Luận văn Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức

Tài liệu Luận văn Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Trần Thị Thanh Thảo ĐẶC ĐIỂM CỦA TIÊU ĐỀ VĂN BẢN TRONG THỂ LOẠI TIN TỨC Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh – 2009 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu Hiện nay, báo chí và ngôn ngữ báo chí đóng một vai trò thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Một trong những yếu tố có tính chất khêu gợi, đánh vào sự chú ý của người đọc, đó là tiêu đề văn bản (TĐVB). Có khá nhiều cách đặt tiêu đề (TĐ) cho văn bản (VB) báo chí. Tuy nhiên, lựa chọn cách này hay cách khác lại lệ thuộc vào từng tình huống, hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Song, dù thế nào thì mỗi TĐ nên vừa nêu được thần thái của bài viết vừa gợi trí tò mò cho độc giả. Bộ phận TĐ luôn giữ một vai trò quan trọng trong một VB. Nó là yếu tố đầu tiên, là cánh cửa để người đọc mở vào VB. Người đọc có lựa chọn VB này không...

pdf192 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 920 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Trần Thị Thanh Thảo ĐẶC ĐIỂM CỦA TIÊU ĐỀ VĂN BẢN TRONG THỂ LOẠI TIN TỨC Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh – 2009 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu Hiện nay, báo chí và ngôn ngữ báo chí đóng một vai trò thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Một trong những yếu tố có tính chất khêu gợi, đánh vào sự chú ý của người đọc, đó là tiêu đề văn bản (TĐVB). Có khá nhiều cách đặt tiêu đề (TĐ) cho văn bản (VB) báo chí. Tuy nhiên, lựa chọn cách này hay cách khác lại lệ thuộc vào từng tình huống, hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Song, dù thế nào thì mỗi TĐ nên vừa nêu được thần thái của bài viết vừa gợi trí tò mò cho độc giả. Bộ phận TĐ luôn giữ một vai trò quan trọng trong một VB. Nó là yếu tố đầu tiên, là cánh cửa để người đọc mở vào VB. Người đọc có lựa chọn VB này không là nằm ở TĐVB có thu hút, có hấp dẫn hay không. Đối với một VB tin tức, vai trò của TĐ lại càng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nghiên cứu về đặc điểm của TĐVB báo chí về phương diện ngôn ngữ và kí hiệu vẫn chưa được quan tâm nhiều. Xuất phát từ nhiều phương diện khác nhau, luận văn này chọn TĐVB trong thể loại tin tức làm đối tượng khảo sát. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn nghiên cứu về đặc điểm của TĐVB tin tức. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu đã có, đồng thời dựa trên những khảo sát TĐ báo chí (trong đó giới hạn đối tượng ở báo viết, không đề cập đến báo hình, báo nói và báo điện tử) ở thể loại tin tức (giới hạn như đã nêu ở tên đề tài), luận văn cố gắng khái quát một số đặc điểm của TĐVB tin tức. 2 2.2. Phạm vi nghiên cứu TĐ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tiếp nhận bài báo của người đọc. Bài báo có trở nên thu hút hay gây ấn tượng ban đầu tốt đẹp cho người đọc hay không được quyết định bởi TĐ bài báo. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát về các đặc điểm của TĐVB tin tức là công việc có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, trong phạm vi có thể, luận văn nghiên cứu đặc điểm chung về báo chí, về TĐVB báo chí, trong đó đi sâu vào đặc điểm TĐ tin tức. Qua khảo sát 1000 đơn vị TĐVB tin tức điển hình và 1000 đơn vị TĐVB tin tức không điển hình, nỗ lực mà luận văn hướng tới là nhận diện các đặc điểm về hình thức, nội dung, ngữ dụng và chức năng giao tiếp của TĐVB tin tức. 3. Lịch sử vấn đề Những năm gần đây, khi mà báo chí đã phát triển vượt bậc và ngày càng chứng tỏ được thế mạnh cũng như vị trí, tầm quan trọng đối với đời sống xã hội thì ngày càng có nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ báo chí nhằm nâng cao hơn nữa nghiệp vụ báo chí. Có khá nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận ngôn ngữ báo chí từ nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ chuyên môn nghiệp vụ báo chí, cũng như là bài giảng dành cho sinh viên báo chí, Vũ Quang Hào 2004 (“Ngôn ngữ báo chí”, Nxb ĐHQG Hà Nội) đưa ra nhiều ý kiến rất có giá trị, nhưng xét về thuần tuý ngôn ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu làm nổi rõ đặc điểm ngôn ngữ báo chí. Tác giả cùng những sinh viên khoa báo chí như Nguyễn Đức Thắng 1995 trong luận văn “Tính hấp dẫn của tít báo Việt ngữ”, Nguyễn Thu Hà 1994 trong luận văn “Về những khiếm khuyết của một số tít báo… tiếng Việt, theo cách nhìn của ngôn ngữ học”, Nguyễn Thị Mai 1998 trong báo cáo khoa học sinh viên “Về đặc trưng ngôn ngữ của tít báo và những thủ pháp đặt tít thông thường” đã cho thấy được tầm quan trọng của ngôn ngữ tít báo. Tuy nhiên những bài viết chỉ tập trung nhiều ở lĩnh vực báo 3 chí. Thuật ngữ tít, theo Vũ Quang Hào 2004, còn được gọi là đầu đề, tiêu đề, nhan đề… nhưng tác giả đề nghị và chấp nhận dùng thuật ngữ tít. Tác giả cho rằng đây là một thuật ngữ báo chí, lại vừa một từ nghề nghiệp, được dùng phổ biến và có tính quốc tế. Ngoài ra, thuật ngữ này có khả năng phái sinh cao, tiện lợi cho việc gọi tên các khái niệm phái sinh, và tiện lợi cho việc gọi tên các thao tác xử lý tít. Nguyễn Tri Niên 2003, cũng xem xét vấn đề này dưới quan điểm của báo chí học. Tuy nhiên, tác giả này lại có sự phân biệt rạch ròi giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ (“Ngôn ngữ báo chí”, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr.13). Xuất phát từ bản chất của thông tin báo chí, tác giả đã chỉ ra được ba đặc điểm của ngôn ngữ báo chí nhưng chưa xuất phát từ bản chất nội tại của ngôn ngữ. Hoàng Anh 2003, khi khảo sát các đặc điểm của ngôn ngữ báo chí xuất phát từ góc độ chức năng và nhận định nét đặc trưng bao trùm của ngôn ngữ báo chí là có tính sự kiện (“Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí”, Nxb Lao Động). Tuy nhiên, cũng như phần lớn các nhà nghiên cứu dưới quan điểm của báo chí học, tác giả chưa làm nổi bật được tính chất ngôn ngữ của báo chí. Dưới góc độ của một nhà văn, Hà Minh Đức 2000 trong “Cơ sở lý luận báo chí. Đặc tính chung và phong cách”, (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có sự so sánh ngôn ngữ báo chí với ngôn ngữ văn học “Ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học là những hình thái ngôn ngữ được phổ biến rộng, và có tính chuẩn mực cao”. Theo tác giả, ngôn ngữ báo chí chủ yếu là ngôn ngữ chính luận, đảm nhiệm chức năng thông tin. Những vấn đề tác giả đưa ra là những gợi mở vô cùng bổ ích cho việc nghiên cứu ngôn ngữ báo chí. Dưới góc độ ngôn ngữ, Trần Thanh Nguyện năm 2004, trong luận văn thạc sĩ khoa học Ngôn ngữ (Trường Đại học Sư phạm, T.P. Hồ Chí Minh) về đề tài “Đặc điểm ngôn ngữ của các văn bản báo chí” đã phần nào làm sáng tỏ 4 những đặc điểm ngôn ngữ của báo chí. Nguyễn Đức Dân từ lâu đã quan tâm đến ngôn ngữ báo chí và có nhiều bài nghiên cứu về vấn đề này. Trong bài viết “Dấu ngoặc kép trong những đề báo” đăng trên báo Kiến thức ngày nay, số 218, 1996, tác giả chú ý đến vai trò quan trọng của dấu ngoặc kép trong những đề báo. Trong một số bài nghiên cứu khác, tác giả xét hàm ý của TĐ báo chí ở phương diện ngữ dụng, chú ý về mặt sử dụng những TĐ báo chí có dẫn những lời trong bài hát và tục ngữ, thành ngữ (“Ý tại ngôn ngoại, những thông tin chìm trong ngôn ngữ báo chí”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, 2004, “Vận dụng tục ngữ, thành ngữ và danh ngôn trên báo chí”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 10, 2004). Trong tác phẩm “Ngôn ngữ báo chí. Những vấn đề cơ bản”(Nxb Giáo dục, 2007), Nguyễn Đức Dân hệ thống hoá và đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của ngôn ngữ báo chí. Tác giả đi sâu vào tìm hiểu đặc điểm và khả năng hoạt động của tiếng Việt trong báo chí, giúp ích cho những người làm báo phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả nhất trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nghiên cứu TĐVB báo chí không thể không đề cập đến ngôn ngữ báo chí vì TĐ, dù là bộ phận hữu cơ hay độc lập với nội dung văn bản (NDVB) vẫn phải tuân theo những quy tắc của ngôn ngữ. Đặt TĐ có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định số phận bài báo, cho nên công việc này do những biên tập viên kinh nghiệm, có nhiệm vụ đặt TĐ sao cho lôi cuốn, thu hút độc giả. Nói cách khác, TĐ có thể nâng tầm hay hạ thấp giá trị bài báo. Và TĐ hay dở cũng liên quan đến việc độc giả có quyết định đọc hay không đọc bài báo. Tuy nhiên, cho đến nay, nghiên cứu về TĐVB báo chí vẫn còn khá ít ỏi vì lĩnh vực này còn mới mẻ. Có thể kể đến Cao Xuân Hạo 2006 (“Tiếng Việt- Sơ thảo ngữ pháp chức năng”, Nxb Khoa học xã hội, tr.388) tuy đề cập đến vấn đề một cách gián tiếp nhưng có một nhận định đáng lưu ý “Xét về chức năng thông báo, tiêu đề là một thứ chủ đề mà phần thuyết là cả bài văn, bài báo 5 kia”. Bùi Khắc Việt 1978 đã khảo sát TĐVB trong bài “Phong cách ngôn ngữ trong tên các bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hồ Lê 1982 phân tích nguyên nhân hấp dẫn trên cứ liệu TĐVB các bài báo của Hồ Chí Minh qua bài viết “Nhờ đâu những tiêu đề bài viết có sức hấp dẫn” (Ngôn ngữ S.P, số 1 năm 1982). Nguyễn Thị Tuyết Ngân 1992 lại chú ý đến mặt sử dụng TĐVB ở việc ngắt dòng không đúng chỗ trong việc trình bày mĩ thuật của TĐ trên trang báo (“Cách ngắt dòng trong việc trình bày đầu đề ở các văn bản”, Ngôn ngữ và đời sống, 1982). Hoàng Anh trong tác phẩm “Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí” (Nxb Lao Động, 2003) xuất phát từ một góc nhìn tổng thể về các phương diện ý nghĩa- chức năng, đã thử phân loại TĐ báo chí thành một số kiểu cơ bản. Rải rác trên các tạp chí chuyên ngành có các bài nghiên cứu về TĐ báo chí, nhưng chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu một vài khía cạnh nào đó và phần lớn đều có sự so sánh với TĐ báo chí nước ngoài như báo tiếng Anh, Nga. Có thể kể đến bài viết “Một số nhận xét về đặc điểm ngôn ngữ của các đầu đề trong báo chí tiếng Anh hiện đại” (Tạp chí Ngôn ngữ, số 9+10, 2001) của Nguyễn Thị Thanh Hương, khảo sát khá khái quát và toàn diện về đặc điểm ngôn ngữ của các đầu đề trong báo chí tiếng Anh hiện đại. Mặc dù tác giả khảo sát TĐ báo tiếng Anh, nhưng những vấn đề tác giả đưa ra phần nào chỉ dẫn cho việc vận dụng vào tiếng Việt. Cũng tác giả này trong bài viết “Trích dẫn trong báo tiếng Anh”, (Tạp chí Ngôn ngữ, số 14, 2002) đã đề cập đến một loại TĐ trích dẫn trong báo tiếng Anh. Cùng hướng nghiên cứu về TĐ trích dẫn, Trần Thanh Nguyên có bài “Về kiểu tiêu đề mô phỏng trên các văn bản báo chí” (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 10, 2003) đã nêu vấn đề này một cách chi tiết và sâu rộng hơn, giúp làm phong phú thêm diện mạo của TĐVB báo chí. Nguyễn Thị Vân Đông “Đôi điều nên biết về tiêu đề báo chí tiếng Anh và tiếng Việt”, (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 11, 2003) tập 6 trung chủ yếu vào một số nét về đặc điểm của TĐ và một số kinh nghiệm viết TĐ báo của báo chí phương Tây với các dẫn chứng trong báo tiếng Anh và tiếng Việt. Cũng tác giả này, năm 2005 có bài viết “Tiêu đề báo tiếng Anh và tiếng Việt dạng ngữ cố định” ( Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 1+2, 2005) cho rằng việc sử dụng ngữ cố định để đặt TĐ cho các bài báo được các nhà báo khai thác triệt để nhằm thực hiện một cách có hiệu quả những yêu cầu về chức năng và đặc điểm của báo chí. Trong một bài báo “Từ trái nghĩa trong các tiêu đề trên báo chí Nga” (Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 2007), Vũ Thị Chín nhận định việc sử dụng từ trái nghĩa là một trong những thủ pháp yêu thích và được sử dụng rộng rãi trong các TĐ trên báo chí Nga. Trong một bài nghiên cứu gần đây “Đặc điểm ngôn ngữ báo chí nhìn từ hoạt động báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh” (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 12, 2008), Trịnh Sâm đã nêu đặc điểm ngôn ngữ báo chí nhìn từ hoạt động báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh. Điểm mới trong bài nghiên cứu này là tác giả khái quát một số mô hình VB báo chí dựa vào mô hình kim tự tháp giúp nhận diện thông tin hạt nhân và thông tin vệ tinh được phân bố trong VB báo chí. Lê Đình 2009 trong một bài viết góp ý về cách đặt TĐ một số bài báo đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa TĐ với nội dung bài báo là “mối quan hệ giữa phần tóm lược, phần tổng thể với phần miêu tả và thuyết minh về nó” (“Mèo Trạng Quỳnh ăn rau” không phải là “Mèo ăn rau” (góp ý với cách đặt tiêu đề một số bài báo)”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 1+2, 2009). Tác giả phê phán sự lẫn lộn giữa các kiểu định danh xuất hiện khá nhiều trong các TĐ báo, từ đó góp ý về cách đặt TĐ phản ánh đúng hiện thực khách quan trong phần nội dung bài báo, tránh làm cho độc giả nhận thức lệch lạc về xã hội. Nghiên cứu về TĐ báo chí đã ít, nghiên cứu riêng về thể loại tin tức càng hiếm hoi hơn. Trịnh Sâm trong một công trình nghiên cứu TĐVB tiếng Việt “Tiêu đề văn bản tiếng Việt” (Nxb Giáo dục, 2000) đã đáp ứng một cách 7 đầy đủ và toàn diện về lĩnh vực TĐVB, trong đó tác giả đã khảo sát khá phong phú các TĐ của nhiều thể loại thuộc phong cách báo chí. Tuy nhiên, ở thể loại tin tức, tác giả chỉ dừng lại ở việc khái quát đặc điểm chung của TĐVB tin tức. Nguyễn Thị Việt Thanh “Về một số hiện tượng ngôn ngữ đặc trưng của văn bản tin tiếng Việt” đăng trong Ngôn ngữ số 11 năm 2001 có đề cập đến TĐVB tin. Tuy nhiên ở bài viết của mình, tác giả chỉ xét đầu đề (cách gọi của tác giả-LV) với tư cách là một bộ phận hữu cơ của VB có quan hệ nhất định với bộ phận nội dung chính. Nghiên cứu TĐVB nói chung và TĐVB thể loại tin tức nói riêng có thể từ nhiều góc độ khác nhau. Trong luận văn này, hướng tiếp cận của chúng tôi chủ yếu ở phương diện ngôn ngữ học. Tuy nhiên, để có thể nêu một cách hệ thống, bài bản về đặc điểm của TĐVB trong thể loại tin tức, chúng tôi sẽ tiếp cận linh hoạt nhiều phương diện có quan hệ giao nhau với ngôn ngữ học như phương diện xã hội học và kí hiệu học. 4. Phương pháp nghiên cứu và sưu tầm tư liệu 4.1. Phương pháp nghiên cứu Luận văn vận dụng một cách linh hoạt nhiều phương pháp khác nhau. * Phương pháp phân tích ngữ dụng, chú ý đến đặc trưng ngữ cảnh. * Phương pháp ngữ nghĩa- cú pháp: là phương pháp đặc trưng để nghiên cứu cấu trúc - chức năng của các quan hệ. * Phương pháp mô hình hoá: sử dụng phương pháp này dưới dạng các bảng biểu, sơ đồ nhằm trình bày nội dung một cách giản lược và tiết kiệm. * Phương pháp thống kê, phân loại: thống kê số lượng TĐVB, phân loại ngữ liệu theo chủ điểm nghiên cứu. Trong việc khảo sát TĐVB tin tức, phân loại theo tin tức điển hình và tin tức không điển hình. Các học giả như Lakoff G. 1986, Brown C.H. 1990, Tversky B. 1990... đều định nghĩa điển dạng như là “thí dụ đạt nhất của một phạm trù”, “thí dụ 8 nổi bật”, “trường hợp rõ nhất trong các thành viên phạm trù”, “đại diện tiêu biểu nhất của các vật được bao hàm trong một lớp”, “thành viên trung tâm và điển hình” [65]. Trong cách gọi khái niệm điển hình, luận văn cũng dựa trên cách hiểu điển hình là đại diện tiêu biểu nhất của các vật được bao hàm trong một lớp, là thành viên trung tâm, rõ nhất trong các thành viên phạm trù. + Trong nhận thức của chúng tôi, tin tức điển hình là những tin tức đề cập đến những nội dung thời sự chính trị quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước. + Tin tức không điển hình là những tin không mang tính thời sự chính trị quan trọng, mà chỉ đề cập đến một lĩnh vực nào đó như tin về an ninh trật tự, văn hoá- văn nghệ, thể thao, đời sống xã hội trong và ngoài nước. Từ khái niệm tin tức điển hình, tin tức không điển hình, trong luận văn này, chúng tôi phân loại các đề tài của bản tin thời sự-chính trị, ngoại giao, khoa học-kĩ thuật, kinh tế quân sự trong và ngoài nước xếp vào VB tin điển hình; bản tin an ninh- trật tự, văn hoá- văn nghệ, thể thao, đời sống xã hội trong và ngoài nước xếp vào VB tin không điển hình. 4.2. Sưu tầm tư liệu Số lượng TĐVB thu thập bao quát được loại tin tức điển hình và tin tức không điển hình. Trong đó có quan tâm đến các loại báo tiêu biểu, được phát hành nhiều nhất ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn thu thập số lượng lớn các TĐ ở một thời điểm nhất định, qua so sánh đối chiếu sẽ làm lộ rõ đặc điểm của TĐVB thể loại tin tức trong phong cách thông tấn báo chí. Người viết cố gắng thu thập TĐVB thuộc nhiều loại báo khác nhau trong khả năng có thể. Cách ghi nguồn gốc dữ liệu: ghi TĐVB, tên báo (viết tắt) và thời gian xuất bản. 9 5. Đóng góp của luận văn Bản thân người viết luận văn nhận thấy đây là một đề tài rất thú vị và hữu ích. Đề tài có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn. 5.1. Về mặt lý luận, luận văn góp phần nhận diện và làm rõ thêm những đặc điểm của TĐVB tin tức không những về mặt ngôn ngữ mà còn về mặt kí hiệu và các thủ pháp trình bày TĐVB. 5.2. Về mặt thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc xây dựng TĐVB tin tức, hữu ích cho những người làm công tác báo chí trong việc ứng dụng những đặc điểm của TĐVB tin tức vào nghiệp vụ của mình. 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung của luận văn được cấu trúc thành hai chương: Chương một: Đặc điểm ngôn ngữ báo chí và TĐVB báo chí. Chương hai: Đặc điểm của TĐVB tin tức. 10 Chương 1 ĐẶC ÐIỂM NGÔN NGỮ BÁO CHÍ VÀ TIÊU ÐỀ VĂN BẢN BÁO CHÍ 1.1. Đặc điểm chung của báo chí Báo chí ra đời do nhu cầu thông tin giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người. Báo chí luôn là một công cụ hoạt động quan trọng của con người và các giai cấp trong cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ và văn minh của nhân loại. Tìm hiểu về đặc điểm báo chí sẽ giúp chúng ta nhận diện rõ các cơ chế hoạt động của báo chí, qua đó khái quát được đặc điểm ngôn ngữ báo chí. 1.1.1. Báo chí - loại hình hoạt động thông tin chính trị-xã hội Báo chí là một hoạt động đặc thù của xã hội, phản ánh văn hoá, chính trị của mỗi xã hội hay mỗi quốc gia. Trong hoạt động báo chí, thông tin là công cụ chủ yếu để nhà báo thực hiện mục đích của mình. Thông tin trong báo chí vừa có tính xã hội cao vừa có tính tư tưởng và khuynh hướng rõ rệt. Báo chí là một hoạt động thông tin đại chúng rộng rãi và năng động nhất đã tạo ra cách tiếp cận đặc thù để phản ánh hiện thực. Hiện thực được tái hiện trên báo chí phải phản ánh được một cách trung thực đời sống xã hội, xây dựng thế giới quan khoa học, tâm tư tình cảm của con người. Báo chí phải mang tính chiến đấu cao vì đó là tiếng nói của một tổ chức, một cơ quan, một đảng phái có nhiệm vụ tuyên truyền và tác động đến công chúng theo một mục tiêu nào đó. 1.1.2. Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện chức năng cơ bản là thông tin và tác động Với tính chất là những phương tiện truyền thông đại chúng hoạt động trên quy mô toàn xã hội, báo chí là kênh chủ yếu cung cấp kiến thức thông tin 11 về thế giới xung quanh rộng lớn cho mọi người, là bộ phận không thể thiếu trong đời sống xã hội. Báo chí tác động đến độc giả trên nhiều lĩnh vực nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Chức năng tác động còn có tác dụng định hướng và hướng dẫn dư luận. Tin bài là bộ phận tiêu biểu trong phong cách báo chí. Tin tức mà báo chí cung cấp phải mang tính thời sự, khách quan và hấp dẫn. Thời sự là những gì xảy ra hàng ngày (tin tức cập nhật), hàng buổi (báo buổi sáng, báo buổi chiều,...), hàng giờ (báo điện tử). Sự kiện được thông tin nhanh, kịp thời (thông tin tức thời càng tốt) được gọi là thời sự. Trong thời đại đầy ắp thông tin, các sự kiện được đưa tin phải có tính thời sự khẩn trương (là những vấn đề đang được xã hội quan tâm) mới tạo được thông tin mới mẻ, thu hút người đọc. Tính hấp dẫn không chỉ ở sự mới lạ mà còn bởi mức độ liên quan đến lợi ích, nhu cầu, sở thích của công chúng. Dựa trên các nguyên tắc sau để xác lập những thông tin quan trọng (thông tin theo các vòng tròn đồng tâm), trong đó lấy mỗi cá nhân là tâm điểm: + Nguyên tắc quan hệ: TÔI – GIA ĐÌNH – HỌ HÀNG – BÈ BẠN – NGƯỜI LẠ. + Nguyên tắc khoảng cách: TÔI – HÀNG XÓM – LÀNG XÃ – HUYỆN – TỈNH – TRONG NƯỚC – NGOÀI NƯỚC. Ngoài ra, tầm quan trọng còn bao gồm tính hiếu kỳ, kích cỡ sự việc, sự vụ, tính thời gian, nhu cầu của mỗi cá nhân, mỗi thành phần xã hội. 12 1.1.3. Báo chí luôn bám sát sự kiện, phản ánh chính xác sự kiện, lấy hiện thực khách quan làm đối tượng phản ánh Chức năng phản ánh đòi hỏi báo chí phải chính xác, trung thực và hấp dẫn. Tính chất khách quan trong việc thông tin sự kiện, sao cho chính các sự kiện được thông tin một cách tự nhiên, không cố ý và không hàm chứa ý kiến chủ quan của một cá nhân hay tập thể nào đó. Tính chính xác trong thông tin báo chí là bám sát các sự kiện có thực và phản ánh một cách nguyên dạng, không méo mó. 1.1.4. Báo chí sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện chủ yếu để chuyển tải thông tin Ngôn ngữ báo chí phải mang tính chất chuẩn mực, thể hiện trong cách dùng từ, đặt câu, cách tổ chức VB, văn phong phù hợp với khả năng tiếp nhận và khả năng giải mã của người thụ ngôn. Trong báo chí có những nguyên tắc về cách trình bày, cách tổ chức mà thông qua đó thể hiện được tính khách quan của sự kiện. Cách trình bày như dùng những câu trích có đóng ngoặc kép (từ lời khách ngôn), sắp xếp cấu trúc bài viết hoặc cách thức dàn trang giúp độc giả phân biệt lời bình của người viết với những sự kiện tự thân nó lên tiếng. Cách tổ chức thường thấy là đưa những sự kiện, những con số được cung cấp chính thức từ cơ quan chức năng có thẩm quyền, từ các nguồn tin hợp pháp của chính quyền, thường là các quan chức chính phủ cấp cao và một số tương đối nhỏ các chuyên gia đáng tin cậy. Từ các nguồn tin này, thông tin báo chí được chọn lọc và diễn đạt ngắn gọn theo các đặc trưng của ngôn ngữ báo chí. Tính định lượng trong các VB báo chí thể hiện ở chỗ chặt chẽ về số lượng câu, chữ trong một giới hạn diện tích nhất định. Số trang báo có hạn mà 13 thông tin sự kiện thì phong phú, cho nên định lượng về mặt ngôn từ sẽ giúp tờ báo cung cấp được nhiều thông tin đến độc giả. 1.1.5. Tính tương tác giữa báo chí và công chúng Càng ngày báo chí càng tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội. Từ đó, báo chí thu hút sự quan tâm của nhiều giới độc giả. Thông qua những vấn đề được đăng tải trên báo, những vấn đề mà công chúng và dư luận quan tâm, báo chí tác động đến nhận thức của độc giả, định hướng dư luận. Báo chí mở ra nhiều vấn đề kích thích, mời gọi độc giả quan tâm, hưởng ứng, có thể tham gia các diễn đàn, các bài phản ánh, các chuyên mục bạn đọc viết. Có thể nói, đặc điểm này đã nâng vị trí, tầm quan trọng của báo chí lên một bước cao. Báo chí không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp, đưa tin một chiều mà còn là “chiếc cầu nối giữa báo chí và dư luận xã hội” [58]. Chính vì vậy, trong báo chí, tính chất “kiểm thông”, tức chức năng kiểm tra mạch truyền thông, giữ mối liên hệ và tìm cách thu hút sự chú ý của độc giả là phương diện ngày càng được nhiều báo quan tâm. Báo chí đã có sự cộng hưởng từ phía độc giả, từ xã hội. Để duy trì được mạch truyền thông này, báo chí phải luôn đưa ra những vấn đề thời sự mới mẻ, có tầm tác động rộng lớn, hay những vấn đề gần gũi, thiết thân của đời sống hàng ngày mới thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Báo chí luôn biết cách không còn đơn thuần là nơi cung cấp thông tin một cách đơn điệu mà luôn tạo cách thu hút, mời gọi độc giả. Để thực hiện được điều này, báo chí có nhiều phương thức như cách đặt TĐ (cách bố trí TĐ chính, TĐ phụ, TĐ bộ phận, cách bố trí không gian trên tờ báo cho các TĐVB), cách sử dụng ngôn ngữ (theo từng đặc trưng thể loại), các đoạn trích, đoạn mở đầu được đóng khung, khổ và vị trí của hình ảnh, cách dàn trang bắt mắt nhấn mạnh chủ đề chính, các mục nằm ở vị trí quen thuộc dễ tìm kiếm... 14 1.2. Đặc điểm chung của ngôn ngữ báo chí Từ những đặc điểm chung của báo chí dẫn đến đặc điểm chung của ngôn ngữ báo chí. 1.2.1. Tính sự kiện Báo chí với chức năng thông tin, phản ánh hiện thực qua các sự kiện tồn tại khách quan, do vậy, tính sự kiện là đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ báo chí. Tính cụ thể, khách quan và chính xác giúp sự truyền đạt và xử lí thông tin sự kiện một cách chặt chẽ. Báo chí là loại hình hoạt động thông tin chính trị-xã hội, luôn bám sát sự kiện, phản ánh chính xác sự kiện. Báo chí dùng công cụ là ngòi bút để viết đúng sự thật, không những chính xác về nội dung mà còn về câu, chữ. Tính khách quan làm tăng sự hấp dẫn của bài báo vì bản thân sự kiện vốn tồn tại khách quan chứ không phải là sự áp đặt chủ quan của người viết. Thông tin trên báo chí đến trực tiếp với độc giả, càng rõ ràng, cụ thể càng tốt để người đọc khi tiếp nhận thông tin có thể giải mã ngay, tránh sử dụng những hình thức ngôn từ, cách diễn đạt khó hiểu. Để phục vụ yêu cầu truyền tải thông tin đến độc giả một cách hiệu quả và mau chóng, ngôn ngữ báo chí phải bảo đảm tính ngắn gọn. VB báo chí sử dụng số lượng từ ở mức thấp nhất mà vẫn nêu được nội dung nhiều nhất, chọn lọc từ ngữ biểu đạt phong phú nội dung, chọn kiểu câu có kết cấu ngắn gọn. Cách tổ chức VB hạn chế ở mức thấp nhất về số câu, số chữ, chọn mô hình cấu tạo phù hợp với cách diễn đạt thông tin. Độc giả sẽ ghi nhớ một câu gồm nhiều từ ngắn tốt hơn một câu gồm các từ dài. Ngôn ngữ có tính sự kiện trong báo chí là ngôn ngữ động, chủ yếu sử dụng nhiều động từ, ít tính từ, danh từ. 15 1.2.2. Tính đại chúng VB báo chí có số lượng độc giả rộng rãi trong các tầng lớp xã hội, vì thế tính đại chúng là một trong những đặc điểm của ngôn ngữ báo chí khác biệt so với các phong cách ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ báo chí hàng ngày thường xuyên thanh lọc theo tiêu chí tiếp nhận của công chúng, dễ đọc, dễ hiểu nhưng không đi ngược với chuẩn mực của ngôn ngữ. Tính đại chúng biểu hiện trong cách dùng từ đơn, phổ thông hơn là từ ghép, từ vay mượn; dùng từ ngữ dễ hiểu, phổ biến hơn là từ ngữ chuyên môn sâu, từ ngữ địa phương, tiếng lóng; tránh sử dụng các kiểu câu cầu kỳ, không phù hợp với yêu cầu ngắn gọn. Ngôn ngữ báo chí đòi hỏi sự mạch lạc, hướng đến mọi đối tượng độc giả, thuộc nhiều thế hệ, có trình độ và sở thích khác nhau, cung cấp những gì độc giả dễ tiếp nhận. Cho nên ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ công luận, là tiếng nói chung cho cả cộng đồng. 1.2.3. Tính chuẩn mực Ngôn ngữ báo chí phải là ngôn ngữ chuẩn mực, thống nhất trong toàn quốc, đòi hỏi cách chọn lọc từ ngữ và câu chữ, cách tổ chức VB đúng yêu cầu ngữ pháp, cách thể hiện văn phong mang tính chính xác cao, cô đúc và chuẩn mực, cách trình bày thu hút. Chính đặc điểm này giúp báo chí phổ biến rộng rãi đến công chúng và công chúng tiếp nhận báo chí dễ dàng hơn. Tính chuẩn mực trong ngôn ngữ báo chí có tác dụng chuyển tải thông tin, đạt hiệu quả cao trong giao tiếp và định hướng ngôn ngữ cho đông đảo công chúng, bạn đọc, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. 1.2.4. Chính xác Chính xác là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ bài báo nào. Chính xác trong nội dung thông tin sẽ giúp người đọc nắm bắt được bản chất của vấn đề- sự kiện. Chính xác trong cách dùng ngôn ngữ, từ cách viết đúng chính tả, 16 cách dùng từ, dùng câu, cho đến cách dùng câu trích dẫn, và thậm chí ngay cả cách ngắt dòng trên TĐ cũng phải hợp lí để không mất đi tính chính xác của nội dung. Tính chính xác sẽ giúp tính chuẩn mực của ngôn ngữ báo chí tồn tại bền vững. Bên cạnh đó, tính tương tác giữa báo chí và công chúng ngày càng rõ nét, thông tin trên báo càng phải đạt yêu cầu cao về độ chính xác, tin cậy, cần loại bỏ những gì có thể dẫn tới những cách hiểu khác đi, dễ gây ngộ nhận cho độc giả. 1.2.5. Tính hấp dẫn Ngôn ngữ được sử dụng trong VB báo chí phải có tính hấp dẫn trong việc lựa chọn và sử dụng các phương tiện từ vựng, ngữ pháp và cách thức tổ chức VB sao cho thu hút người đọc, qua đó thực hiện tốt chức năng tác động và khả năng cạnh tranh thông tin. 1.2.6. Tính thời đại Ngôn ngữ chịu sự ảnh hưởng và tác động của thời đại nên dù có cơ cấu nội tại vững chắc ngôn ngữ vẫn có sự biến đổi. Ngôn ngữ báo chí có thể sử dụng rộng khắp, tần suất cao ở thời điểm, giai đoạn này nhưng thời gian sau lại đi vào quên lãng. Trong thời đại thông tin, ngôn ngữ báo chí luôn có hướng hiện đại hoá, thường xuyên tiếp nhận có chọn lọc nhiều vốn từ mới, mở rộng sự giao lưu với quốc tế nhưng vẫn phải giữ bản sắc dân tộc. 1.3. Đặc điểm ngôn ngữ báo chí 1.3.1. Đặc điểm về ngữ âm và chữ viết Phương tiện giao tiếp trên báo chủ yếu bằng VB, không thực hiện bằng ngôn bản, cho nên nếu có một cơ sở chính tả hợp lý và thống nhất, chữ viết sẽ giúp cho việc giao tiếp được thuận lợi và hiệu quả. Do ảnh hưởng của thời đại, hiện nay, trên báo chí xuất hiện nhiều từ ngữ vay mượn tiếng nước ngoài. Đây cũng là một trong những đặc điểm của 17 báo chí, là xu thế chung của toàn xã hội, vấn đề là phải sử dụng những từ ngữ vay mượn này theo những quy tắc thống nhất trong cách đọc, cách viết, cách phân giới âm tiết sao cho phù hợp với loại hình ngôn ngữ tiếng Việt. Viết hoa là một phần của chuẩn chính tả tiếng Việt. Viết hoa tăng thêm khả năng giá trị khu biệt, tạo ra sự đối lập giữa cách viết chữ thường và viết chữ hoa thể hiện mặt cú pháp, tu từ, ngữ nghĩa, từ đó nhấn mạnh thông tin cần truyền tải. Viết tắt là một dạng trình bày được chấp nhận và thường gặp trong VB báo chí. Phương thức viết tắt giúp cách trình bày ngắn gọn, tiết kiệm được không gian trên báo. Thông tin càng nhiều càng phải sử dụng dạng tắt để lược bỏ những lượng dư không cần thiết. Chính vì vậy, viết tắt cũng cần có những quy tắc vừa thể hiện tính khách quan, dễ chấp nhận, dễ hiểu vừa thể hiện sự tiện lợi. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, báo chí ngày càng xuất hiện nhiều từ viết tắt tiếng nước ngoài. Dạng viết tắt thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, vì thế sử dụng dạng tắt, nhất là trên báo chí, càng phải cẩn trọng để không mất đi tính trong sáng của tiếng Việt. Có thể nói báo chí ngày nay rất quan tâm đến vấn đề kỹ thuật trình bày. Trình bày không phải chỉ là việc trang trí tờ báo mà còn có hiệu quả thông tin tác động đến người đọc. Nắm bắt được nhu cầu đó, các báo đều chú trọng đến khâu khai thác các đặc điểm tu từ của văn tự. 1.3.2. Đặc điểm về từ vựng Mỗi loại phong cách ngôn ngữ qui định lớp từ vựng riêng. Trong phong cách ngôn ngữ báo chí, xem xét đặc điểm từ vựng ở khả năng lựa chọn và sử dụng các lớp từ ngữ. Cách dùng từ, lựa chọn từ ngữ chính xác, trong sáng, đúng phong cách, đúng quy tắc chính tả tiếng Việt một mặt diễn đạt chính xác điều cần diễn đạt, mặt khác là cách tôn trọng độc giả. 18 1.3.2.1. Xét về mặt nguồn gốc VB báo chí, bên cạnh vốn từ ngữ thuần Việt còn tiếp nhận nhiều đơn vị từ vựng có nguồn gốc từ tiếng Hán và tiếng vay mượn nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ sử dụng mỗi loại khác nhau, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển xã hội- ngôn ngữ, tuỳ vào từng thể loại phản ánh. Từ cổ ít xuất hiện trên các VB báo chí, càng hiếm xuất hiện trên các TĐVB tin tức do tính chất lỗi thời, chỉ có giá trị lịch sử, không còn phù hợp với khả năng tiếp nhận của xã hội ngày nay. Trái lại, cùng với sự vận động không ngừng của xã hội, lớp từ mới xuất hiện từ nhiều nguồn, phát triển theo hướng tích cực có, tiêu cực có. Tuy nhiên, trong các VB báo chí có sự sàng lọc nghiêm ngặt, hầu như chỉ tiếp nhận những từ ngữ tích cực. 1.3.2.2. Xét về mặt phạm vi sử dụng Phong cách báo chí sử dụng phổ biến lớp từ vựng toàn dân. Lớp từ vựng này đáp ứng được điều kiện truyền tải thông tin mau chóng, chính xác, dễ hiểu đến rộng rãi các tầng lớp công chúng ở nhiều địa phương khác nhau. Đây cũng là lớp từ vựng cơ bản, quan trọng nhất trong tiếng Việt. Xuất hiện những từ nghề nghiệp, những thuật ngữ thuộc các lĩnh vực khác nhau trên các bài báo. Mức độ nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tờ báo dành cho đối tượng nào. Trong một chừng mực, các thuật ngữ chuyên môn hẹp ít được sử dụng trên các VB báo chí, bước đầu chỉ phục vụ trong các chuyên ngành, nhưng dần dần có xu hướng hoà nhập vào lớp từ vựng toàn dân, phù hợp với khả năng tiếp nhận của công chúng và ngày càng trở nên phổ biến, thông dụng. Lớp từ ngữ chính trị- xã hội phổ biến trên các VB báo chí. Điều này cũng dễ hiểu vì đặc điểm báo chí là loại hình hoạt động thông tin chính trị- xã hội. Lớp từ ngữ chính trị- xã hội có khả năng tác động xã hội, thích hợp với chức năng, nhiệm vụ của báo chí. 19 Trên các VB báo càng ít xuất hiện tiếng lóng và tiếng địa phương do không đáp ứng được yêu cầu của tính toàn dân. 1.3.2.3. Xét về mặt phong cách Bảng phân loại các phong cách chức năng trong tiếng Việt: Phong cách khoa học Phong cách sinh hoạt hàng ngày Phong cách báo chí Phong cách quảng cáo Phong cách văn chương Phong cách chính luận Phong cách hành chính Nghiên cứu khoa học Phổ biến khoa học (Giáo trình bài giảng 2007, Trịnh Sâm) Ngôn ngữ trên báo phải chuẩn, đó là yêu cầu bắt buộc. Chính vì thế lớp từ ngữ mang phong cách đặc trưng sách vở, là những gì được xã hội chấp nhận, thông dụng, phổ biến và được đại đa số công chúng tiếp thu dễ dàng. Ngôn ngữ báo chí cũng sử dụng lớp từ ngữ có màu sắc biểu cảm. Chính đề tài và thể loại trình bày sẽ quy định lớp từ ngữ mang màu sắc biểu cảm, giúp diễn đạt thông tin một cách cụ thể, sinh động, tạo ấn tượng thích thú, dễ tiếp thu đối với người đọc. Tin trên báo không chỉ là những vấn đề thời sự chính trị nóng hổi mang màu sắc trang trọng mà còn là thông tin những vấn đề văn hoá, xã hội, đời sống, an ninh trật tự... cho nên để làm “mềm hoá” thông tin, sử dụng từ ngữ mang màu sắc biểu cảm là phù hợp với sự nhận thức của người đọc. 1.3.3. Đặc điểm về ngữ pháp Thông tin trên báo chí thường là những thông tin ngắn gọn, chính xác cho nên trong báo chí thường gặp loại câu đơn hai thành phần Đề- Thuyết. 20 Câu đơn chỉ có phần Thuyết (thường là được tỉnh lược thành phần Đề để tăng cường độ tập trung thông tin, gây ấn tượng đối với người đọc) là xu hướng phổ biến hiện nay ở các TĐVB báo chí. Kiểu câu này đáp ứng được yêu cầu ngắn gọn tới mức tối đa mà chuyển tải được nhiều nội dung. Hầu hết câu được dùng trong các VB báo chí là câu tường thuật. Câu cảm, câu cầu khiến, câu nghi vấn xuất hiện trên báo với số lượng ít. Việc tổ chức câu theo khuôn mẫu biểu cảm là đặc điểm thường gặp trong phong cách báo chí. Khuôn biểu cảm có tính năng động cao, như một mô thức tiện lợi cho người viết tổ chức thông tin và người nhận dễ dàng nắm bắt thông tin. 1.3.4. Đặc điểm về tổ chức VB 1.3.4.1. Khuôn hình VB VB báo chí có khuôn hình thông dụng, thường được cấu tạo theo kiểu gồm có phần TĐ, phần mở đầu, phần thân và phần kết. TĐ của VB có chức năng đánh dấu đầu vào của VB và nêu nội dung cô đọng nhất của VB. Bộ phận TĐ giữ vai trò quan trọng trong VB. Chức năng của phần mở đầu VB là làm rõ nội dung của TĐ và giải thuyết cho sự phát triển nội dung ở phần thân. Tuy nhiên, ở mỗi thể loại VB khác nhau cách thức mở đầu cũng khác nhau. Sa-pô (đề dẫn) (tiếng Pháp là chapeau, tiếng Anh là lead) là phần đứng giữa TĐ và phần còn lại của VB, đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau như: hoàn thiện TĐ, nêu chủ đề bài báo, tóm tắt thông tin chủ yếu, giải thích hoàn cảnh bài báo, tạo sự liền mạch chủ đề nếu bài báo có nhiều kỳ, thông báo bố cục,... Sa-pô có nhiều dấu hiệu hình thức để phân biệt với phần VB: kiểu chữ đậm, nghiêng, cỡ chữ to hay nhỏ, được đóng khung hoặc trang trí khác biệt, được phân đoạn tách biệt với phần VB. Sa-pô là một yếu tố thu 21 hút mắt độc giả, mời đọc bởi việc lựa chọn từ ngữ và cấu trúc câu tạo sức hấp dẫn người đọc. Phần thân của VB có chức năng triển khai theo hướng mở rộng hoặc cụ thể hoá nội dung đã được xác định ở phần trên. Phần thân là phần quan trọng nhất trong cấu tạo chung của VB. Phần kết có chức năng khái quát hoá hay tổng kết những thông tin chính đã được trình bày ở trước. 1.3.4.2. Cấu trúc nội dung VB Cấu trúc nội dung của một VB bao gồm phần Đề (Theme), phần Thuyết (Rheme), phần Hoạ đề (Interpretation) được tổ chức theo nhiều mô hình khác nhau trong các VB báo chí. Cấu trúc diễn dịch có mô hình (T→ R)- I trình bày nội dung theo hướng những thông tin quan trọng được đặt ở phần trên VB, xây dựng nên VB chặt chẽ, có tính khoa học và logic. Cấu trúc quy nạp có mô hình I- (T→ R) trình bày thông tin theo hướng tăng dần thông tin quan trọng. Cấu trúc móc xích có mô hình T→ I → R được tổ chức trong VB theo hướng duy trì hoặc phát triển chủ đề. Cấu trúc song song chứa nhiều thông tin về những sự kiện khác nhau mang giá trị thông báo như nhau, có mô hình T→ R1. (T) → R2. (T) → R3 hoặc T1→ R1. T2→ R2. T3 → R3. Cấu trúc tối giản có mô hình T→ R khi cần thông tin nhanh một vấn đề. Cấu trúc trung tâm có mô hình I – (T→ R) –I (mô hình viên kim cương) trình bày những nội dung quan trọng được đặt ở giữa VB. Ngoài ra, trong việc tổ chức VB báo chí còn gặp cấu trúc đồng hồ cát có mô hình T1 → R1. I. T2→ R2 (mô hình đồng hồ cát), trong đó những chi tiết quan trọng được đặt ở đầu và cuối VB. 22 1.4. Đặc điểm chung của TĐVB báo chí 1.4.1. Những yếu tố quy định đặc điểm của TĐVB báo chí 1.4.1.1. Chức năng Cuốn Handbook for Journalists of Central and Eastern Europe (Sổ tay dành cho các nhà báo Đông và Trung Âu) của Malcolin F.Mallette đã chỉ ra rằng TĐ báo có bốn chức năng: - Tổng kết thông tin - Phân định mức độ quan trọng của câu chuyện - Yếu tố nổi bật trong nhận diện - Gây cảm tình đối với người xem (giúp họ quyết định trở thành độc giả). Chức năng chủ yếu của TĐ là thể hiện được cốt lõi nội dung bài báo thông qua hình thức hấp dẫn. Chức năng này cho thấy vai trò quan trọng của TĐ trong việc thu hút sự chú ý vào trang giấy, giúp độc giả lựa chọn bài và khiến độc giả muốn đọc. Muốn thực hiện được điều đó, TĐ báo thường phải tuân theo những yêu cầu: - Truyền đạt được nội dung chính của bài báo - Ngắn gọn để dễ dàng trang trí và sắp xếp trong khuôn khổ có hạn của trang báo - Có tính nghệ thuật cao về mặt ngôn ngữ - Hấp dẫn, gây sự chú ý và tò mò đối với người đọc. 1.4.1.2. Đặc trưng thể loại Theo Dương Xuân Sơn (2004), thể loại báo chí có những đặc trưng riêng và các tiêu chí riêng để phân định thể loại như đối tượng phản ánh trong từng thể loại, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tác phẩm báo chí, mức độ nắm bắt hiện thực, ở các kết luận và khái quát hoá vấn đề cần phản ánh trong tác phẩm, tính chất của phương tiện phản ánh hiện thực, văn phong, ngôn ngữ 23 cho nên nội dung của những đặc trưng riêng phải được thể hiện cụ thể trong từng thể loại. Chính đặc trưng phong cách và thể loại chi phối mặt tổ chức ngôn ngữ của VB và cả TĐVB. 1.4.1.3. Độc giả Bài báo được viết ra chủ yếu hướng vào độc giả. Không có độc giả thì báo chí sẽ không tồn tại. Vì vậy, số lượng độc giả quyết định sự sống còn của tờ báo. “Độc giả bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn của tờ báo và đặc biệt là bởi đầu đề bài báo” [39, tr.62]. Do đó, nội dung bài báo, cách trình bày, diễn đạt và nhất là TĐ bài báo phải phù hợp với tâm lý tiếp nhận của độc giả. 1.4.2. Đặc điểm chung của TĐVB báo chí 1.4.2.1. Thông tin cao TĐ được xem như là một thông điệp đầu tiên mà bài báo, tác giả gửi tới cho người đọc, gần như quyết định đến tâm lý của người đọc, liệu họ có tiếp tục đọc tiếp bài báo hay không. “ Chức năng cơ bản của tiêu đề là đem lại cho người ta một quan niệm về thực chất của bài viết” [27]. TĐ phải rõ ràng và dễ hiểu, người đọc khi tiếp xúc lần đầu có thể hiểu ngay. “TĐ thực chất là một thứ “nhãn hiệu” của VB” [56, tr.37] có tính chất đại diện cho VB nhằm để thông tin về nội dung, cho nên TĐ phải chính xác và mang tính thông tin cao. TĐ thường thể hiện những quan hệ nhất định với bộ phận nội dung của VB, có tác dụng định hướng cho người đọc, giúp người đọc thông qua TĐ có thể nắm bắt được nội dung quan trọng nhất của VB. TĐ khái quát được nội dung hoặc nêu bật được nội dung chính của bài báo, nhấn mạnh thông tin mới, quan trọng và hấp dẫn để độc giả có thể lựa chọn ngay khi xem lướt qua tờ báo. TĐ thể hiện được một cách trọn vẹn ý nghĩa bài báo, nêu được thông tin phù hợp với nội dung bài báo. 24 1.4.2.2. Chuẩn mực Chuẩn mực được hiểu ở đây là vừa mang yếu tố đại diện vừa mang yếu tố tiêu biểu. Nếu như ở các phong cách chức năng, ở các thể loại trong cùng một phong cách chức năng, đặc điểm này thể hiện ở chỗ nó mang dấu ấn và phong cách của thể loại đó thì ở đây nó phải hoặc là tương ứng với loại điển hình hoặc không điển hình. Nói rõ hơn, các yếu tố như trang trọng, nghiêm túc, nén kín đều là thuộc tính điển hình thì các đặc tính đối lập thuộc về không điển hình. 1.4.2.3. Ngắn gọn Khuynh hướng chung trong ngôn ngữ báo chí là viết các câu ngày càng ngắn đi. Tính cô đọng trong các TĐ báo được đẩy tới mức cao nhất. Một TĐ ngắn chỉ cần độc giả nhìn thoáng qua là đập ngay vào mắt, không phải tốn nhiều thời gian để dừng lại đọc nữa. “Những công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình người ta nhớ được mười hai từ trong mỗi câu.... độc giả thường nhớ phần nửa đầu của một câu.”[39, tr.46-47]. Như vậy, phần cuối của một câu dễ bị quên mất. Cho nên một TĐ dài kém lợi thế hơn một TĐ ngắn gọn, súc tích, dẫn đến nội dung bài báo có thể bị bỏ qua. Bằng một hình thức cô đúc ngắn gọn nhất, TĐ báo chuyển tải được một lượng thông tin tối đa. Chính tính chất nhiều ý nghĩa và nói chưa hết lời của TĐ thu hút độc giả. 1.4.2.4. Hấp dẫn Tính hấp dẫn thể hiện trong việc thiết kế TĐ ngắn gọn để dễ dàng trang trí và sắp xếp trong khuôn khổ có hạn của trang báo, có tính nghệ thuật cao về mặt ngôn ngữ và nội dung có yếu tố khêu gợi, gây sự chú ý và tò mò đối với người đọc. TĐ vừa là hình thức vừa là nội dung đầu tiên tiếp cận với độc giả. TĐ hấp dẫn vì nội dung của sự kiện, vì kết cấu TĐ gây bất ngờ, vì độc giả rút ra 25 được những điều thú vị đằng sau TĐ. TĐ hấp dẫn không chỉ là do các yếu tố ngôn ngữ mà còn xuất phát từ mĩ cảm toát ra từ cấu trúc TĐ, nó mang tính văn hoá, xã hội cao, thu hút và kích thích người đọc tiếp tục quan tâm đến nội dung bài báo. Có thể nói, một TĐ hấp dẫn luôn gắn liền với số phận của bài báo, của tác giả. 1.5. Tiểu kết 1.5.1. Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện chức năng cơ bản là thông tin và tác động và càng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại. 1.5.2. Đặc điểm chung của ngôn ngữ báo chí là có tính sự kiện, tính đại chúng, tính chuẩn mực, tính chính xác, tính hấp dẫn, tính thời đại. 1.5.3. Trên cơ sở chính tả hợp lý và thống nhất, chữ viết sẽ giúp cho việc giao tiếp trên các VB báo chí được thuận lợi và hiệu quả. Từ ngữ sử dụng phải phù hợp về thể loại, hoàn cảnh, đề tài, phong cách.... Kiểu câu Đề- Thuyết, câu chỉ có phần Thuyết, câu tường thuật thường gặp trên các VB báo chí. VB báo chí có khuôn hình thông dụng, có cấu trúc nội dung thường được tổ chức theo nhiều mô hình khác nhau nhằm phản ánh được nội dung, sự kiện dưới nhiều góc độ khác nhau. 1.5.4. Bộ phận TĐ giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức VB, không chỉ có quan hệ về mặt hình thức mà còn chặt chẽ về mặt nội dung. Những đặc điểm chung của TĐVB báo chí như mang tính thông tin cao, chuẩn mực, ngắn gọn và hấp dẫn là những yếu tố giúp cho VB báo chí thu hút sự chú ý, sự lựa chọn của độc giả vào bài báo. 1.5.5. Đặc điểm ngôn ngữ của TĐVB sẽ bị chi phối bởi phong cách và thể loại mà nó định danh. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ có ý nghĩa tương đối. 26 Chương 2 ÐẶC ÐIỂM CỦA TIÊU ÐỀ VĂN BẢN TIN TỨC 2.1. Đặc điểm ngôn ngữ của TĐVB báo chí 2.1.1. Các thể loại báo chí “Thể loại báo chí là hình thức biểu hiện cơ bản, thống nhất và tương đối ổn định của các bài báo, được phân chia theo phương thức phản ánh hiện thực, sử dụng ngôn ngữ và các công cụ khác để chuyển tải nội dung mang tính chính trị - tư tưởng nhất định.” [60, tr.9] Báo chí có nhiều thể loại khác nhau. Trong luận văn này, TĐVB của thể loại tin tức là đối tượng khảo sát chính, tuy nhiên để làm rõ hơn đặc điểm của nó, luận văn sẽ tiến hành so sánh với TĐVB của các thể loại khác trong cùng phong cách báo chí. 2.1.2. Đặc điểm của TĐVB trong các thể loại báo chí Khả năng thông tin và tác động ở từng thể loại có nhiều mức độ khác nhau. Do đó, cách thức tổ chức ngôn ngữ trong từng thể loại cũng mang nhiều đặc trưng khác nhau. Tin là thể loại lâu đời nhất của báo, xuất hiện cùng với báo, khi có báo là có tin. 2.1.2.1. Thể loại tin Theo một quan niệm phổ biến, kết cấu bản tin gồm: a. Nguồn tin b. Thời gian, địa điểm xảy ra sự kiện c. Người tham gia sự kiện d. Nội dung hay quá trình diễn ra sự kiện (khái quát) e. Kết quả hoặc hướng giải quyết 27 f. Thái độ của người viết và người đọc đối với sự kiện (nếu có) Việc tổ chức kết cấu bản tin như thế nào để đáp ứng yêu cầu nắm bắt nhanh nhạy thông tin, giúp người đọc lĩnh hội nhanh nhất, ngắn nhất là điều quan trọng trong bản tin. Vì vậy, việc tập trung thông tin ở vị trí mở đầu giúp VB triển khai theo hướng diễn dịch, các nội dung được diễn đạt theo mức độ giảm dần xét về mặt câu chữ. Do tính chất ngắn gọn nên phần mở đầu của VB tin thường bỏ qua những thông tin có tính chất “mào đầu” mà đi thẳng vào nội dung chính, đồng thời phần kết cũng bị lược bỏ để tránh sự dài dòng không cần thiết. Kết cấu bản tin ngắn gọn, ngôn ngữ có tính khách quan, ít màu sắc biểu cảm, chức năng thông báo là chính. TĐ trình bày các sự kiện mang tính thời sự, tính thông tin cao, nêu được cái mới, trọng tâm, ngắn gọn và cụ thể. Trong bản tin nếu không có TĐ thì yếu tố có chức năng mở đầu VB được lựa chọn đem lên hàng đầu làm chức năng của một TĐ, gọi là TĐ zéro. 2.1.2.2. Thể loại phóng sự Thể loại phóng sự là bản tin có tính thời sự cao, phản ánh thông tin sự kiện chi tiết, đầy đủ và hệ thống. Ngôn ngữ mang tính nghệ thuật- chính luận cao, sử dụng một số phương tiện biểu đạt, có tính hình tượng, giàu hình ảnh, sinh động. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nhân vật thường được xuất hiện xen kẽ với “cái tôi” trần thuật của tác giả như là một phương tiện tăng cường tính chân thực, khách quan. Thể loại này thường có TĐ phụ chi tiết hoá thông tin, phân chia thành các chủ đề nhỏ, góp phần tạo nên chủ đề chung cho toàn VB. TĐ ít nhiều sử dụng yếu tố biểu cảm, biện pháp tu từ vừa hạn chế được độ dài vừa có tính hình tượng cao. TĐ thường xuất hiện dưới dạng câu hỏi hoặc những dạng kết cấu có yếu tố lạ, bất ngờ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu ngắn gọn, súc tích. 28 Kết cấu VB phóng sự báo chí gồm: a. Tính cấp thiết của sự kiện hay vấn đề được đặt ra. b. Miêu tả chi tiết (thời gian, địa điểm, diễn biến, kết quả bằng các số liệu, bằng cứ) của quá trình điều tra c. Những dự báo về khả năng, kết quả của sự việc d. Diễn biến tâm trạng của những người có liên quan e. Quan điểm, tư tưởng, thái độ của người viết Nhìn từ kết cấu VB, TĐ thể loại phóng sự luôn biểu cảm và sinh động hơn TĐ của các bản tin. TĐ tin tức chỉ đưa ra những chứng cứ về các vấn đề hay sự kiện nào đó thì phóng sự phản ánh sâu quá trình diễn biến, có trọng điểm, có quan điểm của người viết. 2.1.2.3. Thể loại phỏng vấn Thể loại phỏng vấn cho phép độc giả tường tận sự kiện một cách trung thực, khách quan thông qua đặc trưng của thể loại ở tính linh hoạt, tính năng động và tính trực quan. TĐ thường gặp là một câu hỏi hay bộ phận câu hỏi nêu nội dung cốt yếu của toàn VB. Hoặc TĐ được chọn ra từ một câu hay một đoạn câu nhấn mạnh được nội dung chủ đề VB từ các câu trả lời của người được phỏng vấn. Do đó, đây là thể loại có TĐ tương đối dài so với các TĐ trong các thể loại khác. Kết cấu của một bài phỏng vấn chính là hệ thống các câu hỏi của phóng viên và câu trả lời của người được phỏng vấn. 2.1.2.4. Thể loại tiểu phẩm Thể loại tiểu phẩm có nội dung súc tích, mang tính châm biếm và bắt kịp những vấn đề thời sự đương thời. Kết cấu của một VB tiểu phẩm thường gọn nhẹ, đa dạng, không theo khuôn mẫu nhất định, bao gồm một số nội dung cơ bản sau: a. Nêu vấn đề bình phẩm 29 b. Những phân tích, đánh giá của người viết (ý châm biếm) c. Kết luận (lời phê phán, cảnh tỉnh) Ngôn ngữ được dùng gần với ngôn ngữ văn chương, chứa đựng nhiều biện pháp tu từ (so sánh, ví von, cường điệu, ẩn dụ, nhân cách hoá...), có tính châm biếm, hài hước gây nên sự thích thú, hấp dẫn. TĐ ngắn gọn, thường có trích dẫn được “cải biên” từ các chất liệu ca dao, dân ca, văn học. TĐ được tạo lập sao cho gây nên các tác động tâm lý đối với độc giả, chủ yếu khai thác yếu tố hình thức thể hiện nội dung trong các kết cấu khác thường, bất ngờ. 2.1.2.5. Thể loại bình luận thời sự Thể loại bình luận thời sự là bài phát biểu chính luận cấp bách, kịp thời, giải thích và đánh giá các hiện tượng, sự kiện một cách khách quan, ngắn gọn, chính xác xuất phát từ quan điểm chính trị mà tác giả đưa ra. Cấu trúc VB đa dạng, không theo một khuôn mẫu nhất định. Ngôn ngữ in đậm phong cách của người viết, dùng nhiều từ ngữ có sắc thái chính trị, giàu tính chiến đấu và sức thuyết phục, cấu trúc câu chặt chẽ, vừa khúc triết, rõ ràng lại vừa có tính biểu cảm. Nó thể hiện quan điểm, cách lý giải sắc sảo của người viết cũng như của tờ báo trước một vấn đề thời sự của xã hội. Nhìn chung, TĐ của thể loại bình luận thời sự mang đậm dấu ấn ngôn ngữ của toàn VB và so với các loại TĐ trong các thể loại khác, nó hoạt động tương đối linh hoạt.  Cần thấy, việc xác định số lượng các thể loại trong phong cách báo chí hiện nay còn khá nhiều ý kiến trái ngược nhau. Việc chọn các thể loại: tin tức, phóng sự, phỏng vấn, tiểu phẩm và bình luận thời sự của chúng tôi cũng chỉ là một trong những ý kiến có thể có. Tuy nhiên, thể loại tin tức, nhất là tin tức điển hình là thể loại tiêu biểu nhất cho phong cách báo chí xét trên nhiều phương diện. Do vậy, các kết quả nghiên cứu được đúc kết ở sau không chỉ bó hẹp trong phạm vi của thể loại này. 30 2.2. Đặc điểm ngôn ngữ tin 2.2.1. Tính chất thông tin sự kiện và thời sự nên đặc điểm ngôn ngữ của VB tin về nguyên tắc là phải súc tích. Những yếu tố thông tin cụ thể, có sự chọn lọc, thường theo các thông số 5 Wh+H. Người đọc quan tâm đến bản tin tức là quan tâm đến những sự kiện có ý nghĩa, do đó yêu cầu thông tin ngắn gọn, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu giúp người đọc nhận thức được vấn đề một cách trực tiếp, chính xác. Cũng bởi do yêu cầu của tính thời sự, kết cấu bản tin ngày nay có xu hướng không có TĐ mà tập hợp nhiều bản tin vào chung mục như Tin nhanh, Tin giờ chót, Tin vắn... nhằm thông tin sớm nhất đến người đọc. VB tin không có TĐ đang ngày càng phổ biến vì có những ưu thế như thông tin nhanh, kịp thời, tiết kiệm (ngắn gọn). 2.2.2. Tính khách quan về nguyên tắc là phải phản ánh chính xác về mặt hiện tượng, đúng đắn về mặt bản chất, thể hiện sự tôn trọng độc giả. VB tin phải bám lấy sự kiện và thuật lại một cách hoàn toàn khách quan và vô tư. Đây là đặc điểm chung của tất cả thể loại báo chí. Thể loại tin tức càng yêu cầu cao về sự chính xác, tính khách quan, nó phản ánh đúng như hiện thực khách quan, không thêm thắt những nhận xét, bình luận chủ quan của nhà báo. Điều này có thể thấy qua cách sử dụng ngôn từ bằng phẳng, rõ ràng, không có các suy diễn, hay cách sử dụng những tên con người cụ thể, thời gian, không gian, sự việc, sự kiện cụ thể. 2.2.3. Tính chất “khuôn mẫu” thường thấy trong VB tin, nhất là trong các câu mở đầu. Giao tiếp báo chí không thể thiếu khuôn mẫu vì nó tiết kiệm thời gian và công sức cho chủ thể, thích ứng với việc đưa tin cập nhật, tức thời. Khuôn mẫu là những công thức ngôn từ có sẵn, được sử dụng lặp đi lặp lại nhằm tự động hoá quy trình thông tin biểu đạt. Điều này tạo ra thế ổn 31 định dựa vào một số phương thức định danh quen thuộc và bền vững giúp cho hoạt động giao tiếp trở nên nhanh chóng và thuận tiện. Hãy quan sát: - Theo...., ngày.... tại.... đã xảy ra.... - Hãng tin.... ngày..... cho biết.... - Từ ngày..... tại.... - Tại.... ngày..... Hầu hết các VB tin đều được bắt đầu bằng một câu với các thông số 5 Wh + H, nó trả lời cho câu hỏi When? (khi nào?), Where? (ở đâu?), Who? (ai?), What? (cái gì?), Why? (tại sao?), How? (như thế nào?). Các thông số này tạo nên tính nhất thể, liên tục và tính mạch lạc cho toàn bộ VB. Đồng thời, nó còn cung cấp thông tin “nền” cho hầu hết các VB tin, là phần tiêu điểm cho nội dung thông báo của toàn VB và cũng là hướng triển khai ở phần tiếp theo. 2.2.4. Phương thức nén kín thông tin trong câu thường gặp ở thể loại tin. Yêu cầu ngắn gọn, súc tích “lời ít ý nhiều” nên trong một câu có hiện tượng nén thông tin của nhiều mệnh đề được rút gọn hoặc hợp nhất nhiều thông tin phụ để làm nổi bật thông tin chính. Trong VB tin, phần lớn câu chủ đề nằm ở đầu, cho nên phương thức nén kín thông tin thể hiện rõ nhất trong những câu đầu tiên. Tại những câu này, người viết luôn cố gắng nén các thông số về thời gian, địa điểm, chủ thể, nhân vật, hành động, sự việc. Phương thức nén kín thông tin cho thấy có sự mở rộng phần Thuyết qua việc tập hợp trong câu nhiều thành phần đồng loại hoặc khai thác tối đa tính kế thừa thông báo. Quan sát bước đầu cho thấy, thông tin được gói trọn liên quan đến một vật quy chiếu nhất định làm cho VB tin cô đúc và ngắn gọn. 32 Phương thức nén kín thông tin bằng cách rút gọn còn thường thấy trong việc dùng đến thành phần chêm xen. 2.2.5. Mạch lạc thực chất là “sự nối kết có tính chất hợp lí về mặt nghĩa và về mặt chức năng” [4, tr.94] cho nên trong quan hệ với VB, mạch lạc là một yếu tố không thể vắng mặt. Tuy nhiên, do yêu cầu phải nén kín thông tin nên VB tin ít sử dụng các phương thức liên kết nối hoặc lặp từ vựng mà chủ yếu là sử dụng phương thức thế đại từ và trật tự tuyến tính. Và dù mạch lạc hay liên kết đều ít nhiều lệ thuộc vào vị trí và sự phân bố của câu chủ đề. 2.2.6. Như đã nói, sự phân bố thông tin, các tiêu điểm thông tin lệ thuộc rất nhiều vào loại VB có hay không có câu chủ đề. Câu chủ đề mang thông tin trọng yếu nhất, phản ánh nội dung cốt lõi nhất của đoạn văn, VB. Vị trí của câu chủ đề sẽ quyết định phương thức phát triển thông tin của VB. Các câu khác đứng quanh chỉ có vai trò giải thuyết nội dung của nó. Vì thế, trong VB tin, câu chủ đề thường thấy trong mô hình diễn dịch (mô hình tháp ngược), thích hợp cho việc tiếp nhận thông tin từ phía người đọc, lợi ích cho công tác biên tập trong bối cảnh xã hội thông tin tràn ngập hiện nay. Vai trò của câu chủ đề còn có tác dụng quan trọng trong việc xây dựng kết cấu các nội dung quan yếu trong một VB. Trong báo chí, dựa trên vị trí tập trung thông tin quan trọng để xác lập các kiểu mô hình cấu tạo tin. Quan sát bước đầu, có thể ghi nhận, có nhiều kiểu mô hình cấu tạo cho tác phẩm báo chí: Mô hình tháp ngược: thông tin chính nằm đầu và mức độ quan trọng giảm dần đến phần cuối. Mô hình tháp xuôi: thông tin quan trọng và hấp dẫn được tăng dần cho đến phần kết. 33 Mô hình viên kim cương: thông tin chính nằm giữa. Mô hình đồng hồ cát: phân bố thông tin chính nằm ở phần đầu và phần cuối. Cần thấy ở VB không có câu chủ đề vẫn có thể có thông tin chính, có điều thông tin chính không được tách ra và nêu lên thành một câu đủ rõ mà được dàn đều ở các câu. 2.2.7. VB tin với dung lượng nhỏ, chủ đề chung thường là chủ đề duy nhất. Đối với VB có dung lượng chỉ là một câu thì toàn bộ nội dung thông tin, đề tài-chủ đề được thể hiện trong câu. 2.3. Đặc điểm của TĐVB tin tức TĐVB tin tức được xem như là một VB con có các yếu tố về nội dung, hình thức phù hợp với đặc trưng thể loại mà nó định danh. 2.3.1. Đặc điểm hình thức 2.3.1.1. Nhận diện TĐVB tin tức TĐ là một hệ thống đầy đủ gồm: thượng đề (sur titre), TĐ (titre) và hạ đề (sous – titre). Ngày nay, cách phân bố này có phần linh hoạt, ba bộ phận có thể rút xuống còn hai hoặc một. Bộ phận được giữ lại thường là phần TĐ. Trong luận văn này, phân loại TĐVB tin tức theo ba dạng sau: TĐ đơn lẻ, TĐ chùm, TĐ zéro. Mỗi VB về mặt hình thức thường thấy là tương ứng có một TĐ. Tuy nhiên, trong phong cách báo chí, có thể xuất hiện VB không có TĐ (TĐ zéro), hay một VB có thể có nhiều TĐ được sắp xếp ở những vị trí khác nhau. a. TĐ đơn lẻ Mỗi VB về mặt hình thức có một TĐ tương ứng. Đây là hình thức thường thấy trong VB tin tức, là đối tượng khảo sát chính của luận văn. b. TĐ chùm 34 Bao gồm nhiều TĐ nằm cạnh nhau, có liên quan về mặt ngữ nghĩa, thường bổ sung minh hoạ cho nhau. Chúng thường được bố trí theo mô hình kim tự tháp đảo ngược, theo trật tự giảm dần về mặt ý nghĩa. Theo quan sát bước đầu của chúng tôi, TĐ chùm thường thấy xuất hiện trong VB tin và VB phóng sự. Tuy nhiên, ở hai loại VB này có sự khác biệt. Một VB tin có nhiều TĐ được phân thành TĐ chính, TĐ phụ nhằm hỗ trợ độc giả nắm bắt những thông tin quan trọng trong VB. TĐ phụ được đặt sau TĐ chính nhằm nói rõ hơn ý nghĩa của TĐ chính. TĐ chính nêu nội dung khái quát nhất, chung nhất xét trong quan hệ ý nghĩa đối với VB. TĐ phụ có nội dung chi tiết hơn, cung cấp thêm thông tin quan trọng mà TĐ chính chưa nêu hết được. Ví dụ: (1) Xét xử đường dây thầu đề quy mô rất lớn tại TP.HCM: Cầm đầu đường dây là diễn viên điện ảnh Nguyễn Hùng (TĐ chính) * Diễn viên trẻ Đức Thanh cùng tham gia (TĐ phụ) * Mỗi ngày các sới bạc thu vào từ 30 đến 40 triệu đồng (TĐ phụ) (CAND 12.4.2008) (2) Khai mạc Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X (TĐ chính) * Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu khai mạc (TĐ phụ) (NĐBND 15.01.2008) Cách lập ra TĐ phụ nhằm thu hút sự chú ý của độc giả đồng thời giúp độc giả nắm bắt những thông tin quan trọng trong VB. Trong trường hợp độc giả không đọc hết nội dung VB mà chỉ đọc các TĐ phụ cũng có thể nắm khái quát nội dung VB. 35 VB phóng sự có nhiều TĐ được phân thành TĐ chung, TĐ bộ phận. Các TĐ này nằm cách xa nhau. Mỗi TĐ bộ phận biểu thị một phần nội dung của TĐ chung. VB phóng sự có kết cấu tương đối dài, được chia thành nhiều đoạn nội dung, có tính hoàn chỉnh tương đối, được xem như là một VB con. Và mỗi đoạn nội dung như vậy có khả năng mang TĐ bộ phận. c. TĐ zéro Quan sát của chúng tôi trên báo có những VB tin không có TĐ, còn gọi là TĐ zéro. TĐ zéro đảm nhiệm hai chức năng: chức năng của một TĐ và chức năng mở đầu VB. Do đó, TĐ zéro chi phối các hướng triển khai cấu trúc lô gích ngôn từ theo hướng diễn dịch, các thông tin quan trọng đặt ở đầu VB. TĐ zéro không gắn liền với ngữ cảnh, tuy vậy, TĐ zéro lại không đảm nhiệm là một yếu tố độc lập với VB mà nó gắn liền với VB. Đối với TĐ zéro, những từ đầu tiên là những từ khóa (mang thông tin) đảm nhiệm chức năng của TĐ, được phân biệt với phần còn lại của VB bằng co chữ, kiểu chữ, màu sắc riêng. Thông thường, để gây sự chú ý, đầu mỗi tin vắn được đặt các kí hiệu như gạch ngang ở đầu, dấu hoa thị tròn, tam giác, hình vuông, hình thoi (*, ....). Ví dụ: (3)  Công ty điện lực Pháp EDF hôm qua cho biết 100 nhân viên của nhà máy điện hạt nhân Tricastin bị nhiễm phóng sự rò rỉ từ một lò phản ứng tại đây (THN 25.7.2008). Theo đề tài nghiên cứu, luận văn sẽ không đi sâu vào khảo sát TĐ zéro. Trong chừng mực, chỉ có thể nêu vài vấn đề liên quan để làm sáng tỏ luận văn. 2.3.1.2. Đặc điểm trình bày TĐ là nơi người đọc tiếp nhận thông tin sớm nhất và thu hút họ nhất. Do đó, bất kể yếu tố nào thể hiện trên TĐ đều gây sự chú ý nơi người đọc. 36 Vấn đề trình bày TĐ là yếu tố đập vào mắt họ đầu tiên, “được nhìn trước khi được đọc” [39, tr.61]. a. Kỹ thuật trình bày TĐVB tin tức Trong sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, hầu hết các báo, tạp chí đều khai thác yếu tố kỹ thuật trong việc trình bày TĐVB. Điều này cho thấy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung còn có sự cải tiến không ngừng về hình thức. Độc giả ngày nay không chỉ quan tâm đến nội dung bài báo mà còn thích thú với các bài báo có hình thức trình bày bắt mắt. Nó thoả mãn thị giác người đọc cũng như thách thức trí óc họ lao động. Vì vậy cách trình bày hiệu quả sẽ truyền đạt thông tin nhanh nhất đến người đọc, giúp người đọc nắm chính xác ý đồ của người đưa tin. Các cách trình bày khác nhau thể hiện tính sáng tạo của mỗi tờ báo, đem lại cho TĐ báo một diện mạo không thể lẫn lộn với các báo khác, tạo ra ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Những thông tin quan trọng nhất được đưa vào TĐ, càng đưa nhiều thông tin vào càng tốt. Để tránh dài dòng khi đưa quá nhiều sự kiện vào TĐ, xu thế hiện nay thường có nhiều cách giải quyết. - Viết tắt những từ thông dụng. - Tách thành TĐ chính, TĐ phụ. Những TĐ được trình bày ở trang nhất thường được trau chuốt, gây ấn tượng vì trang này là chỗ thông báo cho bạn đọc những bài đinh, quan trọng của tờ báo. Người ta sẽ chú ý nhiều hơn đến hình thức, co chữ, kiểu chữ, màu sắc, vị trí giữa TĐVB với VB và các đề mục cụ thể, cách trình bày TĐ để làm nổi bật điểm nhấn của TĐ. Trong cách thiết kế TĐ phải phù hợp với mức độ quan trọng của vấn đề. Bài dài, quan trọng thì TĐ thường lớn, trang trọng hơn so với những bài không quan trọng. 37 Chữ trên TĐVB được quan tâm, chọn lựa: có kẻ chân hay không kẻ chân, kiểu chữ, dáng chữ (nghiêng hoặc đứng), co chữ, nét chữ (đậm hoặc nhạt). TĐ là thành tố quan trọng của tờ báo, trình bày có khi đóng khung hoặc không. Ví dụ: (4) TP Hồ Chí Minh Khai mạc Trại hè thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ thành phố (THN 14.7.2007) (5) ĐẢNG BỘ XÃ PHƯỚC TRẠCH (GÒ DẦU) Hội thi báo cáo viên giỏi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (TN 23.8.2007) Sắp xếp khéo không gian trong tờ báo thì vị trí các từ ngữ ở TĐVB giúp độc giả nhận rõ hơn chủ đề, những điều mà bài viết muốn thông tin. Trên bề mặt TĐ, chúng tôi thấy các nhà báo ít sử dụng dấu phẩy để phân đoạn về ngữ nghĩa và phân đoạn câu theo cấu trúc ngữ pháp mà thường sử dụng cách ngắt dòng như một chức năng của dấu phẩy, làm cho câu dễ hiểu và tránh mơ hồ về nghĩa. Có trường hợp hai TĐ của hai bài báo khác nhau được sắp gần nhau. Đây là một cách vừa tiết kiệm không gian trên báo vừa thu hút sự chú ý của người đọc. Ví dụ: (6) Học viện Rouen (Pháp) trao danh hiệu tiến sĩ danh dự cho GS Hoàng Tuỵ * Trao tặng giải thưởng Kovalevskaia năm 2006 (DL 27.12.2007) Trên một số báo, trình bày một TĐVB thể loại tin trang trọng nằm ở trang nhất có khi dẫn hình ảnh. Hình ảnh là một thành tố quan trọng trong 38 trình bày, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật, giúp làm nổi bật chủ đề, nội dung bài báo. b. Gián cách TĐ đơn lẻ, TĐ chùm, nhìn chung, về hình thức có sự gián cách hoặc không gián cách với phần còn lại của VB. Phần lớn TĐ trong các VB tin đều có hình thức gián cách với phần còn lại của VB bằng khoảng trắng. Ví dụ: (7) Hỗ trợ 200 tấn đạm cho thanh niên 5 tỉnh Tây Nguyên Từ ngày 12-19.7, Công ty phân đạm và hoá chất Dầu khí sẽ tổ chức trao tặng 200 tấn đạm hỗ trợ sản xuất cho thanh niên tại 5 tỉnh Tây Nguyên (mỗi tỉnh 40 tấn) là: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum ... (THN 14.7.2007). Thông thường, trong mẩu tin tức, TĐ được phân giới với phần còn lại bằng một khoảng cách đủ để người ta nhận diện đâu là phần TĐ, đâu là phần còn lại của VB. Tuy nhiên, trong xu thế hiện nay, yêu cầu đưa thông tin nhanh, ngắn gọn, chiếm diện tích trang báo một cách ít nhất thì VB tin cũng xuất hiện loại TĐ không có gián cách với phần còn lại của VB mà thay vào đó là việc dùng dấu câu để phân biệt (dấu chấm hoặc dấu hai chấm) . Ví dụ: (8) Đức. Bộ Nội vụ cho biết số người nộp đơn xin tị nạn vào Đức trong năm 2007 giảm 9% còn 19.164 người, thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Serbia có số người tị nạn vào Đức đông nhất, tiếp sau là Iraq. (TT 15.01.2008) (9) Tiền Giang: Thành lập Bệnh viện Cây ăn quả ĐBSCL. Tin từ viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam ngày 3.7, đơn vị vừa đưa vào hoạt động ...(LĐ 4.7.2007) 39 c. Ngắt dòng Trong kỹ thuật trình bày TĐ, cách ngắt dòng được quan tâm, chú ý sao cho hợp lí. Ngắt dòng hợp lí sẽ tạo không gian làm nổi bật những yếu tố cần thiết và có tác dụng nhấn mạnh chúng, đồng thời là yếu tố giúp người đọc có khoảng nghỉ trong quá trình giải mã. Ví dụ: (10) Quảng Nam: Một con heo giá bằng một con gà tại TP.HCM (PL 6.7.2007) Ngắt dòng không đúng, không hợp lí sẽ làm cho nội dung TĐ mơ hồ, thậm chí làm sai lạc ý nghĩa bài báo. (11) Công ty cơ khí Tây Ninh: Nhập lô hàng đầu tiên xe ba bánh mới thay thế xe lôi máy (TN 15.01.2008) Cách ngắt dòng từ “mới” làm mất đi tính chính xác của nội dung. Bài báo nêu loại xe “ba bánh mới” nhập từ Trung Quốc thay thế cho xe lôi máy không còn được lưu thông. Với cách đặt TĐ như trên, bài báo dễ gây ngộ nhận là nhập xe ba bánh về mới được thay thế cho xe lôi máy. Lẽ ra nên đặt TĐ như sau: Công ty cơ khí Tây Ninh: Nhập lô hàng đầu tiên xe ba bánh mới thay thế xe lôi máy Chú ý vấn đề phân đoạn hình thức đối với TĐ sao cho khi ngắt TĐ không ngắt mạch ý. Ngắt dòng sai có thể do nhiều nguyên nhân. Có khi do người dàn trang đã không chú ý đến đến sự phân đoạn ngôn từ thích hợp đã dẫn đến cách ngắt mạch ý TĐ. 40 (12) Hoà Bình: Triển khai chiến dịch nhận thức môi trường ngành giáo dục (GD&TĐ 7.4.2007) Cách ngắt dòng đúng lẽ ra nên là: Hoà Bình: Triển khai chiến dịch nhận thức môi trường ngành giáo dục Trình bày TĐ có khi lệ thuộc vào cột báo, có thể bị chi phối một hay nhiều dòng nhưng thường hạn chế ít nhất số dòng. (13) (DT&PT 28.9.2007) Ninh Bình phát triển nuôi ếch giống mới ở vùng trũng TĐ trên được trình bày trong không gian báo có bề ngang nhỏ, cách phân đoạn không được trọn ý nhưng vẫn chấp nhận được vì nằm gọn trong tầm nhìn của người đọc và không ảnh hưởng đến sự đứt đoạn ý. Nhưng cũng có khi “quỹ đất” của báo quá hạn hẹp đã ảnh hưởng đến cách bố trí, sắp xếp TĐ. (14) Tháng 6, giá cả hàng hoá tiếp tục ổn định, nhiều nhóm hàng giảm nhẹ (TBKTVN 27.9.2007) Lẽ ra nên là: Tháng 6, giá cả hàng hoá tiếp tục ổn định, nhiều nhóm hàng giảm nhẹ 41 Trong cách trình bày TĐ tin tức, ngoài những hình thức thông dụng, theo quan sát của chúng tôi, nổi lên hai hình thức đáng quan tâm sau: TĐ A: B A B TĐ có hai phần A, B được phân đoạn (A:B, ) in thành dòng riêng, có cỡ chữ, màu sắc, cách trình bày khác nhau nhằm nhấn mạnh các nội dung thông tin. A B Ví dụ: TĐ được trình bày theo hình thức A:B (15) Cơ quan CSĐT Bộ Công an: Đã trưng cầu giám định tử thi một nạn nhân bị sát hại ở nước ngoài (CAND 12.4.2008) Ví dụ: TĐ được trình bày theo hình thức AB (16) Dịch sốt xuất huyết kéo dài đến cuối năm TP.HCM chi 4 tỷ đồng dập dịch (GD 29.10.2007) d. Viết tắt Trên các TĐ báo thường gặp cách viết tắt. Viết tắt ngoài tác dụng thu hút thị giác người đọc, người đọc chỉ cần lướt mắt qua là có thể nắm được nội dung của các tắt tố, nó còn làm tăng hiệu quả chuyển tải thông tin. Cần thấy dạng viết tắt ở TĐVB có sự khác biệt so với viết tắt ở phần thân VB. Tránh dài dòng và mất thời gian (người đọc), đồng thời tiết kiệm không gian báo, dạng viết tắt ở phần thân VB xuất hiện lần đầu được viết cùng với dạng nguyên (được viết trong ngoặc đơn) như là một sự giải mã của những kí hiệu viết tắt đó. Còn ở TĐVB, dạng viết tắt không xuất hiện cùng với dạng nguyên và thường là những từ, cụm từ quen thuộc, được người đọc thừa nhận, hiểu rõ. 42 Trong các VB báo chí, dạng viết tắt thậm chí trở thành các hình thức quen thuộc và thông dụng, giúp cấu tạo ra các ký hiệu mới. Các dạng tắt tố thường thấy trên các TĐVB tin tức: (i) Dạng tắt chữ viết Tránh dài dòng và chiếm nhiều không gian trên báo, các từ ngữ quen thuộc (thường là tên các tổ chức, các cơ quan, đơn vị, các chức danh… trong và ngoài nước) được dùng viết tắt dựa trên những chữ cái đầu mỗi âm tiết. Ví dụ: (17) ĐCS Việt Nam và ĐCS Trung Quốc tăng cường hợp tác (DT&PT 28.9.2007), Hàn Quốc cam kết hỗ trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên (GD&TĐ 7.4.2007) “ĐCS” là từ viết tắt “Đảng Cộng sản”, “CHDCND” là từ viết tắt “Cộng hoà dân chủ nhân dân” Dạng tắt chữ viết tuy dựa trên những từ ngữ quen thuộc nhưng ở một lĩnh vực nào đó vẫn có phạm vi hẹp. Ở hai ví dụ trên, người đọc muốn giải mã được chữ viết tắt thì cần phải có kiến thức về chính trị- xã hội. Tương tự, ở các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thể thao, ... người đọc cũng cần có sự am hiểu tương đối mới có thể hiểu được nghĩa của từ viết tắt. Do đó, ngoài những mặt thuận lợi như đã phân tích, trên báo chí thiết nghĩ cần hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng từ viết tắt. Bên cạnh dạng viết tắt tiếng Việt còn có dạng viết tắt hoàn toàn là chuỗi từ tiếng nước ngoài. Các từ ngữ tiếng nước ngoài khó hiểu, khó nhớ nên sử dụng viết tắt để thuận tiện trong việc giao tiếp, thông tin đến công chúng. Ví dụ: (18) Chiến lược chung của IMF và WB (DT&PT 28.9.2007) “IMF” viết tắt từ “International Monetary Fund”, dịch nghĩa là “Quỹ tiền tệ quốc tế” 43 “WB” viết tắt từ “Word Bank”, dịch nghĩa là “Ngân hàng thế giới” (19) Blatter tiếp tục làm chủ tịch FIFA nhiệm kỳ 3 (GĐ&XH 5.4.2007) “FIFA” viết tắt từ “Fédération Internationale de Football Association”, dịch nghĩa là “Liên đoàn bóng đá quốc tế” Báo chí với chức năng thông tin càng phải làm tốt vai trò của mình qua cách sử dụng các dạng viết tắt tiếng nước ngoài phù hợp, dễ hiểu. (ii) Dạng tắt từ vựng Dạng này không còn là việc ghi tắt các âm tiết đầu cho gọn mà có chức năng định danh. Trong trường hợp có thể, viết tắt từ vựng kết hợp chữ cái đầu với một nguyên âm đi sau, xem đó như một đơn vị từ vựng. Ví dụ: (20) Cần Thơ: Ra mắt Cty Sadico Đó là Cty CP Sadico Cần Thơ, thành lập sau khi CPH Cty sản xuất – kinh doanh vật liệu xây dựng TP.Cần Thơ (Cty Sadico Cần Thơ)... (LĐ 4.7.2009). Từ “Sadico” là viết tắt của cả cụm từ “ Công ty sản xuất – kinh doanh vật liệu xây dựng”. Tương tự, Sacombank là từ viết tắt của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín. e. Viết hoa TĐ tin tức thường gặp những trường hợp viết hoa sau: Viết hoa về mặt cú pháp và viết hoa tu từ. Viết hoa về mặt cú pháp là tuân theo quy tắc chính tả tiếng Việt. Viết hoa tu từ có sự khác biệt giữa cách viết chữ thường và viết chữ hoa có tác dụng khu biệt, nhằm nhấn mạnh thông tin cần truyền tải. 44 (i) Viết hoa về mặt cú pháp Viết hoa bắt đầu của câu nhằm phân đoạn về cú pháp, tiếp ngay sau dấu hai chấm, cách viết này phổ biến và ổn định, thường gặp trong TĐVB có mô hình A:B và . A B Ví dụ: (21) Kết thúc kỳ họp thứ 9 – HĐND TP Hà Nội khoá XII: Miễn nhiệm và bầu lại hai phó chủ tịch (THN 14.7.2007) (22) Thái Lan Tiếp tục biểu tình đòi thủ tướng từ chức (SGGP 15.3.2006) (ii) Viết hoa tu từ Ví dụ : (23) Palestine: Một Intifada mới (TG&VN 28.4 đến 11.5.2007) Từ “Intifada” được viết hoa nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của “cuộc nổi dậy” mới sau hai cuộc nổi dậy trước đó tại Palestine.  Rõ ràng, đối với báo in, kỹ thuật trình bày có một vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ là những dấu hiệu hình thức đập vào mắt người đọc, gây sự chú ý mà còn là phương tiện rút gọn khoảng cách tìm tin, phân biệt các loại tin chính, tin phụ, thậm chí là các tiêu điểm thông tin, tương phản thông tin, thông tin bộ phận, thông tin toàn thể... Một số hình thức như phân đoạn (ngắt dòng), sử dụng các tắt tố, các cách viết hoa tu từ... mà luận văn vừa đề cập chỉ có tính chất gợi ý, còn nhiều vấn đề về hình thức cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu. 2.3.1.3. Đặc điểm kết cấu a. Kết cấu từ Kết cấu TĐ ngoài từ thuần Việt còn có các yếu tố vay mượn, những từ gốc Hán được Việt hoá có sự thay đổi về cách cấu tạo, kết cấu ngữ nghĩa, 45 phạm vi sử dụng, về mặt phong cách, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều từ ngữ Hán được vay mượn vẫn giữ nguyên kết cấu, ý nghĩa cơ bản như ở lĩnh vực chính trị: quần chúng, nhân dân, chủ tịch, thủ tướng..., các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, sinh viên, v.v… Theo quan sát của chúng tôi, TĐVB điển hình thường sử dụng từ ngữ Hán - Việt cho những bản tin trang trọng (thuộc đề tài chính trị-ngoại giao) như Hội nghị về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới (TN&MT 25.10.2007) hay những bản tin yêu cầu ngắn gọn, chính xác (thuộc đề tài khoa học kỹ thuật) như Hội thảo tập huấn viết đề xuất và thực hiện đề tài khoa học (THĐCHKH&KT 20.1.2007) VB tin sử dụng lớp từ thuần Việt một cách rộng rãi để thông tin đến với đông đảo công chúng được dễ dàng như Kết bạn với …kẻ cướp (GĐ&XH 5.4.2007), Tuyển VN: háo hức chờ giờ bóng lăn (TT 1.8.2008) VB báo chí là nơi tiếp nhận tiếng nước ngoài rõ nhất thông qua thể loại tiêu biểu- tin tức. Trong quá trình phát triển, việc vay mượn từ tiếng nước ngoài là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu tư duy và giao tiếp. Với tư cách là một bộ phận được lựa chọn cẩn trọng, TĐVB tin tức chịu ảnh hưởng rất lớn từ tiếng vay mượn nước ngoài. Tuy nhiên, đây là những lớp từ khó đọc, khó nhớ, khó hiểu đối với đông đảo công chúng. Để khắc phục những khó khăn đó, báo chí đã tìm cách thuần hoá lớp từ ngữ vay mượn theo hướng đại chúng: tiện lợi, dễ hiểu, ngắn gọn, đưa lớp từ này đến gần người đọc hơn: Mít-tinh kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (CATP.HCM 10.2.2007), Xe cảnh sát bằng cạc- tông (THN 25.7.2008), Nhiều tuýp virút cúm gia cầm đang lưu hành ở Việt Nam (TN&MT 25.10.2007) 46 Có những từ ngữ dùng lâu ngày và ổn định như mít tinh, internet, karaoke,... Có những từ ngữ mới "nhập", ta thấy dịch không thuận bằng cách phiên âm nhưng được Việt hoá như chụp Xi-ti, vi rút, v.v... Trường hợp cần thiết thì vay mượn có nguyên tắc, đó là làm phong phú thêm tiếng ta mà vẫn giữ vững bản sắc dân tộc. Từ cổ dần dần ít xuất hiện nhường chỗ cho lớp từ mới trên các VB báo chí. Từ mới là một hiện tượng phổ biến trong mọi ngôn ngữ, ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí. Nó làm giảm tải gánh nặng ghi nhớ từ ngữ cho người đọc mà vẫn đáp ứng được sự biểu đạt những đối tượng, hiện tượng, khái niệm mới như gói kích cầu, chỉ số, phân cấp, v.v… Những từ nghề nghiệp, thuật ngữ đều thấy xuất hiện trên TĐVB điển hình lẫn TĐVB không điển hình. Những thuật ngữ khoa học điện tử như video, mạng, CPU, phầm mềm, hệ điều hành, chương trình, con chuột, virus, v.v…; những thuật ngữ thể thao như đẳng cấp, huấn luyện viên, cầu thủ, phạt đền, vận động viên, v.v… ban đầu người đọc tiếp nhận còn bỡ ngỡ, nhưng ngày nay là những từ hết sức quen thuộc. Đối với VB báo chí, lớp thuật ngữ mang tính chất nghề nghiệp xuất hiện khá rõ nét: phóng viên, cộng tác viên, tin tức, thời sự, độc giả, công chúng, v.v… Tiếng lóng và tiếng địa phương được dùng rất hạn chế về mặt xã hội do không đáp ứng được yêu cầu phổ dụng. Trên các VB báo càng ít xuất hiện tiếng lóng và tiếng địa phương. Mặc dù vậy, nếu tiếng lóng không thô tục mà chỉ là những tên gọi có hình ảnh của sự vật, hiện tượng nào đó có thể được dùng phổ biến, dần dần thâm nhập vào ngôn ngữ toàn dân: “Lật kèo” mua bán đất, một giám đốc bị tạm giữ (TT 29.4.2008), Bắt giữ 10 đối tượng phe vé trận VN- Olympic Barazil (TT 30.7.2008) 47 “Lật kèo” với nghĩa đi ngược lại cam kết, thoả thuận, có ý lừa đảo, chiếm đoạt. “Phe vé” để ám chỉ dân buôn bán vé chợ đen. Trong một vài trường hợp, nhiều từ ngữ địa phương xuất hiện trên các báo địa phương có thể được chấp nhận. Đó là những từ ngữ biểu thị những tên gọi, hoạt động mang tính chất đặc thù nhưng không đối lập hoàn toàn với từ toàn dân hoặc những từ địa phương đang có hiện tượng “tranh chấp” để được thừa nhận là từ toàn dân cũng được chấp nhận xuất hiện trên báo chí. Ví dụ: (24) An Giang: Đào lộn hột trúng mùa, được giá (DT&MN 6/2004) Ở một vài địa phương miền nam, người dân vẫn còn dùng từ đào lộn hột thay cho từ điều có tính phổ thông. (25) QUẢNG NAM: Một con heo giá bằng một con gà tại TP.HCM (PL 6.7.2007) (26) Australia, New Zealand thu hồi mền Trung Quốc vì có tẩm formaldehyde (TN 23.8.2007) Heo, mền hay cách gọi tên khác là lợn, chăn vẫn được dùng song song một cách phổ biến. TĐVB tin thường dùng nhiều từ ngữ có màu sắc trang trọng thể hiện nội dung mang tính chất nghiêm túc. Khảo sát cho thấy TĐVB điển hình phổ biến các lớp từ ngữ này. Sử dụng từ Hán Việt cũng góp phần định hình phong cách mang sắc thái trang trọng trên các TĐ. Trong TĐVB không điển hình tuy có phần ít hơn nhưng vẫn có sử dụng lớp từ này trong các VB có nội dung quan trọng. Thông tin trên VB báo chí phải đảm bảo tính khách quan, trung thực. Trong thể loại tin hạn chế dùng từ ngữ mang sắc thái biểu cảm, có sự đánh giá chủ quan, làm lệch lạc đi tính chính xác của sự kiện. Tuy nhiên, do đặc trưng thể loại tin tức vốn khô khan cho nên ngay từ yếu tố người đọc tiếp xúc đầu 48 tiên là TĐVB, người viết cần chọn lọc và sáng tạo những từ ngữ có màu sắc biểu cảm giúp quá trình thông tin diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Ví dụ: (27) Nghệ An: Tưng bừng Ngày hội VH-TT các dân tộc Quỳ Hợp Cùng với Lễ hội văn hoá truyền thống Mường Ham, Lễ hội 19.4 chính thức trở thành Ngày hội Văn hoá- Thể thao các dân tộc của Quỳ Hợp được tổ chức hàng năm vào ngày 19.4, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc huyện miền núi Quỳ Hợp. Trong những ngày này, tại khu vực hồ Thung Mây-nơi diễn ra những hoạt động chính của lễ hội- hàng chục ngàn người đủ mọi lứa tuổi từ các bản làng thuộc 21 xã, thị trấn trong huyện cùng nhau về với Lễ hội trong niềm hân hoan..... Đêm Thung Mây như bừng lên với 44 chiếc đèn trời, tượng trưng cho 44 năm ngày thành lập huyện-được thắp sáng và lần lượt nối nhau từ từ bay trong sự háo hức của hàng chục ngàn người đứng kín bờ hồ Thung Mây. Khép lại những ngày hội là nhịp cồng chiêng, nhịp chày khắc luống trong bài hát Quỳ Hợp ơi, đến hẹn lại về... (VH 25.4.2007) Một bản tin khá chi tiết về ngày lễ hội của các dân tộc Quỳ Hợp. Người đọc như bị cuốn hút vào bản tin bởi nhịp điệu ngôn ngữ hối hả, rộn rã, và hàng loạt từ ngữ gợi hình ảnh, sinh động: hàng chục ngàn người, niềm hân hoan, bừng lên, sự háo hức của hàng chục ngàn người đứng kín bờ hồ, nhịp cồng chiêng, nhịp chày khắc luống. Chính những từ này đã nêu bật chủ đề của bản tin thể hiện trên TĐVB, đó là sự tưng bừng trong ngày hội ở Nghệ An. Qua khảo sát của chúng tôi, lớp khẩu ngữ hầu như ít được sử dụng trong các VB báo chí, nếu có chỉ thấy trong các VB không điển hình do nhu cầu định danh. Và tương ứng với nó, TĐVB cũng có thể xuất hiện các yếu tố này. Ví dụ: (28) Bị thử nồng độ cồn, đòi “đục” cảnh sát (TN 15.01.2008), 49 Xém “uýnh” nhầm đồng đội (THN 4.8.2009). b. Kết cấu cú pháp Do ở vị trí khá đặc biệt, có tính chất tách biệt trên chuỗi hình tuyến văn tự giữa TĐ với phần còn lại của nó cho nên TĐ xét về mặt thông báo và kết cấu là một thông điệp hoàn chỉnh, có tính độc lập khá cao. Căn cứ vào cấu trúc ngữ pháp, TĐVB tin tức có thể chia thành câu Đề- Thuyết, câu chỉ có phần Đề, câu chỉ có phần Thuyết, câu không xác định thành phần. Xét về mục đích phát ngôn, TĐVB tin tức đều sử dụng các kiểu câu chia theo mục đích nói. (i) Câu xét theo cấu tạo Số liệu khảo sát của chúng tôi trên 1000 TĐVB tin tức điển hình và 1000 TĐVB tin tức không điển hình. Bảng 2.1: Bảng thống kê các loại câu xét theo cấu tạo Các loại TĐ Câu Đề- Thuyết Câu chỉ có phần Đề Câu chỉ có phần Thuyết Câu không xác định thành phần TĐVB tin tức điển hình (1000) 766 20 171 43 TĐVB tin tức không điển hình (1000) 624 60 297 19 Bảng 2.1 cho thấy TĐ là câu Đề- Thuyết có tần xuất xuất hiện cao nhất trong thể loại tin như: Nhật Bản hỗ trợ 1 tỷ 10 triệu yên cho Việt Nam (KTVN 1.7.2003), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 (TC 10.2005), Na Uy hạn chế khách du lịch tới quần đảo Svalbard tại Bắc Băng Dương (VH 4.7.2008), Hà Nội: Phá ổ nhóm trộm 40 xe máy (TP 15.7.2008). 50 Kiểu TĐ có tần suất xuất hiện cao thứ hai là câu đơn chỉ có phần Thuyết. TĐ chỉ có phần Thuyết là những TĐ mà người phát chủ định lược bỏ phần Đề để tạo sự cân đối, gọn gàng cho TĐ bài báo hoặc muốn gửi gắm những ý tưởng của mình như không muốn nhấn mạnh chủ thể của hành động mà chỉ chú ý đến hành động của chủ thể. VD: Khen thưởng 37 tập thể và 250 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát lập công xuất sắc (LĐ 18.7.2008), Trao giải cuộc vận động sáng tác văn học, ca khúc về đề tài biên phòng (BP 19-26.2.2004), Giả là người của lãnh sự quán Mỹ để lừa đảo (CATP.HCM 19.4.2007), Đầu tháng 8, trình Chính phủ NĐ Sáng kiến (ĐV 16.7.2008) TĐ chỉ có phần Đề và câu không xác định thành phần tần số xuất hiện tương đối thấp. TĐ là câu chỉ có phần Đề thường do cụm danh từ đảm nhiệm như Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (BP 19- 26.2.2004), Kỷ lục tài trợ áo ở Bundesliga (BĐ 11.7.2007), Lễ ra mắt cổ đông chiến lược của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai (CATPHCM 10.2.2007), Chiến lược chung của IMF và WB (DT&PT 28.9.2007) TĐ là câu không xác định thành phần do một từ hoặc một cụm từ đảm nhiệm. Loại câu này khó xác định được thành phần Đề hay Thuyết. Theo quan sát của chúng tôi, danh từ, cụm danh từ chiếm phần lớn trong các TĐVB không xác định thành phần. Thường là các danh từ chỉ tên riêng của một quốc gia hay một địa phương. Dạng này được bản tin đưa ra làm bối cảnh thông báo nơi xảy ra sự kiện mà bản tin đề cập đến. Các từ loại khác tần số xuất hiện không phổ biến lắm. VD: 160 triệu USD (GD&TĐ 3.12.2006), “Vì một nền công nghiệp sạch và vì môi trường xanh” (KTVN 1.7.2003), Bình Định (CATP.HCM 12.7.2008), Võ cổ truyền (BĐ 11.7.2007), Quebec, Canada (NĐBND 15.1.2008) 51 Như đã nhận xét, TĐ không xác định thành phần và TĐ chỉ có phần Đề, thoạt nhìn dễ tưởng rất giống nhau bởi vì chúng đều do danh từ hoặc danh ngữ đảm nhiệm. Tuy nhiên, xét về mặt chức năng thì TĐ chỉ có phần Đề hoặc dễ dàng suy ra phần Thuyết hoặc toàn bộ phần còn lại là phần Thuyết, trong khi đó, TĐ không xác định thành phần lại không nhận diện bằng hai thao tác này. Chúng tôi nhận thấy, câu Đề- Thuyết có tần xuất xuất hiện trong TĐVB điển hình chiếm cao hơn TĐVB không điển hình, trong khi đó câu chỉ có phần Thuyết xuất hiện nhiều hơn trong TĐVB không điển hình. Nhìn chung, câu Đề- Thuyết trong TĐVB tin điển hình thường dài, chi tiết sự kiện và mang màu sắc trang trọng. Cấu trúc ý nghĩa TĐVB tin điển hình đơn giản, ít tồn tại các thông tin nội dung mang nghĩa hàm ẩn mà chỉ có thể là thông tin nội dung sự việc tường minh, đôi khi các thông số thuộc về Wh và H của VB lại xuất hiện ngay trong kết cấu TĐVB. Quan sát một số TĐVB tin điển hình xếp theo chủ đề sau: - TĐVB về chính trị- ngoại giao: Ngày 19-7, tại Hà Nội, khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII (ND 14.7.2007), Hôm nay, 2-10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia: Khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X (QĐND 2.10.2007) - TĐVB về khoa học- kỹ thuật: Tháng 10: Lào Cai được sử dụng dịch vụ Wimax (DT&PT 28.9.2007), Giống cao su cho vùng Tây Bắc: Lặp lại thí nghiệm nhiều lần để chọn ra giống tối ưu (CSVN 1.1.2008), Toshiba sẽ mở Trung tâm phần mềm tại Việt Nam (NĐBND 9.5.2007) - TĐVB về quân sự: Iraq: Ra mắt lực lượng nữ cảnh sát (ĐV 16.7.2008), Lực lượng vũ trang huyện Hoà Thành: Diễn tập chiến đấu trị an năm 2008 (TN 1.7.2008), Diễn biến các âm mưu khủng bố ở Anh: Bắt thêm một nghi can (LĐ 4.7.2007) 52 - TĐVB về kinh tế- thị trường: Tập đoàn bất động sản Anh quan tâm tới các dự án lớn tại TP.HCM (VH 23.4.2007), Vốn FDI của miền Trung và Tây Nguyên đạt trên 4 tỷ USD (NĐBND 9.5.2007), Ngày 24/4, Mỹ sẽ tiến hành điều trần công khai đầu tiên liên quan đến cơ chế giám sát hàng dệt may của VN (PNVN 23.4.2007) Cấu trúc ý nghĩa TĐVB tin không điển hình phức tạp, phong phú (nhưng không đáng kể như các thể loại khác), có thể xuất hiện yếu tố bình giá, yếu tố biểu cảm, không ít trường hợp có sử dụng biện pháp tu từ, có khả năng chứa các loại ý nghĩa phải suy luận mới nắm bắt được. Quan sát một số TĐVB tin không điển hình xếp theo chủ đề sau: - TĐVB về thể thao: Robbie Keane “cập bến” Liverpool (TT 30.7.2008), Manchester City “ra giá” cho Ronaldinho (HNM 16.7.2008), Mc Donal’s đắt hàng (TNTT 9.8.2008). - TĐVB về văn hoá- văn nghệ: Danh hài Hoài Linh... yêu bao lâu? (CATPHCM 19.4.2007), Tổ chức “ngày Việt Nam” tại Nhật và Ấn Độ (PL 2.5.2008). - TĐVB về an ninh trật tự: “Chuột” đục tường (CATP.HCM 25.10.2008), Giấc ngủ trưa đắt giá (CATP.HCM 12.7.2008), Hà Nội: Triệt phá “ổ” phân phối mỹ phẩm giả liên tỉnh (GĐ&XH 5.4.2007). - TĐVB về đời sống xã hội: Lập công ty “ma” bán hoá đơn (CATP.HCM 12.7.2008), TPHCM: Đề xuất nhiều giải pháp “cứu” xe buýt (TP 24.7.2008), Singapore: “Công thức” tăng trưởng mới (TG&VN 28.4 đến 11.5.2007). 53 (ii) Câu xét theo mục đích nói Bảng 2.2: Bảng thống kê các loại câu theo mục đích nói Câu trần thuật Câu hỏi Câu cầu khiến Câu cảm thán TĐVB tin tức điển hình (1000) 965 4 30 1 TĐVB tin tức không điển hình (1000) 972 8 7 13 Việc lựa chọn các kiểu loại câu để phản ánh thông tin tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể do yêu cầu thể loại quy định (tin tức là những gì khách quan, trung thực thì chọn kiểu câu trần thuật là phù hợp), có thể do nội dung đề tài chi phối, và có thể do nhân tố giao tiếp trong việc lựa chọn kiểu câu nào thích hợp để có giá trị thông tin cao nhất. Kết quả trên cho thấy, phần lớn các câu được dùng trong TĐVB là câu tường thuật. Điều này cũng phù hợp với nhận định “Cấu trúc câu trần thuật là cấu trúc câu cơ bản” [31, tr.123]. Đối với phát ngôn trần thuật, người viết thể hiện thông báo như một lời xác nhận, một điều xác tín đối với người đối thoại, về một sự tình coi là hiện thực. Trong các bản tin, câu hỏi, câu cầu khiến ít gặp. Tuy nhiên, nếu có xuất hiện trong bản tin, các loại câu này thực hiện nhiều ý đồ thông tin khác nhau. Những phát ngôn cầu khiến thể hiện nội dung sự tình như là điều khuyên, chỉ dẫn. Điều này cũng phù hợp với chức năng định hướng dư luận trong báo chí. Ví dụ: (29) Phải đa dạng hoá hình thức học tập (TT 15.01.2008) Ngoài ra, cách đặt TĐ kết thúc bằng câu cảm thán còn làm cho người đọc cảm thấy sự kiện có vấn đề, cho nên người đọc sẽ tìm hiểu thêm thông tin ở phần NDVB. 54 (30) Benzema giá 60 triệu euro! Sau khi Chủ tịch Ramon Calderon tiết lộ mục tiêu của Real mùa tới là tiền đạo trẻ Karim Benzema của Lyon thì người đồng nhiệm Jean-Michel Aulas bên phía đội bóng Pháp đã đáp trả bằng tuyên bố: “Sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu như Real chìa ra 60 triệu euro”.....(TT&VH 29.10.2007) Như vậy, Benzema giá 60 triệu euro! là thông tin chưa chắc chắn cho nên không được khẳng định bằng câu trần thuật. TĐ câu hỏi tạo cảm giác đối thoại giữa nhà báo và độc giả. Chúng là những thông tin định hướng cho phản ứng hồi đáp. Dùng câu hỏi vừa gợi sự suy tưởng vừa thu hút được sự chú ý không nhỏ của độc giả trong việc tìm câu trả lời ở phía dưới VB. (31) Thaksin đối mặt với bản án 10 năm tù? (BĐ 11.7.2007) NDVB đưa tin ông Thaksin vừa có trát hầu toà vào tháng tới với tội danh tham nhũng. Nếu ông thuyết phục được mình vô tội trước các chủ toạ thì ông sẽ phải đối mặt với một bản án 10 năm tù giam. TĐVB đặt ra câu hỏi chủ yếu để thông báo liệu ông Thaksin có phải đối mặt với bản án 10 năm tù (trong tương lai), không phải câu hỏi đặt ra cho độc giả trả lời. Đây cũng là cách nêu ra vấn đề để độc giả tự tìm hiểu câu trả lời (độc giả nào quan tâm sẽ theo dõi sắp tới ông Thaksin như thế nào). Khi đặt vấn đề là câu hỏi, người phát đã không đưa ra nhận định là Thaksin đối mặt với bản án 10 năm tù (đó là cách dùng câu trần thuật) mà đưa ra câu hỏi để ngỏ cho thấy sự khách quan trong việc đưa tin. (32) Cờ nước nào lớn nhất? Israel hiện là nước sở hữu lá quốc kỳ lớn nhất thế giới, theo công bố mới nhất của Guinness.....(NTNN 29.12.2007) Từ NDVB người đọc đã tìm thấy câu trả lời. Đây là cách đặt TĐ nhằm thu hút người đọc, là cách gợi trí tò mò của người đọc. 55 2.3.1.4. Đặc điểm khuôn mẫu a. Một số khuôn mẫu thường gặp Khuôn mẫu ngôn ngữ của TĐ thường được sử dụng để đặt nhiều TĐ tương tự với sự thay đổi ở những từ ngữ liên quan đến nội dung. Việc xác định mô hình kết cấu TĐ trong VB tin không những giúp phân biệt được loại điển hình/không điển hình mà còn tạo ra những công thức chung cho việc lập ngôn và thụ ngôn. Năm nào cũng luôn có những loại sự kiện giống nhau và giống những năm trước. Từ những ngày lễ, tết, kỉ niệm, tổng kết thành tích có những khuôn TĐ: “Kỉ niệm … năm ngày…”, “Tăng cường…”, “Trao tặng…” như: Kỷ niệm 44 năm thành lập Tạp chí Công an nhân dân (CA TP.HCM 12.7.2008), Kỷ niệm 60 năm đề cương văn hoá Việt Nam (TCHĐKH 7(530) /2003) Liên quan đến đề tài cũng có những khuôn TĐ cho đề tài đó. Đề tài chính trị-ngoại giao có: “Yếu nhân tiếp/thăm chính thức yếu nhân…”, “Yếu nhân thăm và làm việc tại…”, “Kỳ họp thứ…”, “Khai mạc kỳ họp/hội nghị…” như: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Chủ tịch Thượng viện Pháp (SGGP 30.7.2008), Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tiếp chủ tịch Thượng viện Pháp (TT 30.7.2008), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp Đại sứ Brazil tại Việt Nam J.D.M.Lima Neto (TTĐN 8/2005), Khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X (SGGP 15.01.2008), Khai mạc Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X (NĐBND 15.01.2008) Đề tài an ninh trật tự có: “Phá…”, “Bắt…”, “Phát hiện…” như: Phá băng nhóm trấn lột xe khách chở bệnh nhân (THN 1.8.2008), Phá một đường dây làm bằng giả (NĐBND 15.01.2008), Phát hiện điện thoại di động nhập lậu (HNM 16.7.2008), Phát hiện kịp thời(CATP.HCM 12.7.2008), 56 Phát hiện mới 343 tấn rác phế liệu nhập khẩu trái phép (TN&MT 25.10.2007), Bắt Phó giám đốc Văn phòng đăng ký QSDĐ (NĐBND 15.01.2008), Bắt một ổ ghi số đề (TN 23.8.2007), Bắt giam kẻ hành hung cụ Phạm Thị Nài (THN 15.01.2008) Người thụ ngôn khi tiếp xúc với các TĐ có sử dụng khuôn mẫu sẽ thuận lợi trong việc nhận ra bài báo thuộc đề tài nào. Khuôn TĐ dù hay, hấp dẫn đến mấy nhưng đi vào lối mòn cũng trở nên nhàm chán. Vì vậy, người viết báo luôn cố gắng tìm kiếm những TĐ có hình thức mới mẻ, sáng tạo. b. Trích dẫn trong TĐVB Trích dẫn là một phương thức sử dụng ngôn ngữ mang lại những hiệu quả quan trọng cho việc chuyển tải thông tin và thông điệp của người viết báo. Khi lập một một TĐVB, người viết có thể sử dụng các phương tiện ngôn ngữ do chính mình lập ra hoặc trích dẫn lời người khác theo một cách diễn đạt có sẵn nào đó. Trong các TĐ báo thường có các loại trích dẫn sau: TĐ trích dẫn trực tiếp (TĐ trích dẫn hoàn toàn), TĐ trích dẫn gián tiếp (TĐ trích dẫn bộ phận) . (i) TĐ trích dẫn trực tiếp hay còn gọi là TĐ trích dẫn hoàn toàn có cấu trúc là lời dẫn trực tiếp từ một văn bản/ngôn bản khác. Các TĐ trích dẫn trực tiếp xuất hiện thường tương đối ngắn mang ý nghĩa trọn vẹn, đầy đủ và súc tích, gây được sự chú ý của người đọc. Sử dụng lời dẫn trực tiếp khi một nhân vật quan trọng nói điều gì quan trọng, hay một ai đó nói điều gì một cách độc đáo. Ví dụ: (33) Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “Sẽ không điều chỉnh tăng giá dầu đến hết tháng 6” (LĐ 23.5.2008) “Cuba đã hành xử đúng” (THN 25.7.2008) HLV Mourinho: 57 “Chelsea mua Malouda không phải để thay Robben” (THN 14/7/2007) TĐ trích dẫn trực tiếp cũng có thể là một câu thành ngữ, tục ngữ, một câu nói nổi tiếng, những lời quen thuộc trích tên những bài hát, tên những bộ phim, những tác phẩm nổi tiếng đã thấm sâu vào quảng đại quần chúng. Những câu trích dẫn trực tiếp mang thêm màu sắc và độ tin cậy cho bài báo, làm cho độc giả cảm thấy như đang gặp gỡ trực tiếp với nhân vật. Phần trích dẫn này được đặt trong dấu ngoặc kép, trừ trường hợp là những lời nói quen thuộc. Có khi sử dụng cả dấu câu để tăng thêm hiệu ứng. Ví dụ: (34) Bỗng dưng… muốn khóc (CATP.HCM 12/7/2008) Ăn theo bộ phim truyền hình đang ăn khách, TĐ này gây tò mò cho người đọc muốn biết nội dung bài báo là vấn đề gì mà có liên quan đến tên bộ phim. Nội dung bài báo cho thấy hai sinh viên ngủ trưa thiếu cảnh giác bị mất điện thoại di động. Từ sự cố bất ngờ (bị trộm đồ) dẫn đến kết cục là muốn khóc. (ii) Các TĐ trích dẫn gián tiếp thường được dùng để tóm tắt ý chính của những lời phát biểu dài hoặc lấy một câu điển hình trong tuyên bố của một nhân vật trong bản tin. Ví dụ: (35) Trưởng Ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường: VFF không kỷ luật thủ môn Đức Hùng (TT 1.8.2008) TĐ trích dẫn gián tiếp có một phần chuỗi lời là trích dẫn trực tiếp từ câu nói của nhân vật được đề cập trong bản tin hay từ một VB khác gọi là phần khách ngôn (phần lời trích dẫn) , phần còn lại là chủ ngôn của người lập VB (phần lời tự tạo). Ví dụ: (36) Sức nóng của “Hiệp sĩ” (ĐV 16.7.2008) 58 “Hiệp sĩ bóng tối” là bộ phim ăn khách nhất năm 2008. Sự kiện này đã hấp dẫn giới truyền thông và công chúng hâm mộ, cho thấy sức nóng của bộ phim đã lan toả như thế nào. TĐ trích dẫn có cải biên là sự thể hiện sáng tạo của người viết qua việc biến cái của người khác thành cái riêng của mình dựa trên sự hiểu biết chung. Ví dụ: (37) Cờ đang nằm trong tay thầy trò ông Ri-đơn (ND 14.7.2007) TĐ này gợi liên tưởng đến câu “cờ đến tay ai người ấy phất”. Sự sáng tạo ở TĐ này là giữ lại yếu tố hạt nhân “cờ”, còn các yếu tố khác được thay thế cho phù hợp với ngữ cảnh. Qua đó, người đọc sẽ hiểu TĐ muốn đề cập đến nội dung: lợi thế đang thuộc về thầy trò ông Ri-đơn. Nếu một nhóm từ ngữ cá biệt nào đó có ý nghĩa đặc biệt hoặc chứa đựng hàm ý thì trong trường hợp này, trích dẫn bộ phận hoàn toàn hợp lí. Điều này thường kích thích sự tò mò hay ít ra cũng gây được sự chú ý từ phía người đọc. Ví dụ: (38) Trà Vinh: Nhiều bệnh nhân bị “Tào Tháo đuổi” (TTc 12.4.2008), Xây dựng "Venice thu nhỏ" trên vịnh Lăng Cô (THN 15.01.2008) Cách nói quen thuộc “Tào Tháo đuổi” để ngụ ý chỉ việc bị tiêu chảy. Như vậy, hàm ý trong TĐ trên đề cập đến vấn đề bệnh tiêu chảy đang diễn ra ở Trà Vinh. Lấy cảm hứng từ thành phố Venice nằm ở miền bắc nước Ý, một khu nghỉ dưỡng xây dựng 23 hòn đảo nhân tạo được xem như "một Venice thu nhỏ" trên vịnh Lăng Cô. 59 c. Kết cấu A:B và AB Dấu phân cách giữa Đề và Thuyết trong TĐVB báo chí như là một đặc trưng. Xu hướng báo hiện đại ngày nay thường sử dụng kết cấu A:B, cho việc tạo lập TĐ. Kết cấu này có những ưu điểm: A B - Có tác dụng nhấn mạnh và nêu bật những thông tin có quan hệ với nhau nhưng lại có thể phân lập với nhau nhằm nhấn mạnh thông tin ở phần tách biệt, làm cho độc giả chú ý hơn. - Đáp ứng được chức năng làm gọn TĐ về mặt hình thức. - Khả năng truyền tin hiệu quả hơn. Lấy căn cứ là hai thành phần cốt lõi của câu, kết cấu hai phần A:B, tương ứng với hai phần Đề và Thuyết. A là phần Đề, B là phần Thuyết. Tuy vậy, phân tích sâu hơn, mỗi phần lại có kết cấu khá linh hoạt. A B A đảm nhận vai trò là Khung đề hoặc Chủ đề. B có khi là câu đơn hai thành phần Đề- Thuyết, câu chỉ có phần Thuyết. Cách thể hiện hình thức như dấu hai chấm (:), cách phân đoạn (ngắt dòng) được dùng để báo hiệu cho bộ phận câu đi sau giải thích, thuyết minh cho phần đứng trước đó hay còn có tác dụng làm gọn lại TĐ (trong trường hợp có chức năng như từ là). (i) A đảm nhận vai trò là Chủ đề, B là phần Thuyết hoặc một cấu trúc Đề- Thuyết. Ví dụ: (39) TP.Hồ Chí Minh: (thành phần A là chủ đề) Sẽ không hỗ trợ giá mua xe buýt (thành phần B là Thuyết) (TG&VN 28.4 đến 11.5.2007) (40) Lực lượng Cảnh sát 113 thành phố (thành phần A là chủ đề) Ngăn chặn một vụ hỗn chiến tại quán nhậu (thành phần B là Thuyết) (CATP.HCM 25.10.2008) 60 (41) Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình tiếp xúc cử tri tại tỉnh Long An: (thành phần A là chủ đề) Cử tri kiến nghị xem xét lại một số dự án (thành phần B là cấu trúc Đề - Thuyết) (CAND 12.4.2008) (ii) A là Khung đề có xu hướng đề hoá trạng ngữ chỉ địa điểm, thời gian nhằm thu hút sự chú ý. Ví dụ: (42) TP.HỒ CHÍ MINH: (thành phần A là Khung đề chỉ địa điểm) Năm công ty kinh doanh Vàng bạc đá quý xài cân sai (thành phần B là câu đơn hai thành phần Đề-Thuyết) (PL 6.7.2007) (43) Công ty Cổ phần 26 (Tổng cục hậu cần) (thành phần A là Khung đề chỉ địa điểm) 100% cán bộ, công nhân thi lái xe mô tô an toàn (thành phần B là câu đơn hai thành phần Đề- Thuyết) (QĐND 2.10.2007) (44) Tháng 6: (thành phần A là Khung đề chỉ thời gian) Giá gas tăng 10.000 đồng/bình (thành phần B là câu đơn hai thành phần Đề- Thuyết) (TT 1.6.2007) (45) Ngày 24-7 (thành phần A là Khung đề chỉ thời gian) Tổ chức Lễ tôn vinh giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh (thành phần B là Thuyết) (HNM 16.7.2008) Phần A giữ vai trò là một tín hiệu cho người nghe hướng đến cái kết cấu trong phần B. Như vậy, trong việc chọn cái gì làm phần A của kết cấu A:B, có tầm quan trọng nhất định. Đó là đưa ra “cái cho sẵn” hay “cái mới” đối với người nghe. A B Theo Nguyễn Đức Dân (2007, tr.86), phần A gọi là nhập đề (có thể gọi là mở đề hay gợi đề- sur titre, rappel de titre), phần B là TĐ (titre). Nhập đề 61 nhằm lôi kéo độc giả chý ý, TĐ có chức năng cho biết nội dung chính của bài báo. Rõ ràng, xét về mặt nội dung, hai kết cấu vừa khảo sát bên trên rất giống nhau. Sự khác biệt ở đây chủ yếu là phân giới các thông tin bộ phận bằng dấu hiệu hình thức. 2.3.2. Đặc điểm nội dung Bên trên luận văn đã tiến hành phân loại TĐVB dựa vào yếu tố hình thức, thoạt nhìn dễ tưởng đây là những yếu tố ngoại vi của ngôn ngữ nhưng do nhiều lý do chúng lại rất có ý nghĩa trong việc tìm tin. Phần kế tiếp luận văn sẽ đi vào tìm hiểu về đặc điểm nội dung. 2.3.2.1. Phân loại TĐVB theo nội dung a. TĐ tường thuật: Loại TĐ này được đặt cho những bài tường thuật lại cả một quá trình của một sự kiện. VD: Bộ VH,TT&DL: Hội thảo khoa học về xây dựng văn hoá doanh nghiệp (CAND 9/8/2008), Mít tinh trọng thể kỷ niệm 55 năm ngày khởi nghĩa vũ trang Cu-ba (QĐND 25.7.2008), Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ: Khai trương trang thông tin điện tử mới (TTc 23.7.2008) b. TĐ thông báo: thông báo những sự kiện sắp diễn ra, mới diễn ra hoặc đã kết thúc. VD: Chủ tịch FIFA và AFC sẽ đến thăm VN (CATP.HCM 19.4.2007), Hội nghị phụ nữ thượng đỉnh toàn cầu 2008 sẽ diễn ra ở VN (TT 29.4.2008), Ngân hàng Công thương Việt Nam giảm lãi suất cho vay (TTc 23.7.2008). c. TĐ khẳng định: đưa ra một lời khẳng định về một sự kiện. VD: Chưa áp dụng phí xếp dỡ container tại Việt Nam (TBKTVN 27.9.2007), Không được vay ngoại tệ, doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó (TT 29.4.2008), Các trường ĐH không nhận hồ sơ qua bưu điện hoặc chuyển phát nhanh (CAND 12.4.2008). 62 d. TĐ tuyên bố: thường dẫn một câu điển hình trong tuyên bố của một nhân vật được trình bày trong bài báo. VD: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Cần phát huy sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước (THN 25.7.2008), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phú Yên cần phát huy lợi thế, tạo bước nhảy vọt về phát triển du lịch và lọc hoá dầu (TTc 22.7.2008). e. TĐ sự kiện: phản ánh một phương diện, một đặc trưng của sự kiện, hoặc đưa ra sự kiện hạt nhân có tầm tác động hay quan trọng đánh vào tâm lí người đọc. VD: Bám sát đặc thù hoạt động quân sự, cải thiện môi trường lao động (QĐND 25.7.2008), Phân cấp mạnh hơn cho Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển (PL 2.5.2008), Phải có cơ chế tuyển chọn dự án phát triển công nghệ cao (TT 30.7.2008) f. TĐ bình luận: TĐVB tin tức thường không chứa yếu tố bình luận, tuy nhiên nếu là tin tức không điển hình thì yếu tố bình luận ít nhiều có xuất hiện. VD: Quảng Trị: Vận chuyển gỗ lậu còn đánh kiểm lâm (CAND 12.4.2008), Lại thêm một tai nạn do công trình không che chắn (TT 30.8.2008), Kinh doanh dược phẩm tại Hà Nội: Cứ kiểm tra là thấy sai phạm (TP 15.7.2008).  Bên trên là sự phân loại chủ yếu dựa vào nội dung thông báo, bên cạnh đó, còn có một loại TĐ khá đặc biệt: TĐ được đặt để gọi tên quốc gia, địa phương, tên các môn thể thao. Có thể coi đây là một TĐ giả. TĐ này không chi phối đến cấu trúc nội dung của VB (như sẽ trình bày ở mục sau) mà chỉ đơn giản là TĐ đưa ra một đề tài để thu hẹp phạm vi không gian, thu hẹp phạm vi đề tài, giống như tấm biển báo khoanh vùng cho độc giả biết bạn đang ở khu vực nào. VD: Cầu lông (BĐ 11.7.2007), Đấu kiếm (BĐ 11.7.2007), Anh (TT 30.7.2008), Ấn Độ (TT 30.7.2008) 63 2.3.2.2. TĐVB hướng nội TĐVB có chức năng như một VB cho nên nó cũng có đặc trưng của một VB. Thông tin của TĐ bao gồm: thông tin hiển ngôn và thông tin hàm ngôn. Thông tin hiển ngôn là loại lượng nghĩa tường minh, được bộc lộ trực tiếp qua bề mặt câu chữ của TĐ. Trịnh Sâm cho rằng khi tách khỏi VB hay khi gắn với VB, TĐ đều có ý nghĩa hiển hiện, đó là loại ý nghĩa rõ ràng được thể hiện trên bề mặt hình thức-phát ngôn TĐ [56, tr.81]. Loại ý nghĩa này do sự tổ chức các ngôn từ theo hình thức tuyến tính tạo nên. Nội dung TĐ có thể bộc lộ qua ngôn từ, không có gì khác thường. Thông tin hàm ngôn là loại thông tin ẩn chứa sau bề mặt của câu chữ. Trịnh Sâm gọi thông tin này có ý nghĩa hàm ẩn “là loại ý nghĩa không hiển lộ trên bề mặt hình thức

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVNNH008.pdf
Tài liệu liên quan