Xưng hô ngôi thứ nhất với sự thể hiện con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ chữ Hán của ông - Nguyễn Thị Tính

Tài liệu Xưng hô ngôi thứ nhất với sự thể hiện con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ chữ Hán của ông - Nguyễn Thị Tính: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0006 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 34-38 This paper is available online at XƯNG HÔ NGÔI THỨ NHẤT VỚI SỰ THỂ HIỆN CON NGƯỜI CÁ NHÂN CAO BÁ QUÁT TRONG THƠ CHỮ HÁN CỦA ÔNG Nguyễn Thị Tính Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Tóm tắt. Trong thơ chữ Hán, Cao Bá Quát sử dụng rất nhiều từ ngữ xưng hô ngôi thứ nhất. Bài viết thống kê, khảo sát đồng thời chỉ ra hiệu quả thẩm mĩ của việc sử dụng xưng hô ngôi thứ nhất với việc thể hiện con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ của ông - một con người cá tính, phong cách trong thời trung đại Việt Nam. Từ khóa: Thơ, chữ Hán, Cao Bá Quát, từ ngữ, xưng hô, cá nhân. 1. Mở đầu Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu bàn đến chữ “ta” và chữ “tôi” trong văn học trung đại và hiện đại. Nhiều ý kiến còn chưa có sự thống nhất. Tuy nhiên, xét cho cùng, tác phẩm văn học nào cũng biểu hiện cái tôi tác giả, dù nó nghiêng về phản ánh hiện thực đời sống hay hiện thực tâm linh. Phương d...

pdf5 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 495 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xưng hô ngôi thứ nhất với sự thể hiện con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ chữ Hán của ông - Nguyễn Thị Tính, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0006 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 34-38 This paper is available online at XƯNG HÔ NGÔI THỨ NHẤT VỚI SỰ THỂ HIỆN CON NGƯỜI CÁ NHÂN CAO BÁ QUÁT TRONG THƠ CHỮ HÁN CỦA ÔNG Nguyễn Thị Tính Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Tóm tắt. Trong thơ chữ Hán, Cao Bá Quát sử dụng rất nhiều từ ngữ xưng hô ngôi thứ nhất. Bài viết thống kê, khảo sát đồng thời chỉ ra hiệu quả thẩm mĩ của việc sử dụng xưng hô ngôi thứ nhất với việc thể hiện con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ của ông - một con người cá tính, phong cách trong thời trung đại Việt Nam. Từ khóa: Thơ, chữ Hán, Cao Bá Quát, từ ngữ, xưng hô, cá nhân. 1. Mở đầu Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu bàn đến chữ “ta” và chữ “tôi” trong văn học trung đại và hiện đại. Nhiều ý kiến còn chưa có sự thống nhất. Tuy nhiên, xét cho cùng, tác phẩm văn học nào cũng biểu hiện cái tôi tác giả, dù nó nghiêng về phản ánh hiện thực đời sống hay hiện thực tâm linh. Phương diện chủ thể là một yếu tố có vai trò quyết định đến quá trình sáng tác và đặc thù tác phẩm. Dù muốn hay không, cái tôi nghệ sĩ cũng ít nhiều in dấu trong tác phẩm. Trong văn học trung đại Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX, “sự xuất hiện cái Tôi - cá thể đã là một thành tố đặc sắc làm nên đặc trưng của chủ nghĩa nhân bản” [1]. Tiếp nối Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Phạm Nguyễn Du, Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Công Trứ..., Cao Bá Quát đã góp một tiếng nói khá mạnh mẽ vào sự thể hiện ý thức về cái tôi, bao hàm trong đó những đặc tính để phân biệt tôi với những cá nhân khác. Trong thơ chữ Hán của mình, Cao Bá Quát thể hiện cái tôi cá nhân chủ quan của ông bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó dạng thức xưng hô ngôi thứ nhất là biểu hiện trước tiên, rõ nét của sự khẳng định cái tôi cá nhân này. Ông sử dụng khá phong phú các hình thức nhân xưng để thể hiện cá thể của bản thân mình: đại từ xưng hô, dùng tên riêng, mượn tên các danh nhân, các vật thiêng, hoa quý... 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất Biểu hiện đầu tiên trong ý thức cá nhân của Cao Bá Quát là mật độ xuất hiện đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: ngã, tự, kỉ, bối, khách. . . dày đặc và liên tục trong thơ chữ Hán của ông. Ngày nhận bài: 15/7/2015. Ngày nhận đăng: 10/1/2016 Liên hệ: Nguyễn Thị Tính, e-mail: nguyentinhsp2@yahoo.com.vn/ ngthitinh1973@gmail.com 34 Xưng hô ngôi thứ nhất với sự thể hiện con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ... Tuy nhiên, trong văn học Việt Nam trung đại, việc sử dụng từ tự xưng không phải đến Cao Bá Quát mới xuất hiện. Tác giả Lê Thu Yến thống kê thơ chữ Hán cho kết quả: Nguyễn Trãi có 22 từ tự xưng trên 52 bài thơ, Nguyễn Đề có 40 từ tự xưng trên 143 bài thơ, Nguyễn Du có 269 từ trong 250 bài thơ chữ Hán còn lại của ông. Như vậy, việc sử dụng từ tự xưng đến Nguyễn Du đã trở thành “hiện tượng” [2]. Việc sử dụng đại từ nhân xưng nhiều như vậy của các tác giả là một hiện tượng khác biệt đối với thi pháp thơ Đường. Vì lẽ, sự thiếu vắng đại từ nhân xưng là một đặc điểm của thơ Đường - nền thơ ảnh hưởng sâu sắc đến văn học trung đại Việt Nam. “Ý muốn tránh càng nhiều càng tốt ba ngôi trong ngữ pháp chứng tỏ sự chọn lọc có ý thức; nó làm nảy sinh một lối nói đặt chủ ngữ nhân xưng trong một mối quan hệ đặc biệt với sự vật. Bằng cách xoá, nói đúng hơn, là bằng cách khiến cho người ta “ngầm hiểu” sự tồn tại của nó, chủ ngữ đã hoà tan vào các yếu tố bên ngoài” [3]. Do lối sống “khiêm cung” và “khát vọng hoà nhập làm một với vũ trụ”, chủ thể thơ Đường thường ẩn đi bằng biện pháp tỉnh lược (chủ thể). Nếu chủ thể có xuất hiện trực tiếp trong sáng tác thơ xưa thì thường thu nhỏ mình lại một cách khiêm tốn, dùng những cách xưng hô rất công thức: kẻ hèn, kẻ mọn, hủ nho, ngựa già. . . Đó là kết quả của cái nhìn phi cá thể. Vì vậy, sử dụng nhiều đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất chứng tỏ các tác giả trên đã nhiều lần vượt ra ngoài quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại. Thơ họ không phải lúc nào cũng là “một sự biểu thị nào đó cho các lực lượng vũ trụ” mà còn là tiếng nói đầy tính chủ quan, độc lập của người nghệ sĩ. Với những lần sử dụng đại từ đó, con người thơ các tác giả đã ra khỏi mối quan hệ chung với tạo vật, trực tiếp thể hiện tư tưởng, tình cảm riêng của mình. Trở lại với thơ chữ Hán Cao Bá Quát. Như trên đã nói, việc sử dụng đại từ nhân xưng của Cao Bá Quát trong thơ chữ Hán không phải là mới ở văn học trung đại Việt Nam. Song đến Cao Bá Quát, việc sử dụng đại từ nhân xưng nổi trội hơn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận đã thống kê và kết luận “mật độ dùng từ tự xưng loại này của Cao Bá Quát nhiều gấp 2,37 lần so với Nguyễn Du. Do đó, tính chất “riêng tư” cũng thể hiện mạnh mẽ hơn” [3;176]. Không chỉ sử dụng với mật độ dày đặc, với những lần sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, từ vị trí chủ thể, Cao Bá Quát xuất hiện trong tác phẩm với vai trò chứng kiến, ghi chép, bày tỏ thái độ tư tưởng của mình. Những bài thơ chữ Hán của ông đầy ắp các cụm từ: ngã thị, ngã dục, ngã hành, ngã biên (ta là, ta muốn, ta đi, ta ghi). . . : - Ngã thị Trung Nguyên cựu nhân vật (Ta cũng là nhân vật cũ ở Trung Nguyên). (Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi) - Ngã dục huề Ma Cật (Ta muốn mang tranh Ma Cật đến). (Đề Đức Khê tử u cư, thứ Nguyễn Tuần Phủ tiến sĩ vận) - Quan cái phân phân ngã hành hĩ (Mũ lọng nhộn nhịp ta cũng đi đây). (Hoành Sơn vọng hải ca) - Thắng du kì tuyệt ngã tư biên (Thật là một cuộc vui tuyệt lạ ta ghi lại bài này). (Cửu nhật chiêu khách) - Ngã bản ái khâu sơn (Tôi vốn yêu cảnh núi gò). (Đăng Mật Sơn) - Ngã ca tài đáo Thương Lang ngâm (Ta ca vừa đến bài Thương Lang). . . (Thù Phạm Ôn Phủ) Như vậy, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất đã thể hiện con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ: con người không hoà tan mình vào các yếu tố khác mà trực tiếp thể hiện ý thức cá nhân của mình. Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất góp phần bộc lộ một con người sinh động với nhiều vị trí 35 Nguyễn Thị Tính khác nhau, nhiều thái độ, tâm trạng khác nhau trong cuộc đời Cao Bá Quát. 2.2. Sử dụng tên huý, tự, hiệu Bên cạnh đại từ nhân xưng, Cao Bá Quát còn đích thân xưng danh. Ông nhiều lần sử dụng các tên huý, tên tự, hiệu của mình. Trong văn học trung đại Việt Nam, hiện tượng xưng danh như Cao Bá Quát cũng không phải là mới mẻ. Thế kỉ XV, Lê Thánh Tông đã xuất hiện với tên riêng của đại triều đại: Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự, (Cháu nay Hồng Đức gìn ngôi báu, Bát bách Cơ Chu lạc trị bình. Vận thịnh Cơ Chu nối nghiệp dày.) (Minh quân lương thần) Giai đoạn sau, Nguyễn Du xưng tên tự: Bất tri tam bách dư niên hậu,/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Độc Tiểu Thanh kí). Nguyễn Công Trứ xưng biệt hiệu: Vũ trụ nội mạc phi phận sự,/ Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng (Bài ca ngất ngưởng). Vả chăng trong các bài tự, bạt viết cho các thi tập, văn tập, sử tập cũng đã có nhiều người tự xưng tên. Tuy nhiên, hiện tượng xưng danh nhiều như Cao Bá Quát là rất hiếm. Nếu các tác giả khác chỉ xưng tên một đôi lần thì Cao Bá Quát có tới “16 lần tự xưng đích danh (Mẫn Hiên 4 lần, Chu thần 3 lần, Cúc Đường 3 lần, Cao tử 3 lần, Cao lang 1 lần, Cao thị 1 lần, Quát 1 lần” [2;176]. Ông sử dụng những tên riêng của mình trong nhiều trạng huống khác nhau. Khi gắn liền với đặc điểm ngoại hình của tác giả: Cao lang chỉ tự mai hoa sấu (Chàng Cao gầy gò giống hệt cành mai - Du Tây hồ bát tuyệt, kì ngũ). Khi thì là sự kiện tổ chức tiệc sinh nhật trong tù ngục vì tội chữa bài thi của thí sinh: Thử Mẫn Hiên tử kim sinh sơ độ chi tịnh dã (Đây là tiệc sinh nhật kiếp này của gã Mẫn Hiên đây - Cửu nhật chiêu khách). Khi lênh đênh trên biển đi “dương trình hiệu lực”: Lục bức dương bình hoạ Mẫn Hiên (Sáu bức bình phong vẽ chàng Mẫn Hiên trên biển - Lưu biệt Hoàng Liên Phương). Khi thì mang nỗi đau xé trời do con ruột cảm mạo đột ngột qua đời: Cao thị chi tử đắc mạo - con của họ Cao cảm mạo đột ngột, Cao tử bất hạnh, Cao tử dạ mộng - Chàng Cao đêm nằm mơ (Thất tử)... Xưng danh như vậy nhấn mạnh cái tôi tác giả hơn dùng đại từ nhân xưng rất nhiều. Vì những đại từ nhân xưng có thể mang sắc thái biểu cảm chung chung hoặc dễ nhầm lẫn với những cá thể khác. Còn xưng tên là khẳng định rõ chính bản thân mình, không thể là ai khác ngoài mình. Xưng tên nhiều như vậy cho thấy bản thân đầy bản lĩnh của tác giả. Ý thức về cái riêng khiến Cao Bá Quát vượt lên trên sự hoà chung về tình cảm để không sử dụng những đại từ “ngã”, “tự”... Hơn nữa, xưng danh làm cho thơ chữ Hán của Cao Bá Quát phản ánh đời tư của ông rõ nét. Với những lần xưng danh, thơ Cao Bá Quát biểu hiện rõ rệt tính chất nhật kí, kí sự đời tư. 2.3. Sử dụng danh tự của các anh hùng hào kiệt, vật thiêng, hoa quý và các từ ngữ khác Trong thơ chữ Hán, Cao Bá Quát còn thường xuyên dùng tên các danh nhân, hào kiệt trong 36 Xưng hô ngôi thứ nhất với sự thể hiện con người cá nhân Cao Bá Quát trong thơ... quá khứ như Lí Bạch, Ngũ Tử Tư, Khổng Minh, Đào Tiềm, Cố Khải Chi... để chỉ bản thân mình. Ví dụ: Lí Bạch - Hảo bằng báo thân thức/ Bạch dã chính dương cuồng (Nhân tiện nhờ bác báo cho các bạn thân biết/ Rằng: “Lí Bạch lúc này đang giả điên” - Văn Lưu Nguyệt trì Bắc hành khuyết vi diện biệt phụng kí), Ngũ Tử Tư - Ngã thị Trung Nguyên cựu nhân vật (Ta cũng là nhân vật cũ ở Trung Nguyên - Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự, triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi), Khổng Minh - Hồ hải Nguyên Long cố bất trừ (Khí phách hồ hải của Nguyên Long cố giữ chửa rời - Tặng Thổ Khối Đỗ Vệ uý xuất Thanh Hoá), Đào Tiềm, Cố Khải Chi - Do lai bần thắng Đào Nguyên Lượng/ Đáo để si đồng Cố Trưởng Khang (Bởi chưng nghèo khó hơn Đào Nguyên Lượng/ Rốt cuộc si cuồng giống Cố Trưởng Khang - Tân ngụ hí bút, thị đồng xá Dương Lục Lang), Đỗ Phủ, Hàn Dũ - Bệnh liên Lão Đỗ cùng thiên sấu/ Học ái Xương Lê vãn cánh thâm (Bệnh thương lão Đỗ khốn cùng lại gầy guộc/ Học tiếc Xương Lê đã muộn càng thêm sâu - Độc dạ thư hoài), Tô Thức, Hạ Hầu Thắng - Thi tài đáo để liên Tô tử/ Thư nghĩa chung tu thuyết Hạ Hầu (Kể tài làm thơ cuối cùng cũng phải tiếc đến Tô Tử/ Bàn kinh nghĩa thư, rốt cuộc cũng phải nhắc đến Hạ Hầu - Trường giang thiên, kì tam). . . Mượn danh những tài năng giàu bản lĩnh, những danh nhân văn hóa, thi nhân để chỉ mình, Cao Bá Quát bộc lộ chất “ngông” rõ ràng. Ông xem mình là sự kết tụ tài năng, tâm hồn, khí khách... của người xưa. Ngoài ra, Cao Bá Quát còn mượn vật thiêng, hoa quý để chỉ bản thân mình. Ông ví mình như rùa thiêng: Linh quy khởi trùng vật/ Sinh trưởng biệt Gia Lâm/ Đắc khí tiên thiên địa/ Tri vi quán cổ câm (Rùa thiêng há phải vật côn trùng/ Lớn lên đi khỏi Gia Lâm/ Nhận được tinh khí mà trời đất phú trước cho/ Nên sự hiểu biết rất mầu nhiệm, thông suốt cả xưa nay - Quy), như loài chim hồng, chim hạc: Bệnh hạc thương hồng vọng dĩ cô (Chim hạc ốm, chim hồng đau hi vọng đã dừng lại - Thuyền hồi quá Bắc dữ, dư bão bệnh sổ nhật hì, dạ bán đăng tường tứ vọng, thê nhiên độc hữu hương quan chi cảm, nhân giản Trần Ngộ Hiên), như các loài hoa đẹp: hoa lan - Cô lan ám kì hinh (Cây lan đơn độc, thơm không ai biết - Độc thi), hoa hải đường - Ô hô nhất chi xuân hải đường/ Tồi chiết bất biện Xương Châu hương (Than ôi một nhành hoa hải đường đương xuân/ Bị bẻ tan nát, không kể gì đến cái hương thơm ở Xương Châu nữa - Đằng tiên ca)... Tự ví mình như vật thiêng, hoa quý như vậy, cái tôi của Cao Bá Quát càng chứng tỏ lớn đến mức ông đã không hề giấu diếm sự khẳng định độ cao quý của cá nhân mình. Thêm nữa, Cao Bá Quát còn có rất nhiều cách gọi khác để chỉ đích danh cá nhân mình trong từng hoàn cảnh, nỗi niềm khác nhau: trượng phu (Trượng phu tam thập bất thành danh - Trượng phu ba mươi tuổi chẳng nên danh gì - Du Đằng Giang dữ hữu nhân đăng Chung Kim tự, tuý hậu lưu đề, tính tự), hạnh nhân (Thiên tá giang hồ độc hạnh nhân - Trời mượn sông hồ để ban riêng cho người may mắn - Du Tây hồ bát tuyệt, kì nhất), Nam nhân (Khởi thức Nam nhân hữu biệt li - Đâu biết người Nam nỗi biệt li - Dương phụ hành), kim nhân (Cổ nhân bất thức kim nhân hận - Người đời xưa không biết nỗi hận của người đời nay - Đằng Châu ca giả Phú Nhi kí hữu sở dữ, thư dĩ tặng chi), cơ nhân (Cơ nhân bồng phát toạ đoạn sàng - Người bị giam xù đầu ngồi trên chiếc giường gãy - Đằng tiên ca), tản nhân (Tản nhân quy khứ ngoạ giang thành - Kẻ nhàn tản này thì về nằm khểnh ở thành bên sông - Đông Tác Tuần phủ tịch thượng ẩm), thi ông (Chỉ khủng thi ông bất khẳng hồi - Chỉ e nhà thơ không chịu trở về - Ninh Bình đạo trung), y quan nhân (Hốt phùng y quan nhân - Bỗng gặp người áo khăn đứng đắn - Phụ tương tử), ly nhân (Tương tống ly nhân đáo Hạ Châu - Tiễn khách biệt ly đến xứ Hạ Châu - Tảo phát Liêu cảng), ngoan tiên (Ngoan vân thâm xứ ngoạ ngoan tiên - Đám mây nhởn nhơ nơi sâu thẳm có ông tiên bướng bỉnh nằm trên đó - Tặng Trà Lũ cử nhân), u nhân (U nhân ái dạ toạ - Người buồn vẫn thích ngồi khuya - Thu dạ độc toạ tức sự). . . Những từ ngữ này thể hiện con người cá nhân phức thể Cao Bá Quát trong nhiều tâm trạng, nỗi niềm ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. 37 Nguyễn Thị Tính 3. Kết luận Rõ ràng, ý thức cá nhân của Cao Bá Quát nổi bật rõ rệt trong thơ chữ Hán. Sự xuất hiện đậm đặc các hình thức tự xưng chứng tỏ Cao Bá Quát đã nhiều lần vượt ra ngoài “khuôn phép”, quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại. Thơ Cao Bá Quát không còn là “sự biểu thị nào đó cho các lực lượng vũ trụ” mà trở thành tiếng nói đầy tính chủ quan, độc lập của cá nhân tác giả. Con người cá nhân trong thơ Cao Bá Quát đã thoát ra khỏi mối quan hệ chung với tạo vật, với “đại vũ trụ” để thể hiện tư tưởng, tình cảm riêng của mình, bộc lộ cá tính của bản thân. Nhà thơ xuất hiện không phải với tư cách một con người “siêu cá thể” mà là một cái tôi cá nhân sừng sững. Đó là cái tôi thật, chứng kiến, chép sự thật, tường thuật, bày tỏ cảm xúc... Đó là cái tôi không trang điểm, trang sức, phản ánh và bày tỏ cảm xúc, suy tư thực của mình trước những sự việc mắt thấy tai nghe, trước những điều nhà văn nhận thức được từ cuộc sống. Thêm nữa, sự ý thức về mình của Cao Bá Quát đã khiến cho thơ ca chữ Hán của ông có tính tự sự. Thơ ông một mặt có đặc điểm rõ rệt của thể kí: người sáng tác trở thành chủ thể ghi lại “những điều trông thấy”, bày tỏ xúc cảm, tư tưởng. Mặt khác, thơ Cao Bá Quát còn có đặc điểm của thơ ca lãng mạn hiện đại: lấy cái nhìn cá thể làm nền tảng tạo hình, lấy tiếng nói cá thể làm giọng điệu và nhạc điệu. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Đình Chú, 2009. “Nguyễn Công Trứ - Sự lên ngôi của cái tôi cá thể ”. Nghiên cứu Văn học, số 3. [2] Theo Nguyễn Ngọc Quận, 2006. Sáng tác của Cao Bá Quát trong tiến trình văn học dân tộc. Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, bảo vệ ngày 03.01.2006, tại Trường ĐHKHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh, tr.176. [3] Trần Đình Sử, Huyền Giang, Trần Ngọc Vượng, Nguyễn Hữu Sơn,Trần Nho Thìn, Đoàn Thị Thu Vân, 1998. Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.112. ABSTRACT The personal pronouns which describe Cao Ba Quat’s personal human in his Han poetry In his Han poetry, Cao Ba Quat used many first person pronouns. This post listed, surveyed and showed the artistic effect of using first person pronouns when describing Cao Ba Quat’s personal human in his poetry – a personality and style in Vietnamese medieval times. Keywords: Poetry, Cao Ba Quat, word, pronoun, personal. 38

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4036_nttinh_9821_2132809.pdf
Tài liệu liên quan