Hướng dẫn xử lý tình huống hộ tịch

Tài liệu Hướng dẫn xử lý tình huống hộ tịch: TÌNH HUỐNG HỘ TỊCH Tính huống 1: Năm 2007, anh D và chị G kết hôn với nhau và sinh cháu A vào ngày 1/1/2008. Tháng 5/2008 anh D và chị G bị chết trong một vụ tai nạn Tháng 6/2008 ông bà nội cháu A đến UBND xã K đăng ký giám hộ cho cháu A. UBND xã K đã ra quyết định công nhận việc giám hộ này. Cũng trong tháng 6, ông bà ngoại của cháu A đến UBND xã Q đăng ký giám hộ cho cháu A và cũng được UBND xã Q ra quyết định công nhận. Khi biết ông bà nội của cháu A đã được UBND xã K ra quyết đinh công nhận thì ông bà ngoại cháu A có đơn gửi chủ tịch UBND xã K để khiếu nại việc UBND xã K đã ra quyết định cho phép ông bà nội cháu A được giám hộ cho cháu A. Nhưng UBND xã K đã có công văn trả lời không thụ lý giải quyết vì đây là tranh chấp quyền giám hộ nên thẩm quyền thuộc Tòa án. Sau đó ông bà ngoại gửi đơn lên tòa án nhưng tòa án cho rằng đây việc khiếu nại quyết định của cơ quan hành chính thì thâm quyền giải quyết thuộc cơ quan hành chính chứ ko phải của cơ quan tố tụng. Ông bà ngoại chá...

doc31 trang | Chia sẻ: Khủng Long | Lượt xem: 1550 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Hướng dẫn xử lý tình huống hộ tịch, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÌNH HUỐNG HỘ TỊCH Tính huống 1: Năm 2007, anh D và chị G kết hôn với nhau và sinh cháu A vào ngày 1/1/2008. Tháng 5/2008 anh D và chị G bị chết trong một vụ tai nạn Tháng 6/2008 ông bà nội cháu A đến UBND xã K đăng ký giám hộ cho cháu A. UBND xã K đã ra quyết định công nhận việc giám hộ này. Cũng trong tháng 6, ông bà ngoại của cháu A đến UBND xã Q đăng ký giám hộ cho cháu A và cũng được UBND xã Q ra quyết định công nhận. Khi biết ông bà nội của cháu A đã được UBND xã K ra quyết đinh công nhận thì ông bà ngoại cháu A có đơn gửi chủ tịch UBND xã K để khiếu nại việc UBND xã K đã ra quyết định cho phép ông bà nội cháu A được giám hộ cho cháu A. Nhưng UBND xã K đã có công văn trả lời không thụ lý giải quyết vì đây là tranh chấp quyền giám hộ nên thẩm quyền thuộc Tòa án. Sau đó ông bà ngoại gửi đơn lên tòa án nhưng tòa án cho rằng đây việc khiếu nại quyết định của cơ quan hành chính thì thâm quyền giải quyết thuộc cơ quan hành chính chứ ko phải của cơ quan tố tụng. Ông bà ngoại cháu A lại gửi đơn sang UBND huyện. Chủ tịch UBND huyện nhận đơn và chuyển phòng Tư pháp xem xét, tham mưu phương án giải quyết tình huống trên. Rất mong các thành viên giúp Phòng Tư pháp đưa ra phương án giải quyết tình huống này thế nào để đảm bảo đúng pháp luật và đảm bảo tình cảm của các bên để không ảnh hưởng đến việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi íh hợp pháp của cháu A. Tình huống 2: Ông Đặng Văn Phi và bà Phạm Kim Thúy thường trú ấp 1, xã X, huyện Y, Đồng Tháp, do cuộc sống quá khó khăn nên chỉ lo làm ăn mà không quan tâm đến việc đăng ký khai sinh và nhập hộ khẩu cho con. Sau đó, vợ chồng ông Phi xa quê hương đi làm thuê và gửi cháu Hiền lại cho vợ chồng người em ruột là ông Đặng Văn Tý và bà Trần Thị Xê nuôi dưỡng. Cháu Hiền đến tuổi đi học, ông Tý đến UBND xã X đăng ký khai sinh cho cháu Hiền và “lợi dụng” cán bộ Tư pháp xã X “không nắm địa bàn” nên ông Tý đã khai vợ chồng ông là cha, mẹ ruột và đề nghị ghi vào phần khai về cha, mẹ trong giấy khai sinh của cháu Hiền. Từ đó, ông Tý, bà Xê từ chú, thím “biến thành” cha mẹ của Hiền và đương nhiên, một số giấy tờ cá nhân (trong đó có bản sao giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân,) của Hiền đều có ghi nhận ông Tý, bà Xê là cha mẹ ruột, vì được UBND xã X thừa nhận và đã đăng ký trong giấy khai sinh, sổ đăng ký khai sinh hợp pháp. Sau một thời gian đi làm ăn xa, ông Phi, bà Thúy trở lại quê nhà và “xin” vợ chồng ông Tý “trả” cháu Hiền lại cho vợ chồng ông tiếp tục nuôi dưỡng. Khi ông Phi đến UBND xã X đăng ký khai sinh cho cháu Hiền thì được cán bộ Tư pháp xã X cho biết Hiền đã được cha mẹ ruột (là ông Đặng Văn Tý và bà Trần Thị Xê) đăng ký khai sinh, hiện UBND xã X còn lưu sổ đăng ký khai sinh, nếu ông muốn có giấy khai sinh của Hiền thì ở đây chỉ cấp lại bản sao. Đương nhiên,  “cha mẹ” cháu Hiền ghi trong khai sinh không phải là ông Đặng Văn Phi và bà Phạm Kim Thúy (theo sổ đăng ký khai sinh). Sau khi tranh cãi quyết liệt, ông Tý đã thừa nhận việc “lừa” cán bộ Tư pháp hộ tịch xã X để đăng ký khai sinh cho Hiền là con của vợ chồng ông; Sự thật là ông Đặng Văn Phi và bà Phạm Kim Thúy mới đích thực là cha mẹ ruột của Hiền; Ông Phi yêu cầu UBND xã X cải chính phần ghi về cha mẹ của cháu Hiền và ghi tên của vợ chồng ông vào giấy khai sinh của con ông đúng sự thật. Tại UBND xã X, theo hướng dẫn của cán bộ Tư pháp hộ tịch muốn “cải chính” nội dung trên thì giữa vợ chồng ông Phi và vợ chồng ông Tý phải làm “bản cam kết” với nội dung: vợ chồng ông Tý không phải là cha mẹ ruột như trong khai sinh mà vợ chồng ông Phi mới đúng là cha mẹ ruột của cháu Hiền. Từ đó, giấy khai sinh, hộ khẩu của Hiền có ghi tên ông Đặng Văn Phi và bà Phạm Kim Thúy là cha mẹ ruộtmà không làm thủ tục cải chính theo quy định(?). Anh chị giải quyết tình huống này như thế nào? Tình huống 3: 2 năm trước, chị A sinh con trong khi cha cháu đã bỏ đi.  Chị cho cháu mang họ mẹ và trong giấy khai sinh của cháu không có tên cha. Tuy nhiên gần đây cha của cháu đã quay lại xin nhận con. Vì quyền lợi của con, chị muốn biết việc bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con có thực hiện được không? Và cơ quan nào sẽ giúp chị A trong việc này? Tình huống 4: Do điều kiện công tác, vợ chồng A hộ khẩu mỗi người mỗi nơi. Mới đây vợ anh A sinh bé, và anh A đã đưa bé về nơi cư trú của mình làm khai sinh. Cán bộ phường từ chối và nói phải cho cháu khai sinh nơi mẹ đăng ký hộ khẩu. Vậy có đúng không? Tình huống 5: A đang định cư ở Mỹ và dự định về Việt Nam kết hôn. Nhưng do không có nhiều thời gian nên A không thể đợi đến ngày nhận giấy chứng nhận kết hôn được. A có thể nhờ người thân hay luật sư ở Việt Nam làm thủ tục này không?. Tình huống 6: - Hiện tại con gái của anh B bắt đầu sang lớp 12 (tên N), N sinh năm 1992. Trước đây, anh B đã khai sinh cho N và để bản gốc ở nhà và chỉ nộp bản sao giấy khai sinh trong quá trình cháu đi học. Hiện tại khi N bước vào năm học mới, nhà trường yêu cầu đối chiếu giấy khai sinh gốc thì mới biết nơi sinh trong giấy khai sinh gốc và GKS bản sao không giống nhau. Trong suốt quá trình học từ cấp 1 đến cấp 3 của N đều ghi theo thông tin trên giấy khai sinh bản sao, nên gia đình anh B muốn làm lại giấy khai sinh gốc cho cháu. Do quá trình làm giấy khai sinh gốc sơ xuất nên đã ghi sai nơi sinh của N. Nhưng quá trình xin cấp lại giấy khai sinh gốc lại gặp khó khăn, cụ thể như sau: Anh B ra chính quyền địa phương xin cấp lại giấy khai sinh gốc (nơi đã khai sinh cho cháu lần đầu). Nhưng khi chính quyền kiểm tra lại không có tên của cháu trong sổ gốc (sổ gốc năm 1992). Và đề nghị gia đình lên chính quyền thị xã để được cấp lại. Khi anh B lên chính quyền thị xã để xin cấp lại và đối chiếu thì cũng không có trong sổ gốc. Mặc dù gia đình đã mang theo đầy đủ giấy tờ yêu cầu : hộ khẩu công, bằng và học bạ cấp 1,2 của cháu. Nhưng cũng không được giải quyết vì không có tên N trong sổ gốc khai sinh. Vậy N có thể được cấp lại giấy khai sinh gốc cho đúng với nơi sinh, và giấy tờ N đang học không? Vì hiện tại N bắt đầu vào năm học lớp 12, và năm sau N có tham gia dự thi đại học. Anh (chị) hãy giải quyết tình huống trên? Tình huống 7: Anh Nguyễn Văn Tài đến UBND xã trình bày với cán bộ tư pháp - hộ tịch sự việc như sau: trước đây, khi đăng ký khai sinh, con trai của anh được đặt tên là Nguyễn Tài Phú. Nhưng sau đó, do bên họ ngoại có người cậu cũng tên là Phú chết trẻ, vì sợ kiêng cho cháu đích tôn nên ông bà nội của cháu Phú yêu cầu cả họ gọi lái tên cháu Phú thành Phúc đồng thời buộc anh Tài phải đi sửa tên con trong GKS thành Phúc.  Không muốn làm trái ý cha mẹ nên anh Tài đã tự điền thêm chữ “c” vào sau chữ Phú ở trong bản sao Giấy khai sinh của con, riêng bản chính GKS vẫn để nguyên tên là Phú. Khi con đến tuổi đi học, anh Tài đã nộp bản sao GKS của con mang tên Nguyễn Tài Phúc cho nhà trường, do đó tất cả hồ sơ học bạ của con anh ở trường đều mang tên đó. Tháng 5 năm 2006 cháu Phú lên 10 tuổi, khi làm hồ sơ chuyển cấp, nhà trường yêu cầu nộp bản chính Giấy khai sinh để đối chiếu thì phát hiện tên của cháu trong bản chính Giấy khai sinh và học bạ khác nhau nên yêu cầu anh Tài phải thay đổi tên trong bản chính Giấy khai sinh của cháu Phú cho phù hợp với hồ sơ và học bạ của cháu.  Sau khi nghe anh Tài trình bày, cán bộ tư pháp - hộ tịch yêu cầu anh Tài quay về nhà trường đề nghị sửa tên trong học bạ theo bản chính Giấy khai sinh cho thống nhất. Nhưng anh Tài thiết tha đề nghị cán bộ tư pháp - hộ tịch giúp anh làm theo yêu cầu của nhà trường bằng cách ghi thêm chữ “c” vào trong bản chính Giấy khai sinh của cháu Phú. Anh cũng trình bày thêm rằng vì cha mẹ anh không chấp nhận để cháu đích tôn mang tên là Phú nên mong cán bộ giải quyết để gia đình không mâu thuẫn. Cán bộ hộ tịch cần giải quyết tình huống này thế nào? Tình huống 8: Chị Mai Thu H và anh Vũ Quốc B kết hôn với nhau đã nhiều năm, tình nghĩa gắn bó nhưng lại hiếm muộn đường con cái. Một buổi sáng, chị H đi làm tình cờ nhìn thấy 1 bé sơ sinh khoảng 1 đến 2 tháng tuổi được bọc trong một tấm tã bên đường không có giấy tờ hay vật gì khác kèm theo. Đứa trẻ do bị nhiễm lạnh đã sốt cao, chị H vội đưa cháu vào bệnh viện điều trị một thời gian rồi đưa về nhà.Từ đó, anh chị thương yêu cậu bé kháu khỉnh như con ruột và muốn nhận nuôi cháu, nhưng không biết làm thủ tục đăng ký khai sinh và nhận con nuôi như thế nào. Hơn thế, hàng xóm có người khuyên anh chị nên đến chính quyền nhờ giúp đỡ, có người lại nói không nên đi, vì sợ gia đình đứa bé đến xin lại.... Không muốn xa cậu bé, nhưng anh chị cũng không thể để cháu lớn lên mà không có giấy khai sinh và hộ khẩu, anh chị B đã tìm nhiều cách : - Dời đến một nơi khác để không ai biết cậu bé là ai và sẽ hợp thức hoá chuyện nuôi con nuôi của mình - Cố gắng” chạy chọt” để cháu bé được làm giấy khai sinh và sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, bé vẫn chưa có tên và cha mẹ hợp pháp. Cuối cùng anh chị đã nhờ UBND phường hướng dẫn. Tình huống 9: HC là một làng quê nghèo thuộc xã TK. Đời sống của người dân ở đây dựa vào cây lúa, đất đai lại bạc màu, cuộc sống đã nghèo lại càng nghèo hơn.Vì thế, khi nhà nước có chủ trương di dân đến vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, đã có rất nhiều gia đình hăm hở đi khai hoang, với niềm tin thay đổi được cuộc sống, anh P cũng vậy. Nhưng khác với những gia đình khác, anh chỉ có thể đi một mình vì bố mẹ anh đã già yếu, các em còn nhỏ, chưa thể dãi dầu được như anh. Bù lại khi vào trong đó, anh P làm ăn rất chăm chỉ, lại khéo tay và sáng dạ, nên chẳng bao lâu anh được ông chủ tịch xã gả con gái cho. Hai vợ chồng cứ thế khấm khá dần. Công việc bận rộn cuốn hút người đàn ông cần mẫn, song không vì thế mà anh nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Năm 2005, khi gia đình ngoài Bắc đã khấm khá về kinh tế, các em đều trưởng thành anh P bàn với vợ chuyển về quê nội, mang theo cả tài sản mà vợ chồng anh đã dành dụm được suốt thời gian qua. Nhưng ngày 2 tháng 6 năm 2005, một vụ tai nạn xe máy đã cướp đi mạng sống của anh P. Thực hiện ước nguyện cuối cùng của anh, gia đình đưa anh về mai táng tại làng quê cũ. Ngày 5/6/2005, gia đình anh P đến UBND xã TK làm thủ tục khai tử cho anh, anh Q, cán bộ xã được phân công tiếp đã không giải quyết do trong lúc bối rối, vợ anh P đã quên không mang theo chứng minh thư nhân dân của anh ra Bắc, nên không đủ căn cứ pháp lý làm thủ tục khai tử. Chị liền nhờ người quen đang ở Tây Nguyên tìm lại và gửi ra cho. 17 giờ ngày 17/6/2005, gia đình anh P mang chứng minh thư của anh ra UBND xã TK cùng toàn bộ giấy tờ cần thiết, nhưng các cán bộ trong xã đã nghỉ làm việc và nhất định không giải quyết cho gia đình anh P với lý do đã quá thời hạn. Gia đình anh P những ngày sau đó lâm vào bối rối, không biết phải làm thế nào để khai tử được cho anh. Tình huống 10: Anh Quang, người ở Lạng Sơn kết hôn với chị Lan, người ở tỉnh Bắc Giang. Sau khi kết hôn hai vợ chồng sinh sống ở Bắc Giang, nhưng do anh Quang thường xuyên buôn bán, qua lại cửa khẩu Tân Thanh nên hộ khẩu anh vẫn để cùng gia đình ở phường A thuộc tỉnh Lạng Sơn, còn chị Lan có hộ khẩu ở thị trấn X thuộc tỉnh Bắc Giang. Khi sắp sinh con, để chồng và gia đình chồng tiện việc chăm sóc khi sinh nở nên vợ chồng chị Lan đưa nhau về ở tại nhà mẹ chồng ở tỉnh Lạng Sơn. Ngày 10/4/2006, khi chị Lan đã sinh con và cháu bé được gần 2 tháng tuổi, bà Vần - mẹ chồng chị Lan đến Uỷ ban nhân dân phường A, nơi bà có hộ khẩu thường trú và anh Quang vẫn còn hộ khẩu thường trú ở đó để xin đăng ký khai sinh cho con chị Lan. Do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường là người trong họ nên bà Vần nhờ ông này nói với cán bộ tư pháp - hộ tịch giúp đăng ký khai sinh cho cháu mình ngay tại phường. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường đã yêu cầu cán bộ tư pháp - hộ tịch vận dụng đăng ký khai sinh cho cháu bé theo diện “đăng ký khai sinh theo nơi cư trú của người cha” hoặc “đăng ký khai sinh tại nơi trẻ thực tế sinh sống”. Cán bộ tư pháp - hộ tịch sẽ giải quyết tình huống này như thế nào? Tình huống 11: Vợ chồng A đã ly hôn năm 2008, đã có quyết định cho ly hôn của tòa án. Trong quyết định của tòa đã xử cho A được nuôi con (cháu sinh năm 2005). Nay A có đơn xin đổi họ cho con trong trường hợp này UBND thị trấn có được đổi họ cho con của A không? Tình huống 12: Vợ chồng A đăng ký tạm trú tại Phú Mỹ, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Vợ chồng A đều ký hợp đồng lao động không thời hạn với công ty mà vợ chồng A đang làm. Công ty có trụ sở tại phường Phú Mỹ, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Lúc đầu A đi đăng ký khai sinh cho con thì UBND phường Phú Mỹ và phòng Tư pháp Thủ Dầu Một không chấp thuận và hướng dẫn cho A về đăng ký tại UBND nơi hộ khẩu thường trú của vợ A. A không đồng ý và đưa ra các qui định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 01/2008 của Bộ Tư pháp. Sau đó thì UBND phường Phú Mỹ chấp thuận đăng ký khai sinh cho con A nhưng chỉ cấp duy nhất một bản chính không cấp bản sao. A hỏi thì được cán bộ trả lời về UBND nơi đăng ký hộ khẩu của vợ A xin bản sao giấy khai sinh cho con. Việc từ chối cấp bản sao của UBND phường Phú Mỹ đúng hay sai? A phải xin cấp bản sao giấy khai sinh tại cơ quan nào để làm các thủ tục tiếp theo cho con. Tình huống 13: Nhà chị H ở tỉnh LC chẳng may bị mưa lũ cuốn trôi, mọi đồ đạc trong gia đình đều theo dòng nước thất tán cả, trong đó có giấy khai sinh của các con chị. Sau trận lũ, chị đến Uỷ ban nhân dân xã để xin cấp lại bản chính thì không được cấp với lý do: Việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh không thuộc thẩm quyền của UBND xã. Cán bộ Tư pháp hộ tịch xã hướng dẫn chị lên Phòng tư pháp huyện để làm thủ tục cấp lại. Không biết như vậy có đúng không? Tình huống 14: Khi đăng ký hộ tịch, cá nhân cần xuất trình các loại giấy tờ gì? Tình huống 15: Cha A là dân tộc Hán, nguyên quán Quảng Đông, Trung Quốc; mẹ A là dân tộc Kinh, nguyên quán Hội An, Việt Nam. Các anh em A sinh ra lấy dân tộc và nguyên quán theo cha. Vậy bây giờ các anh em A có thể cải chính lại dân tộc và nguyên quán theo mẹ có được không? Đăng ký khai sinh cho con A, A muốn lấy nguyên quán và dân tộc theo vợ A (dân tộc kinh và nguyên quán Đà Nẵng) để đăng ký cho con A có được không? Nếu đã đăng ký cho con A lấy nguyên quán và dân tộc theoA (tức theo cha), bây giờ có thể điều chỉnh theo vợ A có được không? Sau này, mọi giấy tờ liên quan đến con A sẽ có phần ghi nguyên quán và quê quán, A phải khai cho con A như thế nào? Các trường hợp trên nếu được thì thủ tục phải làm như thế nào?   Tình huống 16: Gia đình tôi có con nay đã được 4 tuổi. Đã làm giấy khai sinh tại UBND xã nơi thường trú. Nay tôi về quê của tôi thì phát hiện ra con tôi trùng với tên của người bác trong họ. Do đó mọi người trong họ đề nghị tôi làm thủ tục thay đổi tên cho con tôi để tránh trùng tên với người bác trong họ. Tôi đã ra UBND xã nơi thường trú để làm thủ tục thay đổi tên cho con thì được cán bộ tư pháp hướng dẫn thủ tục viết tờ khai theo mẫu và yêu cầu tôi về quê của tôi để xác nhận việc có người trong họ có tên trùng với tên của con tôi.  Khi tôi về quê thì cán bộ tư pháp nơi quê của tôi không xác nhận mà nói là thủ tục đổi tên chỉ cần tờ khai là đủ mà không cần xác nhận việc trùng tên của người trong họ. Vậy thủ tục đổi tên trong trường hợp của con tôi thì phải làm như thế nào, đề nghị hướng dẫn cụ thể để tôi thực hiện. Tình huống 17: Chị B trước đây có hộ khẩu tại xã Tuy Lai - Mỹ Đức - Hà Nội, có chồng xã Hòa Phú - Hòa Vang - TP Đà Nẵng đã nhập khẩu theo chồng về Đà Nẵng. Chị bị mất giấy khai sinh, sau khi được hướng dẫn chị về địa phương xã Tuy Lai để xác nhận các loại giấy cần thiết theo quy định. Khi kiểm tra đủ điều kiện, cán bộ Tư pháp xã cho Đăng ký lại việc sinh và cấp bản chính, bản sao giấy khai sinh cho công dân (theo mẫu mới ngày 01/7/2010). Trong giấy khai sinh dòng thứ 11 từ trên xuống dòng Nơi đăng ký và dòng 12 Ngày tháng năm đăng ký cán bộ Tư pháp ghi nơi đăng ký là xã Tuy Lai huyện Mỹ Đức Hà Nội và ngày tháng đăng ký theo xác nhận của xã Tuy Lai. Nhưng cán bộ phòng Tư pháp không chấp nhận và yêu cầu làm lại với phần ghi là Nơi đăng ký là xã Hòa Phú và ngày tháng đăng ký là ngày xã Hòa Phú cấp lại giấy khai sinh (ngày 26/7/2010). Hỏi trường hợp nào là đúng? Tình huống 18: Trong quá trình thực hiện công tác hộ tịch hiện nay, vướng mắc nổi bật nhất là các trường hợp sai lệch các sự kiện hộ tịch so với sổ gốc. Nguyên nhân là: Khi đi học gia đình đến UBND xã đề nghị cấp bản sao giấy khai sinh, UBND cấp xã đã cấp bản sao giấy khai sinh cho công dân nhưng không căn cứ vào sổ gốc nên dẫn đến sai lệch so với sổ gốc, về hình thức các bản sao đó là hợp lệ và bản sao giấy khai sinh đó đã được công dân sử dụng để đi học và làm các thủ tục khác. Do vậy, hồ sơ học sinh (Bằng Tiểu học, THCS, THPT, Học bạ, Bằng Đại học) cũng như các giấy tờ tuỳ thân của công dân đều mang thông tin như bản sao giấy khai sinh đã được cấp sai lệch với sổ gốc. Hiện nay, khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xuất trình bản chính giấy khai sinh công dân mới biết có sự sai lệch giữa sổ gốc và hồ sơ. Công dân đến yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch để phù hợp với hồ sơ học sinh cũng như các giấy tờ tuỳ thân hiện tại thì không thể thực hiện được, vì không có căn cứ theo quy định, tuy nhiên việc hướng dẫn cho công dân đến các cơ quan có liên quan để điều chỉnh các thông tin về nhân thân trong các loại giấy tờ nói trên theo đúng với Giấy khai sinh bản chính (cấp lại) và sổ đăng ký khai sinh gốc là rất khó khăn, do các cơ quan đó cũng có quy định chỉ được điều chỉnh giấy tờ khi có Quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch. Như vậy công dân không thể thay đổi, cải chính hộ tịch và cũng không thể thay đổi các giấy tờ tuỳ thân cho phù hợp với giấy khai sinh. Đối với các trường hợp trên hướng giải quyết như thế nào để công dân thống nhất hồ sơ theo quy định của pháp luật. Tình huống 19: Lan sinh năm 1965 đã đăng ký kết hôn và đến tháng 10/2007 thì ly hôn (có quyết định ly hôn của tòa án). Sau khi ly hôn Lan thay đổi chỗ ở, vào tháng 8/2008 Lan đến UBND phường Phước Hiệp, thị xã Bà Rịa để sinh sống và đã chuyển hộ khẩu thường trú về đấy luôn. Đến tháng 7/2010 do cần tiền làm ăn, Lan đã làm thủ tục thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng và ngân hàng đã yêu cầu chị bổ sung giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của chị để bổ sung vào hồ sơ vay vốn ngân hàng. Theo hướng dẫn thì chị Lan đến UBND phường Phước Hiệp để làm hồ sơ, sau khi làm thủ tục UBND phường Phước Hiệp cấp cho chị Lan giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với nội dung sau: - Chị Lan đã ly hôn vào 10/2007 - Từ 8/2008 ở địa phương chưa đăng ký kết hôn Hỏi nội dung UBND phường Phước Hiệp xác nhận như thế có đúng và đầy đủ với quy định của pháp luật hiện hành không? Tình huống 20: Có 2 người chung sống với nhau từ năm 2003, đến năm 2004 có sinh một đứa con tại bệnh viện tỉnh, và đến năm 2007 có sinh một đứa con tại trạm y tế xã. Nhưng 2 người không có giấy đăng ký kết hôn. Đến năm 2008 thì người vợ bỏ đi đâu biệt tăm (gia đình không biết), sổ hộ khẩu của vợ ở Kiên Giang, còn chồng ở Bà Rịa. Thời điểm này (2010) thì hộ khẩu của vợ không xác định được nơi thường trú ở đâu, cắt hộ khẩu không còn nữa. Nhưng 2 giấy chứng sinh lại khác nhau, một giấy ở bệnh viện tỉnh thì giấy Chứng sinh mẹ tên Chinh, còn một giấy ở trạm y tế xã thì giấy chứng sinh mẹ tên Trinh. Vậy làm thế nào để xác định được 2 người mẹ là một và làm sao biết được người đàn ông đó là cha của 2 đứa bé này. Vì người đàn ông đó lên phường xin đăng ký khai sinh cho 2 đứa bé. Tình huống 21: Tôi quen và yêu một người rồi có con với anh ấy, sau đó tôi mới biết anh chưa ly hôn vợ như đã nói với tôi. Tôi rất buồn cho mình, và tự nhủ sẽ chấm dứt việc quan hệ tình cảm với anh ấy. Tôi quyết định ở vậy nuôi con, nhưng vấn đề tôi gặp vướng mắc là việc khai sinh cho con tôi, anh ấy có đến UBND phường xin làm thủ tục cha nhận con, và sau đó làm giấy khai sinh cho con tôi có cả cha va mẹ, nhưng cán bộ Tư pháp hộ tịch từ chối không giải quyết việc cha nhận con, mà chỉ làm thủ tục khai sinh cho con tôi mang họ của mẹ, phần khai về cha để trống. Vậy xin hỏi giải quyết như vậy có đúng pháp luật không? Tình huống 22: Ông A và bà B chung sống với nhau có đăng ký kết hôn và có 01 con chung. Trong thời gian chung sống với bà B ông A có vợ bé là bà C sinh ra đứa con là D. Bà C đến UBND xã để Đăng ký khai sinh cho con, bà muốn trong giấy khai sinh con bà có tên cha và lấy họ con theo cha. Vậy UBND xã có giải quyết theo ý nguyện bà C được không? (được biết ông A thừa nhận đứa bé là con ruột mình và cũng muốn trong giấy khai sinh có tên ông và lấy họ ông) Tình huống 23: Tại UBND thị trấn nơi tôi sinh sống không giải quyết xác nhận tình trạng độc thân để tôi bổ túc hồ sơ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vay vốn là đúng hay sai? UBND trả lời là do bộ thủ tục hành chính do UBND tỉnh ban hành không có thủ tục đó. Tình huống 24: Tôi có người cháu đã xin giấy xác nhận độc thân cấp lần thứ nhất ở UBND phường năm 2008 nhưng do sơ xuất để mất. Nay cháu tôi muốn đăng ký kết hôn (với một công dân Việt Nam), nhưng UBND phường bắt mang bản cấp lần 1 đến. Tôi xin hỏi làm cách nào để xin lại bản xác nhận độc thân? Tình huống 25: Tôi sinh ngày 16/01/1989, hộ khẩu và CMND của tôi được khai là ngày sinh của tôi. Nhưng năm 1992 do nghe lời của một số người quen và do thiếu hiểu biết về pháp luật (bố mẹ tôi đều là nông dân) nên bố mẹ tôi đã cho tôi đi học trước tuổi quy định là 02 năm, theo đó bố mẹ tôi đã tự ý sửa trong giấy khai sinh của tôi từ ngày 16/01/1989 sang ngày 16/01/1987 để tôi có thể được đi học. Vì vậy trong tất cả các văn bằng của tôi đều có ngày sinh là 16/01/1987. Vào năm 2004, do nhận thấy việc làm của mình là không đúng, bố mẹ tôi đã xin được cải chính hộ tịch trong CMND và hộ khẩu của tôi tại Sở tư pháp Bình Thuận. Tại đây Sở tư pháp Bình Thuận cấp cho bố tôi 1 đơn xin cải chính hộ tịch và yêu cầu bố tôi điền đầy đủ thông tin và chứng thực từ thôn, UBND xã sau đó gửi xuống phòng Tư pháp huyện Đức Linh. Sau khi chứng thực ở thôn, UBND xã bố tôi đã gửi đơn này xuống Phòng Tư pháp huyện nhưng cơ quan này không giải quyết vì lý do: Không thuộc thẩm quyền và yêu cầu bố tôi nộp đơn xuống Sở Tư pháp giải quyết trước. Bố tôi lại nộp đơn xuống Sở Tư pháp, cơ quan này cũng không giải quyết với lý do: Phải thực hiện từ Phòng Tư pháp huyện sau đó Sở Tư pháp mới giải quyết. Bố tôi lên xuống giữa hai cơ quan vẫn không có kết quả gì và không có điều kiện tài chính để lên xuống giữa huyện Đức Linh và Phan Thiết nên bố tôi không tiếp tục xin cải chính nữa. Về phần tôi tiếp tục đi học, đến nay tôi đã tốt nghiệp cao đẳng và hiện là giáo viên trường THCS. Hiện nay tôi lại tiếp tục làm đơn xin cải chính hộ tịch cho mình, tôi đã làm đơn gửi Phòng Tư pháp huyện Đức Linh cùng với các giấy tờ liên quan (photo): CMND, hộ khẩu, bằng tốt nghiệp, đơn xin cải chính do Sở tư pháp Bình Thuận cấp từ năm 2004. Cho đến nay đã hơn 4 tháng nhưng vẫn chưa có kết quả gì. Tôi rất mong muốn có thể cải chính hộ tịch của mình trong Hộ khẩu và CMND từ ngày 16/01/1989 sang ngày 16/01/1987 cho trùng với ngày sinh trong bằng cấp của tôi để tôi có thể yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Vậy trong trường hợp của tôi có thể được cải chính hộ tịch trong CMND và hộ khẩu không? Cơ quan nào có thể giải quyết trường hợp của tôi? Tình huống 26: Mong chuyên mục giúp đỡ trả lời: Hiện tại vợ tôi chuẩn bị sinh cháu đầu lòng nhưng ngặt 1 nỗi gia đình tôi chưa có hộ khẩu tại Hà Nội. Hiện tại hộ khẩu của tôi vẫn ở tỉnh khác, còn vợ tôi đã cắt khẩu tại địa phương và đang đăng ký tạm trú KT3 tại Hà Nội. Do đăng ký tạm trú của vợ tôi từ tháng 10/2009 tính đến nay chưa đủ 1 năm để nhập khẩu tại Hà Nội mà đến tháng 6 tới vợ tôi sinh cháu vậy sinh cháu thì khai sinh ở đâu? Có thể đăng ký theo KT3 được không? Tôi đã mang sổ KT3 ra phường để hỏi nhưng họ không chấp nhận làm khai sinh cho cháu. Nếu đến tháng 10 gia đình chúng tôi mới đủ điều kiện nhập khẩu thì lúc đó khai sinh có được không?  Mức xử phạt khai sinh muộn được tính như thế nào? Tình huống 27: Hiện tại trong giấy khai sinh của em, phần khai về tên cha mẹ lại là tên ông bà nội em, không biết trong lúc làm giấy khai sinh cha mẹ em khai sai hay do cơ quan tư pháp nhầm lẫn. Vậy em rất kính mong được hướng dẫn các thủ tục sửa lại tên cha mẹ trong giấy khai sinh. Hiện tại em gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này. Tình huống 28: Ở xã T xảy ra trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã bị chị C khiếu nại về việc đã ra quyết định công nhận việc nuôi con nuôi giữa anh H và cháu N với lý do anh H chỉ hơn cháu N 15 tuổi, mặt khác anh lại ham mê cờ bạc, rượu chè vì chán cảnh vợ chồng không có con. Vậy ai có thẩm quyền giải quyết khiếu nại này. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại như thế nào? Tình huống 29: Anh A - cán bộ tư pháp hộ tịch xã D đã thu lệ phí hộ tịch cao hơn với quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch để nộp vào quỹ công đoàn của UBND xã D. Vậy anh A có được quyền làm như vậy không? Trong công tác hộ tịch, những việc gì cán bộ tư pháp hộ tịch không được làm? Tình huống 30: Sau khi chuyển nhà về phường T, anh H có việc phải dùng đến bản chính giấy khai sinh thì không thấy đâu. Tìm mãi không thấy, vợ chồng anh cho rằng nó bị thất lạc trong khi vận chuyển đồ đạc trong nhà. Anh quyết định ngày mai sẽ đến Uỷ ban nhân dân nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh để đề nghị được cấp lại bản chính giấy khai sinh. Thế nhưng anh không biết thủ tục làm như thế nào? Tình huống 31: Bà Lã Thị S sinh năm 1940 là người gốc Việt Nam, quốc tịch Hungary. Những người thân của bà S hiện vẫn đang sinh sống ở Việt Nam. Trong một lần về Việt Nam, bà S đột ngột qua đời do tai biến mạch máu não. Hỏi việc khai tử cho bà S được thực hiện theo thủ tục như thế nào? Tình huống 32: Tháng 11/2004, chị B (quốc tịch Việt Nam) và anh K (quốc tịch Anh) tổ chức lễ cưới. Tháng 7/2006, chị B sinh con (hai anh chị vẫn chưa đăng ký kết hôn). Nay chị B muốn đăng ký khai sinh cho cháu nhưng không biết thủ tục đăng ký. Vậy xin hỏi thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào? Tình huống 33: Năm 2005, chị Nguyễn Thị M (mang quốc tịch Việt Nam) kết hôn với anh Trần Đ (anh Đ mang quốc tịch Pháp). Hiện nay anh Đ và chị M đang sinh sống tại Hà Nội. Tháng 8/2005, chị M sinh con, chị M muốn hỏi gia đình chị sẽ phải đến cơ quan nào để đăng ký khai sinh cho cháu bé? Tình huống 34: Để chuẩn bị cho việc sinh con, chị T về nhà ngoại với dự định sau khi sinh sẽ ở lại bên ngoại một thời gian. Do chồng chị hiện đang đi công tác nước ngoài dài ngày, nhà lại neo người nên cháu bé đã được gần 3 tháng tuổi mà vẫn chưa được đăng ký khai sinh. Nay chị T muốn đi đăng ký khai sinh quá hạn cho con mình. Hỏi, pháp luật quy định thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn như thế nào? Tình huống 35: Trước đây, Giấy khai sinh gốc của tôi là Nguyễn Thị M. Năm lớp 10 tôi tự thêm chữ đệm vào là Nguyễn Thị Thanh M. Khi làm hồ sơ thi đại học thì bằng PTTH không đúng với Giấy khai sinh gốc và bìa hộ khẩu gia đình, nên không làm được hồ sơ. Nay tôi muốn sửa lại, khai đúng với Giấy khai sinh, cải chính hộ tịch Vậy, tôi xin hỏi thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch được pháp luật quy định như thế nào? Tình huống 36: Ông C bị TAND tuyên bố là đã chết; đã được gia đình đăng ký khai tử tại UBND xã. Nay đột nhiên ông trở về. Họ hàng, gia đình, vợ con vô cùng vui mừng. Họ tính chuyện đến TAND và UBND để làm các thủ tục huỷ bỏ các quyết định đã tuyên bố về ông nhưng không biết có được không? Tình huống 37: Sáng sớm ra công viên tập thể dục, bà A phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên ghế đá. Sau khi báo công an và chính quyền phường lập biên bản và các thủ tục cần thiết, bà A đề nghị và được UBND phường cho bà tạm nhận đứa trẻ về nuôi. Một tuần sau, Bà A ra UBND phường đăng ký khai sinh cho cháu nhưng UBND phường chưa đồng ý mà nói là bà cần chờ một thời gian nữa.  Bà thắc mắc không hiểu vì sao? Để khai sinh cho cháu bé bà cần làm những gì? Tình huống 38: Trong lúc làm ruộng, Chị T chuyển dạ và sinh con ngay tại bờ ruộng. May có bà con cùng làm giúp đỡ nên chị được mẹ tròn con vuông. Mấy hôm sau, chồng chị đến UBND xã đăng ký khai sinh cho con thì cán bộ tư pháp hộ tịch yêu cầu có giấy chứng sinh mới đăng ký khai sinh cho cháu. Đến bệnh xá xã thì không được cấp vì cháu không được sinh ra ở đây. Vậy làm thế nào để cháu bé được khai sinh? Tình huống 39: Ngày 01/4/2006, anh Văn chở bố bằng xe máy từ Bắc Giang lên Lạng Sơn. Lúc 9 giờ sáng, gần đến Lạng Sơn thì xe máy của anh Văn đâm vào một xe tải đi ngược chiều. Tai nạn xảy ra làm bố anh Văn chết tại chỗ. Anh Văn được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng vài tiếng sau, vào lúc 15h chiều thì anh Văn cũng qua đời. Khi đi đăng ký khai tử cho bố và ông nội mình, con anh Văn đã khai rõ các tình tiết đó. Cán bộ tư pháp - hộ tịch đã cấp 02 Giấy chứng tử cho anh Văn và bố anh Văn, trong đó đều ghi thời điểm chết là ngày 01/4/2002. Việc đăng ký khai tử của cán bộ tư pháp - hộ tịch trong trường hợp này có đúng yêu cầu nghiệp vụ hay không? Tình huống 40: Anh Tứ có hộ khẩu thường trú tại xã Y, thuộc tỉnh Lạng Sơn nhưng hiện nay anh đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh chuẩn bị kết hôn với vợ chưa cưới tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không có điều kiện để về quê xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nên nhờ anh trai là anh Tam, người đang ở cùng hộ khẩu giúp mình đến Uỷ ban nhân dân xã xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Anh Tam mang Sổ hộ khẩu gia đình và Chứng minh nhân dân của mình đến Uỷ ban nhân dân xã Y để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho em. Cán bộ tiếp dân sau khi nghe anh Tam trình bày đã yêu cầu anh Tam phải có giấy uỷ quyền của anh Tứ thì Uỷ ban nhân dân xã mới giải quyết việc xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh Tứ. Cán bộ tiếp dân cũng giải thích thêm rằng: xác nhận về tình trạng hôn nhân là bí mật đời tư của anh Tứ, nên nếu anh Tam không có uỷ quyền của anh Tứ thì Uỷ ban xã không thể cấp cho anh Tam được, sợ sau này anh Tứ khiếu nại.  Trong trường hợp này cán bộ tiếp dân giải quyết như vậy có đúng không? Tình huống 41:  Sau một thời gian tìm hiểu, tháng 9 năm 2006 anh Hải và chị Bích quyết định kết hôn và đến Uỷ ban nhân dân thị trấn X, nơi anh Hải đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi kiểm tra hồ sơ đăng ký kết hôn của anh Hải và chị Bích, cán bộ tư pháp - hộ tịch biết được rằng chị Bích là lưu học sinh đã du học ở Trung Quốc 4 năm, mới về nước từ cuối năm 2005. Do vậy, cán bộ hộ tịch yêu cầu chị B bên cạnh việc phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi chị cư trú cấp, còn cần phải bổ sung vào hồ sơ đăng ký kết hôn Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân do cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại Trung Quốc cấp để khẳng định chắc chắn rằng trong thời gian du học chị Bích không kết hôn với ai. Yêu cầu của cán bộ tư pháp - hộ tịch trong trường hợp này có hợp lý không? Tình huống 42: Để có thể đăng ký kết hôn tại nơi cư trú của chồng chưa cưới, chị Thoa đến Uỷ ban nhân dân phường K, nơi chị có hộ khẩu thường trú để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau khi tiếp nhận Tờ khai xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Giấy chứng minh nhân dân mà chị Thoa xuất trình, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường K yêu cầu chị về tổ dân phố, nơi chị đang sinh sống để xin Tổ trưởng dân phố xác nhận bằng văn bản về việc chị còn độc thân. Sau khi có văn bản xác nhận của Tổ trưởng dân phố, Uỷ ban nhân dân phường sẽ căn cứ vào đó để cấp Giấy khác nhận tình trạng hôn nhân cho chị. Hướng dẫn của cán bộ tư pháp - hộ tịch phường K trong việc giải quyết cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho chị Thoa có đúng không? Tình huống 43: Chị Kim và anh Hoan đều là giáo viên được điều động lên công tác có thời hạn tại xã M thuộc tỉnh Lạng Sơn. Chị Kim có hộ khẩu thường trú tại phường X, tỉnh Phú Thọ, còn anh Hoan sau khi tốt nghiệp Đại học chưa có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Khi lên Lạng Sơn công tác, cả anh Hoan và chị Kim đều đăng ký tạm trú có thời hạn tại xã M. Tháng 6 năm 2006 chị Kim và anh Hoan quyết định đăng ký kết hôn với nhau nên đã đến Uỷ ban nhân dân xã M tìm hiểu thủ tục. Sau khi nghe hai người trình bày nguyện vọng, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã M đã hướng dẫn chị Kim về phường X, tỉnh Phú Thọ, nơi chị có hộ khẩu thường trú để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và hẹn sau khi có giấy này thì hai người chỉ cần khai chung một Tờ khai đăng ký kết hôn, đồng thời xuất trình Giấy chứng minh nhân dân thì Uỷ ban nhân dân sẽ thụ lý giải quyết việc đăng ký kết hôn. Cách hướng dẫn giải quyết của cán bộ tư pháp - hộ tịch xã M có đúng với quy định pháp luật hộ tịch về đăng ký kết hôn hay không? Nếu tiếp nhận trường hợp này, vụ việc sẽ phải giải quyết như thế nào? Tình huống 44:  Anh Thân Văn Mạc và chị Lương Thị Tào đều là người dân tộc Tày cư trú tại một xã miền núi. Từ năm 2000, khi anh Mạc mới 17 tuổi và chị Tào 18 tuổi đã được hai bên gia đình làm đám cưới và anh Mạc về ở rể tại nhà chị Tào. Do gia đình chị Tào không có con trai nên sau khi cưới rể, cha mẹ chị Tào coi anh Mạc như con đẻ trong gia đình và làm lễ đổi họ theo phong tục để sau này anh Mạc được thừa kế hương hoả, giữ chân hương thờ cúng tổ tiên. Nay anh Mạc và chị Tào đã có 2 con chung đều chưa được đăng ký khai sinh. Khi cán bộ tư pháp - hộ tịch đến nhà vận động anh Mạc, chị Tào đi đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh cho con, anh Mạc đã làm Tờ khai đăng ký kết hôn trong đó ghi họ tên mình là Lương Văn Mạc (theo họ nhà vợ) chứ không phải Thân Văn Mạc như tên trong Giấy chứng minh nhân dân. Hôm sau anh Mạc và chị Tào đến Uỷ ban nhân dân xã nộp Tờ khai làm thủ tục đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh cho con thì cán bộ tư pháp - hộ tịch yêu cầu anh Mạc làm lại Tờ khai trong đó phải ghi họ tên anh Mạc là Thân Văn Mạc theo đúng Giấy chứng minh nhân dân. Anh Mạc trình bày về việc mình đã nhập họ theo nhà vợ và đề nghị chính quyền xã làm thủ tục đổi họ cho anh từ họ Thân sang họ Lương, đồng thời đăng ký khai sinh cho 2 con của mình đều lấy theo họ Lương. Tình huống 45: Vợ chồng ông Bỉnh là người dân tộc Thái, cư trú tại xã X, tỉnh Lạng Sơn. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con nên vợ chồng ông Bỉnh đồng ý cho cháu Quang 4 tuổi, là con thứ sáu trong gia đình làm con nuôi vợ chồng ông Hoàng người dân tộc Tày, hiện đang cư trú tại phường Y, thành phố Lạng Sơn. Trước đây cháu Quang đã được đăng ký khai sinh và xác định dân tộc theo dân tộc Thái của cha đẻ. Khi thoả thuận về việc cho nhận con nuôi, vợ chồng ông Hoàng đã đề nghị và được vợ chồng ông Bỉnh thống nhất đồng ý về việc để cháu Quang được thay đổi họ và dân tộc từ họ và dân tộc của cha đẻ sang họ và dân tộc của cha nuôi, đồng thời thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh của cháu Quang, ghi tên vợ chồng ông Hoàng vào đó để cháu Quang lớn lên gắn bó tình cảm gia đình với cha mẹ nuôi. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, đến ngày được Uỷ ban nhân dân xã nơi mình cư trú mời lên để đăng ký nuôi con nuôi, vợ chồng ông Hoàng trình bày nguyện vọng và đề nghị chính quyền khi đăng ký nuôi con nuôi xong thì làm thủ tục thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh của cháu Quang, đồng thời thay đổi họ của cháu Quang theo họ của ông Hoàng, và xác định lại dân tộc cho cháu theo dân tộc Tày. Theo ông (bà), Uỷ ban nhân dân xã có thể giải quyết nguyện vọng của các bên cho và nhận con nuôi về việc thay đổi họ và dân tộc cho cháu Quang như vậy được không? Tình huống 46: Vợ chồng anh Tình, chị Duyên đã có một con chung. Do muốn anh Tình xuất cảnh ra nước ngoài làm ăn bằng việc kết hôn giả với Việt kiều nên hai vợ chồng đã bàn với nhau và thực hiện việc ly hôn giả từ năm 2004. Việc xuất cảnh không thành nhưng anh Tình và chị Duyên vẫn chung sống mà không đăng ký kết hôn. Tháng 6 năm 2006, chị Duyên sinh thêm một con gái. Anh Tình mang Giấy chứng sinh của cháu bé đến Uỷ ban nhân dân để đăng ký khai sinh cho con. Do biết rõ về việc anh Tình và chị Duyên dù có ly hôn nhưng thực tế vẫn chung sống với nhau nên cán bộ tư pháp - hộ tịch đã vận dụng quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP: “Trong trường hợp cán bộ tư pháp - hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn” để đăng ký khai sinh cho cháu bé theo thủ tục thông thường.  Việc giải quyết đăng ký khai sinh cho con của anh Tình, chị Duyên trong trường hợp này có đúng pháp luật không? Tình huống 47: Vợ chồng ông Quynh và bà Hảo kết hôn đã nhiều năm nhưng chưa có con. Bà Hảo vì day dứt chuyện mình không có khả năng sinh con nên từ năm 2004, mặc dù biết chồng mình đi lại quan hệ với cô Thái, một phụ nữ lỡ thì ở xã K gần đó nhưng bà Hảo coi như không biết. Tháng 6 năm 2006, cô Thái sinh con với ông Quynh. Khi con đầy tháng, cả cô Thái và ông Quynh cùng đến Uỷ ban nhân dân xã K, nơi cô Thái cư trú để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Hai người trình bày nguyện vọng được đăng ký khai sinh cho cháu bé, đồng thời đề nghị chính quyền xác nhận và ghi tên ông Quynh vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của cháu bé. Theo sự hướng dẫn của cán bộ tiếp dân, ông Quynh đã làm Tờ khai đăng ký nhận con. Biết chuyện này, bà Hảo đến Uỷ ban nhân dân xã K để khiếu nại. Gặp cán bộ tư pháp của xã K, bà Hảo xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn giữa bà và ông Quynh và yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã K phải giải quyết một trong hai đề nghị của bà như sau: - Thứ nhất, nếu Uỷ ban nhân dân xã K muốn giải quyết việc ghi tên ông Quynh vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của cháu bé thì phải ghi tên bà vào phần khai về người mẹ, vì bà và ông Quynh là vợ chồng hợp pháp. Do đó, theo bà nếu ông Quynh được công nhận là cha thì từ đó suy ra, đương nhiên bà phải là mẹ của cháu bé; - Thứ hai, nếu Uỷ ban nhân dân xã K không chấp nhận giải quyết như trên thì không được ghi tên ông Quynh vào giấy khai sinh của cháu bé, vì ông Quynh không phải là chồng của cô Hảo, mà là chồng hợp pháp của bà. Theo bà, nếu Uỷ ban nhân dân xã ghi tên ông Quynh vào phần khai về người cha, bên cạnh tên cô Thái được ghi ở phần khai về người mẹ thì như vậy là Uỷ ban nhân dân xã công nhận quan hệ vợ chồng giữa ông Quynh và cô Thái. Cán bộ tư pháp thấy cả hai yêu cầu của bà Hảo đều vô lý nhưng chưa biết cách giải thích như thế nào nên báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã để xin ý kiến chỉ đạo. Cho rằng việc nhận con có phát sinh tranh chấp nên đồng chí Chủ tịch Uỷ ban xã đã chỉ đạo cán bộ tư pháp dừng việc giải quyết đăng ký nhận con và hướng dẫn các bên liên quan tới Toà án huyện để giải quyết theo thẩm quyền. Uỷ ban nhân dân xã giải quyết như vậy có đúng không? Tình huống 48: Chị Nương, người dân tộc Tày yêu anh Phàng, người dân tộc H-mông nhưng gia đình không đồng ý. Cha, mẹ chị Nương vì muốn con gái chỉ kết hôn với người cùng dân tộc và ở gần cha mẹ nên ép gả chị Nương lấy anh Sình, là người cùng dân tộc và ở cùng trong xóm. Không muốn mang tiếng bất hiếu với cha, mẹ nên chị Nương đã cùng anh Sình đi đăng ký kết hôn, nhưng được vài hôm sau, khi hai gia đình đang chuẩn bị làm đám cưới thì chị Nương lặng lẽ bỏ quê cùng anh Phàng đi vào Tây Nguyên lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Một thời gian sau khi chị Nương bỏ đi và đám cưới bị huỷ, anh Sình chung sống như vợ chồng với một người khác là chị Cảnh. Hơn một năm sau, tháng 6 năm 2006 chị Cảnh sinh con. Cũng trong thời gian này chị Nương và anh Phàng quay về quê để xin các giấy tờ làm thủ tục nhập khẩu và đăng ký kết hôn ở nơi hai người đang tạm trú trong Tây Nguyên. Anh Sình và chị Nương mang Giấy chứng nhận kết hôn đến Uỷ ban nhân dân xã đề nghị chính quyền thu hồi và huỷ Giấy chứng nhận kết hôn đó, để anh Sình có thể kết hôn với chị Cảnh và đăng ký khai sinh cho con để cháu bé không bị khai sinh theo diện con ngoài giá thú. Chính quyền xã hiểu rõ về sự việc của hai người, hơn nữa xét thấy chị Nương đã bỏ đi ngay khi chưa làm đám cưới theo tục lệ, và thực tế anh Sình, chị Nương chưa từng chung sống với nhau nên có hướng giải quyết nguyện vọng của anh Sình và chị Cảnh bằng cách: yêu cầu anh Sình, chị Nương nộp lại Giấy chứng nhận kết hôn để Uỷ ban nhân dân xã báo cáo và đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện ra Quyết định thu hồi và huỷ Giấy chứng nhận kết hôn này, sau đó sẽ đăng ký kết hôn mới cho anh Sình với chị Cảnh, đồng thời đăng ký khai sinh cho con của họ. Uỷ ban nhân dân xã giải quyết như vậy có đúng không? Tình huống 49:  A và B đều là công dân Việt Nam, cùng công tác tại Cộng hoà liên bang Đức. Họ đăng ký kết hôn với nhau và được Đại sứ quán nước cộng hoà XHCN Việt nam tại Đức cấp Giấy chứng nhận kết hôn. Kết thúc nhiệm kỳ công tác, họ về nước rồi sinh con. Họ đến UBND xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để đăng ký khai sinh cho con nhưng cán bộ tư pháp hộ tịch nói Giấy chứng nhận kết hôn của họ không sử dụng được ở Việt Nam và không thực hiện đăng ký. A và B phải đăng ký kết hôn lại và phải được UBND xã cấp giấy chứng nhận kết hôn thì mới được đăng ký khai sinh cho con. Cán bộ tư pháp giải thích như vậy có đúng không? Tình huống 50:  Ông M thường trú tại Tuyên Quang. Trong lần vào thăm con trai (làm việc ở phường N, Thành phố Hồ Chí Minh), chẳng may ông bị tai nạn giao thông và chết tại đấy. Con trai ông ra UBND phường nơi mình công tác đăng ký khai tử cho bố thì được hướng dẫn về UBND nơi bố anh thường trú tại Tuyên Quang để đăng ký. UBND phường N chỉ cấp giấy báo tử cho gia đình ông thôi. Không biết UBND phường N đúng hay sai? Tình huống 51: Ông Tuấn và ông toàn có quan hệ là anh trai cả và em trai út. Chị Hạnh là cháu gái nội ông Tuấn, anh Hải là con trai út ông Toàn. Hạnh và Hải phát sinh tình cảm muốn đi đến hôn nhân. Năm 2004 hai người đến UBND có thẩm quyền để đăng ký kết hôn nhưng UBND đã từ chối kết hôn cho họ vì lý do có họ trong phạm vi ba đời. Hỏi của UBND làm như vậy là đúng hay sai? Tại sao? Tình huống 52: A và B kết hôn năm 1995 có đăng ký kết hôn hợp pháp. Quá trình chung sống từ đó đến nay hai người thường xuyên phát sinh mâu thuẫn nên B là vợ làm đơn khởi kiện ly hôn đề nghị Tòa án giải quyết. Vấn đề đặt ra là Hiện nay vợ chồng A và B đều không giữ lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Vào năm 1996 UBND phường nơi A và B đăng ký kết hôn cũng bị mất sổ đăng ký kết hôn và các cán bộ tư pháp, chủ tịch đều đã nghỉ hưu và có người đã mãi mãi không trở về với chúng ta nữa. Vậy có cách nào để việc khởi kiện của B được Tòa án thụ lý không? Tình huống 53: Tháng 9 năm 2001 ông N 60 tuổi và cô M, 17 tuổi tổ chức đám cưới  tại nhà thờ với sự chứng kiến của cha cố và họ hàng, bạn bè hai bên, nhưng không đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Ông N là một nhà kinh doanh lớn với tài sản trước khi đám cưới trị giá 1 tỷ đồng; Cô M chưa có việc làm, nhưng trước ngày đám cưới cha mẹ cô cho cô 200 triệu. Sau khi đám cưới cô ở nhà lo công việc nội trợ và chăm sóc đứa con chung 2 tuổi của hai người. Trong 3 năm chung sống hai người đã mua thêm một ô tô và 2 căn nhà. Nhưng trong thời gian đó ông N cũng có quan hệ như vợ chồng với một người phụ nữ khác. Tháng 11 năm 2004 ông N và cô M làm đơn xin ly hôn. - Trong khi đang chung sống với chị M mà ông N lại có quan hệ như vợ chồng với người phụ nữ khác thì có vi phạm chế độ một vợ một chồng không? Tại sao? - Trong trường hợp này  Toà án có thụ lý vụ việc của ông N và cô M không? Tại sao? - Vấn đề tài sản và con chung của hai người sẽ giải quyết như thế nào? - Có gì khác nếu họ có đủ điều kiện và đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền? Tình huống 54: Anh Nam và chị Bắc đều đang đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Trong đợt về nước nghỉ phép vào tháng 8 năm 2006, hai người quyết định kết hôn với nhau. Tuy nhiên, gia đình anh Nam thì ở Lạng Sơn, còn gia đình chị Bắc thì ở tận Đà Nẵng. Do đó, hai anh chị thống nhất sẽ đăng ký kết hôn tại phường X, thuộc tỉnh Lạng Sơn, nơi anh Nam có hộ khẩu thường trú. Nhờ gia đình quen biết với đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường nên anh Nam đến trình bày hoàn cảnh và xin được thay mặt vợ chưa cưới nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, khi nào Uỷ ban nhân dân phường đồng ý tiến hành đăng ký kết hôn thì cả anh Nam và chị Bắc sẽ có mặt để đăng ký. Thông cảm với hoàn cảnh của anh Nam và chị Bắc nhưng đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường rất phân vân vì thấy Điều 10 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch quy định không cho phép uỷ quyền đối với 4 loại việc là đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ và đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường X có thể giải quyết nguyện vọng mà anh Nam đề xuất hay không? Tình huống 55: Bà Dương Thị Thoa là giáo viên trường trung học A (Hoang Tri) huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn nghĩ chồng mình có quan hệ với cô L - giáo viên trường Mầm non B (Nam Mau) huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Bà Thoa cùng bà Thảo - Hiệu trưởng trường Mầm non B đã đưa cô L vào phòng dọa nạt và bắt viết cam kết không gặp chồng bà Thoa nữa. Sau đó bà Thảo đem tờ giấy đó bắt nhân viên của mình ký vào mặc dù họ không được chứng kiến. (Vợ chồng bà Thoa đã không chung sống được 01 năm và không có giấy đăng ký kết hôn.) Vậy hành vi của bà Thoa và bà Thảo có vi phạm pháp luật không? Theo căn cứ pháp luật nào? Tình huống 56: Hiện tôi đã có 2 con nhỏ và không muốn có sự ràng buộc pháp lý gì với cha mẹ tôi. Tôi muốn không nhận quan hệ với cha mẹ, thì luật quy định như thế nào về vấn đề này? Tình huống 57: Chúng tôi đã nộp hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp Hà Nội. Chồng tôi quốc tịch Mỹ hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Tôi được thông báo Giấy tờ Đăng ký kết hôn của chúng tôi đã được ký ngày 10/02/2010. Theo phiếu nhận và hẹn trả hồ sơ hành chính của Sở tư pháp, ngày hẹn trả là 30/3/2010. - Theo tôi được biết chúng tôi có thời hạn tối đa 90 ngày phải cùng có mặt tổ chức lễ kết hôn tại Sở Tư pháp, tôi xin hỏi thời hạn tối đa được tính từ ngày giấy tờ được ký hay theo ngày hẹn trả hồ sơ? - Chồng tôi được quyết định chuyển công tác tới công ty mới tại Mỹ, cho tới nay thời gian làm việc ở công ty mới chưa nhiều nên không thể xin nghỉ việc để về Việt Nam sớm, tôi và chồng có thể làm đơn trình bày và xin ra hạn thêm 02 tháng để trình diện làm lễ đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp được không? Tôi rất mong nhận được hướng dẫn cụ thể. Tình huống 58: Anh An, 20 tuổi, cư trú tại xã X là con ngoài giá thú của ông Báu, cư trú tại xã Y. Do mâu thuẫn giữa cha và mẹ đẻ nên mẹ anh giấu thông tin không cho biết cha mình là ai. Khi ông Báu ốm nặng, theo nguyện vọng của gia đình, anh An mới được mời đến để nhận cha. Trước khi qua đời, ông Báu bày tỏ nguyện vọng về việc nhận anh An làm con. Sau khi ông Báu mất, anh An đến UBND xã Y xin đăng ký nhận cha, đồng thời, yêu cầu ghi bổ sung tên ông Báu vào phần khai về người cha trong giấy khai sinh của mình. Vậy, UBND xã Y giải quyết yêu cầu của anh An như thế nào? Tình huống 59: Chị Trần Thị A (quốc tịch Việt Nam) kết hôn với anh Kim H (quốc tịch Hàn Quốc). Chị A và anh Kim H đã đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp tỉnh X (nơi cư trú của chị A). Trong chuyến đi du lịch sau khi kết hôn, không may chị A bị mất cắp, trong đó có có giấy đăng ký kết hôn. Hỏi điều kiện, thẩm quyền và thủ tục đăng ký lại việc kết hôn của chị A và anh Kim H được pháp luật quy định như thế nào? Tình huống 60: Anh Mồng, thường trú tại xã X đã có một đời vợ, chị vợ trước của anh mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời năm 2001 và được đăng ký khai tử tại Uỷ ban nhân dân xã X. Tháng 9 năm 2006, do muốn con cái mình có người chăm sóc nên anh Mồng quyết định kết hôn với chị Vần, thường trú tại thị trấn Y cùng trong huyện. Anh Mồng và chị Vần dự định sau khi kết hôn thì anh Mồng và con anh sẽ chuyển lên chung sống cùng chị Vần nên quyết định sẽ đăng ký kết hôn tại thị trấn Y. Khi anh Mồng và chị Vần đến nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân thị trấn Y, cán bộ tư pháp - hộ tịch biết được anh Mồng từng có một đời vợ đã chết nên yêu cầu anh Mồng bổ sung Giấy chứng tử của vợ cũ vào hồ sơ đăng ký kết hôn. Cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn Y có được quyền yêu cầu như vậy hay không? Tình huống 61: Năm 1995, chị Hà Thị Đào, sinh năm 1971, làm công nhân nhà máy đường, quen biết anh Lê Văn Dương, sinh năm 1970, kế toán của một công ty. Hai người thường xuyên về nhà anh Dương chung sống như vợ chồng. Năm 1996, chị Đào có thai. Khi biết chuyện, anh Dương tìm cách lảng tránh. Một thời gian ngắn sau anh Dương cưới vợ. Khi chị Đào sinh con, anh Dương không đến thăm mà chỉ nhờ em gái mang tiền đến và thanh toán viện phí cho chị Đào. Vì muốn bảo vệ quyền lợi cho con, chị Đào đề nghị anh Dương cùng ra UBND xã làm khai sinh cho con nhưng anh Dương không đồng ý vì cho rằng đó không phải là con của mình. Biết không thể thuyết phục anh Dương, chị Đào gặp cán bộ tư pháp xã đề nghị tư vấn thủ tục xác nhận cha cho con. Vậy, cán bộ tư pháp xã tư vấn cho chị Đào như thế nào? Tình huống 62: Anh Phàng và cô Chiêu đều là người dân tộc Nùng, yêu thương nhau và muốn kết hôn thành vợ thành chồng. Tuy nhiên, anh Phàng là công dân Việt Nam còn cô Chiêu là công dân Trung Quốc. Gia đình anh Phàng và gia đình cô Chiêu sống ở 2 xã giáp đường biên giới. Để được về chung sống với nhau hợp pháp, anh Phàng đã đến Uỷ ban nhân dân xã, nơi anh thường trú hỏi về việc làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vậy, cán bộ UBND xã cần hướng dẫn anh Phàng làm gì để thực hiện nguyện vọng của mình? Tình huống 63: Anh Ất là người làm ăn xa gia đình. Tháng 6/2006, chị Giáp vợ anh ở nhà sinh con. Do sức khoẻ yếu nên chị nhờ mẹ đẻ mang Giấy chứng nhận kết hôn của anh chị đi đăng ký khai sinh cho cháu bé tại UBND thị trấn, nơi vợ chồng anh chị cư trú. Tháng 8/2006, anh Ất về thăm nhà. Do nghe đàm tiếu nên đã nghi ngờ vợ mình có quan hệ bất chính với người khác. Anh cho rằng, cháu bé không phải là con mình nên đã ép vợ phải cho con đi làm con nuôi. Bị chồng hắt hủi, lại do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Giáp đành phải cho con đi làm con nuôi. Tuy nhiên, khi ra UBND xã làm thủ tục cho con nuôi anh Ất kiên quyết không chịu ký tên vào Giấy thoả thuận về việc cho trẻ làm con nuôi vì cho rằng, mình không phải là cha của đứa trẻ. Đồng thời, biết việc mẹ chị Giáp là người đi đăng ký khai sinh cho cháu bé nên anh Ất đã khiếu nại việc cán bộ hộ tịch ghi tên anh vào phần khai về người cha trên Giấy khai sinh của cháu bé khi chưa được sự đồng ý của anh. Vậy, cán bộ hộ tịch phải giải quyết trường hợp này như thế nào? Tình huống 64: Vợ chồng anh Toan kết hôn đã hơn 5 năm nhưng không có con nên năm 2000 đã nhận cháu Minh, là trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi. Việc nhận con nuôi đã được đăng ký tại UBND phường, nơi vợ chồng anh Toan cư trú. Tuy nhiên đến năm 2002, vợ chồng anh Toan đã sinh được một cháu gái. Do muốn sinh thêm con trai mà vẫn bảo đảm mô hình gia đình chỉ có hai con nên vợ chồng anh Toan muốn cho cháu Minh làm con nuôi của chị Hoà, một người đồng nghiệp hiếm muộn ở cùng cơ quan anh Toan. Vợ chồng anh Toan và chị Hoà đến UBND phường xin chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi giữa anh chị với cháu Minh để giao cháu Minh cho chị Hoà nuôi. Vậy, UBND phường có thể giải quyết nguyện vọng của các đương sự nói trên không? Tình huống 65: Trong lúc cán bộ hộ tịch đang tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu Huy là con của vợ chồng anh Quang và chị Minh thì anh Trung đến khẳng định cháu Huy là con đẻ của anh với chị Minh. Anh Trung đề nghị cán bộ tư pháp xác nhận anh là cha cháu bé và ghi tên anh vào Giấy khai sinh của cháu Huy. Cán bộ tư pháp hộ tịch đã tạm dừng việc đăng ký khai sinh và mời chị Minh đến UBND xã để xác minh sự việc. Khi tới Uỷ ban, cả chị Minh và anh Quang khẳng định cháu Huy là con chung của vợ chồng anh chị. Trong trường hợp này, cán bộ tư pháp cần giải quyết như thế nào? Tình huống 66: Tháng 3/2006 anh Khải, 17 tuổi và chị Đào, 16 tuổi được cha mẹ hai bên tổ chức lễ cưới. Khi phát hiện sự việc, UBND xã, nơi anh Khải cư trú đã xử phạt hành chính cha mẹ anh Khải và cha mẹ chị Đào về hành vi tổ chức tảo hôn, đồng thời Hội Phụ nữ xã đã yêu cầu Toà án huyện ra quyết định huỷ hôn nhân trái pháp luật. Tháng 6/2006, mặc dù đã bị Toà án buộc chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng anh Khải và chị Đào không chấp hành mà vẫn tiếp tục chung sống với nhau như vợ chồng. UBND xã đã ra quyết định xử phạt anh Khải và chị Đào về hành vi tảo hôn. Vậy, việc xử phạt của UBND xã đối với anh Khải, chị Đào như vậy là đúng hay sai? Xác định UBND xã xử phạt hành chính đối với anh Khải và chị Đào về hành vi tảo hôn có đúng hay không, cần viện dẫn các quy định pháp luật có liên quan để biết anh Khải và chị Đào có phải là chủ thể của hành vi tảo hôn không? PHẦN NUÔI CON NUÔI Tình huống 67: Tôi là người Việt Nam, kết hôn với người chồng mang quốc tịch Anh. Hai vợ chồng tôi không có con nên tôi muốn nhận cháu ruột của tôi (con của chị gái tôi) làm con nuôi. Cháu tôi năm nay đã 14 tuổi. Chị tôi hiện vẫn đang đủ sức khoẻ để làm việc nhưng vì muốn tái hôn nên bố và mẹ tôi là người bảo dưỡng chính cho cháu. Tôi mong Quý cơ quan tư vấn giúp trường hợp của tôi có đợc nhận cháu làm con nuôi hay không? Nếu được thì cần những thủ tục như thế nào và liên hệ đến cơ quan nào? Chân thành cảm ơn! Tình huống 68: Xin Quý cơ quan tư vấn giúp tôi vấn đề sau. Vợ tôi đã nhiều lần sảy thai, bác sĩ nói là không thể sinh con được. Tôi có đến Jungensamt (bên Đức) hỏi về việc xin nhận con nuôi. Họ nói không được vì tôi đã hơn 40 tuổi (vợ tôi 40 tuổi, tôi 45 tuổi). Tôi không thể tiến hành làm hồ sơ về việc xin nhận con nuôi. Trường hợp này tôi phải làm như thế nào? Xin cảm ơn! Tình huống 69: Tôi có người bạn hiếm muộn con cái. Sau khi tìm hiểu thông tin có thỏa thuận nhận con của một người (người này "chửa hoang") có giấy thỏa thuận việc cho con. Sau khi xin con bạn tôi muốn thực hiện việc nhận con nuôi tại UBND xã nhưng có việc vướng mắc là bạn tôi không muốn mẹ đứa trẻ biết địa chỉ gia đình để phòng sau này...nhưng như vậy theo nghị định 158/2005/NĐ-CP với các trường hợp biết cha, mẹ đẻ là ai thì sẽ không đăng ký được. Tôi xin hỏi có cách nào khắc phục được không? (không áp dụng với kiểu khắc phục cho đứa trẻ bị bỏ rơi). Tình huống 70: Xin hỏi: Trường hợp cô ruột nhận cháu làm con nuôi có được không? Căn cứ điều kiện nhận con nuôi thì đúng nhưng trên thực tế bố mẹ cháu còn sống và chỉ mới có 1 con (là cháu), hoàn cảnh kinh tế bình thường. Gia đình cô giàu có, cô có 2 người con một trai, một gái. Tôi hơi băn khoăn về mục đích nhận con nuôi nhưng không biết lấy lý do gì để từ chối không cho nhận con nuôi. Xin Cơ quan có thẩm quyền tư vấn để tôi sớm trả lời cho công dân. Tình huống 71: Tôi có một người bạn 24 tuổi muốn nhận một người cha ở nước ngoài ông ấy đã 60 tuổi và là thương binh vậy cô ấy phải làm thủ tục như thế nào? Tình huống 72: Những người nào có quyền yêu cầu Toà án chấm dứt việc nuôi con nuôi? Tình huống 73: Vì đông con và kinh tế gia đình quá khó khăn nên vợ chồng ông D đồng ý cho cháu N 10 tuổi về làm con nuôi ông C (ông C có đủ điều kiện để nhận nuôi). Khi đến UBND xã đăng ký việc nuôi con nuôi thì ông D và N đều không đến vì ngại mang tiếng đem con đi cho. Vì vậy, UBND xã không thực hiện đăng ký. Việc UBND xã không thực hiện đăng ký là đúng hay sai? Pháp luật quy định về trình tự đăng ký nuôi con nuôi như thế nào? Tình huống 74: Anh Tráng, cư trú tại xã X, tỉnh Tuyên Quang đến Uỷ ban nhân dân xã tìm gặp đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã để trình bày sự việc như sau: Do biết vợ chồng anh hiếm muộn đường con cái, cưới nhau đã lâu nhưng chưa sinh được con nên bà Thoàn, một người ở cùng thôn, làm nghề buôn chuyến trong một lần đi cất hàng trên Lạng Sơn thấy có đứa trẻ bị bỏ rơi ở một ngôi chùa thuộc thị trấn K, tỉnh Lạng Sơn nên đã xin về để cho vợ chồng anh Tráng nhận làm con nuôi. Khi giao đứa trẻ cho vợ chồng anh Tráng, bà Thoàn cũng cho biết là không có giấy tờ, đồ vật gì kèm theo trẻ ngoài tờ Giấy chứng sinh nhưng tên tuổi người mẹ trên Giấy chứng sinh này không có thực. Sau khi trình bày sự việc, anh Thoàn thiết tha đề nghị đồng chí Chủ tịch tạo điều kiện giúp đỡ thực hiện đăng ký nuôi con nuôi. Anh cũng trình bày thêm rằng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể có tiền để chữa bệnh vô sinh nên mong Uỷ ban nhân dân tìm cách cho anh chị được nhận cháu bé làm con nuôi. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã X cần giải quyết tình huống này như thế nào? Tình huống 75: Khi mới 19 tuổi và chưa kết hôn nhưng chị Vang đã có thai ngoài ý muốn. Gia đình chị vì ngại điều tiếng chê trách của xóm làng nên đưa chị đến ở nhờ nhà người cô họ tại xã X ở một tỉnh khác trong thời gian chờ sinh con. Trong thời gian ở đây, chị Vang quen biết vợ chồng chị Thuỷ là người trong xã, biết hoàn cảnh của vợ chồng chị Thuỷ kết hôn đã lâu nhưng không có khả năng sinh con nên chị Vang đồng ý sau khi sinh con sẽ cho cháu làm con nuôi vợ chồng chị Thuỷ. Vì đã thoả thuận với nhau như vậy và muốn giữ bí mật về chuyện này nên khi gần sinh con, chị Vang được chị Thuỷ đón về nhà chăm sóc. Tháng 02 năm 2006, chị Vang sinh con và được chị Thuỷ mời bác sỹ về nhà đỡ đẻ tại nhà. Sinh con được 2 tuần, chị Vang để con lại làm con nuôi vợ chồng chị Thuỷ với yêu cầu gia đình chị Thuỷ không được liên A với chị Vang. Theo yêu cầu của vợ chồng chị Thuỷ, chị Vang cũng viết một tờ giấy về việc tự nguyện cho con làm con nuôi vợ chồng chị Thuỷ và cam kết sau này không tranh chấp, đòi hỏi quyền lợi gì liên quan đến đứa con. Tờ giấy này có chữ ký của chị Vang, vợ chồng chị Thuỷ và người làm chứng là cô họ của chị Vang. Cháu bé được 5 tháng tuổi, chị Thủy đến Uỷ ban nhân dân xã X để xin đăng ký nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho cháu bé. Cán bộ tư pháp - hộ tịch sau khi tìm hiểu rõ sự việc, thấy có nhiều vướng mắc để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch của chị Thuỷ do việc đăng ký khai sinh cho cháu bé không có Giấy chứng sinh, việc đăng ký nuôi con nuôi thì không liên hệ được với mẹ đẻ cháu bé để làm các thủ tục cần thiết. Uỷ ban nhân dân xã X phải giải quyết tình huống này như thế nào? Tình huống 76: K là con nuôi ông bà B, được ông bà đối xử như với con đẻ. Năm 24 tuổi K cưới vợ và vẫn được ở cùng bố mẹ nuôi. Ông B chỉ có một người con trai hiện đang cư trú tại Pháp nên muốn K ở cùng cho vui. Vì muốn chiếm toàn bộ diện tích đất, nhà của ông B nên K bàn với bố mẹ nuôi giao giấy tờ nhà đất cho K để K làm thủ tục xây nhà 4 tầng trên diện tích đó. Ông bà B không đồng ý vì còn phải bàn bạc thêm với con trai đang ở nước ngoài. Không đạt được mục đích, K thường xuyên chửi bới, nhiếc móc bố mẹ nuôi; thậm chí còn khiêng cả giường của bố mẹ nuôi vứt ra ngoài, không cho ngủ trong nhà. Bố mẹ nuôi ốm K cũng để mặc. Khuyên can nhiều lần không được, bà con, hàng xóm, họ hàng rất bất bình, họ đề nghị Ông B làm giấy từ con nuôi. Ông B rất buồn và băn khoăn không biết có được làm như vậy không? Tình huống 77: L được vợ chồng ông, bà D nhận nuôi từ lúc lên 5 tuổi, được cho ăn học đỗ đạt đến Tiến sỹ, hiện công tác tại Hunggari. Thương bố mẹ nuôi, anh chăm chỉ làm việc, dành dụm, tích góp tiền gửi về để bố mẹ có thêm tiền chi tiêu, chăm sóc sức khoẻ. Số tiền còn lại L nhờ bố mẹ nuôi mua được một ngôi nhà 4 tầng khang trang, đăng ký tên anh, để khi nào về nước L ở. Sợ khi L về nước, số tài sản này phảỉ trả lại cho L, các con đẻ ông bà D bàn với bố mẹ làm đơn xin chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với L với lý do con nuôi đã trưởng thành, có học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm tử tế. Ông bà D không muốn vậy những các con ép quá đành phải nghe nhưng ông tuyên bố dứt khoát: Ngôi nhà và tài sản mua được từ tiền của L gửi về ông sẽ giao lại toàn bộ cho L. Các con ông không chịu và cho rằng: khi đã chấm dứt việc nuôi con nuôi thì mọi quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng hoàn toàn chấm dứt. Các con đẻ ông, bà D nói như vậy đúng hay sai? Tình huống 78: Cháu P mồ côi cả cha lẫn mẹ, được ông H nhận làm con nuôi. Đến 11 tuổi, P vẫn chưa biết đọc biết viết. Nghe bạn bè khuyên, P về xin bố mẹ đi học nhưng ông H không đồng ý. Mọi người khuyên nhủ ông cũng không nghe mà còn cho rằng con nuôi không thể như con đẻ được; phải làm việc để các con đẻ ông đi học; được ông nuôi, cho ở, cho ăn là tốt rồi. Việc Ông H phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi có vi phạm pháp luật không? Cháu M là trẻ bị bỏ rơi tại xã T. UBND xã T đã lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ bị bỏ rơi. Bà L thường trú tại thị trấn X muốn nhận cháu M làm con nuôi (bà L có đầy đủ điều kiện về nhận nuôi con nuôi). Bà L đến UBND thị trấn X làm thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi nhưng Uỷ ban nhân dân thị trấn X hướng dẫn bà L về làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại UBND xã T. Hướng dẫn của UBND thị trấn X đúng hay sai? Tình huống 79: Năm nay Y 18 tuổi, là cô gái nông thôn mồ côi bố mẹ từ khi mới tròn 6 tuổi. Trong thời gian qua, Y ở cùng gia đình bác ruột. Chị H là hàng xóm của gia đình Y, hơn Y 18 tuổi, thấy Y là cô gái chăm chỉ, nết na nên rất quý và muốn nhận làm con nuôi. Y và gia đình đều đồng ý. Khi ra UBND phường làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thì được UBND phường trả lời là không đáp ứng đúng điều kiện. UBND phường trả lời như vậy đúng hay sai? Tình huống 80: Anh T và chị C lấy nhau đã 12 năm nhưng không có con, họ đã đi đến quyết định xin nhận cháu D 13 tuổi con một người hàng xóm đông con làm con nuôi. Được vài năm, do điều kiện kinh tế của hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn nên anh chị quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi với cháu D và trả lại quyền nuôi dưỡng cho cha mẹ đẻ của cháu. Vậy hậu quả pháp lý của việc chấm dứt việc nuôi con nuôi sẽ được giải quyết như thế nào? PHẦN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH Tình huống 81: Ngày 9.6.2010, chị Đinh Thị Phúc đến UBND xã Tân Dương, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con là Nguyễn Đinh Phú Quý sinh ngày 6.12.2009 tại Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Đéc. Theo chị Phúc, khi sinh con tại Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Đéc có giấy chứng sinh do bệnh viện cấp, nhưng trên đường về nhà chị đã làm mất giấy chứng sinh của con nên không thể làm khai sinh. Về phía Bệnh viện thì không thể cấp lại giấy chứng sinh cho con chị được. Nghị định 158 chỉ quy định trường hợp nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Trường hợp con chị Phúc sinh trong bệnh viện nhưng mất giấy chứng sinh, cơ quan hộ tịch không biết có thể cho đăng ký khai sinh hay không? Nếu đăng ký khai sinh thì giấy tờ nào sẽ thay thế giấy chứng sinh? Cuối cùng, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã phải cho chị Phúc làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực để giải quyết việc đăng ký khai sinh cho con chị. Tình huống 82: Nguyễn Văn A, sinh năm 1996 sống chung với một cô gái như vợ chồng. Tháng 9.2008 cô này sinh con rồi bỏ đi, để lại đứa con cho anh A nuôi. Tháng 12.2009 khi anh A đến UBND xã Tân Hoà, huyện Lai Vung, Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con thì gặp vướng mắc. Lý do, Thông tư 01 hướng dẫn: trong trường hợp cha, mẹ của trẻ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, người mẹ để con lại cho người cha và bỏ đi không xác định được địa chỉ, thì khi người cha làm thủ tục nhận con, không cần phải có ý kiến của người mẹ. Khi đăng ký khai sinh, phần ghi về người mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo Giấy chứng sinh. Trường hợp không có Giấy chứng sinh, thì ghi theo lời khai của người cha; nếu người cha không khai về người mẹ, thì để trống (Tiết a, Điểm 4, Mục II, Thông tư 01). Tuy nhiên, trường hợp anh A mới chỉ 13 tuổi thì có quyền được làm thủ tục cha nhận con và đăng ký khai sinh cho con được hay không?. Tình huống 83: Hơn 10 năm trước, anh T. kết hôn với chị L. rồi sinh được một bé trai. Do chị L. làm hướng dẫn viên du lịch nên nay đây mai đó khiến anh T. thường nghi vợ không chung thủy. Sự nghi ngờ này khiến cho hai vợ chồng luôn xung đột. Đến đầu năm 2006, anh T. gửi đơn ra tòa đòi ly hôn. Do chị L. cũng đồng ý nên ngày 10-5-2006, tòa ra quyết định công nhận việc thuận tình này Sáu tháng sau, chị L. sinh thêm một bé gái. Làm giấy khai sinh cho con chị vẫn khai tên cha là anh T. Được một thời gian, do hoàn cảnh khó khăn, chị L. yêu cầu anh T. góp thêm tiền để nuôi bé thứ hai. Anh T. không đồng ý vì cho rằng bé không phải con mình. Thấy anh T. dây dưa từ chối trách nhiệm của người cha, chị L. làm đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện T. (tỉnh Quảng Bình) giải quyết buộc anh T. phải cấp dưỡng nuôi bé. Sau khi xem xét đơn khởi kiện, tòa cho rằng chị L. sinh cháu bé sau khi đã ly hôn nên để có cơ sở buộc anh T. cấp dưỡng nuôi con, chị phải làm đơn yêu cầu tòa án xác định cháu bé này là con anh T. Sau khi có kết quả, tòa mới xem xét giải quyết vụ kiện đòi cha cấp dưỡng

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctailieu.doc
Tài liệu liên quan