa là bỏ qua những lợi ích ngắn hạn. Song, khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, lâu bền như là mục tiêu hàng đầu, thì việc ưu tiên bất cứ ngành nào trong giai đoạn đầu trước hết cũng phải nhằm mục đích tạo dựng cơ sở tăng trưởng vững chắc cho toàn bộ nền kinh tế ở giai đoạn sau, hướng tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và trình độ khoa học- công nghệ của đất nước. Thứ hai, để đảm bảo sự phát triển bền vững theo một mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội bền vững, rõ ràng không chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế thuần túy (được đo bằng lợi nhuận hay hiệu suất vốn đầu tư). Các tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội như: mức độ tạo công ăn việc làm, phân phối lợi ích do tăng trưởng kinh tế mang lại cho các tầng lớp dân cư khác nhau đặc biệt là cho nông dân, cũng cần được tính tới như những tiêu thức chủ yếu. Trên quan điểm dài hạn, không hề có sự đối lập hay loại trừ lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn loại này với nhau. Kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế tăng trưởng cao ở châu á cho thấy, hai yếu tố này về cơ bản là có tác động cùng chiều, thúc đẩy lẫn nhau. ở cấp độ cao hơn, còn có thể nói rằng hiệu quả kinh tế, lợi ích tăng trưởng kinh tế chỉ có thể đạt mức tối đa khi nó gắn liền với sự đảm bảo một hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Thứ ba, những ngành được lựa chọn ưu tiên phát triển, cần phải là ngành có hệ số tác động cao đến sự phát triển trong tương lai đối với nhiều nhiều ngành khác. Nói cách khác đi, một mức tăng trưởng cao của ngành được ưu tiên sẽ phải kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành có liên quan không nằm trong diện ưu tiên. Phạm vi các ngành chịu sự tác động bị "lôi kéo tăng trưởng" và mức độ tác động đến tốc độ tăng trưởng của ngành "bị kéo" này từ sự phát triển của một ngành nào đó tạo nên hiệu quả phát triển toàn bộ của nó. Đây được coi là tiêu chuẩn chung, bắt buộc để lựa chọn ngành mũi nhọn. Xuất phát từ vấn đề này, câu hỏi cụ thể hơn cần được trả lời là: những tiêu thức chính, để xác định ngành mũi nhọn là gì? Đó là ngành mà: - Đóng góp cao vào GDP, là ngành tạo ra đòn bẩy thúc đẩy các ngành khác, ngành có khả năng tích lũy cao. - Có tác động thúc đẩy các ngành khác, tạo đà cho tăng trưởng chung, tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. - Có điều kiện sử dụng nguyên liệu trong nước. - Tận dụng được lao động hiện có, thúc đẩy lao động kỹ thuật. - Có thị trường rộng lớn ở trong nước và nước ngoài. Các tiêu chí trên có quan hệ ràng buộc chặt chẽ với nhau (chế định lẫn nhau), tất cả chúng đều hướng tới mục tiêu dài hạn của nền kinh tế: tăng trưởng nhanh với hiệu quả sử dụng vốn cao, tăng nguồn thu nhập ngoại tệ (được coi là nguồn lực quan trọng nhất hiện nay), tạo nhiều công ăn việc làm, theo định hướng tăng trưởng đã được lựa chọn (định hướng tăng trưởng xuất khẩu). Trong nền kinh tế mở, các ngành kinh tế mũi nhọn đều phải đặt vào cạnh tranh quốc tế hay khu vực, đều phải tự mình có sức cạnh tranh để tồn tại. Điều này đòi hỏi tất cả các ngành kinh tế mũi nhọn phải có biện pháp nhằm thay thế nhập khẩu, cũng như phải có công nghệ thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Ngành kinh tế mũi nhọn thường là những ngành "mặt trời mọc". Đó là những ngành tiên tiến về kỹ thuật sản xuất, có hàm lượng trí tuệ cao, đang từng bước có những đóng góp lợi nhuận lớn, giữ vai trò quan trọng cho quốc gia trong tương lai. 1.2.2. Vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn Như đã đề cập ở trên, sự lựa chọn các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các quốc gia đã giúp các nước cần thiết phải chỉ ra ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng khi đã xác định và tạo điều kiện cho ngành kinh tế mũi nhọn phát triển, thì ngành kinh tế mũi nhọn lại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quốc gia đó trên các mặt sau: Thứ nhất, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quốc gia. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình phát triển của các ngành kinh tế dẫn đến sự tăng trưởng khác nhau giữa các ngành và làm thay đổi mối tương quan giữa chúng so với một thời điểm trước đó. Nếu cơ cấu kinh tế hướng vào mục đích cần đạt được của nền kinh tế thì đầu tư chính là phương tiện để đảm bảo cho cơ cấu đó được hình thành hợp lý theo mục đích hướng tới của nó. Tỷ trọng vốn đầu tư cho các ngành khác nhau, sẽ mang lại những hiệu quả khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến chuyển dịch cơ cấu ngành và ảnh hưởng chung đến toàn bộ nền kinh tế. Lý thuyết phát triển ngành không cân đối hay cực tăng trưởng cho rằng, đầu tư phải được phân bổ cho một số lượng hạn chế cực phát triển để tạo ra khả năng lôi kéo đối với các ngành khác. Trên thực tế, không thể và không nhất thiết phải đảm bảo tăng trưởng bền vững bằng cách duy trì cơ cấu cân đối của liên ngành và liên vùng. Việc tăng trưởng và phát triển với một cơ cấu kinh tế không cân đối sẽ hạn chế sự kích thích đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất. Những dự án đầu tư vào một số lĩnh vực thì áp lực đầu tư xuất hiện do cầu lớn hơn cung, đầu tư được lôi kéo theo cấp số nhân. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn của thời kỳ công nghiệp hóa, vai trò cực tăng trưởng của các ngành trong nền kinh tế là không giống nhau. Cần tập trung những nguồn lực khan hiếm cho một số lĩnh vực trong những giai đoạn nhất định. Đồng thời, ở các nước đang phát triển rất thiếu vốn, công nghệ, lao động có kỹ thuật và thị trường nên không đủ điều kiện để cùng một lúc phát triển đồng bộ tất cả các ngành hiện đại. Phát triển cơ cấu kinh tế không cân đối, lựa chọn cực tăng trưởng là bắt buộc và phù hợp trong điều kiện đó. Sự thành công của các nước công nghiệp Đông á đã thừa nhận sự hợp lý của lý thuyết này, với mô hình phát triển mở cửa, hướng ngoại và càng trở nên quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành khi mỗi quốc gia đang phát triển thực hiện những cuộc bứt phá thông qua việc lựa chọn và phát triển ngành trọng điểm, ngành mũi nhọn. Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của ngành, địa phương. Trong thể thống nhất của cơ cấu kinh tế quốc dân, sự phát triển của ngành kinh tế này là nhân tố thúc đẩy ngành kinh tế khác cùng phát triển. Tuy cùng nằm trong một cơ cấu kinh tế chung, một số ngành kinh tế có những lợi thế riêng, trong quá trình phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và khi đó nó tác động đến sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác. Thứ ba, giải quyết việc làm cho xã hội, tạo nguồn vốn tích lũy cao cho quốc gia. Các nước NICs và các nước trong vùng Đông Nam á đã khôn ngoan biết rằng vốn liếng có giá trị nhất của họ chính là nguồn lao động nên đã tìm cách khai thác triệt để lợi thế này và nghiên cứu chỗ trống "thị trường ngách" trong nhu cầu của thị trường quốc tế, quyết định sử dụng lao động để sản xuất các sản phẩm nhỏ cần ít vốn đầu tư, nhưng khả năng tiêu thụ trên thị trường thế giới lại rất lớn. Họ nắm bắt được nhu cầu thị trường, nên chỉ tập trung sản xuất "cái nhỏ" lại xuất khẩu được khối lượng hàng hóa lớn. Các quốc gia, lãnh thổ này đã biến những ngành công nghiệp đã "xế chiều" của các nước đã phát triển thành "rạng rỡ bình minh" cho quá trình công nghiệp hóa của mình. Họ không tham cái lớn khi còn ở ngoài "tầm tay". Nhờ có sự lựa chọn ngành kinh tế có lợi thế làm mũi nhọn, các nước NICs và các nước trong khu vực Đông Nam á không những phát triển được thành ngành kinh tế hướng xuất khẩu mà còn nhanh chóng vào được thị trường quốc tế, giảm được tỷ lệ thất nghiệp. Thứ tư, góp phần vào phát triển văn hóa - xã hội của quốc gia. Kinh tế cũng như văn hóa muốn phát triển, cần phải có sự giao lưu giữa các vùng trong nước, giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới. Đối với một quốc gia, ngoài đời sống kinh tế còn có đời sống văn hóa. Các mặt đó lại gắn bó với nhau tạo thành một chỉnh thể trong hoạt động đời sống của con người. Do vậy, việc mở rộng thị trường, phát triển giao thông giữa các vùng trong nước, hoạt động kinh tế đối ngoại giữa các quốc gia…, chẳng những là điều kiện quan trọng để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn mà còn tác động không nhỏ đến việc phát triển văn hóa của một quốc gia. Nhất là khi nền kinh tế mũi nhọn đã thể hiện đầy đủ các ưu thế như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nguồn tích lũy lớn, đời sống của nhân dân được cải thiện thì tác động của nó tới sự phát triển văn hóa của một dân tộc còn lớn hơn nhiều, điều kiện giữ gìn môi trường xã hội và nền văn hóa dân tộc trở nên vững chắc. Thứ năm, tạo cơ sở ổn định của một quốc gia. Trong một nước, kinh tế và chính trị thường gắn bó chặt chẽ với nhau, kinh tế đóng vai trò cơ sở còn chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế. Do vậy, việc ổn định cơ bản và lâu dài về chính trị của một quốc gia suy cho cùng là do cơ sở kinh tế quyết định. Trong cơ sở kinh tế đó thì vai trò tích cực nhất, hiệu quả kinh tế to lớn nhất do các ngành kinh tế mang lại. 1.2.3. Tiêu chuẩn để đánh giá du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn Ngành du lịch chỉ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khi phải được quốc gia đó lựa chọn làm chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và có đủ các điều kiện cần thiết khác như: nguồn lực tự nhiên, nguồn lực nhân văn, nguồn lực cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cơ sở hạ tầng, các cơ hội, nguồn lực bên ngoài… Để xác định ngành du lịch có phải là ngành mũi nhọn của một quốc gia, một địa phương cần làm rõ một số nội dung sau đây: Thứ nhất, phân tích sự đóng góp của ngành du lịch vào GDP. Trên giác độ kinh tế, người ta xếp du lịch là ngành dịch vụ rất được coi trọng ở các nước công nghiệp phát triển và đã đóng góp một tỷ trọng rất lớn vào GDP của quốc gia. Chẳng hạn như: ở các nước (ASEAN) du lịch chiếm tỷ lệ trong GDP như sau: Philipines 8-10%; Malaysia 12%; Thái Lan 16% và Singapore 20%. Ngoài ra, cần tính cả những thu nhập khác của xã hội và các ngành dịch vụ khác do hoạt động du lịch mang lại. Có rất nhiều ngành tạo nguồn thu từ du lịch, theo cách tiếp cận từ phía khách du lịch có thể nêu ra một số nhóm ngành sau: - Từ tài nguyên du lịch: Đó là các phí và lệ phí khác phải trả khi vào nước ta du lịch (phí thị thực, phí sân bay, phí bến cảng, lệ phí vào thăm quan các di tích, các danh lam thắng cảnh,…). - Từ các ngành dịch vụ vận chuyển: (hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ), hàng hóa bán cho khách, các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm,… Phục vụ khách du lịch. - Từ các dịch vụ cơ bản phục vụ khách du lịch: (dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ thể thao, dịch vụ đưa đón, dịch vụ hướng dẫn tham quan,…). Thứ hai, mức độ tác động của ngành du lịch đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nền kinh tế. Phát triển du lịch tạo ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn cho cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, không chỉ là thị trường tiêu thụ nội địa mà cả thị trường xuất khẩu tại chỗ. Đây chính là động lực và chất xúc tác để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, phải tính toán được những chỉ tiêu về định lượng, sự đóng góp của hoạt động du lịch đối với từng khu vực và đối với từng ngành cụ thể. Thứ ba, khả năng tạo ra việc làm của ngành du lịch, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của quốc gia. Theo quy luật chung, đối với mỗi quốc gia khi thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì lực lượng lao động ở khu vực I và khu vực II sẽ giảm rất nhanh, khu vực III là khu vực dịch vụ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút lực lượng lao động của xã hội. Hoạt động du lịch thu hút nhiều lao động trong xã hội, kể cả trực tiếp phục vụ và gián tiếp phục vụ, vì nó phải sử dụng con người để phục vụ con người chứ không thể cơ giới hóa hay tự động hóa trong quá trình phục vụ được. Theo tính toán của các nhà kinh tế, năm 1995 ngành du lịch của thế giới đã sử dụng 118 triệu lao động trực tiếp, 295 lao động gián tiếp để phục vụ 563,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Vì vậy, để tính chỉ tiêu này, chúng ta hoàn toàn có thể tính toán được thông qua các khách du lịch hàng năm của của các quốc gia. Thứ tư, ảnh hưởng của ngành du lịch tới sự phát triển kinh tế của các vùng khó khăn và thực hiện xóa đói giảm nghèo. Do những điều kiện khách quan, chủ quan về phát triển du lịch, đồng thời kéo theo nhu cầu thị hiếu của con người về nhu cầu du lịch, các nước đã tập trung phát triển du lịch ở những vùng hoặc địa phương có khó khăn nhằm phát triển kinh tế của những vùng này, từng bước khắc phục sự chênh lệch giữa các vùng miền, thực hiện tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư, xóa đói giảm nghèo… Điều này được thể hiện qua kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ: Đảo Bali của Inđônêsia, Phu Két của Thái Lan, Lavegas của Mỹ… Từ những vùng nghèo nàn, lạc hậu đã trở thành những khu du lịch nổi tiếng không những chỉ ở trong khu vực mà cả quốc tế, hàng năm đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế đến du lịch, tạo việc làm có thu nhập cao cho người dân. Thứ năm, khả năng đóng góp của ngành du lịch vào việc phục hồi và phát huy bản sắc dân tộc. Nói đến du lịch là phải nói đến sự độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc với mục tiêu không những nhằm thu hút khách mà còn giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc với bạn bè trên thế giới, và giáo dục lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước. Điều này phải được thể hiện cụ thể trong mọi hoạt động du lịch, từ việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, phong cách phục vụ đến các hoạt động trực tiếp phục vụ khác như hướng dẫn tham quan, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm… Thứ sáu, tác động của ngành du lịch tới việc tạo ra các cơ hội và điều kiện thuận lợi để các ngành khác của nền kinh tế hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Thông qua các hoạt động du lịch, các ngành không chỉ tiêu thụ được sản phẩm của mình mà còn quảng bá tuyên truyền ra quốc tế thông qua các hội nghị, hội chợ, triển lãm hoặc thông qua các quan hệ đối tác với khách du lịch. 1.3. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và bài học rút ra 1.3.1. Một số kinh nghiệm quốc tế Kinh nghiệm ở một số nước sử dụng rất nhiều hình thức phục vụ khách, với nhiều hình thức độc đáo, nên đã thu hút được lượng khách trong nước và quốc tế đến ngày càng đông. Như ở Thái Lan có các cửa hàng miễn thuế, bán các sản phẩm truyền thống giá rẻ, chất lượng cao, các mặt hàng xa xỉ phẩm của các nước nổi tiếng, các loại quần áo hợp thời trang nhằm thu hút khách du lịch, tư tưởng chỉ đạo dịch vụ của Thái Lan là: luôn luôn tìm cách thỏa mãn một cách tối đa nhu cầu của khách cả về vật chất lẫn tinh thần, tâm lý; khẩu hiệu phục vụ khách là "gây ấn tượng tốt cho khách ngay từ bước chân đầu tiên và làm cho khách hài lòng đến bước chân cuối cùng". ở Trung Quốc ngành du lịch đã đưa ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng nhằm thu hút khách du lịch, được xây dựng hàng năm theo các chủ đề: năm 1995 là "Năm du lịch phong tục các dân tộc", năm 199l là "Năm du lịch nghỉ mát", năm 1997 là "Năm du lịch đón Hồng Kông trở về với đất nước Trung Quốc ". 1.3.2. Một số kinh nghiệm trong nước Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động du lịch mang tính phổ biến trong vài thập niên trở lại đây. Tạo nên thành thị mới sôi động có sức thu hút, lôi cuốn ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế, nhất là du khách quốc tế. Mới đầu các điểm du lịch của các thành phố chủ yếu phục vụ người dân địa phương, cùng với sự phát triển của du lịch thì các điểm này phát triển nhờ khách du lịch đến tham quan thành phố. Đồng thời thành phố không chỉ là điểm đến của khách du lịch mà còn là điểm xuất phát cho các chuyến du lịch đi các vùng và các nước khác. Đó chính là "cổng vào" để hình thành chương trình du lịch của du khách quốc tế và trong nước. Chính vì vậy đã tập trung làm tốt một số mặt sau đây: - Tạo ra các "cổng vào" thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng cho du khách vào tham quan, mua sắm. - Xây dựng các cơ sở lưu trú theo quy hoạch, phù hợp với đối tượng khách đến thành phố. - Quy hoạch, nâng cấp các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi giải trí trong thành phố và các điểm phụ cận phục vụ khách. - Xây dựng các trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm và trung tâm hội nghị phục vụ du khách. - Đa dạng hóa các cơ sở kinh doanh du lịch lữ hành. - Xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lý tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. 1.3.3. Một số bài học rút ra trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn Một là, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chính sách giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Chiến lược phát triển ngành du lịch phù hợp với chiến lược phát triển nền kinh tế đất nước, phát triển du lịch đồng bộ, kiện toàn mối quan hệ giữa ngành du lịch với các ngành khác có liên quan. Chiến lược tiếp thị, quảng cáo năng động đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch. Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch đồng thời tích cực tuyên truyền giáo dục mọi người dân hiểu rõ tầm quan trọng của du lịch. Đã đem lại kết quả đáng kể mang lại nguồn thu ngoại tệ hàng năm khoảng 3-4 tỷ USD. Chiến lược sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đến với mọi tầng lớp nhân dân, có môi trường du lịch an toàn thân thiện. Có nền kinh tế và chế độ chính trị ổn định. Hai là, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch. Để phát triển kinh tế, trước hết phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là công nghệ thông tin, ở nhiều nước công nghiệp phát triển công nghệ thông tin du lịch đang được ứng dụng phổ biến như ở nước Mỹ là 37%, ở Pháp là 35,1%... Đây là tiền đề cho ngành du lịch phát triển. Ngoài cơ sở hạ tầng chung như mọi ngành kinh tế khác, ngành du lịch còn có cơ sở vật chất kỹ thuật đặc thù như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Du lịch càng phát triển thì cơ sở vật chất - kỹ thuật càng được nâng cao và tính đồng bộ của nó ngày càng tăng. Ba là, tạo ra những sản phẩm đa dạng, độc đáo, hấp dẫn lôi cuốn sự chú ý của khách. Tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, hấp dẫn mạnh tới khách trong và ngoài nước phải được coi là công việc quan trọng bậc nhất cho hoạt động kinh doanh du lịch của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Sự hấp dẫn của những sản phẩm du lịch phụ thuộc vào chính những thứ mà quốc gia và địa phương mình đã và đang có, đồng thời không tách khỏi sự cố gắng sáng tạo của mỗi nhân viên trong ngành và sự phối hợp của các đơn vị có liên quan. Sản phẩm của ngành du lịch chủ yếu là những dịch vụ, nhưng không phải là những dịch vụ độc lập, riêng biệt mà là một "chuỗi dịch vụ", vừa kết hợp với nhau vừa đan xen với nhau, vừa lặp đi lặp lại nhiều lần. Chất lượng của chuỗi dịch vụ này sẽ quyết định thỏa mãn nhu cầu của khách cả về vật chất và tinh thần. Hơn nữa, nhiều dịch vụ lại được thực hiện bởi nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Vì thế sản phẩm du lịch, chất lượng, uy tín của toàn ngành là sự phấn đấu trong từng công đoạn, từng doanh nghiệp và của sự phối hợp liên ngành, cuối cùng phải được du khách chấp nhận. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sẽ trở thành một vấn đề chiến lược trong hoạt động kinh doanh du lịch. Kinh nghiệm ở một số nước sử dụng rất nhiều hình thức phục vụ khách, với nhiều hình thức độc đáo, nên đã thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế đến ngày càng đông. Xã hội càng văn minh, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu của du khách càng phong phú đa dạng. Do vậy việc tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch là một tất yếu khách quan, nhằm phát triển du lịch ở nhiều quốc gia hiện nay. Bốn là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá về du lịch. Mục đích của tuyên truyền quảng bá trong kinh doanh du lịch là nhằm cung cấp thông tin cho khách du lịch, làm cho họ nhận thức đúng và đầy đủ hơn các sản phẩm du lịch, đồng thời thuyết phục họ mua sản phẩm. Tuyên truyền, quảng bá phải nhằm vào thị trường khách cụ thể để đạt được mục đích ở thị trường đó. Như vậy, dựa vào thị trường mục tiêu để xác lập mục tiêu cổ động. Cần lựa chọn biện pháp xúc tiến là một trong năm hình thức sau: tuyên truyền, quảng cáo, khuyến mại, chào hàng và xúc tiến bán hàng trực tiếp. Trên cơ sở đó xác định được thời gian tiến hành. Tuyên truyền, quảng bá đòi hỏi một chi phí lớn, nhưng rất cần thiết trong hoạt động kinh doanh du lịch, hiệu quả của nó rất lớn, khó lượng hóa hết. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (WTO), ngân sách về tuyên truyền quảng bá của các nước hàng năm đều tăng. Có nhiều nước đã dành một khoản ngân sách rất lớn chi cho hoạt động này như Canada 27 triệu USD, Hồng Kông 15 triệu USD, Sinhgapore 13 triệu USD… Theo các nhà kinh tế, nếu bỏ ra 1 USD cho việc tuyên truyền, quảng cáo du lịch thì sẽ thu về khoảng 500 USD. ở vùng châu á - Thái Bình Dương, nếu bỏ ra 1 USD cho tuyên truyền, quảng bá du lịch thì chỉ thu được 150 USD, nhưng ở châu Âu lại lên đến 635 USD. Năm là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho du lịch. Do đối tượng phục vụ của du lịch là con người, bao gồm cả người trong nước và khách du lịch nên đòi hỏi trình độ của cán bộ, nhân viên du lịch phải cao. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cho đội ngũ nhân viên có ý nghĩa quan trọng nên nhiều nước phát triển du lịch đều rất chú ý vấn đề này. Ví dụ: ở Inđônêsia có 60 viện đào tạo nhân viên chuyên ngành du lịch. Năm 1993, tại khu du lịch nổi tiếng Bali (Inđônêsia), Hiệp hội Du lịch châu á - Thái Bình Dương (PATA) và WTO đã mở hội nghị về chiến lược giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho du lịch, hoàn thiện kỹ năng phục vụ các dịch vụ trong ngành công nghiệp không khói này. Cũng tại hội nghị này, đã nhấn mạnh cần nhận thức đúng đắn và tiến hành tốt việc giáo dục, đào tạo cho đội ngũ nhân viên có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm đương tốt mọi khâu công việc của ngành, vừa kết hợp được truyền thống khu vực, vừa thực hiện việc hiện đại hóa du lịch, đồng thời với việc giáo dục toàn dân. Tóm lại, mọi người làm việc trong ngành du lịch phải được đào tạo, huấn luyện một cách chính quy, ngày càng được nâng cao trình độ bằng nhiều phương thức như: vừa học vừa làm, tập huấn nâng cao mời giáo viên của các trường đại học chuyên ngành hoặc các trường nghiệp vụ du lịch hay đào tạo từ xa… Việc nâng cao hiểu biết du lịch cho toàn dân là vô cùng quan trọng. Sáu là, phát triển du lịch đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên môi trường. Việc phát triển du lịch hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề không thể xem nhẹ: gây tổn hại môi trường, tài nguyên sinh thái ở nhiều vùng, các công trình văn hóa lịch sử, các tệ nạn xã hội. Tình trạng rác thải, tắc nghẽn giao thông, cũng là một hiện tượng phổ biến. Phân tích theo cặp phạm trù "nhân quả" giữa du lịch và môi trường, thì du lịch là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và đến lượt du lịch phải chịu hậu quả của môi trường ô nhiễm tác động, hạn chế đến khả năng phát triển của ngành Du lịch. Môi trường du lịch có thể hiểu cả môi trường sinh thái và môi trường xã hội như: Chương trình xanh, sạch, đẹp, văn minh, giữ gìn an ninh trật tự trong hoạt động du lịch (cướp giật, ăn xin, ép khách mua hàng, tệ nạn xã hội) để điểm đến được an toàn, hấp dẫn, thân thiện đối với khách du lịch. Chương 2 Thực trạng ngành du lịch Hà Nội thời gian qua và những vấn đề đặt ra 2.1. Điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch của Hà Nội Hà Nội là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Với những tiềm năng về tự nhiên, văn hóa, kinh tế và xã hội, Hà Nội có đầy đủ điều kiện tốt để phát triển du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 2.1.1. Điều kiện tự nhiên Hà Nội tọa lạc ở vị trí trung tâm của châu thổ sông Hồng, được thiên nhiên ưu đãi dành cho nhiều thuận lợi, từ thế đất của Hà Nội và các vùng phụ cận phần lớn là đồng bằng với độ cao trung bình là 10m, thấp dần từ Tây Bắc đến Đông Nam theo dòng chảy của sông Hồng, nằm giữa hai vùng đồi núi tách biệt, tạo nên những nét độc đáo, thuận lợi cho hoạt động du lịch. Vùng đồi núi của Hà Nội có thể tổ chức nhiều loại hình du lịch như leo núi, săn bắn, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng chữa bệnh, nghỉ cuối tuần và chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 50 km, đến hệ sinh thái phong phú như rừng quốc gia Ba Vì. Hà Nội có khí hậu thích hợp với hoạt động du lịch, với bốn mùa rõ rệt. Khách du lịch châu Âu, châu Mỹ rất thích đến Hà Nội trong thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đặc biệt với mùa thu gắn liền với hoa sữa, với hương cốm đã làm rung động biết bao tâm hồn thi sĩ. Hà Nội còn có thể được gọi là thành phố "xanh" với trên 200 ngàn cây xanh bao gồm 46 loại cây khác nhau như: xà cừ, bàng, sấu, phượng, sữa... Trải khắp phố phường, khác với thủ đô của các nước châu Âu, Hà Nội cây cối xanh tốt 4 mùa. Nói đến Hà Nội không thể không nói đến vẻ đẹp của những sông hồ. Con sông Hồng như vắt ngang thành phố, hai bên bờ sông có biết bao di tích mà du khách có thể nghé thăm nếu đi du lịch bằng đường sông. Hà Nội có hơn 3.600 ha hồ, ao, đầm, tiêu biểu là hồ Tây có diện tích 500 ha với nhiều huyền thoại và vùng đất quanh hồ với diện tích 800 ha; có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có nhiều đền, chùa nổi tiếng gắn với thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc như: đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Sách; Có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng Yên Phụ với nghề nuôi cá cảnh, làm giấy mầu, vàng mã, làng Nghi Tàm với nghề trồng cây cảnh, cây thế, làng Tây Hồ với nghề trồng quất, xe chỉ màu, làng Quảng Bá với nghề trồng hoa, trồng quất, làng Nhật Tân với nghề trồng đào. Hồ Hoàn Kiếm gắn với huyền thoại thiêng liêng, là trung tâm đã trở thành quen thuộc với người dân Thủ đô từ xa xưa với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu, Tháp Bút và các di tích quanh hồ... Có khả năng tổ chức thành trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực Đông Nam á. 2.1.2. Cơ sở vật chất - kỹ thuật hạ tầng So với các nơi khác trong cả nước, Hà Nội có cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch khá phát triển nhưng so với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn ở trình độ thấp. 2.1.2.1. Giao thông vận tải Hệ thống giao thông của Hà Nội khá đa dạng và tương đối phát triển cả về đường bộ, đường hàng không, đường thủy, đường sắt. Về hệ thống đường bộ: Hà Nội là nơi hội tụ của các trục giao thông lớn của châu thổ sông Hồng và của cả nước, là nơi hội tụ của 6 tuyến đường sắt trong nước và quốc tế, 8 tuyến đường bộ, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km, cảng Cái Lân 180 km. Trong những năm gần đây, hệ thống đường bộ ở Hà Nội đã được nâng cấp, cải tạo nhiều, nhờ chủ trương phát triển đô thị và sự hỗ trợ phát triển của các quốc gia khác, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng nói chung, hệ thống đường sá nói riêng đã được nâng cấp một bước rất quan trọng. Thành phố đã tập trung xây dựng và mở rộng các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và các tuyến đường xuyên tâm, đang hình thành tuyến đường vành đai 4. Các nút giao thông quan trọng của thành phố như: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Cầu Giấy đã được đưa vào sử dụng. Các tuyến đường quốc lộ 1, 2, 3, 4 và 5 đã và đang giai đoạn hoàn thiện hiện đại, giúp cho việc rút ngắn khoảng cách đến các điểm du lịch trong toàn quốc. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều cố gắng củng cố và phát triển hệ thống giao thông đường bộ nhưng do kinh phí dành cho việc cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống đường bộ còn hạn chế. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên hệ thống đường nội thị bị quá tải, số lượng xe máy trong nội thành tăng cao, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống giao thông đường bộ vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển về nhu cầu giao thông của xã hội. Về đường hàng không: Hà Nội có cảng hàng không quốc tế Nội Bài thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thành phố chừng 35 km. Các đường bay trong nước và quốc tế ngày càng được mở rộng với tần suất các chuyến bay ngày càng tăng, tạo thuận lợi thu hút khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội. Các máy bay được trang bị mới, cơ sở vật chất kỹ thuật được cải thiện, đội bay cùng đội ngũ phục vụ được đào tạo cơ bản đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ. Cùng với sân bay Nội Bài còn có sân bay nội địa Gia Lâm cách trung tâm Hà Nội chừng 8 km, vốn là sân bay chính của Hà Nội từ những năm 70 của thế kỷ XX. Bây giờ, nơi đây là nhà ga sân bay trực thăng sẵn sàng phục vụ du khách những tour du lịch hấp dẫn. Những tiến bộ nói trên góp phần quan trọng tạo ra những tiền đề cho việc mở rộng khai thác thị trường khách mới, đặc biệt là thị trường khách mới đến Việt Nam. Hệ thống đường thủy: Hà Nội có nhiều con sông chảy qua như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Từ lâu, Hà Nội là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng, từ Hà Nội (bến Phà Đen) đi Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Việt Trì hoặc từ bến Hàm Tử Quan đi Phả Lại, đi thăm quan các làng nghề như: gốm sứ Bát Tràng, khu thương mại sầm uất một thời Phố Hiến... Tuy nhiên, hệ thống cầu cảng, đội tàu vận chuyển khách du lịch, đội ngũ nhân viên phục vụ, chưa được đầu tư thỏa đáng, xây dựng tour du lịch đường sông nghèo nàn, nên hình thức vận chuyển khách đường sông không thu hút được du khách bằng các phương tiện vận chuyển khác. 2.1.2.2. Hệ thống điện, nước Nguồn điện cung cấp cho Hà Nội là nguồn điện lực quốc gia và luôn luôn được ưu tiên hơn các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, tốc độ tăng dân số lớn, hệ thống dây tải điện và máy biến thế cũ kỹ, nguồn cung cấp điện không ổn định (chủ yếu là từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình chịu ảnh hưởng rất lớn của nguồn nước tự nhiên) nên tình trạng cắt điện cục bộ vẫn thường xảy ra hàng năm vào đầu mùa hạ, mùa khô, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, đến hoạt động du lịch nói riêng. Hệ thống cấp nước: khu vực Hà Nội có nhiều con sông chảy qua nên nguồn tài nguyên nước mặt và nguồn tài nguyên nước ngầm rất phong phú, trữ lượng lớn, các thành phần hóa lý đạt yêu cầu tiêu chuẩn cho phép, thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy nước sạch cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Tuy vậy, do tốc độ đô thị hóa nhanh và sự gia tăng dân số cao nên mặc dù đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới nhiều nhà máy nước và hệ thống ống dẫn, song việc cung cấp nước sạch vẫn còn nhiều hạn chế. Theo các nhà nghiên cứu thì Hà Nội và các khu vực phụ cận có đủ khả năng xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch trước mắt cũng như lâu dài. Hệ thống thoát nước: mặc dù Dự án 1 thoát nước úng lụt vào mùa mưa cho Thành phố đã hoàn thành và đi vào sử dụng nhưng thoát nước trong mùa mưa vẫn là một vấn đề hết sức nan giải chưa giải quyết được của Hà Nội, gây tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng tới sinh hoạt của dân cư ở khu vực ngập úng, trong đó có các nhà hàng, khách sạn và các khu vực vui chơi giải trí. Thành phố đã phê duyệt Dự án 2 Thoát nước, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả của giai đoạn 1, giải quyết các vấn đề bức xúc về cải thiện môi trường, đáp ứng kịp thời các mục tiêu và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội theo định hướng phát triển bền vững. 2.1.2.3. Hệ thống thông tin liên lạc Trong những năm gần đây, ngành bưu chính viễn thông Việt Nam đã tích cực chủ động thực hiện kế hoạch đi tắt đón đầu, hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, hòa nhập vào trình độ của khu vực và thế giới. Ngành Bưu chính đã đạt được trình độ tiên tiến, hiện đại. Hà Nội là một trong hai thành phố lớn nhất nước được ưu tiên đầu tư trang bị sớm hơn cả, có thể liên lạc tự động được với hầu hết các nước trên thế giới. Các dịch vụ bưu chính đáp ứng nhanh và đầy đủ yêu cầu của người dân, của du khách. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế như: giá cước phí cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa có nhiều cabin công cộng để khách du lịch có thể sử dụng thẻ một cách thuận tiện. 2.1.3. Tiềm năng và cơ sở hạ tầng du lịch Trải qua gần một nghìn năm lịch sử, người dân Hà Nội đã tạo dựng lên ở đây những di sản văn hóa to lớn. Hà Nội cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử thiêng liêng của người Việt Nam. 2.1.3.1. Các di tích So với các trung tâm du lịch lớn của cả nước như Thừa Thiên - Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, thì Hà Nội có lợi thế hơn nhiều về số lượng và chất lượng di tích. Tuy vậy, các di tích văn hóa lịch sử ở Hà Nội phân bố không đều trên địa bàn. Trong số các di tích đã được xếp hạng thì các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng có mật độ cao nhất, trung bình 2-5 di tích/ km2. Trong số 1.880 di tích thì: đình chiếm tỉ lệ 29,25%, đền chiếm tỷ lệ 14,45%, chùa 31,27%. Cả 3 loại di tích này chiếm 74,93%, các loại di tích khác chiếm 17,19%, còn di tích cách mạng chỉ có 4,46% và danh thắng chỉ có 3,39% (xem bảng 2.1). Điều đó cho thấy thế mạnh của du lịch Hà Nội cần được bảo vệ, tôn tạo và đầu tư nâng cấp để khai thác. Bảng 2.1: Số di tích lịch sử đã xếp hạng của Hà Nội so cả nước Địa bàn Số di tích đã xếp hạng Tỷ lệ so với cả nước (%) Cả nước 2504 100 Hà Nội 509 20,32 Thừa Thiên-Huế 311 12,42 Thành phố Hồ Chí Minh 45 1,79 Các tỉnh và thành phố khác 1639 65,45 Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội. Theo số liệu của Cục Bảo tồn Bảo tàng - Bộ Văn hóa Thông tin, trong số các di tích đã được xếp hạng ở Hà Nội thì số lượng các di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật chiếm 95,16%, trong đó di tích kiến trúc chiếm tỷ lệ 45,76% mà phần lớn là đình, chùa, đền. Từ đó đặt ra cho chúng ta thấy hướng khai thác các di tích ở Hà Nội gắn với việc hình thành các tour du lịch chủ yếu là nhằm vào các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều bảo tàng lớn và quan trọng nhất của nước ta, đó là các Bảo tàng Lịch Sử, Bảo tàng Cách Mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Dân tộc học... Những bảo tàng này phản ánh khá tập trung và đầy đủ nhất những chặng đường phát triển của đất nước, của dân tộc, phản ánh những nét đặc sắc nhất về văn hóa, con người Việt Nam nên đây thường là điểm xuất phát đầu tiên trong các tour du lịch của các du khách đến thăm quan Hà Nội. Số lượng di tích đã được xếp hạng của Hà Nội phân chia theo địa giới hành chính quận, huyện được thể hiện qua bảng 2.2 dưới đây. Bảng 2.2: Số lượng và mật độ di tích được xếp hạng phân theo quận, huyện TT Địa bàn Diện tích Tổng số di tích Di tích đã được xếp hạng Mật độ di tích đã được xếp hạng 1 Quận Hoàn Kiếm 4,47 169 23 5,14 2 Quận Đống Đa 9,93 98 48 4,83 3 Quận Ba Đình 9,05 100 20 2,20 4 Quận Thanh Xuân 9,13 28 18 1,97 5 Quận Hai Bà Trưng 15,53 105 26 1,92 6 Quận Cầu Giấy 12,10 61 14 1,15 7 Quận Tây Hồ 20,42 90 22 1,07 8 Huyện Từ Liêm 75,01 131 79 1,05 9 Huyện Thanh Trì 97,90 202 99 1,01 10 Huyện Gia Lâm 175,79 295 95 0,54 11 Huyện Đông Anh 184,16 289 71 0,38 12 Huyện Sóc Sơn 313,86 312 16 0,05 Cộng 927,39 1.880 509 Nguồn: Ban Quản lý di tích Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Hà Nội còn có các di tích có giá trị đặc biệt, có khả năng thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế như: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây và các di tích gắn với hồ Tây, Chùa Một Cột, Thành cổ Hà Nội, Đền Quán Thánh, di tích thành Cổ Loa, Đền thờ Hai Bà Trưng... Các di tích có giá trị đặc biệt của Hà Nội như bảng 2.3 dưới đây: Bảng 2.3: Các di tích có giá trị đặc biệt về du lịch STT Tên di tích Địa điểm 1 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh Quận Ba Đình 2 Chùa Một Cột Quận Ba Đình 3 Chùa Trấn Quốc Quận Ba Đình 4 Đền Quán Thánh Quận Ba Đình 5 Thành cổ Hà Nội Quận Ba Đình 6 Đền Voi Phục Quận Ba Đình 7 Hồ Hoàn Kiếm và các di tích quanh hồ Quận Hoàn Kiếm 8 Văn Miếu Quốc Tử Giám Quận Đống Đa 9 Đền Kim Liên Quận Đống Đa 10 Di tích Gò Đống Đa Quận Đống Đa 11 Hồ Tây và các di tích quanh hồ Tây Quận Tây Hồ 12 Đền Hai Bà Trưng Quận Hai Bà Trưng 13 Di tích Thành Cổ Loa Huyện Đông Anh Nguồn: Ban Quản lý di tích Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. 2.1.3.2. Các làng nghề Hà Nội là quê hương của nhiều hội làng, hội vùng, hội của cả nước, là cái nôi của lễ hội nông nghiệp và lễ hội lịch sử truyền thống. Điều đó có nghĩa là những lễ hội dân gian ở Hà Nội cũng bao quát những nét cơ bản của lễ hội cả nước. Tuy vậy, Hà Nội cũng có những lễ hội mang tính đặc trưng riêng như lễ hội An Dương Vương ở Cổ Loa - Đông Anh (mồng 6 tháng Giêng âm lịch), Hội Gióng ở Phù Đổng - Gia Lâm (mồng 9 tháng 4 âm lịch), Hội Đền Hai Bà Trưng ở Quận Hai Bà Trưng (mồng 6 tháng 2 âm lịch). Các lễ hội trên địa bàn Hà Nội thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhất vào mùa xuân, đặc điểm này được coi là một lợi thế. Hà Nội có nhiều nghề thủ công truyền thống với nghệ thuật tinh xảo, của những người thợ tài ba, gắn với câu ca dân gian "khéo tay hay nghề, đất lề kẻ chợ", với 36 phố phường, mỗi phố gắn với một nghề nổi tiếng từ xa xưa như phố Hàng Trống gắn với tranh dân gian; nghề gốm sứ Bát Tràng; nghề làm giấy gió ở làng Bưởi; nghề thêu ở làng Yên Thái có nguồn gốc từ Hướng Dương, Quất Động; nghề đúc đồng ở phố Ngũ Xã; khảm trai có nguồn gốc từ làng Chuốn; sơn quang, sơn mài có nguồn gốc từ làng Bằng; phố Hàng Bạc với nghề kim hoàn có nguồn gốc từ Định Công, Đồng Sâm. Dân gian có câu: "Lĩnh hoa Yên Thái, gốm sứ Bát Tràng, thợ vàng Định Công, đúc đồng Ngũ Xã". Hà Nội và những vùng phụ cận còn là nơi bảo tồn được nhiều nghề thủ công truyền thống khác như: cấy lúa nước, trồng rau màu, trồng hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm và các nghề thủ công mỹ nghệ. Có thể nói các huyện ngoại thành không những là nơi cung cấp lương thực thực phẩm cho nhu cầu của nhân dân trong thành phố mà còn có thể đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về những hàng hoá có chất lượng, thẩm mỹ cao. 2.2. Thực trạng hoạt động du lịch ở Hà Nội Hoạt động du lịch trên địa bàn Thủ đô được xem xét dưới nhiều giác độ, trong đó đặc biệt là các dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, lữ hành, dịch vụ bổ sung, dịch vụ vận chuyển khách, dịch vụ mua sắm… 2.2.1. Thực trạng hệ thống dịch vụ du lịch ở Hà Nội 2.2.1.1. Hệ thống các khách sạn Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, hệ thống các cơ sở lưu trú trên địa bàn từ năm 2000 đến cuối năm 2006 như bảng 2.4 dưới đây. Trong đó, số cơ sở lưu trú tăng từ 311 cơ sở năm 2000 lên 424 cơ sở năm 2006. Số cơ sở được xếp hạng tăng nhanh, từ 66 cơ sở năm 2000 lên 179 cơ sở năm 2006, trong đó số cơ sở được xếp hạng 5 sao tăng từ 5 cơ sở lên 8 cơ sở; số liệu tương ứng về số phòng được xếp hạng cũng tăng từ 4.625 phòng lên 8.725 phòng, trong đó số phòng được xếp hạng 5 sao tương ứng là 1.496 phòng và 2.344 phòng. Bảng 2.4: Các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội, 2000 - 2006 Nội dung 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 1. Các cơ sở lưu trú trên địa bàn Tổng số 311 310 351 360 378 427 424 Tổng số phòng 9207 9465 10273 10773 11695 12425 12505 2. Các cơ sở lưu trú đã được phân loại xếp hạng Tổng số cơ sở lưu trú đã được xếp hạng 66 75 106 128 163 179 179 Tổng số phòng đã được xếp hạng: 4625 5196 6303 6746 7716 8722 8722 - Hạng 5 sao: Số cơ sở 5 6 7 7 7 8 8 Số phòng 1496 1756 2062 2062 2062 2344 2344 - Hạng 4 sao: Số cơ sở 3 3 4 5 5 5 6 Số phòng 396 396 599 817 817 840 1071 - Hạng 3 sao: Số cơ sở 19 20 22 22 22 22 19 Số phòng 1456 1581 1700 1542 1553 1956 1674 - Hạng 2 sao: Số cơ sở 29 32 47 55 72 81 82 Số phòng 953 1068 1387 1597 2363 2547 2597 - Hạng 1 sao: Số cơ sở 10 13 24 34 49 53 55 Số phòng 324 385 535 677 836 922 932 - Loại đạt tiêu chuẩn tối thiểu: Số cơ sở 0 1 2 5 8 10 9 Số phòng 0 10 20 51 85 113 103 Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội. Từ bảng 2.4 cho thấy quy mô khách sạn của Hà Nội nhìn chung còn nhỏ bé so với tiềm năng và lượng khách du lịch đến Hà Nội. Mặc dù du lịch Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển các cơ sở lưu trú cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Trong tổng số 179 khách sạn đã được xếp hạng thì có 8 khách sạn 5 sao, chiếm 4,47%; 6 khách sạn 4 sao, chiếm 3,35%; 19 khách sạn 3 sao, chiếm 10,62%; 82 khách sạn 2 sao, chiếm 45,81%; 55 khách sạn 1 sao, chiếm 30,73% với tổng số phòng là 8.722; 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu, chiếm tỷ lệ 5,03% với tổng số phòng là 103. Từ năm 1999 trở lại đây, hàng năm Hà Nội luôn luôn có từ 2-3 khách sạn đạt danh hiệu 10 khách sạn hàng đầu Việt Nam, năm 2006 khách sạn Sofitel Metropole - Hà Nội được Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ bình chọn là 100 khách sạn đẹp nhất thế giới. Chất lượng dịch vụ trong các khách sạn, đặc biệt là các khách sạn từ 4-5 sao, các khách sạn liên doanh với nước ngoài đạt chất lượng tương đương, thậm chí một số khách sạn còn tốt hơn khách sạn cùng hạng trên thế giới và trong khu vực. Khách sạn thuộc sở hữu của các bộ, ngành, đoàn thể, khách sạn mini của tư nhân có quy mô từ 5-15 phòng cũng đã và đang được đầu tư xây dựng mạnh. Nhưng do thiếu sự quản lý của Nhà nước nên đã dẫn đến tình trạng hàng loạt các nhà nghỉ, nhà khách, khách sạn mini của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước ra đời, thiếu quy hoạch thiếu những dự báo về thị trường khách dẫn đến tình trạng thừa những phòng chất lượng thấp, thiếu những phòng chất lượng cao từ 3 sao trở nên. Một số khách sạn khác có chất lượng buồng phòng cao nhưng quy mô lại nhỏ dưới 20 phòng nên không đủ phòng để đón những đoàn khách lớn trên 40 khách (xu thế hiện nay một đoàn khách du lịch thường trên 40 khách). Sự cạnh tranh gay gắt không đáng có giữa các doanh nghiệp về giá cả. Tuy các khách sạn này giải quyết được phần nào nhu cầu ăn nghỉ của du khách song cũng gây ra nhiều vấn đề mà không phải một sớm, một chiều giải quyết được. Với tốc độ tăng trưởng số lượng khách du lịch (cả khách du lịch trong nước và đặc biệt là khách du lịch nước ngoài) như hiện nay thì số lượng buồng phòng của khách sạn không đủ cung cấp nhu cầu của khách, nhất là các buồng phòng có chất lượng cao từ 3 sao trở lên vào các dịp diễn ra các sự kiện lớn. Theo nhận xét của một số chuyên gia, tình trạng thiếu phòng trở nên gay gắt: "Từ đầu năm đến nay, công suất sử dụng phòng của các khách sạn từ 3 sao trở lên tại Hà Nội luôn đạt từ 85-90%, giá phòng cũng tăng lên đáng kể, khoảng 20-25% so với năm 2006. Tuy giá phòng luôn ở mức cao, song các hãng lữ hành cũng rất khó khăn trong việc đặt phòng" [27]. Tình trạng khan hiếm phòng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch. 2.2.1.2. Hệ thống các nhà hàng Gồm hệ thống các nhà hàng trong khách sạn và hệ thống các nhà hàng chuyên phục vụ khách ăn uống ngoài khách sạn. Chất lượng dịch vụ ăn uống của các nhà hàng trong khách sạn thuộc sở hữu nhà nước thường thấp hơn chất lượng dịch vụ ăn uống của các nhà hàng thuộc sở hữu tư nhân về giá cả, chất lượng. Các nhà hàng ở Hà Nội có số lượng lớn và phong phú, bên cạnh nhà hàng ăn Âu (có 17 nhà hàng), nhà hàng ăn á (có 22 nhà hàng), nhà hàng ăn đặc sản Việt Nam (có 16 nhà hàng), ngoài ra còn có các nhà hàng ăn chay (có 03 nhà hàng), nhà hàng Hàn Quốc, nhà hàng Trung Quốc, nhà hàng ấn Độ, nhà hàng ăn Nga, nhà hàng ăn Pháp v.v.... phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch. Nhà hàng đặc sản của các vùng, các địa phương trong nước xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn Hà Nội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức các món ăn địa phương của người dân Hà Nội và của du khách quốc tế. Các nhà hàng ăn nhanh đã xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn Hà Nội như: nhà hàng KFC ở phố Huỳnh Thúc Kháng, nhà hàng Loteria ở phố Phạm Ngọc Thạch, nhà hàng Fry Chicken ở phố Tràng Tiền, các nhà hàng này phục vụ đối tượng thanh niên Thủ đô, khách du lịch nước ngoài, người nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội. Bên cạnh những việc đã làm được của các nhà hàng như đã nêu ở trên, cũng còn nhiều nhà hàng chất lượng chưa cao, một phần do cơ sở vật chất - kỹ thuật còn nghèo nàn lạc hậu, một phần do nhân viên phục vụ chưa qua trường lớp đào tạo. Thêm vào đó là sự quản lý lỏng lẻo của các cấp, các ngành có liên quan nhất là duy trì chế độ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Các nhà hàng có quy mô lớn không nhiều nên hầu hết không có khả năng phục vụ các đoàn khách lớn hoặc nhiều đoàn cùng một lúc, không gian của các nhà hàng thường chật hẹp, chỗ để xe thiếu. Tất cả những hạn chế này cũng là những thách thức với tất cả các khách sạn trên địa bàn Hà Nội. 2.2.1.3. Các dịch vụ vui chơi giải trí Các dịch vụ vui chơi giải trí đã phát triển nhanh chóng, nhằm phục vụ khách du lịch và người dân Thủ đô, song dịch vụ này vẫn còn mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu. Hà Nội thiếu nhiều khu vui chơi giải trí tổng hợp. Hiện nay có khu công viên nước Hồ Tây là địa chỉ vui chơi được đánh giá là hấp dẫn nhưng thực tế nơi đây chủ yếu phục vụ khách vào mùa hè, còn các mùa khác thì chưa có dịch vụ thay thế. Hà Nội hiện nay gần như chưa có một khu vui chơi giải trí nào đáng kể, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Các khách sạn lớn, từ 3 sao trở lên đều có dịch vụ vui chơi giải trí nhưng hình thức còn đơn giản và quy mô nhỏ chủ yếu phục vụ khách trong khách sạn, một số khác có quy mô, thể loại dịch vụ vui chơi giải trí tương đối lớn và hấp dẫn đối với người Việt Nam (khách sạn Fortuna, khách sạn DaeWoo…) song giá cả các dịch vụ lại tương đối cao so với mức thu nhập của người dân Hà Nội. Còn đối với khách du lịch nước ngoài thì họ không mấy mặn mà vì đất nước họ cũng có và hiện đại hơn nhiều. Cả thành phố có 9 vũ trường, trong đó có 5 cơ sở chuyên hoạt động kinh doanh vũ trường (hiện tại một vũ trường lớn nhất của thành phố là New Century đã bị đóng cửa), 4 vũ trường nằm trong hoạt động kinh doanh các dịch vụ bổ sung của các khách sạn, dịch vụ này rất khó hoạt động và phát triển vì chi phí cho quản lý, chi phí cho các chuyên gia điều khiển âm thanh, ánh sáng, thuế, rất cao nên đã đẩy giá cả các dịch vụ lên rất cao, do vậy khách đến vũ trường chủ yếu là thanh niên, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội. Nhiều tệ nạn xã hội như: nghiện hút, trộm cắp, mua bán dâm diễn ra tại đây. Bản thân doanh nghiệp khó lòng kiểm soát được. Cho đến nay trên địa bàn Hà Nội các công viên cây xanh như: Công viên Thống Nhất, Công viên Bách Thảo, Vườn thú Thủ Lệ… Đã phục vụ được nhu cầu giải trí của nhân dân Thủ đô và thu hút được một phần khách du lịch. Một số khu vui chơi giải trí đang được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong thời gian tới như: Dự án khu vui chơi giải trí Mễ Trì với trị giá trên 200 triệu USD, được xây dựng hiện đại, quy mô lớn nhất Thủ đô phục vụ khách du lịch các tỉnh phía Bắc, khách du lịch quốc tế; Dự án khu nghỉ ngơi cuối tuần Sóc Sơn với trị giá 200 tỷ đồng, công trình này bao gồm: các khu nghỉ dưỡng kết hợp với các công trình vui chơi nhẹ nhàng, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên; Dự án khu dịch vụ du lịch Cổ Loa (Đông Anh) trị giá 300 tỷ đồng. Đây là khu di tích nổi tiếng có một không hai của cả nước, cho phép khai thác các khía cạnh lịch sử, huyền thoại thể hiện truyền thống giữ nước, dựng nước của dân tộc Việt Nam; Dự án kè Hồ Tây, song song với việc xây dựng kè, nhà nước cũng tiến hành đồng thời đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch quanh Hồ Tây gồm: các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, các làng nghề cổ khu vực quanh Hồ Tây, xây dựng các sản phẩm đặc trưng của Hồ Tây có sức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; Dự án xây dựng tuyến du lịch sông Hồng trị giá 50 tỷ đồng. Nâng cấp các công viên mới xây trong thời gian gần đây như: Công viên nước Hồ Tây, Công viên Vầng Trăng, Công viên Tuổi Trẻ, Bể bơi 4 mùa, sân tennis thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Hệ thống các rạp chiếu phim, các nhà hát hầu hết là từ thời Pháp để lại, một số ít được xây dựng từ thời bao cấp đến nay đã cũ kỹ lạc hậu, một số ít mới được xây dựng trong mấy năm trở lại đây nhưng chất lượng phim, chất lượng các vở kịch thấp, một số không phù hợp với người xem đặc biệt là khách du lịch. Chỉ duy nhất có Nhà hát múa rối nước là hấp dẫn du khách nhất là khách du lịch châu Âu. Rạp chiếu phim Merga Star tại tầng 5 siêu thị VINCOM City Tower, Trung tâm chiếu phim quốc gia là thu hút được người nước ngoài đang làm việc tại Hà Nội đến xem. Thời gian vừa qua, thành phố đã sử dụng không hiệu quả các công trình thể thao sau SEAGAME gần như bỏ trống. Trong khi đó, nhiều phong trào thể dục thể thao quần chúng của nhân dân địa phương lại không có chỗ để thi đấu, để luyện tập. Các hình thức vui chơi giải trí khác mang tính chất quần chúng lại gần như không có. 2.2.1.4. Hoạt động lữ hành Du lịch Hà Nội cung cấp các sản phẩm du lịch cho du khách một cách đa dạng như: du lịch lễ hội, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ ngơi, du lịch hội nghị công vụ…, tới tất cả các tỉnh, thành phố và các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Sản phẩm du lịch Hà Nội gồm cả những tuyến truyền thống và những tuyến mới như: City tour, du lịch sông Hồng, du lịch mở, du lịch cuối tuần, du lịch công vụ, diễn ra thường xuyên trong năm, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa, du lịch tín ngưỡng thường diễn ra vào các dịp đầu năm mới, thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Loại hình du lịch thăm quan, thường chiếm tỷ lệ lớn trong các loại hình du lịch của Hà Nội. Ngoài những loại hình du lịch chính đã có từ lâu, trong những năm gần đây, Hà Nội còn phát triển nhiều loại hình du lịch mới và hấp dẫn hơn như: du lịch mua sắm, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo. Những loại hình du lịch này đang ngày càng mở rộng và phát triển do vị thế về kinh tế, chính trị văn hóa của Thủ đô. Du lịch Hà Nội có 213 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có: 33 doanh nghiệp nhà nước, 118 công ty trách nhiệm hữu hạn, 59 công ty cổ phần, 1 công ty tư nhân, 1 công ty liên doanh [42]. Các điểm và tuyến du lịch ở Hà Nội bao gồm các điểm và tuyến trung tâm, các điểm và tuyến lân cận. - Các điểm và tuyến trung tâm du lịch Hà Nội: có các điểm tiêu biểu như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Quán Sứ, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đền, chùa, phủ quanh hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, thành Cổ Loa, thành cổ Hà Nội, đền Sóc. Các điểm du lịch này có mật độ cao, nên có đặc điểm quần tụ trong một bán kính ngắn là điều kiện thuận lợi để xây dựng các tuyến du lịch ngắn ngày, tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Trên địa bàn Hà Nội có các tuyến đặc trưng: + Tuyến du lịch nội thành (citytour); + Tuyến du lịch ngoại thành; + Tuyến du lịch bằng tàu hỏa; + Tuyến du lịch dọc sông Hồng; - Các điểm du lịch phụ cận Hà Nội bao gồm: phía Tây có đỉnh Vua (cao 1.296 m), đỉnh núi Tản Viên - Ngọc Hoa, ao Vua, suối Hai, Đồng Mô, các chùa ở Hà Tây. Phía Bắc có các điểm du lịch như Đền Hùng, khu nghỉ mát Tam Đảo, hồ Đại Lải, chùa Phật Tích, chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho, đền Bát Đế. Phía Nam có các điểm du lịch: Hoa Lư - Tam Cốc - Bích Động, rừng quốc gia Cúc Phương, chùa Phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, đền Đức Thánh Trần. Phía Đông có các điểm du lịch: Đồ Sơn, đảo Cát Bà, Côn Sơn, Kiếp Bạc, chùa Yên Tử, vịnh Hạ Long. - Các tuyến chính nối các tỉnh lân cận như: + Hà Nội - Đồng Mô - Sơn Tây với các cụm điểm du lịch: suối Hai, Ba Vì, ao Vua, hệ thống chùa của Hà Tây. + Hà Nội - Bắc Ninh với các cụm điểm đình, chùa, đền, lễ hội. + Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với các cụm điểm: đảo Cát Bà, Đồ Sơn, Côn Sơn, Kiếp Bạc, Yên Tử. + Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa với các cụm điểm du lịch đặc trưng của Ninh Bình, Thanh Hóa. Thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp lữ hành phát triển theo hướng kinh doanh đa dạng, ngoài chức năng lữ hành, đều có xe ô tô riêng để phục vụ khách, số đơn vị chuyên kinh doanh vận chuyển hay lữ hành chiếm tỷ lệ thấp (20%). Từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời và áp dụng năm 2000, các điều kiện kinh doanh được thông thoáng hơn nên số lượng các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tăng vọt. Chỉ riêng 2 năm 1999 và 2000 số đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa tăng gấp 4 lần, nếu tính từ năm 1996 đến 2000, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế chỉ tăng trung bình 9%, thì các doanh nghiệp lữ hành nội địa tăng trung bình hơn 50%, chi nhánh tăng 30%, doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch tăng 39%. Với chức năng xây dựng các chương trình du lịch, tổ chức đưa đón hướng dẫn phục vụ khách, hoạt động lữ hành và vận chuyển khách đã đóng góp một phần đáng kể vào việc tăng số lượng khách và doanh thu du lịch. Cho đến nay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội có 1.270 người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, đây là những người được các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tuyển dụng, có trình độ ngoại ngữ, có chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo cơ bản. Ngoài ra còn có một lực lượng khá lớn những hướng dẫn viên không chuyên hoặc chỉ hướng dẫn khách nội địa đi thăm quan nghỉ mát. Trong kỳ bình chọn 10 đơn vị hàng đầu về lữ hành (Top Ten), liên tục hai năm 1999 - 2000, Hà Nội có hai đơn vị được trao cúp là Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội và Công ty Du lịch Hà Nội. 2.2.2. Thực trạng về khách du lịch trên địa bàn Hà Nội 2.2.2.1. Thực trạng khách du lịch quốc tế Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, số lượt khách, ngày khách lưu trú quốc tế đến Hà Nội như bảng 2.5 dưới đây. Số lượng khách du lịch tăng lên hàng năm từ 500 nghìn lượt lên trên hơn 1 triệu lượt năm 2006. Bảng 2.5: Số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội Chỉ tiêu 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 Số lượng khách, (1000 lượt người) 500 700 931 850 950 1109 1110 Tỷ lệ khách quốc tế đến Hà Nội/ cả nước (%) 23,5 30,0 35,5 35,0 32,5 32,0 31,0 Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội. Qua bảng 2.5 ta thấy số lượt khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ổn định và tăng trưởng về số lượng đều đặn qua các năm, mỗi năm khoảng gần 200.000 lượt khách, riêng năm 2003 số lượng khách giảm từ 931.000 lượt khách năm 2002 xuống còn 850.000 lượt khách; năm 2003 là do ảnh hưởng của dịch cúm gà, một loạt các hợp đồng của các công ty lữ hành Việt Nam đã ký với các công ty lữ hành nước ngoài bị hủy bỏ như một số các thị trường khách truyền thống đã quay trở lại, và đặc biệt là các thị trường khách mới được khai thác. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch cúm gà nhưng số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội vẫn chiếm tỷ trọng 34,99% so với số lượng khách du lịch của cả nước. Nếu xét về mục đích thì khách đến Hà Nội chủ yếu là để du lịch chiếm tỷ lệ 75,3%, khách đến với mục đích thương mại và đầu tư chiếm tỷ lệ 15,4% và khách đến với mục đích khác chiếm tỷ lệ 9,3%. Nếu xét cơ cấu khách về phương diện đi lại thì khách đến Hà Nội bằng đường hàng không là 48,53%, bằng đường bộ là 51,47%. Khách đến bằng đường bộ tăng là do các yếu tố: từ cuối năm 1998 khách Trung Quốc vào Hà Nội bằng giấy thông hành rất nhiều, sự phát triển loại hình du lịch "opentour". Cùng với sự gia tăng nhanh tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Hà Nội nói riêng, đến Việt Nam nói chung, thì thời gian lưu trú trung bình của một khách du lịch cũng tăng một cách ổn định nhưng không nhiều. Số ngày lưu trú trung bình của một khách du lịch tại Hà Nội dao động bình quân trong khoảng từ 2,5 đến 2,7 ngày, bằng 1/3 số ngày lưu trú bình quân của cả nước. Nguyên nhân chính là các sản phẩm du lịch của Hà Nội và các vùng phụ cận ngày một phong phú, đa dạng, chất lượng cao, cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng ngày càng được cải thiện. Theo Sở Du lịch Hà Nội, một khách du lịch quốc tế ở Hà Nội chi tiêu bình quân một ngày là100 USD, trong đó: dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển chiếm khoảng 29,83%, dịch vụ lưu trú chiếm khoảng 50,17% và dịch vụ bổ sung chiếm khoảng 20%. Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế có sự khác nhau giữa các quốc tịch [42]. Cơ cấu khách du lịch quốc tế ở một số nước trong mấy năm qua, cho thấy thị trường khách lớn, truyền thống được giữ vững và phát triển nhanh hàng năm được thể hiện qua bảng 2.6: Bảng 2.6: Cơ cấu khách quốc tế đến Hà Nội, 2002 - 2006 Thị trường 2002 2003 2004 2005 2006 Số lượng nghìn người Tỷ trọng % Số lượng nghìn người Tỷ trọng % Số lượng nghìn người Tỷ trọng % Số lượng nghìn người Tỷ trọng % Số lượng nghìn người Tỷ trọng % Tổng số 931,0 100 850,0 100 950,0 100 1109,6 1001110,0 100 Trung Quốc 355,9 38,23 286,4 33,69 246,9 25,99 140,8 16,78 140,6 12,67 Nhật Bản 93,9 10,08 79,6 9,01 83,7 8,81 95,3 9,02 104,6 9,43 Pháp 96,2 10,32 78,5 9,23 68,7 7,23 65,3 8,37 88,0 7,93 Hàn Quốc 18,2 1,96 32,2 3,78 61,7 6,49 43,6 12,3 144,2 13,0 Hoa Kỳ 47,7 5,11 40,8 4,80 53,6 5,64 30,2 5,84 72,6 6,54 úc 40,5 4,35 39,6 4,66 52,9 5,56 46,9 5,35 75,0 6,8 Anh 33,1 3,55 34,9 4,11 36,4 3,83 62,9 4,08 46,6 4,2 Đức 28,5 3,06 29,2 3,43 30,5 3,02 23,8 3,03 44,1 3,97 Đài Loan 20,4 2,18 25,8 3,04 28,7 3,02 23,7 3,03 26,2 2,36 Tây Ban Nha 15,2 1,62 18,1 2,13 17,1 1,80 17,7 1,59 na na Quốc tịch khác 181,4 19,48 187,6 22,12 269,7 28,39 333,9 30,08 na na Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội. 2.2.2.2. Thực trạng về khách du lịch nội địa đến địa bàn Hà Nội Trong 6 năm từ 2000 - 2006, do tình hình chính trị ổn định, nhà nước có nhiều chủ trương chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong nước, nền kinh tế không ngừng phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao nên khách du lịch trong nước vào Hà Nội tăng lên rõ rệt. Năm 2000 Hà Nội có 2.099.600 lượt khách du lịch nội địa thì đến năm 2006 đạt mức 4.900.000 lượt khách du lịch tăng gần gấp hai lần. Khách du lịch nội địa đến Hà Nội phần lớn là khách tham quan, thăm thân, lễ hội, khách du lịch công vụ cũng chiếm tỷ lệ quan trọng, vì thị trường khách này ngoài công vụ còn kết hợp tham quan. Nếu năm 2005 có 4.230.365 lượt khách nội địa thì đến năm 2006 số lượt khách du lịch nội địa tăng lên 4.900.000 lượt khách tăng 15,8%. Thời gian lưu trú bình quân của một khách là 02 ngày và khoảng 65% số lượt khách này không sử dụng dịch vụ lưu trú của khách sạn mà nghỉ ở nhà người thân. Bảng 2.7: Số lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội Chỉ tiêu 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 Số khách trong 2.099,6 2.300,0 2.850,0 3.030,0 3.500,0 4.230,4 4.900,0 nước đến Hà Nội, 1000 lượt người Tỷ lệ khách nội địa đến Hà Nội/ cả nước, % 18,8 19,7 21,9 22,4 24,1 22,4 28 Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội. Lượng khách du lịch nội địa năm 2000 tăng gấp đôi năm 1999 là do năm 2000 Hà nội có nhiều sự kiện lịch sử, đặc biệt là kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, đã thu hút một lượng khách lớn đến Hà Nội tham quan các danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa. Hiện tại thành phố Hà Nội đang tích cực tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010. Về chi tiêu của khách du lịch nội địa đến Hà Nội không nhiều, mặc dù trong mấy năm trở lại đây, thu nhập của người dân ngày càng tăng do đó nhu cầu có khả năng thanh toán của khách du lịch nội địa cũng tăng lên, xu hướng tiêu dùng các dịch vụ bổ sung tăng lên. Song hiện nay, một khách nội địa chi tiêu bình quân một ngày khoảng 200.000 đồng, trong đó 75% dành cho việc lưu trú và ăn uống, đây là nhu cầu tối thiểu. Nhìn chung, lượng khách du lịch của Hà Nội tăng trưởng ổn định, vững chắc. Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế hàng năm có mức tăng trưởng khá, khách du lịch nội địa cũng phát triển mạnh. 2.3. Đánh giá chung về hoạt động du lịch ở Hà Nội 2.3.1. Một số kết quả đạt được Du lịch Hà Nội được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sự phối hợp của các, các cấp và cố gắng, sự nỗ lực của bản thân đã đạt được những thành tựu trên nhiều mặt kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Cụ thể được trình bày dưới đây. 2.3.1.1. Một số kết quả đạt được về mặt kinh tế Mặc dù, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở khu vực đã làm cho số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 1997, 1998 chững lại nhưng đến năm 1999, nhất là năm 2000, Du lịch Hà Nội có sự phát triển khá mạnh nên cả thời kỳ 1996 - 2000 vẫn dự được nhịp độ tăng trưởng bình quân khá. Tham gia vào nhiều tổ chức du lịch quốc tế trong khu vực và trên thế giới. đồng thời cũng đã tổ chức được nhiều cuộc giao lưu, hội thảo giữa các hãng lữ hành quốc tế có nội dung xúc tiến hợp tác cao hơn, mở ra triển vọng mới trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của du lịch Hà Nội. Điều đáng nói là vào cuối năm 1999, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Hà Nội đã được thành lập và cho đến nay đã có hơn 20 thành viên tham gia. Nhờ đó đã có sự phối hợp, kết hợp có hiệu quả hơn trên cả ba mặt: quản lý, xúc tiến và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Việc tổ chức thành công các cuộc liên hoan du lịch hàng năm đã thu hút hàng trăm nghìn người, trong đó có hàng vạn khách du lịch quốc tế tham gia. Việc tổ chức hàng chục cuộc hội thảo với nội dung tầm cỡ quốc tế và phát hành hàng trăm ngàn ấn phẩm v.v... Trong thời gian qua, là sự minh chứng cho sự phối hợp liên ngành, liên kết giữa các địa phương và quốc tế. Điều đó được thể hiện trong nhiều chỉ tiêu cơ bản như số lượt khách du lịch quốc tế và trong nước, doanh thu, nguồn thu ngoại tệ, nộp ngân sách nhà nước, cùng với sự gia tăng cơ sở vật chất kỹ thuật. Về kết quả kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống và các dịch vụ bổ sung, theo Sở Du lịch Hà Nội, công suất sử dụng phòng của các khách sạn tại Hà Nội từ 1996 - 2006 cụ thể như sau [31]: - Năm 1996: số lượng khách du lịch vào Hà Nội tăng nên công suất sử dụng phòng bình quân của các khách sạn tăng và đạt công suất 65%. - Năm 1997, 1998: do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và tiền tệ, công suất phòng chỉ đạt 43 - 45%. - Năm 1999, 2000 công suất phòng đạt 65%. - Từ năm 2001 đến 2006: công suất phòng đạt trên 75,2% Du lịch Hà Nội đã góp phần vào việc thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo xu hướng tăng nhanh khu vực dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, đưa du lịch Thủ đô tăng trưởng khá qua các năm. Kết quả đạt được trên một số hoạt động du lịch cụ thể như sau: - Về lữ hành và vận chuyển khách du lịch: Dịch vụ lữ hành và vận chuyển khách du lịch Hà Nội đã được nâng cao cả về lượng và chất. Tuy vậy, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực châu á như đã phân tích nên những năm 1996 đến hết 1998 không đạt được tốc độ tăng trưởng như mong muốn, mãi đến năm 1999 mới được phục hồi và dạt mức tăng trưởng cao vào năm 2000. Hà Nội là địa phương đứng thứ hai trong cả nước về lượng khách du lịch quốc tế, song lượng khách quốc tế năm 2006 mới đạt 1.110.000 lượt khách. Tỷ lệ khách quốc tế đến từ các nước trong khu vực đạt thấp. Ngay như thị trường lớn Trung Quốc, các hãng lữ hành cũng chỉ khai thác được một lượng khách khiêm tốn đi du lịch đường bộ qua các cửa khẩu b

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Hà Nội.pdf
Tài liệu liên quan