Luận văn Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt

Tài liệu Luận văn Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Đinh Thị Vũ Trinh MIỀN Ý NIỆM SÔNG NƯỚC TRONG TRI NHẬN NGƯỜI VIỆT Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 66 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS – TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh – 2010 LỜI CẢM ƠN Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy Trịnh Sâm – giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ học của trường đã tận tình hướng dẫn người viết hoàn thành đề tài trong suốt hơn một năm qua. Xin cảm ơn thầy Lý Toàn Thắng, thầy Hoàng Dũng đã cho người viết những kiến thức bổ ích từ bài dạy chính khóa tại trường đến các ý kiến phụ trợ ngoài bài giảng giúp người viết hiểu sâu hơn về Ngôn ngữ học tri nhận. Cảm ơn chị Nguyễn Thị Thanh Phượng hiện làm việc tại Văn phòng Quỹ Giáo dục Việt Nam - Vietnam Education Foundation (VEF) tại Hà Nội đã trao công trình nghiên cứu thạc sĩ “Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hóa Việt” thực hiện tại Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân V...

pdf166 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1300 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Đinh Thị Vũ Trinh MIỀN Ý NIỆM SÔNG NƯỚC TRONG TRI NHẬN NGƯỜI VIỆT Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 66 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS – TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh – 2010 LỜI CẢM ƠN Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy Trịnh Sâm – giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ học của trường đã tận tình hướng dẫn người viết hoàn thành đề tài trong suốt hơn một năm qua. Xin cảm ơn thầy Lý Toàn Thắng, thầy Hoàng Dũng đã cho người viết những kiến thức bổ ích từ bài dạy chính khóa tại trường đến các ý kiến phụ trợ ngoài bài giảng giúp người viết hiểu sâu hơn về Ngôn ngữ học tri nhận. Cảm ơn chị Nguyễn Thị Thanh Phượng hiện làm việc tại Văn phòng Quỹ Giáo dục Việt Nam - Vietnam Education Foundation (VEF) tại Hà Nội đã trao công trình nghiên cứu thạc sĩ “Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hóa Việt” thực hiện tại Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997 giúp người viết định hướng và phát triển đề tài của mình. Xin gửi lời tri ân đến cô Đỗ Hương – giảng viên trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã khuyến khích động viên và nhiệt tình giới thiệu người viết với GS. TS Trần Ngọc Thêm – giảng viên khoa Văn hóa học, Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh, để người viết tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Nam bộ trong vùng ảnh hưởng của sông nước. Cảm ơn gia đình – chỗ dựa bền vững cho người viết hoàn thành tốt quá trình học tập. Cảm ơn những người bạn phụ trợ người viết sưu tầm, lưu chép phụ lục và chỉnh sửa lỗi trình bày cho luận văn được hoàn thiện. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn! Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2010 Đinh Thị Vũ Trinh CÁC CHỮ VIẾT TẮT MYN : Miền ý niệm. MYNSN : Miền ý niệm sông nước. NNHTN : Ngôn ngữ học tri nhận. DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Bề mặt trái đất có gần ¾ là nước với đại dương thế giới nối kết năm châu với vô số biển hồ, sông suối; riêng về sông thì trung bình của mười con sông dài nhất thế giới đã gần 6000km tạo nền văn hóa nước phủ rộng khắp toàn cầu. Nếu G. Lakoff và M. Johnsen đặt tiêu đề cho quyển sách về tri nhận của mình là “Chúng ta sống bởi ẩn dụ” (Metaphor we live by – cách dịch của người viết) để khẳng định vai trò của ẩn dụ trong đời sống ngôn ngữ, thì cũng có thể nói “chúng ta sống bởi nước” để thấy rõ tầm quan trọng to lớn bậc nhất của nước với đời sống con người và những tác động khác nhau mang tính vùng miền từ nó. “Nước” vẫn là chính nó, nhưng khi đi qua lãnh thổ mỗi quốc gia thì lại lưu những dấu vết địa lý khu biệt và những dấu ấn khác nhau – thậm chí rất khác biệt – trong tri nhận của cư dân từng địa phương. Và, dĩ nhiên, không phải mọi nền văn hóa gắn với nước đều tương đương nhau, đó là điều thú vị khiến chúng ta bị thu hút vào thế giới nước. Sở hữu hơn 3000 cây số đường bờ biển (gấp gần ba lần chiều dài đất nước) người Việt mang trong mình cách nhìn, cách nghĩ rất riêng, là sự dung hợp, hài hòa giữa môi trường sống sông nước bản chất duy cảm. Khảo sát 30.415 đơn vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao tiếng Việt có 16,02% chứa các từ ngữ sông nước [39]. Trong 64 tên tỉnh thành Việt Nam hiện nay thì ít nhất 25% địa danh có yếu tố sông nước, chưa kể đến các tên huyện, thị. Đặc biệt, điều này vẫn diễn ra ở những địa phương mà đa phần là đất núi như Sông Bé, Hà Bắc xưa hay Đắk Lắk, KonTum, Hà Giang ngày nay. Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày của người Việt, dễ dàng bắt gặp những hình ảnh sông nước như “chìm”, “trôi”, “nổi”, “ướt át”, “lênh đênh”…hay ngay cả lời ca cũng giàu những ẩn dụ tri nhận mang tính sông nước như “sông quê”, “suối mơ”, “sóng tình”, “có một dòng sông đã qua đời”… Kì thực, sông nước đã thấm vào đáy tâm thức người Việt. Từ tri nhận, tư duy đến dấu ấn trong ngôn ngữ hay phản chiếu song hướng giữa “sông nước” với ngôn ngữ là một hệ quả tất yếu xảy ra. Dấu ấn ấy đã diễn biến ra sao và như thế nào? Đây là vấn đề thú vị chẳng những về mặt văn hóa mà còn rất đặc biệt đứng từ góc nhìn ngôn ngữ. Với những lý do vừa trình bày trên, chúng tôi bắt tay tìm hiểu đề tài “Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt” nhằm phân tích, lý giải một nét độc đáo của tư duy ngôn ngữ dân tộc. 2. Lịch sử vấn đề “Sông nước” từ lâu không còn là vấn đề xa lạ trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như địa lí, kỹ thuật, kinh tế,văn hóa…với tri thức nền lẫn phương tiện hữu ích là ngôn ngữ. Ở chính địa hạt ngôn ngữ, sông nước cũng đã là một hiện tượng được quan tâm xứng đáng. Ở góc độ văn hóa, tìm hiểu về sông nước đã được đề cập rộng rãi trong những bài nghiên cứu như “Suy nghĩ về yếu tố sông nước trong văn hóa Việt Nam” của Nguyễn Việt (Dân tộc học,1981, Số 4); “Sông nước trong tâm thức người Việt” của Nguyễn Thị Thu Trang (Văn hóa dân gian, 2006, Số 3); gần đây là luận văn thạc sĩ Văn hóa ứng xử với môi trường sông nước của người Việt miền Tây Nam Bộ của Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền (2006). Ở địa hạt ngôn ngữ, trước đây, tìm hiểu về các từ chỉ sông nước đã được sự khảo sát bởi Trần Thị Ngọc Lang (1982, 1995) với việc tìm hiểu nhóm từ có liên quan đến sông nước trong phương ngữ Nam bộ, Nguyễn Thị Thanh Phượng (1997) với đề tài Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hóa Việt Nam (luận văn thạc sĩ); đặc biệt, với phần phụ lục quy mô Nguyễn Thị Thanh Phượng đã chứng tỏ được một cách xuất sắc sông nước là một miền rộng lớn và ưu thế trong tiếng Việt từ xưa đến nay. Với xu hướng lấy “tri nhận” tiếp cận Ngôn ngữ học, chúng tôi muốn áp dụng nó cho lĩnh vực “sông nước”. Nguyễn Đức Dương từng dẫn trong quyển Tìm về linh hồn tiếng Việt rằng “Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc”[15]; điều đó càng khẳng định vai trò của NNHTN (Ngôn ngữ học tri nhận) – tìm hiểu xem con người đã hiểu thế giới khách quan ra sao và ý niệm hóa nó như thế nào trong ngôn ngữ. NNHTN là một hướng nghiên cứu mới, xuất hiện và tạo nên được nhiều “cú hích” cho việc đào sâu khai phá trong ngôn ngữ. Cũng có thể nói, với NNHTN, ngôn ngữ chính là cứ liệu cho việc xem xét đường hướng tư duy con người. Từ nó sẽ cấu trúc nên được dựa vào cơ sở nào người ta nói như thế này hay thế khác chứ không hẳn chỉ dựa trên những quy ước võ đoán mà chúng ta từng quan niệm về hai mặt của ngôn ngữ. Ở lĩnh vực tri nhận, trong Metaphors We live by George Lakoff and Mark Johnson [70] đã bắt đầu quyển sách của mình bằng quan niệm khác truyền thống về ẩn dụ: Ẩn dụ không chỉ xuất hiện trong thơ ca, trong văn học hay ngôn ngữ mà trong cả hành động và suy nghĩ của chúng ta. Và đó chính là một trong những cách nhìn mở đầu theo hướng tri nhận về Ngôn ngữ học trên thế giới. Việt Nam đã biết đến tri nhận ở những năm cuối thế kỷ XX, tuy nhiên, đây là hướng nghiên cứu chỉ rộ lên trong những năm gần đây, nổi bật và tiên phong có thể kể đến Lý Toàn Thắng với NNHTN – Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt (2005), Trần Văn Cơ năm với Khảo luận ẩn dụ tri nhận (2007) và NNHTN – Ghi chép và suy nghĩ (2009), đây là những cuốn sách tiếng Việt cần thiết cho những ai muốn bước đầu đi vào tri nhận luận. Song song đó là những công trình đi sâu chi tiết vấn đề tri nhận như Võ Thị Dung với Tìm hiểu tiếng Việt từ góc độ NNHTN (luận văn thạc sĩ, 2003); Nguyễn Thị Tâm với Sự tri nhận không gian biểu hiện qua nhóm từ chỉ quan hệ vị trí trong tiếng Việt so sánh với tiếng Anh (luận văn thạc sĩ, 2004); Hà Thanh Hải với “Hiện tượng ẩn dụ: nhìn từ các quan điểm truyền thống và quan điểm tri nhận luận” (bài báo, 2007), Phan Thế Hưng với Ẩn dụ dưới góc độ NNHTN (luận án tiến sĩ, 2008), Nguyễn Ngọc Vũ với Thành ngữ tiếng Anh và thành ngữ tiếng Việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của NNHTN (luận án tiến sĩ, 2008); gần đây nhất có thể kể đến Nguyễn Thị Thanh Huyền với Ẩn dụ tri nhận mô hình ẩn dụ cấu trúc trên cứ liệu ca từ Trịnh Công Sơn (luận văn thạc sĩ, 2009) và Lê Thị Ánh Hiền với Ẩn dụ trong thi pháp dưới góc nhìn của G.Lakoff và M.Turner (luận văn thạc sĩ, 2009)… Những nghiên cứu về tri nhận ngày càng phát triển cho thấy: NNHTN không còn là vấn đề thách đố các nhà ngôn ngữ mà ngược lại, nó mở rất nhiều cánh cửa để đi vào tri thức về tiếng với đa chiều đa dạng kiểu chuyên sâu khác nhau. Thế nhưng, cũng có thể nhận ra chưa có công trình tỉ mỉ nào như một nghiên cứu chính thức cho sự kết hợp “sông nước” và “tri nhận”. Chẳng hạn bài báo của Nguyễn Đức Dân – “Nước – một từ đặc Việt” [85] cũng đã khơi gợi những ý tưởng về “lối tư duy nước” nhưng không nói đến tri nhận luận hay một hướng đi khoa học nào để đào sâu về vấn đề này. Trên cơ sở kế thừa thành quả của những công trình nghiên cứu của những người trước đó, với luận văn “Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt”, chúng tôi sẽ tiếp cận vấn đề “sông nước” trên cơ sở của NNHTN như những bước khai phá đầu tiên đầy tính thử thách. 3. Đóng góp của đề tài Như đã biện giải, nghiên cứu vấn đề sông nước Việt Nam dưới ánh sáng của NNHTN là một việc làm ý nghĩa. Chúng tôi bắt đầu việc nghiên cứu này thông qua “miền” và trên cơ sở “miền” đi vào thế giới tư duy của người Việt ở lĩnh vực “sông nước”. Đây là phương cách tiếp cận hiệu quả cho những phạm vi rộng lớn: Quy vào các lĩnh vực cụ thể để đào sâu tìm tòi vấn đề. Từ đó, luận văn này đóng góp vốn ngữ liệu từ ngữ (từ định danh, thành ngữ và tục ngữ) thuộc Miền ý niệm sông nước (MYNSN) trên cơ sở chính là khái quát hóa hiện tượng Ẩn dụ – Hoán dụ ý niệm trong tiếng Việt. Chính vì vậy, tuy khoanh vùng ở phạm vi sông nước nhưng những cứ liệu của chúng tôi khác lạ so với những nguồn cứ liệu đã có rải rác trong từ điển hoặc các công trình về “sông nước” trước đó. Luận văn cũng thống kê các bài hát có ca từ hàm chứa MYNSN trong âm nhạc Việt, hiển nhiên, chúng tôi chỉ sưu tầm cứ liệu ca từ mang tính minh họa mà không đi quá sâu để tránh sự bất lượng sức. 4. Đối tượng nghiên cứu và phương pháp sưu tập ngữ liệu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đề tài tập trung vào đối tượng là từ vựng, thành ngữ, tục ngữ và một số ca dao, ca khúc Việt Nam phần lớn xoay quanh 121 ý niệm thuộc MYNSN được nêu trong mục 5.3 (chương một luận văn). Khảo sát của chúng tôi hướng đến MYNSN và MYN có liên quan đến sông nước; nhưng để tiện cho việc diễn đạt và trình bày, trong đa số trường hợp liên quan, chúng tôi tạm gọi ngắn gọn là MYNSN. 4.2. Phương pháp sưu tập ngữ liệu Đối với từ ngữ thuộc MYNSN Ngữ liệu từ định danh: Chúng tôi sử dụng hai cuốn từ điển chính là Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên [38], Từ điển đồng âm tiếng Việt của Hoàng Văn Hành – Nguyễn Văn Khang – Nguyễn Thị Trung Thành [21] . Bên cạnh đó, chúng tôi dùng Từ điển Anh – Việt của viện ngôn ngữ học [52], Từ điển Việt Anh của Đặng Chấn Liêu – Lê Khả Kế [32] khi chú thích, đối chiếu nghĩa tiếng Anh 121 ý niệm nói trên. Ngữ liệu thành – tục ngữ: Chúng tôi kế thừa có chọn lọc phần phụ lục của đề tài Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hóa Việt Nam của Nguyễn Thị Thanh Phương [39] song song với khảo sát các ngữ liệu qua từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt và tiếng Anh [28, 51]. Đối với ca từ hàm chứa MYNSN Chúng tôi chọn 20 ca khúc tại trang web mp3.baamboo [82] theo tiêu chí từ nhạc dân ca (ba miền) đến nhạc âm hưởng dân ca và nhạc hiện đại. Để đảm bảo tính khách quan của ngữ liệu, chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên: tra tên bài hát và giữ lại đúng 20 ca khúc có chứa (không phân biệt ít nhiều) các từ ngữ thuộc MYNSN trong đó. 5. Phương pháp nghiên cứu Kế thừa và phát triển: chúng tôi kế thừa các công trình nghiên cứu trước về sông nước và về NNHTN, từ đó định ra hướng phát triển mới cho đề tài. Phân tích – miêu tả: chúng tôi tập trung phân tích, miêu tả về ý niệm và ý niệm sông nước với 7 miền ý niệm cụ thể. So sánh – đối chiếu: khi phân tích các ý niệm chúng tôi có đối chiếu với tiếng Anh và cách tri nhận của các dân tộc khác thông qua ngôn ngữ để làm sáng tỏ vấn đề. Thu thập – thống kê: thông qua các từ điển khác nhau và kế thừa phần phụ lục của Nguyễn Thị Thanh Phượng [39] chúng tôi đã tổng hợp nên 7 MYN cơ bản với 121 ý niệm cơ bản thuộc MYNSN. Dựa vào đây chúng tôi sắp xếp ngữ liệu phụ lục. 6. Ý nghĩa khoa học của đề tài 6.1. Ý nghĩa lý thuyết Đề tài của chúng tôi đi vào khái chung cách tiếp cận ngôn ngữ dưới lăng kính NNHTN, từ đó góp phần làm phong phú những nghiên cứu về ngôn ngữ thuộc “sông nước” trong tiếng Việt từ góc độ MYN (Miền ý niệm). Để rồi, MYN được lưu ý thành một thuật ngữ quan trọng trong NNHTN và, luận văn còn hướng đến việc xây dựng các thống kê chuyên ngành mà cao hơn là các từ điển chuyên ngành đi sâu vào miền ý niệm sông nước (MYNSN). 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận văn nhấn mạnh đến kinh nghiệm sông nước nổi bật trong tư duy ngôn ngữ của người Việt so với các dân tộc khác và ngay trong chính hệ thống ngôn ngữ mà người Việt đang sử dụng. Thông qua đó, chúng tôi khẳng định MYNSN là một miền ưu thế, rộng khắp vượt ra khỏi lãnh vực của cư dân vùng sông nước. Luận văn cũng góp phần nhỏ khơi vào việc nghiên cứu ca từ dưới góc độ tri nhận luận với hy vọng tạo một cầu nối giữa Ngôn ngữ học và Âm nhạc học Việt Nam. Từ đấy, chúng ta chung sức tạo nên nền Âm nhạc Việt có những tác phẩm không những đẹp đẽ về làn điệu mà còn có thẩm mỹ trong ca từ. 7. Bố cục luận văn Luận văn (ngoài phần dẫn nhập, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục) sẽ gồm 2 chương: CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1. Ngôn ngữ học tri nhận – một khuynh hướng hiện đại 2. Quá trình tri nhận cơ bản trong não người 3. Bức tranh ngôn ngữ về sông nước của người Việt 3.1. Bức tranh ngôn ngữ về ý niệm nước 3.2. Bức tranh ngôn ngữ về ý niệm sông 3.3 Bức tranh ngôn ngữ với ý niệm sông nước 4. Miền ý niệm sông nước trong tiếng Việt 5. Tiểu kết CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI – MÔ TẢ MIỀN Ý NIỆM SÔNG NƯỚC VÀ MIỀN Ý NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN SÔNG NƯỚC 1. Định danh thuộc miền ý niệm sông nước trong từ vựng tiếng Việt 2. Ẩn dụ và hoán dụ tri nhận về miền ý niệm sông nước trong hoạt động ngôn ngữ của người Việt 3. Miền ý niệm sông nước trong ca từ tiếng Việt 4. Tiểu kết CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1. Ngôn ngữ học tri nhận – một khuynh hướng hiện đại Ngôn ngữ học thế giới tính đến khi NNHTN ra đời có thể kể đến ba thời kỳ cơ bản: Thời kỳ cấu trúc luận, Thời kỳ Ngữ pháp tạo sinh và Thời kỳ chức năng luận. Thời kỳ cấu trúc luận bắt đầu vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX với nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thụy Sĩ F. D. Saussure. Ông đặt nền móng cho Ngôn ngữ học phổ thông hiện đại (bên cạnh đó là công ghi chép, phổ biến của hai học trò ông là Charler Bally và Albert Sechehaye) sau một thời gian rất dài xuất hiện chữ viết từ thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên. Trước khi có những bài giảng đại cương của Saussure về Ngôn ngữ học, khái niệm “ngôn ngữ là gì” chưa từng được định nghĩa thỏa đáng. Và, các trường phái ngôn ngữ tiền cấu trúc chưa thực chính thức xem ngôn ngữ như một khoa học riêng biệt đúng nghĩa: đã có khuynh hướng đánh đồng nghiên cứu ngôn ngữ với Logic học, xem trọng quy tắc đúng sai trong ngữ pháp; hoặc ngôn ngữ được đưa vào làm đối tượng duy nhất của ngành Ngữ văn – lấy việc giải thuyết, phân tích văn bản làm chủ điểm và có khi còn nhập cả vào Lịch sử văn học... Ở thời kỳ này, ngôn ngữ được xem là một hệ thống cấu trúc với cơ sở là các yếu tố và mối quan hệ – nghiên cứu chỉ bản thân ngôn ngữ trong sự phân chia rạch ròi ngôn ngữ với lời nói (Tuy chính Saussure cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của ngôn ngữ từ những yếu tố “ngoài ngôn ngữ” như phong tục, thiết chế trường học, nhà thờ, lịch sử dân tộc…). Phương pháp của cấu trúc luận là miêu tả, đại loại là thu thập, thống kê sự xuất hiện của từ và sau đó là khái quát hóa quy tắc của nó trong các quan hệ. Tuy nhiên, có nhiều hiện tượng không thể giải thích bằng mối quan hệ. Chẳng hạn từ “lên” trong tiếng Việt trong hai trường hợp: Thầy tôi lên núi/Cô tôi lên trường, chúng ta không thể dùng cách khái quát để phân tích cấu trúc của từ “lên”, đó là một trong những mặt hạn chế của thời kỳ cấu trúc luận và tồn tại mãi đến những năm 1960. Ngữ pháp tạo sinh của N. Chomky ra đời được gọi là “cuộc cách mạng tri nhận” của những năm 1950; tạo một sự thay đổi quan trọng: từ nghiên cứu hành vi sang nghiên cứu các sản phẩm, từ những cơ chế bên trong thâm nhập vào tư duy và hành động. Ngữ pháp tạo sinh là trường phái có ảnh hưởng to lớn đối với ngôn ngữ học thế giới, chiếm vị trí chủ đạo trong suốt ba thập niên (1960 – 1980). N. Chomsky đã nhận ra có rất nhiều hiện tượng mà Ngôn ngữ cấu trúc không thể giải thích được. Một ví dụ hay được đề cập đến là hiện tượng một đứa trẻ có thể nắm vững tiếng mẹ đẻ, nó có thể nói ra những câu chưa bao giờ nói và có thể hiểu những câu chưa bao giờ nghe. Chomsky lưu ý đến khả năng tạo sinh ngôn ngữ của con người: Con người có thể thông hiểu, cảm thụ được vô vàn lời nói vô hạn trong đời sống bằng các thông số hữu hạn trong bộ não. Mặt khác, nếu quan niệm ngôn ngữ là tập hợp tất cả các phát ngôn của một ngôn ngữ bất kỳ – tức theo nguyên tắc cấp số cộng – thì về lý thuyết, có thể có một lượng vô hạn các phát ngôn mà trí nhớ của con người không thể lưu giữ hết được (nếu như vậy thì muốn nói thuần thục một ngôn ngữ, người có kinh nghiệm sống 60 năm cần bộ nhớ gấp 1000 lần hiện có để lưu giữ thông tin ngôn ngữ)… Chức năng luận hay Ngữ pháp chức năng là một lý thuyết với hệ thống phương pháp xem ngôn ngữ như một công cụ của sự tương tác xã hội, được sử dụng chủ yếu để thiết lập mối quan hệ giữa người nói với người nghe. Và ngôn ngữ chính là phương tiện thực hiện giao tiếp giữa người với người. Ngữ pháp chức năng ra đời vào khoảng cuối thập niên 1970 (mà S.C.Dik, M.A.K.Halliday là những nhà nghiên cứu tiêu biểu) không nằm ngoài việc tìm kiếm cách nghiên cứu mới hơn để khắc phục những hạn chế của các lý thuyết truyền thống trước đó. Nếu hai chức năng chủ yếu của ngôn ngữ là tư duy và giao tiếp thì chức năng giao tiếp được Ngữ pháp chức năng đặc biệt nhấn mạnh, bổ túc cho quan niệm quá xem trọng hình thức – tức trọng nghiên cứu văn bản – đã tồn tại khá bền vững lâu nay. Về cơ bản, Ngữ pháp chức năng là ngữ pháp tự nhiên với nét nghĩa là mọi hiện tượng ngôn ngữ đều có thể giải thích được trong mối quan hệ với việc ngôn ngữ được sử dụng như thế nào với ba bình diện cơ bản: Cú pháp – Ngữ nghĩa – Ngữ dụng. “NNHTN (Cognitive linguistics) là một trường phái mới của Ngôn ngữ học hiện đại, tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người tri giác và ý niệm hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan”[43]. NNHTN ra đời vào cuối những năm 1980 – 1990, là khuynh hướng mới nhất xuất hiện trên ngôn đàn thế giới tính đến thời điểm hiện tại (bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1994). Ngôn ngữ học truyền thống cho rằng các dân tộc tư duy giống nhau và chỉ có ngôn ngữ là khác nhau – tức xem tư duy mang tính phổ quát và ngôn ngữ mang tính đặc thù. Nhìn xuyên suốt, quan niệm này chưa hoàn toàn chuẩn xác dù thực chất thế giới loài người có “phổ niệm”, có sự tương đồng trong tư duy, tuy nhiên, sự giống nhau trong cách nghĩ không là 100%. NNHTN xem quan niệm về sự giống nhau tuyệt đối ấy là “phi tri nhận”, vì rõ ràng cùng một sự vật hiện tượng như nhau trong thế giới khách quan nhưng con người – mà tập trung nhất là ở cấp độ văn hóa dân tộc, việc tri nhận vô cùng khác biệt nhau. Những khác biệt đó thể hiện rõ trong ngôn ngữ – bức tranh ngôn ngữ, và từ ngôn ngữ chúng ta có thể biết được những tri nhận khác nhau đó. Vậy, hiểu “tri nhận” như thế nào? Tri nhận là khái niệm chứa đựng nghĩa của hai từ kết hợp: cognition (nhận thức) và cogitation (tư duy – suy nghĩ). Tri nhận còn là nhận thức và đánh giá của con người về bản thân trong thế giới xung quanh và xây dựng bức tranh thế giới đặc biệt – tất cả những cái tạo thành cơ sở cho hành vi của con người. Tri nhận là tất cả những quá trình trong đó những dữ liệu cảm tính được cải biến khi truyền vào trong não dưới dạng những biểu hiện tinh thần (hình ảnh, mệnh đề, khung, cảnh,…) để có thể lưu lại trong trí nhớ con người. Đôi khi tri nhận còn được định nghĩa như là sự tính toán, nghĩa là xử lí thông tin dưới dạng những kí hiệu, cải biến nó từ dạng này sang dạng khác – thành mật mã khác, thành cấu trúc khác. Khoa học tri nhận (cognitive science) được hình thành như một khoa học vào những thập kỉ 60 – 70 của thế kỉ XX, có nhiệm vụ nghiên cứu và mô hình hóa các quá trình trí tuệ của con người. Tri nhận là một cách nhìn, theo đó con người cần phải được nghiên cứu như một hệ thống chế biến thông tin, còn hành vi của con người cần phải được miêu tả và thuyết giải bằng những thuật ngữ về những trạng thái nội tại của con người. Những trạng thái này về mặt vật lí học, được thể hiện, được quan sát và được thuyết giải như là sự tiếp nhận, chế biến và lưu trữ, sau đó là vận dụng thông tin để giải quyết một cách hợp lí những nhiệm vụ đặt ra. Do việc giải quyết những nhiệm vụ này trực tiếp cần đến việc sử dụng ngôn ngữ nên tất nhiên ngôn ngữ phải nằm ở trung tâm chú ý của các nhà tri nhận luận. Liên quan đến khoa học tri nhận, các bộ môn khác nhau nghiên cứu những bình diện khác nhau của sự tri nhận. Trong đó, Ngôn ngữ học nghiên cứu những đặc điểm ngôn ngữ của hệ thống tri thức. Nếu tri nhận luận có đối tượng nghiên cứu là trí tuệ, tư duy và các quá trình tinh thần của con người, thì NNHTN thiết lập mối quan hệ giữa đối tượng ấy với ngôn ngữ tự nhiên mà con người sử dụng trong giao tiếp thường nhật. F. de Saussure từng so sánh “ Ngôn ngữ còn có thể so sánh với một tờ giấy: mặt phải là tư duy, mặt trái là âm thanh; không thể cắt mặt phải mà không đồng thời cắt lên cả mặt trái...”. Thế nhưng, Ngôn ngữ học mà ông đi nghiên cứu lại trừu xuất khỏi lời nói, phân tách nó và tạo nên tính “tự trị”. Tính tự trị của ngôn ngữ đã tồn tại từ lâu, cho rằng hệ thống ngôn ngữ có thể được miêu tả và thuyết giải trong phạm vi chính bản thân mình, mà không cần quan tâm đến những hiện tượng khác như tâm lí, tư duy, bộ não, giải phẫu và sinh lí học con người, xã hội, tộc người…và xem bất cứ luận thuyết nào giải thích các hiện tượng ngôn ngữ mà dựa vào những hiện tượng ngoài ngôn ngữ đều không phải là ngôn ngữ học – Mặc dù vẫn có sự chú ý đến mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tư duy. Khác với quan niệm về tính tự trị của ngôn ngữ, đối tượng nghiên cứu của NNHTN là ngôn ngữ thường nhật của con người ở dạng tự nhiên nhất với những dữ kiện ngôn ngữ có thể quan sát trực tiếp được như vốn từ vựng, ca từ và cả những dữ kiện không thể quan sát trực tiếp được như trí tuệ, tri thức, ý niệm, ý thức,… 2. Quá trình tri nhận cơ bản trong não người Trải nghiệm tinh thần (mental experience) của mỗi người là một tập hợp vô số những dữ kiện tri nhận (dữ kiện: “điều coi như đã biết trước, được dựa vào để tìm những cái chưa biết trong bài toán”[38]) để hệ thống hóa các trải nghiệm tinh thần này, các dữ kiện cần được sắp xếp, điều chỉnh – tức củng cố lẫn kết nối với nhau… Trong những tiểu cấu trúc được kết nối đó của toàn bộ hệ thống; sự so sánh, đối chiếu các dữ kiện tri nhận tạo nên được khả năng phân chia hiện thực khách quan của con người. Quá trình củng cố, kết nối và so sánh dữ kiện giúp con người tạo nên biểu trưng tinh thần (mental symbol) – Biểu trưng tinh thần là khái niệm chìa khóa của khoa học tri nhận liên quan đến quá trình biểu tượng thế giới trong đầu óc con người, đồng thời nó cũng liên quan đến đơn vị của biểu tượng đó tồn tại thay cho một cái gì nằm trong thế giới hiện thực hay tưởng tượng [10:143] (cách hiểu này khiến “biểu tượng” mang tính kí hiệu – thay cho cái gì đó – của kí hiệu học). Tập hợp các biểu tượng tạo ra cái gọi là bộ nhớ, bao gồm cả trí nhớ ngôn từ và trí nhớ hình ảnh. Tổng hòa những biểu tượng bằng ngôn từ (mà phần phụ lục của chúng tôi chính là bao gồm những biểu tượng ngôn từ sông nước đã được phân loại) được gọi là từ vựng tinh thần – được xem là giai đọan hoàn bị cuối cùng của biểu tượng. Còn tập hợp các biểu tượng thì được gọi là hệ thống ý niệm hay còn gọi là mô hình (bức tranh) ý niệm về thế giới. Song song với biểu tượng tinh thần, quá trình trừu tượng hóa cho phép con người cảm nhận được các biểu tượng tinh thần ấy ở nhiều cấp độ khác nhau. Việc tri nhận từng phần về bức tranh thế giới cho chúng ta những biểu tượng rời rạc, sự củng cố, tương tác và so sánh tạo nên những cấu trúc tinh thần – tri nhận các dữ kiện rời rạc thành một chỉnh thể có nghĩa. R.W.Langacker đã đưa ra ba hình ảnh rời rạc về các góc không tiếp nhau, tạo một chuỗi sự kiện có liên quan đến hình tam giác. Trong nhận thức của chúng tôi, có thể trong giao tiếp các sự kiện ngôn từ rời rạc nhưng khi tư duy, chúng nằm trong một hệ hình nhất định. Sự liên kết để tạo nên những cấu trúc không hoàn toàn mạch lạc và logic, nhưng chắc chắn sự liên kết này có tồn tại trong tư duy con người. Lấy ví dụ về tri nhận về sông nước, những “bờ”, “ao”, “hồ”, những “dụng cụ đánh bắt” hay “các họat động trên sông nước” thực chất là các sự kiện riêng lẻ, nhưng bộ não của cư dân người Việt đã “tổ chức lại” thành những cấu trúc hoàn chỉnh trong não mình thành những miền cố định (chúng tôi định thành 7 miền cơ bản) mà chúng ta sẽ phân tích cặn kẽ ở những phần tiếp sau. Cấu trúc tinh thần được tạo trên cơ sở sự củng cố, liên kết các dữ kiện tạo nên những mô hình nhất định được gọi là tiêu chí, tiêu chí dùng để đánh giá kinh nghiệm. Trong MYNSN chúng ta đang xét, Miền các dạng nước là một tiêu chí với nhiều dạng riêng lẻ: nước đá, nước hoa, nước vôi… Một quá trình nữa trong hoạt động tri nhận là quá trình phóng chiếu – quá trình tổng hợp trong đó một tiêu chí đã được củng cố S (entrenched standard) chiếu lên một đích tri nhận T (cognitive target). Ví dụ trong câu ca: Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn, “ao” thuộc tiêu chí đã được củng cố – thuộc Miền vật chứa nước và các yếu tố bộ phận liên quan tới vật chứa (Trường ý niệm 2 trong phân loại MYNSN) và đích tri nhận lúc này sẽ là vùng miền sinh sống. Quá trình phóng chiếu chỉ diễn ra khi tiêu chí S được kích hoạt dựa trên cơ sở các tiểu hệ thống gắn liền với S và T; các tiểu hệ thống trong trường hợp này chính là sự tri nhận về những tương đồng giữa “ao” với “làng quê”: với người Việt, ao là vật chứa quen thuộc và dường như không thể thiếu ở mỗi vùng quê; như vậy đã có những tiểu hệ thống phóng chiếu giữa hai miền mà cụ thể trong ví dụ này là ý niệm “ao” và “làng quê”. Việc phóng chiếu các lược đồ để phân nhóm các đích tri nhận chính là một phần quan trọng của quá trình phạm trù hóa. Thông qua quá trình phạm trù hóa, dữ kiện được tổ chức thành những nhóm có các điểm giống nhau bằng cách loại bớt các dị biệt riêng lẻ. Ví dụ chúng ta thường lấy “sông” để nói đến sự chia cách, cách trở, chia lìa…như “sang sông”, “đưa người qua sông”…dù giữa “sông” và “khoảng cách” có những khác biệt cơ bản như đây là hai khái niệm giữa vật thể (sông) và đo lường (khoảng cách) nhưng đã bị che khuất, bị giản đơn hóa trong quá trình phóng chiếu và phạm trù hóa. Tóm lại, theo quan điểm của NNHTN, trong bộ não của con người cùng lúc diễn ra nhiều hoạt động tri nhận phức tạp. Việc hình thành tri thức của con người là một quá trình tổng hợp nhiều giai đọan nối tiếp: củng cố – kết nối – so sánh – trừu tượng và phóng chiếu đi đến phạm trù hóa. Thông qua các quá trình này mà dữ kiện từ môi trường xung quanh được chuyển thành tri thức của con người. Một khi các dữ kiện này đi vào ngôn ngữ, chúng được cô lập hóa qua các hoạt động tư duy bằng các MYN và như vậy, các MYN thực chất là những yếu tố nằm trong một chỉnh thể tri nhận từ vựng. 3. Bức tranh ngôn ngữ về sông nước của người Việt 3.1. Bức tranh ngôn ngữ về ý niệm nước Bức tranh thế giới là hạt nhân cơ sở của thế giới quan con người. Bức tranh thế giới là cách nhìn của con người về thế giới khách quan chứ không đồng nhất với thế giới khách quan. Thế giới khách quan thì vô hạn nhưng tri thức mà con người có được luôn luôn có hạn dù đặc tính của tư duy loài người là muốn biết đến tận cùng. Do đó, điều đương nhiên là Bức tranh thế giới của con người sẽ hẹp hơn hiện thực thế giới khách quan về chiều rộng; nhưng về chiều sâu bức tranh thế giới dường như chi tiết hơn và đặc biệt mang tính tinh thần. Trong bức tranh về thế giới, ở mỗi cá thể con người lại là một bức tranh riêng lẻ khác nhau, tuy nhiên, trong tính cá nhân ấy vẫn có nhiều những giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau ở mỗi cá thể cùng thế hệ hoặc thế hệ sau ảnh hưởng bởi thế hệ trước đó. Có nhiều quan niệm khác nhau về bức tranh – cách nhìn thế giới của con người, nhưng cơ bản nhất có thể chia ra hai bức tranh thế giới (dù không phải luôn phân tách rõ ràng): i. Bức tranh khoa học về thế giới, ii. Bức tranh thơ ngộ về thế giới (bức tranh ngôn ngữ). Hai bức tranh này tương tạo nên cái nhìn phong phú của con người về thế giới nó đang chinh phục. Bức tranh ý niệm (hình ảnh, biểu tượng về thế giới trong ý thức) tạo nên bức tranh ngôn ngữ về thế giới – gọi là bức tranh thứ hai về thế giới. Do đó, qua đặc trưng ngôn ngữ mẹ đẻ của một dân tộc nhất định, chúng ta có thể hiểu được “bức tranh thế giới thứ hai”, hiểu được cách nhìn thế giới phổ biến và đặc trưng của cả một dân tộc. Cũng có thể nói, có bao nhiêu ngôn từ được phản ảnh trong ngôn ngữ một dân tộc thì có bấy nhiêu bức tranh ý niệm thông qua nó tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta không xét chi tiết mọi ngôn từ được xác lập trong hệ thống một ngôn ngữ được nghiên cứu mà chỉ tập trung vào những từ ngữ có tính biểu trưng trong ý thức dân tộc ấy. Giả sử đối với người Việt, những ý niệm như “số phận”, “trời”, “cây tre”, “mặt”, “sông”, “con đò”,…sẽ được nghiên cứu chi tiết vì tính biểu trưng cô đọng của nó. Trong luận văn này, ý niệm về “nước”, về “sông”, về “sông nước” sẽ được khai thác tỉ mỉ từ góc độ bức tranh ý niệm trong tư duy ngôn ngữ người Việt. Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu ý niệm “nước” (ý niệm là gì sẽ được làm rõ ở 4.1 chương này) với nghĩa gần gũi nhất trong tri nhận con người: Chất lỏng không màu, không mùi và trong suốt khi là nguyên chất, tồn tại trong tự nhiên ở sông hồ, biển…[38]. “Nước là thành phần rất cần thiết cho sự sống, chưa từng phát hiện sự tồn tại của nó trên bề mặt của bất kì hành tinh nào khác…” [89]. Không dừng ở cách hiểu mang tính khoa học thường thức ấy, chúng ta còn nghiên cứu nước dưới góc độ là một biểu tượng tinh thần đặc biệt mang tính nhân loại. Nước với hầu hết các nền văn hóa trên thế giới được biết đến với ba ý nghĩa chủ đề: 1. Mầm sống, nguồn sống, 2. Phương tiện thanh tẩy, 3. Tâm điểm của sự tái sinh [5, 6]. Trong tiếng Việt cũng có những biểu hiện đó. Cụ thể với thành ngữ, ca dao tiếng Việt chúng có vô thủy nghỉ ăn, bắc nước chờ gạo người, chờ hết nước hết cái, lạ nước lạ cái (Mầm sống, nguồn sống)…Dù ai xấu xí như ma/Tắm nước đồng Lẫm cũng ra con người (Phương tiện thanh tẩy); Của bàn tay làm ra như nước nguồn/Của cha mẹ để cho như nước lũ (Tâm điểm của sự tái sinh). Với cư dân vùng lúa nước Việt, “nước” không chỉ là điều kiện tiên quyết của kinh tế nông nghiệp (“nước – phân – cần – giống”) mà còn là yêu cầu đầu tiên cho mọi sự lựa chọn từ nơi sinh sống đến vị trí quan trọng nhất là kinh đô của một quốc gia. Có thể thấy rằng, hình ảnh nước được lưu giữ, củng cố trong ngôn ngữ tiếng Việt như một nét đặc thù mà trong các từ điển tiếng Việt chỉ phản ảnh được phần nào. Chẳng hạn từ “nước da” (complexion) thì từ “nước” ngoài nghĩa lớp bên ngoài như nét nghĩa là lớp phủ bên ngoài cho bền đẹp và vẻ ánh bóng tự nhiên ở một số vật thì nó còn có nghĩa chỉ màu sắc (the color) – một nét nghĩa khá bất ngờ trong cấu trúc nghĩa biểu niệm của từ “nước” mà chưa ngôn ngữ nào có. Những biểu hiện đặc trưng và phong phú tương tự thế này sẽ tiếp tục được làm rõ hơn trong những chương mục tiếp theo. Ở chuyên mục này, chúng tôi cố gắng chứng tỏ rằng “nước” với nghĩa nguyên gốc cũng đã là một ý niệm giàu hình ảnh trong trí nghĩ người Việt. Từ xưa, dân tộc Việt Nam đã quan niệm lưỡng phân nhị nguyên Đất – Nước, nên mới có sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” (Te tấc te đác) của người Mường; rồi cách ẩn dụ (tri nhận) của người Việt “Mặt trời mọc/ lặn” như cây mọc từ đất và hoạt động của con người dưới nước: lặn. Theo Nguyễn Đức Dân [85]: “Chuyển từ ngày sang đêm, mặt trời buông xuống rồi biến mất, giống như khi ta lặn xuống nước không ai thấy nữa. Vậy là người Việt nói mặt trời lặn…”. Ông còn viết thêm: “Bắt đầu một ngày, mặt trời nhô lên khỏi biển được người Việt gọi là “mặt trời mọc” giống như cây mọc từ đất, hoa sen, hoa súng mọc từ nước, trong khi các dân tộc Anh, Nga, Pháp nói là “mặt trời đi lên” (Cứ liệu sau làm nổi rõ vai trò của “nước”, nhưng theo chúng tôi, hoa súng, hoa sen thật chất cũng mọc từ đất! Và thân cây mới thật trong nước – Chỉ những cây ký sinh như lan, tầm gửi, tơ hồng… là không bắt đầu từ đất; khi nói mặt trời mọc, người Việt dường như không nghĩ đến nước, mà chỉ nghĩ đến cây lớn lên). Trong ca dao Việt Nam, người phụ nữ được ví “lênh đênh mười hai bến nước” hay “ba chìm bảy nổi…” cũng là từ tri nhận những hoạt động của người trong nước. Hay nhạc sĩ Văn Cao vẫn “ngụp lặn” giữa hồn sông nước trong “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Buồn tàn thu”, “Sông Lô”, “Trương Chi”…và nước đã trở thành cái nền chính cho âm nhạc của ông. Với những đặc trưng nổi bậc của nước, chúng tôi đã dành nhiều phần phân tích trọng tâm và không ngần ngại xem nước là một hiện tượng cần khai phá riêng biệt bên cạnh ý niệm thuộc “sông nước”. 3.2 Bức tranh ngôn ngữ về ý niệm sông “Sông là dòng nước lưu lượng lớn thường xuyên chảy, có nguồn cung chủ yếu là từ hồ nước, từ các con suối hay từ các con sông nhỏ hơn nơi có độ cao hơn. Các dòng sông hầu hết đều đổ ra biển…” [86]. Với tri nhận bản thể là trung tâm, con người quan niệm mình như ở vị trí gốc tọa độ, nhìn lên (trục tung) là nguồn nước chảy xuống dưới là biển cả (Lên trời xuống biển), trục hoành là hai bên tả – hữu của con người. Biểu tượng sông (hay dòng nước chảy) là biểu tượng về khả năng của vạn vật, của tính lưu chuyển của mọi dạng thể, của sự phong nhiêu, của cái chết và sự đổi mới. Dòng chảy là dòng của sự sống và cái chết với sự xuôi chảy hòa vào đại dương hay ngược dòng hoặc vượt bờ. Sự xuôi chảy là sự tụ họp nước, là sự trở về với trạng thái bất phân, là lối vào Nirvana (Niết Bàn). Sự ngược dòng là sự trở về với thần thánh – cội nguồn, bản thể. Sự vượt bờ là sự vượt qua chướng ngại vật, vượt qua chướng ngại ngăn cách hai lĩnh vực, hai trạng thái, hai thế giới: cảm tính và siêu thoát – hiện thực và phi hiện thực [5:829]. Với người Ấn, sông Hằng là một dòng sông đổ từ trên cao – từ ân huệ trên cao vời, từ mái tóc của thần Siva, dòng sông của tắm gội, tẩy uế và giải thoát. Ở người Hy Lạp là sự tôn kính lẫn kinh sợ, người ta cúng tế cho thần sông lễ vật bằng cách nhấn chìm những con bò hoặc ngựa còn sống, và, người ta chỉ qua sông khi đã tuân thử những nghi lễ tẩy uế và nguyện cầu. Chảy từ trên cao xuống, quanh co qua núi vào thung lũng và biến mất trong những lòng hồ và đại dương, dòng sông trở thành biểu trưng cho đời người vô thường với những chuỗi liên tiếp những dự tính, ước ao, những suối nguồn tình cảm và thiên hình vạn trạng những bước ngoặt của chúng đúng với thành ngữ triết lý của người Việt: “sông có khúc, người có lúc.” Việt Nam là nước có hệ thống sông ngòi dày đặc đổ ra biển từ bắc chí nam – miền Bắc có 10 cửa biển lớn, miền Trung có 8 và miền Nam có 13 [86]. Chúng ta có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km. Mật độ sông và kênh trung bình ở Việt Nam 0,6 km/km², khu vực sông Hồng 0,45 km/km² và khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 0,68 km/km². Các sông lớn thường bắt nguồn từ nước ngoài chỉ có phần trung du và hạ lưu chảy trên địa phận Việt Nam [86]. Lưu lượng nước của các sông và kênh là 26.600 m³/s, trong tổng lượng nước này phần được sinh ra trên đất Việt Nam chiếm 38,5%. Lượng nước không đồng đều giữa các hệ thống sông: hệ thống sông Mê Kông chiếm đến 60,4%, hệ thống sông Hồng là 15,1% và các con sông còn lại chiếm 24,5% [86]. Điều này làm Nam bộ trở thành miệt vùng mà khi nói đến văn hóa sông nước người ta nghĩ ngay về nó. Tuy nhiên, với hơn 20 con sông lớn trải khắp lãnh thổ đã tạo nên hình ảnh một Việt Nam gắn chặt với dòng sông – con đò. Nói đến núi – sông là nói về “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt) tức nói về tổ quốc Việt Nam. Với thơ văn, hình ảnh sông đã dọc theo chiều dài thi ca nước nhà, có thể nói, từ khi có thơ ca thì cũng là lúc sông bắt đầu tồn tại trong ngôn từ tiếng Việt: Yêu nhau mấy núi cũng trèo Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Sông với dân gian đã là biểu trưng cho gian khó, thử thách; vì vậy mà không có ít những câu ca dao như: Sông dài cá lội biệt tăm Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ Sông sâu cá lội vô bờ Phải duyên thì lấy, đợi chờ chi nhau. Hay: Cách sông mới phải lụy đò Vì chưng trời tối lụy cô bán hàng. Sông còn được xem là cội nguồn trong văn tịch cổ: Trăm năm tính cuộc vuông tròn Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông (Kiều – Nguyễn Du) Không người Việt nào xa lạ với những biểu trưng phong phú: sông là dòng chảy bất tận của thời gian (Sông cạn đá mòn), sông là sự xác định giới hạn về không gian (Đôi ta cách một con sông); sông nước là nguồn cội thiêng liêng (Uống nước nhớ nguồn); sông là chỗ dựa của niềm tin trong cuộc sống (Sông có khúc, người có lúc)… Đến văn học hiện đại, sông lại ngồn ngộn với biểu trưng về quê hương đất nước: Em ơi buồn làm chi, Anh đưa em về bên kia sông Đuống… (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm) Và: Quê hương tôi có con sông xanh biếc Nước gương trong soi bóng những hàng me Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè Tỏa nắng xuống dòng sông lấp lánh… (Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh) Trong “Quê hương”, Tế Hanh cũng mở đầu: “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”… Một điều thơ mộng không chỉ trong ca dao, văn thơ xưa mà ngay chính trong âm nhạc Việt đương đại cũng thấm đẫm hình ảnh sông. Hát về núi sông tức cũng là ca bài ca về đất nước Việt. Này là con sông Tương trong bài ca Ai về sông Tương (Thông Đạt), con sông Lô trong bài hát cùng tên của Văn Cao, con sông Vàm Cỏ trong Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục), sông Hậu trong Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh)…Sông là biểu trưng gắn với tình cảm quê hương trong Sông Quê (Nguyễn Trọng Tạo): “Sông quê nước chảy đôi bờ/ Để anh chín dại mười khờ thương em. Ơi con sông quê, bao năm đã lở đã lở bồi”… Người Việt xa xưa còn coi sông như một hình nhân sống nên có cách đặt tên phổ biến: sông Cái, sông Con, sông Cả… và cũng cho thấy mối thân tình ruột rà với tự nhiên. Lưu vào tiếng Việt, người Êđê cũng bắt đầu tên địa danh của mình là sông (Krông) nên một số địa danh Tây Nguyên, vùng không hề biết đến biển cả thì yếu tố sông nước đặc biệt nổi biệt: (huyện) Krông Bông, Krông Buk , Krông Pak, Krông Ana, Krông Năng… Như vậy, đến đây có thể khẳng định: vai trò to lớn của sông trong tri nhận, trong bức tranh thế giới thứ 2 của tư duy người Việt chúng ta là điều có thật và có nhiều cơ sở xác đáng. 3.3 Bức tranh ngôn ngữ với ý niệm sông nước Sông nước là sông, về mặt là cảnh vật thiên nhiên, hoặc điều kiện sinh sống của con người (nói khái quát). Ví dụ: Thạo nghề sông nước, cảnh sông nước nên thơ. [38:867] “Nước sông” hay “sông nước” đều có nghĩa, nhưng ý nghĩa thì không như nhau. “Nước sông” chỉ là một dạng của nước nói chung theo nghĩa gốc trong khi thuật ngữ “sông nước” khái quát hơn đã định nghĩa trên, hiểu một cách dân dã là vùng đất quanh sông suối, kênh rạch... Cũng theo nghĩa này, cảnh “gạo chợ nước sông” được xem là cảnh buôn bán tấp nập của dân miền sông nước, trong một số ngữ cảnh khác, có thể còn có nghĩa là bấp bênh (Nậu rớ ăn gạo chợ, uống nước sông), “thạo nghề sông nước” tức người dân đã quen với điều kiện sinh sống đánh bắt vùng (miền) sông nước. Ở “Sông nước nên thơ” thì “sông nước” được khái quát để chỉ cảnh thiên nhiên xinh đẹp gắn với sông nước. Về mặt văn hóa, “sông nước” là từ ngữ biểu trưng Văn hóa nước khoanh lại ở vùng đất liền, liên quan đến kênh rạch, sông suối; bên cạnh đó là biển cả – chỉ vùng ngoài đại dương. Sẽ có những khoảng giao thoa giữa sông nước và biển cả trong việc dùng ngôn từ; và sự phân biệt này, trên lĩnh vực ngôn ngữ có thể nói chỉ là tương đối. Để bao quát, chúng tôi cũng xem “ý niệm sông nước” là biểu tượng tinh thần về vùng đất liền liên quan chủ yếu đến kênh rạch sông suối bên cạnh đó là biển cả xuyên suốt luận văn. Với nước, sông là một vật thể đi liền, dường như sông mật thiết với cư dân Việt và “sông nước” từ lâu vẫn là hình ảnh quen thuộc, dung dị về quê hương, bản quán bên cạnh cây đa, rặng dừa, đình làng trong lòng mỗi người dân Việt hơn là biển cả. Và điều này cũng có nguyên nhân lịch sử của nó. Nền văn minh cổ xưa nhất từng tỏa sáng ở lãnh thổ Việt Nam, theo cách hiểu phổ biến đó là nền văn minh sông Hồng – là nền văn minh bản địa đầu tiên của văn hóa Việt Nam, đánh dấu một mốc quan trọng cho sự ra đời của dân tộc Việt gắn với sông nước nói chung và của một ngôn ngữ giàu hình ảnh sông nước nói riêng. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu vào “sông nước” ở nét nghĩa vùng sinh sống quanh sông ở một quốc gia mà trải dài hơn ngàn cây số biển suốt chiều dài đất nước, phải chăng đó là một sự thiếu sót? Có thể nói, thoạt nhìn, tưởng chừng đấy là một sự “thiên vị”, thế nhưng cũng có nguyên nhân sâu xa và thuyết phục về điều này từ dấu ấn lịch sử. Từ thời đại đá mới đến sơ kỳ đại đồng thau (khoảng 6000 năm trước Công nguyên) người Việt đã có nền văn hóa ven biển rực rỡ (Văn hóa Soi Nhụ – Quảng Ninh; nhóm di tích Cái Bèo ở Cát Bà – Hải Phòng; văn hóa Đa Bút – Thanh Hóa…) [55]. Đặc biệt nhất là thời kỳ Đông Sơn, người ta đã nhận thấy vai trò to lớn của biển trong nền văn minh này. Tuy nhiên, sau đó, con cháu của Đông Sơn – người Việt, lại không còn mặn mà với biển vì bị thôn tính, và hơn thế nữa, người Hán đã “bao bọc” lấy biển, làm mất đi nguồn sức mạnh, mất đi sự giao lưu và mất đi cấu trúc văn hóa mang tính biển cả, điều này còn gắn liền với các truyền thuyết “Âu Cơ – Lạc Long Quân”, “An Dương Vương Cổ Loa”, “Sơn tinh – Thủy Tinh”…Theo bản năng tự vệ, người Việt co cụm lại thành những làng xã quanh lũy tre, thôn xóm, con đò của sông nước. Và làng – với sông nước, trở thành thành trì bảo vệ văn hóa Việt trước nguy cơ bị đồng hóa của ngoại xâm, từ đó, “sông nước” cũng là nơi có thể áp dụng những bài học về đánh bắt, về sinh sống của cư dân Việt. Cũng từ đây, sự xa vời biển lập nên một hình thái kinh tế mới – nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp. Dù sau này người Việt đã có những hành trình lớn để về với biển, nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các triều đại Lý – Trần thời trung cổ chóng ngoại xâm, nhưng, thực tế sau hàng trăm năm cách biển, thói quen và tập tục đã đổi thay; người Việt đã không còn nghĩ nhiều đến những thương thuyền lớn giong buồm ra biển lớn, và, làm cho văn hóa Việt cũng không thực mặn mà với những hùng vĩ và dữ dội của biển cả. Một khi văn hóa khoanh lại trong một vùng cố định, thì ngôn ngữ cũng sẽ trở nên chi tiết ở những lĩnh vực mà con người cọ sát. Dù sông nước không phải luôn hiền hòa với con người, nhưng người Việt chấp nhận như một lẽ tự nhiên, truyền thuyết “Sơn Tinh – Thủy Tinh” phần nào nói lên được điều đó, hay Đam San (nhân vật trong sử thi Đam San của người Êđê) là biểu tượng cho khao khát chiếm lĩnh tự nhiên bằng cách “bắt nữ thần mặt trời về làm vợ” nhưng khao khát làm chủ của Đam San thật chất đã bất thành trong khu rừng Sáp Đen cho thấy, thực tế, trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, người Việt Nam nói chung phụ thuộc, nương tựa hơn là độc lập, làm chủ. Người Việt Nam thể hiện rõ ý thức tôn sùng bái tự nhiên, gọi thiên nhiên là “thần” (nữ thần mặt trời, thần sông, thần núi…) và thể hiện thành lối sống hòa hợp, thích nghi, hòa mình và gắn bó với môi trường tự nhiên. Từ ngữ “sông nước”, vì vậy mà trở nên dồi dào, phong phú trong vốn từ vựng dân tộc. Con người – mà trong trường hợp chúng ta đang xét là người Việt (người Kinh) – với tư cách là chủ thể tiếp xúc và tri nhận về thực tại với ba phạm vi cơ bản: thế giới tự nhiên quanh mình, xã hội mà con người tổ chức và chính con người trong hai mối liên hệ ấy có hai khuynh hướng hành xử: chấp nhận hoặc cải tạo. Hai khuynh hướng này không phân tách rạch ròi mà bổ trợ, đan xen nhau. Ở lĩnh vực ngôn ngữ, xuất phát từ ba phạm vi đó, vốn từ vựng được hình thành với ba lớp từ cơ bản: Lớp từ biểu thị sự vật, hiện tượng, khái niệm thuộc về thế giới tự nhiên; về xã hội loài người và về nhận thức bản thể. Từ ngữ “sông nước”, lĩnh vực sông nước về nguyên gốc, có thể thuộc lớp từ thứ nhất – biểu thị sự vật, hiện tượng – khái niệm thuộc về thế giới tự nhiên; nhưng, qua quá trình lịch sử lâu dài, nó đi vào vốn từ vựng, đi vào tâm khảm người Việt bằng con đường “ẩn dụ” – chính xác là “Ẩn dụ tri nhận” thành chính những khái niệm thuộc xã hội loài người và cả về nhận thức bản thể con người. Chẳng hạn, chúng ta vẫn nghe ẩn dụ “lòng dậy sóng” chỉ những biến động đột ngột trong lòng con người vốn có nguồn gốc từ hiện tượng tự nhiên. Từ ngữ ấy nguồn gốc rõ ràng mang dấu ấn sông nước và đi vào tâm thức người Việt – nếu không “phục chế” dựa trên dấu vết ngôn ngữ thì có lẽ khó có thể hiểu nguồn tích “sông nước” của nó. Cũng như hiển nhiên có thể thấy, người Việt xưa nay nói đến chia ly, cách trở vẫn dùng những hình ảnh dòng sông, con đò, bến nước. Trong “Tống biệt hành”, Thâm Tâm đã nằm lòng cái tâm thức sông nước ấy của người Việt nên mới có chuyện “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng…” Nói tới “sông nước” trong tâm thức của người Việt là đề cập đến khá nhiều khía cạnh: điều kiện địa lý, môi trường sống, tiến trình lịch sử, đặc điểm dân tộc và phong tục, tập quán…Ý niệm về sông nước, với cách xem ý niệm là “cái chứa đựng” sự hiểu biết của con người về thế giới được hình thành trong ý thức trong quá trình tri nhận và hiện thân trong ngôn ngữ được truy nguyên lại, trong ý niệm có khái niệm là trung tâm (là cái phổ quát, có thể gọi là mang tính khoa học) và thứ hai là đặc thù văn hóa. Phân tích theo cấu trúc của ý niệm [9:140], ý niệm “sông nước” đều có thể nhận thấy ở các khía cạnh cấu trúc sau: Khái niệm sông nước theo từ điển. Sông nước trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Sông nước trong văn hóa người Việt. Sông nước trong nhóm xã hội. Sông nước trong văn hóa vùng. Sông nước trong mỗi cá thể người Việt. “Sông nước” liên quan đến nhận thức, tư duy, văn hóa cũng như nét tâm hồn của người Việt từ xưa đến nay, vì vậy, năm thành tố làm nên ý niệm sông nước rõ ràng chúng ta đều cảm nhận rất đầy đủ. Sông nước đã được khái niệm trong từ điển và là một nét đặc trưng văn hóa của cả mọi dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và dân tộc Việt nói riêng. Sông nước có ý nghĩa riêng với từng nhóm xã hội, từng cá thể người Việt Nam và có những đặc trưng riêng tùy theo vùng miền. Sông nước vừa là hình ảnh chung của dân tộc, vừa “cá tính”, vừa tự nhiên khách quan vừa mang đặc trưng địa phương – vùng miền. Khu vực văn hóa đặc trưng nhất từ dấu ấn sông nước có thể nói đến là Tây Nam bộ với hàng ngàn đường kênh rạch, sông ngòi. Cuộc sống người dân nơi này gắn bó mật thiết với nước: ruộng ngập nước, trồng lúa nước, thức ăn có sẵn dưới nước, nhà trên nước, chợ nổi, di chuyển trên nước (ghe, xuồng), văn nghệ, thể thao trên nước (hát nhạc tài tử, đua ghe), người chết vào mùa nước nổi thì dìm xác vào nước…Cả tên của thành phố được mệnh danh là thủ đô của lục tỉnh Nam kì (Tây Đô) cũng có một giả thuyết lý thú liên quan đến sông nước: Vùng đất này xưa kia của người Khmer có nhiều tôm cá, đặc biệt là cá sặc rằn (loại cá to bằng bàn tay, làm khô ăn với cơm nguội) và người Khmer gọi cá này là Krantho. Người Việt đọc lệch "Kr" nên thành Cần Thơ. (Xét riêng về mặt ngữ âm, đây là xu hướng rụng tổ hợp phụ âm đầu kiểu Kr thành K). Từ môi trường sống “bồng bềnh sông nước” đến ngữ điệu phát âm “bằng phẳng” của người dân vùng Tây Nam bộ dường như có mối quan hệ; rồi tất nhiên là đi vào lời ăn tiếng nói, như ca dao chẳng hạn: Thân em như cá trong lờ Hết phương vùng vẫy không biết nhờ nơi đâu. Hay: Anh than một tiếng nát miễu xiêu đình Cây huệ kia đang xanh lại héo, cá ở ao huỳnh vội xếp vi. Rồi: Bên dưới có sông, bên trên có chợ Hai đứa mình kết vợ chồng nghen Và: Trời mưa cóc nhái chết sầu Ễnh ương đi cưới nhái bầu không ưng Chàng hiu đứng dựa sau lưng Khều khều móc móc cứ ưng cho rồi. Không thể chối cãi “cá tính sông nước” đặc thù của vùng Tây Nam bộ, nhưng cũng có thể thấy: toàn Việt Nam có nhiều sông lớn nhỏ khác nhau, phân bố dày thưa khác nhau nhưng đặc biệt là hầu như vùng nào cũng có. Và vì vậy, ảnh hưởng từ sông nước đến tiếng Việt là rộng khắp và dễ thích nghi, lan tỏa. Ngôn ngữ sông nước dễ dàng “lên bờ”, “lên miền ngược” và gặp gỡ, hòa trộn dòng chảy ngôn ngữ dân tộc mà ít gặp rào cản văn hóa vùng miền; dễ dàng bắt nhịp vào vốn ngữ toàn dân dù thuộc phương ngữ hay thổ ngữ. Phần trình bày trên chỉ mang tính giới thiệu sơ lược dẫn dắt vào bức tranh sông nước Việt Nam. Để miêu tả chi tiết về bức tranh ngôn ngữ sông nước tiếng Việt chúng tôi sẽ khảo sát từng miền cụ thể, từ đó nhận diện rõ bức tranh ngôn ngữ với ý niệm “sông nước” trong đời sống tinh thần người Việt. Những điều chi tiết hơn sẽ là phần tiếp theo của luận văn. 4. Miền ý niệm sông nước trong tiếng Việt 4.1. Miền ý niệm Để nghiên thế giới qua ngôn ngữ, chúng ta không lẻ tẻ gom nhặt từng sự kiện theo cấp số cộng để khái quát, mà, phân chúng thành những cấp bậc khác nhau, những lĩnh vực khác nhau để nghiên cứu. Đó là cách phổ biến nhất để con người khám phá và cải tạo thế giới: Phân chia từng mảng – lĩnh vực và chuyên sâu vào từng lĩnh vực. Chúng tôi bắt đầu việc đề cập đến MYN bằng cách này để bước đầu xác định: MYN chính là sự phân chia các lĩnh vực để đi sâu nghiên cứu. MYNSN đến lượt nó cũng vậy, để tìm hiểu từ ngữ sông nước dưới góc độ tri nhận – để hiểu con người, người Việt hiểu và cảm nhận thế giới gắn liền với đời sống nước như thế nào, chúng ta lại phân tách chúng thành các nhóm nhỏ hơn. MYN không phải là thuật ngữ định sẵn trong tư duy người Việt, nhưng, bằng quy luật lôgic ảnh hưởng từ đời sống, từ môi trường, từ cách tư duy vốn bản chất tìm mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng ngôn ngữ con người (mà ở đây là ngôn ngữ sông nước của người Việt) tự tạo cho nó tính hệ thống và tính cấu trúc (dù tính hệ thống hay cấu trúc ở đây không phải luôn xác định hay nhất định, bất biến). Nói khác, với tư cách là chủ thể của tri nhận, trước một hiện tượng sông nước trải đều khắp lãnh thổ, con người đã phóng chiếu bóng dáng mình lên đó bằng cách ẩn dụ hóa.Và với cách tư duy về sông nước phản ảnh trong tiếng người Việt, chúng ta vẫn có thể phân tách thành các vùng – miền trong nó. MYN được hiểu là “khung” theo thuật ngữ của Fillmore – là "hệ thống ý niệm liên quan với nhau theo cái cách mà để hiểu bất kì một ý niệm nào trong số đó chúng ta phải hiểu cái cấu trúc toàn thể mà ý niệm đó ăn khớp với" [43:26]. MYN là thuật ngữ dùng để gọi tên những ý niệm gắn kết với nhau, cung cấp chu cảnh (background context) để hiểu bất cứ ý niệm nào trong “miền” (domain) của nó. Khi nói MYNSN có nghĩa “sông nước” là ý niệm nền – phông cho các khái niệm khác. Trong khi đó, chính “sông nước” cũng là một ý niệm thuộc miền địa hình, tuy nhiên, có thể thấy miền sông nước bao quát rộng lớn các khái niệm trong nó và là một miền ổn định. MYN được xem là những kinh nghiệm khác nhau hoàn toàn của con người về những lĩnh vực khác nhau như không gian, màu sắc, tình cảm, nhiệt độ… Chẳng hạn, khi nói đến MYN sông nước là ta có nói đến các loại nước, đến vật chứa nước và các yếu tố bộ phận liên quan tới vật chứa, đến loài vật đặc trưng ở sông nước… hiểu theo ý nghĩa này thì MYN có thể là phần kinh nghiệm rất cụ thể được quy định riêng bởi từng nền văn hóa và giống như một “cảnh huống” (scenario), “khung” (frame) hay là “mã” (code). Nói một cách dễ hiểu, MYN bao gồm các ý niệm có liên quan đến nhau ở cùng một lĩnh vực nào đó, với cách hiểu này MYN gần với khái niệm “trường nghĩa” khi xét đến khái niệm đa nghĩa, trái nghĩa nên còn có thể gọi là “trường ý niệm”. Hạt nhân cơ bản của MYN là ý niệm. Ý niệm (concept) là sự hiểu, nhận thức bước đầu về một loại sự vật, sự việc, quan hệ, quá trình nào đó [38:1167]. Hình dung ý niệm một cách dễ hiểu, nói đến “sông” khi trước mặt chúng ta chẳng có con sông nào thì chúng ta vẫn có thể hình dung ra được một con sông như thế nào với hình dạng, kích thước, bờ bãi, lưu lượng nước chảy…khá cụ thể trong đầu – tức “hình ảnh” về vật thể “sông”. Như vậy, ý niệm “sông” đã thực sự có trong não chúng ta. Tuy ý niệm về “sông” ở mỗi người, mỗi chủ thể sẽ là khác nhau (có người nghĩ đến sông nước ồ ạt chảy, có người nghĩ đến sông êm đềm chẳng hạn) nhưng nói chung, sẽ có những nét tương đồng ở cấp độ cao nhất là cái toàn thể, làm người ta có thể hiểu nhau – hiểu về một biểu vật nhất định mà người sử dụng ngôn ngữ đang nói đến ấy. Đóng vai trò là chủ thể của thế giới – con người, với ý thức, tổ chức đời sống của chính mình, và trong cuộc sống đó, con người đồng thời cũng sống, suy nghĩ, giao tiếp trong thế giới ý niệm. Theo Trần Văn Cơ [9:128], mỗi ngôn ngữ sẽ chứa đựng trong nó “tính tinh thần”(mentality) tức sẽ bộc lộ trong nó những đặc điểm sắc tộc của người bản ngữ. Thông qua ngũ giác (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) cùng với hoạt động thực tiễn và tư duy – mà phần nhiều là duy cảm, con người tri giác các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan rồi lại tạo riêng cho mình “thế giới thứ hai” – bức tranh ngôn ngữ về thế giới: Một cách cảm về thế giới phần nhiều không được phân tích một cách chính xác khoa học, mà đôi khi mang tính “thơ ngộ” nhưng lại đi vào lời ăn tiếng nói và đi vào ngôn ngữ một cách chính thống nhất. Tỷ dụ như người Việt khen ai đó có phẩm chất tốt thì gọi là “tốt bụng” vì trong cảm thức của họ, “bụng” biểu trưng cho phẩm chất con người mà không hề có một cơ nguyên khoa học nào; cũng với cách như vậy, người Anh lại cho rằng người có phẩm chất tốt là “tim tốt” (good – hearted)… Và có thể, người Hà Lan, người Đức lại có một cách nghĩ khác nữa xoay quanh ý niệm “phẩm chất tốt”. Có thể thấy con người đã “cụ thể hóa” hay “vật thể hóa” những hiện tượng không thể “tai nghe mắt thấy” – những phạm trù siêu hình (không nhìn thấy) bằng những ngôn từ liên quan trực tiếp đến kinh nghiệm thực tiễn của họ (ở trường hợp trên là qua tri giác về bộ phận cơ thể người – bụng, tim). Quay lại “tính tinh thần” của hoạt động ngôn ngữ, có thể thấy rằng, sở dĩ tính tinh thần được mang lại trong ngôn ngữ là do con người đã miêu tả phỏng theo bức tranh thế giới khách quan bằng cách tri giác rất riêng theo từng vùng miền – quốc gia. Và những miêu tả mà gọi một cách “tri nhận học” là cách “ý niệm hóa” thế giới ấy, dĩ nhiên, cũng mang trong nó bản sắc riêng. Chính ý niệm – không gì khác hơn – là đơn vị cơ bản của tính tinh thần ấy. Trong một phạm vi nhất định, “ý niệm được đồng nhất với khái niệm (ý nghĩa phản ánh ở dạng khái quát các sự vật và hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng)” [38: 491], ví dụ người ta thường gọi Ẩn dụ ý niệm thay vì Ẩn dụ khái niệm, hoặc thuật ngữ concept trong tiếng Anh vẫn thường được dịch sang cả hai nghĩa song song là khái niệm và ý niệm (bên cạnh đó, theo chúng tôi thì nên phân biệt thành notion và concept). Tuy nhiên, nói “ý niệm hóa” thì nhất định, không thể thay bằng “khái niệm hóa”, vì thực chất, ý niệm bao hàm chứ không trùng khít với khái niệm về nghĩa. Nếu phân tích ngôn từ bằng việc phân tích thành tố – phân tích thuộc tính và mối quan hệ hay cơ cấu và chức năng, chúng ta sẽ có “khái niệm”, Trần Văn Cơ đưa ra khái niệm “nhà” trong từ điển: Nhà là công trình xây dựng có mái, có tường vách và để ở hay để dùng vào một việc nào đó[38:699], tuy nhiên, có những từ như “trạm”, “chuồng”…mang cả hai nét nghĩa đó nhưng lại không phải là “nhà”. Như vậy, phân tích từ góc độ khái niệm chưa làm rõ của những cung bậc khác nhau của từ. Và, phân tích ý niệm sẽ là sự phân tích toàn diện hơn, bởi nó bao gồm cả ba thành tố: khái niệm, cảm thức và văn hóa [9]. Nếu nói ý niệm “nhà”, một người có thể không định nghĩa chính xác “nhà là gì” – không nêu được khái niệm, nhưng ý niệm về nhà thì chắc chắn có – vì trong não chúng ta đã lưu giữ hình ảnh về “nhà”. Biểu vật (vật thật trong cuộc sống) và biểu niệm (vật trong não người) khắc dấu không như nhau. Và, với ngôn ngữ, trung tâm là nghĩa với khái niệm – cái biểu niệm. Trong khi với NNHTN lại là ý niệm. Ý niệm có thể biểu thị nhiều nghĩa khác nhau, ý niệm có thể là ngôn từ hoặc phi ngôn từ – tức khoảng trống ngôn ngữ. Ví dụ tiêu biểu là hiện tượng trái nghĩa – sẽ có những từ không tìm được cặp trái nghĩa chuẩn, như tính từ “chung chung” chúng ta không thể dùng từ “riêng riêng” – không thể gọi đúng từ trái nghĩa của khái niệm “riêng riêng” nhưng ý niệm thì rõ ràng có. Không ít những tình huống người ta chỉ có ý niệm mà không diễn đạt được thành lời, chỉ có “tiếng nói bên trong” mà không thể biểu đạt dưới dạng ngôn ngữ. Nếu gọi ý niệm là “đơn vị” – thành tố nhỏ nhất thuộc ý thức con người của toàn bộ bức tranh thế giới được phản ánh trong tâm lý thì tổng thể ý niệm sẽ chính là “hệ thống ý niệm”. Trong hệ thống ấy, sẽ có thể được phân xuất ra thành các mảng lớn – mà thành tố chính là các ý niệm cơ sở, ý niệm cơ sở như: Đối tượng và các bộ phận của đối tượng (Chẳng hạn ý niệm về con người và các bộ phận cơ thể con người). Vận động (chẳng hạn: đi, đứng, chạy, nhảy…) Hành động (chẳng hạn: quyết định, ra lệnh, cấm…) Thuộc tính (chẳng hạn: rắn, lỏng, mềm, cứng…) Không gian – thời gian (chẳng hạn: đó, đây, kia, nọ, bây giờ, sau này, mãi mãi…) Các mảng lớn trên, có khi còn bao gộp trong nó nhiều ý niệm có cùng gốc. Như đã nói trên, các ý niệm không tồn tại rời rạc trong tri nhận con người mà có mối liên hệ lẫn nhau. Giả dụ, khi nói đến ý niệm hành động “câu” thì chúng ta sẽ liên tưởng đến các ý niệm “cá”, “cần” (câu), “ao”, “sông”, ”suối”...theo hành động đó. Hoặc cũng có thể chúng ta sẽ liên tưởng đến những hoạt động cùng loại gần gũi với nó là “chài”, “đơm”, “lưới”…và các ý niệm này có thứ tự, thang bậc. Ở mỗi tầng bậc, chúng sẽ có một ý niệm đóng vai trò bao quát – cơ sở cho các ý niệm còn lại. Trong trường hợp đang xét, ý niệm bao quát sẽ là ý niệm “hoạt động đánh bắt đặc trưng của người ở nước”, và ý niệm này là “con” ý niệm lớn hơn: Miền đặc tính của nước và hoạt động đặc trưng ở nước (được chia thuộc trường ý niệm 6 trong mục 5.3 chương này gồm các hoạt động như: bơi, câu, chài, chèo,… ). Như vậy, một ý niệm sẽ trở thành MYN khi ý niệm đó bao quát hơn, chứa những ý niệm con (ít nhất là 2 ý niệm) trong nó. Dù có những khác biệt trong cách hiểu, khái niệm MYN có vai trò quan trọng đối với các tổ hợp từ đa nghĩa và ngữ cố định. Một từ có thể có nhiều nghĩa nhưng khi được phóng chiếu lên nhiều phạm trù khác nhau, chẳng hạn như: từ “thấp” trong tổ hợp từ “một ngôi nhà thấp”, “nhiệt độ thấp” và “cảm thấy thấp kém” có nghĩa nhưng do những từ này được phóng chiếu lên những MYN khác nhau lần lượt là: MYN không gian, MYN nhiệt độ và MYN tình cảm. Trong đó, MYN bao giờ cũng gắn liền với một chủ thể tri nhận và trong một ngôn ngữ nhất định. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, MYN không bất di ở các ý niệm, có nghĩa là, đôi khi sự phân chia các miền khác nhau chỉ mang tính tương đối chứ không là những lát cắt hiện thực rạch ròi. Tóm lại, có thể hiểu MYN là thuật ngữ dùng để gọi tên những ý niệm gắn kết với nhau, cung cấp chu cảnh để hiểu bất cứ ý niệm nào trong “miền” của nó. Theo chúng tôi, có thể hiểu MYN đơn giản bằng khái niệm sau: Miền ý niệm là một trường (field) tập hợp bao gồm các cách tri nhận liên quan với nhau về một hiện tượng hay lĩnh vực nhất định. Với tư cách là một hệ thống định danh, “sông nước” (waterways) là một MYN rộng lớn, bao hàm trong nó những “miền con” mà người viết sẽ phân tách thành 7 trường cơ bản ở phần tiếp sau. Có thể ở tri nhận mỗi người Việt không phân tách thành 7 trường với những tiêu chí mà chúng tôi sử dụng để phân chia; nhưng một điều chắc chắn rằng, sẽ luôn có những sự liên kết các ý niệm thành miền trong tri nhận của con người. Chúng tôi nhớ đến những câu đố “chơi chữ” mà các ngôn ngữ trên thế giới đều có thể đặt ra, một mẹo quan trọng của thuật chơi này là dựa vào sự liên tưởng miền của người tiếp nhận câu đố. Ví dụ có một câu chuyện đố vui trong tiếng Việt thế này: Hai anh cùng đua từ Xa lộ tới bờ một dòng sông, một anh chạy Cub50, một anh chạy chiếc Lead Honda; ai sẽ thắng? Dĩ nhiên mọi người nghĩ anh chạy Lead sẽ ưu thế và chiến thắng. Nhưng đáp án là: Cả hai đều “thắng”. Lý do: vì đã tới bờ sông, không “thắng” sao được? Câu đố dựa vào sự liên tưởng miền trong tri nhận để “đánh lạc hướng” người tiếp nhận; người ta sẽ tập trung vào những ý niệm thuộc “thắng – thua” tạm gọi là miền hiện tượng cạnh tranh mà không để ý tới miền nào khác; trong khi đó người đố lại tìm từ đồng nghĩa để cuối cùng sắp vào một miền khác tạm gọi là miền động tác hạn chế sự di chuyển. Như vậy, có thể thấy “miền” là một khái niệm không xa lạ, và thật chất MYN đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta xác định được “người khác đang nói đến điều gì?” Nói một cách gần gũi, chúng ta nghe hiểu một ngoại ngữ mà chưa thông thạo cũng sẽ dựa và “miền” để đoán biết ý tưởng của người nói. MYN tương ứng với các lĩnh vực trong giáo dục và đời sống. Sở dĩ chúng ta có thể hiểu được một bài giảng về Xác xuất thống kê chỉ khi nào cũng ta có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực này – tức có MYN về nó. Chúng ta tiếp nhận thông tin chính một cách trọn vẹn chỉ khi chúng ta hiểu đầy đủ những dữ liệu xung quanh thông tin ấy. Liên quan tới việc xác định MYN ở riêng lĩnh vực NNHTN, người ta thường nhắc đến Ẩn dụ và Hoán dụ tri nhận và việc xác định cấu trúc một hoán dụ/ẩn dụ, khám phá mối liên hệ của cấu trúc ẩn dụ này với cấu trúc của ẩn dụ khác dựa vào liên tưởng về MYN. Và đây chính là điều mà Ngôn ngữ học hiện nay đang đặc biệt quan tâm. 4.2. Miền ý niệm với việc hình thành ẩn dụ tri nhận 4.2.1. Ẩn dụ ý niệm và hiện tượng chiếu xạ nguồn và đích Ẩn dụ ý niệm là dạng ẩn dụ mang tính khái quát thuộc về hiểu biết, nhận thức chung của một cộng đồng người nhất định. Trong phạm vi chúng ta suy nghĩ và hành động, hệ thống khái niệm thông thường thực chất về cơ bản đã mang tính Ẩn dụ. Khái niệm Ẩn dụ ý niệm chỉ làm rõ thêm đặc tính ẩn dụ ấy ở những dạng cô đúc nhất của nó trong hệ thống đó. Ẩn dụ có mặt phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta. Bức tranh Tết Việt Nam “Tùng – Cúc – Trúc – Mai” gợi liên tưởng đến khí chất thanh cao của hiền nhân quân tử hay sự tuần hoàn bốn mùa của trời đất. Đó là một cách ẩn dụ trong nghệ thuật tạo hình tĩnh – với ẩn dụ ở việc bố cục, tạo hình dựng nên những hình ảnh cụ thể gợi liên tưởng đến những ý niệm trừu tượng. Ẩn dụ được sử dụng triệt để trong văn chương, thi ca, âm nhạc và cả trong ngôn ngữ chính luận,…Khả năng ngôn ngữ của một người được phản ánh nhiều trong cách mà họ dùng ẩn dụ. Chúng ta thử xét đoạn nhạc: “Bài ca dao mùa đông(…)bài ca dao thềm hoang(…)bài ca xiu xiu(…)bài ca dao ngả nghiêng…”(Ca dao đêm giáng sinh – Dương Thụ) cho thấy sự hoán đổi cảm nhận của tác giả vô cùng tinh tế về “bài ca dao” mà cơ sở chủ chốt là dựa vào sự chuyển đổi, sự linh hoạt liên tưởng, tìm được những tương đồng giữa ít nhất hai MYN khác biệt trong chính tư duy của tác giả. Aristote từ thế kỉ IV TCN (384 – 322) đã tìm ra bản chất của ẩn dụ: Ẩn dụ (metaphor) là sự chuyển đạt cho một vật cái tên để chỉ vật khác, cách chuyển đạt này có thể đi từ loại sang thể loại, từ thể loại sang loại, từ thể loại sang thể loại, hoặc theo mối tương quan tương đồng. Nói một cách dễ cảm thụ, ẩn dụ là biện pháp dùng tên gọi của đối tượng này làm tên gọi của đối tượng khác dựa trên sự liên tưởng về mối tương đồng (có tính chất hiện thực hoặc được tưởng tượng ra) giữa hai đối tượng về mặt nào đó (như màu sắc, tính chất, trạng thái,…). Mặc dù ẩn dụ dùng cái này để chỉ cái kia, nhưng “cái này” và “cái kia” thường là hai khái niệm khác biệt thuộc những loại khác nhau hay thuộc những MYN khác biệt. Trong ngôn ngữ học “cái này” là the topic và “cái kia” là the vehicle, “topic” là cái người ta muốn đề cập đến, tức là Đích (target), “vehicle” là cái dùng để chuyển tải ý muốn đề cập tức Nguồn (source). Cũng cần nói thêm, hoán dụ (metonymy) cũng dùng cái này để chỉ cái kia, nhưng topic và vehicle có liên quan đến nhau, hay nói một cách tri nhận luận là có cùng MYN. Có thể nói, Ẩn dụ tri nhận là loại ẩn dụ cũng lấy cơ sở từ việc dùng vehicle thay cho topic nhưng trên cơ sở tư duy lôgic mang tính phổ quát; nó không đơn giản làm đẹp ngôn từ mà con cho thấy sự tri nhận sự vật hiện tượng vô cùng đa dạng, phong phú; chúng ta đã quen với những cách nói: dòng sông hiền hòa, tâm hồn bay bổng, cuộc sống hiền hòa, lịch sử sang trang, thời gian trả lời…mà không hề xem nó chỉ là một kiểu ẩn dụ tu từ của một tác giả nhất định, bởi tính phổ quát trong tri nhận của nó, hay cũng có thể theo một cách khác, nó quen thuộc đến nỗi đi vào tri nhận của mỗi người chúng ta. Loại ẩn dụ này tạo nguồn cho hiện tượng đa nghĩa và đưa ẩn dụ không chỉ là vấn đề của phong cách học, của ngôn ngữ mà còn là vấn đề thuộc tư duy và lí luận. Ẩn dụ dưới ánh sáng NNHTN – đặc biệt là trong “Metaphor we live by” [70] đã chứng minh ẩn dụ không chỉ có thể dùng A nói B cho giàu hình tượng mà còn là cách nói phổ biến trong mọi ngôn ngữ. Bản thân thuật ngữ ẩn dụ ý niệm đã bao hàm việc ẩn dụ là nằm ngay trong chính tư duy của con người và biểu hiện lên bề mặt ngôn ngữ. Tư duy và sau đó là ngôn ngữ về cơ bản là các quá trình ẩn dụ gắn liền với kinh nghiệm cá nhân và các nền văn hóa. Một số lí thuyết thỏa đáng về hệ thống ý niệm của con người là phải giải thích được: các ý niệm căn cứ vào đâu – ý niệm có cấu trúc như thế nào – ý niệm được định nghĩa như thế nào. Vì các từ ngữ mang tính chất ẩn dụ gắn chặt với các khái niệm một cách hệ thống, nên chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ để nghiên cứu bản chất của các Ẩn dụ ý niệm và hiểu được bản chất ẩn dụ trong các hành động của chúng ta. Các khái niệm chi phối suy nghĩ chúng ta không chỉ là các vấn đề thuộc khả năng hiểu biết (trí tuệ) mà còn tác động đến họat động hằng ngày. Các khái niệm này phản ánh những gì mà chúng ta lĩnh hội được, cách thức mà chúng ta hiểu biết về thế giới và mối quan hệ của chúng ta trong xã hội. Do vậy, hệ thống khái niệm đóng vai trò trung tâm trong việc xác định các hiện tượng thực tế hằng ngày. Và như thế thì nếu chúng ta cho rằng hệ thống khái niệm chủ yếu mang tính ẩn dụ thì cách chúng ta nghĩ, những gì chúng ta thu nhận được và những hoạt động hằng ngày đều có liên quan đến ẩn dụ. Hệ thống khái niệm không phải dễ dàng nhận thức được. Một phương pháp hữu hiệu nhất để nhận ra khái niệm là tìm trong Ẩn dụ khái niệm – tức nhìn vào ngôn ngữ. Do ngôn ngữ là phương tiện mà ta sử dụng trong quá trình suy nghĩ và hành động, nên ngôn ngữ là nguồn minh họa quan trọng cho bản chất của hệ thống này. Thử xét khái niệm: “Cuộc đời” trong “Cuộc đời là bể khổ”, chúng ta đã hiểu “cuộc đời” ở dưới một hình thức của một sự vật khác, được tri nhận như một sự vật cụ thể mà “bể khổ” là gì thì mỗi người Việt cũng có thể cảm nhận được; và bản chất của Ẩn dụ tri nhận cũng là hiểu một điều gì đó dưới hình thức của một sự việc khác – nhưng nó nằm trong chính cách người ta nói ra và suy lí để dẫn đến câu nói ấy. Như vậy, khái niệm “cuộc đời” đã được hình thành mang tính ẩn dụ và kết quả là ngôn ngữ đa phần (nếu không nói là hoàn toàn theo nghĩa rộng nhất) cũng được hình thành cũng một cách ẩn dụ. Từ góc độ khác, ẩn dụ gắn liền với quá trình ngữ pháp, còn gọi là Ẩn dụ ngữ pháp. M.A.K.Halliday tuyên bố rằng Ngữ pháp chức năng là loại ngữ pháp được đặt trong hướng ngữ nghĩa học và cho rằng có hai loại Ẩn dụ ngữ pháp trong cú: Ẩn dụ thức (metaphor of mood) và Ẩn dụ chuyển tác (metaphor of transitivity), Ẩn dụ chuyển tác ứng với mô hình Ẩn dụ ý niệm – chuyển tác được hiểu là sự chuyển thái – chuyển nghĩa trong Ẩn dụ, và mô hình Ẩn dụ ý niệm có ba bước quan hệ hệ thống như sau: (1) Chọn lựa loại diễn trình: vật chất, tinh thần, quan hệ được thể hiện qua: (2) Sắp xếp các chức năng chuyển tác: Hành thể, đích thể, cảm thể, cách thể…biểu hiện quá trình, tham thể, thành phần chu cảnh; được thể hiện qua: (3) Trình tự các lớp cú đoạn – cụm từ: cụm động từ, cụm danh từ, cụm trạng từ, cú đọan và các tiểu cú khác. Khung lý thuyết này trả lời cho câu hỏi: “Nghĩa này được diễn đạt như thế nào?”. Tuy nhiên, thuật ngữ Ẩn dụ ngữ pháp thực ra chính là quá trình danh hóa và quá trình ngữ pháp hóa trong vận động diễn ngôn. Ẩn dụ hiểu theo NNHTN không chỉ là phần mở rộng về mặt ngữ nghĩa của một phạm trù này tách biệt với phạm trù khác trong những phạm vi hoạt động khác nhau, mà quan trọng hơn chính là sự kết nối và quan hệ giữa các phạm trù và hai phạm trù trong nó (ở ví dụ đề cập trên là “cuộc đời” và “bể khổ”). Quan điểm này cho thấy cấu trúc bằng phương pháp Ẩn dụ là cấu trúc của một mô hình tri nhận. Các nhà NNHTN cho rằng: đó là chuyển một sự sắp xếp cấu trúc của mô hình NGUỒN vào mô hình ĐÍCH. Và, như lôgic ban đầu thì Đích chính là “CUỘC ĐỜI” và Nguồn là “BỂ KHỔ”.Đấy cũng chính là cấu trúc của mô hình (cơ chế) tri nhận Ẩn dụ. Chúng ta thử khảo sát: Đích (target) Nguồn (source) THẾ GIỚI (là) CHỐN LƯU ĐÀY TÌNH YÊU (là) MẶT TRỜI CỦA SỰ SỐNG CÁI ĐẸP (là) LÀ VỊ KHÁCH ĐƯỢC MONG ĐỢI Đích (target) khá trừu tượng trong khi Nguồn (source) thì cụ thể hơn và có thể thấy chúng ta dựa vào mô hình cụ thể để khái niệm hóa những hiện tượng trừu tượng. Nói cách khác, tri nhận của chúng ta về mô hình của những phạm trù trừu tượng là dựa vào kinh nghiệm của chúng ta với mọi người, mọi vật thể hàng ngày, những hành động và những sự kiện. Chúng ta sẽ có những cách nói khác nhau để nói về thế giới, về tình yêu, về cái đẹp và chính các Nguồn được đưa ra phản ảnh được chúng ta nhìn về Đích như thế nào – và chính nó phản ánh cách tri nhận của chúng ta. Và Nguồn và Đích mà chúng ta đang nói đến, dĩ nhiên thuộc những MYN khác nhau. “Cuộc đời” thuộc MYN đời sống trong khi “bể khổ” thuộc MYN cảm xúc con người (mà nguồn gốc sâu xa là thuộc MYNSN). 4.2.2. Xác định miền ý niệm từ Ẩn dụ tri nhận Để hiểu MYNSN, chúng ta cần làm quen với cách hiểu ẩn dụ theo nghĩa “ẩn dụ tri nhận”, là khía cạnh ngữ nghĩa, hình thành từ sự cấu trúc kinh nghiệm theo một cách riêng. Ẩn dụ tri nhận nảy sinh do kết quả của việc làm biến chuyển khả năng kết hợp của những từ chỉ dấu hiệu khi làm thay đổi ý nghĩa của chúng từ cụ thể đến trừu tượng. Theo quan điểm của G.Lakoff và M.Johnson, ẩn dụ ý niệm là hiện tượng ý niệm hóa một MYN từ cấu trúc một MYN khác. Nói cách khác, ẩn dụ ý niệm chính là những chiếu xạ giữa các MYN. Cả hai MYN nguồn và MYN đích điều không tạo thành MYN tổ hợp cho những khái niệm có liên quan. Để hiểu rõ lý thuyết của G.Lakoff và M.Johnson về ẩn dụ ý niệm, chúng ta cần xác định rõ là những MYN nào tham gia vào quá trình hình thành ẩn dụ. Để mô tả chính xác ẩn dụ, cần tạo dựng sao cho hai MYN cơ bản là tương đương, ví dụ của hai ông đề xuất ẩn dụ “vật thể có nguồn gốc từ vật chất” (the object comes out of substance) để mô tả các ví dụ sau: You can make ice out of water by freezing it (Bạn có thể làm nước đá bằng cách cho nước đóng băng). I made a paper airplane out of a sheet of newspaper (Tôi gấp một chiếc máy bay bằng tờ báo). Với ẩn dụ “vật thể có nguồn gốc từ vật chất” chúng ta ý niệm hóa sự thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác có hình dạng và chức năng mới. Phương tiện biểu đạt ẩn dụ trực tiếp trong trường hợp này là giới từ “out of”, MYN nền trong ẩn dụ này là sự sáng tạo (the creation). Nghĩa tường minh của nó lấy chuyển động làm MYN nền, vì vậy, ẩn dụ này có thể phát biểu thành “Sáng tạo là hoạt động” (The creation is a motion), cả hai MYN trừu tượng này đều có nhiều MYN khác làm nền (ví dụ: chuyển động có liên quan đến thời gian, sự thay đổi và nơi chốn). Ví dụ: Đây là quan hệ bệnh hoạn. Đây là cuộc hôn nhân lành mạnh. Hôn nhân với họ đã chết. Chúng tôi đã trở lại như xưa. Hôn nhân của họ qúa mệt mỏi. Hôn nhân của họ đang suy sụp. Các ẩn dụ ý niệm này có thể đặt tên thành “Tình yêu là một trạng thái của cơ thể” – MYN trạng thái cơ thể. MYN cuộc đời lại là MYN liên quan đến cơ thể sống và cơ thể sống lại là nền cho trạng thái cơ thể. Và, vẫn có thể nói “tình yêu là cuộc sống” dựa vào các ẩn dụ sau: Tính ích kỷ có thể giết chết tình yêu. Sau hôn nhân, tình yêu có thể thêm sinh khí mới. Nói về miền về con người và đặc điểm tính cách, thành ngữ tiếng Việt cũng có ý niệm về cái đầu dùng chỉ bản chất con người, ví dụ: Bạc đầu trắng răng Đầu trâu mặt ngựa Đối với MYNSN, mối quan hệ giữa ý niệm và MYN chúng tôi cụ thể hóa thông qua ví như sau: Ý niệm, tức hình (profile) và MYN, tức nền (base) có mối liên hệ chặt chẽ, ý niệm “ao”, “hồ”, “sông”, “suối”…chỉ có thể định nghĩa trong một MYN nền nhất định; nền ở đây là Trường ý niệm 2: Miền vật chứa nước và các yếu tố bộ phận liên quan tới vật chứa (ao, bầu, bể, bến, biển, bờ, bùn, cảng, chậu…). Một nền nhất định có thể đóng vai trò làm nền cho nhiều hình trong một lúc. Ví dụ nền “Miền vật chứa nước và các yếu tố bộ phận liên quan tới vật chứa ” (Trường ý niệm 2) sẽ đóng vai trò làm nền cho các ý niệm khác nhau như “ao”, “đầm”, “sông”… Và đấy chính là đặc điểm làm cho nền trở thành MYN. Như đã đề cập trên khi tìm hiểu MYN, có thể coi rằng: MYN là một cấu trúc ngữ nghĩa đóng vai trò làm nền – khung cho ít nhất một ý niệm (hình) [59]. Một ý niệm có thể đóng vai trò làm MYN nếu nó là cơ sở cho một ý niệm bậc thấp hơn nó. Và, sẽ có những ý niệm đóng vai trò là MYN cơ bản nếu nó là một ý niệm không thể định nghĩa được bằng cách xác định những ý niệm cơ bản khác làm nền cho nó. Và MYN không gian là một hiện tượng điển hình. Những loại MYN còn lại được xem là MYN trừu tượng; là MYN vẫn còn hàm chứa MYN bao hàm nó. MYNSN là một miền tiệm cận với MYN cơ bản bởi trước nó chỉ có thể xác định được Miền địa hình mà thôi. Ẩn dụ ý niệm là hiện tượng ý niệm hóa một MYN từ cấu trúc của một MYN khác – là hiện tượng “chiếu xạ” theo cách dùng của Nguyễn Ngọc Vũ [59] (có người còn dùng là ánh xạ, bởi khái niệm “ánh xạ” biểu diễn một tương quan (quan hệ) giữa các phần tử của hai tập hợp X và Y thoả mãn điều kiện: mỗi phần tử x của tập X đều có một và chỉ một phần tử tương ứng với nó) giữa các MYN nhưng sự chiếu xạ này không tạo nên MYN tổ hợp, tức không liên kết để tạo MYN kế theo. Khi nói “Tôi đi bơi ở Nha Trang” hay “Tôi đang bơi trong cuộc đời” thì “bơi” ở câu thứ hai là đích, được ánh xạ từ miền nguồn ở câu thứ nhất, MYN hoạt động đặc trưng của người trong nước và MYN hoạt động của con người trong đời sống đã được quy chiếu, chuyển hóa từ hoạt động trong nước sang hoạt động trong cuộc đời được ý niệm hóa theo kiểu có cấu trúc tương tự với hoạt động thông qua cách dùng động từ “bơi”(swim). Và đây chính là một cách Ẩn dụ ý niệm của người Việt. Cũng cần phân biệt, ở tiếng Anh bơi với nghĩa hai sẽ gọi là struggle, cũng là Ẩn dụ ý niệm với nguồn mang nghĩa là vật lộn, như vậy từ “swim” không dùng làm Ẩn dụ ý niệm như tiếng Việt – dù vật lộn cũng là một từ có thể họat động trong MYN các hoạt động trong đời sống của người Việt như không phải chiếu xạ từ MYN các hoạt động đặc trưng trong nước với nền lớn hơn là MYNSN. Chúng ta có các cách sử dụng từ như sau: a. Tôi đang bơi trong công việc. b. Nó đang cày để kiếm tiền lấy vợ. c. Cô ta chìm trong đáy đau khổ. d. Anh ấy đang chài cô bé. e. Anh ta lặn lội đến thăm cô. f. “Của chìm của nổi” đầy nhà. g. Một mình vừa chống vừa chèo Không ai tát nước đỡ nghèo một khi. Các từ in đậm trên các ví dụ trên nằm trong MYN các hoạt động đặc trưng trong nước của con người – Hoạt động của con người là họat động đặc trưng của chính họ ở môi trường sông nước. Tuy nhiên, có thể thấy cùng một MYN nguồn có thể ánh xạ lên những MYN khác nhau. Chẳng hạn khi nói “Cá bơi”, hay “chó tắm” thì “bơi”, “tắm” là hoạt động của vật trong MYN các hoạt động của vật trong nước, MYN nguồn của nó cũng chính là “các hoạt động đặc trưng trong nước của con người”. Hay, những MYN sẽ được phân tách, nhỏ nhất là đến khi nào nó chỉ còn chứa một ý niệm mà thôi. Các ví dụ vừa nêu cho thấy được MYN đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta xác định được cấu trúc của một ẩn dụ và nắm được mối liên hệ giữa các cấu trúc ẩn dụ. Từ tập hợp cứ liệu về ẩn dụ tri nhận chúng ta có thể phân ra thành những hệ thống nhất định dựa trên sự xác lập miền cho nó. Và, MYNSN cũng đã là một miền đã được xác lập dựa trên những cứ liệu thuộc Ẩn dụ tri nhận mà phần phụ lục sẽ miêu tả cặn kẽ. Phân tích ví dụ “Nó đang cày để kiếm tiền lấy vợ” để thấy rằng MYN nguồn đã được chiếu xạ như sau: MYN nguồn thuộc các hoạt động mà con người thực hiện trong môi trường nước – trong hoạt động với vùng sông nước, con người “cày”, một công việc cực nhọc nhằm lật, xới đất để trồng trọt. Trong công việc làm cũng vậy, để cố gắng kiếm tiền chu cấp nhu cầu sống, con người phải làm lụng vất vả, trầy trật và căng sức…Thông qua mối liên hệ như vậy giữa hai miền thu nhỏ – MYN công việc đồng án (MYN nguồn) và MYN việc làm nói chung (MYN đích) chúng ta có thể xác định được ý niệm Nguồn và suy ra ý niệm Đích. Tìm hiểu ý niệm trong MYNSN chính là tìm hiểu mối liên hệ này – xác định được miền căn cứ – miền nguồn (miền nguồn lớn nhất đang đề cập trong luận văn là MYNSN với 7 miền con sẽ được đề cập đến ở mục sau, và trong 7 miền đích được chia ấy, sẽ có rất nhiều những ánh xạ từ Ẩn dụ tri nhận mà chúng ta sẽ làm rõ ở chương 2). Từ đó hiểu được sự “tri nhận” của từ được sử dụng. Muốn xác định được Ẩn dụ ý niệm thì chúng ta phải xác định được hai MYN nguồn và đích chứa Ẩn dụ ý niệm để biết miền nào đã được thay thế và thay thế như thế nào. Với hoán dụ, MYN lại mang một vai trò khác, Hoán dụ tri nhận không xét trong nhiều miền khác nhau mà chiếu xạ trong chính một MYN. Những câu nói không ẩn dụ nhưng lại không thuần mang nghĩa tường minh như: Mắt nâu cười với tôi – mắt nâu chỉ toàn thể một con người, hay: Nhìn sông nước miền Tây cảm được cuộc sống hài hòa của người dân vùng bản địa thì sông nước thuộc MYN cảnh thiên nhiên. Và, sông nước lẫn cảnh thiên nhiên tạo nên một miền tổ hợp, cộng hưởng duy nhất, nó là một dạng Hoán dụ ý niệm mà chúng tôi không cố phân biệt rạch ròi với ẩn dụ ý niệm. Mối liên hệ giữa ao, bầu, bể, sông, suối…đều nằm trong một trường ý niệm – một miền “Vật chứa nước và các bộ phận liên quan tới vật chứa”. Sự gần gũi giữa những thành tố này cho phép chúng tổ hợp lại với nhau để tạo nên miền tổ hợp – MYN tổ hợp. Tuy nhiên, những sự phân xuất này cũng chỉ mang tính tương đối. Vì nếu chia theo một tiêu chí khác, những thành tố trong MYN tổ hợp này nhiều khi lại thuộc các MYN khác nhau… Theo hướng tri nhận, những từ ngữ mang yếu tố sông nước trong từ vựng, trong các cách sử dụng từ ở nhiều dạng khác nhau được ẩn dụ hoặc hoán dụ có mối liên hệ với hoạt động tư duy nên nghĩa của chúng có thể suy được thông qua các cơ chế tri nhận của hoạt động ý niệm hóa. Trong khi đó, chính hoạt động ý niệm hóa làm kinh nghiệm thực tiễn và nhận thức về thế giới xung quanh của con người chuyển hóa thành các ý niệm. MYN chính là nền tảng giúp chúng ta xác định cấu trúc của ẩn dụ và hoán dụ ý niệm. Nếu xem tổng các ý niệm có trong não người gọi là hệ thống ý niệm [9:140] thì phân cấp dưới nó sẽ là MYN rồi sau đó ý niệm chính là đơn vị cơ sở, chúng tôi hình dung như sau: Hệ thống ý niệm tri nhận MYN tri nhận Ý niệm Như vậy, với chúng tôi MYN là một thành phần trung gian giữa ý niệm với hệ thống ý niệm. MYN, do đó, đóng vai trò quan trọng trong việc ý niệm hóa các khái niệm mà cụ thể là làm nền để xác lập mối tương quan tạo ra Ẩn dụ ý niệm. Sự phân cắt MYN tạo điều kiện thuận lợi để đi sâu vào việc khảo sát các ý niệm cơ sở một cách rõ ràng và mang tính khái quát. MYNSN là một miền rộng lớn được phân xuất thành nhiều miền nhỏ hơn, trong đó chứa các ý niệm liên quan trực tiếp đến “sông nước” mà chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ở những mục tiếp sau. 4.3. Những miền ý niệm cơ bản về sông nước trong vốn từ tiếng Việt Trường ý niệm 1: Miền các dạng nước (1 ý niệm – MYN) Do “nước” là một hiện tượng nghĩa phong phú và đặc trưng trong tiếng Việt như đã trình bày trên; do đó chúng tôi mạnh dạn phân tách khái niệm “nước” như một MYN với những miền nhỏ cơ bản sau: Nước trong tự nhiên. Nước trong sử dụng. Nước trong cơ thể. Trường ý niệm 2: Miền vật chứa nước và các yếu tố bộ phận liên quan tới vật chứa (38 ý niệm) Ao Bàu Bể Bến Biển Bờ Bùn Cảng Chậu Chuôm Chum Cửa Dòng Dược Đầm Điền Đồng Gáo Gàu Ghềnh/ gành Giang Hà Sông Giếng Hải Hồ Kênh Lạch Mạch Ngòi Rạch Rãnh Ruộng Suối Sướng Thác Vũng Vực Trường ý niệm 3: Miền loài vật đặc trưng sống ở nước (18 ý niệm) Bèo Cá Cò Cóc Cua Dã tràng Đỉa Ếch Nhái Lục bình Lúa Lươn Mắm Ốc Rươi Tép Tôm Sen Trường ý niệm 4: Miền công cụ đánh bắt (10 ý niệm) Câu Chài Đăng Đó Hom Lờ Lưới Mồi Nơm Vó Trường ý niệm 5: Miền phương tiện di chuyển và các bộ phận của phương tiện (13 ý niệm) Bách Bè Buồm Cảng Cầu Chèo Đò Ghe Lái Neo Sào Tàu Thuyền Trường ý niệm 6: Miền đặc tính của nước và vận động liên quan đến nước (21 ý niệm) Bão Bồi Cạn Chảy Đọng Đục Lắng Lềnh bềnh/lềnh phềnh Lênh đênh/linh đinh Lũ Lụt Mưa Ngập Róc rách Ròng Sóng Tăm Tràn Trong Tù Ướt Trường ý niệm 7: Miền hoạt động đặc trưng của người (vật) ở nước (20 ý niệm) Bơi Câu Chài Chèo Chìm Dầm Đơm Lặn Lội Lóng Lưới Múc Ngâm Ngụp Nổi Rửa Tát Tắm Trôi Trầm Với sưu tập của chúng tôi, trong 121 đơn vị từ thuộc MYNSN thì: - Có 9/121 là từ Hán Việt: cảng, điền, hà, hải, hồ, giang, thuyền, thủy, trầm và còn lại 112/121 từ thuần Việt hoặc từ đã được Việt hóa hoàn toàn từ Hán Việt. Cho thấy MYNSN tồn tại đặc tính dân tộc, sâu sắc và bền vững trong ngôn ngữ tiếng Việt vượt bậc so với dấu tích vay mượn tiếng Hán. - Có 81/121 từ có đồng âm. - Có 40/121 từ ngữ sông nước không có đồng âm. Trong đó có 35 đơn âm: bờ, bùn, buồm, cạn, chậu, chảy, chìm, chum, chuôm, đỉa, đò, đọng, ếch, giếng, kênh, lắng, lúa, lưới, lươn, mưa, múc, ngập, ngụp, nổi, rãnh, rửa, rươi, ruộng, sóng, sông, suối, tắm, trôi, vũng, ướt và 5 từ song âm: dã tràng, lục bình, lênh đênh (linh đinh), lềnh bềnh (lềnh phềnh), róc rách. Nghĩa là, trong bất cứ kết hợp nào, 40/121 từ này cũng được hiểu trong giới hạn MYNSN mà không cần phải truy xét vì không có hiện tượng đồng âm nào khác; khi phát âm một trong 40 từ này thì trong não người Việt có chung ý niệm về miền sông nước hoặc liên quan đến sông nước. Trong 121 ý niệm nêu trên, chúng tôi không cố gắng thu gom hết tất cả ý niệm về sông nước mà chỉ nêu lên những ý niệm tiêu biểu và các ý niệm này chúng tôi có miêu tả ở mục 1 chương hai. Mục đích của chúng tôi trong việc xác lập 121 ý niệm trên là nhằm bao quát một cách súc tích MYNSN (và MYN liên quan đến sông nước). Vậy nên, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thêm một số ý niệm khác thuộc MYNSN trong những phần phân tích tiếp sau để không làm cản trở tính phong phú, đa dạng của các ý niệm về sông nước. 5. Tiểu kết Ngược lên trên, luận văn đã trình bày bộ khung lý luận của ngôn ngữ học liên quan đến đề tài. Đây là những tri thức quan yếu mà khi đề cập đến MYNSN không thể không nhắc đến. Và, xuất phát từ các tri thức này, chúng tôi sẽ tập trung vào miêu tả 7 trường ý niệm cụ thể và hàng lọat ẩn dụ – hoán dụ ý niệm ở chương tiếp theo. CHƯƠNG 2 PHÂN LOẠI – MÔ TẢ MIỀN Ý NIỆM SÔNG NƯỚC VÀ MIỀN Ý NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN SÔNG NƯỚC Ở phần phân tích này, chúng tôi chỉ rõ nguồn gốc “sông nước” trong ngôn ngữ tiếng Việt thông qua các định danh trong từ vựng, bên cạnh đó là mô tả, biện giải “sông nước” đã đi vào hoạt động giao tiếp người Việt như thế nào. Trên bình diện tri nhận, MYNSN và MYN liên quan đến sông nước được chúng tôi phân thành hai lĩnh vực để nghiên cứu: Ẩn dụ tri nhận trong từ ngữ định danh và Ẩn dụ tri nhận trong thành ngữ, tục ngữ (ngoài ra còn có một số ca dao tiêu biểu) và lời nói. Căn cứ vào chức năng tri nhận, ẩn dụ chia thành hai loại: Loại cơ sở và loại thứ yếu. Khác với loại thứ yếu, những ẩn dụ cơ sở quy định phương thức tư duy về thế giới (bức tranh thế giới) hoặc những bình diện nền tảng của nó. [9:293]. Theo nhận thức của chúng tôi, những ẩn dụ cơ sở là loại ẩn dụ dùng định danh được cố định về nghĩa, những quy định về miền Nguồn và Đích đã được hiển nhiên công nhận và đã đi vào từ điển (như kiểu “sở khanh” – tên một nhân vật trong truyền Kiều của Nguyễn Du được dùng để chỉ loại đàn ông chuyên lừa tình). Với MYNSN, những từ “lặn lội”, “trôi nổi”, “chìm đắm”, “chìm nổi” đã thật sự được biểu trưng cho những MYN không thuộc sông nước trong từ điển. (Tuy nhiên, ví như từ “mênh mông” chỉ sự rộng lớn nói chung; nếu xét nó thuộc MYNSN thì rõ ràng đây là nghĩa đã chuyển – tức đã là ẩn dụ, song, không có những cứ liệu chính xác để khẳng định điều này, vì vậy, chúng ta không thể phân tích nó theo hướng Ẩn dụ tri nhận). Ẩn dụ thứ yếu là những quy định về miền Nguồn và Đích chưa thành văn, chưa thật phổ biến. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý niệm tiềm năng để có thể trở thành Ẩn dụ cơ sở như “lênh đênh”, “lềnh bềnh” vốn chỉ trạng thái, hoạt động của vật ở nước nhưng dần cũng đã được ám chỉ để nói về chính đời sống con người. Nói ngắn gọn lại, có hai tiểu hệ thống định danh sông nước tùy vào nghĩa biểu trưng của nó: loại (i) tĩnh, tồn tại ổn định trong vốn từ tiếng Việt, loại (ii) động, tồn tại dưới các hình thức tri nhận khác nhau. Nói khác, (i) có tính chất mô tả, gọi tên sự vật hiện tượng cho nên chúng có thể xuất hiện dưới dạng các từ hoặc cụm từ thông dụng trong khi loại (ii) chưa phải là từ với nghĩa ổn định. Do đó, chúng tôi tạm chia thành: những từ ngữ sông nước mang tính định danh đã có trong từ điển và những từ ngữ sông nước thuộc ẩn dụ tri nhận trong hoạt động ngôn ngữ. Sự phân biệt này thực chất không rạch ròi mà có những sự giao thoa, bởi có rất nhiều trường hợp từ ngữ thuộc MYNSN vừa cố định trong từ điển với nghĩa chuyển là hiện tượng chiếu xạ ý niệm đã được đi vào từ vựng vừa tiếp tục có đời sống riêng của nó trong hoạt động ngôn ngữ. Để tránh sự phân tích, mô tả rườm rà thiếu cần thiết, chúng tôi chỉ khảo sát chi tiết trường ý niệm 1, 2 và 3 gồm 57 ý niệm với mục đích làm rõ vai trò và vị trí của MYNSN trong ngôn ngữ tiếng Việt. 64/121 ý niệm còn lại chúng tôi chỉ tập trung vào những ý niệm nào có tính biểu trưng cao, tức sự ẩn dụ hóa diễn ra rõ rệt nhằm nhấn mạnh đến sự tri nhận đặc trưng của người Việt trong quá trình sử dụng các ý niệm thuộc MYNSN. Và, đây cũng là mục tiêu lớn nhất, xuyên suốt của luận văn. Như vậy, bên cạnh việc làm rõ MYNSN ở 7 Trường ý niệm, chúng tôi sẽ phân tích Ẩn dụ tri nhận trong mỗi mục từ định danh của Trường ý niệm 1, 2, 3 và một số ý niệm ở Trường ý niệm 4, 5, 6, 7; bên cạnh đó, chúng tôi còn xác lập những kết hợp mới có nguồn gốc sông nước vào vốn từ vựng. 1. Định danh thuộc miền ý niệm sông nước trong từ vựng tiếng Việt Chúng tôi quan niệm từ vựng như một hệ thống của những đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định với chức năng là định danh. Và, từ vựng là những đơn vị ngôn ngữ đã đi vào từ điển tiếng Việt, song cũng có một số trường hợp chưa cập nhật vào từ điển nhưng đã được tri nhận một cách phổ biến trong tư duy ngôn ngữ người Việt. Dấu ấn sông nước về mặt từ vựng ngoài những từ ngữ thuộc địa danh như đã nhắc đến nhiều lần ở những phần trước, tiếng Việt còn có vô số những kết hợp lấy nguồn chính từ sông nước. Từ “làng nước” để chỉ những người cùng làng, từ “làng” cũng gắn với “những dải nước lớn”, mà ngày xưa gọi là “lang” và sau này khi tiếng Việt đã có thanh điệu, cơ sở quần cư ấy được gọi là “làng”. Khi xâm lược nước ta, người Hán gọi dải nước rộng lớn, chạy dài suốt từ Yên Lãng, Đông Anh lên Từ Sơn... là Lãng Bạc. Theo mặt chữ, lãng là sóng, bạc là hồ nước lớn xung quanh có núi. Chữ “lãng” ở đây dùng để phiên âm từ “láng” mà người Việt Nam dùng để gọi dải nước này. Từ “láng” có nghĩa là đầm, đìa; thế nên mới có những đại danh: Láng Le, Láng Thé, Láng Cò, Láng Thờ...Từ "láng" ở vùng Bình Dương – Đông Nam bộ, còn dùng để hỏi: "Nhà ở láng nào?" – Tức nhà ở khu vực nào?". Như vậy có nghĩa là, đầm đìa đã chi phối đến ý niệm về nơi ở của người Việt. Đây chỉ là một trong những ví dụ nhỏ cho thấy “sông nước” chi phối tư duy ngôn ngữ của người Việt. Ẩn dụ tri nhận thuộc từ định danh (từ định danh theo quan niệm của chúng tôi không bao hàm thành – tục ngữ mà phần phụ lục cũng có đề cập) của MYN sông nước thực sự đã đi vào từ điển một cách phổ biến. Trong MYNSN chúng ta khảo sát phần nhiều tồn tại dạng đồng âm (những nghĩa không thuộc sông nước không được đề cập) và dựa vào từ điển để xác định các đồng âm này. Tuy nhiên, khi khảo sát dạng đồng âm, chúng tôi không hoàn tòan dựa vào từ điển mà có sự cân nhắc và quy nhóm trên cơ sở lý thuyết đã đề cập; ví dụ rõ nhất là ở từ “nước”: Chúng tôi không tuân theo sự định nghĩa của từ điển phân loại “nước” là từ đồng âm không cùng gốc (với 3 dạng chính) vì chúng tôi cho đây là đồng âm cùng gốc. Bên cạnh đó, khi liệt kê để nhận diện các ý niệm thuộc MYNSN, chúng tôi dừng lại phân tích ẩn dụ tri nhận sông nước liên quan đến ý niệm đang xét và tình hình sử dụng những từ ngữ đó trong thực tiễn. Một số kết hợp định tính chúng tôi đưa thêm vào (không có trong từ điển) nhằm khẳng định sự mở rộng từ mang ý niệm sông nước đang ngày càng phát triển trong vốn từ dân tộc. Khi khảo sát MYNSN, chúng tôi tạm thời quy định nó ở những trường nhỏ như đã trình bày trên và mô tả các từ ngữ thuộc miền đó có chú thích tiếng Anh, có cả những ý niệm ít thấy Ẩn dụ tri nhận (dù NNHTN hướng đến chính là các ẩn dụ và hoán dụ tri nhận) để khẳng định ý niệm về sông nước cũng như MYN về nó đã định hình vững chắc trong tư duy ngôn ngữ người Việt. 1.1. Trường ý niệm 1: Các dạng nước “Nước” là từ thuần Việt và là một hiện tượng nghĩa phong phú. Từ “nước” có tính độc lập cao, kết hợp được với tính từ, động từ, danh từ theo những trật tự khác nhau. So với tiếng Anh, tiếng Việt có nhiều cụm từ chứa yếu tố nước, sông (water, river) hơn. “Nước” không hoàn toàn trùng nghĩa với chữ “thủy” trong tiếng Hán Việt. Theo tự điển Hán Việt của Thiều Chửu [7:166,298] âm “thủy” có hai dạng đồng âm khác gốc, dạng 1 có nghĩa là mới, trước trong kết hợp khởi thủy, thủy nguyên; dạng 2 đa nghĩa với nghĩa gốc là “nước” và 3 phái sinh nghĩa, phái sinh gần nhất là từ gọi chung cho “cái gì bởi nước mà thành” như sông, ngòi, khe, suối…Như vậy, “nước” và “thủy” trùng khớp nhau về nghĩa gốc, nhưng phái sinh có khác biệt – “thủy” chỉ hiện thực khái quát hơn và không phân cắt hiện thực chi tiết như trường hợp từ “nước” thuần Việt mà chúng ta sẽ khảo sát cụ thể dưới đây. Theo từ điển tiếng Việt [38] thì “nước” có 3 dạng đồng âm không cùng gốc và trong đó, nước1 thuộc MYN ta đang xét và là từ đa nghĩa: Nước 1 có các nghĩa: 1. (water) Chất lỏng không màu, không mùi và trong suốt khi là nguyên chất, tồn tại trong tự nhiên ở sông hồ, biển…Ví dụ: nước ngầm, nước lũ, nước thủy triều, nước giếng… 2. (liquid) Chất lỏng nói chung. Ví dụ: nước chấm, nước chè, nước chín, nước cốt, nước dãi, nước dùng, nước đá, nước đái, nước độc, nước gạo, nước giải… 3. (concoction) Lần, lượt sử dụng nước, thường là đun sôi, cho một tác dụng nào đó. Ví dụ: pha chè nước thứ hai, thang thuốc Đông y sắc ba nước, rau rửa mấy nước mới sạch… 4. (coat/ layer) Lớp quét, phủ bên ngoài cho bền đẹp. Ví dụ: quét hai nước vôi., nước mạ rất bền, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nước da… 5. (polish) (kết hợp hạn chế) Vẻ ánh, bóng tự nhiên của một số vật tương tự như có một lớp chất mỏng phản chiếu ánh sáng nào đó phủ bên ngoài. Ví dụ: nước ngọc, gỗ lên nước bóng loáng… Nước2 (country) có 1 nghĩa: Vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng nhau chung sống dưới một chế độ chính trị – xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định. Ví dụ: Nước Việt Nam, các nước láng giềng, nước chậm phát triển… Nước 3 có năm nghĩa: 1. (pace) (kết hợp hạn chế) Bước đi, về mặt nhanh chậm (ngựa): Ngựa chạy đang được nước. Ví dụ: phi nước đại, nước kiệu, nước đại,… 2. (move/play) Bước đi của quân cờ, về mặt ảnh hưởng đến thế cờ. Ví dụ: nước cờ cao, mách nước, chơi cờ sáng nước. 3. (fix/straits) Cách hành động, hoạt động để tác động đến tình hình, thoát khỏi thế bí hoặc tạo ra thế thuận lợi. Ví dụ: bị bao vây, chỉ còn nước ra đầu thú; (tính) hết nước; nước đôi… 4. (tiếng anh?) (khẩu ngữ) Thế hơn kém, chịu lép vế. Ví dụ: Đến nước cùng rồi; Được nước, càng làm già; Nó thì nước gì! 5. (tiếng anh?) (khẩu ngữ) Mức độ khó có thể chịu đựng. Ví dụ: Độc ác đến nước ấy là cùng; Đã đến nước này thì không còn có thể chối được… Tuy nhiên, như có đề cập trước đó; chúng tôi không xem “nước” là một dạng đồng âm khác gốc. Với chúng tôi, nghĩa “nước” đầu tiên trong tiếng Việt là “nước” đã được định nghĩa ban đầu: “Chất lỏng không màu, không mùi và trong suốt khi là nguyên chất, tồn tại trong tự nhiên …” và các nghĩa khác của từ “nước” đều được xem là nghĩa phái sinh từ nghĩa này. Với nước1 và nước2; chúng tôi nhận thấy có mối quan hệ đặc biệt, khái niệm “nước” nguyên gốc thuộc lớp từ biểu thị sự vật hiện tượng thế giới tự nhiên xung quanh con người đã chuyển di thành lớp từ biểu thị sự vật hiện tượng, khái niệm thuộc về xã hội/tổ chức xã hội của con người. Và, đây cũng là phương cách thường thấy ở nhiều ngôn ngữ khác. Cơ sở gần nhất là những khảo sát về các kết hợp “nước” trong những ngôn ngữ tồn tại cùng quốc gia Việt Nam: Ở vùng Tây Nguyên (tỉnh) Đăk Lăk tiếng Êđê chính là “nước hồ”(Đăk = nước; Lăk = hồ); theo đó có các huyện Đắk Glei, Đắk Hà, Đắk Tô,…; tỉnh KonTum tiếng Bana chính là “làng hồ” (Kon = làng, Tum = hồ), theo đó có các huyện Kon Plông , Kon Rẫy… Ra ngoài quốc gia Việt Nam, ngôn ngữ thuộc vùng Đông Nam Á, tiếng Indonesia lãnh thổ của quốc gia cũng được định danh bằng từ “đất” (tanah), tiếng Campuchia quốc gia là “tức đây” (“tức” là nước; “đây” là đất). Xa hơn, một số nước phương Tây cũng có tên gọi gắn với “đất” (land) – Tô Cách Lan (Scotland) là “đất của những người nói tiếng Gaelic”, Phần Lan (Finland) là “đất của những người nói tiếng Finnic”, Hà Lan (Holland) là “vùng đất cây cối rậm rạp” và cũng là “những vùng đất thấp” (Netherlands), Ba Lan (Poland) là “đất của dân tộc Poles”… Như vậy, rõ ràng có cơ sở để khẳng định nước1 và nước2 có cùng gốc. Người Việt cũng có thể gọi lãnh thổ mình là đất Việt hoặc nước Việt Nam (dân tộc Việt ở phía Nam) hoặc đất nước Việt Nam. Trong sách Thủy kinh chú (soạn từ năm 515 – 526, các bảng khảo cứu của Dương Thủ Kính: 1904) của người Trung Quốc có ghi chép về các sông ở miền Nam Trung Quốc trong đó có quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam đời Hán thì thấy vùng đất nước ta hiện nay toàn là sông ngòi đầm hồ tràn ngập nước (Việt Nam hiện có khoảng 2360 sông ngòi và 175 cửa sông). “Nước” còn gắn với huyền sử Mẹ Âu Cơ sinh được trăm con, năm mươi xuống biển – xuống nước năm mươi lên non – lên rừng núi gắn với đất, đất nước cũng chính là quốc gia. Một cơ sở nữa khẳng định nước1 và nước2 của tiếng Việt không là đồng âm ngẫu nhiên mà vốn có mối liên hệ văn hóa – ngôn ngữ đặc thù. Đó là quan niệm của người Việt về nơi cư trú: lãnh địa sinh sống đầu tiên phải là vùng có nước – nơi có nguồn nước dồi dào rồi sau đó mới là ý niệm về vùng đất. Thực tế, người Việt đi đến đâu cung để tâm tìm mạch nước, nguồn nước nơi mình cư trú. Liên quan đến nước là chuyện sông nước cùng với hàng loạt các lối nói ẩn dụ, các thành ngữ về nước, sông nước trong tiếng Việt, chẳng hạn đến nơi xa lạ, người Việt có thành ngữ “Lạ nước, lạ cái”, “Hợp nước, hợp cái”, “Ăn phải cái nước vùng này”…Khái niệm “đất nước” có thể là khái niệm có sau từ nước2 và có ý nghĩa khái quát hơn, biểu cảm hơn khi ý thức về tổ quốc – dân tộc đã rõ rệt hơn trong nhận thức của người Việt. Ở Dạng 1 (water): Với nghĩa thứ nhất, tiếng Việt hầu như giống với nhiều ngôn ngữ trên thế giới với cấu trúc biểu niệm gồm ba nét nghĩa: Dạng vật chất: lỏng. Đặc tính: không màu, không mùi và trong suốt khi là nguyên chất. Vị trí phân bổ: trong môi trường tự nhiên ở sông, hồ, biển… Từ đây có thể xây dựng một lớp từ vựng riêng về các từ nước theo phương thức ghép từ phân nghĩa: (i) Nghĩa 1 của dạng 1, “nước” được xem như một chất lỏng nhận diện và phân loại cấu tạo địa lý (nơi tồn tại) có thể bắt gặp trong tiếng Anh những kết hợp tương đương: sea water (nước biển), well water (nước giếng), river water (nước sông), rain water (nước mưa)… Như đã giải thích trên, tiếng Việt có cùng cách hiểu và lý giải với các ngôn ngữ khác ở nghĩa đầu tiên này. Tuy nhiên, do sự miêu tả trường từ vựng về sông nước của tiếng Việt vô cùng phong phú nên đã có những kết hợp chi tiết hơn – những lát cát hiện thực mà không tìm thấy trong tiếng Anh như nước ao, nước lạch, nước mương, nước ruộng, nước suối…Song, vẫn có thể thấy đó là những kết hợp tương tự, cùng cấu trúc nghĩa mô hình: Nước + Vị trí phân bổ. Từ nghĩa thứ nhất của dạng 1 từ “nước”, ta thấy có hàng loạt các từ ghép đẳng lập hợp nghĩa trong đó “nước” là hình vị giữ vai trò quan trọng. Có hai loại: Thứ nhất, những từ ghép mang ý nghĩa khái quát rộng lớn, chẳng hạn: Nước non1 d.(vch).Sông nước và núi non; thường dùng để chỉ đất nước, tổ quốc. Nước non hùng vĩ.[38]. Từ nghĩa này có dạng đa nghĩa: Nước non2 d.(kng; dùng trước gì với ý nghĩa phủ định). Cái đạt được, cái có nghĩa lý. Tập luyện một tuần, chưa nước non gì. Đã biết trước là chẳng nước non gì. Đất nước d. miền đất đai, trong quan hệ với dân tộc làm chủ và sống trên đó. Bảo vệ đất nước. Làm chủ đất nước. Thành phần hợp nghĩa với “nước” ở dạng này thường là các yếu tố trong thiên nhiên như sông nước, trời nước, mây nước, biển nước… Thứ hai, những từ ghép hợp nghĩa biểu thị các khái niệm xã hội có ý nghĩa khái quát trong đó “nước” là yếu tố được cấu trúc hóa theo mô hình tư duy đối lập và hợp nhất với những sự việc hiện tượng vật chất cụ thể để biểu thị những sự việc mang tính cụ thể, chẳng hạn: Nước nôi – chỉ nước. Cơm nước – chỉ việc bếp núc. Gạo nước – chỉ lương thực. Cá nước – chỉ mối quan hệ thân thiết. Bèo nước, mây nước – chỉ mối quan hệ mong manh. Thế nhưng, ở nghĩa 2 đến 5 của dạng 1 lại mang tính khu biệt với các ngôn ngữ khác về ý niệm “nước”. (ii) Nghĩa 2 cho thấy Nước là chất lỏng (liquid) nói chung trong cách hiểu của người Việt mà sự khác biệt với tiếng Anh tóm lược là ba điểm sau:  Nước là một yếu tố nhận diện các chất dạng lỏng tiết ra từ các bộ phận cơ thể người: nước mắt (tear), nước mũi (snivel), nước bọt (saliver), nước đái (urine), nước ối (ammiotic fluid)…và rõ ràng cấu trúc

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVNNH033.pdf
Tài liệu liên quan