Đôi điều suy nghĩ về sản xuất ra đa tại Việt Nam

Tài liệu Đôi điều suy nghĩ về sản xuất ra đa tại Việt Nam: Kỹ thuật siêu cao tần & Ra đa C. X. Thá, N. Tr. Kiên, “Đôi điều suy nghĩ về sản xuất ra đa tại Việt Nam.” 18 ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ SẢN XUẤT RA ĐA TẠI VIỆT NAM Cao Xuân Thá*, Nguyễn Trung Kiên Tóm tắt: Ra đa là một sản phẩm công nghệ phức tạp trong đó kết hợp thành tựu của nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ (điện tử, vô tuyến - viễn thông, tin học - máy tính, đo lường - điều khiển, cơ điện tử, cơ khí chính xác, ...). Việc nghiên cứu cải tiến hay chế tạo một đài ra đa đòi hỏi phải có đầu tư lớn của Nhà nước và sự phối hợp của nhiều lĩnh vực nghiên cứu, nhiều ngành khoa học và công nghệ. Ở Việt Nam trong những năm gần đây sản xuất ra đa đang là chủ đề "nóng" và nhận được sự quan tâm của các Bộ, Ngành chức năng liên quan. Các cơ sở nghiên cứu trong nước đã và đang xúc tiến các chương trình đầu tư nghiên cứu sản xuất ra đa đều nhắm đến mục tiêu chế tạo các sản phẩm ra đa đạt chuẩn công nghệ của thế giới với tỷ lệ nội địa cao. Tuy nhiên, để đạt đến mục t...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 324 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đôi điều suy nghĩ về sản xuất ra đa tại Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỹ thuật siêu cao tần & Ra đa C. X. Thá, N. Tr. Kiên, “Đôi điều suy nghĩ về sản xuất ra đa tại Việt Nam.” 18 ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ SẢN XUẤT RA ĐA TẠI VIỆT NAM Cao Xuân Thá*, Nguyễn Trung Kiên Tóm tắt: Ra đa là một sản phẩm công nghệ phức tạp trong đó kết hợp thành tựu của nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ (điện tử, vô tuyến - viễn thông, tin học - máy tính, đo lường - điều khiển, cơ điện tử, cơ khí chính xác, ...). Việc nghiên cứu cải tiến hay chế tạo một đài ra đa đòi hỏi phải có đầu tư lớn của Nhà nước và sự phối hợp của nhiều lĩnh vực nghiên cứu, nhiều ngành khoa học và công nghệ. Ở Việt Nam trong những năm gần đây sản xuất ra đa đang là chủ đề "nóng" và nhận được sự quan tâm của các Bộ, Ngành chức năng liên quan. Các cơ sở nghiên cứu trong nước đã và đang xúc tiến các chương trình đầu tư nghiên cứu sản xuất ra đa đều nhắm đến mục tiêu chế tạo các sản phẩm ra đa đạt chuẩn công nghệ của thế giới với tỷ lệ nội địa cao. Tuy nhiên, để đạt đến mục tiêu này chúng ta cần phải có thêm nhiều năm nữa để tiếp thu công nghệ, tạo dựng hạ tầng cơ sở và tập hợp đủ nguồn nhân lực. Từ khóa: Ra đa, Nghiên cứu sản xuất. 1. TỔNG QUAN VỀ SẢN XUẤT RA ĐA Nghiên cứu, sản xuất ra đa là một quá trình nhiều giai đoạn phức tạp cả về kỹ thuật, công tác tổ chức quản lý và triển khai thực hiện. Kinh nghiệm sản xuất ra đa trên thế giới cho thấy thời gian thực hiện quá trình này kể từ khi có ý định thiết kế cho đến khi đưa ra được một mẫu thử đầu tiên thường mất khoảng vài năm và có thể kéo dài hơn tùy theo mức độ phức tạp. Quá trình thiết kế một đài ra đa được bắt đầu từ khâu lập luận lựa chọn giải pháp, xác định cấu hình và các yêu cầu tính năng chiến - kỹ thuật. Tiếp đến là thiết kế kỹ thuật, định hình mẫu sản phẩm đáp ứng các yêu cầu tính năng và chi phí sản xuất trong giới hạn cho phép. Quá trình thiết kế kỹ thuật thường phải trải qua 4 công đoạn cơ bản, trong đó: Thiết kế sơ bộ, là công đoạn chính xác hoá các chỉ tiêu chiến-kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tế về cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật và công nghệ để đưa ra giải pháp toàn diện; kết cấu sản phẩm phải thoả mãn các yêu cầu đặt ra và phải dung hoà được các yếu tố là hiệu quả sử dụng và giá thành. Thiết kế kỹ thuật là công đoạn xây dựng hệ thống tài liệu, hồ sơ thiết kế bao gồm: bản vẽ thiết kế kỹ thuật, thiết kế chế tạo, qui trình công nghệ chế tạo, qui trình kiểm tra, thử nghiệm, ... . Sản xuất mẫu thử, là công đoạn khó khăn nhất của khâu thiết kế, cần phải sản xuất được ít nhất một mẫu thử theo thiết kế kỹ thuật, mẫu thử sẽ cho phép định hình sản phẩm và chính xác hoá dự toán giá thành sản xuất. Thử nghiệm mẫu, công đoạn này rất quan trọng vì việc thử nghiệm cho phép kiểm tra, hiệu chỉnh và khẳng định tính năng, tham số chiến - kỹ thuật và độ tin cậy của thiết bị có đáp ứng các yêu cầu đặt ra hay không. Giai đoạn thử nghiệm thành công chính là bước kiểm tra cuối cùng trước khi đưa vào sản xuất loạt. 2. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT RA ĐA TRÊN THẾ GIỚI Các thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ đã tạo ra những đột phá trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo ra đa. Kỹ thuật siêu cao tần công suất nhỏ, tạp âm thấp (LNA, LNB, LNC), máy phát bán dẫn công nghệ mạch rắn (solid-state), kỹ thuật Những vấn đề chung Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Đặc san Ra đa, 08 - 2016 19 anten mạng pha (phased array), anten mạch dải (microstrip) và đặc biệt công nghệ chế tạo ra đa với cấu trúc được xác định bằng phần mềm - SDR (Software Defined Radar), chế tạo Chip cao tần bằng công nghệ CMOS (CMOS RF Integated Circuit Design) đã cho phép tạo ra các tổ hợp ra đa có kích thước nhỏ gọn, tiêu hao ít năng lượng, cấu trúc và tính năng mềm dẻo, dễ dàng phát triển nâng cấp, giảm nhỏ chi phí nhân công và giá thành sản xuất. Các sản phẩm ra đa ngày càng trở nên hoàn thiện với các tính năng ưu việt. Các hãng sản xuất nổi tiếng như: Raytheon (Mỹ), BAE, Kenvil Hughes (Anh), Thales (Pháp), Terma (Đan Mạch), Selex Galileo, Alenia Marconi (Ý), Elta (Israel) và một số công ty của Nga, Ucraina, Belarut, ... đều là những nhà cung cấp giàu tiềm năng và có nhiều thế mạnh về sản xuất ra đa thế hệ mới dùng trong các lĩnh vực cảnh giới, điều khiển, dẫn đường hàng hải, quản lý không lưu, ra đa thời tiết và nghiên cứu môi trường. Trong lĩnh vực ra đa cảnh giới biển và dẫn đường hàng hải, Thales, Terma Raytheon, BAEs, Kenvil Hughes, Elta và các công ty chuyên về ra đa hàng hải như FURUNO, JRC, KODEN là các nhà cung cấp hàng đầu với những dòng sản phẩm ra đa công nghệ cao được sản xuất và cung cấp theo yêu cầu của người dùng, cho mục đích dân sự và quân sự. Các ra đa thế hệ mới không chỉ có ưu thế về giải pháp công nghệ, tính năng ưu việt mà còn cạnh tranh về giá. Một tổ hợp ra đa quân sự dùng cho mục đích cảnh giới biển của hãng Thales có giá trên dưới 3 triệu USD; dòng ra đa chuyên dụng SBS-900 của Kenvil Hughes loại một băng tần (X, S) hoặc 2 băng tần (X và S) với đầy đủ yếu tố công nghệ của ra đa quân sự (máy phát bán dẫn, nén xung kỹ thuật số, chọn tần linh hoạt đa tần số, xử lý đốp-lơ ...) có giá chào từ 300 - 700 nghìn USD. Đối với dòng ra đa hàng hải FURUNO, JRC, TOKYO KEIKI, KODEN có giá dao động từ 10-40 nghìn USD một bộ; thậm chí loại ra đa hàng hải cỡ nhỏ KODEN, Raymarine chỉ có giá từ 2-3 nghìn USD. Nghĩa là không chỉ giá thành rẻ và còn được bảo đảm cả về chất lượng. Đây quả là một bài toán khó và là một thách thức lớn đối với các cơ sở nghiên cứu, sản xuất ra đa non trẻ hiện nay. 3. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT RA ĐA TRONG NƯỚC Viện Ra đa - Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Viện Tích hợp hệ thống - Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân (VKT PK- KQ) – Quân chủng PK-KQ là các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu cải tiến, nâng cấp và hiện đại hóa các tổ hợp ra đa cho Quân chủng PK-KQ. Kết quả của các đề tài nghiên cứu khi được ứng dụng đã cho phép kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng, độ tin cậy và hiện đại hóa các đài ra đa cảnh giới phòng không: P- 12, P-15, PRV-16, P-18, P-19, P-35, P-37. Trong số này, tổ hợp ra đa cảnh giới tầm trung sóng mét VRS-M2D (phiên bản cải tiến từ nguyên mẫu ra đa P12/P18) và tổ hợp ra đa cảnh giới bắt thấp VRS-2DM (phiên bản cải tiến từ nguyên mẫu ra đa P15/P19) là các sản phẩm công nghệ được đánh giá cao, đây chính là thành quả của dự án nghiên cứu, cải tiến, sản xuất mới ra đa do VKT PK-KQ và Viettel hợp tác thực hiện. Trong lĩnh vực sản xuất ra đa, cũng không thể không nhắc đến sự thành công của dự án hợp tác nghiên cứu, sản xuất đài ra đa cảnh giới phòng không 2 tọa độ RV-01 (dựa theo mẫu cơ sở là ra đa Vostok-E) do VKT PK-KQ và đối tác Kỹ thuật siêu cao tần & Ra đa C. X. Thá, N. Tr. Kiên, “Đôi điều suy nghĩ về sản xuất ra đa tại Việt Nam.” 20 Belarus thực hiện. Trên cơ sở ra đa RV-01, VKT PK-KQ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, gia công chế tạo ở hầu hết các khâu và đã chủ động sản xuất thành công đài ra đa cảnh giới phòng không RV-02. Cũng trong lĩnh vực này, Viện Ra đa/Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành dự án "Nghiên cứu thiết kế, chế thử mẫu trạm ra đa thụ động định vị mục tiêu theo phương pháp TDOA". Mẫu thử tổ hợp ra đa thụ động mang ký hiệu RTh với cấu hình 4 trạm định vị (3 trạm thu kế bên và 1 trạm thu kiêm trung tâm xử lý tín hiệu) đã nghiệm thu năm 2014 với kết quả được đánh giá khả quan. Đối với lực lượng ra đa Hải quân, kết quả đạt được chủ yếu trong nghiên cứu, chế tạo các khối đơn bằng công nghệ mới để thay thế tương đương hoặc cải tiến, hiện đại hóa từng phần theo tuyến, khâu chức năng của một đài ra đa cụ thể; nổi bật hơn cả là kết quả cải tiến bán dẫn hóa tuyến thu, xử lý số tín hiệu cho các đài ra đa thế hệ cũ đặt trên tàu chiến đấu và trạm ra đa bờ. Đối với nội dung sản xuất ra đa, Viện Ra đa đã căn bản hoàn thành các đề tài nền xác định giải pháp kỹ thuật, công nghệ và chế tạo được mẫu thử đài ra đa băng tần X kí hiệu BR12. Kết quả nghiên cứu là tiền đề quan trọng, khẳng định tính khả thi của dự án sản xuất ra đa cảnh giới biển cỡ nhỏ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng chung mục đích này, Viện Tích hợp hệ thống, Học viện Kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công mẫu thử ra đa 2 tọa độ máy phát bán dẫn, hoạt động ở băng tần X mang kí hiệu HR2D-HQ-01. Quá trình kiểm tra thử nghiệm bước đầu cho thấy ra đa có khả năng phát hiện và bám được mục tiêu cỡ nhỏ như xuồng cao tốc. Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia, mẫu thử ra đa này có tiềm năng phát triển, hoàn thiện để chế tạo ra đa sử dụng cho mục đích dẫn đường hàng hải và cảnh giới biển tầm gần. Những thành quả được cho thấy, lực lượng làm công tác nghiên cứu ra đa đang từng bước trưởng thành và trong tương lai có thể độc lập, tự chủ trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo ra đa. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích, các kết quả mà chúng ta đã đạt vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn, cụ thể là: - Quá trình thiết kế: Việc lựa chọn giải pháp, xác định chỉ tiêu chiến - kỹ thuật của đài ra đa thường vẫn phải dựa vào các mẫu thiết kế có sẵn hoặc sao chép theo một nguyên mẫu cụ thể. Khả năng tổng hợp độc lập để giải quyết các nhiệm vụ thực tế còn rất hạn chế. - Quá trình sản xuất: Các kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất chủ yếu là chế tạo các mô-đun, đơn khối để thay thế tương đương và một số phần mềm ứng dụng chuyên biệt. Trong lĩnh vực siêu cao tần, khả năng tự chủ về công nghệ để chế tạo các thiết bị có kết cấu phức tạp, các vật liệu dẫn, cách điện cao áp, vật liệu từ tính, vật liệu trong suốt điện từ; các cấu trúc cơ - điện tử đòi hỏi độ chính xác cao cũng còn rất hạn chế. Sản phẩm tạo ra, nhất là các sản phẩm tự thiết kế sản xuất thường có kết cấu, hình thức không đẹp mắt, thiếu chuyên nghiệp; có sản phẩm còn được thiết kế chắp vá thiếu đồng bộ, linh phụ kiện và dây dẫn bên trong được bố trí thiếu hợp lý, không theo qui cách, tính chuyên môn không cao. - Quá trình kiểm tra, thử nghiệm: Việc kiểm tra, đánh giá tham số chỉ tiêu thường chưa được thực hiện bài bản, số liệu thu được chủ yếu từ kết quả tính toán lý thuyết và kết quả đo trong phòng thử tại nơi sản xuất. Đối với các hệ thống Những vấn đề chung Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Đặc san Ra đa, 08 - 2016 21 anten, việc kiểm tra đánh giá tham số (độ rộng búp sóng, giản đồ hướng, vùng bức xạ, ...) còn nhiều bất cập do không đủ trang thiết bị, phương tiện và môi trường thực hiện như phòng thử, trường thử. Quá trình thử nghiệm, thu thập dữ liệu tại thực địa làm căn cứ đánh giá chất lượng và độ tin cậy của thiết bị thường chưa đúng qui trình, đủ thời gian vì vậy kết quả đánh giá còn thiếu chuẩn xác. Bức tranh tổng thể về tình hình nghiên cứu, sản xuất ra đa trong nước những năm qua cho thấy, chúng ta hiện vẫn còn chưa đạt trên nhiều khâu, vẫn còn nhiều vướng mắc trong giải quyết các vấn đề kỹ thuật và công nghệ, cụ thể là: Trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo, về căn bản chưa đủ năng lực làm chủ công nghệ chế tạo các phụ tùng, thiết bị kỹ thuật công nghệ cao như các tổ hợp cao tần có cấu trúc phức tạp và yêu cầu cao về kỹ thuật (hốc cộng hưởng, chuyển hướng ống sóng, giao liên cao tần, các bộ phối ghép siêu cao tần, ...); các cấu trúc cơ - điện tử yêu cầu độ chính xác cao, khả năng cách - dẫn điện cao áp, độ từ tính, độ trong suốt sóng điện từ. Một số linh kiện, vật liệu có thể sản xuất được trong nước thì đa phần có chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, với các dải tần số từ băng tần X trở lên, vấn đề tính toán phối ghép tín hiệu, cộng công suất, phân chia công suất và hiệu chuẩn đồng bộ pha tín hiệu cho các bộ cộng công suất thường rất khó khăn, nhất là phải thực hiện trong điều kiện không có đủ công cụ, trang bị cần thiết và thiếu chuyên gia. Trong lĩnh vực xử lý tín hiệu, bài toán phát hiện và bám mục tiêu có dấu vết nhỏ, nhất là đối với mục tiêu trên biển đã và sẽ vẫn là một thách thức không chỉ đối với giới chuyên môn trong nước. Khác với xử lý mục tiêu trên không (tốc độ cơ động nhanh, số lượng không nhiều), việc xử lý mục tiêu trên biển thường phải thực hiện trong điều kiện địa hình, thời tiết biển không thuận lợi, số lượng mục tiêu phải xử lý tại một trạm ra đa thường lớn, có thể từ 500-1000. Quá trình xử lý chống nhiễu, lọc mục tiêu trên nền nhiễu sóng biển (xử lý lọc doppler, triệt nhiễu sóng biển, loại trừ mục tiêu giả, ...) thường không đơn giản. Việc dung hòa giữa các tiêu chuẩn và ngưỡng phát hiện, ngưỡng triệt nhiễu để không nhầm lẫn hoặc bỏ sót mục tiêu; việc phát hiện và bám các mục tiêu nhỏ, di chuyển chậm với hành trình cơ động lắt léo, tín hiệu phản xạ về không ổn định vẫn là bài toán khó. Việc hợp nhất dữ liệu mục tiêu từ nhiều nguồn (ra đa, AIS); việc quản lý, lưu trữ dữ liệu mục tiêu với số lượng đến hàng chục nghìn tại các trung tâm xử lý cũng không phải là vấn đề dễ dàng giải quyết. Về vấn đề thử nghiệm, như đã nói ở trên, do điều kiện khó khăn về công cụ, phương tiện đo kiểm, phương tiện hỗ trợ (tàu thuyền, mục tiêu mẫu) và môi trường thử nghiệm nên quá trình thử nghiệm, kiểm tra đánh giá độ tin cậy và chất lượng sản phẩm thường không được thực hiện đúng qui trình, đủ nội dung và thời gian cần thiết vì vậy kết quả đánh giá thường chưa sát thực tế. Về lực lượng, chúng ta vẫn còn thiếu các kỹ thuật viên lành nghề, kỹ sư bậc cao, nghiên cứu viên cao cấp và nhất là còn thiếu các tổng công trình sư dày dặn kinh nghiệm và đủ sức thu hút, tập trung lực lượng để cùng giải quyết các vấn đề chung. Việc đầu tư cho các đề tài, dự án vẫn còn dàn trải, thiếu sự phối hợp, gắn kết giữa các lực lượng, giữa cơ quan nghiên cứu và cơ sở sản xuất, giữa người thiết kế và người sử dụng, vì vậy không tận dụng và phát huy được hết các nguồn lực sẵn có. Kỹ thuật siêu cao tần & Ra đa C. X. Thá, N. Tr. Kiên, “Đôi điều suy nghĩ về sản xuất ra đa tại Việt Nam.” 22 4. ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT RA ĐA Để đạt đến mục tiêu nội địa hóa việc sản xuất các sản phẩm ra đa, chúng ta cần phải có thêm thời gian để tiếp thu công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo dựng đủ nguồn và lực. Trước hết cần phải bổ sung nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm và sâu sát thực tế. Các cơ sở nghiên cứu cần đầu tư xây dựng các phòng máy, nhà xưởng và các trang bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thiết kế, chế thử, kiểm tra, hiệu chuẩn các sản phẩm công nghệ trước khi triển khai thử nghiệm tại thực địa. Cần tiếp tục các chương trình hợp tác nghiên cứu và liên kết sản xuất với các đối tác nước ngoài để tạo cơ hội học hỏi về chuyên môn khoa học kỹ thuật, công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Các chương trình hợp tác còn là nơi cho chúng ta thể hiện năng lực, tạo dựng niềm tin với đối tác, bạn hàng và nhờ đó việc chia sẻ thông tin và trợ giúp từ phía đối tác sẽ cởi mở và hiệu quả hơn. Đối với dự án mua sắm và chuyển giao công nghệ, nên chọn các hạng mục chuyển giao vừa khả năng đầu tư, phù hợp với trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện tại và xu thế phát triển trong tương lai gần. Có thể đầu tư chuyển giao từng phần (thu, phát, xử lý tín hiệu), hoặc hợp tác sản xuất kiểu liên kết sản xuất, lắp ráp tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất trong nước; một số hạng mục có thể chọn để sản xuất bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ như: sản xuất các anten chấn tử, hệ thống nguồn điện, hoặc gia công khung, vỏ máy và bao gói. Đối với các đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất ra đa trong nước không nên đầu tư dàn trải theo kiểu "người người nghiên cứu, nhà nhà sản xuất", nên đặt hàng và đầu tư phân nhiệm theo sở trường, sở đoản của từng cơ quan, đầu mối để hướng đến một mục tiêu chung. Nội dung nghiên cứu phải hướng đến các nhiệm vụ cụ thể với tiêu chí cụ thể, tránh tình trạng sản phẩm nghiên cứu, nghiệm thu xong chỉ để trưng bày, báo cáo thành tích rồi sau đó cất vào kho. Mục tiêu nghiên cứu nên được đặt ra vừa sức, phù hợp với điều kiện hạ tầng cơ sở, tránh đi tắt đón đầu kiểu đốt cháy giai đoạn. Giải pháp nghiên cứu cần phải toàn diện và đồng bộ, sản phẩm tạo ra phải có chất lượng cả nội dung và hình thức, tránh sao chép. Kết quả phải được phản ánh đúng thực chất, không khuếch trương quá mức thực tế để tránh lầm tưởng, ngộ nhận chủ quan. Quá trình sản xuất ra đa trên thế giới đều đã được chuyên biệt hóa theo từng loại ra đa, từng khâu và từng công đoạn. Sản phẩm ra đa của các hãng cạnh tranh nhau chủ yếu về giải pháp công nghệ, kỹ thuật gia công xử lý tín hiệu và khả năng nối ghép mạng; những phần còn lại như: môtơ động lực, thiết bị cảm biến, bộ chuyển hướng (circulator), khớp quay (rotary joint), chuyển đổi phân cực (polarized switch), bộ hạn chế (limiter), tổ hợp cao tần thu (MIC-Assy, front-end), đèn từ, bộ khuếch đại bán dẫn (solid-state amplifier), ... là các sản phẩm phổ dụng sẵn có trên thị trường. Đối với Việt Nam, với điều kiện hạ tầng cơ sở, trình độ công nghệ và nhân lực hiện nay, sẽ là phù hợp nếu tập trung đầu tư nghiên cứu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để chế tạo các sản phẩm ra đa hoạt động trong dải tần thấp (L, UHF, VHF và HF). Vì với các dải tần thấp, việc thiết kế, chế tạo các thiết bị cao tần, các tổ hợp khuếch đại công suất lớn tại các cơ sở ở trong nước sẽ có tính khả Những vấn đề chung Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số Đặc san Ra đa, 08 - 2016 23 thi hơn. Ðối với ra đa hoạt động trong dải tần số cao hơn, nên lựa chọn giải pháp tích hợp hệ thống và chuyên sâu phát triển, hoàn thiện kỹ thuật gia công và xử lý tín hiệu, nhất là để giải quyết triệt để bài toán phát hiện và bám mục tiêu trên biển. Đối với việc sản xuất các loại ra đa cỡ nhỏ hoạt động trong dải tần số cao (băng C, X trở lên), phần anten nên lựa chọn giải pháp công nghệ mạch dải (microstrip). Đây là giải pháp công nghệ đang rất phổ biến, cho phép đơn giản hóa quá trình tính toán, thiết kế và gia công sản xuất. Công nghệ mạch dải cũng cho phép tạo ra các sản phẩm anten có độ lợi cao, kích thước nhỏ gọn và chi phí sản xuất thấp. 5. KẾT LUẬN Những thành công mà chúng ta đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất ra đa ở trong nước những năm vừa qua mặc dù vẫn còn rất khiêm tốn so với thế giới và khu vực, nhưng chúng ta vẫn có thể hy vọng và tin tưởng rằng, với hướng đi đúng và bước đi phù hợp, trong tương lai không xa, mục tiêu sản xuất ra đa trong nước tiếp cận tiêu chuẩn công nghệ thế giới sẽ trở thành hiện thực. Các sản phẩm ra đa nội sẽ được sản xuất hàng loạt, sử dụng rộng rãi trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu về trang bị và khả năng tự chủ bảo đảm trang bị khí tài phục vụ nhiệm vụ Quốc phòng, An ninh, bảo đảm an toàn hàng hải và mang lại hiệu quả cao, góp phần tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Hoàng Thọ Tu, Cơ sở xây dựng đài ra đa cảnh giới, HKTQS, Hà Nội, (2003). [2]. Kelvin Hughes, Solid state navigation and situation awareness radar (2014). [3]. John N.Briggs, Target detection by marine radar, institution of engineering and technology (IET), (2004). [4]. Aadil Volkwin, Suitability of a Commercial Software Defined Radio System for Passive Coherent Location, Master of Science in Engineering, University of Cape Town, (2008). [5]. S.Costanzo, F.Spadafora, A.Borgia, H.O. Moreno, A.Costanzo, and G.DiMassa, High Resolution Software Defined Radar System for Target Detection, Journal of Electrical and Computer Engineering, (2013). [6]. Jung-Ryul Park & Gue-chol Kim, Fan-Beam Microstrip Array Antenna for X- B and Radar, International Journal of KIMICS, Vol.9, No.5, October (2011). [7]. Arnab Das, Bipa Datta, Samiran Chatterjee, Moumita Mukherjee, Santosh Kumar Chowdhury, Multi-resonant Slotted Microstrip Antenna for C, X and Ku-Band Applications, IOSR Journal of Electrical and Electronics Engineering (IOSR-JEEE)-ISSN: 2278-1676 Volume 2, Issue 6 (2012). Nhận bài ngày 10 tháng 5 năm 2016 Hoàn thiện ngày 27 tháng 7 năm 2016 Chấp nhận đăng ngày 01 tháng 8 năm 2016 Địa chỉ: Phòng Ra đa, Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân; *Email: staffoffnavy@gmail.com.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3_tha_3016_2150196.pdf
Tài liệu liên quan