Đối thoại trong tiểu thuyết Tôtem Sói của Khương Nhung

Tài liệu Đối thoại trong tiểu thuyết Tôtem Sói của Khương Nhung: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0067 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 122-130 This paper is available online at ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT TÔTEM SÓI CỦA KHƯƠNG NHUNG Nguyễn Thị Tịnh Thy Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm, Đại học Huế Tóm tắt. Đối thoại trong Tôtem sói vừa là nội dung vừa là nghệ thuật, có đối thoại truyền thụ tri thức, có đối thoại bảo vệ quan điểm, có đối thoại tình cảm, có đối thoại luận đề. Qua đối thoại, tác giả Khương Nhung trình bày những quan điểm về thế giới tự nhiên, về sự ứng xử với môi trường, về mối quan hệ giữa tự nhiên và dân tộc học, xã hội học. Những tiếng nói khác nhau trong tiểu thuyết Tôtem sói vừa có chức năng dẫn dắt sự kiện, tăng sinh cốt truyện; vừa thực hiện chức năng nhận thức, chức năng giáo dục của văn học. Điều đó khiến cho tác phẩm cuốn hút người đọc không chỉ bằng cái được kể mà còn bằng cách kể, tạo nên những cuộc đối thoại giữa hiện tại và quá khứ, giữa người đọc và tác giả - văn bản, người đọc v...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 473 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đối thoại trong tiểu thuyết Tôtem Sói của Khương Nhung, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0067 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 122-130 This paper is available online at ĐỐI THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT TÔTEM SÓI CỦA KHƯƠNG NHUNG Nguyễn Thị Tịnh Thy Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm, Đại học Huế Tóm tắt. Đối thoại trong Tôtem sói vừa là nội dung vừa là nghệ thuật, có đối thoại truyền thụ tri thức, có đối thoại bảo vệ quan điểm, có đối thoại tình cảm, có đối thoại luận đề. Qua đối thoại, tác giả Khương Nhung trình bày những quan điểm về thế giới tự nhiên, về sự ứng xử với môi trường, về mối quan hệ giữa tự nhiên và dân tộc học, xã hội học. Những tiếng nói khác nhau trong tiểu thuyết Tôtem sói vừa có chức năng dẫn dắt sự kiện, tăng sinh cốt truyện; vừa thực hiện chức năng nhận thức, chức năng giáo dục của văn học. Điều đó khiến cho tác phẩm cuốn hút người đọc không chỉ bằng cái được kể mà còn bằng cách kể, tạo nên những cuộc đối thoại giữa hiện tại và quá khứ, giữa người đọc và tác giả - văn bản, người đọc và người đọc. Và việc tiếp nhận – đối thoại này rất cần chính kiến và sự phản biện của người đọc. Từ khóa: Đối thoại, tự nhiên, môi trường, dân tộc học, người đọc. 1. Mở đầu Nửa đầu thế kỉ XX, trong các công trình khoa học của mình, nhà lí luận M.Bakhtin đã đề ra thuyết đối thoại trong văn học. Qua tiểu thuyết của Đôtxtôiepxki, M.Bakhtin khẳng định: “Tất cả đều là phương tiện, đối thoại là mục đích. Một tiếng nói không kết thúc gì hết và không giải quyết gì hết. Hai tiếng nói là cái tối thiểu của sự sống, cái tối thiểu của tồn tại” [1;235]. Đối thoại trong tiểu thuyết chính là việc “dẫn dắt chủ đề theo một số tiếng nói khác nhau, là bản thân tính nhiều tiếng nói, tính khác tiếng nói về nguyên tắc”. Đối thoại thực chất là thể hiện sự đối lập về lập trường tư tưởng của nhân vật, làm nên đặc điểm đa thanh, phức điệu cho tác phẩm. Đối thoại trong tiểu thuyết Tôtem sói của Khương Nhung đã từng được nhà phê bình Lưu Văn Lương đề cập sơ lược trong công trình Đặc trưng hậu hiện đại của phê bình sinh thái. Theo ông, “đối thoại là tiêu chí hòa giải của con người với tự nhiên, cũng là con đường hòa giải giữa tự nhiên và con người” [6]. Tuy nhiên không chỉ có thế, thông qua đối thoại, tác giả Khương Nhung còn trình bày những quan điểm về văn hóa học, dân tộc học, xã hội học. Tôtem sói từng gây nên một cơn bão trong tiếp nhận. Tác phẩm đồ sộ này có sự “đan quyện giữa tiểu thuyết và lập thuyết”: vừa ngợi ca sự kì diệu của tự nhiên, vừa phản đối dục vọng tàn phá tự nhiên của con người, vừa tái hiện văn hóa du mục, vừa truy tìm và phục hưng cội nguồn tính cách dân tộc. . . Tất cả những vấn đề mang tầm tư tưởng ấy hiện ra qua nhiều lớp đối thoại, nhiều chủ thể đối thoại, nhiều mục đích đối thoại. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu phân tích các dạng thức và mục đích đối thoại được trình bày trong phần nội dung dưới đây. Ngày nhận bài: 15/4/2015 Ngày nhận đăng: 10/9/2015 Liên hệ: Nguyễn Thị Tịnh Thy, e-mail: nguyentinhthy@gmail.com 122 Đối thoại trong tiểu thuyết Tôtem sói của Khương Nhung 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Đối thoại giữa những người có cùng quan điểm: nhận thức về thế giới tự nhiên Lớp đối thoại đầu tiên chiếm dung lượng lớn nhất trong Tôtem sói là giữa những người già thảo nguyên và những trí thức trẻ Bắc Kinh. Kiểu đối thoại hỏi đáp chiếm ưu thế với mục đích giải đáp, giải thích giữa người hiểu biết và người chưa hiểu biết. Qua những đối thoại này, thế giới tự nhiên hiện lên một cách sinh động và kì diệu. Có thể xem những đối thoại này là một “bách khoa toàn thư” về thảo nguyên. Qua sự khai trí của hai chuyên gia về thảo nguyên là Pilich và Ulichi, Trần Trận hiểu thế nào là triết lí “Thiên thú nhân thảo hợp nhất” (trời thú người cỏ hợp nhất). Đó là triết lí sống thuận theo tự nhiên, tôn trọng đại tự nhiên mà đặc biệt là loài sói – linh vật của người Mông Cổ. Có cái tôi mạnh mẽ, có khí phách và chí lớn, có ý chí kiên cường, tính tổ chức kỉ luật và sự gan dạ, thông minh, nhạy cảm, kiên trì, nhẫn nại, dũng cảm, mưu trí, ngoan cường; khỏe mạnh, thiện chiến, cẩn thận, cảnh giác, mạo hiểm, lợi hại, lắm mưu mẹo, dự đoán thời tiết giỏi, chịu đói chịu khát, dãi dầu mưa nắng. . . ; phong cách cao thượng, giàu tình mẫu tử, quyến luyến gia đình, yêu thiết tha cuộc sống, không bao giờ tự mãn, không bao giờ bỏ rơi đồng loại, coi thường hoàn cảnh ác liệt, hành tung bí ẩn, tinh thần dũng cảm xốc tới, uy vũ không chịu khuất, thà chết trận còn hơn chết bệnh, thà chết chứ không chịu nhục, coi cái chết như không, coi trọng tự do và mạng sống, rất giỏi tùy cơ ứng biến, rất giỏi binh pháp, kiên trì tìm kiếm cơ hội và biết chờ đợi cơ hội, xuất quỷ nhập thần, “chết rồi mà vẫn oai phong, chỉ như say rượu nằm dưới đất, ngay cả thương binh, nữ binh cũng khiến người ta bạt vía kinh hồn”. Những lời tụng ca về sức vóc, trí tuệ, tài nghệ, đạo đức và tinh thần hảo hán này đang dành cho ai? Các chiến binh La Mã chăng? Hay hiệp khách Trung Hoa, hay hiệp sĩ phương Tây, hay võ sĩ Samurai Nhật Bản? Không! Không phải dành cho con người mà là cho một loài vật – “võ sĩ giác đấu trên thảo nguyên” – sói. Các nhân vật khẳng định: “Trong thiên nhiên không có con vật nào hoàn hảo hơn sói”, “tính cách và bản lĩnh của sói, hàng nghìn năm nay con người vẫn chưa học được”. Đối mặt với kẻ thù truyền kiếp đáng sợ nhất là con người, sói sói sẵn sàng tan xương nát thịt chứ không chịu khuất phục. Khi có cơ hội, sói quyết không bỏ qua, chưa vắt kiệt sức thì chưa bỏ cuộc. Khi bị dồn đến bước đường cùng, sói thà quyết tự sát chứ không để rơi vào tay con người, đánh sập hang và tự chôn sống mình, “có chết cũng khiến cho kẻ thù kinh hồn đáng tởm”. Không chỉ tự sát, sói còn “khử thương binh nặng, giảm nhẹ gánh nặng cho đàn, bảo đảm đội ngũ nòng cốt chiến đấu hiệu quả”. Quả thật, “sói chết, nhưng hình ảnh sói, linh hồn sói không chết”. “Người ta có thể giết hết sói, nhưng không bao giờ hủy diệt được ý chí và tính cách kiên cường của sói”. Các nhân vật trong Tôtem sói thường nói về sói với sự sùng kính và ngưỡng mộ. Ông già Pilich, Ulichi, Trần Trận luôn đặt sói ở vị thế cao hơn con người. Có đến hơn 210 lần họ ca ngợi “tinh thần sói”, “tính cách sói” với tất cả những từ ngữ cao trọng và hơn 70 lần so sánh hơn giữa sói và con người mà sói bao giờ cũng hơn, cũng là bậc thầy của con người: “Sói thông minh. . . , sói tinh vi hơn con người”, “người không khôn bằng sói”, “người khôn đến mấy cũng vẫn thua sói”, “Con người không đồng lòng bằng sói. Tài trận mạc của sói có thể học, nhưng tài đoàn kết của sói thì khó học”. Sói là “người thầy vĩ đại, một huấn luyện viên tài ba về quân sự ”, con người “phải học tính kiên nhẫn của sói”, “học hỏi cái hay của sói”. . . Có lẽ trong văn học nhân loại, đây là lần đầu tiên có một loài động vật được miêu tả một cách cao trọng với nhiều mỹ từ như thế bằng bút pháp tả thực. Sói là linh hồn của thảo nguyên, là trung tâm của vũ trụ. Từ lí thuyết phê bình sinh thái, có thể thấy Khương Nhung đã trả tự nhiên về với vị thế nguyên thủy của nó: “tự nhiên trung 123 Nguyễn Thị Tịnh Thy tâm” và “nhân loại phi trung tâm”. Miêu tả kĩ lưỡng từ vóc dáng, tính tình, sức vóc, tập quán, tinh thần, hành động đến tầm ảnh hưởng của sói đối với con người, ông Pilich đã làm cho Trần Trận “hiểu sói”, “kính nể và say mê sói”. Trên thảo nguyên, sói là thiên địch lớn nhất của người, ngựa, bò, cừu. Tuy vậy, “sói có công lớn với thảo nguyên” bởi “trời giao cho sói bảo vệ đồng cỏ”. “Trời là cha, đồng cỏ là mẹ”, sói là hộ thần của đồng cỏ, ăn thịt những sinh vật làm hại đồng cỏ. Có thể nói, mỗi đối thoại đều mang lại rất nhiều kiến thức của khoa học về thảo nguyên, khoa học về sói. Chức năng nhận thức của Tôtem sói, sự “bừng ngộ” của các trí thức Bắc Kinh thường xảy ra qua những đối thoại đầy bất ngờ, giàu tính trải nghiệm và khám phá này. 2.2. Đối thoại giữa những người không cùng quan điểm: xung đột tư tưởng sinh thái Tôtem sói còn là cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người bảo vệ sói (đồng nghĩa với bảo vệ thảo nguyên) và những người diệt sói (đồng nghĩa với diệt thảo nguyên). Cuộc đấu tranh này vừa diễn ra trên đồng cỏ đẫm máu, vừa diễn ra trong tư tưởng và được truyền tải qua ngôn ngữ đối thoại như những trận khẩu chiến. Bằng kinh nghiệm xương máu bao đời, ông già Pilich nhiều lần nhắc nhở mọi người: “Cỏ và thảo nguyên là sinh mạng lớn, tất cả những thứ khác là sinh mạng nhỏ”. “ Thảo nguyên không còn thì những mạng sống nhỏ nhoi như bò, cừu, ngựa, sói và người cũng không còn, ngay cả Trường Thành và thành phố Bắc Kinh cũng không giữ được”. Ông Ulichi nói: “Đợi đến khi thảo nguyên đã biến thành sa mạc người ta mới hiểu thảo nguyên thì đã quá muộn”. Theo hai ông già thảo nguyên này, giữ gìn, bảo vệ thảo nguyên không chỉ là bảo vệ nơi để mục dân sinh sống mà còn bảo vệ sự bền vững, bình yên và vĩnh hằng. Tuy họ không hiểu thế nào là “cân bằng sinh thái”, là “bảo vệ môi trường”, “phát triển bền vững”; tư tưởng và hành động của họ chỉ xuất phát từ đạo lí “thuận theo tự nhiên” một cách tự phát, đạo lí tôn trọng sự sắp đặt của ông Trời - Tăngcơli - nhưng chính họ đang thực hiện sự giữ gìn cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, họ kiên quyết chống lại việc giết sói bởi họ hiểu một cách sâu xa rằng sói là một mắc xích quan trọng trong thảo nguyên, là hộ thần của đồng cỏ. Nhưng triết lí thảo nguyên của hai ông già chỉ thuyết phục được Trần Trận và một số người mà không thể lay chuyển được Bao Thuận Quý. Bao Thuận Quý chỉ nhìn thấy thảo nguyên là một “kho của trời cho” có thể khai thác vô tận, nhìn thấy sói là “sát thủ máu lạnh” trên thảo nguyên. Bao Thuận Quý ra lệnh: “Người và sói không đội trời chung, phải giết chúng không còn một mống”. Toàn mục trường phấn kích vì theo lời của Bao Thuận Quý, họ nghĩ rằng con người có thể chiến thắng bất cứ loài vật hung hãn nào, có thể tạo nên một quy luật mới bằng ý chí, trình độ văn minh của mình. Vì vậy, họ vừa khai thác nhưng cũng vừa khai tử thảo nguyên. Ông Pilich lo lắng: “Trên thảo nguyên, làm bất cứ việc gì không nên cạn tàu ráo máng. Chó cùng rứt giậu, sói mẹ bị dồn vào ngõ cụt là cắn trả”. Bao Thuận Quý vẫn dùng những phương pháp tàn độc nhất để nhằm xóa sổ loài sói thảo nguyên: tiểu liên, trung liên, xe tải, com măng ca, súng đạn, hỏa công. . . Việc này dẫn đến một cuộc tranh cãi gay gắt của nhiều người khiến Tôtem sói vừa mang đặc điểm của tiểu thuyết đa thanh, vừa mang đặc điểm của thủ pháp đa thanh bộ. Trần Trận đã thầm lo lắng: “Một dân tộc mà để cho tôtem bị hủy diệt thì dân tộc ấy cũng có khả năng bị tàn sát, hơn nữa, thảo nguyên mà dân tộc đó dựa vào để sinh tồn cũng tàn lụi theo”; “Phương Đông và phương Tây đều nói trái đất là bà mẹ của nhân loại, chẳng lẽ giết mẹ lại được coi là văn minh?”. Những câu độc thoại nội tâm – vi đối thoại đó, đến bây giờ đã trở thành hiện thực. “Sinh mạng lớn” – sinh mạng của thảo nguyên và của thiên nhiên đã bị bức tử. 124 Đối thoại trong tiểu thuyết Tôtem sói của Khương Nhung Đối thoại của các nhân vật trong Tôtem sói không đơn thuần dừng ở cấp độ đối đáp. Mỗi lời của họ đều xuất phát từ tư tưởng và phát ngôn cho tư tưởng của mình. Khi diễn tả tư tưởng nghĩa là đối thoại đã đạt đến tầm của những diễn ngôn. Vì vậy trên thực chất, đối thoại trong Tôtem sói là diễn ngôn của tư tưởng sinh thái. Sức lan tỏa, sức đồng cảm, sức lay động, sức thuyết phục của tác phẩm có được chính là nhờ diễn ngôn mang tầm thời đại, tầm nhân loại này. Mặt khác, ý chí cưỡng bức thảo nguyên bằng cơ giới hóa, bằng “thần thoại hiện đại” của Bao Thuận Quý và của binh đoàn lên xây dựng thảo nguyên còn ngầm thể hiện sự áp đặt, bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán lên các dân tộc thiểu số khác. Vì vậy, sự phản đối kịch liệt của Trần Trận về việc đưa người lên thảo nguyên khai hoang, nông canh hóa đời sống du mục, sa mạc hóa đồng cỏ, Hán hóa người Mông Cổ khiến cho tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Tôtem sói vượt khỏi giới hạn của sinh thái học độ sâu (deep ecology – lấy “tự nhiên trung tâm” thay cho “nhân loại trung tâm”) mang màu sắc của sinh thái học xã hội (cocial ecology – nguồn gốc của mọi đổ vỡ sinh thái là từ những thể chế chính trị - xã hội), chạm đến vấn đề mâu thuẫn sắc tộc của Trung Quốc hôm nay. 2.3. Đối thoại giữa súc vật và súc vật, súc vật và người: sự thấu hiểu, sẻ chia của con người đối với tự nhiên Để thông tuệ “khoa học về thảo nguyên”, Trần Trận quyết tâm bắt đầu từ “khoa học về sói”. Anh và Dương Khắc đã nuôi một con sói con. Sống tách biệt bầy đàn nên sói con không biết tru tiếng sói. Cho đến một hôm, đàn sói tập kích, chúng khởi đầu bằng một cuộc chiến âm thanh. Từ ba phía núi vọng lại “tiếng sói tru thảm thiết, dài lê thê, run run và ngắt từng quãng ngắn, âm thanh thuần chất, mạnh mẽ, tròn và sắc như xuyên thủng màng nhĩ”. Trong đêm khuya tĩnh mịch, Trần Trận cảm thấy những “âm thanh sắc lạnh như lọt qua kẽ nứt của băng, qua lần vải áo xuyên thấu da thịt, từ đỉnh đầu tới đốt xương cùng”. Trần Trận lắng nghe và phân tích âm điệu trong tiếng tru để hiểu ngôn ngữ sói. anh cảm thấy tiếng tru thật thê thảm. “Nó như tiếng khóc nỉ non của người phụ nữ dưới xuôi mất chồng”. Trần Trận phát hiện ra rằng “tiếng tru như khóc và âm thanh kéo dài là sự sáng tạo của loài sói để thích ứng với thực tiễn sinh tồn và dã chiến trên thảo nguyên”. Ông già Pilich cũng chia sẻ cảm xúc về tiếng sói với Trần Trận: “cuộc sống trên thảo nguyên khổ quá, con sói lại càng khổ. Đêm đêm nghe tiếng sói tru, người già thường rơi nước mắt”. Tiếng tru của đàn sói đã thức dậy bản năng loài trong chú sói con của Trần Trận. Nó ngẩng mặt lên trời cất tiếng tru với dư âm mượt mà lan xa. Đêm hôm sau, sói con chờ tiếng tru gọi đàn, nó bồn chồn như đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện mong ngóng người thân. Và khi đàn sói cất tiếng, Trần Trận nghe rợn người vì tiếng tru đêm nay biến hóa nhiều vẻ, tiếng cao tiếng thấp có ý hỏi han, thăm dò như tiếng gọi con của sói mẹ. Anh xúc động vì những con sói mẹ xót xa rầu rĩ vì mất con mạo hiểm đến tìm con dù hi vọng rất mỏng manh. Trần Trận lắng chìm trong đối thoại của sói con và đàn sói, dùng tất cả sự thấu hiểu, sẻ chia của mình để cảm nhận tâm tư của chúng. Đêm nay, giọng của sói con đã thành thục, nó “kéo dài tiếng ngân, dài mãi mãi cho tới lúc cạn bầu tâm sự” với chất giọng trẻ trung, mượt mà, thuần khiết, du dương, uyển chuyển, luyến láy mà tròn vành rõ chữ. Rất lâu, từ đỉnh dốc phía tây vọng lại “tiếng tru mạnh mẽ trầm đục, oai nghiêm, chỉ có thể là của sói chúa hay sói đầu đàn, khẩu khí như ra lệnh, vĩ thanh rất dài, khi dừng dứt khoát”. Trần Trận đoán có thể sói chúa hỏi: “Cháu là con nhà ai, trả lời mau!”. Bỗng có tiếng tru dài vẳng tới, hình như của một con sói mẹ. “Tiếng tru thân thiết êm ái, dịu dàng bi ai, mang nỗi đau của tình mẹ, tiếng ngân run rẩy và dài lê thê, có lẽ đây là ngôn ngữ của sói, đầy ý tứ và tình cảm sâu nặng”. Trần Trận đoán câu này có nghĩa là: “Con ơi, con còn nhớ mẹ không? Mẹ là mẹ 125 Nguyễn Thị Tịnh Thy của con đây. Mẹ nhớ con lắm, mẹ tìm con khổ quá, cuối cùng thì mẹ đã nghe thấy tiếng nói của con. . . Tiếng âu. . . âu. . . thốt ra tự đáy lòng, lời ca đau thương nhất trên đời của người mẹ xuyên qua năm tháng, rung chuyển thảo nguyên ngàn đời hoang vu. Trần Trận không cầm được nước mắt. Dương Khắc cũng nước mắt vòng quanh”. Sói con xúc động sâu sắc trước những câu ngập ngừng đứt nối, theo bản năng, nó cảm thấy đây là “người thân” của nó. . . “Con sói mẹ lại tru lên thê thảm, lát sau có nhiều sói mẹ tham gia đội ngũ gọi con. Thảo nguyên vang lên những tiếng ca bi thương. . . lâm li vô cùng. Đêm nay, tiếng tru thê lương của sói thảo nguyên Ơlôn suốt đêm không dứt, rung động trời đất, quỷ khóc thần sầu, hớp hồn hớp phách con người. Lũ sói mẹ hàng vạn năm nay mất con trai con gái trút hết nỗi oán hờn chất chứa vào đêm đen trên thảo nguyên đau thương. Trần Trận đứng im như trời trồng, cảm thấy nổi gai khắp người. Dương Khắc mắt ướt nhòe bước tới gần sói con nắm lấy đai cổ, vỗ nhẹ lên đầu lên lưng con vật, an ủi nó. . . sói con né tránh Dương Khắc, nó sợ lần nữa mất tiếng tru,. . . ngửa mặt lên trời, bất chấp tất cả, nó dựa theo kí ức phát đi những lời của sói”. Nhưng sai lầm của sói con là thay vì tru trả lời thì do không biết, nó cố tru lại như tiếng sói mẹ, đặt trọng tâm vào nỗi ai oán. Đàn sói phát hiện bất thường, nghi ngờ tư cách của sói con, liền im bặt. Sói con vẫn không ngừng tru, tru đến nỗi rát cổ bỏng họng, gần như bắn máu tươi nhưng đàn sói vẫn không đáp lại. “Cuộc đối thoại giữa nó và đàn sói thất bại thảm hại”. Cho tới lúc rạng sáng, sói con mới ngừng tru, “tuyệt vọng đến mức như đã chết, nó nằm dài trên mặt đất. . . như một đứa con côi bị bỏ rơi hoàn toàn, chìm trong tuyệt vọng”. Trên đây là một trường đoạn về cuộc đối thoại của sói con và đàn sói Ơlôn thông qua người “phiên dịch” là Trần Trận. Trần Trận tham gia vào cuộc đối thoại này bằng ngôn ngữ của trái tim. Với tất cả tình yêu thương, sự đồng cảm với khát vọng tìm cội nguồn của sói con và tìm con bị thất lạc của đàn sói mẹ, Trần Trận hiểu nỗi lòng của chúng. Và hơn cả sự hiểu là sự sẻ chia, thương xót. Nước mắt chảy trên gương mặt nhuốm gió bụi thảo nguyên của Trần Trận và Dương Khắc thể hiện sự hòa mình đến không còn khoảng cách giữa con người và súc vật, con người và thế giới tự nhiên. Mấy tháng sau, sói con bị thương rất nặng ở cổ. Đàn sói cũng đã bị săn lùng, tiêu diệt gần hết, những con còn sống sót phải rời bỏ thảo nguyên Ơlôn, sống chui nhủi bên kia đường biên giới. Vào một đêm không gió, không trăng, không sao, không tiếng chó sủa; thảo nguyên Ơlôn im lìm như hóa thạch, không một dấu hiệu của sự sống, Trần Trận nghe mơ hồ “có tiếng sói tru từ dãy núi lớn trên biên giới, yếu ớt, đứt đoạn, run rẩy, thê thảm, não nùng”. Không còn oai nghiêm trầm đục hay tha thiết nhớ thương như trước đây nữa, Trần Trận hiểu đó là tiếng của những kẻ tha hương nhớ quê nhưng không thể trở về quê hương đầy máu me và chết chóc. Tiếng tru nghe uất nghẹn, da diết đến quặn lòng. Tiếng sói tru đã đánh thức trong sói con đang bị thương toàn bộ niềm hi vọng, niềm phấn khích, sự phản kháng và hiếu chiến. “Sói con như một vương tử cô đơn bị cầm tù trên thảo nguyên nghe thấy tiếng gọi của phụ vương thất lạc từ lâu, hơn nữa lại là tiếng gọi cầu cứu”. Nó bỗng trở nên hung bạo. Cổ họng bị thương nên không thể cất lên tiếng tru đáp trả, nó lồng lộn điên cuồng bất chấp vết thương ở cổ. Đến sáng, hậu quả của sự phản kháng và khát vọng được gặp cha của sói con là máu chảy không ngừng, sói con kiệt sức. Trần Trận và Dương Khắc run rẩy, đau đớn cầu cứu ông già Pilich. Ông già thảo nguyên khẳng khái phán quyết: “Nhân lúc nó hãy còn là một con sói, hãy đập chết nó đi, để nó chết trong chiến đấu như một sói hoang! Đừng bắt nó ốm chết như chó! Hãy giúp cho linh hồn nó được như nguyện”. Nhưng hai chàng trai vẫn cố chữa chạy cho sói con đến sức cùng lực kiệt. Cuối cùng, sói con gắng gượng ngồi chống hai chân như một con sói 126 Đối thoại trong tiểu thuyết Tôtem sói của Khương Nhung già trước mặt Trần Trận, miệng hé mở, lưỡi thè ra cùng với máu. “Nó nhìn Trần Trận như muốn nói gì với anh nhưng không một âm thanh nào lọt ra ngoài. Trần Trận nước mắt như mưa ôm cổ sói con, chạm trán, chạm mũi lần cuối cùng với nó. Sói con hình như không trụ nổi, hai chân run bần bật”. Trần Trận đứng phắt dậy chạy vào trong lều lấy cái xẻng, đi vòng phía sau sói con và giáng mạnh xuống. Sói con gục xuống. “Nó cứng rắn cho đến phút cuối như sói thảo nguyên Mông Cổ chân chính”. Đoạn văn trên có hai cuộc đối thoại. Một là của những con sói li hương hoài nhớ thảo nguyên. Chúng thức dậy trong sói con bản năng sống tự do, bản năng khao khát tình yêu của gia đình, đồng loại và bản năng giải cứu đồng loại lúc nguy nan. Đối thoại thứ hai là đối thoại không lời giữa sói con và Trần Trận. Sói con “như muốn nói nhưng không một âm thanh nào” cất lên được từ cái cổ họng đầy máu, chỉ còn những giao tiếp phi ngôn ngữ. Trần Trận “nước mắt như mưa ôm cổ sói con, chạm trán, chạm mũi lần cuối cùng” và sói con “run lên bần bật”. Đây là đối thoại không lời, đối thoại của sự vĩnh biệt - lưu luyến, đau đớn, thương xót, nuối tiếc và ân hận đến vô cùng. Khác với đối thoại giữa người và người, đối thoại giữa động vật và động vật cũng như giữa động vật và người trong Tôtem sói không phải là xung đột giữa tri và bất tri, đạo lí và phi đạo lí, nhân và phi nhân, bảo tồn và hủy diệt mà là sự chan hòa của tôn trọng, thương cảm, thấu hiểu, sẻ chia. Ngôn ngữ của những đối thoại này thấm đẫm tình cảm, chan chứa nỗi niềm và sâu thẳm đớn đau. Mỗi câu chữ giàu cảm xúc, giàu cảm giác đó có sức lay động rất lớn đến người đọc. 2.4. Đối thoại giữa quá khứ và hiện tại: liên văn bản và cội nguồn dân tộc Để thể hiện mối liên quan mật thiết giữa “tính cách sói”, “tinh thần sói” và tính cách người, tinh thần dân tộc Trung Hoa, Khương Nhung đã thực hiện một cuộc đối thoại lớn giữa quá khứ và hiện tại qua thủ pháp liên văn bản. Đối chiếu với năm dạng thức của liên văn bản mà nhà nghiên cứu người Pháp G.Genette đưa ra, có thể thấy cận văn bản (paratextualité) và liên văn bản (intertextualité) là hai dạng thức được Khương Nhung sử dụng đậm đặc trong toàn tác phẩm. Dạng thức cận văn bản được sử dụng trong kết cấu của 35 chương chính, dạng thức liên văn bản được đan cài ở nội dung của các chương và là trọng tâm của chương cuối cùng. Tôtem sói có lối viết khá đơn giản: trần thuật tuyến tính, người kể chuyện ngôi thứ ba, tính cách nhân vật nhất phiến. . . Tuy nhiên, cái khác lạ làm nên đặc trưng của tiểu thuyết là 41 lời đề từ ở đầu 35 chương. Được sử dụng như những cận văn bản, những lời đề từ này đều được trích dẫn từ các tài liệu lịch sử, văn học, văn hóa của Trung Quốc và nước ngoài: Phạm Văn Lan – Trung Quốc thông sử giản biên; Hán thư – Hung Nô truyện; Tư Mã Thiên - Đại Uyển liệt truyện; Sử thi Uhu Khan - Hàn Nho Lâm trích dẫn từ Cùng Lô tập; Tư Mã Quang – Tư trị thông giám, Hán Thế Tôn Hiếu Vũ hoàng đế chi hạ; Lỗ Tấn – Nhi dĩ tập - Lược luận Trung Quốc nhân chi kiểm; Herbert J. Wells – Thế giới sử cương. . . Nội dung của các cận văn bản này là những nhận định về mối quan hệ mật thiết và bí ẩn giữa loài sói và loài người (chủ yếu là người Trung Quốc). Khương Nhung sử dụng cận văn bản ở lời đề từ của các chương với mục đích chứng minh những “lập thuyết” về nguồn gốc sói tính của dân tộc mình, về tính ưu việt của những dân tộc sống cùng với sói, về khác biệt rất lớn giữa dân tộc nông canh và dân tộc du mục, về yêu cầu chấn hưng “tinh thần sói” và triệt tiêu “tinh thần cừu” trong người Hán. . . Sói và người thảo nguyên có nhiều điểm tương đồng mà theo các nhân vật, sự tương đồng đó là do con người học tập được từ sói. Trên thảo nguyên, Tôtem sói có mặt khắp nơi: kĩ xảo săn đuổi, thông tin bằng âm thanh, nghệ thuật quân sự, chiến lược chiến thuật, tính cách chiến đấu, tinh thần đồng đội, tính tổ chức, tính kỉ luật, tính bền bỉ, tính cạnh tranh “giỏi làm vua”, phục tùng 127 Nguyễn Thị Tịnh Thy quyền lực, yêu gia tộc và tộc quần, thờ Tăngcơli (Trời). . . Tổ tiên của người Hán thực ra cũng là dân du mục. Vì vậy, người Hán trên thực tế là hậu duệ của dân tộc du mục tây bắc, có thể khẳng định trong huyết quản vẫn còn sói tính. Cho đến bây giờ có rất nhiều chữ Hán còn mang dấu vết huyết thống du mục của người Khương - tổ tiên người Hán. Ngay như phong cách hiệp sĩ, ngang bạt phóng khoáng, lang bạt kì hồ của đại thi hào lí Bạch cũng là do “nhà thơ sinh ra ở Tây Thành, chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong tục dân gian Đột Quyết, từng kích động dòng máu sói khát khao tự do trong người ông”. Sói là cội nguồn của dân tộc Trung Hoa, vậy mà giờ đây “người Hán ghét sói ghê gớm, gọi kẻ ác nhất, thâm độc nhất là sói, kẻ tàn bạo nhất là dữ như sói, gọi kẻ chà đạp phụ nữ nhất là quân háo sắc như sói, gọi kẻ có dã tâm nhất là lòng lang dạ sói. Người lớn còn dọa trẻ con: Sói đến đấy!...”. Như vậy là vong bản, quên cả tổ tiên. Từ luận giải của các nhân vật, có thể thấy Khương Nhung muốn khẳng định “sự đóng góp to lớn” của sói thảo nguyên và dân tộc thảo nguyên cho toàn thể dân tộc Trung Hoa. Và để luận chứng cho những luận điểm của mình, ông đã sử dụng các văn bản của quá khứ một cách hữu hiệu. Các văn bản ấy vừa đứng ngoài văn bản tiểu thuyết như một kiểu cận văn bản, vừa đan lồng vào trong nội dung tranh luận của các nhân vật như một kiểu trích dẫn của liên văn bản. “Thuyền Vu (Hung Nô) sinh hai con gái nhan sắc tuyệt trần, người trong nước gọi là thần nữ. Thuyền Vu nói, con gái ta không thể gả cho người thường, mà phải hiến cho trời. Bèn sai dựng chòi cao phía bắc đất nước, nơi không có người, rồi đưa hai con gái đến ở để trời tự đón lên. Một năm qua đi, chỉ thấy mỗi con sói lớn ngày đêm cánh gác căn chòi, đào hang mà ở không đi. Cô em nói, cha bố trí chị em mình ở đây là để trời đón, giờ thì lại là sói, hay sói là thần vật trời sai đến để lấy chị em mình. Cô chị cả sợ nói, lấy đồ súc sinh này thì nhục cho cha mẹ. Người em không nghe, xuống chòi làm vợ sói, sinh con. Sau này sinh sôi nảy nở thành một nước. Vậy nên, người nước này tiếng hát dài như tiếng sói tru” (Chu thư, Nhu nhu Hung Nô đồ hướng Cao Xa liệt truyện). Sử thi Uhu Khan cũng có những khúc ca về sói: “Sói xám là khẩu lệnh của quân ta!”. . . Từ việc đan lồng các trích đoạn trong Chu thư, Trung Quốc cổ đại sử cương, Sử thi Uhu Khan. . . , có thể nhận ra Tôtem sói mang đậm đặc trưng tam hiếu của tiểu thuyết Trung Quốc: hiếu sử, hiếu sự, hiếu kì. Chất lịch sử, chất sự kiện, chất kì ảo ngập tràn trong tác phẩm được mệnh danh là một kì thư này. Chính liên văn bản đã tạo nên một cuộc đối thoại lớn giữa quá khứ và hiện tại như là sự đối lập giữa thiêng liêng và phỉ báng, sinh trưởng và tàn lụi, sở hữu và đánh mất trong quốc dân tính của Trung Hoa. Đánh mất sói tính, khinh rẻ dân du mục là vong bản, là quên cả tổ tiên. “Chỉ có lấp đầy những lỗ hổng trong nhận thức, mới có thể lấp đầy những lỗ hổng to lớn trong tính cách dân tộc”. “Và cũng có thể tìm hiểu Trung Quốc sau này muốn cất cánh bay lên thì phải thế nào”. Đạt được mục đích này qua thủ pháp liên văn bản, Tôtem sói thể hiện rõ khát vọng quay về nguồn cội trong cái vỏ bọc tái thiết môi trường và hơn thế nữa, tác phẩm đã vượt khỏi hạn định của một tiểu thuyết môi trường, tiểu thuyết động vật để trong khoác thêm lên mình trọng trách của một tiểu thuyết dân tộc học. . . 2.5. Đối thoại tác giữa tác giả – văn bản – người đọc: tiếp nhận và phản biện Cấu tứ của Tôtem sói giống như một bài thơ Đường luật, bảy câu đầu chỉ là sự chuẩn bị cho câu cuối – câu mang tư tưởng chủ đề của toàn bài thơ. 35 chương đầu của Tôtem sói dù rất đồ sộ về cả dung lượng, nội dung tư tưởng lẫn bút pháp nghệ thuật nhưng cũng chỉ là sự chuẩn bị cho hai chương cuối: Vĩ thanh, Khai quật bằng lí tính – tọa đàm và đối thoại về Tôtem sói. Đúng như M.Bakhtin từng nói, “hạt nhân của đối thoại bao giờ cũng nằm ngoài cốt truyện”. Hai chương này 128 Đối thoại trong tiểu thuyết Tôtem sói của Khương Nhung mới chính là chủ đích của tác giả tiểu thuyết. Và hai chương này đã làm nảy sinh một cuộc đối thoại ngoài văn bản, đó là đối thoại của độc giả. Thông qua hình tượng sói, Khương Nhung muốn phản tư về nguồn gốc dân tộc, tích cách dân tộc: “chúng ta là truyền nhân của rồng hay truyền nhân của sói?”. “Không có sói, không thể có lịch sử thế giới như ngày nay. Không hiểu sói thì không thể hiểu được tinh thần và tính cách dân du mục, càng không thể phân biệt sự khác nhau về mặt yếu và mặt mạnh của tộc du mục và tộc nông canh”. Để chấn hưng dân tộc, phải bắt đầu bằng sự chấn hưng “tinh thần sói”: “Tộc Hán xuất thân từ dân tộc du mục, và có thể khẳng định trong huyết quản vẫn còn sói tính. Đó là nguồn phục hưng dân tộc Trung Hoa, phải giữ nó như giữ lửa và phát huy sức mạnh của nó”. Và mục đích của sự chấn hưng tinh thần đó là gì? Câu trả lời là để làm bá chủ thiên hạ. Theo Trần Trận, “dân tộc Trung Hoa về mặt tính cách chưa kinh qua giai đoạn “văn minh sói” thì căn bản chưa thể bước ngay vào giai đoạn cao “người văn minh” tự do dân chủ. Hơn một tỉ người văn minh thực sự tự do dân chủ và yêu chuộng hòa bình xuất hiện trên vũ đài thế giới là một đảm bảo lớn nhất cho tự do và hòa bình toàn cầu”. Hóa ra, tất cả những mĩ từ về sói thực chất là để tôn vinh tính cách Hán, tinh thần Hán đã từng bị chìm khuất trong làn sóng nông canh hơn một ngàn năm qua. Và mục đích chính của Tôtem sói là thức dậy, xốc lại tinh thần Hán ấy để tiếp tục làm nên một “Trung Quốc nhất tuyệt” trên toàn thế giới. Như vậy, vấn đề môi trường, vấn đề sinh thái mà Khương Nhung đã phí công dụng tâm viết nên trong Tôtem sói thực chất chỉ là phương tiện. Nhà văn đã dùng cái phương tiện kì vĩ ấy để chuyển tải một mục đích rất “ghê gớm”, rất Trung Hoa của mình và của cả một dân tộc trong hơn năm ngàn năm qua: chấn hưng tư tưởng đại Hán. Tư tưởng đại Hán ấy cũng là mẫu số chung của các tiểu thuyết sinh thái khác của văn học Trung Quốc như Hổ Trung Quốc (lí Khắc Uy), Giấc mộng sói vương (Thẩm Thạch Khê). . . Người đọc cần nhìn thấy, hiểu một cách sâu sắc mục đích ấy của các tác giả. Thông thường, để “lập thuyết”, các nhà tư tưởng phải bằng mọi cách để “thuyết” của mình nêu ra thuyết phục được thiên hạ. Vì vậy, họ không thể không rơi vào cực đoan. Khương Nhung cũng không phải là ngoại lệ. Sự cực đoan ấy thể hiện ở việc ngợi ca, tôn sùng sói quá mức và lặp đi lặp lại những nhận định rất duy ý chí như: “khoa sói học liên quan mật thiết với nhân học - một bộ môn khoa học vĩ đại”; “Có lẽ câu chuyện thần kì về anh hùng Asin và đất mẹ Gai-a bắt nguồn từ sói? Rất có thể là, người Hi Lạp Arian trong thời kì đầu của cuộc sống du mục, đã từng nuôi sói?... điều này gợi ý cho người ta sáng tác nên thần thoại vĩ đại đó”; “Người vượn đứng thẳng trên thảo nguyên, mà sói thảo nguyên là một trong những nhân tố quan trọng buộc người vượn đứng thẳng. Do vậy, thảo nguyên tàn khốc và đẹp đẽ không chỉ là đất tổ của dân tộc Hoa Hạ, mà còn là đất tổ và cái nôi của toàn nhân loại”. . . Những nhận định mang tính cực đoan trên khiến Tôtem sói hình thành thêm một cuộc đối thoại không kém phần gay gắt nữa. Đó là đối thoại giữa lập trường của tác giả và lập trường của bạn đọc. Và với tư cách là một người đọc nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy mình có trách nhiệm tham gia vào cuộc đối thoại này với quan điểm không đồng tình. 3. Kết luận Đối thoại trong Tôtem sói vừa là nội dung vừa là nghệ thuật, có đối thoại truyền thụ tri thức, có đối thoại bảo vệ quan điểm, có đối thoại tình cảm, có đối thoại luận đề. Những tiếng nói khác nhau trong tiểu thuyết Tôtem sói vừa có chức năng dẫn dắt sự kiện, tăng sinh cốt truyện; vừa thực hiện chức năng nhận thức, chức năng giáo dục của văn học. Điều đó khiến cho tác phẩm cuốn hút người đọc không chỉ bằng cái được kể mà còn bằng cách kể, tạo nên những cuộc đối thoại giữa hiện tại và quá khứ, giữa người đọc và tác giả - văn bản, người đọc và người đọc. Từ các dạng thức 129 Nguyễn Thị Tịnh Thy của đối thoại, có thể nhận ra quan niệm ứng xử với tự nhiên cũng như vẻ đẹp của ngôn từ và sự độc đáo trong kết cấu của tiểu thuyết. Đối với các nhân vật của Tôtem sói, hiểu biết về tự nhiên là một dạng thức của sự phám phá, khám phá thế giới và khám phá chính bản thân mình. Khi phát hiện ra những điều kì thú từ thế giới tự nhiên, họ như tìm lại được những cảm xúc đẹp đẽ, cao khiết, tìm lại được cái bản năng muốn chở che, bảo vệ, hồi sinh cho cái đẹp. Tuy nhiên, những khẳng định của Khương Nhung về mối liên quan giữa “tinh thần sói”, “tính cách sói” và các dân tộc mang sói tính cũng như con đường chấn hưng tinh thần của dân tộc Trung Hoa lại làm nảy sinh thêm một kiểu đối thoại nữa chưa đến hồi kết. Đó là đối thoại cần có sự tham gia với chính kiến và sự phản biện của người đọc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bakhtin M., 1993. Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử dịch). Nxb Giáo dục. [2] Đỗ Văn Hiểu, 2012. Phê bình sinh thái – khuynh hướng văn học mang tính cách tân. Tạp chí Sông Hương, số 11/2012. [3] Khương Nhung, Tôtem sói (Trần Đình Hiến dịch). Nxb Công an nhân dân, 2007. [4] Trần Đình Sử. Giải cấu trúc và nghiên cứu, phê bình văn học hôm nay. [5] Karen Thornber. Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học (Hải Ngọc dịch), [6] www.doc88.com/p-876105351337.html. ABSTRACT Conversations in Jiang Rong’sWolf totem novel Conversations in ‘Wolf Totem’ are the means to convey the content and also an art in themselves. They are of various kinds, such as knowledgeable dialogue, argumentative dialogue, feeling-expression dialogue and thesis dialogue. Via these conversations, the author presents different points of view on the natural world, human behavior and adjustment to the environment, and the relationship between nature and ethnographysociology. Different voices in ‘Wolf Totem’ are ways of guiding and proliferating plots as well as conveying the cognitive and educational functions of literature. The novel attracts readers not only by what is told but also by the ways conversations play out, creating different types of conversations, such as ones between present and past, between readers and the author and between readers and readers. And this acquisition needs readers’ viewpoints and feedbacks. Keywords: Conversations, nature, environment, Ethnography, sociology, readers. 130

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3884_nttthy_9271_2178415.pdf
Tài liệu liên quan