Đề tài Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế

Tài liệu Đề tài Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế: PHẦN MỞ ĐẦU 1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Hoạt động tín dụng là chức năng kinh tế hàng đầu của các ngân hàng để tài trợ cho chi tiêu của các doanh nghiệp, cá nhân và các cơ quan Chính phủ. Hoạt động tín dụng của ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với tình hình phát triển kinh tế tại địa phương ngân hàng phục vụ, bởi vì cho vay thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, tạo ra sức sống cho nền kinh tế. Hơn nữa, thông qua các khoản cho vay của ngân hàng, thị trường sẽ có thêm thông tin về chất lượng tín dụng của từng khách hàng và nhờ đó giúp cho họ có khả năng nhận thêm các khoản tín dụng mới từ những nguồn khác với chi phí thấp hơn. Đối với hầu hết các ngân hàng, khoản mục cho vay chiếm quá nửa giá trị tổng tài sản và tạo ra từ 1/2 đến 2/3 nguồn thu của ngân hàng. Đồng thời, rủi ro trong hoạt động ngân hàng cũng có xu hướng tập trung vào danh mục các khoản cho vay. Tình trạng khó khăn về tài chính của một ngân hàng thường phát sinh từ các khoản cho vay khó đòi, bắt nguồn từ một ...

doc134 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1160 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Đề tài Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN MỞ ĐẦU 1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Hoạt động tín dụng là chức năng kinh tế hàng đầu của các ngân hàng để tài trợ cho chi tiêu của các doanh nghiệp, cá nhân và các cơ quan Chính phủ. Hoạt động tín dụng của ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với tình hình phát triển kinh tế tại địa phương ngân hàng phục vụ, bởi vì cho vay thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp, tạo ra sức sống cho nền kinh tế. Hơn nữa, thông qua các khoản cho vay của ngân hàng, thị trường sẽ có thêm thông tin về chất lượng tín dụng của từng khách hàng và nhờ đó giúp cho họ có khả năng nhận thêm các khoản tín dụng mới từ những nguồn khác với chi phí thấp hơn. Đối với hầu hết các ngân hàng, khoản mục cho vay chiếm quá nửa giá trị tổng tài sản và tạo ra từ 1/2 đến 2/3 nguồn thu của ngân hàng. Đồng thời, rủi ro trong hoạt động ngân hàng cũng có xu hướng tập trung vào danh mục các khoản cho vay. Tình trạng khó khăn về tài chính của một ngân hàng thường phát sinh từ các khoản cho vay khó đòi, bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau : quản lý yếu kém, cho vay không tuân thủ đúng nguyên tắc tín dụng, chính sách cho vay không hợp lý và tình trạng suy thoái ngoài dự kiến của nền kinh tế… Điểm lại danh sách các ngân hàng thương mại đã từng bị đổ bể, bị thu hồi giấy phép hoặc buộc phải sáp nhập tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy nguyên nhân đều do không gánh chịu nổi hậu quả của các khoản nợ xấu. Do đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Thực trạng hoạt động tín dụng ngân hàng thời gian gần đây tuy đã có những thay đổi tích cực theo hướng hội nhập quốc tế song năng lực cạnh tranh vẫn còn rất hạn chế về nhiều mặt và ngày càng phải đối mặt với những thách thức đáng lo ngại từ phía các ngân hàng nước ngoài. Những cam kết về mở cửa thị trường đang cuốn hệ thống ngân hàng Việt Nam vào dòng chảy cải cách, trở thành một trong những định hướng quan trọng nhất cho việc xây dựng chiến lược hoạt động của các ngân hàng. Trong đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nói chung và Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Vì vậy, việc nghiên cứu, xem xét một cách tổng quát và đầy đủ tình hình hoạt động tín dụng và chất lượng hoạt động tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế trong thời gian qua đồng thời đối chiếu với các yêu cầu đưa ra trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết của Việt Nam để đề xuất những giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết. Vì vậy, tôi đã lựa chọn đề tài “ Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế ” làm nội dung cho đề tài tốt nghiệp. 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI Trên cơ sở lý luận về hoạt động tín dụng ngân hàng, đề tài đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế. Để thực hiện mục tiêu tổng quát trên, đề tài nhằm giải quyết những mục tiêu cụ thể sau : - Hệ thống hoá các vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động tín dụng Ngân hàng, các chỉ tiêu đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng. - Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế. - Đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế. 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 3.1. Đối tượng nghiên cứu Với phạm vi của một luận văn thạc sỹ, đề tài sẽ chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản về chất lượng hoạt động tín dụng trên một số nội dung cơ bản là các vấn đề liên quan chất lượng hoạt động tín dụng ngân hàng, các nhân tố ảnh hưởng, điều kiện phát triển ở Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng trong thời kỳ hội nhập. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi không gian: tình hình hoạt động tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế. - Phạm vi thời gian: đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản về chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế, các tài liệu phục vụ đánh giá thực trạng được thu thập trong khoảng thời gian từ 2004 đến 2006. 4. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI Chất lượng hoạt động tín dụng ngày càng được xem là yếu tố sống còn, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một Ngân hàng Thương mại, đặc biệt là trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Vì thế, việc xem xét, đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng để có những giải pháp thích hợp là hết sức cần thiết, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn đối với tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế. 5. KẾT CẤU NỘI DUNG CỦA ĐỀ TÀI Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, đề tài gồm có 4 chương : Chương 1 : Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động tín dụng và chất lượng hoạt động tín dụng. Chương 2 : Đặc điểm đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Chương 3 : Thực trạng và chất lượng hoạt động tín dụng tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế. Chương 4 : Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế. CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG VÀ CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG 1.1. TÍN DỤNG NGÂN HÀNG TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG 1.1.1. Khái niệm tín dụng ngân hàng Tín dụng đã ra đời từ lâu và trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều hình thức khác nhau, vậy tín dụng là gì? Tín dụng là một khái niệm đã tồn tại từ rất lâu đời trong xã hội loài người. Tín dụng theo nghĩa La tinh là Creditim, có nghĩa là sự tín nhiệm, sự tin tưởng. Tên gọi này xuất phát từ bản chất của quan hệ tín dụng. Trong quan hệ tín dụng người cho vay sẽ cho người cần vốn vay theo các điều kiện đã được thoả thuận trước như thời gian cho vay, thời gian vay và hoàn trả, lãi suất tín dụng...Trong quan hệ đó người cho vay tin tưởng rằng người đi vay sẽ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng các thoả thuận, làm ăn có lãi và có khả năng hoàn trả đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn. Mặc dù có thể diễn giải tín dụng bằng những từ ngữ khác nhau, song chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản nhất, tín dụng là quan hệ vay mượn trên nguyên tắc hoàn trả cả vốn lẫn lãi giữa người đi vay và người cho vay. Có thể định nghĩa tín dụng ngân hàng như sau: Tín dụng ngân hàng là quan hệ bằng tiền tệ giữa một bên là ngân hàng, một tổ chức chuyên kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ với một bên là các tổ chức, cá nhân trong xã hội, trong đó ngân hàng đóng vai trò vừa là người đi vay vừa là người cho vay [38]. Trong nền kinh tế thị trường, ngân hàng thương mại là người cho vay lớn nhất đối với các tổ chức kinh tế và dân cư. Với tư cách là tổ chức huy động để cho vay, ngân hàng đã góp phần đáp ứng nhu cầu vốn của các tổ chức kinh tế, các thương nhân giúp họ có thêm vốn để bổ sung vào hạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng được cơ hội kinh doanh, tăng lợi nhuận cho chính mình. Là người huy động vốn, ngân hàng sẽ thực hiện việc tìm kiếm, và thu hút vốn từ các tổ chức kinh tế trong phạm vi toàn xã hội, là người cho vay, ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu thiếu vốn cần được bổ sung trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Với vai trò này, tín dụng ngân hàng đã thực hiện chức năng phân phối lại vốn tiền tệ để đáp ứng yêu cầu tái sản xuất xã hội. Cơ sở khách quan để hình thành chức năng phân phối lại vốn tiền tệ của tín dụng ngân hàng là do đặc điểm tuần hoàn vốn trong quá trình tái sản xuất xã hội đã thường xuyên xuất hiện hiện tượng tạm thời thừa vốn ở các tổ chức cá nhân này, trong khi các tổ chức cá nhân khác lại có nhu cầu vốn. Hiện tượng thừa thiếu vốn phát sinh do có sự chênh lệch về thời gian, số lượng giữa các khoản thu nhập và chi tiêu ở tất cả các tổ chức cá nhân trong quá trình tái sản xuất đòi hỏi phải được tiến hành liên tục. Tín dụng thương mại đã không giải quyết được vấn đề này, chỉ có ngân hàng là tổ chức chuyên kinh doanh tiền tệ mới có khả năng giải quyết mâu thuẫn đó khi ngân hàng giữ vai trò vừa là người đi vay vừa là người cho vay. Có ba loại quan hệ chủ yếu trong quan hệ tín dụng ngân hàng, bao gồm: - Quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp. - Quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với dân cư. - Quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với các ngân hàng khác trong và ngoài nước. Ngày nay, tín dụng ngân hàng đã và đang là nhân tố thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, điều tiết và di chuyển vốn, tăng thêm tính hiệu quả của vốn tiền tệ trong nền kinh tế thị trường. 1.1.2. Bản chất của tín dụng ngân hàng Tín dụng ngân hàng mang bản chất chung của tín dụng, vì tín dụng ngân hàng là một hình thức của tín dụng. Để thấy rõ bản chất của tín dụng ta hãy xem xét quá trình vận động và mối quan hệ của nó trong quá trình tái sản xuất, thể hiện qua các giai đoạn: - Phân phối tín dụng dưới hình thức cho vay: giai đoạn này vốn tiền tệ từ trung gian tài chính là các ngân hàng được chuyển sang người đi vay. - Sử dụng vốn: người đi vay sau khi nhận được quyền sử dụng lượng giá trị đó sẽ sử dụng cho các mục đích khác nhau như tiêu dùng hay sản xuất. Tuy nhiên tiền tệ là một loại hàng hoá đặc biệt, do đó người đi vay chỉ có quyền sử dụng tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định chứ không có quyền sở hữu nó. - Hoàn trả tín dụng: đây là giai đoạn kết thúc để hoàn thành một chu trình quay vòng vốn, vốn tín dụng lại quay trở lại hình thức tín dụng ban đầu có thêm phần giá trị tăng thêm, người vay phải đảm bảo hoàn trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Như vậy, hoàn trả là bản chất của tín dụng nói chung cũng như của tín dụng ngân hàng nói riêng. Hoàn trả tín dụng là sự quay trở về của giá trị. Hoàn trả phải luôn được bảo tồn về mặt giá trị và có phần tăng thêm dưới hình thức lợi tức. 1.1.3. Vai trò của tín dụng ngân hàng trong nền kinh tế thị trường 1.1.3.1. Vai trò của tín dụng đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng Hoạt động tín dụng là hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại, nó quyết định sự tồn tại và phát triển của một ngân hàng trong nền kinh tế thị trường. Hoạt động tín dụng mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho một ngân hàng thương mại. Trong nền kinh tế thị trường, ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, là trung gian chuyển vốn từ người có vốn tạm thời nhàn rỗi sang người thiếu vốn để đầu tư. Ngay từ buổi ban đầu, hoạt động của ngân hàng thượng mại đã tập trung chủ yếu vào nghiệp vụ nhận tiền gửi và cho vay để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về vốn của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Trong quá trình phát triển, mặc dù môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, nhiều phương pháp, sản phẩm mới, công cụ kinh doanh mới xuất hiện và được ứng dụng vào kinh doanh song hoạt động tín dụng vẫn luôn là hoạt động cơ bản, chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ các hoạt động của ngân hàng thương mại. Hoạt động cho vay thường chiếm trên 70% tổng tài sản có. Lợi nhuận thu được từ hoạt động tín dụng thường chiếm tỷ lệ cao, ở các nước phát triển chiếm khoảng 60% trên tổng lợi nhuận của ngân hàng, ở nước ta trong giai đoạn hiện nay chiếm khoảng 90% lợi nhuận. Điều này thể hiện rõ hoạt động tín dụng là hoạt động quan trong bậc nhất của một ngân hàng thương mại. Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, hoạt động tín dụng ngày càng được phát triển một cách đa dạng với sự tham gia của nhiều chủ thể kinh tế, theo đó quan hệ tín dụng cũng được mở rộng cả về đối tượng và quy mô làm cho hoạt động tín dụng ngân hàng càng đa dạng và phức tạp hơn. Hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động trong môi trường cạnh tranh hết sức gay gắt, ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để ngân hàng thương mại có thể đứng vững trong điều kiện cạnh tranh thị trường gay gắt và phục vụ nền kinh tế ngày càng tốt hơn, đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải đa dạng hoá hoạt động kinh doanh của mình, mở rộng phạm vi hoạt động, nghiên cứu và đưa nhiều sản phẩm mới vào phục vụ khách hàng, và đặc biệt là nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng thích ứng tốt với tình hình mới. 1.1.3.2. Vai trò của tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế thị trường - Tín dụng ngân hàng huy động các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong tất cả các thành phần kinh tế để cho các doanh nghiệp, cá nhân vay, góp phần mở rộng sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Vốn là yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình hoạt động của mỗi tổ chức kinh tế. Khi có đủ vốn họ có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện các kế hoạch đầu tư sản xuất hay xây dựng cơ bản của mình, ngược lại khi thiếu vốn họ sẽ luôn gặp khó khăn trong các quyết định kinh tế, khi có vốn tạm thời nhàn rỗi họ cũng mất chi phí cơ hội của vốn. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần vốn phải tìm kiếm nguồn vốn để bù đắp, những doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi lại muốn cho vay. Tuy nhiên việc các tổ chức thiếu vốn tìm được chủ thể khác thừa vốn tạm thời trong nền kinh tế là hết sức khó khăn và tốn kém. Sự có mặt của tín dụng ngân hàng được coi như là một công cụ để kết nối nhu cầu của người có vốn tạm thời nhàn rỗi và người thiếu vốn. Lợi tức đi vay và cho vay của ngân hàng luôn là công cụ điều chỉnh các quan hệ cung cầu vốn tín dụng. Nhờ có ngân hàng mà vốn tiền tệ được vận động một cách liên tục, điều đó vừa làm tăng khả năng tích luỹ tư bản của các ngân hàng, vừa thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế nhờ vào nguồn thu từ việc cấp tín dụng của ngân hàng. - Tín dụng ngân hàng góp phần cơ cấu lại nền kinh tế Trong nền kinh tế thường tồn tại các ngành có trạng thái phát triển đối lập nhau, một số ngành do có điều kiện thuận lợi và có lịch sử lâu dài có thể phát triển tốt với nhiều thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngược lại một số ngành do nhiều nguyên nhân khác nhau nên kém phát triển. Trong chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của quốc gia, nhiều quốc gia đã thực hiện phân loại những ngành kinh tế mũi nhọn và những ngành kinh tế kém phát triển để có kế hoạch đầu tư nhằm cân đối lại cơ cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Muốn thực hiện được kế hoạch đó cần phải có vốn và tín dụng ngân hàng góp phần đáp ứng điều đó. Ngân hàng cung cấp cho các ngành thực hiện đầu tư theo cả chiều rộng và chiều sâu, hình thành các ngành sản xuất mũi nhọn, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và khai thác triệt để các nguồn lực, điều này thể hiện qua việc cấp tín dụng cho các dự án, chương trình phát triển để khuyến khích đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển cơ cấu kinh tế. - Tín dụng ngân hàng tác động có hiệu quả tới sản xuất, thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường Trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ, doanh nghiệp cần vốn đầu tư máy móc thiết bị và luôn phải đổi mới công nghệ. Tín dụng ngân hàng đáp ứng được yêu cầu đó với điều kiện phải hoàn trả cả vốn vay và lãi; nếu vi phạm hợp đồng tín dụng, doanh nghiệp phải chịu phạt như chịu lãi suất nợ quá hạn cao, mất quyền sử dụng tài sản thế chấp...Do vậy, doanh nghiệp luôn phải nâng cao hiệu quả sản xuất, cạnh tranh trên thị trường để kinh doanh có lãi, thu hồi vốn đầu tư trả nợ cho ngân hàng. - Tín dụng ngân hàng góp phần tích cực vào sự phát triển các công ty cổ phần Để thành lập công ty cổ phần đòi hỏi phải có một số vốn ban đầu do các cổ đông đóng góp và ngân hàng có thể là một cổ đông lớn. Trong quá trình hoạt động, việc phát hành cổ phiếu thông qua ngân hàng là một biện pháp hữu hiệu, tiết kiệm được một phần chi phí và thời gian . - Tín dụng ngân hàng tạo điều kiện cho việc phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại Trong điều kiện hiện nay, các nước đều thực hiện nền kinh tế mở, nên nhu cầu giao lưu kinh tế với các nước khác là rất cần thiết. Tín dụng ngân hàng là một phương tiện nối liền kinh tế các nước với nhau thông qua hoạt động đầu tư vốn xuyên quốc gia. Ngoài ra, muốn thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu thì phải có vốn và vốn tín dụng ngân hàng sẽ đáp ứng nhu cầu này kịp thời. Tín dụng ngân hàng có một vai trò rất lớn, không chỉ đối với ngân hàng mà còn đối với xã hội. Xã hội càng phát triển thì tín dụng ngân hàng càng trở nên cần thiết 1.1.4. Các hình thức tín dụng của Ngân hàng thương mại Đối với hầu hết các ngân hàng, khoản mục cho vay chiếm quá nửa giá trị tổng tài sản và tạo ra hầu hết nguồn thu của ngân hàng. Các loại hình cho vay cũng rất đa dạng, tuỳ thuộc vào tiêu thức phân loại và yêu cầu quản lý người ta có thể phân loại tín dụng thành nhiều hình thức khác nhau. 1.1.4.1. Theo mục đích vay vốn của khách hàng Các hình thức cho vay có thể chia thành: - Cho vay kinh doanh bất động sản: bao gồm các khoản cho vay xây dựng ngắn hạn và giải phóng mặt bằng cũng như các khoản cho vay dài hạn tài trợ cho việc mua đất canh tác, nhà, trung tâm thương mại và mua các tài sản nước ngoài. Đối với loại hình cho vay này ngân hàng được đảm bảo bằng chính tài sản thực: đất đai, toà nhà và các công trình khác. - Cho vay đối với các tổ chức tài chính: bao gồm các khoản tín dụng dành cho ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính và các tổ chức tài chính khác. - Cho vay nông nghiệp: Nhằm hỗ trợ người nông dân trong quá trình gieo trồng, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. - Cho vay công nghiệp và thương mại: nhằm giúp các doanh nghiệp trang trải những khoản chi phí như mua hàng nhập kho, mua sắm các máy móc thiết bị khác trong hoạt động kinh doanh... - Cho vay đối với các cá nhân: giúp tài trợ cho việc mua sắm các tài sản như ô tô, xe máy, nhà ở, hay các khoản tiêu dùng cá nhân cần thiết khác. - Các khoản cho vay khác: có thể là các khoản cho vay Chính phủ, cho vay Chính phủ nước ngoài, cho vay theo thương phiếu chấp nhận thanh toán của các ngân hàng khác... - Tài trợ thuê mua: đây là hình thức cấp tín dụng của ngân hàng cho khách hàng, là nghiệp vụ mà ngân hàng đảm nhận việc thanh toán tiền mua máy móc, thiết bị và giữ quyền sở hữu máy móc thiết bị đó; người thuê được quyền lựa chọn thiết bị phù hợp với nhu cầu kinh doanh và lắp đặt tại nơi tiến hành hoạt động kinh doanh của người thuê trong suốt thời hạn thuê, ngân hàng sẽ nhận được tiền từ người thuê đồng thời khi kết thúc hợp đồng thuê, bên đi thuê có thể mua lại tài sản đó theo giá bán được định trước khi ký kết hợp đồng thuê. 1.2.4.2. Theo loại tiền vay Các hình thức tín dụng được chia thành: - Cho vay bằng đồng bản tệ - Cho vay bằng đồng ngoại tệ. 1.1.4.3. Theo tài sản bảo đảm tiền vay - Tín dụng không có tài sản bảo đảm là loại tín dụng không cần tài sản thế chấp, cầm cố hoặc sự bảo lãnh của người thứ ba. - Tín dụng có tài sản bảo đảm là loại cho vay mà ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng phải có tài sản thế chấp, cầm cố, hoặc có người thứ ba đứng ra bảo lãnh. 1.1.4.4. Theo thời hạn sử dụng vốn vay Phân chia theo thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng vì thời gian liên quan mật thiết đến tính an toàn và sinh lợi của tín dụng cũng như khả năng hoàn trả của khách hàng. Chia thành: + Cho vay ngắn hạn + Cho vay trung hạn + Cho vay dài hạn - Tín dụng ngắn hạn: là những khoản tín dụng có thời hạn dưới 12 tháng và được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt vốn lưu động của các doanh nghiệp và các nhu cầu chi tiêu ngắn hạn của cá nhân. - Tín dụng trung hạn: Thời hạn của tín dụng trung hạn thường là không cố định. Trước đây thời hạn mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra đối với tín dụng trung hạn là từ một đến ba năm. Tuy nhiên hiện nay, để đáp ứng yêu cầu vay của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định thời hạn của tín dụng trung hạn là từ trên một năm đến năm năm. Việc nâng thời hạn tín dụng lên 5 năm đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp vì đối với một số tài sản cố định có thời hạn sử dụng tương đối dài nên cầu phải có thời gian đủ lớn doanh nghiệp mới có thể hoàn trả gốc và lãi cho Ngân hàng và sẽ giúp doanh nghiệp tránh rơi vào tình trạng nợ quá hạn. Trên thế giới, có những nước quy định với các nước khác trên thế giới thời hạn này lên tới 7 năm. Tín dụng trung hạn chủ yếu được sử dụng để mua sắm tài sản cố định, cải tạo hoặc đổi thiết bị, công nghệ, mở rộng kinh doanh, xây dựng các dự án mới có quy mô vừa và nhỏ phục vụ đời sống, sản xuất…Trong nông nghiệp, tín dụng trung hạn chủ yếu để đầu tư vào các đối tượng như máy cày, máy bơm nước, xây dựng các vườn cây công nghiệp như cà phê, điều… - Tín dụng dài hạn: là loại tín dụng mà thời hạn của nó dài hơn đối với tín dụng trung hạn. Loại tín dụng này được cung cấp để đáp ứng các nhu cầu dài hạn như xây dựng nhà ở, các thiết bị, các phương tiện vận tải có quy mô lớn, xây dựng các xí nghiệp, nhà máy lớn, các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… 1.2. CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG 1.2.1. Khái niệm chất lượng tín dụng ngân hàng Chất lượng sản phẩm, dịch vụ là một phạm trù rất rộngvà phức tạp, phản ánh tổng hợp các nội dung kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Do tính phức tạp của nó nên hiện nay có rất nhiều các quan niệm khác nhau về về chất lượng sản phẩm. Mỗi khái niệm đều có những cơ sở khoa học và nhằm giải quyết những mục tiêu, nhiệm vụ nhất định trong thực tế. Đứng trên các góc độ khác nhau và tuỳ theo mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp có thể đưa ra những quan niệm về chất lượng xuất phát từ người sản xuất, người tiêu dùng, từ sản phẩm hay từ đòi hỏi của thị trường. Quan điểm siêu việt cho rằng chất lượng là sự tuyệt vời và hoàn hảo nhất của sản phẩm. Khi nói đến sản phẩm có chất lượng, ví dụ nói về ô tô người ta nghĩ ngay tới những xe nổi tiếng của các hãng như Roll Royal, Toyota…Quan niệm này mang tính triết học, trừu tượng, khó xác định một cách chính xác nên nó chỉ có ý nghĩa đơn thuần trong nghiên cứu. Quan điểm xuất phát từ sản phẩm cho rằng chất lượng sản phẩm được phản ánh bởi các thuộc tính đặc trưng của sản phẩm đó. Chẳng hạn, theo quan niệm của Liên Xô (cũ) thì: “Chất lượng sản phẩm là tập hợp những tính chất của sản phẩm chế định tính thích hợp của sản phẩm để thoả mãn những nhu cầu xác định phù hợp với công dụng của nó”, hoặc một định nghĩa khác: “Chất lượng là một hệ thống đặc trưng nội tại của sản phẩm được xác định bằng những thông số có thể đo được hoặc so sánh được, những thông số này lấy ngay trong sản phẩm đó hoặc giá trị sử dụng của nó”. Quan niệm này đã đồng nghĩa chất lượng sản phẩm với số lượng các thuộc tính hữu ích của sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm có thể có nhiều thuộc tính hữu ích nhưng không được người tiêu dùng đánh giá cao [10]. Theo quan niệm của các nhà sản xuất thì chất lượng là sự hoàn hảo và phù hợp của một sản phẩm với một tập hợp các yêu cầu hoặc tiêu chuẩn, quy cách đã được xác định trước. Trong nền kinh tế thị trường, người ta đưa ra rất nhiều quan niệm khác nhau về chất lượng sản phẩm. Những khái niệm chất lượng này xuất phát và gắn bó chặt chẽ với các yếu tố cơ bản của thị trường như nhu cầu, cạnh tranh, giá cả,… Theo hiệp hội tiêu chuẩn Pháp thì chất lượng là năng lực của một sản phẩm hoặc một dịch vụ nhằm thoả mãn những nhu cầu của người sử dụng. Còn theo Philip Crosby – một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về quản lý chất lượng thì “Chất lượng là sự phù hợp với yêu cầu”, yêu cầu ở đây là yêu cầu của người tiêu dùng và người sản xuất. Còn theo tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hoá (ISO) trong bộ tiêu chuẩn ISO đã đưa ra định nghĩa chất lượng như sau: “Chất lượng là tổng thể các chỉ tiêu, những đặc trưng của nó, thể hiện được sự thoả mãn nhu cầu trong những biểu hiện tiêu dùng xác định, phù hợp với công dụng của sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn”. Trên cơ sở các quan niệm chất lượng ở trên ta có thể hiểu chất lượng tín dụng ngân hàng như sau: Chất lượng tín dụng ngân hàng là sự đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu của khách hàng trong quan hệ tín dụng, đảm bảo an toàn hay hạn chế rủi ro về vốn, tăng lợi nhuận của ngân hàng, phù hợp và phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội. - Xét trên góc độ hoạt động kinh doanh của ngân hàng thì chất lượng tín dụng là khoản tín dụng được bảo đảm an toàn, sử dụng đúng mục đích, phù hợp với chính sách tín dụng của ngân hàng, hoàn trả gốc và lãi đúng thời hạn, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng với chi phí nghiệp vụ thấp, tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường, làm lành mạnh các quan hệ kinh tế, phục vụ tăng trưởng và phát triển của ngân hàng. - Xét trên góc độ lợi ích của khách hàng thì khoản tín dụng có chất lượng là phù hợp với mục đích sử dụng của khách hàng với lãi suất và kỳ hạn hợp lý, thủ tục tín dụng đơn giản, thuận tiện, thu hút được nhiều khách hàng nhưng vẫn đảm bảo được nguyên tắc tín dụng. - Đối với nền kinh tế, khoản tín dụng có chất lượng phải hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, tiêu dùng hợp pháp, góp phần phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hoá, giải quyết công ăn việc làm, xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, khai thác khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn cho sản xuất, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. 1.2.2. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng tín dụng của các NHTM Trong kinh tế thị trường, hệ thống ngân hàng được ví như hệ thần kinh của toàn bộ nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng quốc gia hoạt động thông suốt, lành mạnh và hiệu quả là tiền đề để các nguồn lực tài chính luân chuyển, phân bổ và sử dụng có hiệu quả kích thích sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thì sản phẩm truyền thống, chủ yếu và đóng vai trò then chốt nhất đó là sản phẩm TDNH. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường thì rủi ro trong kinh doanh là không thể tránh khỏi mà đặc biệt là rui ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng có phản ứng dây truyền, lây lan và ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế và có thể lan rộng sang qui mô quốc tế. Không phải một cách ngẫu nhiên mà hoạt động của các ngân hàng luôn chịu sự kiểm soát khắt khe của các cơ quan quản lý của Chính phủ, mà sự quản lí này nhằm: - Đảm bảo sự an toàn cho khoản tiết kiệm của công chúng - Kiểm soát mức cung ứng tiền tệ và tín dụng, phục vụ cho mục tiêu chung của quốc gia như: tạo việc làm cao, tỉ lệ lạm phát thấp… - Bảo đảm sự bình đẳng và công khai trong việc tiếp cận với các khoản tín dụng và các dịch vụ tài chính của công chúng. - Tăng cường lòng tin của công chúng vào hệ thống tài chính, đảm bảo các khoản tiết kiệm được tập trung cho đầu tư sản xuất và đảm bảo quá trình thanh toán được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. - Ngăn chặn sự tập trung tiềm lực tài chính vào tay một số ít cá nhân hay tổ chức - Cung cấp cho chính phủ các khoản tín dụng, thuế và các dịch vụ tài chính khác. - Trợ giúp các khu vực của nền kinh tế có nhu cầu tín dụng đặc biệt như các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ, nông nghiệp… Qua đó ta thấy được tầm quan trọng của hoạt đông ngân hàng, cũng như hoạt động TDNH. Do đó, việc nâng cao chất lượng TDNH là đòi hỏi tất yếu của nền kinh tế và cũng là nhu cầu thiết thực của chính các NHTM. Đối với nền kinh tế : chất lượng tín dụng ngày càng được quan tâm bởi lẽ: - Đảm bảo chất lượng tín dụng là điều kiện để ngân hàng làm tốt vai trò trung tâm thanh toán: khi chất lượng tín dụng được đảm bảo sẽ tăng vòng quay vốn tín dụng, với một số lượng tiền như cũ có thể thực hiện số lần giao dịch lớn hơn, tạo điều kiện tiết kiệm tiền trong lưu thông và củng cố sức mua của đồng tiền. - Chất lượng tín dụng tạo điều kiện cho ngân hàng làm tốt chức năng trung gian tín dụng trong nền kinh tế: TDNH là cầu nối giữa tiết kiệm và đầu tư, góp phần điều hòa vốn trong nền kinh tế. Tăng cường chất lượng tín dụng đồng nghĩa với việc giảm thiểu lãng phí vốn do không sử dụng hết lượng tiền trong lưu thông giải quyết mối quan hệ về cung cầu vốn trên thị trường, điều hòa và ổn định lưu thông tiền tệ. - Chất lượng tín dụng góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ, tăng trưởng kinh tế và nâng cao uy tín quốc gia: Điều này là do hoạt động tín dụng của các NHTM có quan hệ chặt chẽ với khối lượng tiền mặt trong lưu thông, thông qua cho vay chuyển khoản thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, các NHTM có khả năng mở rộng tiền ghi sổ gấp nhiều lần so với thực tế có. Đó là nhờ khả năng tạo tiền của hệ thống ngân hàng, khối lượng tiền được mở rộng và đưa vào lưu thông có quyền thanh toán và chi trả như các phương tiện khác và có thể được chuyển thành tiền mặt- phương tiện lưu thông có tính lỏng cao nhất. Chính bởi lẽ đó tín dụng là nơi tiềm ẩn lạm phát. Đảm bảo chất lượng tín dụng tạo điều kiện cho NHTM cung cấp tổng phương tiện thanh toán phù hợp với yêu cầu của nền kinh tếtạo khả năng giảm bớt lượng tiền thừa, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ và tăng uy tín quốc gia bằng việc phát huy tác dụng của sản phẩm dịch vụ trong tương lai của các công trình đầu tư. Tín dụng là công cụ để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, theo lĩnh vực, theo địa phương. Bằng việc phân tích, đánh giá khả năng phát triển của các đối tượng kinh tế, khu vực kinh tế, kết hợp với nguồn tín dụng các quyết định đầu tư đúng đắn sẽ khai thác được khả năng tiềm tàng về tài nguyên, lao động … để tăng cường năng lực sản xuất,cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Nâng cao chất lượng tín dụng là góp phần tăng hỉệu quả sản xuất xã hội, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các ngành các vùng trong cả nước, ổn định và phát triển nền kinh tế. Chất lượng tín dụng góp phần lành mạnh hóa quan hệ tín dụng: hoạt động tín dụng được mở rộng với các thủ tục đơn giản, thuận tiện, đảm bảo nguyên tắc tín dụng góp phần cho vay đúng các đối tượng cần thiết, giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi chủ yếu hiện nay ở khu vực nông thôn và miền núi xa xôi. Với những vai trò quan trọng đó, để hoạt động tín dụng có chất lượng thì sự nỗ lực của riêng bản thân các NHTM thôi là vẫn chưa đủ. Sự ổn định của nền kinh tế với các cơ chế chính sách phù hợp, sự phối hợp nhịp nhàng và có hiệu quả giữa các cấp các ngành là điều cần thiết. Đối với mỗi NHTM, chất lượng tín dụng là yếu tố hàng đầu quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng đó vì: - Chất lượng tín dụng làm tăng khả năng cung cấp dịch vụ của các NHTM do tạo thêm nguồn vốn từ việc tăng vòng quay vốn tín dụng và thu hút được nhiều khách hàng, bởi lẽ sự phong phú và chất lượng của các sản phẩm dịch vụ tạo ra mọt hình ảnh, uy tín cho ngân hàng tạo ra những khách hàng trung thành với ngân hàng. - Chất lượng tín dụng gia tăng khả năng sinh lời của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng do giảm được sự chậm trễ, giảm chi phí nghiệp vụ, chi phí quản lý, các chi phí thiệt hại do không thu hồi được vốn đã cho vay và yêu cầu kiểm tra tối thiểu. - Chất lượng tín dụng cải thiện tình hình tài chính của ngân hàng, tạo thế mạnh của ngân hàng trong cạnh tranh. - Chất lượng tín dụng tạo thuận lợi cho sự tồn tại lâu dài của ngân hàng bởi vì chất lượng tín dụng cho phép ngân hàng có những khách hàng trung thành và những khoản lợi nhuận để bổ sung vào vốn đầu tư. - Chất lượng tín dụng củng cố mối quan hệ xã hội của ngân hàng bằng những điều kiện lao động tốt nhất. Trước sức ép của cạnh tranh, trước yêu cầu của hội nhập kinh tế với mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội và sự phát triển vững mạnh của hệ thống ngân hàng, việc không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng là sự cần thiết khách quan. 1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ngân hàng Có rất nhiều nhân tố tác động đến chất lượng tín dụng ngân hàng, nhưng gộp chung lại có thể phân thành 4 nhóm nhân tố chính sau: - Môi trường kinh tế - Môi trường pháp lý - Ngân hàng - Khách hàng 1.2.3.1. Nhóm nhân tố thuộc về môi trường kinh tế Khi nền kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tín dụng ngân hàng phát triển. Nền kinh tế ổn định, lạm phát thấp không có khủng hoảng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiến hành tốt, có hiệu quả mang lại lợi nhuận cao, doanh nghiệp hoàn trả được vốn vay ngân hàng cả gốc và lãi thì hoạt động tín dụng của ngân hàng phát triển, chất lượng tín dụng được nâng cao. Ngược lại trong thời kỳ suy thoái kinh tế, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, đầu tư, tiêu dùng giảm sút, lạm phát cao, nhu cầu tín dụng giảm, vốn tín dụng đã thực hiện cũng khó có thể sử dụng có hiệu quả hoặc trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Hoạt động tín dụng ngân hàng giảm sút về quy mô và chất lượng. Mức độ phù hợp giữa lãi suất ngân hàng với mức lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, lợi tức của ngân hàng thu được bị giới hạn bởi lợi nhuận của doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngân hàng, nên với mức lãi suất cao các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng không có khả năng trả nợ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và tới toàn bộ nền kinh tế nói chung. Hoạt động tín dụng ngân hàng lúc này không còn là đòn bẩy để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và chất lượng tín dụng cũng giảm sút. Ngoài ra những sự biến động về lãi suất thị trường, tỷ giá thị trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất của ngân hàng. Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á đã cho thấy sự mất giá của đồng nội tệ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tín dụng ngân hàng. 1.2.3.2. Nhóm nhân tố thuộc về môi trường pháp lý Môi trường pháp lý được hiểu là một hệ thống luật và văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động của ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng. Trong nền kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước, pháp luật có vai trò quan trọng, là một hàng rào pháp lý tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, Nhà nước, cá nhân công dân, bắt buộc các chủ thể phải tuân theo. Nhân tố pháp lý ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, đó là sự đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật, ý thức tôn trọng chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật và cơ chế đảm bảo cho sự tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh triệt để. Quan hệ tín dụng phải được pháp luật thừa nhận, pháp luật quy định cơ chế hoạt động tín dụng, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng lành mạnh, phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời duy trì hoạt động tín dụng được ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ tín dụng. Những quy định pháp luật về tín dụng phải phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở đó kích thích hoạt động tín dụng có hiệu quả hơn. Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, gây khó khăn cho ngân hàng khi kí kết thực hiện hợp đồng tín dụng. Luật ngân hàng còn nhiều sơ hở, chưa đồng bộ với các văn bản luật khác. Điều này ảnh hưởng đến việc quản lý chất lượng tín dụng của ngân hàng. Sự thay đổi chủ trương chính sách của Nhà nước cũng gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. Cơ cấu kinh tế, chính sách xuất nhập khẩu, do thay đổi đột ngột, gây xáo động trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, hay chưa có phương án sản xuất kinh doanh mới dẫn đến nợ quá hạn, nợ khó đòi, chất lượng tín dụng giảm sút. 1.2.3.3. Nhóm nhân tố thuộc về phía ngân hàng Đây là những nhân tố thuộc về bản thân, nội tại ngân hàng liên quan đến sự phát triển của ngân hàng trên tất cả các mặt ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng, gồm: chính sách, công tác tổ chức, trình độ lao động, quy trình nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát và trang thiết bị. - Chính sách tín dụng Là đường lối, chủ trương đảm bảo cho hoạt động tín dụng đi đúng quỹ đạo liên quan đến việc mở rộng hay thu hẹp tín dụng, nó có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của một ngân hàng. Một chính sách tín dụng đúng đắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng, đảm bảo khả năng sinh lời của hoạt động tín dụng. Bất cứ ngân hàng nào muốn có chất lượng tín dụng cao đều phải có chính sách tín dụng phù hợp với điều kiện của ngân hàng, của thị trường. - Công tác tổ chức của ngân hàng Khả năng tổ chức của ngân hàng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng. tổ chức ở đây bao gồm tổ chức các phòng ban, nhân sự và tổ chức các hoạt động trong ngân hàng. Ngân hàng có một cơ cấu tổ chức khoa học sẽ đảm bảo được sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cán bộ, nhân viên, các phòng ban trong ngân hàng, giữa các ngân hàng với nhau trong toàn bộ hệ thống cũng như với các cơ quan khác liên quan đảm bảo cho ngân hàng hoạt động nhịp nhàng, thống nhất có hiệu quả, qua đó sẽ tạo điều kiện đáp ứng kịp thời yêu cầu khách hàng, theo dõi quản lý chặt chẽ sát sao các khoản vốn huy động cũng như các khoản cho vay, từ đó nâng cao hiệu quả tín dụng. - Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi ngân hàng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động và khả năng tạo lợi nhuận của ngân hàng. Con người là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong quản lý vốn tín dụng nói riêng và hoạt động của ngân hàng nói chung. Kinh tế càng phát triển, các quan hệ kinh tế càng phức tạp, cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi trình độ của người lao động càng cao. Đội ngũ cán bộ ngân hàng có chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có đạo đức, có năng lực sẽ là điều kiện tiền đề để ngân hàng tồn tại và phát triển. Nếu chất lượng con người tốt thì họ sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ trong việc thẩm định dự án, đánh giá tài sản thế chấp, giám sát số tiền vay và có các biện pháp hữu hiệu trong việc thu hồi nợ vay, hay xử lý các tình huống phát sinh trong quan hệ tín dụng của ngân hàng giúp ngân hàng có thể ngăn ngừa, hoặc giảm nhẹ thiệt hại khi những rủi ro xảy ra trong khi thực hiện một khoản tín dụng. - Quy trình tín dụng Đây là những trình tự, những giai đoạn, những bước, công việc cần phải thực hiện theo một thủ tục nhất định trong việc cho vay, thu nợ, bắt đầu từ việc xét đơn xin vay của khách hàng đến khi thu nợ nhằm đảm bảo an toàn vốn tín dụng. Chất lượng tín dụng tuỳ thuộc vào việc lập ra một quy trình tín dụng đảm bảo tính logic khoa học và việc thực hiện tốt các bước trong quy trình tín dụng cũng như sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng giữa các bước. Quy trình tín dụng gồm ba giai đoạn chính: + Xét đề nghị vay của khách hàng và thực hiện cho vay. Trong giai đoạn này chất lượng tín dụng phụ thuộc nhiều vào công tác thẩm định khách hàng và việc chấp hành các quy định về điều kiện, thủ tục cho vay của ngân hàng. + Kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và theo dõi rủi ro. Việc thiết lập hệ thống kiểm tra hữu hiệu, áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp kiểm tra sẽ góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. + Thu nợ và thanh lý: sự linh hoạt của ngân hàng trong khâu thu nợ sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu được những rủi ro, hạn chế những khoản nợ quá hạn, bảo toàn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng. - Khả năng thu thập và xử lý thông tin Thông tin là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp trong kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt. Trong cạnh tranh ai nắm được thông tin trước là người có khả năng dành chiến thắng lớn hơn, với ngân hàng thông tin tín dụng hết sức cần thiết là cơ sở để xem xét, quyết định cho vay hay không cho vay và theo dõi, quản lý khoản cho vay với mục đích đảm bảo an toàn và hiệu quả đối với khoản vốn cho vay. Thông tin tín dụng có thể được thu được từ nhiều nguồn khác nhau như mua thông tin từ các nguồn cung cấp thông tin, đến cơ sở của khách hàng trực tiếp xem xét, thông tin từ hồ sơ xin vay vốn. Thông tin càng đầy đủ, chính xác và kịp thời, toàn diện thì khả năng ngăn ngừa rủi ro càng lớn, chất lượng tín dụng càng cao. - Kiểm soát nội bộ Thông qua kiểm soát giúp lãnh đạo ngân hàng nắm được tình hình hoạt động kinh doanh đang diễn ra, những thuận lợi, khó khăn việc chấp hành những quy định pháp luật, nội quy, quy chế, chính sách kinh doanh, thủ tục tín dụng từ đó giúp lãnh đạo ngân hàng có đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc, phát huy những nhân tố thuận lợi, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chất lượng tín dụng phụ thuộc vào việc chấp hành những quy định, thể lệ, chính sách và mức độ kịp thời phát hiện sai sót cũng như nguyên nhân dẫn đến sai sót lệch lạc trong quá trình thực hiện một khoản tín dụng - Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tín dụng Trang thiết bị tuy không phải là yếu tổ cơ bản nhưng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng. Nó là công cụ, phương tiện thực hiện tổ chức, quản lý ngân hàng kiểm soát nội bộ, kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay, thực hiện các nghiệp vụ giao dịch với khách hàng. Đặc biệt, với sự phát triển như vũ bão về công nghệ thông tin hiện nay các trang thiết bị tin học đã giúp cho ngân hàng có được thông tin và xử lý thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác, trên cơ sở đó có quyết định tín dụng đúng đắn, không bỏ lỡ thời cơ trong kinh doanh giúp cho quá trình quản lý tiền vay và thanh toán được thuận tiện nhanh chóng và chính xác. 1.2.3.4. Nhóm nhân tố thuộc về phía khách hàng Để đảm bảo khoản tín dụng xử dụng có hiệu quả, mang lại lợi ích cho ngân hàng góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thì khách hàng có vai trò hết sức quan trọng. Một khách hàng có tư cách đạo đức tốt, có tình hình tài chính vững vàng, có thu nhập sẽ sẵn sàng hoàn trả đầy đủ những khoản vốn vay của Ngân hàng khi đến hạn, qua đó đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng và tín dụng. Những nhân tố này bao gồm: - Trình độ khả năng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo của doanh nghiệp Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, đạo đức tốt sẽ có khả năng đưa ra chiến lược kinh doanh, cạnh tranh phù hợp giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Doanh nghiệp làm ăn tốt là điều kiện để họ bù đắp chi phí kinh doanh và và trả nợ ngân hàng cả gốc và lãi đúng hạn, qua đó giảm rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng. Trình độ năng lực cán bộ của doanh nghiệp là điều kiện quan trọng và được ngân hàng xem xét kỹ trước khi cấp tín dụng. - Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Trên cơ sở nhận định một cách khách quan, chính xác khả năng phát triển sản xuất của doanh nghiệp, thị hiếu của người tiêu dùng với sản phẩm của doanh nghiệp mình cùng với những yếu tố thuận lợi, khó khăn của môi trường, doanh nghiệp sẽ quyết định kế hoạch chiến lược mở rộng thu hẹp hay ổn định sản xuất, từ đó xây dựng các kế hoạch cụ thể về sản xuất, tiêu thụ. Việc xây dựng các kế hoạch kinh doanh đúng đắn quyết định đến sự thành công hay thất bại của của một doanh nghiệp. - Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức công tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp Hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ kinh doanh bó hẹp trong một phạm vi nhỏ, số lượng mặt hàng ít mà họ thường kinh doanh đa dạng các mặt hàng, mở rộng mạng lưới tiêu thụ ra nhiều khu vực lãnh thổ, từ các tỉnh thành phố trong nước ra các nước trong khu vực và thế giới. Sự hình thành mạng lưới hoạt động phức tạp như thế đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự tổ chức sản xuất và tiêu thụ hợp lý. Tổ chức tốt việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố giúp quá trình tái sản xuất diễn ra được thông suốt, nhanh chóng, tăng khả năng quay vòng vốn, tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là sự đảm bảo cho ngân hàng nâng cao chất lựơng tín dụng. - Vốn, khả năng tài chính của doanh nghiệp Có nhiều nhóm chỉ tiêu khác nhau biểu hiện tình hình tài chính, khả năng độc lập tài chính của doanh nghiệp như nhóm chỉ tiêu về khả năng thanh toán, nhóm chỉ tiêu hoạt động, nhóm chỉ tiêu cơ cấu vốn, nhóm chỉ tiêu về lợi nhuận. Ngoài ra khi xem xét về tình hình tài chính ngân hàng còn quan tâm đến luồng tiền vào, luồng tiền ra, dự trữ ngân quỹ,... Khả năng tài chính tốt là điều kiện để doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư mua sắm thiết bị tiên tiến, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường và đem laị lợi nhuận lớn, hoạt động tốt là điều kiện để doanh nghiệp trả nợ cho ngân hàng. - Tư cách, đạo đức của người vay Tư cách đạo đức xét trên phương diện ý muốn hoàn trả khoản nợ vay, trong nhiều trường hợp người vay có ý muốn chiếm đoạt vốn, không hoàn trả nợ vay mặc dù có khả năng trả nợ, điều này đã gây ra những rủi ro không nhỏ cho ngân hàng. Tóm lại, qua việc xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ta thấy tuỳ theo điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện về pháp lý của từng nước mà những nhân tố này có ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng tín dụng. Vấn đề là phải nắm vững những nhân tố ảnh hưởng và vận dụng sáng tạo trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể thì sẽ nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng. 1.2.4. Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tín dụng Ngân hàng Chất lượng tín dụng là một chỉ tiêu quan trọng nhưng cũng không kém phần phức tạp; nó vừa cụ thể lại vừa trừu tượng được thể hiện qua nhiều mặt, nhiều phương diện khác nhau. Khi cung cấp tín dụng cho khách hàng phải đảm bảo mục tiêu hiệu quả, an toàn và lợi nhuận cho ngân hàng, do vậy chất lượng tín dụng phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: 1.2.4.1. Các chỉ tiêu định tính - Hoạt động tín dụng phải đảm bảo mục tiêu định hướng của ngân hàng trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. - Hoạt động tín dụng phải thực hiện đúng quy trình thủ tục, tuân thủ các nguyên tắc: sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả tiền vay đầy đủ và đúng hạn, có tài sản đảm bảo…Có như vậy mới đảm bảo tính chất pháp lí và an toàn cho ngân hàng. - Hoạt động tín dụng phải linh hoạt, phù hợp với từng loại khách hàng… thực hiện tốt chính sách hỗ trợ khách hàng để nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của ngân hàng. 1.2.4.2 Các chỉ tiêu định lượng Bên cạnh những chỉ tiêu định tính, chất lượng tín dụng cũng được phản ánh bằng các chỉ tiêu mang tính định lượng nhằm hỗ trợ cho công tác quản trị ngân hàng một cách có hiệu quả như: - Cơ cấu về thời hạn, số lượng và chi phí huy động vốn: Nếu thời hạn huy động vốn quá ngắn cũng ảnh hưởng đến thời gian và quy mô cho vay của ngân hàng, số lượng và chi phí đầu vào cũng quyết định đến số lượng và lãi suất đầu ra; do đó công tác huy động vốn có hiệu quả cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tín dụng - Cơ cấu cho vay: về thành phần kinh tế, vùng kinh tế, thời hạn cho vay, phương thức cho vay… trong từng thời kì cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng. - Chỉ tiêu nợ quá hạn (NQH) NQH là chỉ tiêu cơ bản hàng đầu cho biết chất lượng hoạt động tín dụng. NQH là khoản nợ mà đến kỳ hạn trả nợ và lãi tiền vay nhưng bên đi vay không đủ tiền để trả và không được gia hạn nợ. Tỷ lệ NQH= Dư nợ quá hạn / Tổng dư nợ Ngoài ra còn có các chỉ tiêu cụ thể như: Tỷ lệ NQH ngắn hạn = Nợ quá hạn ngắn hạn / Nợ ngắn hạn Tỷ lệ NQH trung dài hạn= Nợ quá hạn trung dài hạn / Nợ trung dài hạn Và tỷ lệ NQH phân theo thành phần kinh tế. NQH khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi: Đây là khoản vốn lúc này không còn là rủi ro nữa, mà đã mang thiệt hại cho ngân hàng. Đây là kết quả trực tiếp biểu hiện chất lượng của một khoản tín dụng cấp cho khách hàng. Một ngân hàng khi có tỉ lệ nợ này trên tổng dư nợ cho vay là cao chứng tỏ chất lượng tín dụng của ngân hàng là rất thấp và lúc này ngân hàng cần xem xét lại toàn bộ hoạt động tín dụng của mình nếu không hậu quả khó lường trước được. Chỉ tiêu NQH chiếm bao nhiêu % trong tổng dư nợ. Tỷ lệ NQH càng cao thì chất lượng tín dụng càng giảm thấp. Tuy nhiên NQH là điều không thể tránh khỏi, trên thực tế các NHTM luôn cố gắng để giảm thấp tỉ lệ này tới mức cho phép. Hiện nay tại Việt Nam tỉ lệ NQH cho phép trên tổng dư nợ tín dụng 2%. - Chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn: Hiệu suất sử dụng vốn = Tổng dư nợ tín dụng / Tổng nguồn vốn huy động Chỉ tiêu này thể hiện % vốn huy động được sử dụng cho hoạt động tín dụng. Trong bảng tổng kết tài sản, hoạt động tín dụng thường chiếm tới hơn 70% tổng tài sản có, do vậy nếu hệ số này thấp tức vốn huy động lớn mà dư nợ lại nhỏ dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn. Ngược lại dư nợ tín dụng tăng khá nhanh có thể dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng quá nóng tiềm ẩn nguy cơ rui ro tín dụng cao: rủi ro ứ đọng vốn và rui ro mất vốn. - Chỉ tiêu vòng quay vốn tín dụng: Vòng quay vốn tín dụng = Doanh số thu nợ / Dư nợ bình quân Vòng quay vốn tín dụng thể hiện tốc độ luân chuyển các khoản vay mà ngân hàng đã cấp cho nền kinh tế. Nói cách khác chỉ tiêu này cho biết ngân hàng thu nợ theo kế hoạch trong hợp đồng tín dụng được bao nhiêu để cho vay tiếp dự án, phương án mới. Vòng quay vốn tín dụng càng lớn thì càng tốt chứng tỏ chất lượng tín dụng cao vì nó khẳng định khả năng thu nợ của ngân hàng và càng chứng tỏ nguồn vốn của ngân hàng đã được đầu tư hiệu quả. Và ngược lại vòng quay tín dụng càng nhỏ thì việc thu hồi nợ của ngân hàng là kém hiệu quả. - Chỉ tiêu lợi nhuận thu hồi được từ hoạt động tín dụng (HĐTD) Tỷ lệ lợi nhuận từ HĐTD = Lợi nhuận từ HĐTD / Tổng dư nợ tín dụng Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sinh lời của các khoản tín dụng được cấp. Bất kì khoản tín dụng nào cũng không thể xem là có chất lượng tốt nếu không đem lại lợi nhuận thực tế cho NHTM. Điều này đơn giản bởi lẽ sự tồn tại và phát triển của ngân hàng được quyết định phần lớn bởi nguồn lợi nhuận tạo ra từ hoạt động kinh doanh của mình trong đó tín dụng giữ vị trí then chốt nhất. Do đó các ngân hàng luôn lựa chọn phương án nào đem lại lợi nhuận cao hơn giữa các phương án có các chỉ tiêu khác tương đương nhau như: mức độ an toàn, uy tín chất lượng …[9] Để đánh giá bất kỳ một vấn đề gì chúng ta cũng cần nhìn nhận chúng một cách toàn diện và đầy đủ, cần tránh cái nhìn phiếm diện vấn đề đánh giá chất lượng TDNH cũng vậy không thể chỉ căn cứ vào một chỉ tiêu đơn lẻ, cụ thể nào mà phải sử dụng tổng hợp một hệ thống các chỉ tiêu để đưa ra kết luận một cách chính xác và xác thực nhất. Bởi lẽ vấn đề chất lượng tín dụng là một vấn đề mang tính chất phức tạp mang cả tính trừu tượng và cụ thể nên hệ thống các chỉ tiêu đánh giá không mang tính tuyệt đối chính xác. Việc áp dụng các chỉ tiêu vào xem xét chất lượng tín dụng cần đảm bảo yêu cầu tính toán phân tích chỉ tiêu trên cả hai mặt định tính và định lượng; đánh giá chất lượng trên quan niệm của cả ngân hàng và khách hàng; trên cơ sở lợi nhuận thuần túy của ngân hàng và lợi ích của xã hội. CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. ĐẶC ĐIỂM ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU 2.1.1. Đặc điểm của địa bàn nghiên cứu 2.1.1.1. Giới thiệu chung về Thừa Thiên Huế - Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) theo Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ. + Phía Đông giáp biển Đông, thuận lợi cho hàng hoá vận chuyển qua các cảng biển giữa các địa phương trong khu vực miền Trung và với các cảng của các nước trong khu vực, khai thác nguồn lợi thuỷ sản phục vụ cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, thuỷ sản, du lịch biển. + Phía Tây giáp nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, giao thông qua đường Quốc lộ 49 đang đầu tư nâng cấp và mở rộng, thuận lợi trong việc khai thác nguồn nguyên liệu từ Lào (mây, tre, gỗ,..), hợp tác với Lào trong các lĩnh vực xây dựng, xuất khẩu sang Lào và xâm nhập thị trường Thái Lan bằng đường bộ. + Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, nơi có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội không mấy thuận lợi cho việc thu hút FDI. Nhưng đây cũng là nơi hứa hẹn một thị trường tiêu thụ có tiềm năng sau năm 2010. + Phía Nam giáp Thành phố Đà Nẵng, một thành phố nổi tiếng là năng động của miền Trung trong thời kỳ đổi mới, đã và đang xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại nhất trong khu vực, một thị trường có sức mua tương đối lớn và nhu cầu đa dạng. Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Cầu Tư Hiền, Khu du lịch và đô thị mới Lăng Cô đang xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thông đi lại giữa Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Tính năng động và sức mạnh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có thể xem là những điều kiện tương tác qua lại góp phần đảm bảo các yếu tố đầu vào cho sản xuất (cung cấp nguyên vật liệu, các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ trong công nghiệp...), cũng như trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế. - Thừa Thiên Huế có diện tích 505 nghìn ha. Trong đó, khoảng 59 nghìn ha đất nông nghiệp, đang phát triển các loại cây lương thực; 24 nghìn ha đất lâm nghiệp, dùng để trồng rừng, cao su, cà phê; 21 nghìn ha đất chuyên dùng, gần 4 nghìn ha đất dân cư và 196 nghìn ha đất chưa sử dụng, 22 nghìn ha đầm phá và 120 km bờ biển có tiềm năng để phát triển thuỷ sản và phát triển du lịch. - Khoáng sản ở Thừa Thiên Huế tuy không nhiều về chủng loại, nhưng có những loại có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế cao như quặng Imenic, Zincol, Rutin, thạch cao, đất sét là nguồn nguyên liệu quý cho phát triển công nghiệp. - Khí hậu nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, phân thành bốn mùa rõ rệt trong năm. Thừa Thiên Huế có 5 con sông lớn và nhiều khe suối đã tạo nên nguồn nước ngọt khá dồi dào, đáp ứng đủ cho sản xuất và kinh doanh, đồng thời có thể đầu tư xây dựng các công trình thuỷ điện để cung cấp nguồn điện cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá [41]. 2.1.1.2. Hệ thống cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực - Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế có vị trí trung tâm Việt Nam, đường Quốc lộ lA và đường sắt quốc gia xuyên suốt chiều dài của tỉnh, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa ra Bắc vào Nam. Hệ thống đường nội bộ tỉnh đảm bảo giao thông giữa các huyện, giữa huyện với thành phố. Bằng đường bộ, hàng hóa được vận chuyển từ Thái Lan, Lào đến tỉnh và ngược lại qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cách trung tâm thành phố Huế 150 km. Sân bay Phú Bài cách thành phố Huế 15 km về phía Nam, có khả năng đón các loại máy bay lớn như Airbus A-320, Boeing 737. Cảng Thuận An nằm cách trung tâm thành phố Huế 12 km, đảm bảo cho tàu có trọng tải 2.000 tấn cập cảng. Cảng nước sâu Chân Mây cách thành phố Huế 49km về phía Nam, đã được xây dựng xong, có thể đón tàu trọng tải tới 70.000 tấn. Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Tư Hiền, Cầu Trường Hà kết nối Huế với thành phố Đà Nẵng. Quốc lộ 49 dẫn vào biên giới phía tây nối với Lào, hứa hẹn một tiềm năng về đầu tư và thị trường tiêu thụ hàng hoá. Với hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hàng không nêu trên và từng bước được nâng cấp, mở rộng sẽ thuận lợi cho các dự án FDI trong việc vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, các dự án đầu tư tại Thừa Thiên Huế nếu sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc sản xuất hàng hoá xuất khẩu hay mở rộng tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh khác thì chi phí vận chuyển khá cao. - Điện năng Tỉnh có mạng lưới đường dây tải điện nối với điện lưới 110KV và đường dây 500KV, đảm bảo cung cấp điện ổn định và chất lượng cao. Ngoài nguồn điện quốc gia, tỉnh còn có nhà máy điện diezel Ngự Bình, có công suất 6.640 KW để dự phòng. Nhà máy thuỷ điện Bình Điền, thuỷ điện Hương Điền tổng công suất 98MW, tổng sản lượng 373 triệu Kwh/năm đang xây dựng và sẽ vận hàng vào năm 2008, sẽ cung cấp nguồn điện dồi dào cho tỉnh Thừa Thiên Huế, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh của các dự án, đồng thời đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để khuyến khích sản xuất và tiêu thụ hàng hoá. Mặt khác, các dự án thuỷ điện này cũng góp phần làm giảm lũ cho thành phố Huế và vùng hạ du mà hàng năm thường xảy ra gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN. - Cấp thoát nước Công ty cấp thoát nước Thừa Thiên Huế đã trải qua 100 năm hoạt động. Tổng công suất có thể cung cấp lên 65.000 m3/ngày đêm. Mạng lưới đường ống được cải tạo và mở rộng đến tận thị trấn Phú Bài (huyện Hương Thủy), cảng Thuận An và các xã vùng ven của thành phố Huế. Chất lượng nước máy đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, sử dụng nước máy trong sản xuất và sinh hoạt theo thời lượng 24 giờ/ngày. Hiện nay, Công ty cấp thoát nước Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị đầu tư để mở rộng công suất lên 125.000m3/ngày-đêm đến năm 2010 và 185.000m3/ngày-đêm đến năm 2020, nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt. Có nước sản xuất và sinh hoạt về đến nông thôn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ,.. ngày càng phát triển. Do đó, các ngành nông lâm nghiệp có thêm điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư. Tuy nhiên, đến nay nước máy chỉ đáp ứng khoảng 85% nhu cầu cấp nước của thành phố và 60% vùng phụ cận. ở nông thôn có nhiều vùng dân cư chưa được sử dụng nước máy. Thực tế trên đây là một khó khăn đối với việc đẩy mạnh đầu tư nói chung và thu hút vốn đầu tư nói riêng. - Bưu chính viễn thông Các nhà đầu tư đến Thừa Thiên Huế có thể yên tâm về vấn đề liên lạc qua mạng lưới Bưu chính viễn thông với mọi nơi trên thế giới. Ngành Bưu điện đã đầu tư trang bị lại các thiết bị viễn thông hiện đại, có tổng đài trung tâm ALCATEL 1000E10 và các tổng đài vệ tinh với dung lượng lắp đặt toàn tỉnh là 13.552 số. Các dịch vụ bưu điện như fax, bưu phẩm phát nhanh EMS, dịch vụ nhắn tin, điện thoại di động VMS,... sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Cùng với Đài phát thanh truyền hình địa phương, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế phục vụ kịp thời cho yêu cầu chuyển tải thông tin trong nước và quốc tế của doanh nghiệp, của nhà đầu tư nước ngoài. - Tài chính, tín dụng Hệ thống Ngân hàng trên địa bàn Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển. Đến nay, ngoài NHNN làm nhiệm vụ quản lý, 4 chi nhánh NHTM QD (Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn) còn có sự hiện diện của 10 NHTM CP đang hoạt động... Các ngân hàng đang từng bước hiện đại hóa, tiếp cận với công nghệ ngân hàng quốc tế, sẵn sàng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài chuẩn bị hoạt động tại Việt Nam theo các cam kết hội nhập. Điều đó, sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài thực hiện giao dịch qua ngân hàng nhanh chóng, an toàn và tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội là những tổ chức tài chính, tín dụng Nhà nước, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp và dân cư phát triển sản xuất trong mối quan hệ hỗ tương. - Tình hình các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 5 khu công nghiệp (viết tắt KCN), tiểu khu công nghiệp được phân bố đều theo chiều dài của tỉnh: ở phía Bắc thành phố Huế có KCN Tứ Hạ, tiểu KCN Hương Sơ; ở phía Nam có KCN Phú Bài và KCN Chân Mây với tổng diện tích qui hoạch khoảng 848ha; ở phía Đông có tiểu KCN Phú Thứ. Các khu công nghiệp, tiểu khu công nghiệp này đã được quy hoạch, đầu tư hạ tầng là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư lựa chọn để xây dựng nhà máy, mà không phải lo đến các vấn đề điện, nước, di dời sau này. - Nguồn nhân lực Với dân số hơn 1 triệu người, chiếm 1,4% dân số cả nước; trong đó, trong độ tuổi lao động 600.000 người chiếm 60% dân số. Toàn tỉnh có 100.000 chuyên viên khoa học và công nghệ, trong đó khoảng 25.000 là công nhân kỹ thuật chiếm 25%, 12.500 người có trình độ đại học, cao đẳng và khoảng hơn 1.000 người có trình độ sau đại học. Đại học Huế đào tạo đa ngành với 7 trường đại học thành viên và các Trung tâm nghiên cứu khoa học (gồm 70 chuyên ngành đào tạo đại học, 53 ngành đào tạo thạc sĩ, 16 ngành đào tạo tiến sĩ), với trên 1.250 cán bộ giảng dạy. Như vậy, có thể nói các nhà đầu tư có thể yên tâm khi thực hiện đầu tư các DA tại Thừa Thiên Huếcó nhu cầu sử dụng nhiều lao động [41]. 2.1.1.3. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội Với những tiềm năng của tỉnh nêu trên, thực tế cho thấy Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh phát triển tương đối năng động của các tỉnh miền Trung, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm kể từ năm 2000 đến 2006 đạt được bình quân 9,6%/năm, cao hơn mức tăng 6,3% của 5 năm trước, góp phần thúc đẩy sự phát triển khu vực miền Trung trong xu hướng phát triền kinh tế của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của Thừa Thiên Huế đạt được 460,6 USD năm 2006 so với của cả nước là khoảng 550 USD. (tính theo giá hiện hành). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 15,1%/năm, các ngành dịch vụ đạt 8,2%/năm, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 4,2%/năm. Quy mô toàn nền kinh tế tăng hơn 1,6 lần so năm 2000; trong đó, công nghiệp tăng 2,0 lần; dịch vụ tăng 1,48 lần; nông nghiệp tăng 1,23 lần. Năng suất lao động bình quân tăng từ 7,8 triệu đồng/người/năm (năm 2000) lên gần 14 triệu đồng/người/năm (năm 2005). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp -xây dựng tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP từ 30,9% (năm 2000) lên 35,9% (năm 2005), các ngành dịch vụ duy trì mức đóng góp 43 - 43,1%/năm, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm tương ứng từ 24,1% xuống 21,0% nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn, nhờ chuyển đổi mạnh cơ cấu nội bộ ngành theo hướng khai thác tiềm năng thế mạnh, đây là thành tựu hết sức quan trọng. Cơ cấu ngành nghề trong nông thôn có những thay đổi cơ bản, số hộ thuần nông giảm từ 63,8% xuống còn 59,1%, hộ công nghiệp - xây dựng tăng từ 2,85% lên 9,7%, hộ thương nghiệp - dịch vụ tăng từ 8,95% lên 15,1%. Các thành phần kinh tế được tạo cơ hội và điều kiện phát triển. Khu vực kinh tế Nhà nước đã đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, nhưng vẫn giữ vị trí trọng yếu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đóng góp 36% (năm 2005), gần 5,28% trong tổng thu ngân sách địa phương. Khu vực kinh tế dân doanh đóng góp 53% trong GDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 400 nghìn lao động. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp trên 9% trong GDP của tỉnh và 33% trong tổng thu ngân sách địa phương. Cơ cấu đầu tư có chuyển biến tích cực, tốc độ đầu tư tăng nhanh cả quy mô vốn và số lượng công trình. Tổng vốn đầu tư phát triển 5 năm đạt 13.712 tỷ đồng, vượt 9,7% so kế hoạch (kế hoạch 5 năm 12.500 tỷ đồng), tăng 2,7 lần so tổng vốn đầu tư thời kỳ 1996 - 2000, bình quân hàng năm tăng 15,4%. Trong đó, vốn Trung ương quản lý chiếm 40,5%, tăng bình quân 22,4%/năm; ngân sách địa phương chiếm 27%, tăng bình quân 14,9%/năm; vốn nước ngoài (NGO, FDI) giảm chiếm 4,8%, giảm 12,1%; vốn tín dụng chiếm 19%, tăng 19,2%/năm; vốn tự có của doanh nghiệp và dân cư chiếm 24%, tăng 9,4%/năm. Bảng 2.1: So sánh tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm thời kỳ 1991-2005 Đơn vị: % Chỉ tiêu 1991-2005 Trong đó 2006 1991-1995 1996-2000 2001-2005 GDP 8,0 7,7 6,3 9,6 13,4 - Nông lâm, thuỷ sản 2,6 2,0 1,6 4,2 4,6 - Công nghiệp, xây dựng 12,3 12,2 9,7 15,1 17,8 - Dịch vụ 8,5 10,1 7,1 8,2 13,5 Nguồn: Báo cáo QHTT phát triển KTXH của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 Tốc độ tăng trưởng GDP qua từng thời kỳ có khuynh hướng tăng dần; đáng chú ý là giai đoạn 2001-2005 và năm 2006, nền kinh tế phát triển vượt bậc, do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm, thủy sản sang công nghiệp dịch vụ đã được định hướng theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ X, thể hiện qua số liệu sau: Bảng 2.2: Cơ cấu GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2002 – 2006 (theo giá so sánh năm 1994) Đơn vị: tỷ đồng Chỉ tiêu 2004 2005 2006 S.lượng % S.lượng % S.lượng % Tổng GDP 3.123 100 3.474 100 3.941 100 Nông lâm, thuỷ sản 627 20 660 19 691 18 Công nghiệp & xâydựng 1.129 36 1.312 38 1.545 39 Du lịch & dịch vụ 1.367 44 1.501 43 1.705 43 Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2006 Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP từ 36% (năm 2004) lên 39% (năm 2006), các ngành dịch vụ duy trì mức đóng góp 43 - 44%/năm, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm tương ứng từ 20% xuống 18% nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong điều kiện sản xuất có nhiều khó khăn, nhờ chuyển đổi mạnh cơ cấu nội bộ ngành theo hướng khai thác tiềm năng thế mạnh, đây là thành tựu hết sức quan trọng [1]. 2.1.2. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu 2.1.2.1. Giới thiệu về Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế Xuất phát từ nhu cầu thực tế của tỉnh Thừa Thiên Huế về hoạt động ngân hàng và theo quyết định số 68/QĐ-NH ngày 10/08/1993 của Tổng Giám đốc NHNT; NHNT Huế được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 02/11/1993. Sự ra đời của NHNT Huế đã đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và cá nhân, giúp việc thanh toán được thuận tiện hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Với số lượng cán bộ lúc đầu chỉ có 8 người, cũng như những doanh nghiệp khác, NHNT Huế không tránh khỏi những khó khăn ban đầu trong việc phát triển khách hàng. Tuy nhiên, với uy tín của ngân hàng mẹ là NHNT, một ngân hàng hàng đầu trong hoạt động đối ngoại, nên NHNT Huế đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ thương hiệu này. Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy tiềm năng của thị trường còn rất lớn nên ngày 6/10/2001 NHNT Huế đã khai trương chi nhánh cấp II Quảng Bình để tạo thuận lợi cho các khách hàng trên thị trường này trong việc giao dịch. Trải qua 13 năm hoạt động (từ năm 1993 đến năm 2006), với sự đồng tâm nỗ lực của đội ngũ cán bộ nhân viên, NHNT Huế đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, số lượng cán bộ, nguồn vốn cũng như lợi nhuận của NHNT Huế đều tăng qua mỗi năm.Với dự án hiện đại hoá NHNT, NHNT Huế đã không ngừng được trang bị những thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Với phong cách phục vụ nhanh chóng, nhiệt tình, lịch sự, bảo mật; NHNT Huế ngày càng xây dựng chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng. NHNT Huế là NHTM QD hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán và các dịch vụ ngân hàng đối với tất cả các thành phần kinh tế, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện thương mại, dịch vụ, du lịch…góp phần phát triển sản xuất, lưu thông, ổn định tiền tệ. NHNT Huế thực hiện hoạch toán độc lập, tự chủ về tài chính và có các dịch vụ chủ yếu sau: - Nhận tiền gửi vào tài khoản, tiết kiệm Đồng Việt Nam và ngoại tệ. - Phát hành kỳ phiếu, trái phiếu Đồng Việt Nam và ngoại tệ. - Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ. - Chuyển tiền trong và ngoài nước. - Thanh toán xuất nhập khẩu. - Nhận mua bán giao ngay, có kỳ hạn và hoán đổi các loại ngoại tệ mạnh. - Bảo lãnh và tái bảo lãnh. - Thực hiện nghiệp vụ hối đoái, đổi séc du lịch, nhờ thu trơn... - Phát hành thẻ tín dụng Vietcombank - Visa Card, Vietcombank - Master Card, Vietcombank - American Express (sử dụng trong và ngoài nước, rút tiền mặt trên máy VCB-ATM) và thẻ ATM-Connect 24 (sử dụng trong nước)… - Làm đại lý thanh toán các loại thẻ tín dụng quốc tế như: Visa, Master Card, American Express, JCB và Diners Club. - Thực hiện thanh toán quốc tế thông qua hệ thống SWIFT, Money Gram... - Thực hiện nghiệp vụ thuê mua tài chính. - Dịch vụ E-banking, Home Banking. Với những sản phẩm dịch vụ hiện có và với những sản phẩm dịch vụ mới dự kiến sẽ cung cấp trong tương lai, NHNT Huế hứa hẹn sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của khách hàng, sẵn sàng mang lại sự tiện dụng cho một cuộc sống hiện đại. Giám đốc Phó giám đốc Phó giám đốc Phòng hành chính nhân sự Phòng quan hệ khách hàng Phòng tổng hợp Phòng giao dịch số 1 Phòng giao dịch số 2 (Morin) Phòng quản lý rủi ro Phòng kinh doanh dịch vụ Phòng kế toán và quản lý nợ Phòng thanh tóan quốc tế Phòng ngân quỹ P.kiểm tra nội bộ : Quan hệ trực tuyến : Quan hệ chức năng Sơ đồ 2.1: Cơ cấu tổ chức tại NHNT Huế a. Về bộ máy quản lý - Giám đốc Là người đứng đầu chi nhánh và chịu trách nhiệm chung về mọi hoạt động của chi nhánh. Giám đốc có quyền ra các quyết định trong phạm vi phân theo qui định của NHNT và chịu trách nhiệm trực tiếp với NHNT, đồng thời chịu trách nhiệm trước các cơ quan pháp luật Nhà nước. - Phó giám đốc 1 Là người giúp việc cho giám đốc, theo sự phân công và uỷ quyền của giám đốc, chịu trách nhiệm trước giám đốc về nhiệm vụ được giám đốc phân công và uỷ quyền. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành và giải quyết các công việc liên quan đến mảng hoạt động dịch vụ và kế toán. Phó giám đốc quản lý các bộ phận sau: Phòng kế toán, Phòng kinh doanh dịch vụ, Phòng ngân quỹ, Phòng giao dịch số 1, Phòng giao dịch Morin. - Phó Giám đốc 2 Là người giúp việc cho giám đốc, theo sự phân công và uỷ quyền của giám đốc, chịu trách nhiệm trước giám đốc về nhiệm vụ được giám đốc phân công và uỷ quyền, trực tiếp phụ trách Phòng quản lý rủi ro. b. Cơ cấu và chức năng nhiệm vụ của các phòng ban b1. Phòng Quan hệ khách hàng Chức năng: Phòng Quan hệ Khách hàng (QHKH) có chức năng phát triển kinh doanh, củng cố và mở rộng quan hệ có hiệu quả đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân nhằm đạt được mục tiêu mở rộng thị phần và bán các sản phẩm dịch vụ của NHNT như kế hoạch đã đề ra. Nhiệm vụ cụ thể: - Tiếp thị và bán sản phẩm, dịch vụ; bao gồm: + Xác định thị trường mục tiêu, chiến lược thị trường (ngành/lĩnh vực, khu vực địa lý, nhóm khách hàng) để cấp có thẩm quyền phê duyệt; + Lập kế hoạch quan hệ với từng khách hàng: xác định nhu cầu của khách hàng; nội dung, loại sản phẩm, dịch vụ sẽ cung cấp đến khách hàng; + Theo dõi và tổ chức triển khai bán sản phẩm, dịch vụ; + Đầu mối thu thập mọi thông tin và hồ sơ tài liệu liên quan đến khách hàng, thực hiện các giao dịch trực tiếp với khách hàng nhằm giữ khách hàng và bán chéo sản phẩm. - Quản lý và phát triển hiệu quả mối quan hệ với khách hàng; bao gồm: + Là đầu mối giải quyết các nhu cầu thực tế của khách hàng về các sản phẩm/dịch vụ Ngân hàng cung ứng, bao gồm cả khách hàng tiền gửi, khách hàng vay, khách hàng thanh toán xuất nhập khẩu, khách hàng mua bán ngoại tệ...đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chuyên biệt về sản phẩm của NHNT để cụ thể hoá các biện pháp cần thiết nhằm thực hiện kế hoạch khách hàng và giải quyết thoả đáng các nhu cầu của khách hàng. + Thường xuyên nghiên cứu thị trường, rà soát tình hình thực hiện kế hoạch khách hàng để nắm bắt các cơ hội cho NHNT và đưa vào kế hoạch khách hàng nếu phù hợp nhằm tối ưu hoá chất lượng dịch vụ ngân hàng tới khách hàng. - Chịu trách nhiệm phối hợp với tất cả các phòng ban trong nội bộ Chi nhánh để cung ứng các sản phẩm khác ( ngoài sản phẩm tín dụng) đến khách hàng với chất lượng cao nhất. - Tham gia xây dựng chính sách tín dụng, chính sách khách hàng. - Thực hiện các nhiệm vụ khác do Phó tổng Giám đốc/Giám đốc phụ trách Quan hệ khách hàng hoặc Giám đốc chi nhánh phân công. b2. Phòng Quản lý rủi ro Chức năng: Phòng Quản lý rủi ro có chức năng phân tích, đánh giá rủi ro và giám sát mọi rủi ro phát sinh trong hoạt động tín dụng nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro xuống mức thấp nhất có thể chấp nhận được. Nhiệm vụ cụ thể: - Xây dựng chính sách quản lý rủi ro tín dụng; bao gồm: + Soạn thảo chính sách quản lí rủi ro tín dụng trong từng thời kỳ bao gồm việc xác định tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp; xác định tỷ lệ nợ xấu tối đa có thể chấp nhận được; Cảnh báo các mặt hàng và lĩnh vực đầu tư cần hạn chế… + Tổ chức đánh giá định kỳ chính sách quản lý rủi ro tín dụng nhằm đề xuất chỉnh sửa kịp thời các nội dung hoặc chỉ tiêu cần thiết. - Quản lí danh mục đầu tư; bao gồm: + Tổ chức giám sát thường xuyên danh mục đầu tư tín dụng nhằm đảm bảo dư nợ theo từng nhóm khách hàng, theo lĩnh vực/mặt hàng đầu tư, theo cơ cấu thời hạn vay... không vượt quá tổng mức giới hạn đã được phê duyệt. + Kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro, nhóm khách hàng/ mặt hàng/ lĩnh vực đầu tư có vấn đề, đề xuất điều chỉnh giới hạn tín dụng đối với các khoản mục cho là cần thiết. + Đánh giá định kỳ kết quả áp dụng Hệ thống xếp hạng doanh nghiệp đồng thời đề xuất các biện pháp áp dụng phù hợp. - Trực tiếp thẩm định rủi ro đối với từng khoản cấp tín dụng đến khách hàng Đánh giá mọi loại rủi ro trong giao dịch tín dụng với khách hàng, bao gồm đánh giá tính pháp lý và tính đầy đủ của bộ hồ sơ tín dụng; đánh giá tính khả thi và hiệu quả của từng khoản cấp tín dụng; thẩm định và định giá TSBĐ (nếu có); thẩm định khả năng hoàn trả nợ của khách hàng… - Tham gia quy trình phê duyệt tín dụng, tham gia và giám sát quá trình thực hiện các quyết định đã được phê duyệt, tham gia xử lý các khoản cấp tín dụng có vấn đề. + Là phòng/bộ phận đầu mối chuẩn bị tài liệu và thu xếp thực hiện quy trình phê duyệt tín theo quy định, soạn thảo các hợp đồng và giám sát quá trình ký kết Hợp đồng theo quy định. + Thực hiện kiểm tra tính hợp lệ của bộ hồ sơ rút vốn, phối hợp cùng phòng Quản lý nợ và các phòng tác nghiệp có liên quan thực hiện giải ngân cho khách hàng. + Giám sát phòng QHKH trong việc thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay của khách hàng; Phối hợp cùng phòng QHKH và QLN phát hiện kịp thời các dấu hiệu có rủi ro liên quan đến khoản cấp tín dụng và cùng tìm biện pháp xử lý thích hợp. + Trực tiếp theo dõi và quản lý các khoản tín dụng có vấn đề, gặp khó khăn kéo dài. - Thực hiện các nhiệm vụ khác do Phó tổng giám đốc/Giám đốc khối rủi ro tại HSC, Giám đốc Chi nhánh phân công b3. Phòng Tài chính kế toán - Tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác hạch toán kế toán chi tiết, kế toán tổng hợp và chế độ báo cáo kế toán, theo dõi quản lý tài sản (giá trị), vốn, quỹ của chi nhánh theo đúng quy định của Nhà nước và Ngân hàng. Thực hiện việc kiểm soát lưu trữ, bảo quản, bảo mật các lọai chứng từ, sổ sách kế toán theo quy định của Nhà nước. - Đề xuất, tham mưu với Giám đốc về việc hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán, xây dựng chế độ quản lý tài sản, định mức và quản lý tài chính, nộp thuế, trích lập quản lý và sử dụng các quỹ, tiết kiệm chi tiêu nội bộ, hợp lý và đúng chế độ của Nhà nước. - Quản lý và trực tiếp thực hiện các tác nghiệp liên quan đến số liệu trên hệ thống, đảm bảo số liệu trên hệ thống khớp đúng với số liệu trên hồ sơ, đảm bảo lưu giữ hồ sơ vay đầy đủ và an toàn, đảm bảo các khỏan cấp tín dụng đều tuân thủ nghiêm ngặt các bước quy định trong Quy trình tín dụng. b4. Phòng Tổng hợp - Trực tiếp quản lý cân đối nguồn vốn đảm bảo các cơ cấu phù hợp (kỳ hạn, loại tiền…) và quản lý các hệ số an toàn theo quy định…; tham mưu, giúp việc cho Giám đốc trong việc điều hành nguồn vốn; - Đề xuất các chính sách, biện pháp, giải pháp phát triển nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu phát triển tín dụng của chi nhánh và các biện pháp giảm chi phí vốn để góp phần nâng cao lợi nhuận; đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu suất sử dụng vốn; trực tiếp thực hiện nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ với khách hàng theo quy định. - Đầu mối tham mưu, giúp việc cho Giám đốc trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch phát triển của chi nhánh hàng năm, trung và dài hạn; xây dựng chính sách Marketing, chính sách phát triển khách hàng, chính sách huy động vốn và lãi suất, chính sách phát triển dịch vụ của chi nhánh, kế hoạch phát triển mạng lưới và các kênh phân phối sản phẩm. - Đầu mối quản lý thông tin (thu thập, tổng hợp, quản lý lưu trữ, cung cấp) về kế hoạch phát triển, tình hình thực hiện kế hoạch, thông tin kinh tế, thông tin phòng ngừa rủi ro tín dụng, thông tin về nguồn vốn và huy động vốn, thông tin khách hàng theo quy định. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trong phạm vi nhiệm vụ của Phòng. - Chịu trách nhiệm hoàn toàn về quản lý rủi ro trong lĩnh vực nguồn vốn, cân đối vốn và kinh doanh tiền tệ theo quy chế, quy trình quản lý rủi ro, quản lý tài sản nợ (rủi ro lãi suất, tỷ giá, kỳ hạn); quản lý các hệ số an toàn trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo khả năng thanh toán, trạng thái ngoại hối của chi nhánh. b5. Phòng Thanh toán quốc tế Thực hiện các nghiệp vụ thanh toán quốc tế đối với khách hàng trong hoạt động xuất nhập khẩu, tư vấn cho khách hàng trong việc lựa chọn phương thức thanh toán xuất nhập khẩu phù hợp. b6. Phòng Dịch vụ khách hàng - Đây là nơi cung cấp các loại hình dịch vụ của ngân hàng như: mở tài khoản, gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền, thu đổi ngoại tệ, phát hành và thanh toán thẻ Connect 24, MasterCard, VisaCard, JCB, American Express... - Trực tiếp thực hiện, xử lý, tác nghiệp và hạch toán kế toán các giao dịch đối với khách hàng về mở tài khoản tiền gửi, chịu trách nhiệm xử lý các giao dịch tài khoản theo yêu cầu của khách hàng; - Chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác, đúng đắn của các giao dịch, đảm bảo an toàn tiền vốn, tài sản của Ngân hàng và khách hàng; thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, đúng thẩm quyền và thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát nội bộ trước khi hoàn tất một giao dịch với khách hàng. - Đề xuất, tham mưu với Giám đốc chi nhánh về chính sách phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, cải tiến quy trình giao dịch, phục vụ khách hàng; - Thực hiện việc quản lý thông tin (lưu trữ, bảo mật và cung cấp) thuộc nhiệm vụ của phòng và lập các báo cáo nghiệp vụ theo quy định; b7. Phòng Giao dịch số 1 và Phòng Giao dịch Morin - Trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ theo phạm vi được ủy quyền, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và các quy trình nghiệp vụ (huy động vốn và cung cấp các dịch vụ ngân hàng). - Lập kế hoạch, chương trình, biện pháp, tiến độ và chủ động tổ chức triển khai nhiệm vụ được giao. b8. Phòng Ngân quỹ - Trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ về quản lý kho tiền và quỹ nghiệp vụ (tiền mặt, hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố, chứng từ có giá, vàng, bạc, đá quý; các tài sản do khách hàng gửi giữ hộ,…) - Phối hợp chặt chẽ với phòng Dịch vụ khách hàng thực hiện nghiệp vụ thu chi tiền mặt tại quầy, phục vụ thuận tiện, an toàn cho khách hàng giao dịch một cửa. - Đề xuất, tham mưu với Giám đốc về các biện pháp và thực hiện đúng quy trình quản lý về kho, quỹ; áp dụng các biện pháp và chịu trách nhiệm hoàn toàn về đảm bảo an toàn kho quỹ và an ninh tiền tệ, bảo đảm an toàn tài sản của Ngân hàng và khách hàng. - Theo dõi, tổng hợp, lập và gửi các báo cáo tiền tệ, an toàn kho quỹ theo quy định. b9. Phòng Hành chính Nhân sự - Trực tiếp thực hiện chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm, quản lý lao động; theo dõi thực hiện nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; theo dõi tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo và kế hoạch phát triển nguồn lực đảm bảo nhu cầu phát triển của chi nhánh theo quy định. - Tham gia ý kiến về kế hoạch phát triển mạng lưới, chuẩn bị nhân sự cho mở rộng mạng lưới, phát triển các kênh phân phối sản phẩm và trực tiếp hoàn tất thủ tục mở điểm giao dịch, phòng giao dịch, chi nhánh mới. - Quản lý (sắp xếp, lưu trữ, bảo mật) hồ sơ cán bộ; quản lý thông tin (lưu trữ, bảo mật, cung cấp) và lập báo cáo liên quan nhiệm vụ của phòng. - Thư ký Hội đồng thi đua khen thưởng, Hội đồng kỷ luật, Hội đồng nâng lương, Hội đồng tuyển dụng… Trực tiếp thực hiện công tác quản lý hành chính văn thư theo đúng quy định. b10. Phòng Kiểm tra nội bộ - Báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả giám sát kiểm tra, đề xuất kiến nghị, biện pháp ngăn ngừa khắc phục, xử lý các vi phạm, sai sót. Báo cáo kịp thời những vụ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động của chi nhánh. - Chịu trách nhiệm về việc đảm bảo tính pháp lý, trung thực, khách quan, chính xác và đúng quy trình của công tác kiểm tra nội bộ; chịu trách nhiệm về việc đảm bảo hoạt động của chi nhánh tuân thủ đúng pháp luật. - Đầu mối phối hợp với các đoàn kiểm tra của Hội sở chính, các cơ quan thanh tra, kiểm toán để thực hiện các cuộc kiểm tra tại chi nhánh theo quy định. Bảo mật hồ sơ tài liệu, thông tin liên quan đến công tác kiểm tra, thanh tra theo đúng quy định. b11. Tổ tin học - Trực tiếp quản lý, quản trị hệ thống phân quyền truy cập, kiểm soát tại chi nhánh, tổ chức vận hành hệ thống thiết bị tin học và các chương trình phần mềm được áp dụng ở chi nhánh theo đúng quy định, quy trình của NHNT. - Chịu trách nhiệm đề xuất, thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cho hệ thống tin học vận hành thông suốt trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu hoạt động của ngân hàng, bảo mật thông tin, quản lý an toàn dữ liệu tại ngân hàng theo đúng quy định. - Thực hiện lưu trữ, bảo quản, phục hồi dữ liệu và hệ thống chương trình phần mềm theo quy định 2.1.2.2. Nguồn lực của Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Huế - Tình hình sử dụng lao động Bất cứ một doanh nghiệp hay một tổ chức nào, dù có tầm vóc lớn đến đâu, hoạt động trong lĩnh vực nào thì nhân tố con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công. Nó là tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì thế công tác quản trị nguồn nhân lực ngày càng được nhiều cấp quan tâm, chú trọng sao cho có được một đội ngũ những người lao động có năng lực, trình độ hợp lý được sắp xếp đúng người đùng việc, làm việc hết mình vì sự thành công và phát triển của đơn vị. Qua bảng số liệu 2.3 sau cho ta thấy, tình hình lao động của chi nhánh đều tăng lên qua 3 năm. Trong đó, số lao động là nữ chiếm tỷ trọng lớn hơn nam, số lao động có trình độ đại học và trên đại học ngày càng tăng lên, còn lao động có trình độ cao đẳng lại giảm xuống. Có được điều này là do đơn vị có sự ưu tiên tuyển chọn những người có trình độ đại học và tạo điều kiện cho những nhân viên trong đơn vị học tiếp để nâng cao trình độ. Tình hình lao động của Vietcombank qua 3 năm có nhiều biến động, năm 2005 lao động tăng đáng kể so 2004 (tăng 43 lao động) do mở rộng hoạt động kinh doanh và quy mô các phòng ban. Tuy vậy năm 2006 số lượng lao động giảm do tách Chi nhánh cấp II Quảng Bình. Bảng 2.3: Cơ cấu lao động tại Vietcombank Huế giai đoạn 2004-2006 Tiêu thức phân chia 2004 2005 2006 So sánh Lao động Cơ cấu (%) Lao động Cơ cấu (%) Lao động Cơ cấu (%) 05/04 06/05 +/- % +/- % Giới tính. -Nam. 29 41 45 40 41 38 16 55,2 -4 -8.8 -Nữ 41 59 68 60 66 62 27 65.8 -2 -2.9 Trình độ chuyên môn. -ĐH, trên ĐH. 62 88 104 92 101 94 42 67.7 -3 -2.9 -Cao đẳng. 8 12 9 8 6 6 1 12.5 -3 -33.3 Tổng số lao động 70 100 113 100 107 100 43 -6 47 Nguồn: Báo cáo tổng kết năm 2004, 2005, 2006 NHNT Huế + Phân theo giới tính Tình hình lao động có sự thay đổi đáng kể qua 3 năm. Số lao động nữ chiếm tỷ trọng cao hơn là do đặc thù của dịch vụ ngân hàng. Số lao động nam tuy thấp hơn nhưng lại có tỷ trọng tăng dần qua 3 năm. Điều này thể hiện sự điều chỉnh cơ cấu bình đẳng giới tại NHNT Huế. Như vậy, việc phân chia lao động theo giới tính của NHNT Huế là phù hợp với đặc thù dịch vụ ngân hàng. + Phân theo trình độ Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc kinh doanh và những nhu cầu phong phú, đa dạng của khách hàng, cũng như những biến động của kinh tế - xã hội thì việc chú trọng đến trình độ lao động là tất yếu. Tỷ lệ trình độ đại học tăng dần qua 3 năm. Đa số lao động tại ngân hàng đều có trình độ đại học hoặc trên đại học. Điều này thể hiện khả năng tuyển dụng lao động chất lượng cao của NHNT Huế. Cùng với việc tuyển dụng lao động mới, NHNT Huế cũng rất chú ý đến việc đào tạo, đào tạo lại và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ. Với việc tổ chức thường xuyên những cuộc thi về nghiệp vụ đã giúp các cán bộ của NHNT Huế có cơ hội thể hiện năng lực của mình và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Đội ngũ nhân viên còn rất trẻ là cơ hội để NHNT Huế phát triển mạnh hơn dựa trên sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, là cơ sở để đơn vị hình thành nên một đội ngũ cán bộ vững về chuyên môn nghiệp vụ. Đó là điều kiện tiên quyết đối với sự thành công của NHNT Huế , bởi vì con người là trung tâm của mọi hoạt động. - Môi trường kinh doanh của Vietcombank Huế Môi trường kinh doanh là tổng thể các tác nhân, các điều kiện có liên quan và tác động qua lại đến kết quả hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh tế. Một sự biến động dù lớn hay nhỏ của môi trường kinh doanh cũng ảnh hưởng đến hoạt động của chủ thể. Môi trường kinh doanh bao gồm môi trường vi mô và môi trường vĩ mô Môi trường vĩ mô: Bao gồm môi trường kinh tế, môi trường công nghệ, môi trường chính trị, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên + Môi trường kinh tế: Môi trường kinh tế cần phải được đặc biệt chú trọng trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng vì nhất cử nhất động đều tác động đến sức mạnh ngân hàng như các giai đoạn của chu kỳ kinh tế, lạm phát, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, các chính sách tài chính tiền tệ của Nhà nước… Chẳng hạn: Mức độ lạm phát ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Khi lạm phát cao, đầu tư xã hội thấp, đời sống của hầu hết người lao động gặp khó khăn kéo theo sự chững lại trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế: kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế. Trong những thời kỳ sản xuất hưng thịnh thì nhu cầu vay vốn cũng như lượng tiền gửi thường phát triển rất nhanh. Khi nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, cung vượt cầu đến mức Chính phủ phải sử dụng các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng làm cho lượng tiền gửi giảm xuống. Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn là rất khả quan, năm 2005 đạt 11,3%/năm, là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên chất lượng phát triển của nền kinh tế chưa cao, tính bền vững chưa thể hiện rõ. Cụ thể: Năm 2006, tăng trưởng kinh tế vẫn tập trung vào một số ngành, một số ít sản phẩm nhưng công nghệ chưa được nâng cao như sản xuất vật liệu xây dựng, bia, dệt may, hàng nông lâm thuỷ sản…; đồng thời phụ thuộc nhiều vào đầu tư mới, khoa học kỹ thuật chưa trở thành nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế. Dịch vụ là thế mạnh của tỉnh nhưng mới đóng góp được 43% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Công tác quy hoạch tuy có tiến bộ nhưng vẫn chậm, chất lượng quy hoạch chưa cao làm ảnh hưởng đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Cơ cấu nội bộ ngành dịch vụ chậm thay đổi, thương mại vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chậm; chất lượng các dịch vụ chưa cao. Xuất khẩu hàng hoá tuy có chuyển biến tích cực, nhưng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người thấp xa so bình quân chung cả nước (bằng 12,8%). Số doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu không nhiều, hàng thuỷ sản xuất khẩu chậm được khôi phục, hàng thủ công mỹ nghệ số lượng ít và thiếu ổn định, việc nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu còn yếu kể cả xuất khẩu hàng hoá và xuất khẩu lao động. Sản xuất công nghiệp ở khu vực ngoài quốc doanh còn hạn chế cả về quy mô và trình độ sản xuất... + Môi trường công nghệ: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các ngân hàng cũng đang từng ngày cải tiến và áp dụng công nghệ hiện đại, hỗ trợ tích cực cho nghiệp vụ ngân hàng được thực hiện nhanh chóng và hoàn thiện, chính xác, hiệu quả cao. Đối với nước ta mặc dù công nghệ ngân hàng được chú trọng đầu tư phát triển nhưng vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ. Riêng với NHNT Huế, yếu tố công nghệ là một thách thức lớn trong điều kiện hiện nay tuy trình độ công nghệ tại chi nhánh có nhiều mặt ưu thế hơn so với các ngân hàng khác trên địa bàn. + Môi trường chính trị - pháp luật: Ở hầu hết các quốc gia, hoạt động ngân hàng luôn được đặt dưới một hệ thống quy định chặt chẽ do các cơ quan Nhà nước thực hiện nhằm kiểm soát hoạt động ngân hàng, chất lượng uy tín, tình trạng vốn chủ sở hữu và cả cách thức ngân hàng phát triển, mở rộng hoạt động với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, một thể chế chính trị ổn định, vững chắc sẽ tạo tâm lý an tâm đầu tư cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. Việt Nam trong những năm qua đã hội đủ hai điều kiện thuận lợi trên, trở thành một quốc gia có uy tín trên thương trường quốc tế cũng như trong khu vực. Chính sách mở cửa tăng cường các mối quan hệ với các nước trên thế giới đã tạo điều kiện hội nhập và phát triển cho tất cả các ngành không loại trừ ngành ngân hàng tài chính. Tuy nhiên, trong mối quan hệ đó, chúng ta phải tiếp thu có chọn lọc cho phù hợp với thực tiễn, khả năng và điều kiện của mình. NHNT nói riêng và các NHTM nói chung về bản chất là trung gian tài chính và hoạt động của nó có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống tài chính quốc gia, do đó phải tiến hành các công việc đó dưới một khung pháp lý chặt chẽ được xây dựng chủ yếu để bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Xét về khía cạnh chính trị và pháp luật, cần nhận thấy rằng môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm yếu: Năm 2006 tuy số lượng doanh nghiệp của tỉnh đã tăng khá mạnh nhưng mới đạt bình quân 860 người/doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với các địa phương khác (bình quân cả nước là 780 người/doanh nghiệp). Công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, kể cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; việc kiểm tra giám sát các DNNN sau cổ phần hoá chưa được chú trọng, công tác hậu kiểm sau đăng ký kinh doanh chưa được phối hợp tốt, số doanh nghiệp có đăng ký nhưng không hoạt động còn nhiều. Về phía các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như việc tiếp cận các nguồn vốn vay, mặt bằng cho sản xuất, nghiên cứu thị trường… Việc xây dựng và triển khai chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương tiến hành chậm. Các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm phổ biến và chỉ đạo thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng được kế hoạch tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, thiếu tầm nhìn chiến lược, chỉ dừng lại ở kế hoạch sản xuất ngắn hạn từng năm. Các trình tự, thủ tục hành chính, và việc giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư vẫn chưa đồng bộ, thời gian giải quyết còn chậm. Năng lực tổ chức điều hành dự án và tổ chức sản xuất kinh doanh của nhiều nhà đầu tư còn hạn chế. + Môi trường tự nhiên: Vị trí địa lý kinh tế không thuận lợi; điều kiện tự nhiên khó khăn, thiên tai xảy ra liên tục, gây hậu quả nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng, đến khả năng phát triển kinh tế của địa phương. + Môi trường văn hóa – xã hội: Các yếu tố văn hóa - xã hội thay đổi cũng tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng. Chẳng hạn, khi mức sống của người dân được cải thiện, tập quán tiết kiệm đầu tư, kỳ vọng cuộc sống tăng lên, xu hướng tiêu dùng phát triển… thì vai trò của ngân hàng càng trở nên quan trọng. Nắm bắt các vấn đề văn hóa xã hội là điều khó khăn vì nó không dễ nhận biết… Nếu chiến lược kinh doanh không phù hợp với yếu tố văn hóa xã hội sẽ tất yếu dẫn đến thất bại. Môi trường vi mô: + Đối thủ cạnh tranh: Hiện nay, đối thủ cạnh tranh của NHNT Huế không chỉ là các NHTM QD trên địa bàn và các NHTM CP mà NHNT Huế còn phải đối mặt với các chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh, xâm chiếm thị phần của nhau như kho bạc Nhà nước, dịch vụ tiết kiệm bưu điện, các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách, công ty bảo hiểm, các dịch vụ bán hàng trả góp…Đặc biệt với xu thế phát triển hiện nay, trong tương lai gần ngân hàng sẽ càng khó khăn hơn để cạnh tranh với các đối thủ mới xuất hiện như các thị trường tài chính thay thế. Điều đó đòi hỏi ngân hàng phải ra sức phấn đấu, tạo uy tín mạnh trên thị trường bằng mức lãi suất hợp lý, phong cách phục vụ tốt, đa dạng loại hình dịch vụ…. + Khách hàng: Bên cạnh một lực lượng khách hàng lớn là các công ty, các tổ chức kinh tế, các cơ quan, đoàn thể hoạt động trên địa bàn, gần đây chi nhánh đã bắt đầu chú trọng hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn cũng như thị trường khách hàng cá nhân. Do có đặc tính lợi thế mà các đối thủ cạnh tranh khác còn thiếu, nên thời gian qua NHNT Huế đã thu hút được một lượng khách hàng ổn định và gắn bó, đồng thời mở rộng giao dịch với các đối tượng khách hàng mới đầy tiềm năng. Hiểu rõ vai trò và tác động to lớn của khách hàng có thể ảnh hưởng, NHNT Huế đang ngày càng hoàn thiện công tác khách hàng nhằm đảm bảo thành công trong tương lai trong một thị trường đầy biến động với nguy cơ cạnh tranh cao. + Nhà cung cấp: Do đặc trưng của lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, nên các nhà cung cấp của các ngân hàng chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ chuyển tiền, các đại lý thanh toán, đại lý cho vay ủy thác…NHNT Huế thời gian qua đã tiến hành hợp tác với các nhà cung cấp trong các lĩnh vực: dịch vụ chuyển tiền nhanh UNION WESTERN, các tổ chức phát hành thẻ quốc tế, đại lý ủy thác cho các tổ chức quốc tế như WB, IMF… - Tình hình nguồn vốn và sử dụng vốn a. Nguồn vốn Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, muốn tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, yếu tố đầu vào quan trọng và không thể thiếu được đó là vốn. Đây là cơ sở để trang bị các yếu tố khác cần thiết cho kinh doanh. Đối với ngân hàng, vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi đối tượng mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng đó chính là tiền. Do vậy, ngân hàng muốn có đủ vốn để đáp ứng nhu cầu đi vay của khách hàng, trang bị cơ sở vật chất và sử dụng vào những hoạt động khác, đòi hỏi ngân hàng phải làm tốt công tác huy động các nguồn vốn khác nhau, đảm bảo sao cho các nguồn vốn này được cung cấp vốn một cách kịp thời và thường xuyên. Mặc dù hoạt động huy động vốn năm 2006 tại chi nhánh gặp rất nhiều khó khăn do các NHTMCP liên tục nâng lãi suất, áp dụng các chính sách khuyến mãi với những sản phẩm bán lẻ phong phú, đa dạng nhưng nguồn vốn huy động tại chi nhánh vẫn đạt 946 tỷ quy VND. b. Sử dụng vốn Bảng 2.4: Cơ cấu sử dụng vốn tại NHNT Huế Đơn vị: Triệu đồng CHỈ TIÊU 2004 2005 2006 2005/2004 2006/2005 Số tiền % Số tiền % Số tiền % Số tiền % Số tiền % 1. Tài sản cố định 13.556 1 13.895 0.9 12.604 1 339 2.5 -1.291 -9.3 2. Tiền mặt và ctừ có giá 22.316 1.7 31.222 2.1 26.242 2.1 8.906 40 -4.980 -16 3. Tiền gửi tại NHNN 15.816 1.2 21.742 1.5 21.439 1.7 5.926 37.5 -303 -1.4 4.Tiền gửi tại hội sở 41.222 3.1 217.961 14.8 82.242 6.7 176.739 429 -135.719 -62.3 5. Đầu tư tín dụng 1.213.000 92.2 1.178.000 79.9 1.084.000 88.1 -35.000 -2.9 -95.000 -8.1 6. Sử dụng vốn khác 9.233 0.7 12.294 0.8 3.415 0.3 3.061 33.2 -8.879 -72.2 Tổng sử dụng vốn 1.315.143 100 1.475.114 100 1.228.942 100 159.971 12.2 -246.172 -16.7 Nguồn: Báo cáo Quyết toán 2004, 2005, 2006 của NHNT Huế Tiền mặt và chứng từ có giá chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn sử dụng và tỷ trọng đó có xu hướng tăng lên qua các năm: năm 2004 chiếm 1,7%; năm 2005 chiếm 2,1%; năm 2006 chiếm 2,1%.Do quy mô vốn ngày càng tăng nên lượng vốn tiền mặt sẽ tăng lên để đảm bảo khả năng thanh toán cho khách hàng. Bên cạnh đó tiền vốn gửi tại hội sở và đầu tư tín dụng có những biến động lớn trong 3 năm qua, cụ thể: + Về tiền gửi tại NHNT: năm 2005 tăng so với năm 2004 do lượng vốn của NHNT chuyển về xử lý dự phòng rủi ro. + Năm 2005 đầu tư tín dụng đạt 1.178 triệu đồng, giảm 2,9% so với năm 2004. Năm 2006 đạt 1.084.triệu đồng, giảm giảm 8,1% so với năm 2005. Đây là hoạt động chủ yếu và đem lại lợi nhuận chính cho NHNT Huế. Như đã phân tích ở phần tình hình chung về nguồn vốn, thì nguồn vốn chính mà ngân hàng sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh là nguồn vốn huy động tại chỗ. Tuy nhiên, do thuận lợi trong công tác huy động mà 3 năm qua nguồn vốn huy động tại chỗ đã tăng mạnh, đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng vốn dẫn đến việc sử dụng vốn vay NHNT. Song song với việc huy động vốn là việc sử dụng vốn như thế nào? Mọi hoạt động kinh doanh đều hướng đến mục đích cuối cùng là lợi nhuận và lợi nhuận là tấm gương phản chiếu kết quả hoạt động của mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Nếu đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, tôn trọng các quy tắc về rủi ro tín dụng thì hiệu quả ngân hàng đạt đươc sẽ cao. Tóm lại, NHNT Huế đã biết sử dụng và phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý, tận dụng một cách tối đa sự nhàn rỗi của nguồn vốn huy động, cũng như sự hỗ trợ của NHNT để sinh lãi. Tuy nhiên, NNT Huế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động vốn trong thời gian tới để không còn phụ thuộc vào vốn vay NHNT. c. Kết quả kinh doanh tại NHNT Huế Cùng với việc mở rộng hoạt động tín dụng, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ thẻ, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ngoại tệ, phát triển thanh toán xuất nhập khẩu... nên trong những năm qua, NHNT Huế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2005, thu nhập đạt 93.273 tăng 15.241 triệu đồng so với năm 2004 tương ứng tăng 15%, và tăng nhẹ vào năm 2006 đạt 95.485 triệu đồng. Theo đó chi phí cũng tăng với tốc độ tương đương tốc độ tăng thu nhập qua các năm cụ thể 2004: 76.744 trđ ; 2005 : 91.229 trđ ; 2006 : 94.305 trđ. Đối với thu nhập sau thuế, năm 2005 tăng từ 1.289 triệu đồng lên 2044 triệu, tức tăng 58% sau đó giảm xuống 850 triệu đồng vào năm 2006. Bảng 2.5: Kết quả kinh doanh của NHNT Huế Đơn vị tính: Triệu đồng STT Chỉ tiêu 2004 2005 2006 2005/2004 2006/2005 +/- % +/- % I Thu từ lãi 71.728 85.335 79.345 13.607 19,0 -5.990 -7,0 1 Thu lãi cho vay 69.433 83.047 76.454 13.614 19,6 -6.593 -7,9 2 Thu lãi tiền gửi 2.295 2.288 2.891 -7 -0,3 603 26,4 II Chi trả lãi 50.263 70.071 72.315 19.808 39,4 2.244 3,2 1 Chi trả lãi tiền gửi 21.685 33.096 47.622 11.411 52,6 14.526 43,9 2 Chi trả lãi tiền vay 28.578 36.975 24.693 8.397 29,4 -12.282 -33,2 III Thu nhập từ lãi (I-II) 21.465 15.264 7.030 -6.201 -28,9 -8.234 -53,9 IV Thu ngoài lãi 6.304 7.938 16.140 1.634 25,9 8.202 103,3 1 Thu phí dịch vụ 4.590 4.477 4.844 -113 -2,5 367 8,2 2 Lãi từ kinh doanh ngoại hối 1.264 944 3.569 -320 -25,3 2.625 278,1 56 3 Thu từ các dịch vụ khác 332 2.246 2.524 1.914 576,5 278 12,4 4 Các khoản thu nhập bất thường 119 270 5.203 151 126,9 4.933 1827,0 V Chi phí ngoài lãi 26.481 21.158 21.990 -5.323 -20,1 832 3,9 1 Chi về dịch vụ thanh toán và ngân quỹ 990 981 1.165 -9 -0,9 184 18,8 2 Chi về hoạt động khác 581 689 917 108 18,6 228 33,1 3 Chi phí cho nhân viên 3.319 4.536 5.858 1.217 36,7 1.322 29,1 4 Chi hoạt động quản lý và công cụ 3.074 3.581 3.966 507 16,5 385 10,8 5 Chi khấu hao cơ bản TSCĐ 3.258 4.145 5.164 887 27,2 1.019 24,6 6 Chi khác về tài sản 1.516 1.146 2.223 -370 -24,4 1.077 94,0 7 Chi dự phòng 1.306 5.600 2.000 4.294 328,8 -3.600 -64,3 8 Chi nộp phí bảo hiểm, BHTG 337 481 659 144 42,7 178 37,0 VI Thu nhập ngoài lãi (IV-V) -20.177 -13.220 5.850 6.957 -34,5 7.370 -55,7 VII Thu nhập trước thuế (III+VI) 1.289 2.044 1.180 755 58,6 -864 -42,3 VIII Thuế thu nhập doanh nghiệp 330 0 330 IX Thu nhập sau thuế (VII+VIII) 1.289 2.044 850 755 58,6 -1.194 -58,4 57 Nguồn: Báo cáo Quyết toán 2004, 2005, 2006 của NHNT Huế 2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để đạt được mục đích của đề tài, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp sau: 2.2.1. Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử Đây là phương pháp nghiên cứu tổng quát để khái quát đối tượng nghiên cứu và để nhận thức bản chất của các hiện tượng tự nhiên, kinh tế, xã hội. Phương pháp này yêu cầu nghiên cứu các hiện tượng không phải trong trạng thái riêng rẽ, cô lập mà trong mối quan hệ bản chất của các hiện tượng, sự vật; không phải trong trạng thái tĩnh mà trong sự phát triển từ thấp đến cao, trong sự chuyển biến từ số lượng sang chất lượng , từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. 2.2.2. Phương pháp điều tra, thu thập số liệu 2.2.2.1. Số liệu thứ cấp Các số liệu và thông tin về hoạt động dịch vụ ngân hàng được thu thập từ các báo cáo qua các năm của NHNT Huế như: Báo cáo tổng kết; Báo cáo kết quả kinh doanh; Báo cáo quyết toán và Báo cáo tổng kết của NHNN Thừa Thiên Huế cũng như các tư liệu nghiên cứu hiện có về dịch vụ ngân hàng đã được đăng tải trên các báo, tạp chí và trên Internet… Ngoài ra các báo cáo khoa học, luận văn của những người đi trước cũng được sử dụng làm nguồn tài liệu tham khảo quý giá và đã được kế thừa một cách hợp lý trong luận văn. 2.2.2.2. Số liệu sơ cấp - Việc điều tra nguồn số liệu sơ cấp được tiến hành trên cơ sở khảo sát thực tế, điều tra thu thập ý kiến của các khách hàng đã sử dụng dịch vụ ngân hàng do NHNT Huế cung cấp. Thang điểm Likert (từ 1 đến 5 theo cấp độ tăng dần) được sử dụng để lượng hoá các mức độ đánh giá về chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ, thái độ và phong cách phục vụ của nhân viên ngân hàng cũng như mức độ hài lòng của khách hàng đối với ngân hàng. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại NHNT Huế. Các thông tin cần thiết cho quá trình nghiên cứu được thiết lập thông qua Phiếu điều tra. - Phương pháp chọn mẫu của cuộc điều tra này là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Trên cơ sở khách hàng hiện đang sử dụng dịch vụ ngân hàng của NHNT Huế, chúng tôi tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên và điền vào bảng câu hỏi của phiếu điều tra tất cả là 88 khách hàng. Cơ cấu mẫu điều tra được phân tổ theo các tiêu thức như đối tượng khách hàng, địa bàn… - Phương pháp tiến hành khảo sát điều tra: điền vào bảng câu hỏi điều tra. Các khách hàng được nghiên cứu điền vào bảng câu hỏi thông qua các giao dịch viên và cán bộ tín dụng trong quá trình tiếp xúc, giao dịch vớ

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc02 Gi7843i php nng cao ch7845t l4327907ng ho7841t 2737897ng tamp.doc
Tài liệu liên quan