Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn

Tài liệu Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn: 42 Xã hội học, số 1 - 2009 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn VỐN XÃ HỘI, MẠNG LƯỚI XÃ HỘI VÀ NHỮNG PHÍ TỔN HOÀNG BÁ THỊNH 1. Quan niệm về vốn xã hội và mạng lưới xã hội Vốn xã hội (Social Captial), là một thuật ngữ đã được sử dụng từ đầu thế kỷ XX, nhưng nó chỉ được sử dụng một cách rộng rãi sau công trình của Coleman, Bourdieu và Putnam vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Thuật ngữ này liên quan đến mạng lưới xã hội, các chuẩn mực và sự tán thành/thừa nhận khiến cho hành động hợp tác giữa các cá nhân và các cộng động được dễ dàng. Từ năm 1995, đã có một sự bùng nổ trong các chủ đề nghiên cứu về vốn xã hội với phạm vi rộng ở các ngành khoa học hàn lâm. Điều này cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách, các thể chế quốc gia và quốc tế đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng về nhận thức và những ảnh hưởng của vốn xã hội. Ở Châu Âu, Pierre Bourdieu đưa ra định nghĩa về vốn xã hội: “Là tổng hợp các nguồn lực, hữu hình hay vô hình hoặ...

pdf10 trang | Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 993 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
42 Xã hội học, số 1 - 2009 Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn VỐN XÃ HỘI, MẠNG LƯỚI XÃ HỘI VÀ NHỮNG PHÍ TỔN HOÀNG BÁ THỊNH 1. Quan niệm về vốn xã hội và mạng lưới xã hội Vốn xã hội (Social Captial), là một thuật ngữ đã được sử dụng từ đầu thế kỷ XX, nhưng nó chỉ được sử dụng một cách rộng rãi sau công trình của Coleman, Bourdieu và Putnam vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Thuật ngữ này liên quan đến mạng lưới xã hội, các chuẩn mực và sự tán thành/thừa nhận khiến cho hành động hợp tác giữa các cá nhân và các cộng động được dễ dàng. Từ năm 1995, đã có một sự bùng nổ trong các chủ đề nghiên cứu về vốn xã hội với phạm vi rộng ở các ngành khoa học hàn lâm. Điều này cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách, các thể chế quốc gia và quốc tế đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng về nhận thức và những ảnh hưởng của vốn xã hội. Ở Châu Âu, Pierre Bourdieu đưa ra định nghĩa về vốn xã hội: “Là tổng hợp các nguồn lực, hữu hình hay vô hình hoặc sự tích luỹ của một cá nhân hay một nhóm bởi một mạng lưới bền vững của các mối quan hệ qua lại có mức độ thể chế hoá nhiều hay ít đã được thừa nhận. Phải thừa nhận rằng vốn có thể mang đến một sự khác biệt về các hình thức mà không thể thiếu được trong việc giải thích cấu trúc và những động lực về sự khác biệt giữa các xã hội” (Boundier và Wacquant, 1992, p.119) Cũng vào thời gian với Boundier, nhà xã hội học người Mỹ Jame Coleman, tương tự như Boundier, đưa ra một khái niệm rất rộng về vốn xã hội mà không dựa vào cơ sở nghiên cứu lĩnh vực hẹp “Vốn xã hội được định nghĩa bằng chức năng của nó. Nó không phải là những thực thể riêng lẻ mà là những thực thể đa dạng, với hai thành tố chung: chúng bao gồm một số khía cạnh của cấu trúc xã hội và tất nhiên là chúng linh hoạt trong các hành động của các tác nhân - dù các cá nhân hoặc liên kết các tác nhân - trong cấu trúc đó. Cũng giống như các hình thức khác của vốn, nhờ vốn xã hội có thể đạt được những mục tiêu cụ thể mà nếu không có vốn xã hội thì không thể đạt được”.(Halpern, 2005:39) Ngân hàng Thế giới, một tổ chức quốc tế đã rất tích cực trong việc nghiên cứu và đưa vào hoạt động khái niệm này và đã đưa ra một định nghĩa về vốn xã hội bao hàm cả các thể chế xã hội: “Vốn xã hội liên quan đến những thể chế, những mối quan hệ, những chuẩn mực làm định hình chất lượng và số lượng của các tương tác xã hội trong xã hội. Có nhiều bằng chứng cho thấy tính gắn kết xã hội là rất quan trọng đối với các xã hội có thể trở nên phồn thịnh về kinh tế và phát triển một cách bền vững. Hoàng Bá Thịnh Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 43 Vốn xã hội không chỉ là tổng số đơn thuần các thể chế tạo nên một xã hội - nó còn là chất keo dính gắn kết chúng lại với nhau”.(World Bank 1999, dẫn theo Halpern, 2005: 16) Khác với các định nghĩa trên đề cập đến cấp độ vĩ mô của vốn xã hội, thì Putnam, một giáo sư xã hội học ở Đại học Harvard lại nhấn mạnh khía cạnh vi mô của vốn xã hội: “Những mối liên hệ trong mạng kết nối giữa các cá thể từng con người với nhau, giữa cá thể con người và xã hội, về những mối quan hệ tạo ra sự có đi có lại, sự tin cậy nhau, về những chuẩn mực hình thành từ những mối quan hệ này. Với nghĩa như vậy, vốn xã hội liên quan mật thiết đến phẩm chất công dân” (Putnam, 2000, dẫn theo Nguyễn Trung, 2006). Thậm chí, Fukuyama - một nhà khoa học có tên tuổi và có nhiều bài viết về vốn xã hội, nhưng cũng có những định nghĩa khác nhau khi bàn đến vốn xã hội và vai trò của nó đối với sự phát triển. Ông nhận xét rằng, có rất nhiều định nghĩa quy vốn xã hội vào những biểu hiện của nó hơn là chính bản thân vốn xã hội. Fukuyama quan niệm “vốn xã hội là những chuẩn mực không chính thức có tác dụng thúc đẩy sự hợp tác giữa hai hay nhiều các cá nhân” (Fukuyama, 2001). Theo ông, những chuẩn mực cấu thành vốn xã hội có thể được kể từ những chuẩn mực của sự tương tác giữa hai người bạn đến cả những học thuyết phức tạp, tỉ mỉ, quy củ như Thiên Chúa giáo hay Nho giáo. Chúng phải được giải thích bằng một mối quan hệ thực tế của con người: chuẩn mực của sự tương tác tồn tại tiềm tàng trong cách cư xử của tôi với tất cả mọi người, nhưng nó chỉ được thực hiện một cách thực sự trong cách cư xử của tôi với những người bạn của tôi. Bằng định nghĩa này, lòng tin, mạng lưới, xã hội dân sự và những thứ tương tự, những thứ gắn vốn xã hội, là tất cả các sản phẩm phụ, nảy sinh như là kết quả của vốn xã hội nhưng không cấu thành bản thân vốn xã hội. Một năm sau, trong một bài viết khác, Fukuyama lại đưa ra một định nghĩa khác: “Vốn xã hội là các chuẩn mực, giá trị được chia sẻ để thúc đẩy sự hợp tác xã hội, điều này được chứng minh bằng các mối quan hệ xã hội thực sự” (Fukuyama, 2002). Khi tìm hiểu về vốn xã hội, người ta không thể không nhắc đến Coleman, nhà xã hội học giải thích vốn xã hội theo quan điểm chức năng, ông định nghĩa vốn xã hội là “các nguồn lực cấu trúc xã hội mà cá nhân có thể sử dụng như là nguồn vốn tài sản”(Coleman,1994 :302). Đồng thời, ông cũng chỉ ra một số hình thái của vốn xã hội, như sau: • Lòng tin, sự kỳ vọng, trách nhiệm được thể hiện trong quan hệ xã hội và nhờ chúng mà hành động được thực hiện đều là những hình thái của vốn xã hội. • Thông tin được phát triển và trao đổi trong quan hệ giữa người này với người khác mà nhờ nó hành động được thực hiện cũng là hình thái của vốn xã hội. • Những chuẩn mực xã hội có hiệu lực mà nhờ nó hành động được thực hiện. Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 44 Dưới hình thái là những chuẩn mực, vốn xã hội có thể khuyến khích hoặc kiềm chế hành động của các cá nhân, nhóm xã hội. • Quyền lực hay uy tín cũng được xem là một hình thái của vốn xã hội, bởi vì khi giao quyền kiểm soát hành động cho một người nào đó, điều này cũng có nghĩa là đã tạo ra vốn xã hội cho người đó. (Coleman, 1994 : 306, 313) Trong khi còn có những sự khác nhau giữa các nhà nghiên cứu về cách định nghĩa và cách vận dụng vốn xã hội, nhưng nhìn chung hệ thống các loại hình về vốn xã hội có thể được xác định. Hệ thống các loại hình này kết hợp chặt chẽ ba khía cạnh khác nhau của vốn xã hội: những thành tố chính của nó là (các mạng lưới, chuẩn mực và và sự tán thành/thừa nhận); các cấp độ phân tích được thực hiện (cấp độ cá nhân, cấp độ trung gian và vĩ mô) và đặc trưng hay chức năng của vốn xã hội (mối quan hệ ràng buộc, tính chất bắc cầu, sự liên kết) (Halpern, 2005:39). Mức độ phổ biến nghiên cứu về vốn xã hội không chỉ thể hiện ở việc nghiên cứu lý thuyết mà còn nghiên cứu vốn xã hội trong hoạt động thực tiễn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu về vốn xã hội và điều đó đã dẫn đến sự hiểu biết các thông tin cụ thể hơn về nhiều dạng vốn xã hội khác nhau và hệ quả của nó. Mạng lưới xã hội (Social Network), trước khi đề cập đến mạng lưới xã hội, để hiểu về vốn xã hội một cách đơn giản, tốt nhất là đưa ra một vài ví dụ. Nhiều người đã tham gia vào những tổ chức và mạng lưới xã hội khác nhau. Chúng ta là bạn bè, là đồng nghiệp. Chúng ta có thể thuộc một tổ chức xã hội hay nghề nghiệp ngoài nơi làm việc. Trong thời gian rỗi, chúng ta có thể chơi thể thao với một nhóm riêng biệt nào đó hay một câu lạc bộ, trở thành thành viên của một nhóm có lợi ích cơ bản khác, như những nhóm chứng khoán, buôn bán bất động sản, hoặc nhóm tín dụng. Chúng ta cũng có thể thuộc về một tổ chức chính trị - xã hội. Và trong cuộc sống gia đình, chúng ta là một phần của gia đình, chúng ta có mối quan hệ láng giềng, v.v. Những mạng lưới hàng ngày, bao gồm rất nhiều các loại quy chế, khế ước xã hội mà việc định nghĩa chúng và thực hiện chúng chính là những ý nghĩa mà chúng ta nói về vốn xã hội. Thuyết mạng lưới xã hội là một nhánh của khoa học xã hội đã được ứng dụng cho một phạm vi rộng của tổ chức con người, từ những nhóm nhỏ cho đến toàn bộ quốc gia. Thuật ngữ “mạng lưới” liên quan đến chuỗi các vật thể, điểm mấu chốt, và một bản đồ miêu tả về mối quan hệ giữa các vật thể. Theo cách thức của mạng lưới xã hội thì các vật thể liên quan đến con người hoặc những nhóm người. Ví dụ, một mạng lưới có thể bao gồm một con người và quan hệ của người đó với mỗi một người bạn cũng như người thân của anh/chị đấy. Mối quan hệ đó có thể có định hướng một chiều hoặc hai chiều. Do vậy, có thể định nghĩa một cách đơn giản, mạng lưới bao gồm tập hợp các đối tượng (trong toán học: giao điểm) và một lược đồ hoặc sự miêu tả của mối quan hệ giữa các đối tượng đó. Mạng lưới đơn giản nhất bao gồm hai đối tượng, A và B và một mối quan hệ kết nối giữa chúng, khi có nhiều hơn một Hoàng Bá Thịnh Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 45 mối quan hệ, mạng lưới xã hội được gọi theo thuật ngữ là quan hệ đa thành phần. Một trong những lý do mà thuyết về mạng lưới xã hội được nghiên cứu là bằng sự hiểu biết về mối quan hệ giữa một cá nhân đối với người khác, chúng ta có thể đánh giá được vốn xã hội của cá nhân đó. Bởi vì, vốn xã hội liên quan đến vị trí mạng lưới của khách thể và bao gồm khả năng đạt được các nguồn lực có trong các thành viên của mạng xã hội đó. Nói cách khác, mạng lưới các quan hệ là sản phẩm của các chiến lược đầu tư, của các cá nhân hoặc tập thể, có ý thức hay không có ý thức nhằm thiết lập hoặc tái tạo các quan hệ xã hội được sử dụng trực tiếp trong giai đoạn ngắn hạn hoặc lâu dài. Mạng lưới xã hội có thể chia theo những cấp độ khác nhau (vi mô, trung gian, vĩ mô) và mạng lưới xã hội của các cá nhân cũng có thể khác nhau. Điều này tuỳ thuộc vào vốn xã hội và vốn con người của cá nhân như thế nào, ví dụ: mạng lưới xã hội của Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn kinh tế sẽ khác với mạng lưới xã hội của một giáo sư xã hội học, tương tự mạng lưới xã hội của người dân nông thôn cũng có những khác biệt so với người dân đô thị. Ở tầm quốc tế, mạng lưới xã hội của Bill Gate sẽ khác xa với mạng lưới xã hội của một người theo thuyết nữ quyền,..v..v Mạng lưới xã hội có thể đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng danh tiếng cho một người. Điều này đặc biệt rõ ràng tại các thị trường mua bán trên mạng, đây là một ví dụ về một hệ thống lớn nhiều người sử dụng, tại đó việc giao tiếp cá nhân qua lại giữa các thành viên là rất ít. Trong những hệ thống như thế, có thể rất khó cho các thành viên xây dựng uy tín mà không có sự trợ giúp của các công cụ cụ thể cho mục đích này. Uy tín có thể được định nghĩa như là sự đánh giá chung và khái quát về một người với sự kính trọng tính cách hoặc các phẩm chất khác. Việc đánh giá này được hình thành một cách cần thiết và cập nhật qua thời gian với sự giúp đỡ của các nguồn thông tin khác nhau. Các nhà xã hội học đã nghiên cứu xem các mạng lưới xã hội có thể được sử dụng như thế nào để cập nhật và phân tích sự tin cậy và uy tín. Những nghiên cứu này cho thấy có thể nói rất nhiều về cách ứng xử của các cá nhân bằng việc sử dụng thông tin có được từ phân tích các mạng lưới xã hội của họ. Trong mạng xã hội, vốn con người nằm ở các đầu mối còn vốn xã hội nằm ở các đường liên hệ, quan hệ giữa các đầu mối. Người ta có thể phân chia mạng lưới xã hội thành mạng lưới xã hội vi mô (quan hệ xã hội trong các nhóm nhỏ) và mạng lưới xã hội vĩ mô (quan hệ xã hội trong các nhóm lớn, cộng đồng, xã hội). 2. Cấu trúc và chức năng của vốn xã hội Được hình thành và phát triển dựa trên lòng tin/sự tin cậy,... độ bền vững của vốn xã hội tuỳ thuộc vào mật độ tương tác/quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm xã hội. Vốn xã hội sẽ được duy trì và phát triển bền vững nếu mức độ liên hệ giữa các cá nhân, nhóm diễn ra thường xuyên, không gián đoạn. Có thể dẫn chứng bằng câu ca dao của cha ông chúng ta, khi nói “Năng mưa thì giếng năng đầy. Anh năng đi lại mẹ Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 46 thầy năng thương”. Nếu mức độ quan hệ thưa thì sự gắn kết của mạng xã hội sẽ mỏng hoặc giảm dần. Cũng có thể vốn xã hội bị gián đoạn, mất đi do sự tác động của yếu tố khách quan như sự chuyển cư. Chẳng hạn, khi các dự án phát triển cần giải toả, đề bù và tái định cư cho người dân sinh sống trong khu vực dự án, khi đến khu tái định cư, những gia đình này đã mất đi môi trường xã hội trước đó mà họ đã có nguồn vốn xã hội được xây dựng và duy trì bao năm tháng. Nay đến nơi ở mới, khu tái định cư có thêm những “hàng xóm mới” và họ lại phải xây dựng lại mối quan hệ xã hội. Có những vốn xã hội mất đi không thể lấy lại được, như trường hợp các gia đình có cửa hàng kinh doanh ở mặt phố khi bị giải toả mở rộng đường, họ được bố trí tái định cư ở một khu chung cư, lẽ dĩ nhiên họ không thể mở cửa hàng kinh doanh như trước, và những bạn hàng - mạng lưới xã hội - mà họ thiết lập trong nhiều năm đã không còn duy trì được. Với những người dân từ các địa phương ở phía Bắc di cư vào miền Nam làm kinh tế, họ còn để lại quê cũ các nguồn vốn xã hội khác (phong tục, văn hoá bản địa, mối quan hệ họ hàng, láng giềng) để rồi cần có thời gian để làm quen, thích nghi với văn hoá, phong tục và nếp sống của quê hương mới, và xây dựng vốn xã hội lại từ đầu. Vốn xã hội cũng có thể mất đi do yếu tố chủ quan, trường hợp này thường xảy ra khi một ai đó “mất lòng tin” do người khác hay một đối tác đã không thực hiện đúng cam kết/thoả thuận - phần lớn là bất thành văn - hay nói cách khác, một số người lợi dụng lòng tin của bạn bè mà có những hành vi sai lệch. Vụ vỡ tín dụng với vài chục tỷ đồng ở các tỉnh, thành phố như Gia Lai, Đà Nẵng, v.v... gần đây là một ví dụ và sự lạm dụng lòng tin của các thành viên trong mạng lưới xã hội. Về cấu trúc của vốn xã hội, tuy có những sự khác nhau trong cách định nghĩa và cách vận dụng vốn xã hội, nhưng nhìn chung hệ thống các loại hình vốn xã hội có thể được xác định. Hệ thống các loại hình này kết hợp chặt ba khía cạnh khác nhau của vốn xã hội: những thành tố chính của nó là (các mạng lưới, chuẩn mực và và sự tán thành/thừa nhận); các cấp độ phân tích được thực hiện (cấp độ cá nhân, cấp độ trung gian và vĩ mô) và đặc trưng hay chức năng của vốn xã hội (mối quan hệ ràng buộc, tính chất bắc cầu, sự liên kết) (Halpern, 2005:39). Về chức năng, vốn xã hội trong một mạng lưới hay một nhóm đặc thù có thể tạo ra những chức năng tích cực hoặc tiêu cực. Chức năng tích cực, có thể ví dụ bằng việc giáo dục cho con người những đức tính xã hội như trung thực, nhường nhịn và đáng tin - những cái mà sau này họ có thể dùng trong mối quan hệ với những người khác. Nhưng vốn xã hội cũng có thể tạo nên chức năng tiêu cực (mà các nhà xã hội học gọi là phản chức năng). Trên thực tế, đa số các quốc gia đang phát triển đều rất giàu vốn xã hội tồn tại dưới dạng những nhóm người có quan hệ ruột thịt hay những nhóm xã hội truyền thống như dòng họ, hoặc những hiệp hội, tổ chức làng xã. Có thể kể ra rất nhiều dẫn chứng về “phản chức năng” của vốn xã hội, như “Một người làm Hoàng Bá Thịnh Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 47 quan cả họ được nhờ”, “Chi bộ họ nhà ta”, hay chủ nghĩa địa phương, cục bộ, .v.v. Nói cách khác, khi các liên kết bên trong một mạng lưới các quan hệ không được bổ sung hay không được kiềm chế bởi các nhu cầu kết nối với những mạng lưới xã hội khác, thì một khi sự gắn kết và tin cậy bên trong một nhóm xã hội càng lớn thì càng có khả năng loại trừ những người bên ngoài nhóm đó. Cái mà họ thiếu là những tổ chức hiện đại, có bán kính rộng để có thể kết nối với những nhóm thiểu số, tầng lớp hay những ranh giới địa vị và tồn tại với tư cách là những cơ sở cho những tổ chức kinh tế chính trị hiện đại. Nhìn từ góc độ này, nhiều nhóm truyền thống - hiện thân như một dạng của vốn xã hội - có thể xem là những vật cản của sự phát triển bởi vì tính thiển cận và bảo thủ. Bên cạnh chức năng tích cực và tiêu cực, vốn xã hội còn có chức năng sản xuất/sinh lợi (có vốn xã hội thì đạt được hiệu quả/mục đích còn nếu thiếu nó thì sẽ không thể đạt được) và chức năng thay thế/bổ sung cho các loại vốn khác (nó có thể thay thế vốn tài chính hoặc vốn con người. Ví dụ “Nhất thân, nhì quen...”). Vốn xã hội có vai trò quan trọng không chỉ đối với phát triển con người (Hoàng Bá Thịnh, 2003) mà còn quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Khi đo lường nguồn của cải thế kỷ 21, các chuyên gia cho rằng vốn xã hội là một trong những thành tố cơ bản của vốn vô hình (bao gồm lao động thô, vốn con người, vốn xã hội và chất lượng của các thể chế). Nghiên cứu của họ cho thấy gần 85% các nước trong mẫu nghiên cứu có tỷ trọng vốn vô hình trong tổng của cải lớn hơn 50%, và vốn vô hình tạo nên 80% tổng của cải của các nước có thu nhập cao. (Ngân hàng Thế giới, 2008: 31). 3. Những phí tổn để duy trì vốn xã hội và mạng lưới xã hội Trong xã hội học, có lý thuyết về sự lựa chọn hợp lý đề cập đến hành động của chủ thể khi quyết định lựa chọn phương án tối ưu, được dựa trên sự phân tích chi phí - lợi ích. Điều này cũng có nghĩa, giống như sự trao đổi xã hội, tác nhân muốn có điều mình muốn thì phải “trao đổi” với người khác cái mà họ muốn ở mình, cho dù không phải bao giờ sự trao đổi cũng là sự trao đổi “ngang giá”. Trong phân tích chi phí - lợi ích, người ta thường đề cập đến những chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp (hay chi phí cơ hội) đối với một hành động nào đó. Vận dụng điều này vào xem xét việc duy trì vốn xã hội và mạng lưới xã hội, chúng ta có thể thấy nhiều điểm sáng tỏ. Như đã đề cập ở trên, hạt nhân của vốn xã hội là niềm tin/lòng tin. Nói cách khác, chữ tín trong quan hệ giữa các cá nhân được xem là chất keo gắn kết và duy trì mạng lưới các quan hệ xã hội. Và để duy trì, đề cao chữ tín, nhiều khi phải chấp nhận những tổn thất to lớn, như ví dụ sau đây “Vào tháng 11 năm 1994, đại tập đoàn Intel đã phải đối mặt với những khách hàng giận dữ yêu cầu đổi lại mạch vi xử lý (chip) Pentium vốn dĩ được thông báo có lỗi làm ảnh hưởng tới việc tính toán. Phản ứng đầu tiên của công ty là yêu cầu khách hàng đưa ra các chip bị lỗi, và chỉ sau đó Intel Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 48 mới đổi lại cho họ. Dù Intel đã khẳng định rằng lỗi này không thể làm ảnh hưởng tới mọi khách hàng sử dụng vì nó chỉ có thể xảy ra một lần trong 9 tỉ các phép tính thông thường, song lòng tin của khách hàng về sản phẩm đã bắt đầu giảm xuống. Công ty vẫn cứng đầu dậm chân tại chỗ trong vòng hơn một tháng khi đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối. Sau đó IBM, khách hàng chính sử dụng chip Pentium, cũng đã tạm ngừng việc gửi các máy tính của họ để lắp chip. Cuối cùng thì, trước bờ vực của một thảm họa về thị trường, Intel đã đưa ra chính sách thu hồi sản phẩm mà không hề tranh cãi gì nữa. Cái giá phải trả cho việc thu hồi sản phẩm ước tính khoảng 500 triệu đô la” (Vietnamnet,10:15' 15/01/2008. Liên hệ với một số “phí tổn” để duy trì “vốn xã hội” ở Việt Nam Về bản chất, vốn xã hội càng sử dụng thì lại càng được duy trì và phát triển, nhưng nó sẽ mai một nếu ít hoặc không sử dụng thường xuyên. Điều này có nghĩa, muốn có được vốn xã hội thì phải có những chi phí hoặc “đầu tư” để nuôi dưỡng và duy trì. Những phí tổn này, bao gồm cả kinh tế và phi kinh tế. Điều tra mức sống dân cư Việt Nam 1997 - 1998 cho thấy trong số 11 khoản chi tiêu cho đời sống văn hoá của các hộ gia đình (như mua sách báo, đồ trang sức, giải trí,..) có nhận xét rằng: “Đối với những hộ nghèo, chi tiêu cho cưới xin và ma chay lớn gấp 30 lần so với các khoản chi tiêu cho sách báo và tạp chí. Đây là một chỉ báo mạnh cho thấy ảnh hưởng của niềm tin vào thần linh, hoặc của áp lực xã hội đã trùm lên lòng ước muốn về tri thức” (Mức sống trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, 2001: 45) Song, nếu chúng ta giải thích điều này từ cách tiếp cận vốn xã hội thì sẽ thấy vấn đề sáng tỏ và có sức thuyết phục hơn. Chúng ta biết rằng, người Việt Nam thường sống và hành xử theo khuôn mẫu truyền thống, với những cộng đồng nông thôn thì điều này càng rõ hơn, cuộc sống của những người dân ở nông thôn ứng xử theo phương châm “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” và những tập tục của cộng đồng đó mạnh đến mức nhiều khi luật pháp cũng bó tay bởi “Phép vua thua lệ làng”. Trong đời sống thôn làng, những sự kiện trong sinh hoạt của người dân như việc hiếu (giỗ chạp, ma chay), việc hỷ (cưới xin, mừng nhà mới, mừng thôi nôi, mừng đầy tháng, khao con đỗ đại học, khao xe máy mới, v.v.) hay thăm hỏi người khác lúc đau ốm, hoạn nạn, gặp rủi ro trong cuộc sống v.v... thường có tính cộng đồng rất cao, thu hút đông đảo người dân trong thôn, xóm tham gia cho dù không phải anh em, họ hàng. Nếu ai đó không tham gia các hoạt động có tính cộng đồng như vậy, là họ đã tự tách mình ra khỏi nhịp sống chung, và cũng có nghĩa là họ đã làm mất đi vốn xã hội trong khi người khác lại đang duy trì, củng cố và làm giàu thêm vốn xã hội. Trong khi đó, mức chi phí cho sách, báo chiếm tỷ lệ thấp, bởi vì chi phí cho đời sống văn hoá, tinh thần là chi phí không có tính bắt buộc, còn những chi phí liên quan đến hiếu, hỷ là chi phí có tính bắt buộc (không hiếm trường hợp người nghèo phải đi vay mượn để tham gia vào việc hiếu, hỷ). Tuỳ theo nhu cầu về đời sống văn hoá, tinh Hoàng Bá Thịnh Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 49 thần, và quan trọng hơn, điều kiện kinh tế mà người dân chi phí cho món ăn tinh thần ra sao. Về cơ bản, người nghèo chưa thể quan tâm hoặc ưu tiên cho đời sống văn hoá, tinh thần. Đó là chưa nói đến việc trong nhóm dân số nghèo thì thường không có điều kiện tiếp cận với giáo dục nên học vấn thấp, thậm chí nhiều người chưa biết chữ, vậy thì trong cơ cấu chi tiêu của hộ nghèo, tỷ lệ dành cho sách báo thấp thì cũng là điều dễ hiểu. (Hoàng Bá Thịnh, 2007). Chính vì thế, hầu như không có sự khác biệt giữa người giàu với người nghèo đối với các công việc liên quan đến ma chay, cúng lễ (35,6% và 37,2%), bởi ai cũng tham gia không chỉ vì “nghĩa tử là nghĩa tận” mà còn vì muốn san sẻ, giúp đỡ, động viên gia chủ khi gặp chuyện buồn. Sự giúp đỡ đó bên cạnh thời gian, công sức còn có giúp đỡ về kinh tế (thường là tiền mặt), đây chính là “phí tổn” cho vốn xã hội. Nói cách khác, vốn xã hội cũng cần được đầu tư, cho dù gia đình người đó có nghèo, thiếu thốn. Khi nghiên cứu xã hội học về mạng lưới xã hội, người ta thường đặt câu hỏi với nhóm đối tượng được khảo sát, rằng “Khi gặp khó khăn, anh/chị có nhận được sự giúp đỡ từ người khác hay không?” và “Anh, chị thường nhận được sự giúp như thế nào?” v.v... Nghiên cứu ở xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) năm 2006 qua khảo sát 642 người cho thấy, riêng về cưới xin, mỗi năm bình quân người dân được hỏi cho biết: dưới 10 đám cưới (24%), từ 10 - 20 đám cưới (61.2%) và trên 20 đám cưới (14.8%). Mức tiền mừng trung bình mỗi đám cưới là: dưới 50 ngàn đồng (4.2%); 50 ngàn (85.7%), từ trên 50 ngàn đến dưới 100 ngàn (4%) và có 6.2% mừng trung bình mỗi lần 100 ngàn đồng. Tháng 5 năm 2007, khảo sát tại xã Ái Quốc (Nam Sách, Hải Dương) cho thấy, 94.7% số hộ được hỏi có tham gia các hoạt động liên quan đến việc hiếu, hỷ; và 10.6% có tham gia lễ mừng sinh nhật. Đáng chú ý là 77.6% nói rằng việc hiếu hỷ tăng lên so với vài năm trước. Về mức chi, trung bình một năm, 42.4% chi dưới 1 triệu, 31% chi từ 1 đến 2 triệu; 22.8% chi từ 2 đến 5 triệu; và 3.8% chi trên 5 triệu đồng. 4. Kết luận Vốn xã hội - một thành tố quan trọng của vốn vô hình - là một mức độ/thước đo cộng đồng, như các mạng lưới, lòng tin, sự kết hợp và cam kết đối với phúc lợi và chia sẻ các giá trị của cộng đồng/xã hội. Không chỉ ở vùng nông thôn mà các cộng đồng đô thị vốn xã hội cũng có tầm quan trọng: “Quá trình đô thị hoá không chỉ làm thay đổi lối sống của bản thân người dân mà còn làm thay đổi quan hệ của người dân với cộng đồng. Hơn 2/3 ý kiến cho rằng người Đà Nẵng luôn sẵn sàng tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn” (Trịnh Duy Luân, 2008). Nhìn từ cấp độ vi mô, thì vốn xã hội thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ hàng xóm láng giềng, là mối quan hệ luôn luôn được đánh giá cao. Không chỉ ở Việt Nam, mà người dân Thuỵ Sĩ và nhiều nước châu Âu cũng rất coi trọng mối quan hệ này. Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 50 Để bù đắp cho những quãng thời gian quá bận rộn của đời sống công nghiệp hiện đại, chỉ đủ để nói với nhau "Xin chào, anh/chị có khỏe không?" khi mỗi lần gặp tình cờ ở đâu đó. Từ năm 2004 người dân Thuỵ Sĩ dành riêng một ngày trong năm (ngày 27 - 5) để thiết đãi những người hàng xóm, gọi là “Ngày hội hàng xóm”, đây cũng là dịp để họ quên đi những phiền phức mà người hàng xóm gây ra cho mình. Sự kiện này được hưởng ứng nhiệt tình và không ngừng được nhân rộng, trong lãnh thổ Thụy Sĩ và cả ở một số quốc gia láng giềng của nước này. Trong ngày hội này, người ta thường tổ chức những bữa tiệc đứng vào chiều tối. Mỗi gia đình mang tới ngày hội những món ăn mình tự chế biến để "góp vui". Trong năm 2007, có 7 triệu người hàng xóm trong 28 nước châu Âu cùng nâng ly để chúc nhau sức khỏe (Tuoitreonline, 27/05/2008, 18:21 (GMT+7). Ví dụ trên đây cho thấy tầm quan trọng của vốn xã hội trong cuộc sống hàng ngày của cá nhân và cộng đồng, và vốn xã hội không chỉ là tổng số vốn con người của các thành viên trong một cộng đồng. Vốn xã hội được xác định bằng khả năng để giảm các cú sốc, khai thác các cơ hội và định hướng tới tương lai của một cộng đồng. Không có vốn xã hội, một cộng đồng sẽ thiếu sự gắn kết, không thể tổ chức để duy trì môi trường xã hội hoặc kinh tế và sẽ không hấp dẫn được những người bên ngoài cộng đồng. Vốn xã hội thường bị thiệt hại do các biểu hiện tiêu cực/phản chức năng. Hiểu được những đặc điểm và chức năng của vốn xã hội, chúng ta có thể phát huy những khía cạnh tích cực (chức năng) của vốn xã hội và hạn chế những mặt tiêu cực (phản chức năng) của vốn xã hội đối với sự phát triển cộng đồng/xã hội. Đồng thời có thể tạo điều kiện cho các thành viên của cộng đồng/xã hội tham gia tích cực hơn vào quá trình dân chủ cơ sở, huy động được các nguồn lực to lớn, tiềm tàng trong các cá nhân, nhóm và các thể chế xã hội vào sự nghiệp phát triển đất nước./. Tài liệu tham khảo 1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X; Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006. 2. Nguyễn Quang A (2006): Vốn và vốn xã hội, Tạp chí Tia sáng, số 14, ngày 20.7.2006 3. Trịnh Duy Luân (2008): Biến đổi tâm lý - xã hội của cộng đồng dân cư đô thị dưới tác động của đô thị hoá, từ kết quả nghiên cứu tại Đà Nẵng; Tạp chí Xã hội học, số 1(101)- 2008, tr. 3 - 10. 4. Nguyễn Trung (2006): Bàn về vốn xã hội, Tạp chí Tia sáng, số 14; 20.7.2006 5. Ngân hàng Thế giới (2008): Của cải các quốc gia ở đâu? Đo lường nguồn của Hoàng Bá Thịnh Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn 51 cải thế kỷ 21; Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 6. Hoàng Bá Thịnh (2008): Về vốn xã hội và mạng lưới xã hội, Tạp chí Dân tộc học, số 5 (154)/2008. 7. Tổng cục Thống kê - UNDP (2001): Mức sống trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, Nxb Thống kê, Hà Nội. 8. Vũ Minh Việt: Nông dân đang sống như thế, báo Nông nghiệp Việt Nam, số 223, 224, ngày 6 và 7/11/2008 9. Tuoitreonline 27/5/2008. 10. Bourdieu, Pierre (1997) The Forms of Capital, in: A. Halsey, H. Lauder, P. Brown & A Stuart Wells (Eds.) Education: Culture, Economy and Society, Oxford: Oxford University Press. 11. Bourdieu, P. and Wacquant, L. (1992): An Introduction to Reflexive Sociology; University of Chicago Press. 12. David Halpern (2005): Social Capital, Polity Press 13. Coleman, James (1994): Foundations of Social Theory; Harvard University Press 14. Fukuyama, Francis (2001): Social capital, civil society and development; 15. Kadushin, C (2004): Too much Invesment in Social Capital; Social Networks, 29. pp.75-90 16. Fukuyama, Francis (2002): Social capital and development: The Coming Agenda.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfso1_2009_hoangbathinh_1732.pdf
Tài liệu liên quan