Biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc hiện nay - Trương Minh Dục

Tài liệu Biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc hiện nay - Trương Minh Dục: Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 3Ngày nhận bài: 14/7/2017; Ngày phản biện: 15/8/2017; Ngày duyệt đăng: 25/8/2017(1) Học viện Chính trị khu vực III; e-mail: minhduc1952@yahoo.com.vn 1.Quan hệ tộc người nảy sinh từ cách thức cư trú, địa bàn cư trú, di cư của các tộc người ở Việt Nam Trong thời kỳ đổi mới ở vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của nước ta đã diễn ra quá trình di dân và tái định cư rầm rộ nhất trong lịch sử. Trước hết, là di dân, tái định cư để xây dựng các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp do yêu cầu phát triển kinh tế. Chẳng hạn, để thực hiện Dự án thủy điện Sơn La, một cuộc di dân, tái định cư lớn đại quy mô được thực hiện cho 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao). Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu. Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư đã được Thủ tư...

pdf10 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 407 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biến đổi quan hệ dân tộc ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc hiện nay - Trương Minh Dục, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 3Ngày nhận bài: 14/7/2017; Ngày phản biện: 15/8/2017; Ngày duyệt đăng: 25/8/2017(1) Học viện Chính trị khu vực III; e-mail: minhduc1952@yahoo.com.vn 1.Quan hệ tộc người nảy sinh từ cách thức cư trú, địa bàn cư trú, di cư của các tộc người ở Việt Nam Trong thời kỳ đổi mới ở vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của nước ta đã diễn ra quá trình di dân và tái định cư rầm rộ nhất trong lịch sử. Trước hết, là di dân, tái định cư để xây dựng các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp do yêu cầu phát triển kinh tế. Chẳng hạn, để thực hiện Dự án thủy điện Sơn La, một cuộc di dân, tái định cư lớn đại quy mô được thực hiện cho 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao). Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu. Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần phải xây dựng 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án đường tránh ngập đường Mường Lay- Nậm Nhùn, giai đoạn 1)1. Tuy nhiên, quá 1. Theo Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, cập nhật ngày 12-5-2015, 08:00 GMT+7 trình thực hiện công tác tái định cư chưa chú trọng đến phong tục và tập quán canh tác giữa nơi ở cũ và nơi ở mới dẫn đến việc ổn định đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai, sau giải phóng (1975), một lực lao động lớn từ miền bắc và vùng duyên hải miền trung được chuyển đến để khai thác tiềm năng kinh tế vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Cùng với quá trình di dân theo kế hoạch là những đợt di dân tự do của cư dân các tộc người ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào vùng này, tạo nên hình thái cư trú đan xen giữa cư dân các tộc người mới đến với các tộc người tại chỗ. Trong vòng gần 40 năm, các tỉnh Tây Nguyên tiếp nhận một số lượng lớn dân cư với hơn 3 triệu người từ nơi khác đến2 đã làm cho bức tranh quan hệ tộc 2. Theo số liệu thống kê, năm 1976, dân số Tây Nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 tộc người, trong đó đồng bào các DTTS là 853.820 người (chiếm 69,7% dân số); đến thời điểm ngày 1 - 4 – 2009, dân số Tây Nguyên (gồm năm tỉnh) là 5.107.437 người, so với năm 1976 đã tăng 3,17 lần, chủ yếu là tăng cơ học, trong đó người Kinh 3.309.836 người, chiếm 64,7%; các tộc người tại chỗ: 1.363.005 người, chiếm 26,7%, các tộc người mới di cư đến: 393.415 người, chiếm 8,6%. Đến năm 2011, tổng dân số của năm tỉnh Tây Nguyên là khoảng 5.282.000 người. Nguồn: Trương Minh Dục (Chủ nhiệm đề tài): Quan hệ tộc người ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến 2010), mã số IV5.2 – 2011.26. BIẾN ĐỔI QUAN HỆ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC HIỆN NAY * Trương Minh Dục(1) Quan hệ dân tộc/tộc người là quan hệ trong nội bộ từng dân tộc; quan hệ giữa các dân tộc anh em với nhau; quan hệ dân tộc xuyên quốc gia; quan hệ giữa dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số; Quan hệ giữa các dân tộc với cộng đồng dân tộc/quốc gia thể hiện trên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội, tôn giáo - tín ngưỡng, v.v. Nghiên cứu này đánh giá thực trạng xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), từ đó, đề xuất giải pháp định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc nhằm bảo đảm quyền bình đẳng, cơ hội phát triển của các dân tộc và xây dựng quan hệ dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Từ khóa: Mối quan hệ dân tộc; dân tộc thiểu số; định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc; biến đổi quan hệ dân tộc Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 4 Số 19 - Tháng 9 năm 2017 người giữa các cộng đồng tại chỗ với các cộng đồng mới di cư đến trở nên đa dạng và phức tạp; nạn phá rừng, tranh chấp đất đai đang là những vấn đề nổi cộm ở một số địa phương trong vùng3. Đến nay, ở hầu hết các địa phương miền núi Việt Nam trở thành địa bàn cư trú xen kẽ của nhiều tộc người. Một số tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, đã có gần 40 tộc người cùng sinh sống; ở Tây Nguyên hiện có cư dân của hầu hết các tộc người trong cả nước; thậm chí nhiều bản/làng đơn dân tộc ngày xưa nay đã trở thành bản/làng của vài ba dân tộc4. Hình thái cư trú xen kẽ giữa các tộc người ngày càng tăng làm đậm thêm tính chất thống nhất hữu cơ của các tộc người trên mọi mặt của đời sống xã hội. Tình trạng cư trú xen kẽ giữa các tộc người, một mặt tạo điều kiện tăng cường hiểu biết nhau, hòa hợp và xích lại gần nhau, nhưng mặt khác, trong nhiều trường hợp do chênh lệch về trình độ phát triển, khác nhau về phong tục tập quán, nên đã xuất hiện mâu thuẫn, tranh chấp trong một số lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế (trong phối hợp chia sẻ, sử dụng các nguồn lực tự nhiên - xã hội) dẫn đến sự va chạm giữa cư dân thuộc các tộc người cùng sống trên một địa bàn. 2.Quan hệ tộc người trong lĩnh vực kinh tế Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi phát 3. Do thiếu đất đai sản xuất cộng với những thiếu sót trong việc giải quyết đất đai ở vùng đồng bào các tộc người tại chỗ nên tình trạng phá rừng, tranh chấp đất đai, gây mất ổn định xã hội chưa được giải quyết dứt điểm. Theo thống kê về tình hình an ninh nông thôn trong 10 năm (2001 - 2010) ở Tây Nguyên có 4.000 vụ khiếu kiện, trong đó có 2.000 vụ, chiếm 50%, có liên quan đến đồng bào các tộc người tại chỗ và 1.000 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, vi phạm lâm luật, do các cơ quan, đơn vị giao đất, cho thuê đất giải quyết chưa có hiệu quả chiếm nhiều nhất. (Tổng hợp từ báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (2011): Báo cáo tổng kết Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18 - 1 - 2002 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010”, và các báo cáo về tình hình an ninh nông thôn vùng Tây Nguyên hàng năm). 4. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên có 722 đơn vị hành chính cấp xã (77 phường, 47 thị trấn, 598 xã), với 7.768 điểm dân cư (thôn, buôn, làng, bon, tổ dân phố), trong đó có 2.764 thôn, buôn, bon, làng có đông đồng bào các tộc người tại chỗ đang sinh sống. triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng DTTS5. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở vật chất và hạ tầng vùng miền núi đã có bước phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội vùng núi ngày càng phát triển; đồng bào các tộc người từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có bước cải thiện. Quá trình phát kinh tế theo cơ chế thị trường và sự tác động của quy luật phát triển không đều đã làm dãn cách thêm sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các tộc người. Mặc dù đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS nhưng do tài nguyên thiên nhiên nhiều vùng đã bị khai thác cạn kiệt, do vốn đầu tư hạn hẹp, dân số tăng nhanh, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực thấp kém, năng lực của chính quyền cơ sở còn rất non yếu, đồng b́̀ào DTTS thiếu kiến thức sản xuất, kinh doanh trong kinh tế thị trường, v.v.. nên kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống mọi mặt của đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng chậm được cải thiện so với miền xuôi, vùng đồng bằng, đô thị, vùng gần các trục giao thông. Ở nhiều vùng của các tộc người thiểu số, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, chênh lệch mức sống vật chất giữa các tộc người thiểu số với 5. Cụ thể như: Nghị quyết số 22 NQ/TW ngày 20 - 11 - 1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”. Quyết định số 72/HĐBT ngày 13-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi”; các nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên; Chỉ riêng 10 năm từ 2003 đến 2013, Quốc hội đã ban hành 38 luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS; Chính phủ đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc, đã ban hành 160 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 14 nghị định của Chính phủ, 40 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 27 văn bản phê duyệt đề án; các bộ, ngành ban hành 51 văn bản và 26 thông tư liên tịch nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS, xây dựng quan hệ dân tộc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Nguồn: Ủy ban Dân tộc: “Báo cáo đánh giá và triển khai chính sách vùng dân tộc”, năm 2013. Dẫn lại: Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông: Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 495,496. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 5Số 19 - Tháng 9 năm 2017 dân tộc Kinh và Hoa tăng nhanh. Mặc dù, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2009, giảm xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014, bình quân giảm 3,91%/năm, cao gần gấp đôi so với mức giảm tỉ lệ hộ nghèo chung toàn quốc trong cùng giai đoạn, tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc vẫn cao gấp 2,7 lần bình quân cả nước và có nguy cơ khoảng cách này ngày càng gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Giang là 23,21%, Cao Bằng: 20,55%, Yên Bái: 20,57%, Sơn La: 23,94%, Điện Biên: 32,57% và Lai Châu: 23,48% 6. Ở vùng Tây Nguyên, chỉ tính từ năm 2011 đến 2014, GDP bình quân đầu người/năm tăng từ 22,76 triệu đồng năm 2010 lên 32,2 triệu đồng năm 2014; tỷ lệ đói nghèo ở Tây Nguyên giảm đáng kể: năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo 8,92%, đến năm 2014 còn 11,22%; vùng đồng bào các DTTS giảm từ 47,8% xuống 19,9% và cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu đói7, nhưng sự phân hoá giàu nghèo cũng rất phức tạp: số hộ nghèo vùng Tây Nguyên đến thời điểm năm 2010 là 262.880 hộ, chiếm tỷ lệ 22,48%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các DTTS là 45%, tỷ lệ cận nghèo 7,51%8. 3.Quan hệ tộc người trong lĩnh vực văn hóa Văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, trong đó, mỗi dân tộc có một nền văn hóa mang những giá trị và bản sắc riêng từ lâu đời, phản ánh lịch sử truyền thống của từng dân tộc. Sự phát triển đa dạng bản sắc văn hoá của từng dân tộc càng làm phong phú thêm nền văn hoá chung của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Quá trình đổi mới cũng chính là quá trình xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam đáp ứng các nhu cầu văn hoá tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú, cao về cấp độ, rộng về biên độ,... cũng như đáp ứng các nhu cầu phát triển văn hóa của từng dân tộc anh em. Vì vậy, có thể nói rằng chưa bao giờ đời sống văn hóa các dân tộc Việt Nam lại “trăm hoa khoe sắc” đa dạng, phong phú như ngày nay. 6. Báo Lao động, số 291, thứ Tư, ngày 16-12-2015. 7. Dân trí, cập nhật thứ Năm, ngày 17-12-2015, 7:20 8. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Báo cáo tổng kết Nghị quyết 10- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010, Tlđd, tr.15. Bên cạnh sự khởi sắc, thành công trong xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc, trong quá trình phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường trong sự phát triển văn hóa các dân tộc xuất hiện một số vấn đề trong quan hệ văn hóa, giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc. Trước hết là xu hướng “Kinh hóa” trong giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh, nhất là trong bối cảnh các dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh cư trú ngày càng đan xen và nền kinh tế thị trường đang thống nhất dần cách sản xuất cũng như cách tiêu dùng hàng hóa giữa các dân tộc. Ngày càng có nhiều người DTTS nhất là lớp trẻ, ăn mặc, ở, tiêu dùng,..., sống theo lối sống của người Kinh và lẽ đương nhiên, tâm thức, ý thức tộc người của họ cũng có thể không còn sâu đậm như trước đây. Hai là, một số dân tộc thiểu số có thể quan sát được sự mai một của nhiều giá trị văn hóa dân tộc như một số phong tục, tập quán, lễ hội, kiến trúc, trang phục, một số thiết chế văn hóa truyền thống, ngôn ngữ dân tộc. Ngôn ngữ, tiếng nói là một tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người và đồng thời là một thành tố cơ bản của văn hóa, nhưng hiện nay là nhiều tộc người có nguy cơ bị mất tiếng mẹ đẻ (đồng bào dân tộc Bố Y ở Lào Cai hầu như không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa, còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày; hay người Phù Lá không nói được tiếng mẹ đẻ và cũng chuyển sang sử dụng tiếng Quan hỏa; tương tự như vậy, người Cờ Lao đỏ ở Hà Giang cũng không còn nói được tiếng mẹ đẻ; các dân tộc Kháng, La Ha, Xinh Mun ở vùng Tây Bắc chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch; ngôn ngữ mẹ đẻ của dân tộc La Ha chỉ còn một số từ vựng cơ bản trong các bài cúng cổ; ngay các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun hiện nay cũng có tới 70 - 80% là tiếng Thái,...). Các thành tố văn hóa khác như trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội của các tộc người cũng mai một nghiêm trọng. Ở vùng Tây Bắc hiện nay rất khó phân biệt kiến trúc, lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng của người Kháng, người La Ha, người Xinh Mun với người Thái,v.v. Sự biến đổi của văn hóa các tộc đã làm cho một số tộc người mất dần bản sắc văn hóa của mình. Ba là, cùng với sự mai một của các giá trị Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 6 Số 19 - Tháng 9 năm 2017 văn hóa dân tộc, tâm lý tiêu dùng và tâm lý tự ti dân tộc đang có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh tác động mạnh của kinh tế thị trường và quá trình giao lưu văn hóa. Các DTTS ở nước ta, trừ người Hoa, đều đang ở trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp nên một bộ phận đã hoài nghi, thậm chí là tự ti về truyền thống của tộc người mình. Kinh tế thị trường là miếng đất dung dưỡng cho tâm lý tiêu dùng vật chất dẫn tới thái độ chối bỏ những giá trị truyền thống. Người dân các tộc thiểu số (nhất là giới trẻ) tỏ ra thích nghi nhanh với đời sống vật chất tiện nghi, ăn ngon, mặc đẹp hơn, ở tốt hơn (theo như người Kinh), bỏ xa dần trang phục và nhà ở truyền thống. Văn hóa của phần lớn các DTTS Việt Nam thường gắn với không gian rừng. Rừng không chỉ thích hợp cho tính huyền thoại của văn hóa truyền thống các DTTS mà còn là nguồn sống, nguồn cung cấp cho họ nguyên liệu để dựng nhà ở, nhà sàn, nhà rông, nhà dài, nhưng “không gian rừng” này đã bị hủy hoại, tàn phá nghiêm trọng, thậm chí là không còn ở một số vùng DTTS. Trong khi đó, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng bào các DTTS, nhất là giới trẻ, đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, văn minh, hiện đại từ bên ngoài và trong đó không chỉ toàn những cái tích cực. Một số trong đó đã bị cuốn theo trào lưu hiện đại hóa và xa dần gốc rễ của mình. Hiện tượng các DTTS không hiểu và không yêu các nhạc cụ dân tộc truyền thống, trường ca, sử thi,... có xu hướng ngày càng tăng. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS từ chủ trương chính sách cho đến thực hiện vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân là chưa có sự đồng thuận giữa những chủ thể văn hóa, trong đó chủ yếu sự “vênh” giữa nhu cầu thực tế của người dân với sự sáng suốt trong các quyết định của những người lãnh đạo và giá trị khoa học trong các khuyến nghị của các chuyên gia văn hóa. 4.Quan hệ tộc người trên các lĩnh vực xã hội - Về giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực. Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ở vùng dân tộc và miền núi nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nhờ đó đến nay, 100% số xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu học, nhà mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường cao9. Tuy nhiên, cho đến nay chất lượng giáo dục - đào tạo ở các vùng miền núi rất thấp. Ở vùng DTTS tỷ lệ trẻ em đến trường ở bậc tiểu học chỉ đạt khoảng 80% và bậc trung học cơ sở là 77%. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở các vùng miền núi đặc biệt khó khăn cũng cao hơn so với các vùng đồng bằng và các đô thị (ở đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ học sinh bỏ học tính chung là 2,96%, trong khi tỷ lệ tương ứng ở khu vực Tây Bắc là 6,91%, Tây Nguyên là 7,16%, đồng bằng sông Cửu Long là 12,64%). Bên cạnh đó, số trẻ em gái trong độ tuổi được đi học ở các vùng này cũng còn rất thấp. Đặc biệt ở các vùng núi cao nơi một số dân tộc thiểu số sinh sống chỉ có từ 10 - 15% số em gái được đến trường. Theo nhóm dân tộc thì số trẻ em gái mù chữ người Mông là 90%, Hà Nhì 89%, Gia Rai 83%, Ba Na 82%,... Ở cấp đào tạo chuyên môn nghề nghiệp ở vùng miền núi rất thấp. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây cho thấy, dân tộc Kinh với 86% dân số, nhưng chiếm tới 96,74% số lượng trí thức khoa học xã hội và nhân văn cả nước, các DTTS với 14% dân số nhưng chỉ chiếm 3,26%10. Điều này nêu lên thực trạng chung về sự phát triển chênh lệch giữa dân tộc Kinh và các DTTS. Chẳng hạn, đến nay, trong 5.400 trí thức tỉnh Đắk Nông, 9. Cụ thể như: Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012; Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015; Đề án tăng cường đầu tư xây dựng ở mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và một số trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm thu hút được tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường; Quyết định ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, các chính sách ưu tiên cho phát triển giáo dục dân tộc; Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Quyết định số 2123/QĐ- TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015; Thực hiện công bằng trong xã hội và một số chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học, v.v. 10. Trần Thị Nhẹn, Bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, 2009. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 7Số 19 - Tháng 9 năm 2017 chiếm 2,6% trên tổng số lao động trong độ tuổi lao động toàn tỉnh, người DTTS chỉ chiếm 2,7%. Nguồn nhân lực lao động người DTTS rất thiếu và yếu. Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động trong độ tuổi ở một số vùng DT&MN rất thấp, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo ở các vùng các DTTS: Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo cao nhất trong cả nước (trên 90%), Tỷ trọng dân số đã qua đào tạo của các nhóm DTTS ở các bậc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học thấp, trong đó tốt nghiệp cao đẳng, đại học rất thấp: Thái - 1,6%; Mường 2,0%, Khmer 1,0%; Mông - 0,3%, các DTTS khác cũng chỉ đạt 1,5%11. Như vậy, mặc dù đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nhưng đến nay so với dân tộc Kinh, chất lượng nguồn nhân lực các DTTS vừa phân bố không đều, lại vừa rất thiếu về lượng, yếu về chất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển hiện nay. - Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc khám, chữa bệnh cho đồng bào các tộc người vùng sâu, vùng xa được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn: Đến nay, gần 100% số xã có cán bộ y tế trực; 93,5% số xã có trạm y tế; hơn 95% trẻ em được tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng,... các loại bệnh dịch cơ bản được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi,... Các chính sách về công tác y tế thôn, bản, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo và người dân tộc thiểu số, đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở, phát triển đội ngũ y, bác sỹ công tác ở các cơ sở vùng miền núi, vùng DTTS,v.v... được quan tâm. Tuy nhiên, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cùng với đội ngũ cán bộ y tế vùng miền núi, vùng DTTS còn thiếu và yếu nhiều mặt, chưa đảm bảo về quy mô cũng như khả năng khám chữa bệnh, nhất là những loại bệnh khó. Tỷ lệ trạm y tế cơ sở (xã, phường) có bác sĩ ở các vùng miền núi 11. Ủy ban Dân tộc – UNDP, Trần Thị Hạnh, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Cao Thịnh, Hà Quang Khuê, Lò Giàng Páo, Đặng Văn Thuận, Trần Trung Hiếu: “Nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng DT& MN” thuộc Dự án VIE02/001 – SEDEMA & EMPCD: “Tăng cường năng lực cho Ủy ban Dân tộc xây dựng thực hiện và giám sát chính sách dân tộc”. Hà Nội, tháng 11/2010. đặc biệt thấp: vùng Tây Bắc mới đạt 37,4%, Tây Nguyên 46,3%; tại 61 huyện nghèo nhất nước, tỷ lệ trạm y tế cơ sở có bác sĩ mới đạt 34,5% (trên toàn quốc tính chung mới đạt 65,9%)12. Nhiều DTTS đang gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe do hệ thống y tế cơ sở không bảo đảm, tỉ lệ tử vong cao; nguy cơ suy thoái giống nòi do quan hệ cận huyết13, dẫn đến chất lượng dân số thấp, sức khỏe yếu, bệnh tật nhiều đang đe dọa sự phát triển một cách bền vững... Ở các vùng dân tộc miền núi tỷ lệ tử vong mẹ thường cao hơn rất nhiều so với khu vực đô thị - đồng bằng. Chẳng hạn, một nghiên cứu ở vùng Tây Nguyên cho thấy tỷ lệ phụ nữ đi khám thai là 70% nhưng chỉ có 42% là khám đủ 3 lần theo như khuyến nghị của Bộ Y tế; 19% số phụ nữ cho rằng khám thai là không cần thiết và 16% không biết gì về khám thai; 64% bà mẹ sinh con tại nhà.14 Suy dinh dưỡng trẻ em còn khá phổ biến ở vùng đồng bào DTTS - đang là vấn đề bức xúc của Việt Nam. Nhu cầu khám chữa bệnh của người DTTS rất lớn nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế của họ còn rất hạn chế nên tình trạng khá nhiều địa phương miền núi không sử dụng hết kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo các DTTS. Thông thường các dịch vụ y tế ở vùng dân tộc - miền núi có chất lượng thấp hơn: nhiều tỉnh, huyện miền núi không có hoặc không sử 12. Lê Duy Sớm, Thực trạng mạng lưới y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Việt Nam, https://www.dangcongsan.vn, cập nhật ngày 9/11/2011 13. Hôn nhân cận huyết thống của các DTTS ở Việt Nam bao gồm: Hôn nhân anh chị em họ chéo (tức hôn nhân con cô con cậu): Con cô con cậu lấy nhau, có thể là con gái cô lấy con trai cậu, hoặc con gái cậu lấy con trai cô; Hôn nhân anh chị em họ song song tức hôn nhân con gì - con già và (hôn nhân con chú - con bác). Một biểu hiện rõ nét của hôn nhân cận huyết thống ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hôn nhân con cô con cậu. Đây là hình thức hôn nhân giữa con của anh hoặc em trai với con của chị hoặc em gái. Hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở nhiều dân tộc, đặc biệt là một số dân tộc vùng cao, vùng sâu như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru. Đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Rơ Mâm, Brâu (Kon Tum) là những dân tộc dưới 1.000 dân đang có nguy cơ suy giảm do tình trạng hôn nhân cận huyết (Xem:“Hôn nhân cận huyết thống: Nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe”, https://www.benhvienleloi.com.vn/, cập nhật ngày 25/03/2010). 14. Nguyễn Thị Phương Hòa, Sử dụng dịch vụ chăm sóc trước sinh của phụ nữ dân tộc ở Tây Nguyên, Tạp chí Thông tin Y Dược, số tháng 7/2008 Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 8 Số 19 - Tháng 9 năm 2017 dụng được các thiết bị chẩn đoán, điều trị hiện đại cũng như không thực hiện được các phẫu thuật phức tạp, chi phí cao, v.v... Rõ ràng, chất lượng các dịch vụ y tế do hệ thống y tế vùng dân tộc miền núi cung cấp, nhất là tuyến xã, là còn thấp, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế ở đây còn nhiều hạn chế,... là những thách thức không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các DTTS. 5.Quan hệ tộc người trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng và tôn giáo. Các tộc người đều có những hình thức tín ngưỡng truyền thống của mình và có một bộ phận đồng bào các DTTS theo các loại tôn giáo khác nhau. Đồng bào các tộc người có truyền thống tín ngưỡng nguyên thủy đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh hoặc thờ cúng tổ tiên. Khi các tôn giáo bên ngoài thâm nhập vào đồng bào các dân tộc hình thành nên các cộng đồng tôn giáo, như: cộng đồng dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông với trên 1 triệu tín đồ và 433 ngôi chùa Khmer; cộng đồng người Chăm với khoảng gần 100 nghìn người theo Hồi giáo (trong đó số người theo Hồi giáo chính thống - là 25.703 tín đồ, Hồi giáo không chính thống là 39.228 tín đồ, 30 nghìn người theo đạo Bàlamôn); cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên theo Công giáo với gần 300 nghìn người và gần 400 nghìn người theo đạo Tin lành; cộng đồng DTTS ở Tây Bắc theo Công giáo có khoảng 38 nghìn người; khoảng 20 năm trở lại đây có đến trên 100 nghìn người Mông theo Tin lành (dưới tên gọi Vàng Chứ) và hơn 10 nghìn người Dao theo Tin lành (dưới tên gọi Thìn Hùng),... Đa số người dân Việt Nam tuy không phải là tín đồ đúng nghĩa nhưng họ cũng thường đi đến các địa điểm tôn giáo - tín ngưỡng vài lần trong một năm để tham gia vào các hoạt động lễ hội có tính chất tôn giáo - tín ngưỡng15. Chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc trên tinh thần đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Điều này thể hiện bằng một hệ thống chính sách và hoạt động quản lý phù hợp. Tự do tín ngưỡng, tôn 15. Người Việt Nam được cho là ít có tinh thần tôn giáo; các tôn giáo - tín ngưỡng Việt Nam thường được chú trọng ở mặt thờ cúng, còn mặt giáo lý, tinh thần thì lại ít được quan tâm. giáo được đề cập trong Hiến pháp, trong Bộ luật Dân sự, được bảo vệ bằng hệ thống pháp luật với mức độ ngày càng cao hơn, hoàn thiện hơn. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI thông qua ngày 18/6/2004 tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và được thể hiện sống động trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh những thành công tích cực, quá trình thực thi chính sách tôn giáo và tín ngưỡng thời gian qua cũng đối mặt với những vấn đề khá phức tạp, những nhược điểm ít nhiều tác động tiêu cực đến quan hệ dân tộc trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhất là khi vấn đề tôn giáo - dân tộc đã bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm những mục tiêu chống phá Đảng và Nhà nước ta. Sự phát triển của Tin lành “Đềga”, Tin lành “Vàng Chứ”, Tin lành “Thìn Hùng” dẫn đến những bất ổn chính trị - xã hội ở Tây Bắc, Tây Nguyên cho thấy sự yếu kém hệ thống chính trị cơ sở trong vùng các DTTS. Vấn đề dân tộc/tộc người thường gắn với vấn đề tôn giáo vì mặt bằng dân trí, trình độ nhận thức của người dân, của cán bộ, đảng viên còn nhiều bất cập, hạn chế. Bằng nhiều thủ đoạn, trực tiếp và gián tiếp, lừa bịp và mị dân, xuyên tạc và bịa đặt, cưỡng ép và đe dọa, bằng sự mê hoặc của giáo lý, ở một số vùng DTTS kẻ địch đã lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, chia rẽ giữa đồng bào với nhau, giữa người Kinh và các tộc người thiểu số, làm tha hóa một số cán bộ, đảng viên, thậm chí gây chia rẽ, phân hóa ngay trong gia đình, họ hàng và trong cộng đồng một dân tộc, giữa các dân tộc, giữa người theo đạo và không theo đạo. Các thế lực thù địch thường lợi dụng tôn giáo và sự hiểu biết hạn chế của đồng bào các DTTS để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở. Trên địa bàn có đông người Mông sinh sống, chúng lấy lý do “Người Mông không có Tổ quốc” xúi giục, lôi kéo người Mông di cư, có lúc ồ ạt trong nội bộ các tỉnh biên giới, đi Tây Nguyên, sang Lào, làm cho tình hình an ninh chính trị trên địa bàn có lúc diễn biến phức tạp. Chúng lợi dụng vấn đề dân tộc - tôn giáo kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin, tụ tập, gây rối an ninh trật tự tại một số địa phương miền núi, dựng lên cái gọi là Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 9Số 19 - Tháng 9 năm 2017 “nhà nước Đềga”, “vương quốc Mông”. 6.Quan hệ tộc người trong đời sống chính trị Là một quốc gia có nhiều tộc người, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến quyền chính trị của các tộc người, nhất là tộc người thiểu số và đã có nhiều chính sách đảm bảo điều này. Đó là các chính sách bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin; quyền tự do hội họp, lập hội; quyền tự do tín ngưỡng; quyền bình đẳng nam nữ, v.v... Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN - một nhà nước mà ở đó các quyền con người nói chung, quyền chính trị của các DTTS nói riêng, được tôn trọng và bảo vệ. Điều 10 Luật Bầu cử Việt Nam quy định: “Số đại biểu Quốc hội là người DTTS do Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm để các thành phần DTTS có số đại biểu thích đáng”. Thực hiện quy định này trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ đại biểu thuộc DTTS luôn luôn cao hơn tỷ lệ dân số. Nhiệm kỳ khóa XI, số đại biểu là người DTTS, chiếm 17,2%; nhiệm kỳ khóa XII, chiếm 17,6%; nhiệm kỳ khóa XIII, chiếm 15,60%, trong khi đó, tỷ lệ 53 DTTS chỉ chiếm 13% dân số Việt Nam. Hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc và miền núi bước đầu được tăng cường và củng cố, trong hệ thống chính trị này đội ngũ cán bộ DTTS được quan tâm xây dựng, đã có bước trưởng thành với tỷ lệ cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị các cấp ngày càng cao. Hàng vạn sinh viên DTTS được đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (theo chế độ cử tuyển hoặc các chế độ đào tạo khác) đã tạo nguồn cán bộ DTTS ngày càng dồi dào để tham gia vào hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi khi có điều kiện. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú16, các trường dự bị đại học dân tộc, các lớp mở riêng cho con em dân tộc ít người, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở Việt Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ đã là nguồn đào tạo cán bộ rất quan trọng cho các vùng dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, sự tham gia của người dân vào 16. Hiện có 50 trường nội trú cấp tỉnh, gần 300 trường nội trú cấp huyện với hàng vạn con em đồng bào DTTS được Nhà nước nuôi, dạy hoàn toàn miễn phí. Đây là một cố gắng lớn đối với một quốc gia còn nghèo, là một chính sách hiếm có trên thế giới. các hoạt động chính trị, các sinh hoạt chính trị vùng dân tộc, miền núi vẫn mang nhiều tính hình thức do nhận thức chính trị của đồng bào các tộc người thiểu số chưa cao và hệ thống chính trị vùng dân tộc miền núi, nhất là ở cơ sở hoạt động chưa hiệu quả. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các DTTS còn yếu về nhiều mặt. Trong khi đó, ở nhiều vùng, nguồn cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ thiếu hụt trong một thời gian dài. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống như truyền bá mê tín dị đoan, lôi kéo đồng bào tham gia các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, kích động các hoạt động chống đối chính quyền, gieo giắc các định kiến và tâm lý thù hằn giữa các dân tộc. Như vậy, dưới tác động của chính sách đổi mới nói chung và chính sách dân tộc nói riêng, các DTTS tuy có sự phát triển về mọi mặt, nhưng so với vùng đồng bằng và vùng đã phát triển tương đối khá thì miền núi và vùng các DTTS còn là vùng khó khăn nhất. Tỷ lệ nghèo ở vùng DTTS còn cao so với mặt bằng chung cả nước. Trình độ dân trí còn thấp, số người mù chữ còn nhiều, mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào ở một số vùng DTTS còn thấp. Việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào vùng DTTS còn hạn chế. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào các DTTS còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Vẫn còn nhiều kẽ hở cho các thế lực thù địch dễ lợi dụng vấn đề dân tộc để “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng Việt Nam. Thực trạng tình hình quan hệ dân tộc như trên, do các nguyên nhân sau: - Về phía chủ quan, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, bên cạnh ưu điểm, tích cực, còn bộc lộ những khiếm khuyết, chưa phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến quan hệ tộc người. Chính sách di dân xây dựng vùng kinh tế mới, chính sách xử lý vấn đề di dân tự do còn nhiều chậm trễ, bất cập. Chủ trương phát triển các nông, lâm trường quốc doanh trong thập niên 1980; khai thác tài nguyên khoáng sản; di dân tái định cư để xây dựng các đập thủy điện do không tính đến yếu tố tâm lý, văn hóa, lịch sử truyền thống, quan hệ xã hội, kinh tế của đồng bào các tộc người tại chỗ (như sở hữu đất rừng, quản lý xã hội bằng luật tục, hay tập quán pháp) nên đã để lại hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ tộc Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 10 Số 19 - Tháng 9 năm 2017 người mà cho đến nay không dễ khắc phục một sớm, một chiều. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các chính sách thật sự phù hợp với từng dân tộc và vùng miền. Chẳng hạn, chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ cho các DTTS theo chế độ cử tuyển sẽ không thể nào tạo được một đội ngũ trí thức người DTTS xứng tầm vì chất lượng đào tạo hạn chế, nhiều học sinh, sinh viên các DTTS được đào tạo về không được tiếp nhận làm việc, gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân. Hệ thống chính sách ban hành rất nhiều, nhưng nguồn lực thiếu, đầu tư dàn trải, phân tán, trùng lắp về nội dung, nhiều đầu mối quản lý; thiếu đồng bộ từ khâu xây dựng đến tổ chức thực hiện chính sách, nội dung chính sách không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhưng chậm nghiên cứu bổ sung, sửa đổi. Hệ thống chính sách ban hành khá nhiều và tập trung cho vùng dân tộc và miền núi trên các lĩnh vực (về kinh tế, xã hội...), nhưng sự lồng ghép các chính sách để tập trung thực hiện trên cùng địa bàn còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả tổng thể của chính sách; chưa đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như vùng các DTTS và miền núi. Nội dung hệ thống chính sách chồng chéo, trùng lắp, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc17. Ngoài ra, một số chính sách thực hiện trong thời gian dài, có những chính sách mang tính bao cấp cho không, không còn phù hợp nhưng chậm tổng kết đánh giá, sửa đổi bổ sung đã không phát huy hiệu quả và nội lực của chính sách, ý thức tự giác của một bộ phận đồng bào DTTS giảm sút. Một số chính sách ban hành không gắn với việc quy hoạch tổng thể của các địa phương mà chỉ có tính chất giải quyết tình thế, áp đặt chủ quan chưa gắn vấn đề phát triển kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội, hạn chế hiệu quả chính sách (di dân tái định cư, quy hoạch sắp xếp dân cư, các dự án về phát triển bảo tồn một số tộc người có số dân ít). Mặt khác, một số chính 17. Ví dụ, chính sách định canh, định cư theo các Quyết định 193/2006/QĐ-TTg và Quyết định 33/2007/QĐ-TTg, mục tiêu đưa ra lớn, nhưng nguồn lực đầu tư thiếu, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách quản lý, bảo vệ rừng và giao rừng thí điểm theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg, chính sách hưởng lợi từ rừng không rõ ràng, khó thực hiện, diện tích rừng ngày càng suy giảm. sách khi xây dựng và ban hành chưa dựa trên đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng DTTS và miền núi, thiếu sự tham gia của cộng đồng; không tính đến khả năng duy trì hiệu quả của chính sách sau khi kết thúc. Vì vậy, khi cụ thể hóa chính sách vào điều kiện cho từng vùng, từng DTTS thì hiệu quả không cao (chính sách định canh, định cư, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng). Việc nghiên cứu, tổ chức xây dựng và ban hành chính sách có tính chiến lược và đặc thù cho vùng các tộc người và miền núi thường rất chậm; một số văn bản hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách chưa kịp thời, một số nội dung chính sách có lúc còn chưa phù hợp với thực tế địa phương; sự phối hợp để tham mưu xây dựng chính sách, chỉ đạo triển khai chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách còn hạn chế; chất lượng chính sách chưa cao. Chính sách ban hành nhiều, mang tính nhiệm kỳ, còn chồng chéo về nội dung, quản lý thực hiện, đối tượng và địa bàn thụ hưởng; các chính sách hầu hết mang tính hỗ trợ, chưa có chính sách đầu tư trọng điểm, dài hạn, nên chính sách chưa bền vững và hiệu quả chưa cao. Nhiều chính sách đề ra mục tiêu kỳ vọng lớn, song nguồn lực về vốn không đáp ứng, nên kéo dài thời gian thực hiện, hiệu quả thấp, thậm chí gây lãng phí. Công tác phối hợp còn hạn chế; công tác quản lý có mặt còn chồng chéo; công tác phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn còn bất cập; việc kiểm tra, giám sát, rà soát đánh giá việc thực hiện chính sách chưa kịp thời, không thường xuyên... - Về quản lý nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật này nhìn chung còn rời rạc, chồng chéo, độ ổn định chưa cao, nhiều cấp độ pháp lý khác nhau và ít nhiều đều chứa đựng những điểm “vênh” với đời sống thực tế. Đến nay ở nước ta vẫn chưa có một văn bản ở tầm một Bộ luật về dân tộc thiểu số, mà ở đó qui định một cách bao quát, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý ổn định lâu dài làm cơ sở pháp luật thống nhất cho việc triển khai thực hiện chính sách đối với các dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước. - Một số DTTS chưa tranh thủ những cơ hội thuận lợi mà Đảng và Nhà nước dành cho họ. Tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước và từ bên ngoài còn nặng ở một số DTTS. Do hạn chế nhiều mặt nên học sinh, sinh viên người DTTS thường đạt kết quả học Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 11Số 19 - Tháng 9 năm 2017 tập thấp hơn nên khó được tuyển vào các cấp học cao. Nhiều học sinh, sinh viên DTTS cử tuyển không có việc làm sau khi ra trường đã tác động xấu đến tâm lý học tập ở trong người DTTS. 7.Một số giải pháp Từ thực trạng quan hệ dân tộc ở nước ta qua 30 năm đổi mới, để bảo đảm quyền bình đẳng, cơ hội phát triển của các dân tộc và xây dựng quan hệ dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, dưới góc độ chính sách cần thực hiện tốt các giải pháp sau: - Chính sách dân tộc của Đảng phải có tính hệ thống, từ các chính sách chung phát triển tổng thể các DTTS, vùng DTTS cần phải xây dựng chính sách cụ thể phù hợp với từng dân tộc riêng lẻ nhằm hai mục tiêu: Một là, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội từng tộc người và cả cộng đồng các DTTS; Hai là, xây dựng quan hệ dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp nhau cùng phát triển. - Có chính sách cụ thể chăm lo phát triển con người các DTTS từ phát triển thể chất (phát triển nòi giống và sức khỏe cộng đồng) đến phát triển trí lực, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần, tạo môi trường để phát triển con người toàn diện. - Cần xây dựng Bộ luật phát triển DTTS hoặc nếu chưa đủ điều kiện thì xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về chính sách với các DTTS. Có như vậy, các cơ quan liên quan mới thấy được trách nhiệm của mình, cũng như tạo thuận lợi cho các cơ quan của Quốc hội trong quá trình giám sát việc áp dụng chính sách, pháp luật về DTTS. - Tăng cường tuyên truyền giáo dục cho nhân dân các dân tộc ý thức về sự thống nhất của cộng đồng quốc gia/dân tộc; ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi dân tộc đối với sự thống nhất bền vững của quốc gia/dân tộc. Cùng với việc giáo dục nâng cao ý thức vươn lên trong quá trình phát triển, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ, kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng kỳ thị cũng như tự ti dân tộc, đấu tranh chống lại âm mưu, hành động chí rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. - Để xây dựng quan hệ dân tộc, củng cố khối đoàn kết dân tộc, định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc phù hợp với điều kiên mới, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu những vấn đề về tộc người như: phương thức sinh hoạt kinh tế của tộc người (Ethnic) và của dân tộc (Nation); tâm lý dân tộc/tộc người, v.v; tính thống nhất và sự đa dạng của ngôn ngữ, văn hóa dân tộc/tộc người, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về vấn đề dân tộc/tộc người như: vấn đề quan hệ vận mệnh dân tộc - quốc gia (Nation) và dân tộc/tộc người (Ethnic), làm rõ những đặc trưng và mối quan hệ giữa tộc người và dân tộc; quan hệ phát triển dân tộc/tộc người và chính sách dân tộc; các quá trình tộc người trong thời đại ngày nay, xu hướng phân ly và liên kết các dân tộc; các vấn đề phát triển dân tộc trong bối cảnh kinh tế thị trường: tác động của kinh tế thị trường đối với sự phát triển của các DTTS; tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đối với các dân tộc; quan hệ và giao lưu văn hoá giữa các dân tộc/tộc người và vấn đề bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá của các DTTS; kế thừa, phát huy các giá trị trong văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên của các dân tộc. Sự biến đổi đa chiều và phức tạp của quan hệ dân tộc trong thời kỳ đổi mới cho thấy rằng, để xây dựng quan hệ dân tộc dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp nhau cùng tiến bộ, xây dựng vùng miền núi và dân tộc thành một khu vực giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa, xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với những vấn đề đặt ra, từ đó giúp chúng ta có chủ trương, giải pháp định hướng hoàn thiện chính sách dân tộc nhằm bảo đảm quyền bình đẳng, cơ hội phát triển của các tộc người và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. * Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp quốc gia:“Xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc: Những vấn đề đặt ra và định hướng chính sách”, mã số KX.04.21/16-20. Tài liệu tham khảo [1] Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Báo cáo tổng kết Nghị quyết 10- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010, Buôn Mê Thuột, 2011; [2] Báo Lao động, số 291, thứ Tư, ngày 16-12-2015. Các website: www.chinhphu.vn cập Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc CHIẾN LƯỢC VÀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 12 Số 19 - Tháng 9 năm 2017 nhật ngày 12-5-2015, 08:00 GMT+7; dantri.com.vn, cập nhật thứ Năm, ngày 17-12- 2015, 7:20; [3] Quốc Cảnh, Điện Biên đẩy nhanh tiến độ di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, Báo Nhân Dân, số 21987, ngày 8-12-2015; [4] Trương Minh Dục (Chủ nhiệm đề tài): Quan hệ tộc người ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến 2010), mã số IV5.2 – 2011.26; [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 22-NQ/BCT của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”. Hà Nội, 1989; [6] Trần Thị Hạnh- Phạm Văn Hùng - Nguyễn Cao Thịnh - Hà Quang Khuê - Lò Giàng Páo - Đặng Văn Thuận - Trần Trung Hiếu: “Nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi” thuộc Dự án VIE02/001 – SEDEMA & EMPCD: “Tăng cường năng lực cho Ủy ban Dân tộc xây dựng thực hiện và giám sát chính sách dân tộc”. Hà Nội, tháng 11/2010; [7] Nguyễn Thị Phương Hòa, Sử dụng dịch vụ chăm sóc trước sinh của phụ nữ dân tộc ở Tây Nguyên, Tạp chí Thông tin Y Dược, số 7/2008; [8] Hôn nhân cận huyết thống: Nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe, com.vn, cập nhật ngày 25- 3- 2010; [9] Trần Thị Nhẹn, Bình đẳng dân tộc trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, 2009; [10] Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông: Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 495, 496; [11] Lê Duy Sớm, Thực trạng mạng lưới y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Việt Nam, website: www.dangcongsan.vn, cập nhật ngày 9/11/2011. THE CHANGES IN VIETNAM IN THE PERIOD OF THE INNOVATION AND THE ORIENTATION TOWARDS ETHNIC POLICY Abstract: Ethnic / ethnic relations are relations within each ethnic group; the relationship between the peoples of the brothers; transnational relations; relations between the majority and ethnic minorities; Relations between peoples and ethnic / national communities are reflected in all aspects of social life from economics, politics to culture, society, religion and belief, etc. This assessment focuses on the current state of change in ethnic relations in all areas of social life during the renovation period (from 1986 to present), thus suggesting a policy oriented solution to ensure equal rights, develop opportunities of ethnic groups and build national relations, strengthen the national unity bloc in line with the context of globalization and international integration today. Key words: Ethnic relations; the ethnic minorities; ethnic policy; change the ethnic relations.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf185_798_1_pb_3612_2151985.pdf
Tài liệu liên quan