Luận văn Cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)

Tài liệu Luận văn Cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh): BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ------------------------- Ngô Thị Bảo Châu CẤU TRÚC, NGỮ NGHĨA, NGỮ DỤNG CỦA PHÉP NỐI TRONG TIẾNG VIỆT (SO SÁNH VỚI TIẾNG ANH) Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2009 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài So với các phân môn khác, ngữ pháp văn bản là một trong những phân môn xuất hiện khá muộn và có lịch sử chưa dày. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của phép liên kết nói chung, phép nối nói riêng, chúng tôi thiết nghĩ đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Thật sự, phép nối đóng vai trò là thành tố tạo tính mạch lạc cho văn bản, là một trong những yếu tố trọng yếu của vấn đề tạo lập và tiếp nhận văn bản. Thế nhưng, thực tế là, nhiều nhà Việt ngữ học xem xét phép nối thông qua phát ngôn, mà chưa xem xét nó thông quan khái niệm cú (clause). Chúng tôi, đứng trên quan điểm “c...

pdf264 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1322 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Luận văn Cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối trong tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh), để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ------------------------- Ngô Thị Bảo Châu CẤU TRÚC, NGỮ NGHĨA, NGỮ DỤNG CỦA PHÉP NỐI TRONG TIẾNG VIỆT (SO SÁNH VỚI TIẾNG ANH) Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2009 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài So với các phân môn khác, ngữ pháp văn bản là một trong những phân môn xuất hiện khá muộn và có lịch sử chưa dày. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của phép liên kết nói chung, phép nối nói riêng, chúng tôi thiết nghĩ đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Thật sự, phép nối đóng vai trò là thành tố tạo tính mạch lạc cho văn bản, là một trong những yếu tố trọng yếu của vấn đề tạo lập và tiếp nhận văn bản. Thế nhưng, thực tế là, nhiều nhà Việt ngữ học xem xét phép nối thông qua phát ngôn, mà chưa xem xét nó thông quan khái niệm cú (clause). Chúng tôi, đứng trên quan điểm “cú”, sẽ phân tích những đặc điểm về cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối tiếng Việt. Đặc biệt, trong khi tiếp xúc với tiếng Anh, người viết thấy có những điểm tương đồng và khác biệt giữa phép nối của ngôn ngữ này với tiếng Việt; do đó, người viết tiến hành so sánh phép nối giữa hai ngôn ngữ. Chính những sự tương đồng phản ánh sự qui luật chung về tư duy, diễn đạt ý tưởng chung của nhân loại; còn sự dị biệt lại phản ánh sự khác biệt về loại hình ngôn ngữ cũng như sự nghiêng về mặt hình thức ngữ pháp – tiếng Anh hay ngữ nghĩa – tiếng Việt của hai ngôn ngữ. Đồng thời, việc nghiên cứu đề tài này cũng phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy phân môn Ngữ pháp văn bản, Tiếng Việt thực hành cũng như việc rèn luyện ngoại ngữ của người viết. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Ngoài nước Năm 1976, nhà xuất bản Lodon và Nework đã cho ra đời quyển “Cohesion in English” –Phép Liên kết trong tiếng Anh của M.A.K Halliday và Ruqaiya Hassan [108]. Đây có thể xem là công trình đầu tiên đánh dấu lịch sử nghiên cứu về phép nối. Trong quyển sách, hai tác giả đã trình bày khá kỹ về các phép liên kết: Quy chiếu (Reference), Phép thế (Substitution), Phép tỉnh lược (Ellipsis), Phép liên kết từ vựng (Lexical cohesion) và trong đó có Phép nối (Conjunction). Về phép nối, Halliday và Hassan nhấn mạnh rằng sự nối kết phải dựa trên mối quan hệ ngữ nghĩa của chúng. Nhưng đó không phải là mối quan hệ cố định, mà là “cái theo sau được kết nối một cách hệ thống với cái đã đi trước”. Đây là công trình nghiên cứu khá kỹ và đi vào chi tiết vào phép nối nói riêng, các phép liên kết khác nói chung. Sau đi đưa ra khái niệm về phép nối, Halliday và Hassan đã phân phép nối thành 4 loại chính theo quan hệ ngữ nghĩa của chúng: i.Bổ sung (Additive), ii.Đối lập (Adversative), iii.Nhân quả (Causal) và iv.Quan hệ thời gian. Đồng thời, tác giả cũng thống kê một số liên từ biểu hiện những quan hệ ngữ nghĩa trong phép nối, và phân tích một số liên từ tiêu biểu. Nhìn chung, đóng góp lớn của công trình là về lí thuyết văn bản nói chung, phép nối nói riêng cũng như những quan hệ ngữ nghĩa trong phép nối. Đến năm 1998, ấn bản lần 2 của M.K.Halliday về “An Introduction to Functional Grammer” - Dẫn luận ngữ pháp chức năng, (được tái bản lần 6) do Hoàng Văn Vân dịch [31]. Trên cơ sở công trình thứ nhất năm 1976, Halliday tiến hành bổ sung và sữa chữa những vấn đề có liên quan, đặc biệt về liên kết. Công trình trình bày và phân tích khá kỹ về khái niệm Cú (Clause) và xem cú là khái niệm cơ sở để soi sáng các góc độ của văn bản. Đây là công trình được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao và được xem là công trình không thể không biết đến khi nghiên cứu ngữ pháp văn bản nói chung, phép nối nói riêng. Đầu tiên, tác giả làm rõ khái niệm cú đứng trên ba kiểu ý nghĩa khu biệt hàm chứa trong cấu trúc của một cú: i.Cú như là một thông điệp – “clause as a masage” (cấu trúc Đề - Thuyết, ), ii. Cú như là một sự trao đổi – “clause as an exchange” (hệ thống ngữ pháp và hệ thống thức (mood), Chủ – Vị (chủ ngữ ngữ pháp) và iii.Cú như là sự thể hiện – “clause as a representation” (chủ ngữ logic: hành thể, cú được xem như chứa đựng một nguyên tắc cơ bản để mô hình hóa kinh nghiệm, tức là cú được xem xét như là một quá trình - process). Sau đó, M.K.Halliday mở rộng khái niệm Cú - dưới cú (những tổ hợp nhỏ hơn cú) và trên cú (những tổ hợp lớn hơn cú). Công trình cũng đưa ra sự biện luận khá kỹ về việc chọn cú làm đơn vị cơ bản đề nghiên cứu ngữ pháp chức năng. Từ những kiến thức nền tảng về “cú”, tác giả soi sáng vào khái niệm: Liên kết và Ngôn bản (mục 9) - đây là nội dung trọng tâm mà chúng ta cần nghiên cứu. Ở mục này, tác giả cũng trình bày những phép liên kết cơ bản, nhưng sự phân chia có khác trước. M.K.Halliday nhập tỉnh lược và thay thế làm một; như vậy, từ năm phép liên kết, trong công trình này chỉ còn bốn. Tác giả phân chia tỉ mỉ Phép nối theo ba lĩnh vực: i.Chi tiết hóa (Elaboration), ii.Bành trướng (Expantion) và iii.Tăng cường (Enhancement). Theo chúng tôi, cách nhìn nhận liên kết dựa trên khái niệm “cú” của M.K.Halliday có nhiều ưu điểm, nó mang tính khái quát cao. Và chúng tôi, trong luận văn này, phần lớn theo quan điểm của M.K.Halliday để nghiên cứu phép nối của tiếng Việt. Đồng thời, trong công trình này, Halliday cũng trình bày khá kỹ về các quan hệ ngữ nghĩa của phép nối. Trên cơ sở kế thừa, chúng tôi soi sáng vào phép nối tiếng Việt; đồng thời phân chia lại, thay đổi một số thuật ngữ để phù hợp với một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt. Tóm lại, Halliday là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng cho việc tìm hiểu phép nối nói riêng, liên kết nói chung. Đến năm 1992, nhà xuất bản Philadelphia ở Amsterdam cho ra mắt bạn đọc công trình của J.R.Martin [120] về “English Text – System and Structure” (Văn bản tiếng Anh - Hệ thống và Cấu trúc). Đây có thể xem là công trình nghiên cứu khá kỹ về các phép liên kết, trong đó có phép nối. Chính tác giả này đưa đến bạn đọc khái niệm Nối bên trong (Internal relations) và Nối bên ngoài (External relations) - điểm mới của tác giả so với Halliday. Và Martine đã đưa ra những tiêu chí phân biệt hai loại quan hệ nối này. Đặc biệt, tác giả đã dựa vào ngữ cảnh cụ thể (Circumtaintial identifying relationals) để phân biệt Nối bên ngoài (External relations), và dựa vào khái niệm Phóng chiếu (Projection) để nhận dạng kiểu Nối bên trong (Internal relations). Tác giả cũng chia từng loại nối bên trong và bên ngoài theo các loại quan hệ: i.Bổ sung (Addictive relations), ii.Nhân quả (Consiquential relations), iii.So sánh (Comparative relations), iv.Thời gian (Temporal) và v.Định vị (Locative relations). Ở mục thứ 6 của quyển sách, tác giả có đề cập đến: Conhesion and register (Liên kết và ngữ vực) và Cohesive harmony analysis (Phân tích tính hài hòa liên kết). Ở phần thứ nhất (Conhesion and register), tác giả chủ yếu tóm tắt và trích dẫn lại một số nhận định của M.K.Halliday và Ruaqaiya Hassan về vấn đề có liên quan đến liên kết và ngữ vực. Phần còn lại – Cohesive harmony analysis (Phân tích tính hài hòa trong liên kết), J.R.Martin đề cập đến kỹ năng (hay thủ thuật – Procedure) khảo sát sự tương tác của chuỗi sở chỉ, chuỗi từ vựng và ngữ pháp kinh nghiệm. Thủ pháp Cohesive harmony analysis chủ yếu để xem xét sự liên kết trong đơn vị văn bản; do đó, nó chú ý đến môi trường tồn tại của phép liên kết. Tuy nhiên, công trình chỉ là những bước phát thảo sơ bộ về phép nối. Năm 2000, quyển “English Grammer - An Introduction” của Peter Collins và Carmella Hollo [93] được tái bản (lần 2). Quyển sách gồm hai phần A.Grammatical Decription (Mô tả ngữ pháp) và B.Looking at language in context (Xem xét ngôn ngữ trong ngữ cảnh). Ở phần thứ 2, mục Cohesion – Liên kết và Analysis of Cohesion in sample texts – Phân tích phép liên kết trong những văn bản tiêu biểu - đã đề cập đến vấn đề liên kết và phép nối. Theo hai tác giả, ở cấp độ vĩ mô, có các loại phép liên kết: 1).Deictic (Trực chỉ), 2).Generic (Loại Thể) và 3).Logical signposts (Dấu hiệu logíc). Ở cấp độ vi mô, liên kết có các loại: 1).Đồng sở chỉ (Co-reference), 2).Thay thế (Substitution) và 3).Tỉnh lược (Ellipsis). Theo hai tác giả này, 1).trực chỉ (deictic) là những đơn vị định vị các nhân vật tham gia giao tiếp, định vị không gian, thời gian (ngữ cảnh hội thoại và thời gian hội thoại). Cụ thể đó là: i.Participant identification (Nhận ra người tham gia giao tiếp), ii.Place and time indicators (yếu tố chỉ không gian, thời gian), iii.Temporal ordering expressions (Sự diễn đạt theo trật tự thời gian) và iv.Tense and aspect (Thì và Thể - cũng là một yếu tố xác định thời gian của hành động). Về 2).Loại thể (Generic), đó là những yếu tố làm cho bố cục của văn bản trở nên rõ ràng, theo một mẫu thức xác định: “in set patterned ways”, chẳng hạn như phân chia văn bản thành từng chapter (chương), paragraphs (đoạn)…Về 3).Dấu hiệu logic (Logical signposts), đó là những dấu hiệu trình bày ngữ liệu theo một chuỗi logic, chuỗi trật tự thời gian như: first (đầu tiên), then (sau đó)…, on one hand (một mặt), on the other hand (mặt khác)…Tóm lại, ba ý nghĩa ở cấp độ vĩ mô trên chính là những quan hệ ý nghĩa chỉ thời gian, không gian và trật tự diễn đạt. Và hai tác giả đi sâu vào từng khía cạnh: i.Text Orientation (Định hướng văn bản), ii.Grammatical cohesion (Liên kết ngữ pháp), iii.Logical connectors (Những yếu tố liên kết logíc) và iv.Lexical Cohesion (Liên kết từ vựng). Trong mỗi phần vừa nêu, Peter Collins và Carmella Hollo đều có đề cập ít nhiều đến phép nối. Chẳng hạn, trong phần Text Orientation (Định hướng văn bản), hai tác giả có kể đến: Temporal ordering expression – Diễn đạt trật từ thời gian (Tr164) và liệt kê liên từ như: First, second, next... Đến mục Logical connectors, tức những yếu tố liên kết logic, tác giả lại đưa ra bốn loại liên kết logíc: i.Addictive (Bổ sung), ii.Adversative (Tương phản), iii.Causal (Nhân-quả) và iv.Temporal (Thời gian) (tr171-172). Bốn kiểu này là những loại phép nối mà M.K.Halliday và các tác giả khác đã nêu. Do đó, trên cơ sở kế thừa, chúng tôi sẽ tiến hành bổ sung và điều chỉnh những vấn đề trùng lắp. Ngoài ra, lấy cú làm đơn vị phân tích cơ bản, Peter Collins và Carmella Hollo còn đề cập đến những loại cú (clause types) và những mối quan hệ giữa các cú hay câu như: Đẳng lập (coordination) và Chính phụ (subordination). Nhìn chung, có đề cập đến lí thuyết, nhưng công trình chủ yếu đi vào các khía cạnh ứng dụng của phép nối. Năm 2008, công trình bằng tiếng Anh của David Nunan [64] “Introduction Discourse Analysis” - “Dẫn nhập phân tích diễn ngôn” được hai dịch giả Hồ Mỹ Huyền và Trúc Thanh dịch sang tiếng Việt. Sau khi đề cập đến khái niệm diễn ngôn cũng như phân biệt khái niệm diễn ngôn và văn bản, Nunan đề cập đến liên kết, trong đó có phép nối. Ngoài việc đề cập đến khái niệm phép nối, tác giả còn đề cập đến bốn loại quan hệ ngữ nghĩa chủ yếu trong phép nối, đó là: i.Nghich đối, ii.Bổ sung, iii.Thời gian và iv.Nguyên nhân. Ngoài ra, công trình còn đề cập đến khái niệm và phân tích một vài cấu trúc đề thuyết trong diễn ngôn. Do vậy, những lí thuyết của công trình có thể được xem là cơ sở lí thuyết để nghiên cứu ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối trong tiếng Việt. Như vậy, trong khả năng bao quát tư liệu có thể chưa đầy đủ của chúng tôi, phép nối đã được nhiều nhà Anh ngữ học chú ý đến; và những thành tựu của nó, nhất là về mặt lí thuyết cũng đạt được những nền móng cơ bản. 2.2. Trong nước Phạm vi trong nước, cũng có khá nhiều công trình đề cập đến văn bản, liên kết và cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép nối. Năm 1980, Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội đã giới thiệu với bạn đọc công trình “Ngữ pháp tiếng Việt” của Hoàng Trong Phiến [66]. Trong công trình này, điểm đóng góp nổi bật của tác giả chính là đưa ra các mô hình của câu ghép ứng với từng loại quan hệ trong câu ghép - mà theo quan niệm của chúng tôi là phép nối như: i.câu nhân quả, ii.câu điều kiện, iii.câu nhân nhượng, iv.câu mục đích, v.câu so sánh, vi.câu đồng loại, vii.câu tương phản, viii.câu lựa chọn và ix.câu gộp. Chính những mô hình này là tài liệu vô cùng quí báu để chúng tôi xem xét các quan hệ ngữ nghĩa cơ bản của phép nối cũng như bổ sung thêm vào phép nối một hệ thống liên từ thể hiện sự nối kết giữa các cú hay phát ngôn. Năm 1985 (tái bản vào 05/04/1999), công trình của Trần Ngọc Thêm [76] về “Hệ thống liên kết và văn bản Tiếng Việt” đã được công bố. Đây là công trình có giá trị và đánh dấu một bước phát triển mới của ngữ pháp văn bản nói chung, phép nối nói riêng. Công trình nghiên cứu sâu rộng các khía cạnh của văn bản; khái quát cả ba bình diện ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng của phép nối. Công trình trình bày ba phần chính. Phần 1 gồm ba chương, đề cập về các khái niệm và cái nhìn khái quát về “Liên kết văn bản”. Ở phần 2, tác giả bắt đầu đi vào “Các phương thức liên kết giữa các phát ngôn”. Đây là chương đề cập đến các phương thức (phép) liên kết ở mặt hình thức, trong đó có phép nối. Trần Ngọc Thêm dựa trên các loại phát ngôn, chia phép liên kết thành hai loại cơ bản: Phép nối lỏng (dựa trên phương thức liên kết hợp nghĩa và phát ngôn hợp nghĩa) và Phép nối chặt (dựa trên phương thức liên kết trực thuộc và phát ngôn trực thuộc (mà tác giả gọi là ngữ trực thuộc). Trong phép nối lỏng, Trần Ngọc Thêm còn trình bày mô hình của các yếu tố từ vựng làm thành phần chuyển tiếp hay các từ làm phụ tố có ý nghĩa so sánh (mà chúng tôi gọi chung là liên từ) như: cũng, lại, vẫn, càng, còn, cứ…Tác giả cũng đề cập đến cấu trúc khái quát của phép nối: ArB cũng như trình bày những quan hệ ngữ nghĩa cơ bản của phép nối. Dựa trên quan hệ ngữ nghĩa, tác giả chia phép nối theo ba quan hệ cơ bản, mỗi quan hệ lại có những tiểu loại cơ bản: i.Quan hệ định vị (thời gian, không gian); ii.Quan hệ logic diễn đạt (bao gồm: Trình tự diễn đạt, Thuyết minh- bổ sung và Xác minh – nhấn mạnh); và iii.Quan hệ logic sự vật (bao gồm: Nhân quả, và Tương phản – đối lập). Còn phần 3, tác giả đề cập đến khái niệm liên kết ở mặt nội dung. Tóm lại, đứng trên quan điểm phát ngôn, Trần Ngọc Thêm đã mô tả những đặc điểm cơ bản của một phép nối nói chung. Từ mô hình lí thuyết chung này, chúng tôi kế thừa có điều chỉnh để khảo sát mô hình của một số tiểu loại phép nối. Có thể nói, đây là một trong những công trình nghiên cứu sâu và kỹ về phép nối của tiếng Việt. Năm 2001, Nhà xuất bản Giáo Dục đã ra mắt bạn đọc công trình của Nguyễn Thị Việt Thanh [74] về “Hệ thống kiên kết lời nói tiếng Việt”. Đối tượng nghiên cứu là ngôn bản, đề cập khá sâu về những vấn đề khái quát chung liên quan đến liên kết lời nói, tác giả chia liên kết lời nói thành hai phương thức i.“Bằng phương thức ngữ kết học” và ii.“Bằng phương thức ngữ dụng học”. Trong phương thức liên kết ngữ kết học lại được chia thành ba tiểu loại: Liên kết duy trì chủ đề, Liên kết phát triển chủ đề và Liên kết logic. Trong đó, phép nối thuộc phương thức liên kết logic. Tác giả cũng đã đề cập đến phép nối không có liên từ: “mặc dù từ nối không được sử dụng nhưng quan hệ ngữ nghĩa vẫn được xác lập” [74;50]. Nhưng chung qui lại, đóng góp chủ yếu của công trình là nghiên cứu các phương tiện liên kết trên ngữ liệu lời nói. Năm 2006, quyển “Văn bản và liên kết trong tiếng Việt: Văn bản, Mạch lạc, liên kết, đoạn văn” của Diệp Quang Ban [6] được tái bản (lần thứ ba). Trong công trình, tác giả trình bày thành từng bài mục rõ ràng về bốn nội dung đã nêu trong nhan đề sách, rất tiện cho việc tham khảo. Ở phần 2, tác giả đã đề cập đến phép liên kết, trong đó có Phép nối (từ tr132-134). Lấy phát ngôn làm cơ sở nghiên cứu như Trần Ngọc Thêm, Diệp Quang Ban cũng chia phép nối thành hai loại cơ bản: Phép nối lỏng và Phép nối chặt. Đặc biệt, ở phần một, tác giả đã đưa ra khoảng 15 cách hiểu về khái niệm về văn bản, phân biệt khái niệm văn bản và diễn ngôn, ngôn ngữ nói và viết và nêu lên những đặc trưng của một văn bản nói chung. Trần Ngọc Thêm cũng đã đề cập đến cấu trúc đề thuyết – cấu trúc mang ý nghĩa thông báo trong văn bản. Năm 2007, nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã cho ra mắt bạn đọc quyển “Văn bản” của tác giả Diệp Quang Ban [7] theo dự án đào tạo giáo viên THPT cuả Bộ Giáo dục và Đào Tạo. Phải công nhận đây là công trình viết khá bao quát về các khía cạnh của văn bản; công trình đề cập hầu hết các phép liên kết, trong đó có phép nối. Trong bài viết của mình, Diệp Quang Ban đã đề cập đến phép nối và các phương tiện nối; và các quan hệ ý nghĩa thường gặp trong phép nối. Về phương tiện nối, ông chia làm hai loại lớn: Quan hệ từ (bình đẳng / phụ thuộc) và Từ ngữ nối kết (đại từ thay thế/những tổ hợp từ ngữ có ý nghĩa quan hệ và có tác dụng liên kết). Còn về các quan hệ thường gặp trong phép nối, ngoài 4 quan hệ mà Halliday đã nêu: i.bổ sung, ii.tương phản, iii.thời gian, iv.nhân quả; Diệp Quang Ban còn đề cập thêm hai loại quan hệ nữa: mục đích và điều kiện. Nhìn chung, các công trình là một sự tổng hợp từ các công trình đi trước nên sự đóng góp của nó là không đáng kể. Năm 2002, (tái bản 2005) công trình của Hoàng Văn Vân [31] ra đời “Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt: Mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống”. Đây là công trình mà tác giả viết dựa chủ yếu vào luận án tiến sĩ được tiến hành tại Khoa Ngôn ngữ học, đại học Macquarie, Australia với nhan đề tiếng Anh “An Experiential Grammer of the Vietmam clause: A functional Description”. Công trình dựa trên lý thuyết của M.K.Halliday về cú (clause) trong công trình “An Introduction to Functional Grammer” (Dẫn luận ngữ pháp chức năng) để soi sáng vào tiếng việt. Thật sự, công trình có một ý nghĩa đột phá, đem đến một cách hiểu mới về ngữ pháp văn bản, bên cạnh cách hiểu cũ – dựa vào phát ngôn. Nhìn chung, công trình là sự vận dụng của ngữ pháp Châu Âu vào tiếng Việt. Dù chưa nghiên cứu sâu về phép nối, nhưng công trình ít nhiều đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của cú trong việc biểu thị kinh nghiệm (cú như là một sự thể hiện “clause as a representation” để mô hình hóa kinh nghiệm theo quan điểm chức năng hệ thống; do đó, nó có ý nghĩa về mặt lí thuyết cho việc chọn cú làm đơn vị cơ sở của phép liên kết nói chung, phép nối nói riêng. Nhìn chung, những công trình trên đã đề cập khá toàn diện về những vấn đề chung về văn bản, liên kết và phép nối. Năm 1995, Đỗ Thị Kim Liên [56] đã đề cập đến “Quan hệ ngữ nghĩa trong câu ghép không liên từ” - Ngôn ngữ số 2/1995. Trong công trình này, tác giả đã trình bày khá kỹ về quan niệm của các nhà ngữ pháp đi trước: một là không đề cập đến loại câu ghép không liên từ, hai là không tách câu ghép không liên từ thành một đối tượng nghiên cứu riêng. Tác giả cũng đề cập đến “những nhân tố tạo nghĩa trong câu ghép không liên từ”. Đó chính là cấu trúc chuyền tải ý nghĩa; các phương tiện liên kết như phụ từ tình thái, trật tự trước sau…; hay ý nghĩa của các thành tố trong loại câu ghép này. Về quan hệ ngữ nghĩa, vì đánh giá cao vai trò của vị ngữ trong việc thể hiện quan hệ ngữ nghĩa trong câu ghép không liên từ, nên tác giả xem xét các kiểu quan hệ ngữ nghĩa chính của loại câu ghép này trên hai phương diện cơ bản: i.Các kiểu quan hệ ngữ nghĩa giữa các vị ngữ và ii.Số lượng các thành tố trong vị ngữ. Đồng thời, tác giả cũng nêu lên một số quan hệ ngữ nghĩa trong câu ghép không có liên từ như: i.Quan hệ ngữ nghĩa đẳng kết, ii.Quan hệ đối sánh (so sánh đồng nhất, so sánh đối lập - khác biệt, so sánh đối ứng); và iii.Quan hệ ngữ nghĩa tiếp liên (bao gồm 7 nhóm: nhóm ý nghĩa thời gian – hành động, nhóm quan hệ nguyên nhân – kết quả, nhóm quan hệ điều kiện – kết quả, quan hệ luận chứng – thuyết minh, quan hệ ngữ nghĩa bao hàm, quan hệ giải thích, và quan hệ kết quả, nguyên nhân). Bên cạnh đó, Đỗ Thị Kim Liên còn đề cập đến “giá trị của các cú trong chỉnh thể của câu ghép”, phần này có liên quan ít nhiều đến tiêu điểm thông báo cũng như quan hệ ngữ nghĩa giữa các cú. Nhìn chung, công trình là tài liệu vô cùng quí giá để chúng tôi nghiên cứu phép nối không có liên từ, các quan hệ ngữ nghĩa trong phép nối và một số cách diễn đạt mang tiêu điểm thông tin khác nhau trong phép nối, tức ngữ dụng. Cũng trong năm 2006, công trình “Các phương tiện tổ chức và liên kết văn bản tiếng Việt” của Nguyễn Chí Hòa [45] ra đời. Công trình đánh dấu một bước ngoặt lớn về khái niệm “câu ghép không có quan hệ từ” – đứng trên quan điểm phát ngôn. Trước đó, một số bài viết của tác giả về vấn đề này đã được công bố trên tạp chí Ngôn ngữ, chẳng hạn như bài “Về khái niệm ngữ pháp hóa và câu ghép không có liên từ” [43]. Căn cứ vào kết quả công trình nghiên cứu của Nguyễn Chí Hòa, cộng với những cứ liệu thống kê được¸ chúng tôi trình bày về phép nối không có liên từ - đứng trên quan điểm cú (clause). Bên cạnh đó, công trình “Các phương tiện tổ chức và liên kết văn bản tiếng Việt” của Nguyễn Chí Hòa cũng đi sâu vào tìm hiểu các khía cạnh ngữ dụng của các liên từ tiếng Việt. Vấn đề này được chúng tôi vận dụng một cách có bổ sung, điều chỉnh vào phần ngữ dụng ở chương 2. Năm 1999, Nguyễn Hữu Tiến [80] cũng đã giới thiệu với đọc giả bài nghiên cứu của mình về “Quan hệ liên câu trong văn bản tiếng Việt” trong tạp chí Ngôn ngữ Số 1. Công trình đã trình bày tóm lược sơ bộ những khái niệm của Trần Ngọc Thêm về phép nối như khái niệm, phép nối đẳng lập và chính phụ, cũng như chức năng thực hiện liên kết hồi qui và liên kết dự báo của phép nối. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến “vai trò, ngữ nghĩa, ngữ dụng của các từ ngữ chuyển tiếp chỉ quan hệ nghịch đối”. Đó là tính kết nối, thông qua việc “phá vỡ tính hoàn chỉnh vốn có của nó”. Có mâu thuẫn nhưng mức độ không cao nên câu nghịch đối vừa “tạo lập quan hệ, vừa là dấu hiệu chỉ dẫn hay xác nhận quan hệ”; và đây là quan hệ thực hiện liên kết “hướng ngoại, gián tiếp, hồi chỉ”. Tóm lại, trên định hướng phân loại của Trần Ngọc Thêm, công trình đã cụ thể hóa tương đối tỉ mỉ chi tiết, đồng thời phân chia thêm những tiểu loại mới về các loại quan hệ ý nghĩa trong phép nối tiếng Việt. Đồng thời, tác giả cũng đi vào một quan hệ cụ thể - quan hệ nghịch đối để phân tích giá trị về mặt ngữ dụng của loại quan hệ này. Do đó, công trình có giá trị tham khảo về phương diện ngữ nghĩa, ngữ dụng của luận văn. Cũng năm 2004, Tạp chí Ngôn ngữ số 4 đã đăng bài viết của Võ Văn Chương [16] về “Liên kết hồi qui trong ngôn ngữ học văn bản – Vài kiến nghị về cách xác định và phân loại”. Đóng góp đầu tiên của tác giả là đi vào phân biệt phép tỉnh lược và phép hồi quy. Sau đó, tác giả đi vào miêu tả các dạng thức của liên kết hồi qui, dựa trên hai cơ sở chủ yếu sau: 1).dựa vào từ loại của kết tố và 2).dựa vào quan hệ ngữ nghĩa giữa chủ tố và kết tố. Trên tiêu chí phân loại thứ nhất, tác giả chia liên kết hồi qui thành hai dạng chủ yếu: i..kết tố hồi qui là một đại từ - và ii.kết tố hồi qui là một ngữ danh từ. Hai loại này chủ yếu gặp trong phép thế. Theo tiêu chí phân loại thứ hai, tác giả chia liên kết hồi qui thành ba tiểu loại: i.kết tố hồi qui là sự lặp lại từ vựng của chủ tố, ii.kết tố hồi qui là một ngữ danh từ đồng nghĩa với ngữ danh từ làm chủ tố, và iii.kết tố hồi qui là một ngữ danh từ có khả năng tóm lược nội dung (resomptif) hoặc khái niệm hóa (conceptual) chủ tố và kết tố liên kết với chủ tố thông qua phép liên tưởng. Tuy đề cập chủ yếu đến phép thế, đôi chỗ có nhắc đến phép tỉnh lược, phép liên tưởng mà chưa đi sâu vào chức năng thực hiện liên kết hồi qui của phép nối; nhưng đề cập khá kỹ đến liên kết hồi qui nên công trình đã đưa ra nhiều hướng gợi mở cho việc tìm hiểu cách thức liên kết này trong phép nối nói chung. Chính liên kết hồi qui phục vụ đắc lực cho việc tìm hiểu cấu trúc phép nối ở chương 2. Đến năm 2007, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cho xuất bản quyển “Dụng học Việt ngữ” của Nguyễn Thiện Giáp [30]. Tác giả dành gần 50 trang để đề cập đến khái niệm “Diễn ngôn” và “Văn bản”, và từ trang 176 đến 178, Nguyễn Thiện Giáp đề cập đến Phép nối. Tác giả chia phép nối thành bốn loại theo quan hệ ngữ nghĩa của chúng: i.Đồng hướng, ii.Ngược hướng, iii.Nhân quả và iv.Thời gian – trình tự. Thực chất của quan hệ đồng hướng là quan hệ bổ sung, của quan hệ ngược hướng là quan hệ tương phản. Ngoài ra, tác giả có đề cập đến liên kết hồi chỉ và khứ chỉ. Theo Nguyễn Thiện Giáp, liên kết hồi chỉ và khứ chỉ là một phương thức liên kết độc lập với phép nối (và cả phép tỉnh lược, phép thế). Nhưng trong phần ví dụ, tác giả đã dẫn ra một ví dụ về phép liên kết hồi chỉ và khứ chỉ, mà đó chính là phép nối: “Chiều nay được nghỉ học. Thế thì ta đi xem phim nhé.” [30;174]. Liên từ thế thì biểu hiện kết quả trong quan hệ điều kiện nhân quả. Bốn ví dụ còn lại cũng là dạng phép nối không có liên từ (mà theo một số tác giả là phép tuyến tính) – xem thêm trang 174. Nhìn chung, bên cạnh việc đưa ra cách định danh mới về những quan hệ ý nghĩa cơ bản của phép nối; đóng góp của công trình chủ yếu là ở chỗ gợi mở về chức năng thể hiện liên kết hồi chỉ, khứ chỉ của phép nối nói chung. Năm 2004, Lê Thị Minh Hằng [39] đã đóng góp bài viết về “Một đề nghị phân loại câu điều kiện tiếng Việt” cho tạp chí Ngôn ngữ (số 2). Sau khi thống kê một số cách phân loại câu điều kiện của một số nhà ngữ pháp Tiếng Việt như Hoàng Tuệ, Hoàng Trọng Phiến…; tác giả đã đưa ra kiến nghị về một hướng phân loại riêng. Đứng trên quan điểm ngữ nghĩa, Lê Thị Minh Hằng phân loại câu điều kiện theo hai tiêu chí cơ bản: i.Quan hệ nhân – quả và ii.Tính hiện thực. Theo tiêu chí “quan hệ nhân quả”, tác giả chia câu điều kiện thành hai bộ phận: Bộ phận nêu quan hệ nhân quả và Bộ phận nêu quan hệ tiền đề - kết luận. Theo tiêu chí “tính hiện thực”, tác giả chia câu điều kiện thành hai loại: Điều kiện giả định và phi giả định (hiện thực). Hệ thống phân loại của tác giả được cụ thể hóa như sau: 1).Điều kiện kết quả: i.Giả định (bao gồm: Giả thuyết, và Phản sự thật) và ii.Phi giả định (bao gồm: Tất yếu và Tập quán. 2).Tiền đề - kết luận (gồm ba tiểu loại: i.Suy đoán, ii.Sóng đôi và iii.Dẫn nhập tình huống). Ngoài ra, công trình còn cung cấp một số liên từ (mà tác giả gọi là “chỉ tố đánh dấu về mặt hình thức”) thể hiện những loại câu điều kiện trên. Nhìn chung, công trình xoáy sâu vào một quan hệ ngữ nghĩa cơ bản của phép nối - cung cấp một tiêu chí mới đồng thời đưa ra một kết quả phân định mới về loại quan hệ này. Ngoài ra, có một số công trình đánh dấu về việc nghiên cứu về ngữ dụng trong phép nối. Năm 2002, Tạp chí Ngôn ngữ số 5, đã giới thiệu bài báo của Nguyễn Thị Thìn [77] về “Các từ thì, mà, nhưng ở đầu câu trong chức năng liên kết nghĩa học”. Bảy trang của bài báo đã trình bày khá kỹ về tính chất đa chức năng của một số liên từ thông dụng trong tiếng Việt. Chẳng hạn, trong công trình, tác giả đã trình bày các chức năng biểu hiện quan hệ của liên từ “thì” như: i.quan hệ thời gian, ii.quan hệ móc xích – đề thuyết, iii.quan hệ điều kiện/ nguyên nhân – hệ quả. Và liên từ “mà” thể hiện bốn quan hệ chính (mỗi loại lại bao gồm những tiểu loại) sau: i.quan hệ bổ sung (bao gồm ba quan hệ nhỏ: bổ sung – liệt kê, bổ sung – tăng cấp, bổ sung – chú thích), ii.quan hệ đối lập (bao gồm ba quan hệ sau: tương phản (trái ngược), nghịch điều kiện – hệ quả, và mâu thuẫn), iii.quan hệ móc xích đề thuyết đồng thời với quan hệ nhân - quả và iv.quan hệ đối chiếu tương đồng. Còn liên từ “nhưng” lại biểu hiện bốn quan hệ ngữ nghĩa sau: i.quan hệ đối lập, ii.quan hệ bổ sung đồng thời với quan hệ đối lập, iii.quan hệ so sánh tăng cấp đồng thời với quan hệ đối lập và iv.quan hệ hạn định đồng thời với quan hệ đối lập. Qua công trình, chúng ta cũng nhận ra đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng, tức nghiêng về mặt nghĩa học, dụng học của các liên từ nói riêng, phép nối nói chung. Tạp chí ngôn ngữ số 4 năm 2005 đã ra mắt bạn đọc công trình “Quan hệ ngữ nghĩa của các phát ngôn, giái trị tu từ của từ VÀ trong liên kết văn bản tiếng Việt” của tác giả Lương Đình Khánh [51]. Tác giả nêu lên những quan hệ ngữ nghĩa cũng như những chức năng chính yếu của liên từ này: i.quan hệ nguyên nhân (nhân- quả), ii.quan hệ tương phản, iii.quan hệ bổ sung, và iv.quan hệ thời gian – đồng thời và nối tiếp. Đây chính là cơ sở để chúng tôi xem xét ý nghĩa ngữ dụng của một số liên từ đa chức năng trong phép nối tiếng Việt. Trên tạp chí ngôn ngữ số 12, năm 2008 có bài đăng của Nguyễn Đức Dân [23] về “Logic ngữ nghĩa của từ thì”. Trong bài viết, tác giả đã đề cập đến những hàm ý ngữ dụng của cấu trúc nếu…thì, tức quan hệ điều kiện kết quả như: bác bỏ, bác bỏ để khẳng định, giải thích, khuyên, từ chối, đánh giá, khuyên, …Đặc biệt, Nguyễn Đức Dân đã trình bày những quan hệ điều kiện hệ quả không chứa liên từ, mà ý nghĩa điều kiện của chúng vẫn được thể hiện.12 trang báo đã đi sâu vào khai thác ý nghĩa ngữ dụng của phép nối nói chung, một quan hệ ngữ nghĩa cơ bản của phép nối – quan hệ điều kiện – kết quả nói riêng. Điểm nổi bật của tác giả này là đi vào khai thác ý nghĩa ngữ dụng của các quan hệ chủ yếu trong nội bộ một phát ngôn. Ngoài ra, năm 2005, công trình “Bắt buộc” và “tùy ý” về hai cách biểu đạt nghĩa trong ngôn ngữ của Cao Xuân Hạo [37] đã gợi mở về vấn đề so sánh đối chiếu về phép nối giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Và tác giả đã khẳng định, chính từ vựng và ngữ pháp là công cụ để xoay quanh trung tâm duy nhất là nghĩa học: “Ta thường thấy có những ngữ nghĩa mà trong ngôn ngữ này thì biểu đạt bằng phương tiện từ vựng mà trong ngôn ngữ kia lại biểu đạt bằng phương tiện ngữ pháp” [37;6]. Tác giả cũng chỉ ra một cách khái quát những sự khác biệt về đặc điểm của loại hình ngôn ngữ có biến đổi hình thái và ngôn ngữ đơn lập, qua đó, tác giả khẳng định cấu trúc nội bộ của từng ngôn ngữ đóng vị trí trung tâm trong việc biểu đạt nói chung. Nhìn chung, công trình có nghĩa phương pháp luận và định hướng cho việc so sánh một số điểm tương đồng và dị biệt của phép nối trong hai ngôn ngữ thuộc hai loại hình khác nhau. Cùng với công trình này, một số luận án nghiên cứu về ngôn ngữ học đối chiếu giữa tiếng Việt và tiếng Anh như: Thái Minh Đức [101] về “A Systematic Functional Interpretation of Vietnamese Grammar” (1998), Nguyễn Thị Thu Hiền [40] về “Cấu trúc Đề - Thuyết” trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt” (2008)... đã gợi mở về việc đối sánh phép nối ở hai ngôn ngữ này. Trên cơ sở kế thừa những công trình lí thuyết và thực tiễn quan sát những bài viết cụ thể, luận văn này đặt nhiệm vụ cho mình là trên cứ liệu tiếng Việt, khảo sát phép nối một cách hệ thống và toàn diện hơn. 3. Mục đích ngiên cứu Chọn và nghiên cứu đề tài này, chúng tôi nhằm hướng đến những vấn đề sau: - Làm rõ cấu trúc và chức năng của phép nối trong văn bản. Từ đó thấy được phần nào vai trò của phép nối trong vấn đề tạo lập và tiếp nhận văn bản. - Đề xuất một số cánh hiểu, cách phân chia mới về cấu trúc và ngữ nghĩa của phép nối, cũng như đưa ra một số đặc điểm ngữ dụng của các liên từ trong phép nối. - Tìm và nêu lên những đặc điểm nổi bật của phép nối trong tiếng việt và tiếng Anh. Đồng thời có những đối sánh cần thiết giữa hai ngôn ngữ để làm rõ, làm nổi bật những đặc điểm đề cập. Từ đó, giúp ích phần nào cho việc học ngoại ngữ và giảng dạy tiếng Việt của bản thân. 4. Phạm vi nghiên cứu Do sự hạn hẹp về kiến thức, thời gian cũng như quy mô của công trình, chúng tôi chỉ tập trung chú ý vào những khía cạnh cơ bản sau: - Như đã xác định, phép nối được chúng ta khảo sát trên ba bình diện: cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng. Và có thể phép nối có liên quan mật thiết với với một số phép liên kết khác, nhưng đối tượng tiếp cận chính của chúng tôi vẫn là phép nối. - Hình thức là hình thức của một nội dung, tuy nhiên, trong cách tiếp cận của chúng tôi, mặt hình thức của phép nối được chú ý nhiều hơn mặt nội dung. - Khi nghiên cứu về phép nối, chúng tôi chỉ chú ý đến những đơn vị có chức năng nối hai hay nhiều cụm câu (cú), phát ngôn với nhau, mà không xem xét những trường hợp liên kết trong nội bộ một phát ngôn, chẳng hạn: Nam và An là bạn thân. Như vậy, chúng tôi chỉ khảo sát nối giữa các cú, không chú ý đến nối trong nội bộ một cú. 5. Phương pháp nghiên cứu Ngoài một số thủ pháp nghiên cứu mà bất kỳ công trình nào, dù khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều phải sử dụng như sưu tập, miêu tả, phân loại; luận văn này sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chính sau: - Phương pháp hệ thống – cấu trúc: Tính hệ thống, mặt cấu trúc bên trong và các loại quan hệ trong phép nối được luận văn quan tâm, vận dụng. - Phương pháp ngữ nghĩa – cú pháp: Nói tới phép nối, là nói tới các loại quan hệ ngữ nghĩa, do vậy phương pháp này được ưu tiên phân tích. - Phương pháp phân tích ngữ dụng: Phép nối chỉ được thực hiện một cách rõ ràng trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Do vậy, các yếu tố như ngữ cảnh, thể loại, tính tương tác được luận văn vận dụng một cách tổng hợp. 6. Bố cục của luận văn Luận văn được triển khai trong ba chương chính sau: Chương 1: Một số vấn đề chung 1.1. Văn bản 1.2. Liên kết 1.3. Phép nối 1.4. Tiểu kết Chương 2: Phép nối trong tiếng Việt 2.1. Cấu trúc 2.2. Ngữ Nghĩa 2.3. Ngữ dụng 2.4. Tiểu kết Chương 3: Một vài đối sánh về phép nối trong tiếng Anh và tiếng Việt. 3.1. Cấu tạo 3.1.1. Tương đồng 3.1.2. Dị biệt 3.2. Ngữ nghĩa 3.1.1. Tương đồng 3.1.2. Dị biệt 3.3. Ngữ dụng 3.1.1. Tương đồng 3.1.2. Dị biệt 3.4. Tiểu kết Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Văn bản 1.1.1. Khái niệm Có nhiều quan niệm khác nhau về văn bản. Một số tác giả cho rằng văn bản là sản phẩm của cả hoạt động viết và nói, tức giao tiếp nói chung. Sách giáo khoa Tiếng Việt 9 (NXBGD – 1995) định nghĩa văn bản như sau: “Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, nó là một thể thống nhất có tính trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức”. D.Crystal cũng quan niệm rằng “Văn bản là một sản phẩm diễn ngôn xuất hiện một cách tự nhiên dưới dạng nói, viết hoặc biểu hiện bằng cử chỉ, được nhận dạng vì những mục đích phân tích. Nó thường là một chỉnh thể ngôn ngữ với một chức năng giao tiếp có thể xác định được, ví dụ như một cuộc thoại, một tờ áp phích.” [97;72]. Nhưng một số tác giả lại cho rằng văn bản chỉ thuộc dạng viết. Theo David Nunan: “…tôi sẽ sử dụng thuật ngữ văn bản để chỉ bất kì cái nào ghi bằng chữ viết của một sự kiện giao tiếp.”[64;21], bởi tác giả phân biệt khái niệm văn bản với khái niệm diễn ngôn - văn bản trong ngữ cảnh, tức văn bản nói. Theo G. Cook thì “Văn bản: một chuỗi ngôn ngữ giải quyết được ở mặt hình thức, bên ngoài ngữ cảnh.” [95;158]. G.Brown và G.Yule cũng khẳng định: “Chúng ta sẽ sử dụng văn bản như một thuật ngữ chuyên môn, để nói đến việc ghi lại bằng ngôn từ của một hành động giao tiếp.” [10;6]. Theo Bùi Tất Tươm, văn bản luôn tồn tại trong quá trình giao tiếp, được đặt trong một bối cảnh giao tiếp nhất định. Theo quan điểm của Jacques Lerot – Précis de lingúitique générale, tác giả này khẳng định: “Văn bản là một phần của lời nói có tính độc lập và mạch lạc tạo thành một hành động giao tiếp hoàn chỉnh mà nội dung được tổ chức xoay quanh một đề tài.”[84;65]. Diệp Quang Ban, trong công trình “Văn bản và liên kết trong tiếng Việt” đã đề cập đến định nghĩa của Barthes như sau: “Chúng ta sẽ gọi cái khách thể của xuyên ngôn ngữ học (translinguistics) là diễn ngôn (discourse) – tương tự như văn bản (texte) do ngôn ngữ học nghiên cứu, và chúng ta sẽ định nghĩa nó (hãy còn sơ bộ) như là một đoạn lời nói hữu tận bất kỳ, tạo thành một thể thống nhất xét từ quan điểm nội dung, được truyền đạt cùng với những mục đích giao tiếp thứ cấp, và có một tổ chức nội tại phù hợp với những mục đích này, vả lại, (đoạn lời này) gắn bó với những nhân tố văn hóa khác nữa, ngoài những nhân tố có quan hệ đến bản thân ngôn ngữ (langue).” (Barthes) (dẫn theo [6];15-16 ). Tán thành quan điểm thứ nhất về văn bản và để tiện cho việc khảo sát, chúng ta tạm theo quan niệm của Halliday về khái niệm văn bản. Theo Halliday, văn bản – một đơn vị của ngôn ngữ - được xác định không phải dựa vào độ dài ngắn, dạng nói hay viết - “witten or spoken”, bao gồm một động từ hay nhiều…mà dựa vào tính chỉnh thể, thống nhất về nội dung ngữ nghĩa của nó - “a semantic unit”: “The word text is used in linguistics to refer any passage, spoken or written, of whatever of length, that does form a unified whole.” [108;1] (Văn bản là một thuật ngữ ngôn ngữ học được dùng để chỉ bất cứ phần văn bản nào, dù là dạng nói hay viết, dù là dài hay ngắn, nhưng phải là một chỉnh thể thống nhất); hay – “a text is a unit of language in use” (văn bản là một đơn vị của ngôn ngữ tồn tại trong quá trình sử dụng – giao tiếp hay tư duy). Theo Halliday, khái niệm văn bản không phải bao giờ cũng được xác định một cách rõ ràng. Theo tác giả, mọi người hay hiểu lầm rằng chúng ta có thể dễ dàng xác định những bộ phận (câu, cụm câu) nào sẽ cấu thành nên một văn bản. Nhưng thật sự thì văn bản được xác định tùy theo văn cảnh và nội dung của những câu, cụm câu đi trước va sau nó: “…We can consider that a new text begins where a sentence shows no cohesion with those that have preseded.” (Một văn bản được đánh dấu ở chỗ bắt đầu một câu mà câu đó không hề có mối quan hệ nào với những câu trước đó) [108;295]. Như vậy, theo Halliday nếu cụm câu (bao gồm nhiều câu – phát ngôn) có mối quan hệ về ý nghĩa sẽ tạo thành một văn bản. Theo cách hiểu này, Halliday chỉ quan tâm đến mội dung ý nghĩa mà không quan trọng hóa về mặt hình thức của văn bản. Đồng thời, việc giải mã văn bản không phải là chuyện dễ dàng và đơn giản, nó không chỉ đòi hỏi tri thức về ngôn ngữ học mà còn là những kiến thức liên quan đến văn hóa, xã hội, tâm lí… 1.1.2. Đặc điểm Bùi Tất Tươm đã đưa ra những đặc điểm của văn bản như: Tính mục đích, tính hoàn chỉnh (nội dung và hình thức) và tính mạch lạc. - Tính mục đích: Đó là ý định tác động của người nói, viết được cụ thể hoá qua văn bản bằng lực ngôn trung của nó (ví dụ: miêu tả, tường thuật, nghi vấn, yêu cầu, ra lệnh, khẳng định, thuyết phục, đề nghị…). Tác giả Bùi Tất Tươm lại khẳng định: “Văn bản là sản phẩm của hoạt động ngôn ngữ - một trong những công cụ của hoạt động ứng xử” mà lực ngôn trung có thể thực hiện được hoàn toàn hay một phần mục đích giao tiếp. Chúng tôi đồng ý với ý kiến của tác giả Bùi Tất Tươm, nhưng bổ sung một vài điểm: Thứ nhất, văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp, nó không là mục đích mà là công cụ của quá trình trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm giữa người và người. Thứ hai, không thể chỉ là mục đích của hoạt động giao tiếp, văn bản là một chỉnh thể trong đó bao gồm các yếu tố như: nội dung, mục đích, đối tượng, hoàn cảnh…giao tiếp. - Tính chỉnh thể: Có thể hiểu đó là sự thống nhất giữa hai mặt nội dung và hình thức, cả đề tài và chủ đề và tất cả các thành tố cấu thành văn bản. Chủ đề: là vấn đề trung tâm mà văn bản đề cập, nó là cơ sở cho sự lí giải, tiếp nhận văn bản. Chủ đề khác với đề tài - vấn đề được chọn từ thực tế khách quan để làm cơ sở thể hiện chủ đề của văn bản. Thông tin (có thể là hiển ngôn – thông tin bề mặt, trực tiếp của văn bản; bao gồm thông tin cơ sở và thông tin bổ sung); hoặc hàm ngôn – thông tin gián tiếp, thông tin chìm được suy ra dựa vào thông tin hiển ngôn và những tri thức nền của cộng đồng ngôn ngữ đó. Vì là một chỉnh thể, nên sự thay đổi hay mất đi bất cứ một thành tố nào cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi của toàn bộ hệ thống (văn bản). - Tính mạch lạc: Tức là sự liên kết bề sâu của văn bản, làm cho các ý được rõ ràng, dễ hiểu. Tính mạch lạc có mối quan hệ mật thiết với tính logíc. Chính sự thống nhất giữa chủ đề - đề tài là một trong những yếu tố tạo nên tính mạch lạc cho văn bản. Vì thế, để đảm bảo cho văn bản có tính mạch lạc, các thông tin phải được tổ chức một cách hợp lí (ví dụ theo quan hệ giải thích, bổ xung, nhân quả, tương phản…), chủ đề bộ phận phải thống nhất với chủ đề chung của văn bản. Và sự mạch lạc được sự hỗ trợ đắc lực của một số hình thức diễn đạt (đặc biệt là phép nối mà chúng tôi sẽ đề cập sau). Tóm lại: “Mạch lạc là tập hợp những quan hệ có ý nghĩa dùng cho mọi văn bản, phân biệt văn bản với “phi văn bản” và làm phương tiện liên hệ phụ thuộc lẫn nhau về nội dung giữa các câu, các đoạn văn cụ thể. Mạch lạc không nêu văn bản thông tin cái gì, mà nêu văn bản tổ chức thành chỉnh thể ngữ nghĩa như thế nào?” [84;370]. Rõ ràng, mạch lạc thuộc phần nội dung, nhưng nó không nằm trong nội dung thông tin của văn bản mà là sự liên kết về mặt logíc - ngữ nghĩa của văn bản. Và thật sự việc phát hiện ra tính mạch lạc của văn bản không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi người tiếp nhận phải có đủ năng lực ngôn ngữ, vốn văn hoá cũng như nắm vững tâm lí chung của cộng đồng ngôn ngữ đó. Về mặt hình thức, văn bản được cấu thành từ một hay nhiều đoạn văn - đánh dấu từ chỗ viết lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng. Hay những hình thức thể hiện sự mạch lạc như: đại từ, quán từ/ngữ, liên từ…thông qua những mối quan hệ ý nghĩa: liệt kê, nối tiếp, nhân – quả… Còn Bùi Minh Toán cũng nêu ra đặc điểm về tính chỉnh thể và tính mục đích của văn bản. Tuy nhiên, tác giả này không đề cập đến tính mạch lạc như Bùi Tất Tươm, mà lại đề cập đến tính liên kết của văn bản: “đó là mối quan hệ qua lại chặt chẽ giữa các câu, các đoạn, giữa các phần, các bộ phận của văn bản.” [82;26]. Theo chúng tôi, tính liên kết có mối quan hệ chặt chẽ với tính mạch lạc và ngược lại. Tuy nhiên, khi đề cập đến khái niệm mạch lạc, nó nghiêng về khía cạnh nội dung – ý nghĩa (mặc dù, để tạo tính mạch lạc, chúng ta có thể sử dụng các phương tiện hình thức); trong khi đó, khái niệm liên kết sẽ bao hàm cả hai bình diện nội dung và hình thức. Do đó, chúng ta xem “tính liên kết” là một đặc trưng tiêu biểu của văn bản sẽ bao quát và phù hợp hơn. 1.2. Liên Kết 1.2.1. Đơn vị cơ sở của phép liên kết 1.2.1.1. Khái niệm cú – chủ cú và kết cú 1.2.1.1.1. Khái niệm cú Theo Trần Ngọc Thêm [76], “tính liên kết” được coi là một thuộc tính đặc thù chỉ có ở cấp trên câu, và tác giả căn cứ vào Phát ngôn để xác định tính liên kết của văn bản. Thực sự, phát ngôn là sự hiện thực hoá của mô hình câu, hay chính là câu trong quá trình giao tiếp. Đây chính là điểm nổi bật trong lí thuyết của Trần Ngọc Thêm, bởi tác giả đã gắn “câu” nói riêng, ngôn ngữ nói chung với quá trình giao tiếp, với quá trình ngôn ngữ hành chức. Vẫn thừa nhận đơn vị giao tiếp cơ bản, tức đơn vị mang nội dung thông báo và hình thức thể hiện hoàn chỉnh là phát ngôn; nhưng chúng tôi chọn cú (clause) làm cơ sở cho các phép liên kết liên kết nói chung, phép nối nói riêng. Trong nhận thức của chúng tôi, cú là một mệnh đề mà nói như Halliday là nó gồm hai thành tố, đó là Đề (Theme, Topic) là thành phần mở đầu văn bản (thường nằm bên trái) và là thành phần nêu lên đối tượng; còn Thuyết (Rhème, Comment) (thường nằm bên phải) là cái nói về cái Đề. Và theo trật tự thông thường thì Đề trước Thuyết sau. Nếu như Halliday coi Đề - Thuyết là cấu trúc cơ bản của quan hệ ngữ nghĩa và thông báo thì Cao Xuân Hạo lại coi nó như là một quan hệ cơ bản của ngữ pháp. Nhìn chung, đây là một vấn đề khá phức tạp. Mặc dù đối tượng của luận văn này là phép nối, nhưng không thể không đề cập đến vấn đề hữu quan này. Tuy nhiên, để tiện cho việc miêu tả, chúng tôi quan niệm cú là một mệnh đề (clause) bao gồm hai thành phần cơ bản chủ - vị. Nghĩa là, trong cú có thể xuất hiện các mối quan hệ ngữ pháp như đẳng lập, chính phụ nhưng nó buộc phải có mối quan hệ chủ vị. Và như vậy, có những trường hợp cú sẽ trùng với phát ngôn; nhưng cũng sẽ có những trường hợp những phát ngôn; đặc biệt là phát ngôn phức, sẽ bao gồm nhiều cú. 1.2.1.1.2. Chủ cú và kết cú Căn cứ theo những tiêu chí khác nhau, chúng ta có những loại cú khác nhau. Nếu căn cứ và chức năng “làm đơn vị liên kết cơ bản”, cú được chia thành: + Chủ cú: Cú làm cơ sở liên kết cho cú còn lại. Về vị trí, chủ cú thường là cú đứng đầu trong hai cú tham gia liên kết. Họ tự hỏi như vậy, rồi lại tự trả lời bằng những tiếng kêu trời thật to. Bởi vậy, ánh sang trở lại thật đã đẩy một khối nặng nề đè trên ngực họ. [NC,LT;178] + Kết cú: Cú thể hiện sự liên kết thông qua cú còn lại. Thường đó là cú thứ hai và là những cú có liên từ đứng trước. Vd: Cái sữa của thập phương quả có tốt hơn cái sữa của một người chăng? Có thể nói nó lớn nhanh như những đứa trẻ được bú no sữa mẹ. [NC,NĐ;73] Trường hợp phép nối biểu thị quan hệ qua lại (chính phụ), liên từ đi thành từng cặp sóng đôi và có mặt tại cả hai cú là những trường hợp khó xác định chủ hay kết cú, chẳng hạn: Tuy trong số bốn ông to nhất chẳng có ông nào khoẻ răng để có thể gặm nổi cái móng giò, nhưng cũng chẳng ông nào chịu mất. [NC,ĐMG;103] Ở đây, để tiện cho việc miêu tả, chúng ta tạm xác định chủ cú hay kết cú dựa theo quan điểm truyền thống về mệnh đề chính phụ. Tức cú mang nội dung chính - trọng tâm, điểm nhấn của thông tin là chủ cú (cú được gạch dưới). Còn kết cú là cú phụ, nó thường bổ sung những ý nghĩa phụ như: nêu nguyên nhân, điều kiện, đưa ra ví dụ minh họa, đính chính, giải thích…cho cú chính. Trong ví dụ trên, cú thứ nhất là “chủ cú”, cú thứ hai là “kết cú”. Còn trong phép nối thể hiện quan hệ đẳng lập, có nhiều liên từ, một số trường hợp, chúng ta rất khó xác định chủ hay kết cú, bởi lẽ hai cú (phát ngôn) có vai trò ngang nhau trong việc thực hiện liên kết: Vd: Mới đầu còn được ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không còn có nữa [NC,MBN;159]. Trường hợp này, ta không có chủ hay kết cú. Thông thường, các cú trong phép nối thể hiện quan hệ về thời gian, không gian, logic diễn đạt là những cú thuộc kiểu này. Chú ý rằng, đặc điểm vừa biện giải chỉ xuất hiện trong quan điểm lấy cú làm đơn vị liên kết cơ bản; nhưng với quan điểm phát ngôn, tình hình sẽ khác hẳn. 1.2.1.2. Cú - đơn vị liên kết cơ bản Chúng tôi chọn cú làm đơn vị cơ sở để phân tích phép liên kết nói chung, phép nối nói riêng vì những lí do chính yếu sau. Về mặt phương pháp: - Các công trình ngôn ngữ học theo khuynh hướng ngữ pháp chức năng hệ thống từng sử dụng đơn vị cú để nghiên cứu ở cả hai ngôn ngữ. Chẳng hạn, tiếng Anh: Halliday [108,111], Tôn Thị Mỹ Nhật [129], Thái Minh Đức [101]; tiếng Việt: [Hoàng Văn Vân [88], Nguyễn Thị Thu Hiền [40] … - Theo quan điểm ngữ pháp chức năng, chúng ta cần chọn một đơn vị thống nhất để phân tích phép nối. Về mặt chức năng, nhìn một cách khái quát, sỡ dĩ cú có thể đảm nhận chức năng là đơn vị liên kết cơ bản vì những lí do chính sau: Thứ nhất, cú là đơn vị nhỏ nhất mang ý nghĩa thông báo tương đối trọn vẹn: “cú là một thông điệp” – clause as a mesage (Halliday). Đó chính là cấu trúc đề - thuyết mang ý nghĩa thông báo được thể hiện qua cú. Thứ hai, cú có thể đảm đương là đơn vị cơ sở thực hiện chức năng giao tiếp – cú như là sự trao đổi (clause as an exchange). Ở khía cạnh này, chúng tôi nhấn mạnh đến chức năng trao đổi thông tin qua chủ ngữ, mà Halliday đã khẳng định: “chủ ngữ là sự bảo hành cho sự trao đổi. Nó là thành phần người nói thực hiện để chịu trách nhiệm cho tính hợp lệ của điều mà mình đang nói.” [31;102]. Cấu trúc chủ vị chứng tỏ cú là một đơn vị có cấu trúc ngữ pháp tương đối ổn định, hoàn chỉnh; và nó là một trong những cấu trúc cơ bản làm nền tảng để cấu tạo các đơn vị ngữ pháp cao hơn. Thật sự, cú là một đơn vị độc lập và riêng biệt, do đó, nó phải được phân tích riêng biệt như một đơn vị cơ bản. Theo Halliday:“mối quan hệ giữa câu và cú giống như mối quan hệ giữa từ và cụm từ: câu được tiến hóa bằng việc mở rộng ra khỏi phạm vi cú”[31;357]. Như vậy, về mặt chức năng, cú có thể có đảm nhiệm những chức năng tương tự như phát ngôn. Nó chính là những ngữ đoạn có khả năng đảm nhiệm nồng cốt cơ bản của một phát ngôn hoàn chỉnh. Và cú sẽ trở thành phát ngôn khi cú được ngắt bằng các dấu ngắt phát ngôn (dấu chấm, chấm than, chấm hỏi, chấm cảm, chấm lửng…), khi đó phát ngôn là một cú đơn. Thứ ba, cú như là một sự thể hiện – clause as a representation, nó đóng vai trò thể hiện các quá trình kinh nghiệm đang diễn ra của người tạo lập văn bản. Mà trong đó, hành thể (người thực hiện hành động) là tham tố tích cực, đóng chức năng cơ bản trong sự thể hiện này. Đứng trên quan điểm chức năng, Hallliday luận giải việc tại sao không chọn đơn nhỏ vị hơn cú (âm vị, hình vị, từ, cụm từ) làm cơ sở cho phép liên kết mà lại chọn cú: “Chúng tôi sẽ không đề cập đến cấu trúc đến cấu trúc thành tố nội tại của từ; mối quan tâm chính của chúng tôi là được đặt vào các đơn vị cao hơn từ, đặc biệt là vào “CÚ” (clause). Lí do là vì phương thức giải thích được chấp nhận ở đây là phương thức chức năng, trong đó cấu trúc ngữ pháp được giải thích trong mối quan hệ với ý nghĩa; và có một nguyên tắc chung trong ngôn ngữ qua đó chính các đơn vị lớn hơn đóng chức năng trực tiếp hơn trong việc hiện thực hóa ở các các mẫu thức ở cấp độ cao hơn.” [31;82]. Halliday cũng lí giải tại sao chúng ta không chọn đơn vị lớn hơn cú – phát ngôn là đơn vị cơ sở của phép liên kết: “Một câu có thể được giải thích như là một cú phức (tổ hợp cú): một cú chính cùng các cú khác bổ nghĩa cho nó.” [31;357]. Và: “chúng ta có thể giả định rằng khái niệm “cú phức” có thể giúp chúng ta có thể giải thích đầy đủ tổ chức, chức năng của các câu.” [31;358]. Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng phát ngôn chưa phải là đơn vị chức năng được thể hiện nhỏ nhất như cú. Nghĩa là, dựa vào cú, theo quan điểm tiếp cận từ dưới lên (Bottom up process), chúng ta hoàn toàn có thể soi sáng khái niệm câu hay phát ngôn; nhưng thao tác ngược lại thì có thể gặp nhiều khó khăn. Thực tế là, không phải phát ngôn nào cũng chỉ bao gồm một cú, chẳng hạn: (1) (Khi nào anh đi Hà Nội?) Ngày mai. (cú > phát ngôn, tức phát ngôn chưa phải là cú, mà chỉ là một từ.) (2) Trời mưa to quá! (cú = phát ngôn.) (3) Mẹ đi làm, tôi đi học. (cú > phát ngôn, cụ thể là phát ngôn bao gồm hai cú.) Như vậy, một cú có thể không phải là một phát ngôn (ngữ liệu 3), và cũng có khi một phát ngôn chưa chắc là một cú (ngữ liệu 1). Thật vậy, nếu chọn đơn vị liên kết là phát ngôn (hay câu), phải chăng sẽ là một thiếu sót lớn. Xem xét hai ngữ liệu sau đây: + Cuộc sống luôn có những điều làm người ta phải băn khoăn, nghĩ ngợi, day dứt, dằn vặc, đau khổ… Nhưng cũng chính nó làm cho người ta có những khoảnh khắc ngất ngây - lãng mạn bên người yêu hay tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật. + Cuộc sống luôn có những điều làm người ta phải băn khoăn, nghĩ ngợi, day dứt, dằn vặc, đau khổ… ;nhưng cũng chính nó làm cho người ta có những khoảnh khắc ngất ngây - lãng mạn bên người yêu hay tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật.(+) Hai ngữ liệu chỉ khác nhau ở chỗ: Trước liên từ “nhưng” là một dấu phẩy hay là dấu chấm. Nếu lấy phát ngôn làm tiêu chí xác định tính liên kết của văn bản, thì chỉ có ví dụ thứ nhất là có tính liên kết (vì có 2 phát ngôn trở lên), còn ví dụ thứ hai thì không. Nhưng trong cả hai ví dụ, nội dung ý nghĩa hay mối quan hệ tương phản giữa hay 2 vế là rõ ràng. Ở đây, cách dùng dấu chấm hay dấu chấm phẩy (thậm chí có trường hợp dùng dấu phẩy) phần nào tuỳ thuộc vào thói quen, sở thích của người viết. Tóm lại, Theo Halliday “câu và từ cũng được sử dụng như là thuật ngữ ngữ pháp; chúng chỉ ra các đơn vị thuộc hình thức ngôn ngữ, cũng như các mẫu thức trên giấy, …chúng là những đơn vị ngôn từ và đồng thời là những đơn vị viết. Câu và từ là một phần của tổ chức ngôn ngữ như là một mã hiệu có hệ thống, tổ chức được nằm phía sau các mẫu thức được tạo thành bởi các kí hiệu trong văn viết và âm thanh trong văn nói.” [31;87]. Như vậy, những đơn vị dưới cú và trên cú không thể hoặc không phù hợp để chúng ta nghiên cứu các phép liên kết, trong đó có phép nối. 1.2.2. Phép liên kết 1.2.2.1. Khái niệm Văn bản là một tập hợp mà những phần tử của nó chính là các phát ngôn. Và phát ngôn có thể do những cú (clause) hay những cấu trúc C-V tạo thành. Tuy nhiên, nếu chỉ có các cú hay phát ngôn, thì tập hợp này sẽ không trở thành văn bản. Như vậy, chuỗi cú, phát ngôn đó phải có cấu trúc để chỉ ra vị trí, vai trò của chúng trong chỉnh thể và những mối quan hệ giữa chúng với các cú, phát ngôn còn lại và với toàn văn bản nói chung. Liên kết chính là mạng lưới của những quan hệ và liên hệ ấy. Thật sự, văn bản không phải là một phép cộng đơn thuần giữa các cú hay phát ngôn. Giữa các cú, phát ngôn trong văn bản luôn có mối liên hệ chặt chẽ, chúng luôn có một sợi dây gắn kết hữu hình (thể hiện ra bằng các phương tiện liên kết) hay vô hình (phương tiện liên kết zero) và những sợi dây này được kéo từ đầu nọ sang đầu kia, nhiều đến nỗi tạo nên một mạng lưới dày đặt (Trần Ngọc Thêm), trong đó mỗi đơn vị riêng biệt gắn kết chặt chẽ với những đơn vị còn lại. Thiết nghĩ, mặc dù liên kết có thể được tạo ra giữa cú đó với những cú trước và sau nó, nhưng cũng phải tuân theo chiều tuyến tính - hay “tính hình tuyến” của văn bản chứ không thể tạo thành một mạng lưới chằng chịt theo hình ngũ giác, bát giác được. Do đó, theo chúng tôi hiểu, chữ dùng “mạng lưới dày đặt” của Trần Ngọc Thêm dụng ý chỉ vị trí thật của phát ngôn đó với các phát ngôn trước và sau nó trong một văn bản cụ thể. Vì trục kết hợp ngữ đoạn theo chuỗi thời gian chỉ có thể xảy ra ở trục ngang (hoành độ - trục kết hợp) chứ không thể xảy ra ở trục dọc (tung độ - trục lựa chọn được). Theo Diệp Quang Ban, khái niệm liên kết được hiểu: “Liên kết được hiểu là một thứ quan hệ nghĩa giữa hai (hơn hai) yếu tố ngôn ngữ nằm trong hai (hơn hai) câu (khúc đoạn lời nói nói chung) theo kiểu muốn hiểu nghĩa của yếu tố này thì phải tham khảo nghĩa của yếu tố kia, trên cơ sở đó hai câu chứa chúng liên kết được với nhau.” [6;146]. Nhìn chung, dù đơn vị cơ sở của phép liên kết có khác nhau, nhưng chúng tôi tán đồng điều mà các tác giả thống nhất về phép liên kết: đó là sợi dây ràng buộc (tùy theo mức độ) vê ý nghĩa giữa các đơn vị được liên kết. 1.2.2.2. Phân biệt phương tiện và phương thức liên kết Học sinh phổ thông và ngay cả sinh viên đại học chính quy, nhiều em, không thể phân biệt hai khái niệm này. Do đó, việc xác định và phân biệt nội hàm, cũng như ngoại diên của hai khái niệm này là một việc làm cần thiết. - Phương thức liên kết: (hay còn gọi là phép liên kết) Cách thức chung mà ngôn ngữ thể hiện sự liên kết trong văn bản. Theo Diệp Quang Ban, đó là: “cách sử dụng các phương tiện liên kết có cùng một thực chất (tạo thành một hệ thống con) vào việc liên kết câu với câu” [6;147]. Mỗi phương thức liên kết thể hiện một loại ý nghĩa, một chức năng nhất định trong việc liên kết. Như vậy, ý nghĩa chung hay cách thức chung mà các phương tiện liên kết cùng thể hiện sẽ tạo thành một phương thức liên kết nhất định. - Phương tiện liên kết: Tức là những biểu hiện ra bên ngoài hay sự hiện thực hoá phép liên kết nào đó bằng những phương tiện ngôn ngữ như đại từ, số từ, quán ngữ, kết cấu ngữ pháp… Nói tóm lại, chúng chính là phương tiện (means) hay công cụ (tools) giúp văn bản thực hiện chức năng liên kết (trong nội bộ các câu, đoạn của văn bản) theo một quan hệ ngữ nghĩa xác định. Nó thuộc về hình thức biểu đạt hay hình thức biểu hiện. Xét về khía cạnh khái quát, phương tiện liên kết mang tính cụ thể - bởi nó là sự cụ thể hoá phương thức liên kết thành những hình thức liên kết cụ thể; còn phương thức liên kết lại mang tính khái quát hoá. Xét về số lượng, do mang tính cụ thể, nên phương tiện liên kết có số lượng nhiều hơn phương thức liên kết. Mối quan hệ giữa phương thức và phương tiện liên kết có thể được ví như mối quan hệ giữa âm tố và âm vị, giữa ngôn ngữ và lời nói trong ngôn ngữ học. Vd: Chúng tôi đi. Và dĩ nhiên, có ngày, chúng tôi sẽ quay lại. Hễ có gió là chị em tôi lại ra sân hóng mát. Ở đây, có đến 2 phương tiện liên kết: “và dĩ nhiên” và cặp liên từ “Hễ…là”, nhưng chúng chỉ thực hiện chung một cách thức (phương thức) liên kết là nối hai cú (ngữ liệu 2) hay nối hai phát ngôn (ngữ liệu 1) để liên kết hai thông tin đã đề cập theo một quan hệ ý nghĩa nhất định, mà chúng ta gọi là phép nối. 1.2.2.3. Phân loại Tình hình phân loại các phương tiện liên kết của các nhà Việt ngữ học tương đối thống nhất. Nhìn chung, đa số các công trình có liên quan đến vấn đề văn bản và liên kết như: Trần Ngọc Thêm (1985), Diệp Quang Ban và các giáo trình Tiếng Việt thực hành (Bùi Minh Toán, Nguyễn Thị Ảnh…) đều thống nhất chia các phương tiện liên kết theo hai bình diện liên kết nội dung và liên kết hình thức. Nhưng thành phần tiểu loại của các tác giả lại có vài chỗ không giống nhau. Chẳng hạn, Nguyễn Đức Dân có cách phân chia như sau: - Liên kết hình thức (còn gọi là liên kết ngữ pháp), bao gồm: Phép lặp từ vựng, phép thế, phép liên kết nhờ các phương tiện ngữ pháp khác. - Liên kết nội dung (còn gọi là liên kết logích-ngữ nghĩa), gồm có: Sự liên tưởng, phép đối, liên kết logic, liên kết các hành vi ngôn ngữ. Trong khi đó, ngoại diên của khái niệm liên kết nội dung và liên kết hình thức của Trần Ngọc Thêm lại khác: - Liên kết nội dung: bao gồm Liên kết chủ đề và Liên kết logíc - Liên kết hình thức: căn cứ trên ba loại phát ngôn - tự nghĩa, hợp nghĩa và dưới bậc, tác giả chia thành: + Các phương thức liên kết chung cho cả ba loại phát ngôn: phép lặp, phép đối, phép thế đồng nghĩa, phép liên tưởng, phép tuyến tính. + Các phương thức liên kết hợp nghĩa: phép thế đại từ (khứ chỉ và hồi chỉ), phép tỉnh lược yếu, phép nối lỏng. + Các phương thức liên kết trực thuộc: phép tỉnh lược mạnh, phép nối chặt. Như vậy, phép đối và phép liên tưởng được Nguyễn Đức Dân xếp vào liên kết nội dung, trong khi Trần Ngọc Thêm lại xếp vào liên kết hình thức. Để tiện cho việc khảo sát, chúng tôi tạm thời theo cách phân loại như sau: + Liên kết nội dung gồm: liên kết chủ đề và liên kết logíc. + Liên kết hình thức: phép nối, lặp, thế, liên tưởng, nghịch đối, trật tự tuyến tính. Hiện nay, khi đề cập đến khái niệm liên kết, nhiều người chỉ đề cập đến các phương tiện liên kết hình thức như mà bỏ đi liên kết nội dung; do vậy, tự thu hẹp ngoại diên của khái niệm liên kết. Điều này cũng dễ hiểu vì, thực sự, liên kết nội dung (liên kết chủ đề, liên kết logíc) không phải dễ dàng nhận ra hay nắm bắt được. Ngược lại, các phương tiện liên kết hình thức lại tương đối dễ nhận diện, nên sự nhầm lẫn này đối với những người không chuyên ngữ cũng là một hiện tượng khá phổ biến. Chính liên kết nội dung là yếu tố quyết định để phân chia văn bản thành loại văn bản điển hình hay văn bản không điển hình. Văn bản không điển hình là loại văn bản có liên kết hình thức nhưng thiếu một trong hai yếu tố của liên kết nội dung, tức thiếu liên kết chủ đề hay liên kết logíc. Còn văn bản điển hình thì có mặt cả hai loại liên kết trên. Ngoài ra, phép liên kết còn được chia thành: liên kết trực tiếp/ gián tiếp; liên kết hồi chỉ/ liên kết khứ chỉ; liên kết chặt/ lỏng; bên trong/bên ngoài…Chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn khi đề cập đến phép nối. 1.2.2.4. Ý nghĩa Chính liên kết (gồm cả liên kết hình thức và liên kết nội dung) là tiêu chí phân biệt văn bản với những sản phẩm phi văn bản - những chuỗi phát ngôn hỗn độn, rời rạc. Xét về nguồn gốc, thuật ngữ “văn bản” trong các ngôn ngữ Ấn Âu bắt nguồn từ chữ Latin “textum” – nghĩa là “sự liên kết”. Phép liên kết chủ yếu xác lập mối quan hệ ý nghĩa giữa các yếu tố bên trong văn bản. Giống như những mối quan hệ ngữ nghĩa khác, liên kết thể hiện cấu trúc tầng bậc của ngôn ngữ nói chung. Ngôn ngữ có thể được xem như công cụ chung để tạo nên ba cấp độ cơ bản của việc “lập mã” hay ba tầng bậc, đó chính là ngữ nghĩa, từ vựng (hình thức) và ngữ âm (bao gồm cả chính tả). Hình thức biểu hiện ngữ nghĩa và ngược lại, ngữ nghĩa có được là thông qua sự biểu đạt từ những hình thức ngôn ngữ mà từ vựng là trung tâm của những hình thức biểu hiện đó. Tóm lại, nghĩa được đặt vào từ và từ được cấu tạo từ những âm thanh (ngữ âm). Ngoài ra, liên kết còn tạo tính mạch lạc cho văn bản. Chính phép liên kết tạo nên tính liên tục cho văn bản, mặc dù nó không phải là yếu tố duy nhất để tạo nên tính liên tục của một diễn ngôn. Tuy thế, liên kết không kém phần quan trọng hơn những yếu tố khác trong một diễn ngôn. Ngược lại, liên kết bắt buộc phải hiện diện trong văn bản để văn bản được “hiện thực hóa” – “come to life as text” và thực hiện đúng chức năng của nó. Như vậy, phép liên kết hay tính mạch lạc không là điều kiện đủ nhưng nó là điều kiện cần để cấu thành văn bản. 1.3. Phép nối 1.3.1. Khái niệm Phép nối là một phương thức liên kết nằm trong hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt. Diệp Quang Ban [6] đã định nghĩa phép nối như sau: “Phép nối là việc sử dụng tại vị trí đầu câu hoặc trước vị ngữ (trước động từ ở vị ngữ) những từ có khả năng chỉ quan hệ để làm bộc lộ kiểu quan hệ của hai câu có quan hệ với nhau, và bằng cách đó, liên kết hai câu này với nhau”. Trong khi định nghĩa về phép nối lỏng và phép nối chặt, tác giả này cũng đã khẳng định: phép nối chính là việc sử dụng liên từ (nối chặt) hay những từ ngữ chuyển tiếp (nối lỏng) để liên kết câu kết với câu chủ. Hệ thống phân loại phép liên kết của Nguyễn Đức Dân không có phép nối nhưng ông có đề cập đến mảng này thông qua mục “Phép liên kết nhờ những tín hiệu ngữ pháp” [21;200] và tác giả xếp loại này vào liên kết hình thức. David Nunan cũng đưa ra cách hiểu chung về phép nối: “nó (phép nối) là phương thức liên kết bởi vì nó báo hiệu các mối quan hệ, mà những mối quan hệ này chỉ có thể được hiểu một cách khá đầy đủ qua tham khảo các phần khác của văn bản.” [64;46]. Còn Trần Ngọc Thêm lại đưa ra khái niệm phép nối thông qua khái niệm của phép tuyến tính: “Cơ sở cho việc liên kết hai phát ngôn là sự tồn tại của các quan hệ trong đó có những quan hệ ngữ nghĩa giữa chúng. Ở phép tuyến tính, những mối quan hệ đó nằm ở dạng tiềm ẩn. Nếu những quan hệ đó được thể hiện ra bằng phương tiện từ vựng thì thì ta có hiện tượng nối liên kết hay các phép nối nói chung.” [76;169]. Và Trần Ngọc Thêm cũng đưa ra khái niệm phép nối bằng cách đưa ra mô hình hay cấu trúc của nó: “hiện tượng nối liên kết có dạng của một quan hệ hai ngôi aRb, trong đó (a,b) là cặp phần tử được sắp thứ tự (…). Ở đây, r là phương tiện nối.” [76;169]. Và quan hệ hai ngôi ở đây là quan hệ ngữ nghĩa. Đặc biệt, rất nhiều ý kiến cho rằng phép nối là phương thức liên kết hình thức. Nếu theo quan điểm này, chúng ta đã bỏ đi một tiểu loại quan trọng của phép nối là phép nối không có liên từ. Theo chúng tôi, liên từ là phương tiện hình thức của phép nối còn mối quan hệ ý nghĩa thực sự giữa hai cú thì phải là nội dung, logic ngữ nghĩa. Việc xếp phép nối vào phương thức liên kết hình thức chỉ là vấn đề mang tính chất tương đối và vì mục đích tiện lợi. Như vậy, phép nối là sự nối kết quan hệ ý nghĩa hai (hay nhiều) cú, được đánh dấu bằng những phương tiện nối (từ chỉ quan hệ, từ ngữ chuyển tiếp…) (phép nối có liên từ) hay thậm chí không có những yếu tố liên kết hình thức này (phép nối không có liên từ). Ở đây, chúng tôi theo cách định nghĩa của Trần Ngọc Thêm. 1.3.2. Phương tiện thể hiện Để nối kết hai hay nhiều cú, các tác giả đưa ra những phương tiện sau - Liên từ (từ nối/liên từ/ kết từ) - Phó từ/phụ từ - Các cấu trúc đặc biệt, quán ngữ Nguyễn Văn Tu (1978) đã đề cập đến khái niệm quán ngữ trong quyển “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” như sau: “Trong tiếng Việt, có một số cụm từ rất gần với cụm từ tự do nhưng tương đối ổn định về tổ chức, được quen dùng mà các từ tạo ra chúng còn giữ được tính chất đọc lập, có khi một từ mà trong đó có thể thay thế bằng những từ khác.” [83;184] Như vậy quan hệ của những từ trong quán ngữ tương đối cố định – cả về quan hệ ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa, nên nó có thể xem như “một đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ”. 1.3.2.1. Phân biệt: Liên từ/từ nối/ kết từ/quan hệ từ Cách dùng thuật ngữ định danh phương tiện thể hiện phép nối của các tác giả không thống nhất. Nguyễn Hữu Quỳnh [70] đã đề cập đến khái niệm liên từ. Theo tác giả: “Liên từ là những từ chỉ các quan hệ ngữ pháp chuyên dùng đê nối các thành phần trong câu hay các thành tố trong cụm từ (còn gọi là từ nối, kết từ hoặc giới từ và liên từ).”[70;172] Đinh Văn Đức [27] cũng đã đề cập đến khái niệm liên từ, và tác giả cũng có quan điểm tương tự như Nguyễn Hữu Quỳnh. Theo tác giả này, hư từ, trong sự khác biệt với thực từ và tình thái từ, chia thành hai nhóm cơ bản: hư từ từ pháp và hư từ cú pháp. Trái với hư từ từ pháp - diễn đạt các ý nghĩa ngữ pháp kèm theo thực từ, chuyên làm thành tố phụ trong các đoản ngữ, hư từ cú pháp dùng để diễn đạt mối quan hệ ra khỏi phạm vi một thực từ, tức giữa các thực từ trong các phát ngôn. Tức là, biểu đạt mối quan hệ giữa các khái niệm trong tư duy, là công cụ biểu đạt các quan hệ logíc, các quan hệ trong cách thức phản ánh hiện thực khách quan. Chúng chính là phương tiện liên kết “xúc tác” (chữ dùng của Đinh Văn Đức) thành tố phụ với trung tâm đoản ngữ, các mệnh đề với nhau trong cấu trúc của phát ngôn. Và “Ngữ pháp truyền thống gọi các hư từ cú pháp là liên từ và giới từ. Trong tiếng Việt còn có những thuật ngữ khác để gọi chúng, chẳng hạn là các từ nối hoặc liên từ.” [27;207]. Lê Biên [8] trong quyển “Từ loại tiếng Việt hiện đại” cũng đưa ra khái niệm liên từ: “Liên từ là những hư từ, không có nghĩa sở chỉ, sở biểu mà là những từ có chức năng diễn đạt các mối quan hệ giữa các khái niệm trong tư duy.” [8;161]. Nguyễn Tài Cẩn [12] trong quyển “Ngữ pháp tiếng Việt”, ở trang 341 cũng khẳng định tương tự. Tác giả này cho rằng liên từ không có khả năng làm thành tố trung tâm trong cấu trúc một ngữ mà chỉ có thể kết hợp với ngữ để dạng thức hoá một tổ hợp cú pháp, bổ sung cho cấu trúc ngữ “một đặc điểm phân bố”. Trịnh Mạnh, Nguyễn Hữu Đàn [60] trong quyển “Giáo trình tiếng Việt, tập 1” đã đưa ra khái niệm từ nối: “Tiếng Việt có những loại hư từ đứng giữa hai từ, hai thành phần câu, hai vế câu hay hai câu dùng để biểu thị mối quan hệ ngữ pháp giữa hai bộ phận ấy, ta gọi chúng đó là từ nối”. Từ nối có ba tiểu loại: giới từ, liên từ và trợ từ. Giới từ biểu thị quan hệ chính phụ, liên từ biểu thị quan hệ liên hợp (song song) hoặc quan hệ qua lại với nhau…” [60;59]. Diệp Quang Ban trong quyển “Ngữ pháp tiếng Việt” [5] (tập 1) đưa ra khái niệm “kết từ”: “Về ý nghĩa khái quát, kết từ biểu thị ý nghĩa về quan hệ giữa các khái niệm và đối tượng được phản ánh. Kết từ là dấu hiệu biểu thị các quan hệ cú pháp giữa các thực từ (và hư từ) một cách tường minh.” [5;132]. Ngoài ra, Diệp Quang Ban còn nêu lên những đặc điểm về khả năng kết hợp và chức năng cú pháp của kết từ: dùng để nối kết các từ, các cụm từ, các câu và đoạn văn có quan hệ cú pháp. Căn cứ vào những khái niệm trên, ta thấy rằng đa số các tác giả gọi thành phần nối kết giữa các từ, cụm câu, câu, đoạn văn là liên từ; một số tác giả thay bằng khái niệm kết từ hay từ nối. Và Thái Kim Thành cũng đã khẳng định: từ nối, liên từ, kết từ đều được gọi là hư từ cú pháp: “Đó là nhóm hư từ dùng để diễn đạt các mối quan hệ ngữ pháp giữa thực từ và hư từ trên trục ngữ đoạn, là phương tiện liên kết giữa các tiểu cú và các vị từ…Hư từ cú pháp không chỉ là công cụ, dấu hiệu để thể hiện các quan hệ ngữ pháp mà còn góp phần biểu hiện ý nghĩa của câu, lời trong hoạt động giao tiếp…” [75;49]. Như vậy: kết từ= từ nối = liên từ = liên từ + giới từ. Để tiện cho việc khảo sát, chúng tôi chọn một thuật ngữ thống nhất để gọi chung cho tất cả những phương tiện (từ, ngữ có chức năng liên kết) thể hiện phép nối là liên từ. Cần chú ý rằng, liên từ có thể là gồm một từ (Vd: nếu, nhưng, mà…) hay một ngữ - cụm từ như: bên cạnh những vấn đề vừa đề cập, bởi vậy, … Vì đề cập đến vấn đề liên kết, mà cụ thể là phép nối, do đó, chúng tôi chỉ chú ý chủ yếu đến những phương tiện có khả năng đảm nhận chức năng liên kết giữa các cú. Ngược lại, chúng tôi sẽ không chú ý đến loại phương tiện thể hiện quan hệ chính phụ giữa các thành phần trong một cú (phát ngôn). Vd: Hộp thuốc này bằng nhôm. Tôi với anh hai người xa lạ. (Tự phương trời chẳng hẹn nhau quen) “Đồng Chí” – Chính Hữu. Hoặc cụm giới từ thường đảm nhiệm chức năng trạng ngữ (thành phần phụ) trong một cú (phát ngôn). Vd: Với tài năng của mình, anh nhanh chóng được yêu mến và tín nhiệm. (+) Đặc điểm của liên từ (nhìn chung các tác giả đều thống nhất): - Là hư từ: Không có ý nghĩa từ vựng - nghĩa thực, chỉ có ý nghĩa ngữ pháp. - Không thể đảm nhiệm chức năng làm thành phần chính của câu. - Liên từ chỉ là dấu hiệu hình thức để cụ thể hóa mối quan hệ ý nghĩa giữa hai cú. Nên liên từ phải được đặt trước cú mà nó thể hiện quan hệ ý nghĩa: + Nó chết, người ta phải bỏ ngay ngót trăm đồng bạc tậu con khác về thay nó bởi vậy, người ta cần chăm chút nó. (-) + Nó chết, người ta phải bỏ ngay ngót trăm đồng bạc tậu con khác về thay nó, người ta cần chăm chút nó, bởi vậy. (-) + Nó chết, người ta phải bỏ ngay ngót trăm đồng bạc tậu con khác về thay nó. Bởi vậy, người ta cần chăm chút nó. [NC,ĐV;271] “Bởi vậy” (= “nên”) thể hiện kết quả (nhưng liên từ “bởi” lại chỉ nguyên nhân, sẽ giải thích ở mục 2.3. Ngữ dụng). Do vậy, liên từ “bởi vậy” phải được đặt trước cú chỉ kết quả “người ta cần chăm chút nó”. 1.3.2.2. Phân loại - Căn cứ vào cấu tạo, ta có: + Liên từ đơn: chỉ gồm một tiếng, vd: và, tuy, nhưng.. + Liên từ phức: gồm hai hay nhiều tiếng trở lên, vd: bởi thế/ bởi vậy, do vậy/ do thế/ do đó; những vấn đề đã đề cập, những khía cạnh vừa xét… - Căn cứ vào tính chất cố định hay không, ta có: + Tổ hợp cố định: bởi vì, cho nên, thành thử, vì thế, do vậy… + Tổ hợp tương đối (hay không) cố định (quán ngữ): bên cạnh vấn đề/ khía cạnh vừa đề cập/ đã nêu (là), một trong những cách/ thức/phương pháp…để tiến hành/khắc phục/điều chỉnh…(là); một vấn đề/khía cạnh cần đề cập nữa là,… - Căn cứ theo ý nghĩa ngữ pháp, chúng ta có 2 nhóm liên từ sau: + Liên từ chính phụ: thể hiện quan hệ chính phụ khi nối các cú: vì, bởi, tuy,nhưng, mặc dù/ dầu, nếu, hễ… + Liên từ đẳng lập hay liên hợp: và, rồi, hay, hoặc, mà, nhưng… - Căn cứ vào tính chất “đồng thời” xuất hiện của liên từ, ta có: + Liên từ xuất hiện độc lập, như: và, nhưng, hay, hoặc, mà… + Liên từ thường đi thành từng cặp, ví dụ: nếu…thì, tuy…nhưng, mặc dù..nhưng, càng…càng; nào…ấy, bao niêu…bấy nhiêu… Trần Ngọc Thêm [76], khi đề cập đến thành phần chuyển tiếp, tác giả đã đề cập đến các yếu tố từ vựng làm thành phần chuyển tiếp: + Các từ: thoạt tiên, cuối cùng, đồng thời, bỗng nhiên, chẳng hạn, vả lại, thậm chí, song le, sự thật, đặc biệt… + Các kết hợp cố định hoá (thường là song tiết) – loại điển hình của phép nối lỏng - như: tiếp theo, thứ hai, ngoài ra, hơn nữa, mặt khác, trái lại, ngược lại, tóm lại, nhìn chung… + Các kết hợp có xu hướng cố định hoá  Động từ + trạng từ chỉ cách thức: nói cách khác, nói khác đi, nói đúng ra, nói một cách tóm tắt, nói (một cách) chính xác hơn…(dạng này có nguồn gốc từ sự rút gọn: nếu nói một cách tóm tắt thì…Và hiện nay, nó có xu hướng lược bỏ động từ, thành: đúng ra, một cách tóm tắt, chính xác hơn…)  Từ nối + đại từ: trên đây, trước đây, sau đó, từ đó, do vậy (từ nối là giới từ); vì vậy, bởi vậy, như thế, tuy thế…  Đại từ/danh từ + là: thế là, vậy là; nghĩa là, kết quả là… Nhìn chung, liên từ chỉ là phương tiện hình thức thể hiện mối quan hệ ý nghĩa, sự liên kết giữa hai cú trong đoạn văn hay văn bản. Thế nhưng, rất nhiều học sinh, sinh viên và ngay cả giáo viên phổ thông đều dựa vào dấu hiệu hình thức này để nhận diện phép nối. Vấn đề này cần được xem xét kỹ hơn. 1.3.3. Phân loại Căn cứ vào những tiêu chí khác nhau, chúng ta có những loại phép nối khác nhau. - Nối đẳng lập/chính phụ Căn cứ vào mối quan hệ ngữ nghĩa giữa hai cú, phép nối được chia thành: + Nối đẳng lập: Hai cú/phát ngôn có mối quan hệ bình đẳng, hay phép nối thực hiện sự liên kết giữa những cú/ phát ngôn - là những luận cứ/luận chứng có mối quan hệ ngang nhau trong việc biểu đạt một ý/chủ đề nò đó. Quan hệ không gian - thời gian, logic diễn đạt; hay quan hệ mở rộng (gồm: quan hệ bổ sung, tương phản, lựa chọn) và quan hệ so sánh thường thực hiện phép nối giữa hai cú đẳng lập. vd:Anh đứng tần ngần một lúc. Rồi anh rón rén đi lại giường…[NC,CM;119] – qh thời gian. + Nối chính phụ: Hai cú có mối quan hệ khác bậc – không ngang hàng nhau, trong đó có một cú (phát ngôn) thể hiện nội dung chính, còn cú kia chỉ bổ sung thêm những ý nghĩa phụ (nêu điều kiện, nguyên nhân; đưa ví dụ, dẫn chứng, lời giải thích…) cho cú chính. Điển hình cho phép nối chính phụ là những quan hệ như: quan hệ làm rõ (bao gồm: giải thích, minh họa, đính chính, dẫn dắt, đặc biệt hóa, miễn trừ, tóm tắt lại, suy luận, xác nhận), quan hệ nguyên nhân – kết quả (bao gồm: quan hệ nhân – quả, điều kiện – kết quả, quan hệ nhượng bộ). Vd: Thúc thì hắn chửi, căm vườn thì hắn chém, sinh chuyện với hắn thì chính lý trưởng làng có lỗi bởi cố ý ẩn lậu hắn là một tên can phạm. [NC,CP;31] – quan hệ điều kiện – hệ quả. - Nối đơn/phức Căn cứ vào số lượng cú tham gia liên kết, ta có: - Phép nối phức: Phép nối thực hiện sự liên kết phức tạp giữa nhiều cú (từ hai cú trở lên) với nhau. Quan hệ thời gian, không gian và logíc diễn đạt có thể là phép nối phức. Vd: Cái lịch sử vong gia thất khổ bắt đầu như vậy. Tiếp đến những ngày vợ chồng nghiến ngấu nhau. Rồi thì chị vợ bỗng lẵn mẵn nghỉ rằng, cho cái thằng chồng bạt mạng mày ăn thật phí cơm. [NC,LT;182] - Phép nối đơn: Là sự liên kết chỉ thực hiện giữa hai cú (phát ngôn). Đa số các quan hệ ngữ nghĩa còn lại là phép nối đơn. + Hắn lập tức bê cổ về sân, dạt lên phản; ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. [NC,TCM;202] Dạng phép nối có liên từ đi thành cặp cũng là phép nối đơn: + Giá mày ở nhà mày thì mặc mày. [NC,NĐ;81] Ngay cả những quan hệ thời gian, không gian và logíc diễn đạt, nếu chỉ nối hai cú với nhau, cũng là phép nối đơn. Vd: Đêm hôm ấy, bà lăn lóc rất lâu không ngủ được. bà dần cái bụng, bà quay vào lại quay ra…Vào khoảng nửa đêm, bà thấy hơi đau bụng. [NC,MBN;166] Nhìn trên tổng thể, phép nối đơn chiếm số lượng nhiều hơn. - Nối liên tục/gián đoạn (còn gọi là nối trực tiếp và nối gián tiếp) Dựa vào tính chất hai cú liên kết đứng cạnh nhau hay gián cách, ta có: - Nối liên tục: là phép nối được thể hiện giữa hai cú (hay phát ngôn đơn – tức phát ngôn chỉ bao gồm một cú) nằm cạnh nhau: + Tuy trong số bốn ông to nhất chẳng có ông nào khoẻ răng để có thể gặm nổi cái móng giò, nhưng cũng chẳng ông nào chịu mất. [NC,ĐMG;103] + Không lẽ tôi lại vui khi được một cái tin như thế. Nhưng thật tôi cũng không biết có nên buồn không đấy. [NC,ĐV;269] + Nối gián đoạn: Là phép nối được thể hiện giữa hai cú hay hai phát ngôn không nằm cạnh nhau hay gián cách. Thông thường, chúng ta thường gặp loại phép nối loại này khi phép nối biểu hiện quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt. + Thoạt tiên hắn gắt gỏng bằng nét mặt: Nét mặt hắn luôn luôn gây sự; cái môi dưới cố hất lên, đôi lông mày xít lại với nhau thì lại cố mà lăn xuống; những con mắt lúc thì khoằm khoặm, lúc thì lại cong lên như muốn nhảy tót ra vì tức quá. […]. Sau cùng đến chân tay: tội nghiệp cho cái rổ, cái rá, cái mi hay cái cuốc! Tội nghiệp nhất cho bà quản Thích. [NC,NĐ;83] + Chị giận anh chồng quá. Cái anh chồng động cãi nhau là lại ăn thật khoẻ, làm như cãi nhau được thì lòng hả hê. Đích là nó cố ý trêu tức chị. Chị uất người. Cổ chị có cái gì lấp hẳn. Thật ra thì nó chẳng động chạm gì đến chị. [NC,CM;118] Ở ví dụ này, liên từ “đích là” thể hiện phép nối liên tục với phát ngôn đi trước nó. Còn liên từ “thật ra” lại thể hiện sự phép nối gián đoạn, vì nó liên kết với phát ngôn nằm cách nó đến ba phát ngôn: “Cái anh chồng động cãi nhau là lại ăn thật khoẻ, làm như cãi nhau được thì lòng hả hê”. - Nối lỏng/nối chặt Tương tự, chúng ta cũng phân chia phép nối thành phép nối lòng và phép nối chặt dựa trên mức độ gắn kết về nội dung và hình thức ngữ pháp giữa chúng. + Phép nối lỏng: Là phương thức liên kết mà các phương tiện nối chỉ làm cho kết cú chứa nó chỉ quan hệ (bình đẳng hay phụ thuộc) với chủ cú về mặt nội dung mà không chi phối, tác động đến cấu trúc hay hình thức của kết cú: “Nối lỏng là việc sử dụng trong câu kết các từ ngữ chuyển tiếp để tạo liên kết với câu chủ” [6;132]. Hay “Phép nối lỏng là phương thức liên kết thể hiện ở sự có mặt trong kết ngôn những phương tiện từ vựng (từ/cụm từ) không làm biến đổi cấu trúc của nó và điễn đạt một quan hệ ngữ nghĩa hai ngôi mà “ngôi” còn lại là chủ ngôn.”[76;170]. Khi đó, hai cú có liên kết với nhau nhưng chúng vẫn còn tính độc lập tương đối. Nếu tách riêng, chúng ta vẫn có thể hiểu được chúng. Những cú có quan hệ đẳng lập thường thể hiện phép nối lỏng. Vd: Có ai ngờ một thằng ngớ ngẩn lại có thể là một thằng biết cảm xúc như một người lành vậy. Không những thế, cảm xúc lại đánh thức dậy những cái gì tê liệt. [NC,NĐ;77] + Phép nối chặt: Theo Diệp Quang Ban: “Nối chặt là việc sử dụng liên từ ở đầu hoặc cuối câu kết (ở đây là ngữ trực thuộc) để tạo liên kết giữa câu kết với câu chủ.” [6;133] Trần Ngọc Thêm cũng đưa ra khái niệm về tiểu loại phép nối này: “Phép nối chặt là phương thức liên kết của ngữ trực thuộc thể hiện bằng sự có mặt của các từ nối (liên từ, giới từ) ở chỗ bắt đầu (liên kết hồi quy) hoặc chỗ kết thúc (liên kết khứ chỉ) của nó, tạo thành một quan hệ ngữ nghĩa hai ngôi giữa ngữ trực thuộc với chủ ngôn” [76;205]. Như vậy, khi một trong hai cú tham gia liên kết không có khả năng tồn tại độc lập, tức chúng không độc lập về ý nghĩa và hình thức ngữ pháp thì chúng ta sẽ có phép nối chặt. Như vậy, phép nối chặt là phép nối thực hiện liên kết những cú chính phụ hay những cú bị tỉnh lược, cú có chứa yếu tố thay thế với nhau. Vd: Nếu em sửa được tính nết em. Em lại trở về với cậu. [NC,NĐ;94] Thực chất của phép nối chặt là sự kết hợp của một phương thức liên kết khác -thường là phép tỉnh lược, phép thế với phương thức nối. Chính sự kết hợp của nhiều phương thức liên kết mà sự liên kết giữa các cú trở nên chặt chẽ hơn. - Nối bên trong/bên ngoài Nói đến phép nối bên trong hay bên ngoài, chúng ta có thể hiểu theo nhiều cấp độ và phạm vi khác nhau. Ứng với mỗi phạm vi là một cách hiểu hay một sự phân loại. + Phạm vi phát ngôn Nối bên trong: Liên kết những cú bên trong một phát ngôn, tứ nối cú với cú. Vd: Đúc muốn trả lời mà chả biết trả lời sao được. [NC,NĐ;78] Nối bên ngoài: Liên kết những cú vượt ra khỏi phạm vi một phát ngôn, tức nối giữa các phát ngôn với nhau. Vd: Không táo bạo mà dám gây sự với cha con Bá Kiến, bốn đời làm tổng lý. Và nghĩ thế, hắn thấy hắn cũng oai. [NC,CP;27] + Phạm vi đoạn văn Nối bên trong: Nối các phát ngôn trong một đoạn văn với nhau. Nối bên ngoài: Nối đoạn văn này với một đoạn văn khác. Vd: Như vậy, các BTQH (biến thể quan hệ) là danh từ này có ý nghĩa trực tiếp và thuộc trường nghĩa chỉ các sự vật, hiện tượng thường xuất hiện vào mùa xuân ở nước ta. Điều đó cũng có nghĩa, trong thơ Xuân Diệu, mùa xuân thường được ông miêu tả cùng với cỏ cây, hoa lá trong không gian và thời gian khác nhau. Ngoài ra, trong thơ Xuân Diệu còn xuất hiện nhóm BTQH gồm các tín hiệu mang nghĩa bóng, nghĩa biểu trưng, đó là những tín hiệu đã có sự chuyển nghĩa. [MTXD;5] + Phạm vi văn bản Nối bên trong: Phép nối thực hiện liên kết bên trong văn bản. Nối bên Ngoài: Phép nối thực hiện liên kết bên ngoài văn bản: giữa văn bản này với văn bản khác hay giữa văn bản với hiện thực. Tuy nhiên, trong các cấp độ trên, phạm vi nối ở cấp độ phát ngôn là phổ biến nhất. Nên khi đề cập khái niệm “nối bên trong” hay “nối bên ngoài” mà không chú thích gì thêm, chúng ta mặc định là phép nối thực hiện trong phạm vi trong một phát ngôn hay giữa các phát ngôn. - Phép nối chỉ có một liên từ/ phép nối có nhiều liên từ Căn cứ vào số lượng liên từ tham gia phép nối, ta có: + Phép nối liên từ Là phép nối thường do một liên từ đảm nhiệm. Cả quan hệ đẳng lập và quan hệ chính phụ đều có thể thuộc phép nối này. Chẳng hạn như quan hệ làm rõ (giải thích, minh họa, đính chính, dẫn dắt, đặc biệt hóa…) – thuộc quan hệ chính phụ; và quan hệ mở rộng (bổ sung, tương phản, lựa chọn), quan hệ so sánh – thuộc quan hệ đẳng lập đều có thể là phép nối chỉ có một liên từ. Vd: + Người ta đang cần thợ gặt. Chỉ sợ lại được chôn vệ đường. [NC,QD;151]- quan hệ chính phụ (quan hệ làm rõ). + Không táo bạo mà dám gây sự với cha con Bá Kiến, bốn đời làm tổng lý. Và nghĩ thế, hắn thấy hắn cũng oai. [NC,CP;27] - (quan hệ đẳng lập – quan hệ bổ sung). + Phép nối tổ hợp liên từ Đây là dạng phép nối thường do nhiều liên từ đảm trách. Tương tự như phép nối chỉ có một liên từ, phép nối có nhiều liên từ cũng có thể bao gồm cả quan hệ đẳng lập và quan hệ chính phụ: quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt (quan hệ đẳng lập) và quan hệ nguyên nhân – hệ quả (bao gồm quan hệ nhân – quả, quan hệ điều kiện – kết quả, quan hệ nhượng bộ) – quan hệ chính phụ. Vd: Cho thì lấy vậy. Dẫu chẳng lợi lộc thì cũng không phải thiệt. [NC,LT;180] – quan hệ nhượng bộ. Tuy nhiên, chỉ có phép nối đẳng lập (bao gồm quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt, quan hệ bổ sung) mới có thể xuất hiện nhiều hơn hai liên từ. Vd: Thoạt tiên, cơm nuôi tháng một đồng. Rồi cơm nuôi tháng năm hào. Rồi cơm nuôi một năm bốn đồng. Rồi hai đồng. Rồi chẳng có đồng nào. [NC,MBN;159] – quan hệ thời gian. - Nối hồi chỉ và phép nối khứ chỉ - Dựa vào chức năng liên kết của phép nối với phần văn bản đi trước và sau nó, người ta phân chia thành hai loại: phép nối hồi chỉ và phép nối khứ chỉ. + Nối hồi chỉ Phép nối hồi chỉ là phép nối mà liên từ thực hiện liên kết hồi chỉ – tức liên kết cú/phát ngôn chứa nó với cú/ phát ngôn trước đó. Hướng liên kết là hướng giật lùi – lùi lại phần văn bản phía trước. Trong hai cú có quan hệ kết nối, khi liên từ nằm ở cú thứ hai, chúng ta sẽ có liên kết hồi chỉ. Những quan hệ ngữ nghĩa như: giải thích, bổ sung, suy luận, dẫn dắt, tương phản… thường thực hiện liên kết hồi chỉ. + Nhưng chết cái gạo năm nay kém quá. Thêm một nỗi, ít lâu nay tôm tép hiếm. [NC,MD;205] + Có lúc bà tiếc rằng bố thằng bé vô tội ấy không còn sống để bắt những người khác phải nhận ra rằng thằng bé kia vô tội. Thì ra những người rất hiền lành cũng có thể là những người rất ác. [NC,NĐ;73] Đặc biệt những liên từ có chứa yếu tố thay thế như: như thế, như vậy, do đó, do vậy, vì thế, vì vậy, cũng chính vì thế… hay những cú bị tỉnh lược thường thực hiện phép nối hồi chỉ. Vd: Con người trong tác phẩm Nam Cao không bị đẩy lên một kích cỡ khác thường, không bị lên gân mà là con người như nó vốn có, con người trong cuộc sống quan thuộc hằng ngày. Cũng vì thế, những tâm trạng nhân vật được miêu tả càng trở nên gần gũi. [NC;9] + Nối khứ chỉ Liên từ có tác dụng liên kết cú chứa nó với cú sau nó sẽ thể hiện phép nối khứ chỉ. Ngược với liên kết hồi chỉ, liên kết khứ chỉ lại thực hiện chức năng liên kết giữa cú (hay phát ngôn) chứa nó với cú (phát ngôn) sau đó. Hướng liên kết là hướng đi tới – hướng tới liên kết với phần văn bản đi sau. Trong hai cú có quan hệ liên kết, nếu liên từ nằm ở cú thứ nhất, chúng ta sẽ có liên kết khứ chỉ. Thường quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt mà liên từ chỉ xuất hiện ở cú thứ nhất (cú thứ hai vắng mặt) hay liên từ thứ nhất trong cặp liên thuộc phép nối chính phụ (quan hệ nhân – quả, điều kiện – kết quả, nhượng bộ) thì có khả năng thể hiện liên kết khứ chỉ. Nghĩa là, chúng ta có thể dự đoán được những ý nghĩa kế tiếp sẽ được trình bày, cũng như những liên từ thể hiện những ý nghĩa bổ sung sẽ xuất hiện sau đó. + Sau khi đã hỏi qua ý kiến khách, chủ nhà định bê cả nồi lên để lúc nào ăn cơm hãy múc ra. [NC,TCKĐATC;144] + Giá mày ở nhà mày [thì mặc mày]. [NC,NĐ;81] + Có phải con muốn lấy vợ [thì để bà liệu cho]. [NC,NĐ;86] Ví dụ thứ nhất là phép nối khứ chỉ mà liên từ trong quan hệ thời gian (quan hệ đẳng lập) đi riêng lẻ và chỉ xuất hiện ở cú thứ nhất. Hai ví dụ còn lại, phép nối khứ chỉ được thực hiện bởi liên từ thứ nhất trong cặp liên từ thể hiện phép nối chính phụ - chỉ quan hệ điều kiện – kết quả. + Cả hồi chỉ và khứ chỉ. Đây là một trong những đặc điểm riêng biệt của phép nối. Có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, phép nối thực hiện liên kết cả hồi chỉ và khứ chỉ nếu ta xét từng vị trí của cặp liên từ trong phép nối đẳng lập. Nếu quan hệ giữa hai cú tham gia phép nối thể hiện mối quan hệ đẳng lập và xuất hiện cặp quan hệ từ sóng đôi, ta sẽ có cả liên kết khứ chỉ và hồi chỉ, nếu xét từng vị trí của chúng trong mối quan hệ đẳng lập. Thường những quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt, xuất hiện hai liên từ thì có khả năng thực hiện phép nối này. + Đằng trước có mấy món tóc dài để chải lật lên. [Đằng sau cạo nhẵn thính như quả bưởi]. [NC,ĐMG;99] + Mới thoạt trông thấy bà lão, bà tưởng là một con mẹ ăn mày. Bà hơi cao mặt:…bà Phó Thụ mở to đôi mắt đỏ ngầu, [ nhìn kỹ hơn một chút. Bà nhận ra bà cái đĩ ở]. [NC,MBN;161] Ở ví dụ một, nếu xét liên từ “đằng trước”, thì phép nối sẽ là khứ chỉ, nhưng nếu chúng ta căn cứ vào liên từ thứ hai “đằng sau”, thì phép nối lại là hồi chỉ. Phân tích tương tự với ví dụ thứ hai. Thứ hai, một liên từ lại có khả năng thể hiện cả phép nối hồi chỉ lẫn phép nối khứ chỉ khi có nhiều hơn hai liên từ xuất hiện trong phép nối đẳng lập. Thường những quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt có thể xuất hiện liên từ nhiều hơn hai thì có thể đảm đương chức năng này. Chẳng hạn: Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu còn được ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không còn có nữa. [NC,MBN;159] Trong ngữ liệu này, liên từ “mới đầu” vừa thực hiện phép nối hồi chỉ với cú trước nó, tức với liên từ “hơn ba tháng”; nhưng cũng vừa đảm nhiệm chức năng liên kết hồi chỉ với cú đi sau nó, mà cụ thể là với liên từ “sau cùng”. 1.3.4. Ý nghĩa Bởi vì phương thức nối cũng là một phương thức liên kết, nên bản thân phép nối mang đầy đủ những ý nghĩa của một phép liên kết nói chung (đã được trình bày ở phần phân loại phép nối 1.3.1.3). Ngoài những chức năng chung đó, phép nối còn mang ý nghĩa đặc biệt. Phép nối có thể tạo ra liên kết hồi chỉ và khứ chỉ với phần văn bản trước và sau nó (được trình bày ở mục 1.2.2.2. Phân loại phép nối và 2.1. Cấu trúc). Chính vì thế, phép nối làm tăng tính mạch lạc cho văn bản. Việc lấy cú làm đơn vị liên kết cơ bản của phép nối, chúng ta sẽ tránh đi sự nhập nhằn cũng như sự trùng lấp giữa phép nối và câu ghép (theo quan điểm truyền thống). Chẳng hạn, cả câu ghép và phép nối đều thể hiện những quan hệ như: nhân- quả, điều kiện –kết quả, nhượng bộ… + Nàng tin lòng chàng. Bởi lòng chàng còn nguyên vẹn. [NC,NĐ;71] + Nàng tin lòng chàng, bởi lòng chàng còn nguyên vẹn. (+) Hai ví dụ trên không khác nhau về nội dung, ý nghĩa; chúng chỉ khác nhau về dấu ngắt. Mà theo quan điểm truyền thống, ví dụ thứ nhất thuộc phép nối, còn ví dụ thứ hai lại là câu ghép. Với tiếng Việt, việc dùng dấu ngắt giữa hai cú như trên khá tự do và phần nào mang tính chủ quan. Thiết nghĩ, nếu căn cứ trên dấu ngắt phát ngôn để phân biệt giữa phép nối và câu ghép, dễ rơi vào chủ nghĩa hình thức. Do vậy, theo chúng tôi, ngữ nghĩa cũng như quan hệ logic ngữ nghĩa mới là căn cứ quan trọng làm cơ sở cho sự phân định này. 1.4. Tiểu kết Một số vấn đề lí thuyết đã được trình bày trong chương này nhằm làm cơ sở để phát triển luận văn. Đó là những vấn đề chung về văn bản, liên kết và phép nối. Ở phần khái quát chung về văn bản, luận văn trình bày những vấn đề về: khái niệm văn bản – có hai cách hiểu: văn bản chỉ bao gồm cả dạng nói và viết; và văn bản chỉ bao gồm dạng viết). Tán đồng cách hiểu thứ nhất, sau khi trình bày một vài định nghĩa về văn bản, chúng tôi chọn khái niệm của Halliday. Đồng thời chúng tôi cũng nêu ra những đặc điểm của một văn bản nói chung, đó là tính mục đích, tính chỉnh thể và tính mạch lạc. Đến vấn đề liên kết, luận văn trình bày về đơn vị cơ sở của phép liên kết – Cú. Người viết trình bày khái niệm về cú, chủ cú và kết cú; đồng thời đưa ra những biện luận để chứng tỏ rằng cú hoàn toàn có thể đảm đương vai trò của một đơn vị liên kết cơ bản, cũng như tại sao chúng tôi chọn cú mà không phải là những đơn vị nhỏ hơn (cụm từ) hay lớn hơn – phát ngôn. Về mặt phương pháp, nhiều công trình ngôn ngữ học theo ngữ pháp chức năng đã từng sử dụng đơn vị cú để nghiên cứu, đồng thời, chúng ta cũng cần chọn một đơn vị thống nhất để phân tích các khía cạnh của phép nối. Về mặt chức năng, thứ nhất, cú là đơn vị nhỏ nhất mang ý nghĩa thông báo tương đối trọn vẹn; “cú là một thông điệp” – clause as a mesage (Halliday) thông qua cấu trúc đề - thuyết. Thứ hai, cú có thể đảm đương là đơn vị cơ sở thực hiện chức năng giao tiếp – cú như là sự trao đổi (clause as an exchange) - thông qua chủ ngữ. Chính cấu trúc chủ vị chứng tỏ cú là một đơn vị có cấu trúc ngữ pháp tương đối ổn định, hoàn chỉnh; và nó là một trong những cấu trúc cơ bản làm nền tảng để cấu tạo các đơn vị ngữ pháp cao hơn. Thật sự, cú là một đơn vị độc lập và riêng biệt, do đó, nó phải được phân tích riêng biệt như một đơn vị cơ bản. Thứ ba, cú như là một sự thể hiện – clause as a representation, nó thể hiện các quá trình kinh nghiệm đang diễn ra của người tạo lập văn bản. Mà trong đó, hành thể (người thực hiện hành động) là tham tố cơ bản nhất. Đứng trên quan điểm chức năng, Hallliday luận giải việc tại sao không chọn đơn nhỏ vị hơn cú (âm vị, hình vị, từ, cụm từ) làm cơ sở cho phép liên kết mà lại chọn cú: “Lí do là vì phương thức giải thích được chấp nhận ở đây là phương thức chức năng, trong đó cấu trúc ngữ pháp được giải thích trong mối quan hệ với ý nghĩa…” [83;82]. Halliday cũng lí giải tại sao chúng ta không chọn đơn vị lớn hơn cú – phát ngôn là đơn vị cơ sở của phép liên kết: “Một câu có thể được giải thích như là một cú phức (tổ hợp cú): một cú chính cùng các cú khác bổ nghĩa cho nó.”[83;357]. Và: “chúng ta có thể giả định rằng khái niệm “cú phức” có thể giúp chúng ta có thể giải thích đầy đủ tổ chức, chức năng của các câu” [83;358]. Qua đó, ta nhận thấy rằng phát ngôn chưa phải là đơn vị mang chức năng thông báo, giao tiếp, thể hiện nhỏ nhất như cú (đã đề cập). Nghĩa là, đứng trên khái niệm cú, chúng ta hoàn toàn có thể soi sáng khái niệm câu hay phát ngôn; nhưng thao tác ngược lại thì có thể gặp nhiều khó khăn. Vì thực tế là, không phải một phát ngôn nào cũng chỉ bao gồm một cú. Do đó, nếu chọn đơn vị liên kết là phát ngôn (hay câu), phải chăng sẽ là một thiếu sót lớn. Tóm lại, những đơn vị dưới cú và trên cú không thể hoặc không phù hợp để chúng ta nghiên cứu phép nối tiếng Việt. Sau khi giải quyết về đơn vị cơ sở của phép liên kết, chúng tôi trình bày sơ lược về khái niệm, phân loại và vai trò, ý nghĩa của phép liên kết - đặc biệt là trong việc tạo tính mạch lạc cho văn bản. Lí thuyết về phép nối được xem là vấn đề trọng tâm của chương này. Sau khi điểm qua khái niệm về phép nối, chúng tôi đi vào phân biệt các phương tiện thể hiện phép nối; và để tạo sự nhất quán, chúng tôi chọn thuật ngữ “liên từ”. Đến phần phân loại, căn cứ vào những tiêu chí khác nhau, chúng tôi chia phép nối thành những tiểu loại khác nhau. Nếu căn cứ vào quan hệ ngữ nghĩa giữa hai cú, ta có nối đẳng lập và nối chính phụ; còn nếu căn cứ vào số lượng cú tham gia liên kết, ta có nối đơn và nối phức. Căn cứ vào tính chất hai cú liên kết đứng cạnh nhau hay gián cách, ta chia phép nối thành nối liên tục và nối gián đoạn, còn nếu căn cứ vào mối quan hệ ngữ pháp, ngữ nghĩa giữa hai cú, ta có nối lỏng và nối chặt. Thực chất, phép nối lỏng là phép nối thực hiện liên kết giữa những cú đẳng lập còn phép nối chặt là phép nối liên kết những cú chính phụ hoặc cú bị tỉnh lược, cú có chứa yếu tố thay thế. Tức phép nối chặt là sự kết hợp của một phương thức liên kết khác, mà thường là biện pháp tỉnh lược, biện pháp thế với phương thức nối. Còn nếu căn cứ vào cấp độ hay phạm vi liên kết, ta có nối bên trong và nối bên ngoài. Nếu lấy phạm vi là phát ngôn (và đây là cấp độ phổ biến nhất), ta có phép nối trong nội bộ một phát ngôn hay vượt ra ngoài phạm vi một phát ngôn. Tương tự đối với phạm vi đoạn văn và văn bản. Và nếu căn cứ vào số lượng liên từ tham gia phép nối, ta có phép nối liên từ và phép nối tổ hợp liên từ. Nhưng nếu căn cứ vào chức năng liên kết của phép nối với phần văn bản đi trước hoặc sau nó, người ta phân chia thành hai loại: phép nối hồi chỉ, phép nối khứ chỉ hay cả hồi chỉ và khứ chỉ. Đặc biệt là những liên từ có chứa yếu tố thay thế hay những cú bị tỉnh lược thường thực hiện phép nối hồi chỉ. Ngược với liên kết hồi chỉ, liên kết khứ chỉ lại thực hiện chức năng liên kết giữa cú/phát ngôn chứa nó với cú/phát ngôn sau đó. Trong hai cú có quan hệ liên kết, nếu liên từ nằm ở cú thứ nhất, chúng ta sẽ có liên kết khứ chỉ. Thường quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt mà liên từ chỉ xuất hiện ở cú thứ nhất hay liên từ thứ nhất trong cặp liên từ thuộc phép nối chính phụ (quan hệ nhân – quả, điều kiện – kết quả, nhượng bộ) thì có khả năng thể hiện liên kết khứ chỉ. Còn về phép nối thực hiện liên kết cả hồi chỉ và khứ chỉ được xem là một trong những đặc điểm độc đáo của phép nối tiếng Việt. Có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, phép nối thực hiện liên kết cả hồi chỉ và khứ chỉ nếu ta xét từng vị trí của cặp liên từ trong phép nối đẳng lập. Nghĩa là, nếu chúng ta xét liên từ thứ nhất trong phép nối đẳng lập có nhiều liên từ (quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt), phép nối sẽ là khứ chỉ; còn nếu xét ở liên từ thứ hai, phép nối lại là hồi chỉ. Thứ hai, một liên từ lại có khả năng thể hiện cả phép nối hồi chỉ lẫn phép nối khứ chỉ khi có nhiều hơn hai liên từ xuất hiện trong phép nối đẳng lập có nhiều liên từ (quan hệ thời gian, không gian, logic diễn đạt). Đó là khi ta xét liên từ đứng giữa (thứ hai) trong ba liên từ (chẳng hạn) tham gia liên kết: so với liên từ thứ nhất, liên từ thứ hai này thể hiện liên kết hồi chỉ, nhưng với liên từ thứ ba thì nó lại thực hiện liên kết khứ chỉ. Chính những tiểu loại này là một trong những cơ sở quan trọng để chúng tôi đi vào khảo sát cấu trúc, ngữ nghĩa và ngữ dụng của phép nối ở chương 2. Ngoài ra, chúng tôi còn bổ sung thêm những vai trò đặc biệt của phép nối, bên cạnh những ý nghĩa chung của phép liên kết đã được trình bày. Chương 2: PHÉP NỐI TRONG TIẾNG VIỆT 2.1. Cấu trúc Nói tới cấu trúc là nói tới hệ thống. Nếu hệ thống là một tập hợp bao gồm các yếu tố có mối quan hệ với nhau thì cấu trúc là tổ chức bên trong của hệ thống đó và nó “phản ánh hình thức sắp xếp của các yếu tố và tính chất của sự tác động lẫn nhau của các mặt và các thuộc tính của chúng.” [29;53]. Như vậy, chúng cũng dựa vào các quan hệ. Chính quan hệ làm nên giá trị của từng yếu tố và của cả hệ thống. Với cách hình dung này thì quan hệ có ý nghĩa quyết định. Trong quan hệ lớn hơn, một hệ thống có thể trở thành một yếu tố và trong quan hệ nhỏ hơn, một một yếu tố có thể trở thành một hệ thống. Điều này làm nên tính tầng bậc và tôn ti của hệ thống ngôn ngữ. Như vậy, cấu trúc là mối quan hệ, tổ chức bên trong của một chỉnh thể; và cấu trúc có mối quan hệ mật thiết với hệ thống, cũng như tính tầng bậc của hệ thống. Cấu trúc của phép nối trong luận văn khảo sát cũng không vượt quá cách hiểu này. Trong thực tế, một văn bản có thể sử dụng nhiều loại cấu trúc. Cấu trúc là một biểu hiện của sự mạch lạc trong văn bản. Trần Ngọc Thêm đưa ra mô hình của phép nối đứng trên quan điểm phát ngôn như sau: A r B Trong đó: + A, B là cặp phần tử được sắp thứ tự, cụ thể hơn đó là những cú (hay phát ngôn) có sự liên kết với nhau. + r: phương tiện dùng để nối, nó vừa thực hiện chức năng liên kết, vừa thực hiện chức chức năng thể hiện ngữ nghĩa. Nếu lấy đơn vị cơ sở để phân tích phép nối là cú, chúng ta sẽ có mô hình khái quát chung như sau: r (dấu ngắt liên từ) A (dấu ngắt cú) r (dấu ngắt liên từ) B (dấu ngắt và phương tiện nối ‘r” không phải là bắt buộc) Vd: Vì chúng tôi đi trễ; do đó, chúng tôi không kịp chuyến tàu cuối cùng. (+) Dấu ngắt cú có thể là dấu phẩy, dấu chấm phẩy, thậm chí không có dấu ngắt – dấu ngắt zerô (vd: Giá mửa được thì dễ chịu. [NC,CP;44]); chứ không nhất thiết phải là dấu chấm. Đôi khi, liên từ có thể được ẩn đi, trong trường hợp này, liên từ “r” sẽ là “zerô” (phép nối không có liên từ). Khi đó, muốn xác định quan hệ ý nghĩa giữa hai cú, chúng ta phải xem xét mối quan hệ ý nghĩa giữa chúng. Điều này không dễ dàng và mất nhiều thời gian hơn so với trường hợp “r” được thể hiện trên chữ viết. Tuy nhiên, về mặt khoa học, xét quan hệ ngữ nghĩa là cách làm tốt nhất để xác định quan hệ ý nghĩa thật sự giữa hai cú. Bởi lẽ, một số trường hợp, một liên từ lại thể hiện nhiều quan hệ ý nghĩa. Chẳng hạn, liên từ “mà” vừa có thể biểu hiện ý nghĩa tương phản, bổ sung; lại vừa có thể là liên từ nêu kết quả… (xem thêm mục 2.3.3.1, phần ngữ dụng). Do đó chúng ta phải xem xét ý nghĩa thực sự mà chúng thể hiện trong từng trường hợp cụ thể. Trong mô hình khái quát đã đưa, có ba vấn đề mà chúng ta cần quan tâm: - Dấu ngắt cú - Phương tiện liên kết (đặc điểm, vị trí r) - Cú tham gia liên kết (chủ cú, kết cú). Đối với từng loại phép nối cũng như từng quan hệ ngữ nghĩa, ta có những mô hình cấu trúc khác nhau. Ở đây, để tiện xem xét, chúng tôi tạm đưa ra những mô hình cấu trúc theo những tiểu loại phép nối. Căn cứ vào mối quan hệ ngữ nghĩa cũng như những liên từ thể hiện những quan hệ ý nghĩa đó, ta có: - Phép nối thể hiện quan hệ đẳng lập - Phép nối thể hiện quan hệ chính phụ. 2.1.1. Phép nối đẳng lập Đặc điểm chung của phép nối loại này là các cú (phát ngôn) có vai trò ý nghĩa ngang nhau, và có tính độc lập tương đối. Ở quan hệ này, chúng ta có thể chia thành hai tiểu loại: - Phép nối chỉ có một liên từ - Phép nối có nhiều liên từ. 2.1.1.1. Phép nối liên từ Liên từ trong phép nối này thường thực hiện liên kết hồi chỉ. Loại phép nối này bao gồm: quan hệ lựa chọn, bổ sung, tương phản…  Cấu trúc A (dấu ngăt cú) r (dấu ngắt liên từ) B (dấu ngắt cú, dấu ngắt liên từ không bắt buộc) Ví dụ: + Chúng ta có thể tận dụng nguồn vốn viện trợ từ nước ngoài để giải quyết vấn đề này, hoặc tự tạo nguồn vốn bằng cách xin viện trợ từ các nhà mạnh thường quân trong nước. (+) – quan hệ lựa chọn. + Cái ông Cửu ấy chẳng chỗ nào xót vết chân, còn đớn nước gì để mà nó trốn đi? Vả lại, trốn đi thì người ta róc xương bố đẻ nó ra chứ: lấy tiền của người ta, nào phải là chuyện đùa hay sao? [NC,NĐ;84] – quan hệ bổ sung. + Mâm cơm bưng lên lại toàn một thứ cà, cái thứ cà to bằng một cái bát con, thâm sịt và mặn như “cô” muối vào. Anh nào muốn sắt ruột lại thì cứ ăn! Ấy thế mà quan viên ăn rất nhiều. [NC,QD;149] – quan hệ tương phản. (Về mặt ý nghĩa khái quát, quan hệ tương phản thể hiện mối quan hệ đẳng lập. Nhưng thực chất, đa số trường hợp, ý nghĩa nhấn mạnh lại nghiêng về cú thứ hai.) Trong những ví dụ trên, để hiểu được cú (phát ngôn) chứa liên từ, chúng ta phải quay ngược lại phần văn bản, cụ thể là cú (phát ngôn) trước đó. Dù nằm giữa hai cú, nhưng

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVNNH007.pdf
Tài liệu liên quan